14 December 2019

ĐỒNG HỒ BẾP - Wolfgang Borchert | Lưu Thủy Hương dịch



Kitchen Clock
Alexandra Ruegler

Wolfgang Borchert
Lưu Thủy Hương dịch từ nguyên tác tiếng Đức Die Küchenuhr của Wolfgang Borchert

Họ để ý đến gã từ lúc gã còn ở đằng xa đi tới. Gã có bộ mặt già nua nhưng dáng đi đấy cho thấy rằng, gã chỉ mới vừa hai mươi. Ông cụ non ngồi xuống bên họ trên băng ghế. Và rồi cụ cho họ xem cái đang cầm trong tay.
Đây là cái đồng hồ nhà bếp của chúng tôi, gã nói và nhìn quanh hàng người ngồi dưới nắng. Vâng, tôi vẫn tìm ra nó. Nó còn sót lại.
Gã đưa chiếc đĩa đồng hồ trắng tròn ra phía trước và chậm ngón tay lên mấy con số sơn xanh.


Nó chẳng có giá trị gì nữa, gã phân trần, tôi cũng biết thế. Và nó cũng chẳng đặc sắc gì. Nó chỉ như một cái đĩa sơn màu trắng thôi. Nhưng mà mấy con số màu xanh sao mà xinh xắn thế, thấy thương quá đi. Mấy cây kim dĩ nhiên chỉ làm bằng thiếc. Đã thế mà còn không chạy được nữa. Ừ, không. Nó bị hỏng hóc bên trong rồi, chắc chắn là thế. Nhưng nhìn nó vẫn giống như xưa. Ngay cả khi nó không còn chạy nữa.

Gã thận trọng vẽ một vòng ngón tay dọc theo đường viền đĩa đồng hồ. Rồi gã nói khẽ khàng: Và nó còn sót lại.
Những người ngồi phơi nắng trên băng ghế không nhìn gã. Một người nhìn xuống đôi giày và người đàn bà cúi nhìn vào chiếc xe đẩy con. Rồi người nào đấy nói:
Hẳn là anh đã mất tất cả?
Vâng, vâng, gã nói giọng thân thiện, ông cứ nghĩ xem, quả thật là tất cả. Chỉ có nó ở đây, nó còn sót lại. Và gã lại đưa cái đồng hồ lên cao, như thể mọi người chưa biết đến nó.
Nhưng mà nó không chạy nữa, một bà nói.
Vâng, vâng, nó không chạy nữa. Nó hỏng rồi, tôi biết lắm chứ. Nhưng ngoài chuyện đấy ra nó vẫn nguyên như thế: trắng và xanh. Và gã lại tiếp tục chỉ họ xem cái đồng hồ. Và điều tuyệt vời nhất, gã xúc động bật ra, điều ấy tôi chưa kể cho quý vị nghe. Cái tuyệt vời nhất chính là: Quý vị thử nghĩ xem, nó đứng lại vào lúc hai giờ rưỡi. Chính xác lúc hai giờ rưỡi, quý vị thử nghĩ xem!
Thế căn nhà của ông nhất định bị trúng bom vào lúc hai giờ rưỡi, một người đàn ông vừa nói vừa nghiêm trọng trề môi dưới. Cái này tôi vẫn thường nghe. Khi quả bom rơi xuống, đồng hồ đứng lại. Đấy là do sức ép.
Gã quan sát cái đồng hồ của mình và lắc đầu ra chiều suy nghĩ. Không, thưa quý ngài, không, ở chỗ này thì ông lầm rồi. Chuyện chẳng liên quan gì đến bom đạn. Ông không cần kể lể mãi về bom. Không. Vào lúc hai giờ rưỡi là một cái gì đấy hoàn toàn khác, chỉ có ông không biết điều ấy mà thôi. Điều hài hước là ở chỗ đấy, khi nó đứng lại vào đúng hai giờ rưỡi. Mà không ở bốn giờ mười lăm hay bảy giờ. Hai giờ rưỡi chính ra là lúc tôi luôn về đến nhà. Hai giờ rưỡi khuya đấy, ý tôi là thế. Gần như luôn luôn vào lúc hai giờ rưỡi. Điều khôi hài là ở chỗ đấy.
Gã nhìn những người khác, nhưng ánh mắt họ lảng đi. Gã không tìm thấy ánh mắt họ. Vì thế gã gật gù với cái đồng hồ: Rồi dĩ nhiên là tôi đói bụng, đúng không nhỉ? Và tôi đi ngay vào bếp. Bao giờ cũng khoảng hai giờ rưỡi. Và rồi … , rồi chính mẹ tôi sẽ vào đến. Dù tôi mở cửa khẽ khàng đến thế nào đi nữa thì bà ấy vẫn luôn nghe được tiếng động của tôi. Và khi tôi đang tìm chút đồ ăn trong gian bếp tối, bỗng nhiên đèn bật sáng. Rồi mẹ đứng đấy trong tấm áo len và chiếc khăn quàng màu đỏ. Và đôi chân trần. Luôn luôn với chân trần. Mà nền bếp thì lót gạch. Và mẹ nheo mắt lại vì chói ánh đèn. Bởi mẹ đã đi ngủ trước đấy rồi. Lúc ấy là ban đêm mà.
Lại trễ như thế, mẹ nói. Không bao giờ mẹ nói nhiều hơn. Chỉ: Lại trễ như thế. Và rồi mẹ hâm nóng đồ ăn tối và nhìn tôi ăn như thế nào. Cùng lúc mẹ cứ cọ hai chân lên nhau, do nền gạch lạnh quá. Ban đêm không bao giờ mẹ mang dép. Và mẹ ngồi thật lâu bên tôi, cho đến khi tôi no. Và rồi tôi còn nghe tiếng mẹ thu dọn bát đĩa, khi tôi đã tắt đèn phòng. Mỗi buổi tối đều như thế. Và hầu như luôn luôn vào lúc hai giờ rưỡi. Tôi thấy việc mẹ tôi mỗi đêm làm thức ăn cho tôi trong bếp là chuyện đương nhiên. Chuyện ấy hoàn toàn đương nhiên. Bà luôn làm thế mà. Và mẹ không bao giờ nói nhiều hơn là: Lại trễ như thế. Mà lần nào mẹ cũng chỉ nói có ngần ấy. Còn tôi thì cứ nghĩ, điều đấy sẽ không bao giờ chấm dứt. Như một lẽ đương nhiên. Tất cả vẫn luôn là như thế mà.
Một khoảng lặng thinh trải dài trên băng ghế. Rồi gã nói khẽ khàng: Và giờ đây? Gã nhìn những người khác. Nhưng gã không tìm thấy ánh mắt họ. Cho nên gã tỉ tê với chiếc đồng hồ có bộ mặt trắng xanh tròn trĩnh: Bây giờ, bây giờ thì tôi biết, đấy từng là cõi thiên đường. Thực sự là cõi thiên đường.
Cả băng ghế chìm trong im lặng. Rồi một bà hỏi: Và gia đình của anh?
Gã bối rối mỉm cười: À, bà nghĩ đến cha mẹ tôi? Vâng, họ cũng đã biến mất. Mất tất cả. Tất cả, bà hình dung xem. Mất cả.
Gã ngượng ngùng mỉm cười với người này rồi với người khác. Nhưng họ không nhìn gã.
Bấy giờ gã lại đưa cái đồng hồ lên cao và cười. Gã cười: Chỉ có nó ở đây. Nó còn sót lại. Và tuyệt vời nhất là nó lại đứng đúng vào lúc hai giờ rưỡi. Vừa đúng hai giờ rưỡi.
Rồi gã không nói gì nữa. Bộ mặt gã già quắt queo. Người đàn ông ngồi bên cạnh gã thì nhìn xuống đôi giày. Nhưng ông ta không thấy đôi giày của mình. Ông ta cứ nghĩ đến cụm từ: Cõi Thiên Đường.

Wolfgang Borchert
Lưu Thủy Hương
dịch