Khi đất nước tôi không còn chiến tranh, mẹ già lên núi tìm xương con
mình. (Trịnh Công Sơn)
Vài tháng trước, TTXVN và tất cả báo chí nhà nước đều long trọng
đi tin “Kỷ Niệm 51 Năm Ngày Chiến Thắng Khe Sanh – 9/7/1968.” Vào
thời điểm này, tôi còn là một thiếu niên ăn chưa no lo chưa tới
nên không hiểu chi về chiến sự hay thời cuộc. Mãi cho tới bữa rồi,
đọc thơ Phùng Cung mới biết được cái giá mà nhiều người
dân Việt phải trả cho trận chiến Khe Sanh:
Con vừa mười sáu tuổi đời
Nửa đêm vay tuổi lấy người chiến tranh
Đèn con tiễn đến cổng đình
Quay về hụt bước ngỡ mình chiêm bao
Khe Sanh – Dốc miếu là đâu
Vắng con nhớ đến bạc đầu cô đơn
Máu chiều gội đỏ hoàng hôn
Nghĩa trang mồ giả, nắm xương không mồ…
Hai mươi lăm năm sau, sau khi cuộc chiến Nam/Bắc đã tàn, vẫn còn 300
ngàn “nắm xương không mồ” của những người lính miền Bắc Việt Nam rải
rác trên đất nước này: “about 300,000 North Vietnamese soldiers killed in
the war whose remains have not yet been located–and likely never will be.
(Rajiv Chandrasekaran. “Vietnamese Families Seek Their MIAs.” Washington Post,
3 April 2000: A01).
Tác giả bài báo thượng dẫn cũng trích lời của ông Trần Bạch
Đằng – người đã từ trần vào năm 2007, và được truy tặng danh hiệu là
Kẻ Sĩ Nam Bộ bằng một tác phẩm cùng tên – về sự
kiện này: “Phải cân nhắc sự tốn phí trong việc tìm kiếm những người
lính mất tích với nhu cầu chăm sóc cho những kẻ còn sống sau cuộc
chiến… Có ích gì để đào bới xương cốt lên lên nếu chúng tôi không
thể xác định được họ là ai?” (The cost of searching for missing
soldiers must be weighed against the need to care for the survivors of the war
… What good will it do to dig them out of the ground if we cannot determine who
they are?” said Tran Bach Dang).
Thái độ vô tâm, vô cảm hay vô ơn của kẻ sỹ Trần Bạch Đằng (nói
riêng) và của Chính Phủ VN hiện hành (nói chung) đã tạo điều kiện
lý tưởng để xứ sở này phát sinh ra những nhà ngoại cảm. Họ nhận
được sự đồng cảm của tất cả mọi người nên cả nước cùng bước vào
một một thời kỳ lên đồng không ngắn:
– Ngày 7 tháng 11 năm 2011, bà Nguyễn Thị Kim Ngân, Bộ Trưởng Bộ Thương Binh &
Xã Hội, đã ký quyết định tặng bằng khen cho 38 nhà ngoại cảm “có
nhiều đóng góp trong công tác tìm kiếm qui tập hài cốt liệt sỹ.”
– Ngày 4 tháng 11 năm 2013, tại Trụ sở Bộ Quốc phòng đã
diễn ra Hội nghị Ban Chỉ đạo Quốc gia về tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ. Tới
dự và chỉ đạo Hội nghị có đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ
tịch Ủy ban Trung ương MTTQVN, Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng ban Chỉ đạo Quốc
gia tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ.
– Ngày 30 tháng 9 năm 2013, Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng
ký Quyết Định (1237) phê duyệt “Đề án tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ từ
nay đến năm 2020 và những năm tiếp theo…”
Sự nghiệp chính trị của ông Dũng, tiếc thay, không kéo dài được
đến năm 2020. Số phận của cái Quyết Định 1237 cũng thế. Báo Tuổi Trẻ, số ra ngày 16 tháng 10 năm 2015, buồn bã
loan tin:
“TAND tỉnh Quảng Trị tiếp tục thẩm vấn các bị cáo trong đường dây lừa đảo
tìm hài cốt liệt sĩ do Nguyễn Văn Thúy (tức ‘cậu Thủy’) cầm đầu. Sau khi
nghị án, Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Trị đã công bố … ‘cậu Thủy’ Nguyễn Văn Thúy
phải chấp hành hình phạt chung là tù chung thân cho hai tội lừa đảo chiếm đoạt
tài sản và xâm phạm mồ mả hài cốt. Mẫn Thị Duyên (vợ Thúy) 25 năm tù, Mẫn Đức
Phương (em vợ Thúy) 18 năm tù, Nguyễn Anh Chiều 5 năm tù, Nguyễn Trường Sơn 15
năm tù cùng về hai tội lừa đảo và xâm phạm mồ mả hài cốt. Nguyễn Văn Hoành 23
năm tù về 3 tội lừa đảo, xâm phạm mồ mả hài cốt và trộm cắp tài sản.”
Rõ ràng là cả nước đều nhập đồng tập thể (kể cả những giới
chức lãnh đạo cao cấp nhất) nhưng đến khi “đồng off” thì chỉ có
những nhà ngoại cảm bị bỏ tù thôi, với những tội danh rất nặng nề:
“lừa đảo chiếm đoạt tài sản và xâm phạm mồ mả hài cốt và trộm cắp tài
sản.” Nói cho khách quan thì họ cũng chả có “xâm phạm” hay “trộm
cắp” gì ráo trọi mà chỉ có tội là dùng xương xúc vật giả làm hài
cốt liệt sỹ để kiếm chút đỉnh tiền sài (chơi) thôi.
Thôi, thế cũng xong. Chuyện xương cốt giả đến đây coi như là chấm
hết. Kế tiếp là chuyện mồ mả giả. Báo Tuổi Trẻ, số ra ngày 3 tháng 12 năm 2019, ái ngại
loan tin: “Tỉnh Bắc Kạn họp gấp về vụ 13 mộ liệt sĩ không có hài cốt…”
Blogger Trân Văn cho biết thêm nhiều tình tiết:
Phải mất 51 năm sau khi 13 thanh niên xung phong (TNXP) của C933 – N92
Thanh vận tử nạn tại đập Yên Minh (tọa lạc tại xã Thanh Vận, huyện Chợ Mới,
tỉnh Bắc Kạn), thân nhân của họ mới được Sở Lao động – Thương binh – Xã hội (Sở
LĐTBXH) tỉnh Bắc Kạn vời đến để thử ADN, nhằm xác định danh tính cho từng bộ
hài cốt…Đáng nói hơn là khi khai quật, không ngôi mộ nào trong số này có hài
cốt! Lòng mộ chỉ có những túi nylon đựng… đất và đá!
…
Trước sự kiện vừa kể, Lợi Phan và nhiều thân hữu cùng buột miệng than:
Chúng nó ăn cả hài cốt! Thi Kim Vang Massmann nhấn mạnh sự phẫn nộ khi liệt sĩ
cũng bị… “làm thịt” và “ăn” không chừa cả xương. Loc Pham nhận định: Tạo lập mộ
giả vốn là một kiểu kiếm tiền và gian – giả thì đã là “chuyện thường ngày” của
“cán bộ”.
Tương tự, trên facebook của Dương Sông Lam, sự kiện 13 mộ liệt sĩ chỉ
chôn đất đá làm dậy lên những tiếng nguyền rủa vì chỉ có súc vật mới hành xử
như thế. Một số người không đồng tình, theo họ, hành xử như thế còn tệ hơn cả
cầm thú! Quoc Viet Hoang nhắc rằng, “ăn” cả xương liệt sĩ không phải là chuyện
lạ, mới xảy ra lần đầu, ở Quảng Trị đã từng xảy ra chuyện dùng xương trâu, bò
để làm giả hài cốt liệt sĩ kiếm tiền…
Tôi thì e rằng những vị thức giả vừa nêu đều đã “bức xúc” hơi
quá mức cần thiết. Trong một quốc gia mà Độc Lộc – Tự Do – Hạnh
Phúc cũng toàn là của giả (cả) thì những nắm xương không mồ hay
những nấm mồ không xương, thiết nghĩ, chả đáng chi để phải ầm ĩ cả.
Chuyện nhỏ thôi mà!
Tưởng Năng Tiến