Buổi trưa chủ nhật hôm đó, trời đẹp, tôi đang đi dạo trên một
phổ đông người trong trung tâm Ba Lê, bỗng có một người đàn bà Pháp vượt lên,
quay đầu lại, nhìn tôi, rồi ôm chầm lấy hôn (lên hai má!). Chụt chụt !
Ngon lành !
Bà người bé nhỏ, gầy guộc, nét mặt xinh đẹp, quần áo gọn
gàng nhưng trông hơi mệt mỏi. Tôi trố mắt nhìn bà, vì người này lạ hoắc, tôi chắc
chắn chưa bao giờ gặp. Bà nói (tiếng Pháp) :
-Anh là người Việt phải không ?
- Dạ, phải
Bà tiếp :
Tên anh có phải là N'guyen không ?
-Dạ đúng, họ tôi là Nguyễn.
Ở quanh tôi lúc đó có vài người Á Đông. Người Á Đông thì đủ
thứ. Bà hỏi là phải. Xin thưa tôi là người Việt. Còn người Việt mà họ Nguyễn
thì có chi lạ. Vậy mà bà tỏ ra rất vui mừng :
-Tôi đã nói chuyện với anh rất lâu trong một buổi họp. Anh
người Việt, tên là N'guyen. Vậy là anh chứ còn là ai nữa. Tôi tìm anh từ lâu lắm
rồi, mừng quá.
Bà ngưng lại, đỏ mặt vì đã ôm tôi hôn (trên má !). Rồi tiếp
:
- Tôi mời anh đi uống cà phê nhé! Lại ngon lành !
Biết bà nhầm tôi với một người khác, tôi vội nói :
- Bà ôm tôi hôn, tôi thích lắm. Nhưng xin thành thực thưa là
tôi không phải là người bà tìm. Tôi chưa hề biết bà. Ông đó là ai vậy ?
Bà ngẩn ra rồi trả lời :
-Vậy ông không phải là chủ tịch một nhóm làm việc thiện cho
Việt Nam sao ?
A, tôi bắt đầu để ý:
- Hội thiện thì tôi biết nhiều lắm ! Nếu bà nói tên hội thì
tôi có thể biết ông đó là ai. Bà lộ vẻ thất vọng :
-Vậy anh không phải là ông ta sao. Tôi chỉ biết ông ta tên
là N'guyen, làm chủ tịch một hội thiện, hay đi về Việt nam. Trước đây nhiều
năm, tôi đã nói chuyện với ông ta trong một buổi họp. Bao lâu nay tôi mong gặp
lại ông, để nhờ ông một việc.
-Tôi không có chuyện gì gấp. Để tôi mời bà đi uống cà phê. Nếu
là chuyện làm việc thiện ở VN, thì có thể tôi sẽ đóng góp được.
Bà trả lời, lại đỏ mặt :
-Ai mời thì có gì đâu... Mà tôi không hề quen ông ta. Chỉ gặp
một lần vậy thôi !
Tôi mỉm cười trong đầu : “Có chi mà bà phải cải chính như vậy
!”
Rồi hai người vào tiệm cà phê.
Trong gần một giờ đồng hồ, bà nói chuyện với tôi, thân thiện
như đã quen không biết tự bao giờ. Tôi im lặng nghe.
Chuyện của bà vui mà buồn.
Trước đây mười bốn năm, bà đã sang Việt Nam nhiều lần, để
xin một đứa con nuôi. Bà đã có một con trai và kỳ đó xin được một đứa con gái,
mới hai tuổi. Bây giờ đứa con trai của bà đã vào đại học, đứa con gái nuôi thì
sắp thi tú tài.
Bà kể lể :
"Vợ chồng tôi trước kia đều đi làm, sáng đi rất sớm, tối
mịt mới về, rất vất vả. Chúng tôi có một đứa con trai. Nó phải sống gửi ở nhà
vú nuôi, một mình lủi thủi. Đến khi đi học bà vú cũng đưa đi đón về. Nó ít gặp
cha mẹ, đâm ra khó tính, và bắt đầu hư đốn. Tôi muốn có thêm một đứa con thứ
hai, nhưng bác sỹ nói không được. Vợ chồng bắt đầu gây gổ. Con tôi thì càng
ngày càng hư. Ba người sống với nhau rất lạnh nhạt. Chúng tôi quyết định xin một
đứa con nuôi. Bè bạn nói đến trẻ em người Việt, nạn nhân của chiến tranh. Hỏi
han rồi vào việc mới thấy là việc xin con nuôi rất khó khăn. Giấy tờ tôi phải nộp
bên này rất phức tạp. Chúng tôi bị hạch hỏi đủ điều. Bên đó còn nhiêu khê hơn
nhiều, tôi lại không có ai quen. Gần hai năm trời tôi lặn lội khổ sở, gặp không
biết bao nhiêu người. Người tử tế có, nhưng người lợi dụng cũng nhiều. Chúng
tôi đã mất không biết bao nhiêu là tiền, đi về tốn kém, sực lực gần như kiệt quỵ,
mới bế được đứa bé về".
Tôi im lặng, không phải là hoàn toàn ngạc nhiên về những khó
khăn tốn kém của bà, nhưng trong lòng không vui.
Tôi hỏi:
-Vậy bây giờ bà có vấn đề gì ?
-Đứa con tôi đã hiểu biết, nó muốn tìm lại bố mẹ nó.
-Con bà bây giờ bao nhiêu tuổi rồi ?
-Mười sáu.
-Nó đòi tìm lại bố mẹ nó sao ?
-Ngay từ nhỏ, nó đã biết nó không giống những đứa trẻ khác.
Một lần, lúc nó ba bốn tuổi, tôi mời bạn bè, có một bà người Việt. Vừa thấy bà,
nó đã nhìn bà chằm chặp, rồi nó khệnh khạng tới nắm tay bà ta quyến luyến xuốt
cả buổi. Ai nhìn cũng thương tâm. Từ khi biết đọc biết viết, tôi thấy trong cặp
sách của nó có rất nhiều hình ảnh về Á Châu. Ngay từ đầu khi nó hiểu biết, tôi
đã cắt nghĩa cho nó, kể lể mọi sự không hề dấu diếm gì, và hứa là khi nó trưởng
thành tôi sẽ về Việt Nam tìm lại bố mẹ cho nó.
Bà ngập ngừng:
- Phải nói với anh là nuôi cháu cũng khá vất vả....
Rồi vội vàng tiếp:
- Nhưng nó rất thương yêu tôi. Gần một năm nay, không hiểu
sao, ngày nào nó cũng nhắc nhở về Việt Nam, về bố mẹ nó. Nó đòi đi học tiếng Việt.
Tôi dẫn nó đi, cực nhọc lắm, rồi cũng học theo nó luôn. Nó học mau, đã nói được
bập bẹ, còn tôi thì học đâu quên đó.
Khi xin con, bà chưa bao giờ gặp người bố và hình như người
mẹ cũng không biết bố đứa bé ở đâu.
Tôi hỏi:
- Bà có ảnh của cháu không?
Bỗng nhiên bà ngồi im. Ngồi im rất lâu. Rồi bà chăm chăm
nhìn tôi. Tôi lo lắng, không biết mình đã làm lỗi gì, vì thấy trong mắt bà có một
cái gì dò hỏi khác lạ. Tôi hốt hoảng xin lỗi, muốn đứng giậy. Bà đưa tay kéo
tôi ngồi xuống. Rồi lại ngồi suy nghĩ. Cuối cùng bà mở ví, lấy một tấm hình đưa
cho tôi. Và tôi đã bị một cú sốc rất lớn.
Vì vừa nhìn tôi đã thấy là cháu khuyết tật. Tôi không thể ngờ
có chuyện như vậy. Tôi không cản được xúc động, nước mắt ứa ra. Cháu có một nét
mặt hết sức xinh đẹp. Lúc này cháu tới tuổi dậy thì, tóc dài, nước da hồng hào,
môi son, nó đẹp lắm. Nhưng bên cạnh có một cái nạng. Tôi không dám nhìn lâu, vội
đưa lại bức ảnh cho bà. Tôi chỉ nhìn thấy cái nạng, không dám hỏi cháu khuyết tật
như thế nào, nặng hay nhẹ. Bà cẩn thận cất ảnh đi, nhìn mắt tôi, rồi kể tiếp:
- Chúng tôi đã được đặt câu hỏi và cho biết ngay từ đầu. Vợ
chồng tôi can đảm nhận lời qua xem. Nhưng vừa nhìn thấy nó, tôi đã biết là tôi
không thể từ chối được. Vì đứa bé vô tội. Và tuy chưa ký giấy tờ, tôi đã thấy
nó là con tôi rồi. Nếu lúc đó tôi rút lui, thì tôi sẽ bị ám ảnh suốt đời. Định
mệnh đã dính nó vào tôi ngay từ giây phút đó. Thế là chúng tôi kiên trì làm hết
thủ tục để đưa cháu về.
-Điều tôi không thể ngờ là vì đứa bé như vậy, mà gia đình
tôi đã được sống những năm vô cùng hạnh phúc. Vì nó mà tất cả những khó khăn
trong gia đình đã được giải tỏa. Chồng tôi thương nó như chưa bao giờ thương một
đứa trẻ nào khác. Và chúng tôi yêu nhau như chưa bao giờ chúng tôi yêu nhau. Đứa
con trai đổi hẳn tính lại, chăm lo học hành để làm gương, và chiều chuộng nâng
đỡ đứa em gái từng ly từng tý.
-Tôi đã gặp nhiều bác sỹ chuyên môn. Tôi đã vào nhiều nhà
thương và nhà trông nom trẻ con khuyết tật. Chúng tôi đã quen được nhiều gia
đình có những đứa con khuyết tật. Họ đều có những tấm lòng vàng. Không ngờ
chung quanh tôi có nhiều cảnh như vậy, mà từ trước tôi mù quáng không thấy hoặc
thấy mà làm ngơ. Tôi đã tham dự nhiều việc thiện, học hỏi rất nhiều và đời sống
chúng tôi có ý nghĩa hơn nhiều so với những năm về trước. Tôi đã nghỉ việc nhiều
năm để săn sóc dậy dỗ hai đứa con. Chúng được cẩn thận chia xẻ đồng đều. Cháu
gái được học thể thao, đi trượt tuyết, tuy chỉ ngồi xe trượt thôi. Nó hát rất
đúng giọng và đánh đàn dương cầm rất hay.
Cháu lớn lên học hành chăm chỉ, thông minh hết mực, và càng
ngày càng xinh. Bây giờ tôi muốn tìm lại mẹ cháu, cũng là để trả ơn cháu,
....."
Chúng tôi ngồi tiếp tục nói chuyện tới gần một giờ đồng hồ.
Và cuối cùng tôi khuyên bà nên chờ cho con bà thi xong tú tài, vào đại học. Tôi
hứa sẽ giúp bà về làng cũ tìm người mẹ, tuy không tin có thể làm được. Tôi có cảm
tưởng là bây giờ bà sống một mình, nhưng không dám hỏi. Tôi đưa email cho bà,
nhưng không xin địa chỉ bà. Lúc chia tay, bà bịn rịn rất lâu. Bà ôm tôi hôn lên
má như lúc đầu, rồi ôm vai tôi một lúc, nói cảm ơn anh. Đoạn quay lưng uyển
chuyển đi lẫn vào đám đông...
Tháng sáu này cháu thi tú tài.
Nguyễn
Vạn An