Thuyền trưởng Jeon phát biểu tại buổi họp báo 2004, bên cạnh
thuyền nhân Nguyễn Hùng Cường (trái), người đã liên lỉ tìm ông trong gần 10
năm.
|
1. Cha
về với Biển
Em viết email ngắn. Ngắn hơn bình thường. Nhưng em nói ngay
từ đầu: Em có tin buồn. Rất buồn.
Cha mất rồi. Em buồn lắm, vì không về thọ tang Cha được. Em
đang xin thẻ xanh. Sắp được phỏng vấn. Vợ chồng em định năm sau, khi em đã
thành thường trú nhân, sẽ về thăm Cha Mẹ. Ngày tạm biệt Cha lên đường đi Mỹ du
học bốn năm trước, đã thành vĩnh biệt.
|
Con gái thuyền trưởng mặc áo dài Việt Nam
|
Mẹ
gọi em để báo tin sáng nay. Mẹ nói tim Cha tự nhiên ngưng đập. Họ hàng ở quê phụ
Mẹ lo tang lễ. Mẹ nói Mẹ không sao, nhưng Mẹ lo cho em nhiều hơn.
Em vẫn không thể tin là Cha đã ra đi. Em khóc cả ngày.
Tôi an ủi em. Mong em cố bình tâm. Tôi có làm gì được cho em
không? Em không muốn liên lạc với ai trong lúc này. Em nhờ tôi báo cho chú Cường
biết. Em không thể nhắc đến Cha trong lúc này, mà em cũng không biết nói làm
sao để báo tin mà không khiến Chú bị kinh ngạc. Chú Cường là thuyền nhân duy nhất
trong số 96 đã liên lỉ đi tìm tung tích của Cha sau khi định cư tại Mỹ, và đã
được tái ngộ với Cha năm 2004 nhờ sự giúp đỡ của một nữ y tá người Đại Hàn, đồng
nghiệp của Chú.
Tôi nghẹn lòng. Cha em có quả tim rất lớn và rất tốt, nhưng
nó đã ngưng đập, có lẽ vì những tân toan ông phải gánh chịu ở nửa phần đời sau
của ông. Từ một thuyền trưởng sáng giá với đời sống sung túc, sự nghiệp viên
mãn, gia đình đuề huề, ông đã trái lệnh thượng cấp để vớt 96 thuyền nhân Việt
Nam chơi vơi trên biển ngày 14 tháng 11, 1985. Đúng 34 năm sau, ngày 17 tháng
11, 2019, ông lại ra Biển. Ông đi một mình. Ông đi luôn. Sau 78 năm giữa cõi
người.
Sau khi cứu thuyền nhân Việt Nam, ông bị cất bằng lái tàu vì
trái lệnh cấp trên, và thất nghiệp. Để nuôi sống gia đình, ông xoay qua làm nghề
hải sản. Những năm gần đây, sức khoẻ ông yếu đi nhiều. Công việc ngày càng trở
nên nặng nề, ông lại thua lỗ liên tục. Em nói, nhà Ngoại lo liệu hết cho đám
tang của Cha. Ông đã ra đi với hai bàn tay trắng. Nhưng trái tim của ông rất đầy
- đầy tình yêu dành cho tha nhân, và đầy những lời tri ngộ mà tất cả những ai
đã biết ông, dù không ở trong số 96 thuyền nhân may mắn kia, cũng trân trọng và
yêu quý ông.
|
Thuyền trưởng Jeon Yong
|
Nghĩa cử
cao cả của thuyền trưởng Jeon không chỉ là một ánh sáng trong quá khứ. Nó rực
lên mỗi khi một con dân Việt - hay bất cứ một nhân sinh nào - đang lao lung ở bất
cứ nẻo đường nào trên bề mặt trái đất, khao khát tìm một chốn tựa nương. Nghĩa
cử ấy sẽ cho những người Việt lưu vong trong phút lầm than một niềm tin vào
tình người. Một niềm tin, mà như nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng vẫn khẩn thiết nhắn nhủ
gọi mời, “Bên Em Đang Có Ta.” Nghĩa cử ấy là một niềm hy vọng, một nỗi ủi an,
cho những người Việt vẫn đang bỏ xứ ra đi ở năm 2019, trong những hoàn cảnh
nghiệt ngã nhất. Đi sống, về chết. Như 36 thi hài đang hồi hương từ Anh Quốc.
Thuyền trưởng Jeon đã cứu 96 thuyền nhân giữa biển khơi bão tố năm 1985. Nhưng
không có ai cứu 36 ‘thùng nhân' trên đất liền năm 2019. Và hàng trăm ngàn những
‘bộ nhân,’ ‘rừng nhân’ rời quê hương đi tìm một lối thoát cho chính mình và gia
đình trong suốt 44 năm qua, đã bỏ mạng lưu thân nơi đất khách.
Thuyền trưởng Jeon đã về với biển. Ông thảnh thơi ở thế giới
bên kia. Ông là tộc trưởng của 96 thuyền nhân, mà từ 96 người này còn hàng trăm
người khác, sinh mạng khác, đã được ra đời, đã được cưu mang, đã được thăng tiến.
Đã đến đời thứ ba, kể từ cái ngày định mệnh đầy ân phúc cho 96 thuyền nhân và
không ít tai ương cho ông. Ông không có liên hệ máu mủ với họ, nhưng ông là tộc
trưởng. 96 người Việt có vinh hạnh được gọi ông là người khai sinh lại cuộc đời
của họ. Tộc trưởng Jeon. Vĩnh biệt Ông! Xin cám ơn Ông đã dám chọn hy sinh đời
mình và sinh kế của gia đình Ông cho những thuyền nhân không quen biết.
Mùa hè năm 2004, trong thời gian chuẩn bị qua Châu Âu nghiên
cứu về người Việt tại Thuỵ Điển qua chương trình Fulbright của Bộ Ngoại Giao
Hoa Kỳ, tôi được mời giúp tổ chức chương trình tri ân Thuyền trưởng Jeon tại Quận
Cam. Vì đã biết Chú Cường từ mười năm trước, khi mới đến Mỹ và phục vụ trong
Ban Xã Hội do Linh mục Mai Khải Hoàn thành lập tại Giáo xứ Westminster, tôi thu
xếp đến dự buổi họp đầu tiên. Để từ đó, tôi không chỉ có dịp cùng cộng đồng Việt
Nam và Hàn Quốc tri ân thuyền trưởng Jeon và gia đình, mà còn có dịp làm bạn với
con gái ông trong suốt 15 năm qua.
Đoản văn bên dưới đã được dịch sang tiếng Ðại Hàn và đăng
trong số ngày 7 tháng Tám, 2004 của tờ Korea Daily. Tôi chân thành cảm ơn phóng
viên Brian I Choi đã mời tôi đóng góp cảm nghĩ trong tư cách là thành viên của
Ban Tổ Chức Tuyên Dương Thuyền Trưởng Jeon. Sau khi đọc bản tiếng Anh của bài
này, anh đã gọi nó là “bức thư tình tuyệt vời cho cộng đồng Hàn Mỹ và thuyền
trưởng Jeon.” Xin được ghi lại ở đây nguyên văn cả phần tiếng Anh và tiếng Việt,
như một lời tiễn biệt đến vị ân nhân quá cố.
|
Hình ảnh 96 thuyền nhân được Thuyền trưởng Jeon cứu
|
2. Hãy để Lòng Nhân Ái Ngân Vang!
Tôi vẫn coi những cử chỉ nhân ái bình thường là những phép lạ
trong đời sống hằng ngày.
Nhưng cũng có những nghĩa cử siêu thường làm gợn sóng bề mặt
đại dương của đời sống nhân loại. Vị thuyền trưởng Jeon đã có những nghĩa cử
siêu thường đó.
Tôi gọi cuộc tái ngộ này là nửa thứ hai của một phép lạ kép.
Nửa đầu xảy ra trên hải phận quốc tế ngày 14 tháng 11 năm 1985. Trong tuyệt vọng,
96 thuyền nhân Việt Nam chờ chết trong khi nhiều tàu thuyền dửng dưng đi ngang
qua và bão tố đang nổi lên. Nhưng một chiếc thuyền đã trở lại và thuyền trưởng
Jeon đã bất tuân chỉ thị của cấp trên để cứu mạng những thuyền nhân. Cuộc hạnh
ngộ này không chỉ cho phép vị ân nhân và những người sống sót gặp nhau, nhưng
nuôi dưỡng tình liên đới giữa các cộng đồng sắc tộc thiểu số, và là một cuộc hội
ngộ các cộng đồng và văn hóa, cũng như thắt chặt tình người. Chúng ta rất mang
ơn nguồn cảm hứng cho tất cả những điều tốt đẹp này, đó là thuyền trưởng
Jeon.
Tôi rất hân hạnh là một thành viên trong Ban Tổ Chức để quán
xuyến những sinh hoạt liên quan đến chuyến viếng thăm của thuyền trưởng Jeon tại
quận Cam. Thật là xúc động khi tôi nghe ông hỏi thăm chú Nguyễn Hùng Cường về từng
thuyền nhân một, qua sự thông dịch của ông Sukhee Kang. Trong buổi họp báo ngay
sau khi ông đến quận Cam, thuyền trưởng có nói là ở tuổi của ông, ký ức đã bắt
đầu suy giảm. Thế thì nhóm 96 quả thật đã có một chỗ rất đặc biệt trong lòng
ông, khi ông nhớ từng người một hết sức tỉ mỉ từ giấc mơ đến hoàn cảnh của họ.
Trên phương diện cá nhân, tôi rất cảm kích văn hóa và dân tộc
Nam Hàn qua tình bạn mật thiết với cô Joanna Ahn. Cô đã giúp cho tôi thấu hiểu
nhiều điều về văn hóa Ðại Hàn và Hàn Mỹ. Khi tôi nhờ cô dạy cho tôi một bài hát
Ðại Hàn, tôi được học bài Arirang mà tôi vẫn thích hát một mình từ dạo đó. Ðó
cũng là lý do tôi đề nghị bài hát này được hát chung trong buổi tuyên dương
thuyền trưởng Jeon. Thật là một điều vui mừng khi mọi người cùng hát Arirang “Gần
nhau” vào Chúa nhật 8 tháng 8, 2004. (“Gần nhau” là bài hát tiếng Việt được mọi
người hát chung sau khi hát bài “Arirang.”)
|
Thuyền trưởng Jeon cùng gia đình và thân hữu tại bữa tiệc
vinh danh ông năm 2004 tại Little Saigon
|
Chúng ta
không thể nào đáp trả một cách trọn vẹn những nghĩa cử cao đẹp, nhưng
hành động nhân ái của thuyền trưởng Jeon sẽ được tưởng lệ để vinh danh sự đáp
trả của ông cho một tiếng gọi từ bên trong – tiếng gọi để giúp tha nhân và đồng
loại, đặc biệt những ai đang gặp nguy khốn.
Mỗi người chúng ta đều được mời gọi để dự phần vào phép lạ
này, để cùng nhau cám ơn một người đã làm gương một cách trọn vẹn về tình người
và dám quên mình vì tha nhân.
Quả thật, hãy để cho lòng nhân ái ngân vang!
Let Kindness Ring!
I consider ordinary acts of kindness as true miracles in our
everyday life.
Yet there are some extraordinary acts of kindness that send
ripples across the ocean of human existence. Captain Jeon has taken such
extraordinary acts.
I call this reunion the second half of a double miracle. The
first half took place in the international seas on November 14, 1985. In
desperation, 96 Vietnamese boat people watched death coming at them as many
ships passing by and the storm at their heads. Yet one ship did return and
Captain Jeon had disobeyed his superior to save their lives. This reunion does
not only bring together the rescuer and the survivors, but it also fosters
inter-ethnic fellowship, celebrates communities and cultures, and fortifies
human solidarity. We owe it all to one source of inspiration - Captain
Jeon.
I feel honored to have been part of the committee to organize
the activities pertaining to Captain Jeon’s visit in Orange County. It was
indeed inspiring to listen to him ask Peter Nguyen, through the interpretation
of Sukhee Kang, about the 96 boat people and how each of them is doing. During
the press conference immediately following his arrival, he said that at his
age, memories are fading. Then the 96 truly have had a special place in his
heart, when he remembers them each by their dreams and situations.
On a personal level, I have come to appreciate the Korean
culture and people through friendship. One of my best friends, my dear Joanna
Ahn, has taught me so much about the Korean/American culture. I asked her to
teach me a Korean song, and I have been singing Arirang ever since. That was
why I came about suggesting this song to be sung by the congregation at the
reception honoring Captain Jeon. I am glad that this Sunday August 8, 2004, we
will be singing Arirang “Side-by-Side.”
Acts of kindness can never be fully reciprocated, but the
single deed of Captain Jeon will be celebrated this Sunday to honor his
response to the call from within - the call to help his fellow humans,
especially those in danger.
We are all invited to be part of this miracle. Let us join
in thanking the man who exemplifies humanity and selflessness.
Indeed, let kindness ring!
(*) “Side-by-Side” is the title of the Vietnamese song that
was sung following “Arirang.”
This article was translated into Korean and included in the
August 7, 2004 issue of the Korea Daily. Many thanks to reporter Brian I Choi
for inviting me to share my thoughts, which he called “a great love letter to
the Korean American community and Captain Jeon.”
Trangđài
Glassey-Trầnguyễn