“Mình ơi!” là một mục thường xuyên trên tờ bán nguyệt san Phổ
Thông xuất bản năm 1958 tại Saigon do nhà thơ Nguyễn Vỹ chủ trương. Đây là một
mục giải đáp các vấn đề khoa học, văn hóa cho độc giả, nhưng ông Nguyễn Vỹ
đã dàn dựng như là những câu hỏi của vợ hỏi chồng, như - “Mình ơi! Đệ Chiến
thứ I xẩy ra hồi nào? - “Mình ơi! Ai là người phi công đầu tiên bay qua Đại
tây Dương?”
Ở hải ngoại, nhạc sĩ Diệu Hương có sáng tác bản nhạc “Mình
ơi!” rất nổi tiếng để nói về tình đằm thắm cũng như nỗi chia cách của một đôi vợ
chồng:
“Đôi chim là chim ríu rít trên cành
Em yêu là yêu tiếng gọi của Mình là Mình, Mình ơi !”
Bùi Giáng cũng đã viết về “mình:”
- “Mình ơi! Tôi gọi là nhà. Nhà ơi! Tôi gọi mình là nhà
tôi!”
Chúng ta cũng còn nhớ đến câu ca dao tình tứ sau đây:
- “Mình về mình nhớ ta chăng? Ta về ta nhớ hàm răng mình cười!
- “Ta về ta cũng nhớ mình. Nhớ yếm mình mặc, nhớ tình
mình trao!”
Vậy tiếng “mình” trong các trường hợp ở trên đều để chỉ về
những nhân vật thân tình như vợ chồng, người yêu hay bồ bịch, đâu có thể dùng
không đúng chỗ với người khác, để có ngày bị chửi vào mặt. Lấy một ví dụ, có gặp
một cô gái không quen biết ngoài đường, mà một thanh niên dám mở miệng hỏi: “Mình
cho tôi biết bây giờ là mấy giờ rồi?” thì thế nào cũng bị ăn một câu chửi
hay bị một cái lườm, hay bị gọi là “đồ vô lại!” Lại ví như vào tiệm ăn, mà
khách tìm hỏi một cô hầu bàn: “Mình chỉ cho mình phòng vệ sinh ở
đâu?” thì hy vọng được gọi là “Cha già dịch!”
Vậy mà bây giờ ở đất Bolsa này đi đâu cũng gặp “mình” và được
gọi bằng “mình!”
Mua một món hàng, lớ ngớ chưa biết đắt rẻ thế nào, thì đã được
cô bán hàng nở một nụ cười rất là “khuyến mãi:” - Cái này mình bán $22
thôi!” Nghe đến mát cả ruột gan!
Khách được gọi bằng “mình” (ngôi thứ hai, số ít) và người
nói cũng tự xưng là “mình” (ngôi thứ nhất, số ít.)
Thử tưởng tượng, mới vào quán ăn, vừa kéo ghế ngồi thì đám
khách đã được một “tiếp viên- du học sinh” bước lại hỏi - “Mình đi mấy
người?” và có thể hỏi tiếp câu thứ hai: -“Mình ăn gì?”
Thế là chưa ăn, mà đã thấy no ngang hông rồi:
- “Heh! Vừa thôi chứ! Đồ mất dạy! Tao tuổi
không chỉ những đáng bố của mày, mà còn là lớn hơn ông nội của mày nữa! Mày
xưng “mình” với ai và gọi “mình” với ai đây? Cứ là cá mè một lứa, vào gọi bà chủ
của mày ra đây!”
Nhưng thôi, một sự nhịn chín sự lành. Thời thế, thế thời phải
thế! Chuyện đã tràn lan ra ở hải ngoại. Tiếc là “mình” tránh không muốn nghe những
câu nói này ở Hải Phòng, Hà Nội mà cuối cùng lại phải nghe nó ở Cali, Texas và
trên khắp nước Mỹ. “Mình” cũng trách mấy ông bà chủ nhà hàng không biết “dạy”
nhân viên cho phải phép. Trước khi cho nhân viên vào việc, ít nhất phải có một
buổi “Orientation” (định hướng hay hướng dẫn) như chuyện các công ty ở Mỹ đã
làm.
Xin đọc một mục “Tìm Bạn Tri Âm” trong một tờ tuần báo Việt
xuất bản tại Mỹ, của một người tự xưng là “mình” tìm vợ cho đứa cháu trai đang ở
Việt Nam: -“Mình có một đứa cháu trai 30 tuổi, kỹ sư xây dựng, đang làm việc
cho một công ty nước ngoài ở Nha Trang. Vì cả gia đình mình đều đang định cư tại
Mỹ, nên muốn tìm cho cháu mình một người bạn đời ở Mỹ, có quốc tịch.
Cháu mình hiền lành, không cờ bạc rượu chè. Mong gặp người đạo đức, thật
thà. (4832- TX-Aug 4.)
“Mình” này đang ở Mỹ, nhưng mới đến Mỹ, chưa học được phong
tục, lề thói của nước Mỹ.
Thay vì dùng hai chữ “chúng tôi” một cách đứng đắn để nói về
một nhóm người, lại thấy trên mục rao vặt:
“Nhóm mình gồm những du học sinh đã tốt nghiệp các trường đại
học hàng đầu Anh Quốc, có cung cấp dịch vụ hỗ trợ các bạn sinh viên hoàn thiện
essay, assignment...”
Có diễn giả, tóc bạc, nói chuyện văn học, lên diễn đàn, nói
trước “micro” cũng một xưng mình, hai xưng mình, nghe thân mật và “người nhà” hết
cỡ!
Cứ tình trạng “mình ơi!” này phát triển, rồi đây ở Việt Nam,
Quý Linh Mục, Thượng Tọa sẽ mở đầu bài giảng ở chốn tôn nghiêm, bằng chữ mình:
“Mình xin chào...” Ca sĩ lên sân khấu thì “Mình xin trình bày bài...” Giáo
sư với sinh viên thì “Mình sẽ nói về...”
Rồi lại “cả nhà!” Minh Mập vừa ở tù ra đã gửi lời “Cám ơn cả
nhà!” Chào cả nhà!” Không biết ai là cả nhà của anh này!
Trên sân khấu, chưa thấy ai gọi khán giả, quan khách là
“Mình ơi!” nhưng “Quý Vị ơi!” đã thấy quá nhiều! Quý Vị là danh xưng tôn trọng,
“ơi” là tiếng gọi thân mật, âu yếm để cha mẹ gọi “Con ơi!” bồ bịch gọi nhau là
“Mình ơi!” Bây giờ lại được nghe tiếng gọi ngọt ngào từ MC: “Quý Vị ơi!”
Sau khi thua trận, hình như miền Nam được nhập khẩu (xin giải
thích là qua đường miệng) những câu nói, danh từ rất là tùy tiện. Trong cơ
quan người ta gọi thủ trưởng bằng Chú Tư, Bác Năm, tất cả đều là nhà, thân mật..
Ở hàng quán, chỗ công cộng, lời nói, sự giao tiếp quá thân mật, suồng
sã không phải chỗ.
Chúng ta không đánh giá cao cái gọi là Nghị Quyết 36 của VC,
nhưng lối sống, suy nghĩ hời hợt, dễ dàng của chúng ta ở hải ngoại đã để những
kẻ hở cho thứ văn hóa trong nước xâm nhập. Từ một bản tin, những show truyền
hình được các đài TV trong nước sản xuất đem “cho không” hải ngoại, đến cả
nguyên những chữ dùng mới, lối ăn nói tùy tiện bắt đầu du nhập vào cộng đồng
người Việt chúng ta, vì một trong những mục đích của NQ.36 đã ghi rõ là “Đảng
và Nhà nước ta muốn tạo sự đồng bộ của người Việt Nam trong và
ngoài nước...”
Muốn đồng bộ được người khác thì trước hết phải làm công tác
đồng hóa.
Người xưa đã nói: “Người quân tử hòa mà không đồng...” Đối
với chế độ Cộng Sản trong nước, chúng ta đã không thể nào đồng, thì cũng
khó có thể hòa được!
Huy Phương