31 December 2019

HO HO HO - Hồ Đình Nghiêm


Giáng Sinh còn xa, người ta đã ham vui sớm. Một vài ngả tư, trong thương xá chộn rộn, có kẻ nhập vai ông già Noel, tay thỉnh thoảng rung chuông nhỏ, miệng lâu lâu phát tiếng cười hô hô hô. Con trẻ đa số đều nhìn mê đắm, có bà mẹ bồng con lại gần xin chụp ảnh chung thì đứa mười mấy tháng tuổi nằm trước ngực mẹ an ổn kia liền dong tay phản đối, cựa mình khóc thét lên, ba phần thất kinh bảy phần khiếp vía. Mẹ đành đỏ mặt ẵm tiếng khóc khôn nguôi nọ đi xa khỏi hiện trường. Khóc tới độ ngứa cổ phát ho.


Ho đội mũ thành hô. Hô thêm dấu huyền thành hồ. Hồ tới sông, sông ra biển, cũng là thuỷ nhưng có phận nhỏ, nước vừa rồi nước lớn. Phẳng lặng đến lao xao xong chuyển đổi thành sóng gào bất tận đêm ngày. Hồ cũng là danh xưng của một họ (ho thêm dấu nặng). Họ Hồ chẳng mấy nhiều, không phổ thông như Nguyễn Trần Lê Phan… và bị lắm người “ghét ra mặt”. Mình mang ho tới hô rồi hồ, may kết giao bằng hữu chưa thấy ai chê bai. Bạn bè có khi chỉ đùa nghịch gọi “ê chú Hồ kia”. Chú nhỏ thua bác, chú này như kiểu chú em. Mấy bạn trẻ tuổi dùng chữ chú thì chuẩn mực khi phân định ra vai vế, vậy chứ nhiều lúc mình cũng muốn phân trần “xin đừng gọi anh bằng chú”. Có cô nghe lời, đổi cách xưng hô: Anh Hồ! Cô bạn đẹp gái này mang tên Hồng Minh.
Do bởi nghe anh, em ngọt như mía lùi (lời đường mật?), mình bùi tai một chốc thì sực nhớ tên “em” hơi bị quen, xa xưa hình như đã có nhiều người nhắc tới. Để nhớ lại nha: Hồ Chí Minh, hay Nguyễn Ái Quấc, hay kẻ sở hữu tới 100 bí danh từng khi “tối lửa tắt đèn” thò què thọt quẹt ăn nằm nhiều phen với vợ đồng chí Lê Hồng Phong là bà Nguyễn Thị Minh Khai. Việc kách mệnh căng, tớ phải tìm cách thư giãn tới bến với đằng ấy. “Có thương thì đóng cọc, xin đừng mân mó nhựa ra tay”. Một người nữ họ Hồ khác từng nôm thế. Nhựa mủ không dính tay, nhựa chảy vô. Vô ngập lụt nên Minh Khai đành mang cái trống chầu, giọt máu bất chính tượng hình ra o con gái mang tên ghép Lê Nguyễn Hồng Minh. Sử không chép rõ là Lê Hồng Phong có giận tím tim gan, có tức tới thổ huyết mà căm giận cách hành xử mèo chuột của đứa mất đạo đức ấy? Chơi với bạn mà âm mưu ngủ ngáy chung giường với vợ của bạn, động thái ấy coi sao đặng mấy cha?

Lịch sử có tái diễn trò đùa chơi cha thiên hạ không? Nếu chú Hồ thèm ăn mít em Hồng Minh xinh trẻ hôm nay? Và ắt hẵng là chuyện sẽ bị lộ hàng, đổ bể thì chỉ có nước chú Hồ đành trốn vào nhà chung Facebook mang hai bí danh “Hồ Chít Roài” hoặc “Hồ Kinh Thặc”, khi viết phản hồi thường không quên đệm chữ He he he hoặc hi hi hi (duyên dáng đáo để). Dĩ nhiên chú vén tay áo mần thơ post lên:

Đau khổ chi bằng xôi hỏng bỏng không
Trốn chui trốn nhủi cũng không xong
Hồng Minh hỡi chớ ngồi trông ngóng
Ta chạy làng đây, thường ngày ở huyện mình.

Em chớ có thơ thẩn tức cảnh sinh tình mà làm gì, nhé. Em đừng nói giọng kiểu “ngoài ta”:

Cơn gió lào thổi lóng cực đoan
Lói với em tôi đang nẻ noi.

Chính bản thân Hồng Minh cũng chả mấy thương cái tên do chính bố mẹ đặt cho, cô không lấy bí danh, chỉ đảo ngược thành Minh Hồng. Cô có người yêu và anh chàng đẹp trai con nhà giàu học giỏi ấy không thích chú Hồ. Mình hỏi, Minh Hồng thuật lại lời tình nhân: Gần mực thì đen, đi với ma mặc áo giấy. Ghen với người già tuổi ư? Ảnh nói dạo này em toàn làm thơ quan tâm tới cảnh trái ngang của dân tình trong nước mà lơ trau chuốt thơ tình lãng mạn như thuở nào. Chuyện phẫn uất hãy để chú ấy lo, em là con gái nên dịu dàng liễu rũ. Và ảnh kết luận “vắng mợ chợ vẫn đông”. Em thấy đó, trên facebook toàn cả thơ ca cẩm chuyện gái trai mèo mả gà đồng mà có cả vạn cái “like”.
Vì tương lai, Minh Hồng lặng lẽ bỏ đi không nói một lời. Mấy ông bạn già bàn luận: Cháu ấy bỏ chú là phải thôi, chú là cái thá gì, cháu còn lo vun đắp chuyện riêng tư tình cảm thắm thiết với một nửa sắp thành cặp đôi hoàn hảo. Chú nên vắt óc dệt vần thơ chúc mừng ngày thành hôn của cháu nó là vừa. Vớ vẩn thật. Mình tự nhủ với những chữ tại sao? Tại sao mình đọc tin tức tức mình? Tại sao mãi khó chịu với tại sao? Tại sao để Nhật không tuân thủ yêu cầu, tha hồ quậy sông Tô Lịch? Tại sao Trung quốc giúp xây sân bay Long Thành ta lại la ó? Tại sao dân không bỏ vàng ra xây dựng đất nước? Tại sao 4000 năm ngăn được giặc Tàu không cho chúng tràn qua, mà sau 40 năm thống nhất, Tàu nó sang như vào chỗ không người? Tại sao ta vô địch bóng đá thì mọi nhà tràn ra đường mừng vui mà địch vô thì tất cả im re bà rù? Tại sao từ bao thế kỷ trước Hoàng Cảnh Nhân lại ngửa mặt lên trời trong đêm trừ tịch mà than: “Nhữ bối hà tri ngô tự hối, uổng phao tâm sự tác thi nhân”. (Bọn trẻ đâu biết ta hối hận, uổng đem tâm trí để làm thơ)? Do đâu? Vì bọn trẻ không hiểu ra lời tâm huyết? Vì Minh Hồng mãi tự sướng với những vần thơ hờn anh giận em?
Chú chẳng là cái thớ gì đối với cháu cả. Cuối năm thấy lòng cạn niềm vui nên “phát ngôn ninh tinh” vậy thôi. Chú biết đưa lên phây bút chả ai ưa đâu, thôi thì viết ít câu gia cảnh, mượn tấc lòng thế lời giã từ ngày cháu sang sông về nhà chồng.

Ngồi đây ly rượu tàn năm lạnh
Nghe già nô en gọi tên mình
Hô hô hô thêm sắc thành hố hố
Đứa em bên nhà đi bão vào nhà thương
Có đứa lột áo em để xem ngực
Đứa cởi quần mang di động ra quây
Anh vừa gửi về em hai trăm vá víu
Máu huyết ruột rà nghe lòng chấn thương
Lá rách có khi cũng đùm lá nát
Giận vô cùng nát ấy quá hư thân
Xe anh cho đầu năm cuối năm thành sắt vụn
Em bảo chữ trinh bây giờ chỉ 100 K
Anh thắp nhang cha mẹ sinh con trời sanh tính
Bao khôn lanh em đoạt hết từ anh
Khù khờ anh chưa tới lúc trời độ
Thôi có đoái hoài hãy che chở giùm em
Tuần sau lễ anh có thêm chút bonus
Lại nắn nót tên em trao quà Giáng Sinh
Anh xa em đến đây làm kẻ lạ
Em nói về sợ đi lạc giữa cố hương
Thôi thì lạ vì đành khác chủng tộc
Buồn vô biên anh em không nhận ra nhau
Năm mới đến chẳng biết chúc em điều gì
Em từng bảo sống ngày nào hay ngày đó
Ngày nào của anh đã là ngày đó bên em
Khi xuất viện nhớ gửi anh xem ảnh mới
Tôn trọng anh chớ mặc áo cờ đỏ sao vàng
Như có chú Hồ đơn thân ngồi nhậu
Hát vang trời có chết thằng tây nào đâu !


Hồ Đình Nghiêm