Tuần rồi ông bạn già ở tuốt bên nhà
(Huế) vô facebook lan man năm ba chuyện trên trời dưới đất đã đời rồi hỏi tôi:
“Năm ngoái mấy ôn mệ qua Trung Mỹ quậy biển Punta Cana đến nổi cả rong rêu, ai
cũng nể. Rứa lần ni ôn định đi xứ mô quậy tiếp hỉ?”
Nghe bạn vui miệng hỏi tôi cười cười
nói đi Jamaica thì bạn vỗ đùi đánh bộp, reo lên: “A! Con suối Jamaica!” làm tôi
ngớ ra, “rủa” thầm trong bụng: “Ốt dột, cái ôn ni! Jamaica ở tuốt ngoài biển
mần chi có suối”, nhưng biết mình ngố, không dám cự, sợ lòi cái dốt.
Thấy tôi nghệch mặt ra, ôn tiếp liền: “Jamaica, cái tên này tôi nghe từ khuya,
chật cả lỗ tai, trước kia dân bản địa ở Jamaica nói tiếng “Ta-í-nò” (Taíno)
gọi đảo này là Xaymaca, có nghĩa là “Vùng đất của gỗ và các con
suối”.
Hồi học trung học, bạn tôi không
những xuất sắc về môn Sử Địa toàn cầu mà còn giỏi về các bộ môn khác, nhất là
sành sỏi đủ thứ chuyện trên trời dưới đất như một cuốn tự điển sống khiến bọn
cùng lớp tụi tôi hết sức nể phục.
Thực ra ở đâu trên quả địa cầu này
mà không có nước. Có đất là có nước, có sông suối, có ao hồ, có biển và người.
Luật tạo hóa mà.
Du hí xứ Jamaica lần này gồm vợ
chồng tôi, đôi bạn trẻ Hồng-Nga và gia đình bác sĩ Lê Quốc Quân từ Seattle, Hoa
Kỳ bay thẳng tới Jamaica hợp thành bốn gia đình, gồm 8 người lớn và 2 trẻ em.
Năm ngoái chúng tôi bay qua Cộng Hòa
Dominica vào mùa hè. Năm nay, giữa tháng Chạp 2019 dù ngoài trời mùa Đông trùm
khắp, con chim sắt Air Transat vẫn cất cánh đúng ngày giờ đã định. Phải công
nhận nền văn minh cơ khí thiệt là ưu việt. Rồ máy chạy từ dưới đất lấy đà bay
tuốt lên trên trời, con chim sắt dễ thương dang cánh chở chúng tôi bay như
chim, bay cao hơn chim, nhẹ nhàng như chim, chỉ thua chim ở tiếng động. Chim
bay im lặng. Nó bay ồn ào.
Từ phi trường Peason, Toronto tới
Montego Bay, Jamaica mất 4:15 giờ bay thì tới phi trường quốc tế The
Donald Sangster (tên của Thủ tướng Jamaica Donald Burns Sangster). Sangster là
một trong những phi trường lớn nhất, tấp nập nhất cũng như thông dụng nhất cho
9 triệu du khách trên thế giới hằng năm đến thăm viếng Jamaica. Chúng tôi tuần
tự xuống máy bay, vô khu lấy hành lý check out rồi lên xe buýt về khách sạn.
Xe cộ xứ này tay lái bên phải, anh
tài bản xứ trẻ tuổi điều khiển chiếc xe bự chảng, dài sọc, 54 chỗ ngồi thật
điệu nghệ. Anh chậm rãi chạy qua các khu dân cư nghèo, qua chợ búa thưa thớt,
qua hai dẫy phố nối sát nhau nổi bật giữa giàu và nghèo. Trên đường đi hai bên
đường mọc toàn những cây bàng già xanh lá, những hàng cây bông giấy đỏ rực. Xứ
nhiệt đới mà chỉ loe ngoe vài cây điệp, cây dương xỉ, cau kiểng, dừa, cọ và
chuối. Tuy nhiên, ở một ngã ba có một cây rất lạ mắt tôi chưa từng thấy. Lá
xanh hình oval, trái đeo toòng ten trên cành trông giống đào lộn hột hay mận
hồn đào, chú Hồng nhà ta vui miệng gọi là “trái dứng”. Sau này mới biết là cây ackee
(cây não) xuất xứ từ Tây Phi. Xe chạy khoảng 15 phút thì tới khách sạn.
Bước vào khu resort tôi nhận ra ngay
Sunscape Splash không ồn ào, náo nhiệt mà lặng lẽ, cũ kỹ và già nua như
một người đàn bà già. Các nhân viên phục vụ ít niềm nở tiếp khách nên hầu như
thiếu nụ cười. Được biết Sunscape Splash xây cất từ năm 1970 trên một mẫu đất
khá rộng cạnh bờ biển, gồm 2 khách sạn 10 tầng tên Splash Hotel và hai dẫy nhà
trệt khang trang hơn tên Cove Hotel, lấy hình con rùa làm biểu tượng. Resort
Sunscape Splash chỉ độc nhất một cửa tiệm bán đồ lưu niệm hét giá trên trời nên
không hề thấy khách lai vãng. Casino cũng ế ẩm, không có ai vô kéo máy Jackpot
hoặc chơi Blackjack trực tuyến. Thùng rác mới dòm tưởng mốc meo, ngoằn nghoèo
những vết nước dơ òm, thật ra là một cái “mode” có ích nên nó vẫn hiên ngang
sánh vai cùng các chậu cây kiểng không hương hoa quanh khu resort.
Sau 50 năm, có vẻ ít được tu bổ nên
khách sạn trông cũ mèm. Phòng ngủ thì í ẹ, thiếu tiện nghi, nhưng được cái là
phòng chúng tôi ở lầu 8 nhìn ra hướng núi và bến cảng đầy nắng và gió. Ban đêm,
nhà dân trên núi lên đèn tạo nên khung cảnh thanh bình, lung linh, diễm ảo. Ban
ngày những con tàu du lịch khổng lồ (cruise ships) đổ bến đưa du khách lên bờ
ngoạn cảnh, shopping, tắm biển xong mau mau trở xuống tàu. Theo lịch trình tối
đến tàu hụ ba tiếng còi dài trước khi nhổ neo chạy xuyên đêm qua các nước khác.
Sunscape Splash không có nhiều du khách
nhưng bù lại họ dẫn theo nhiều trẻ con. Nhờ lũ trẻ hồn nhiên chạy nhảy la hét
làm cho bộ mặt của khu resort trở nên khá vui nhộn. Tình yêu của trẻ con là
luôn tìm thấy hạnh phúc với cảm giác an toàn quanh các trò giải trí lành mạnh
và tận hưởng niềm vui cùng sóng biển Montego Bay dưới ánh mặt trời. Nhưng đã
gọi là Vịnh nên ở đây những đợt sóng vỗ bờ thường yếu ớt, nhỏ nhẹ như tiếng thở
dài của Mẹ trùng dương.
Bãi biển rất ngắn, cát bầy nhầy,
vàng ệch, nhiều đá sỏi. Rảo bước qua 17 chòi lá chừng 5 phút là hết bãi. Biển
cạn, nhiều sình và rong, lội ra xa chừng năm sáu chục thước nước vẫn xâm xấp
tới ngực. Nước không trong lắm nhưng có thể thấy cá, sứa, cua, nhum (cầu gai)
và lèo tèo vài con bồ nông, hải âu bay lượn trên mặt nước.
Ở Montego Bay, ngoài resort Sunscape
Splash còn có nhiều resort Breathless, Zoetry, Iberostar Rose, El Greco…, trải
dài theo bờ biển, với những kiến trúc của người Anh và Negril.
Mỗi ngày chúng tôi cùng vợ chồng
Hồng-Nga và gia đình Bs Quân kéo nhau vào nhà hàng ăn uống, cười nói huyên
thiên. Khu resort Sunscape Splash có bốn nhà hàng Ý, nhà hàng Tàu và hai nhà
hàng Jamaica (đều do người bản xứ bao thầu). Đồ ăn thức uống, một ngày như mọi
ngày, không ngon, không có nhiều thay đổi. Chúng tôi qua đây cốt ý ăn
trái cây nhiệt đới cho đã miệng như mãng cầu dai, vú sữa, chôm chôm nhưng quanh
đi quẩn lại cũng chỉ đu đủ, thơm, cam, bưởi, dưa gang, dưa hấu, khoai lang và
chuối, hầu hết đều bèo nhèo bẹt nhẹt, không tươi.
Mỗi buổi tối Splash đều có “show
time” biểu diễn nhạc dân ca Reggae ngoài trời và trong hội trường. Ban nhạc
chơi rất sôi động, nhạc cụ chính là trống, trống Djembe và Steel Drums. Trống
đã xuất hiện từ hàng ngàn năm, nhưng Trống Thiếc (Steel Drum, còn gọi Steelpan)
mới có mặt vào thế kỳ 20, loại nhạc cụ có âm sắc rất cao và trong trẻo, phát
nguồn từ xứ Trinidad and Tobago. Còn Djembe xuất xứ từ châu Phi, là trống của
trường phái Negro Act thủ công nghệ.
Nói về đảo quốc Nam Mỹ ta đều biết
Nam Mỹ là xứ nhiệt đới, khí hậu nồng nã quanh năm nên mùa đông ở Jamaica thường
là quãng thời gian thích hợp cho du khách. Nhiệt độ không quá cao, bầu trời
trong xanh, nắng đẹp và gió nhẹ.
Năm 1494, nhà hàng hải Christopher Columbus cùng thủy thủ đoàn dong buồm tìm ra Châu Mỹ, trong đó
có đảo Jamaica. Jamaica là một đảo quốc nằm ở vùng biển Trung Mỹ, thuộc quần
đảo Grand Antilles, xứ sở của núi đồi, rừng nhiệt đới, những bãi san hô và của
những tên cướp biển lừng danh nhất thế giới, trong đó thuyền trưởng cướp biển
Henry Morgan của thế kỷ 17 cùng thủy thủ đoàn của ông tung hoành trên một vùng
biển rộng lớn suốt 40 năm. Loạt phim hư cấu Pirates of The Caribbean với thuyền
trưởng Jack Sparrow có thể lấy cảm hứng từ những tên cướp biển vùng Trung Mỹ
này.
Jamaica cách Dominican Republic
190km về phía Tây và cách Cuba 150km về phía Nam. So với Cuba có diện tích
110.860 km2 lớn hơn gấp 10 lần Jamaica, 10.991 km2.
Jamaica cũng từng là thuộc địa của
người Tây Ban Nha và người Anh suốt ba thập kỷ. Mãi đến năm 1944, chính quyền
tự trị ra đời, Jamaica tuyên bố độc lập năm 1962, gia nhập Khối Liên Hiệp Anh.
Chính vì vậy nền văn hóa của Jamaica là sự pha trộn giữa văn hóa bản địa và văn
hóa Châu Âu. Nhưng người Jamaica dùng tiếng Anh để giao thiệp với người nước
ngoài.
Điểm nổi bật của đất nước này là nơi
sinh của dòng nhạc Rhythm and Blues (R&B) đầy quyến rũ, còn gọi là
“Reggae”, một loại nhạc dân ca Jamaica pha trộn phong cách Châu Mỹ Latin.
Bob Marley
là ca sĩ lừng danh về loại nhạc này được mệnh danh “King of Reggae”, đã đem
tiếng hát của mình đấu tranh chống lại sự phân biệt chủng tộc và những bất công
đối với người da màu.
Đặt chân tới Jamaica suốt bảy ngày
tôi chẳng thấy đâu là “gỗ và suối” như nó được mệnh danh. Muốn tìm thấy “nó” ta
phải dong buồm Chukka hoặc dùng bè tre Rafting đến các đảo mới thấy.
Tuy nhiên chúng tôi chẳng đi đâu cho
mệt, cứ lên xuống cho hết 10 tầng trong khách sạn Spash cũng đủ thấy mỗi tầng
có bầy thủy tộc bằng gỗ mun rất nghệ thuật như bức phù điêu gắn trên tường
trước mặt cửa thang máy là đủ mãn nhãn. Xin liệt kê thứ tự tên các loài thủy
sản từ tầng 1 tới tầng 10 như sau: Ốc. Cá Bống Mú. Bạch Tuộc. Cá Đuối Ó. Vít
(rùa). Cá Đao. Cá Heo. Ngựa Biển. Cá Chim. Đồi Mồi.
Tuy thấy ngồ ngộ nhưng chứa đựng
những mỹ thuật trong sáng và dễ thương, em Nga-xí-muội vui miệng thách: “Đố anh
Tấn làm mỗi con một câu thơ em mới phục”. Bởi rứa mới có thơ rằng:
- năm con ỐC bám trên tường / con nào cũng nói quên đường về quê
- trăng mười sáu buồn ủ ê / soi đàn BỐNG MÚ lội về trùng
dương
- BẠCH TUỘC vì lỡ độ đường / sóng xô biển động biết
phương nào tìm
- bọn CÁ ĐUỐI vốn tị hiềm / ham vui quên cả lời nguyền
ước xưa
- sầu đời lên núi ban trưa / chị VÍT đẻ dưới cơn mưa rạt
rào
- dữ tợn là lũ CÁ ĐAO / hươi gươm đâm thủng trời cao biển
đầy
- ganh đua đám CÁ HEO này / vượt trên sóng cả đòi bay lên
trời
- a ha chú NGỰA BIỂN ơi / chú thích bơi đứng cho đời biết
tay
- CÁ CHIM thường lội từng bầy / xa quê nhớ nước hồn gầy
trơ xương
- ĐỒI MỒI ai gắn trên tường / bềnh bồng mu giạt về phương
Nam buồn.
Phan Ni Tấn