28 December 2019

NẮNG MÙA THU TRÊN THÀNH QUÁCH CŨ - Tống Văn Thụy


‘’Con đã đi bao năm/ mẹ không rời ngưỡng cửa/ và nay/gió cũng tang bồng…’’ (Ngô Kha). Tôi quay về Huế trong gió hiu hiu và nắng vàng thắm thiết mùa thu. Nếu có một thành phố trên đất nước tôi mà bước thời gian xào xạc trên cỏ lau, in dấu trên thiên nhiên, thành quách, đền đài và cả con người… thì có lẽ chỉ là Huế.

Sau mấy cơn mưa đầu mùa, Huế dường như được tắm gội, trời xanh vươn cao, hàng cây bên đường sà xuống thấp. Lá xanh mướt. Con đường Đoàn Thị Điểm chạy trước cửa Hiển Nhơn và phòng thành phía Đông buổi sáng vắng xe. Bạn đưa tôi vào quán cà phê nhà rường không gian thoáng mát có cái tên phảng phất mùi thuốc Nam, hình như ngày xưa đây là Thái Y Viện của triều Nguyễn.

Quán đông khách, từ trong nhà ra đến sân vườn nhưng không gian trầm lắng. Khách ngồi quán phần lớn là phụ nữ. Thật thú vị khi nhấp tách cà phê nhìn bâng quơ thấp thoáng xuân thì.

Từ góc quán nhìn ra bờ thành Đại Nội, phía cửa Hiển Nhơn, lớp tường rêu bên ngoài đã bong tróc lộ ra những mảng màu gạch đỏ loang loang trong nắng. Nắng mùa này không gắt, chỉ thoáng chút cô liêu, thêm nỗi hoang mang hoài nhớ tháng ngày tuổi trẻ đã qua.

Sau tách cà phê, đi bộ dọc đường Đặng Thái Thân, Lê Huân, 23/8 là ba con đường cùng với Đoàn Thị Điểm ôm lấy Đại Nội, trên những thành quách cũ, màu gạch đỏ không còn lung linh trong nắng mà loang lổ dấu thời gian. Giã từ phòng thành Huế mà lòng thầm mong ước những người làm công việc trùng tu không ’’làm mới ’’ mảng tường xưa. 

Trừ một vài công trình kiến trúc ngược ngạo như khách sạn Vinpearl cắm sâu vào trái tim Huế, mấy khu đô thị mới phía An Vân Dương, con đường về Vỹ Dạ mở rộng cách đây đã lâu, thành phố không mấy thay đổi, đó là điều may mắn cho Huế. Không thể so sánh Huế với Đà Nẵng, bên kia Hải Vân. Gần đây đã có kế hoạch muốn mở rộng Huế lên gấp 5 lần so với diện tích hiện nay, ( từ 71km2 đến 348km2 giai đoạn 2025-2030) . Có lẽ trước khi nhìn vào bản đồ thiết kế để mải mê phóng bút, nhà quy hoạch nên lững thững qua từng góc phố, từng hàng cây, dòng sông, ngôi trường… từ đó sơ phác diện mạo của phố phường. Người Việt bây giờ rất mê cái to lớn, cái vĩ đại, rất chuộng kỷ lục, đủ thứ kỷ lục hầm bà lằng… nhưng để làm gì ?

Dĩ nhiên, Huế không chỉ giới hạn trong phần Hoàng thành và lăng tẩm, đôi bờ tả và hữu ngạn sông Hương ; thành phố gắn liền với vùng đầm phá phía Đông và núi đồi trung du phía Tây, cùng với dải đồng bằng nhỏ hẹp chạy dài từ Mỹ Chánh đến đỉnh đèo Hải Vân, không gian ấy là ‘’dưỡng chất trần gian’’ nuôi sống Huế và là nền của bức tranh đô thị Huế.

Những công trình quy hoạch đô thị gần đây như chỉnh trang đôi bờ sông Hương khiến Huế đẹp dịu dàng. Đoạn đường Lê Lợi từ đầu cầu Trường Tiền chạy đến cầu Phú Xuân nay thoáng hơn với tượng Phan Bội Châu phía sau là Không gian Điêu Khắc Điềm Phùng Thị và công viên Tứ Tượng. Con đường đi bộ bằng gỗ lim nép mình theo dòng sông Hương trên một đoạn ngắn dù có bị chỉ trích lúc ban đầu ngày càng khẳng định vẻ đáng yêu. Một năm đã trôi qua, nước chảy trắng chân cầu những ngày bão lũ, cầu vẫn an nhiên thân thiện cho bao bước chân qua. 

Huế không thể quá ’’trầm mặc cây rừng ’’như vốn có nhưng Huế không muốn làm Phù Đổng vươn vai, hãy dành duyên may đó cho những nơi vắng bóng đền đài, miếu mạo, lăng tẩm, thành quách, những nơi đất rộng người đông, tiền rừng bạc bể, những nơi ăn to nói lớn.

Huế là thành phố để mà rong chơi, vừa đi vừa ngước nhìn. Những chậu hoa ốp gỗ dưới tán cây dọc đường Lê Lợi, Bia Quốc Học vừa được trùng tu tuy có hơi mới và ‘’sắc màu’’ nhưng với thời gian và mưa nắng xứ Huế sẽ hài hòa hơn, tượng Quán Thế Âm khiêm cung ở Liễu Quán, tượng tròn Thiếu nữ Việt Nam đẹp và thanh thoát. Cầu Dã Viên với những ‘’vọng lâu’’ lợp ngói hoàng lưu ly nhô ra sông từ đó nhìn ráng chiều bảng lảng trên ngọn nguồn sông Hương là một ý tưởng rất thơ. 

Du khách đến Huế dăm ba ngày, thường nhận xét thành phố đi ngủ sớm… Nhưng muốn đi chơi Huế về đêm những ngày cuối tuần, hãy ghé lại mấy góc đường Võ Thị Sáu, Chu Văn An, Phạm Ngũ Lão, Lê Lợi trước hai khách sạn Century và Hương Giang để đắm mình trong âm thanh, ánh sáng cuồng nộ, khói thuốc mịt mù, bàn kê san sát… không thua gì phố đi bộ Bùi Viện- Đề Thám ở Sài Gòn. 

Riêng bạn tôi thì thích ’’đi trên thành phố phai nhầu’’ ( Hoàng Trúc Ly), mỏi chân sà xuống ‘’hàng quán đêm đêm’’ tìm lại chút nỗi niềm dư vị ngày nào.

Tháng 10/1969, tôi về Huế ghi danh đại học. Dọc đường Lê Lợi, mưa giăng trắng xóa chiếc cầu phao bập bềnh nối lấy đôi bờ sông Hương. Năm tháng qua đi. Giảng đường và hành lang hun hút nhìn xuống sân vườn chia cách hai phân khoa ngày nào, những người thầy học cũ, mấy khuôn mặt bạn bè, những bóng hình nhan sắc, quán cà phê có giàn hoa giấy bên đường Trương Định, cư xá sinh viên nhìn xuống ngã sáu buổi chiều áo trắng tan trường… và đoạn cuối cuốn phim có Lara- Zhivago đi trong tuyết bay bay khép lại một thời Huế lãng đãng. 

Tôi đã hoan hỉ nhận được rất nhiều từ thành phố ấy. 

Tống Văn Thụy
10/2019