Mỗi tháng có khoảng bẩy gia đình chọn Đảo Lớn làm nơi cư ngụ thường trực, vì
người dân trên đảo được tiếng là thân thiện, vì so với nhiều nơi trên thế giới,
thời tiết hải đảo không có mùa đông buốt giá, và vì đất còn rộng và người còn
thưa. Đối với du khách chỉ ghé thăm đảo vài ngày hay một, hai tuần, đây
quả thật là “thiên đàng hạ giới”. Đối với những ai trở thành thường trú
nhân trên đảo thì chỉ trong một thời gian ngắn, họ sẽ khám phá ra rằng thiên
đàng này cũng tràn ngập hỉ nộ ái ố … như các cõi tạm khác, nhất là khi có hàng
xóm tứ bề bốn phía.
Chúng tôi đó. Chỉ sau năm tháng dọn vào nhà mới mua, mặc dù chưa hoàn tất
việc sửa sang căn nhà nhỏ, chàng và tôi đã hơn một lần muốn ngừng hết mọi
sự. Không sửa, không chữa, không trồng cây, trồng hoa hay mua sắm thêm đồ
đạc cho tổ ấm. Vấn đề trở nên nghiêm trọng đến nỗi chúng tôi đã bàn với
nhân viên địa ốc việc bán nhà, dù đã chấp nhận việc mất điện hàng tháng liên
tục, tiếng xe chạy trên quốc lộ ngày đêm, việc mưa ít, nắng nhiều, so với nơi
chúng tôi thuê hơn bốn năm, trên con đường làng Kaieie, việc hết còn an hưởng
cảnh đồng quê im ắng, ngoài những hình ảnh thanh bình của những con heo rừng
kiếm ăn trong bụi rậm, tiếng hót của trăm con chim hót đón chào bình minh trong
các lùm cây, tiếng bò rống xa xa, đàn cò trắng bu quanh đàn bò để tìm sâu…
Nghĩ lại những lần đi coi căn nhà này, chúng tôi đã lái xe ngang qua vào
những giờ giấc khác nhau trong ngày để xem khu xóm có hợp với mình. Chúng
tôi đi bộ quanh khu xóm xem xét nhiều điều, như có nhiều tiếng chó sủa, có
nhiều xe qua lại, hay có nhiều xe mô tô rồ máy đinh tai nhức óc, trước khi
quyết định mua. Dù không còn gần thiên nhiên như trên đường làng, chúng
tôi vẫn còn nghe tiếng con ếch coqui kêu “cồ ki” “cồ ki”, tiếng chim nghệ ríu
rít nhắc nhau tìm mồi; còn thấy bướm vàng bay là đà trên giàn mướp đắng điểm
hoa vàng lung lay trước gió, đàn chim nhồng khoan thai bước trên thảm cỏ xanh
mướt, tìm sâu; hay dõi mắt theo con cò trắng đủng đỉnh khoan thai bước từng bước
thận trọng trên hàng rào mướp đắng; những giây dây khoai lang tím điểm hoa, hứa
hẹn đã có củ dưới đất; vịnh Hilo xa xa với màu biển có lúc xanh màu xanh lục,
có lúc chuyển sang màu xám; thấy gió lay trên những cành cây ăn trái, thấy cả
những người trong khu xóm lái xe ngang qua, vẫy tay chào thiện cảm.
Đất lành chim đậu. Bấy nhiêu cũng đủ để chúng tôi lạc quan và quyết
định mua, dù sẽ phải sửa chữa rất nhiều. Đầy tin tưởng, chúng tôi mua
theo giá người bán muốn, cộng thêm một đồng “cho chẵn”, rồi nhờ thân nhân, bạn
hữu cầu nguyện cho hai đứa được như ý, mua được một căn nhà, có chỗ ra
vô. Ở cho tới ngày xuống lỗ.
Thế rồi cho đến một ngày, hay một buổi sáng sớm tinh sương thì đúng hơn, khi
chàng và tôi còn đang đắm mình trong giấc ngủ thì những tiếng “gâu” “gâu” từ
đâu đập vào tai của hai đứa. Âm thanh ầm ầm như sấm đánh thức hai kẻ đã
khá lãng tai. Ngái ngủ, cả hai nhìn nhau. Chàng hỏi, “Did you hear
that?” “Cưng có nghe tiếng đó không?” Tôi chán chường gật đầu, vì nhận ra
đó là tiếng chó sủa từ phía sau nhà.
Giây phút đó là khởi đầu cho chuỗi những đêm mất ngủ, kéo dài sang những
ngày như kẻ đi trên mây, đầu óc lâng lâng vì thiếu ngủ, chưa kể bản gắt quạy cọ
có duyên cớ.
Sau khi biết được xuất xứ của tiếng sủa, chúng tôi không ngờ hôm đó bắt đầu
cho chuỗi dài những ngày tù chung thân với loài tiến hóa của sói – gần như
thế! Ngoại trừ những tiếng sủa vọng lại từ xa, ngay tại căn nhà này,
chúng tôi nghe rõ mồn một tiếng sủa của 16 con chó: sáu con bên phải, ba con
đằng sau, ba con bên trái, một con bên kia đường và ba con bên kia đường của
nhà có sáu con. Khám phá này ảnh hưởng nặng nề đến tâm thần của chúng
tôi, tương tự như sự bàng hoàng khi khám phá ra một điều gì không tưởng.
Sự bằng an dường như đã chắp cánh ra đi từ hôm đó.
Những lần nghe tiếng chó cất tiếng “oác” “oác” là mỗi lần áp huyết của hai
đứa vọt lên tới đỉnh đầu. Các cửa có đóng, quạt máu có bật lên với tốc độ
cao, bông gòn có nhét vào tai thì tiếng sủa chỉ giảm đi khoảng 20 phần trăm.
Từ hồi nào tới giờ, tôi có đọc được nhiều cách tra tấn trên năm châu, bốn
bể. Đây là cách tra tấn nhẹ nhàng nhưng hiệu quả nhất, của hàng xóm đối
với nhau. Nếu hàng xóm không muốn bạn dọn cỏ cho sạch sẽ, để cả khu xóm
được đẹp lây, nếu hàng xóm muốn áp huyết bạn tăng cao, muốn đầu óc bạn không
còn tỉnh táo, muốn bạn ra khỏi nhà cả tiếng trước cái hẹn với bác sĩ, nha sĩ,
muốn bạn bật nhạc to hơn bình thường, muốn bạn đóng tất cả các cửa và chịu ngột
ngạt trong khi ngoài trời gió thổi lay những cành lá, những cánh hoa, muốn bạn
nhét bông gòn vào tai, khi ở trong chính ngôi nhà của mình, thì người
hàng xóm tử tế và đầy lòng nhân ái này sẽ đem con chó ra ngoài sân, để nó sủa.
Rồi khi bạn tới gõ cửa xin người hàng xóm tử tế làm gì đó để hạ bớt thần
kinh quá căng thẳng của bạn từ tiếng sủa chát chúa, thì người hàng xóm rất tử
tế luôn miệng xin lỗi. Chỉ xin lỗi, chứ không hề có một hành động nào
chứng tỏ thiện chí muốn cải thiện tình trạng, hay họ có một tí ái ngại cho cái
tinh thần của bạn luôn ở trong tình trạng căng thẳng. Không cần phải xối
nước lạnh lên đầu. Không cần phải nhổ từng đốt móng tay.
Sau khi nói chuyện phải trái với người hàng xóm năm, sáu lần mà không có kết
quả, bạn phải làm gì? Bạn gọi cảnh sát. Bạn không ngại cho tên,
ngày sanh tháng đẻ, số điện thoại và địa chỉ nơi bạn ở. Bạn chờ mãi mà
không thấy bạn dân tới hỏi thêm nguyên cớ. Bạn lái xe tới sở của bạn dân,
trình bầy sự việc. Bạn đợi một hồi, một vị bạn dân ra mời bạn vào văn
phòng nói chuyện. Người bạn dân rất lịch sự cho biết vị này không phải là
người đã tới nhà của người hàng xóm tử tế của bạn, mà là một đồng nghiệp
khác. Người này tường trình là khi tới nơi, ông cảnh sát này không thấy
một con chó nào, không thấy ai ra mở cửa, cho nên phải bỏ đi.
Thế đấy. Bạn hỏi tôi. Sau đó chúng tôi làm gì? Chúng tôi
gọi Humane Society. Chúng tôi được cho biết là họ sẽ cho nhân viên đến
xem con chó có bị hành hạ gì không mà sủa lâu, sủa dai, sủa liên tục như
thế. Họ cho biết theo luật, chó phải sủa liên tục trong mười phút.
Chúng tôi cười như mếu. Nó sủa cả 45 phút là tối thiểu.
Đó là Thứ Sáu tuần rồi. Ngày hôm nay, tôi ghi xuống những lần nó
sủa: Thứ Hai 11/25/2019: 7:15 – 8:04; 8:25 – 8:29; 8:48 – ; 8:58 – ;
15:07 – cho tới 15:38 vẫn còn sủa; 16:52 – . Hiện giờ, những ngón tay tôi
gõ trên bàn phím loạng quạng, vì đầu óc quá căng thẳng.
Bạn sẽ cười tôi. Sao ông bà cho những con chó quá nhiều quyền hành
trên mình? Lơ nó đi! (như có người bạn đã từng khuyên, “Cố gắng làm quen với
tiếng chó sủa!”) Tôi muốn mời người bạn ghé qua một hôm.
À, đây chỉ là một con trong sáu con chó của Valdez. Còn ba con chó săn
phía đằng sau nhà của Cody Banks. Người thanh niên này thách chúng tôi
gọi cảnh sát, gọi Humane Society, vì anh ta “không thể nào kiểm soát khi có con
mèo hay có người đi ngang!” Ba con chó này sủa ba cữ: khoảng 1 giờ
hơn, ba giờ hơn và gần bốn giờ. Hoàn toàn vào buổi sáng!
Chưa kể ba con chó chi-hua-hua của nhà bên trái. Chủ là người Hawaiian
chính gốc. Có người khuyên chúng tôi “đừng bao giờ chạm vào họ, vì họ là
người bản xứ!” và vài chủ chó khác nữa.
Hôm tuần rồi, sau khi nghe những tiếng thú vật rượt nhau bên sau vườn nhà,
chúng tôi chạy ra cửa sổ bếp để coi chuyện gì xẩy ra. Chúng tôi chứng
kiến một con chó ở phía sau nhà rượt ba con heo rừng. Một con xấu số bị
nó ngoạm phải. Tiếng rú, tiếng kêu của một con vật sắp chết khiến tôi
khiếp đảm. Chàng của tôi gọi cảnh sát. Hai tiếng sau họ mới gọi
lại!
Một điều chúng tôi mới biết, từ một gia đình hàng xóm là chó sủa như
thế này không có gì mới mẻ đối với họ, vì họ đã nghe từ ngày mới dọn tới, cách
đây mười năm.
Thiên Đàng địa ngục hai bên
Ai khôn thì lại, ai dại thì qua …
Khổng thị Thanh-Hương