(Kính tặng thầy Lê Khắc Dòng, người đã mang vườn Huế đến
tận Sydney)
Tôi quyết định ở lại làm thêm không về Tết. Những
ngày này tiền công cả trăm đô Úc. Vả lại cuộc điện thoại của mẹ tuần trước báo
tin người yêu tôi lấy vợ còn làm tôi đau đớn. Anh ta cưới con gái giám đốc...
Ngày cuối, tôi nghỉ làm, ngồi uống cà phê ở Saigon palace,
nhấm nháp nỗi buồn trong xôn xao tiếng Việt quanh mình. Hôm nay bên nhà 29 Tết.
Trước mắt tôi dòng người đầu đen vẫn đổ về chợ Việt tấp nập
mua sắm. Những cành mai giả, đào giả trong không khí hầm hập nóng cuối hạ Úc vẫn
mang mùa Xuân đến trong tâm thức người Việt.
Tôi gặp ông ở Bankstown, nơi nhiều Việt kiều Úc tập trung
làm ăn sinh sống.. Bankstown có khu chợ người Việt, tiếng Việt nằm trên tiếng
Anh, chính quyền đặt tên “Saigon place”. Saigon place cuối tuần trước Tết sực nức
mùi tết Việt bởi người mình đi đâu mang Tết theo đó. Dù không được nghỉ họ vẫn
sắm Tết. Chợ tràn ngập bánh chưng, bánh tét, các loại mứt, bao lì xì, câu đối đỏ
và hoa. Người ta xúm quanh các quầy cắm hoa nghệ thuật, gói bánh chưng tại chỗ...
Mai đào thật hiếm thì mai đào giả. Vạn thọ quê mình không thể thì vạn thọ giống
Pháp, hoa to bằng miệng bát vàng rực chợ. Hiếm hoi mới có chậu hoàng mai còi cọc
cành thật cắm hoa giả, những bông hoa mùa xuân không hương, hắt thứ nắng tháng
chạp quê nhà xa xăm nhung nhớ. Người mua bê nâng niu hãnh diện như mời được
chúa Xuân Việt về nhà.
Trông ông khá nhạt bên sắc màu rực rỡ của chợ Tết, bên những
chiếc áo tứ thân phất phơ yếm dãi hay những tà áo dài thướt tha nhưng đi qua
không thể không dừng. Bộ quần áo bà ba nâu có miếng vá làm điệu. Rồi cả thứ ông
bán. Tết người ta bán hoa còn ông bán cỏ. Năm chậu sành lơ thơ nhúm cỏ mọn ghi
tên Việt – Thạch Xương Bồ. Tôi đưa điện thoại chụp. Ông khoe:
“ Quí lắm đó. Gốc gác hắn tận đầu nguồn sông Hương, mọc
trong khe đá. Đoạn sông có thứ cỏ này nước thơm ngọt lạ thường, uống một ngụm
chết liền vì sướng. Không phải ai mua cũng bán.”
“ Rứa răng bác mời cháu?”
“ Vì cô biết dừng trước cỏ. Cỏ quí chứ không phải cỏ độc dân
Rơm trồng mô nghe. Nhưng cô phải nhân thành ba chậu cho ba người. Cứ thế chẳng
mấy chốc Sydney thơm cỏ Thạch Xương Bồ.”– ông cười khoái trá.
“ Hết thứ yêu lại đi yêu cỏ.” – anh nhăn mặt khi tôi đòi
chụp ảnh bên đám cỏ cao quá đầu người.
“Đố vài năm nữa tìm mô ra khoảng hoang sơ hiếm hoi này.
Đô thị hóa hết.” – tôi chun mũi cãi.
“ Tìm chi cỏ dại...”
“ Cháu thấy thơm chi mô, bác tưởng thì có!” – Xua hồi tưởng,
tôi trêu ông già.
“ Thì... thì... rời nguồn sông Hương, lênh đênh qua bao dâu
bể, đến Úc nhân bao nhiêu giống mùi cũng nhạt phai. Chưa tuyệt chủng là may rồi.”
“ Mần răng mà bác đem được qua đây?”
“ Mần răng mà...”- ông già ngẩn ngơ lập lại mấy
tiếng tôi vừa thốt – Hì...hì nghe lại tiếng quê mình thiệt đã! Răng mà đem qua
được hử? Vì yêu chứ răng! Mươi lăm năm trước tui về thăm Huế, ghé nhà người bạn
thấy trên bàn chưng một chậu cỏ. Giống cỏ ấy bạn kể được một người Pháp lấy từ
đầu nguồn sông Hương vì nghe kể tên sông bắt nguồn từ cỏ ấy. Nước sông có mùi
hương vì chảy qua một lớp cỏ thơm từ đầu nguồn tên Thach Xương Bồ. Tò mò ông ta
thuê đò dọc ngược sông Hương tìm và quả thật có một loài cỏ mọc chen ở khe, ghềnh
đá có mùi thơm, hoa trắng nở về xuân. Tui xin ít rễ từ bạn đem qua đây, lén lút
như giấu bồ nhí. Nhưng nhân giống, rồi xa nguồn, Thạch Xương Bồ không còn thơm
lạ lùng như trước nữa. Có hề chi, mùi hương vẫn thoảng trong tâm tưởng... Mà
cháu qua chơi hay qua học?”
“ Cháu học sắp xong rồi. Tết đi tìm hơi nhà.”
“ Du học sinh Việt dịp nghỉ này về nhiều.”
“ Năm ngoái cháu về rồi. Mà Tết bên mình dạo này cũng chán,
mùi Tết nhạt dần...”
“ Mùi Tết à? ”
“ Dạ. Mạ cháu nói Tết có mùi. Nó tỏa từ bếp ra nhà, ra sân,
ra đường. Chính mùi ấy tạo nên hương vị, không khí Tết.”
“ Nè cháu, về nhà tui đi! Cháu đi kiếm hơi nhà. Còn bà nhà
tui lại ưa tìm mùi Tết. Tui mời!”- ông hấp háy mắt.
*
Nhà ông ở Lidcombe. Tết Việt vào cuối hạ Úc nên thời tiết oi
bức, nắng chói chang. Nhưng bước vào vườn ông, tôi ngỡ như lạc bước vào một khu
vườn xanh như ngọc ở Vĩ Dạ.
Lối dẫn vào vườn không trồng cỏ cũng không lát đá. Ông bỏ
dép đi chân trần, mặt tí tởn như đứa trẻ già. “Tui thèm đi trên đường đất.”
Tôi cũng tuột giày để cảm nhận sự mát lạnh dịu dàng của mẹ đất
thấu tới ruột gan.
“ Đi chân đất sướng thiệt.”- Tôi phụ họa.
“ Rứa mà tụi con tui bảo mất vệ sinh. Bà nó ơi tui mang mùi
Tết về cho bà nì! Đi chợ rồi hở?”- ông dáo dác nhìn rồi tự trả lời.
“ Răng bác rinh cái vườn Huế qua Úc được ri?”-
tôi reo lên khi thấy cây cỏ quê nhà vượt nghìn trùng quây quần trong mảnh vườn
nhỏ tận xứ Úc.
“ Yêu thấu ruột gan là khó mấy mần cũng đặng.”
Hai ông cháu mô tê răng rứa như pháo nổ quên khoảng cách tuổi
tác. Ông già vui vì gặp đồng hương có thứ để khoe, để kể.
Ông đưa tay chỉ ngôi nhà trắng trên bãi cỏ có cái cửa thông
qua vườn:
“ Bên nớ là nhà con tui. Vợ chồng con cái hắn Úc hóa hết nên
tui lập vườn riêng ở cho thoải mái. Nhà hắn chỉ trồng cỏ theo kiểu Úc. Còn những
thứ lôm côm khác tui trồng bên tui. Năm trăm mét vuông đất, quây quần đủ loại
hoa cỏ quê nhà. Tui gom yêu thương về góc ở.”
“ Rứa bác gái?”.
“ Bà ấy ở bên ni nhưng vẫn qua lại bên nớ chăm cháu, nấu ăn.
Chút nữa bà ấy sẽ đãi cô món vả trộn xúc bánh tráng, đặc sản Huế. Cây nhà lá vườn.”-
ông đưa tay chỉ cây vả lúc lỉu quả gần đó – “Xứ lạ mà sống ngon ơ, cành chật
thì sà xuống đất, chen chúc sinh sôi, trái ăn không ngạ (1) Hết
hầm giò heo qua chấm ruốc, trộn xúc bánh tráng. Bà nhà tui làm mấy món đó ngon
tuyệt.”
“ Vườn nhà cháu cũng có một cây. Mạ cháu cũng làm các món vả
ngon tuyệt. Bác nhắc làm cháu chảy nước miếng.”
“ Rồi tui hái cho bọc. Mà có biết biến chát thành ngon, biến
dân dã thành tinh tế không đó? Con gái chừ hư lắm, ăn hàng, ăn tiệm, lười nấu
nướng.”
“ Mạ cháu nói lấy chồng mà để bếp lạnh sớm muộn gì nhà cũng
tan nên bắt cháu vô bếp. Giữ chồng là phải giữ lửa.”
Vợ ông là một bà già Huế giản dị. Giản dị như việc chúng tôi
cùng làm bữa trưa với nhau. Tôi ngắt những traí vả mơn mởn, ruột hồng như môi
con gái. Ông hái rau răm.. Bà trộn. Thêm bát canh tập tàng từ những thứ rau
linh tinh lang tang ông trồng trong vườn, đĩa muối sả làm sẵn trong thẩu là đủ
bữa cơm Huế nơi đất khách. Đối với đứa xa nhà, bữa cơm “ hương vị mạ” làm tôi
quên làm khách. Ông hể hả nhìn bà xới cơm cho tôi ba lần:
“Con ni ăn thiệt tình. Rứa tau thích.”- ông đổi xưng hô.
“Mạ cháu nói cháu con gái mà ăn như thúng lủng khu.
Lâu rồi mới được bữa cơm ngon dễ sợ!”
“Cho mi ăn, nhặt mấy tiếng Huế đặc đủ lời. Ăn nữa đi!”
“Dạ cháu bưa rồi.”
“Bạc trốt (2) mới nghe lại tiếng “bưa” nghe
bà. Đố bà bưa (3 )là chi?”
“Là như tui bưa ông rứa đó.”
Ông cười hể hả còn bà kể mấy năm trước còn bày nấu bánh tét
nhưng cũng chẳng thấy mùi tết vì tụi con cháu chẳng hợp tác. Mùi Tết đến từ việc
cùng gói, cùng nấu, cùng thức, cùng ngủ gật bên bếp lửa đỏ. Nhưng chúng bảo bày
thêm phiền, ra hội chợ mua khỏe hơn...- giọng bà buồn buồn.
“Bên cháu chừ cũng rứa thôi. Mỗi thời mỗi khác. Cứ Tết đến
là mạ cháu ca bài hoài niệm. Nào thời mạ, khoảng nửa tháng chạp là bếp dậy mùi
hương – hương mứt, hương bánh. Giao thừa là khoảnh khắc thiêng liêng, đêm ngát
hương trầm. Mồng một Tết hồi hộp coi ai xông đất. Ba ngày Tết không được quét
nhà, mở tủ tránh tiền bạc đi ra. Trong nhà leng keng tiếng đổ cá ngựa, tiếng hô
bài tới, tiếng nói cười sum họp... Chừ Tết quần là áo lượt vi vu ra đường ăn
hàng ăn quán, ghé hội chợ, xem phim. Giàu đóng cửa đi du lịch tránh Tết. Người
ta cũng chẳng mấy ai đến thăm nhau. Thăm rồi đáp lễ thăm lại thêm phiền. Trước
Tết tưng bừng mua sắm ở siêu thị. Hết Tết xe rác chở đầy đồ ăn ngán, bánh chưng
tét mốc meo... Cháu thấy Tết Việt phí phạm. Chuồng trại vét sạch. Rau củ nhổ sạch.
Chết la liệt. Từng giỏ, từng xe, từng đống. Vịt chúc đầu kêu cạp cạp. Tiếng kêu
lần cuối sao vang to đến thế! Gà trống trong rọ còn vỗ cánh gáy. Tiếng gáy dài,
rợn buồn. Những con heo sữa hồng hào mũm mĩm chưa sống hết đời heo đã bị quay
lên mâm. Những trái tim hồng nhỏ xíu. Những lá gan xinh mướt như lá trầu
non...”
“Cháu có trái tim nhậy cảm. Nghe cháu tả tui cũng bưa Tết
luôn.”
“Em nhậy cảm phát mệt. Chúng sinh ra là để giết thịt. Mất
con chó mà khóc hu hu làm như mất người thân...”
“Cháu nhạy cảm quá phải không bác?”
“Ừ. Rứa là khổ.”
“Dạ... bởi rứa cháu sợ đi chợ Tết. Mùa Tết gắn liền với mùa
chết của cây cỏ, gia súc. Từ 20 tháng chạp đến 30 Tết bao buổi chợ phải đi qua
Chết để đến Tết. Đưa ông Táo, cúng tất niên, rước ông bà, đưa ông bà, cúng đầu
năm. Một nhà, nghìn nhà, mấy chục triệu nhà. Mỗi nhà vài con gà, năm bảy ký thịt,
cá, tôm, mực... Sức tiêu thụ mấy ngày tết thật kinh khủng. Phố chợ, siêu thị
đông nghìn nghịt, nóng từng giờ. Cứ nhìn nhau mà mua, chở về nhà chất đầy tủ lạnh
ăn không hết đổ. Các nhà khoa học tính để sản xuất 1 kg thịt sẽ thải một lượng
khí CO2 bằng khí thải của một xe hơi chạy 155km. Để cung cấp nhu cầu tiêu thụ
thịt tết cho cả nước, lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính ấy khủng khiếp biết
dường nào!”
“Thời hiện đại con người hối hả theo nhịp điệu phát triển, bỏ
quên những giá trị cũ. Những nét văn hóa truyền thống đẹp hao mòn còn lại ăn và
chơi...”- ông thở dài.
“Cháu thấy ở đây còn mùi Tết Việt hơn cả quê nhà vì một số
người Việt trong nước Tây hơn cả Tây. Bác tới Cabramatta mà coi. Ngôn ngữ chính
là Việt. Khách hàng chính là người Việt. Họ nô nức mua sắm phả ra mùi Tết Việt ở
xứ người. Làng văn hóa Việt Nam tái hiện đủ ba miền Bắc Trung Nam. Từ ông già
Nam bộ đầu quấn khăn rằn quần ống cao ông thấp, ông già Trung bộ khăn đóng áo
dài đến cô Bắc kỳ yếm thắm nón quai thao. Rồi hát chèo, hát sẩm, múa lân, đàn bầu,
thầy đồ cho chữ, thầy bói xem vận, gánh hàng rong, gánh hàng hoa...”
“Thì báo Úc gọi nơi này là Vietnamatta mà! Nhưng đó là kiểu
trình diễn, tái hiện. Làm chi có cảnh vác cành mai vàng chạy bộ mang mùa xuân
xuống phố. Nhánh mai vàng cắm trong bàn tay lam lũ chai sạn đứng đợi người mua
trong giá lạnh Tết đến nao lòng...”
“Chừ người ta không chơi mai cành mà chơi mai cảnh uốn thế
trong chậu bác ạ! Hoa mai lai tạo vài chục cánh là thường. Chỉ tiền là đắt. Mạ
cháu kể cắm mai cành có thú riêng. Đó là những cành mai chặt từ cội mai vàng
trước ngõ hay bên sườn núi mang hồn cốt mùa Xuân. Giống mai mọc phóng khoáng
trong trời đất mang vẻ đẹp tự nhiên, không gò bó. Bông lớn, sắc vàng tươi và
thường là 5 cánh. Mua một cành mai về còn thú bói mai. Cành nào nhiều nụ chắc mẫm,
xanh như ngọc, nở rộ chiều ba mươi, sáng mồng một là điềm lành. Được vài đóa 6
cánh càng hên. “Chó chạy vào nhà, mai nở 6 cánh.”- mẹ cháu nói rứa đó.”
“Cháu cũng là đóa mai 6 cánh. Cháu được nuôi lớn bằng tâm hồn
đa cảm đầy hoài niệm của mẹ, tra (4) ơi là tra!”-
ông trêu.
“Cháu bị bồ đá vì rứa... Bồ cháu nói cháu về thế kỷ 19 mà sống...
thời nào sống thời đó mắc chi mà hoài...” – tôi òa khóc với ông già xa lạ khi
chạm vào nỗi đau.
“Hơn nhau ở chỗ nhìn thấy sự khác biệt mà trân trọng. Thằng
nớ coi thường giá trị của cháu thì mắc chi tiếc. Được đá nên mừng
mới phải. Thế mạ cháu có nói cháu mu khóc (5) không? ”
“Dạ có”- tôi chùi nước mắt - “Nì, tiếng Huế bác hơn cả cháu
nữa tề...”
*
Trong cái nóng hừng hực, màu xanh mát trong vườn Huế ở
Sydney giúp tôi vơi nỗi đau.
Theo chân ông, tôi xuýt xoa theo cây trái Việt chen nhau
trong vườn Úc - thanh long, thanh trà, ổi, xoài, mít, mãng cầu, măng cụt.... Cả
thứ chua chát như bồ quân, gần như chỉ còn trong hoài niệm cũng có mặt.
Ông ngứt (6) cho tôi trái ổi:
“ Hắn là giống ổi sẻ, nhỏ mà ngon. Cắn vào lớp vỏ ngòn ngọt
chan chát là trở về thời thơ ấu...”
“ Vườn cháu có một cây mạ cháu không cho chặt dù bây giờ người
ta ăn toàn ổi lê, ổi xa lị, ổi nữ hoàng... Mạ cháu nói vị ngọt chát và thơm của
nó các giống ổi kia không có. Cầm theo gói muối ớt ăn luôn trên cây mới tuyệt
bác à!” Thấy tôi ngẩn người ngắm búp sen xanh bằng ngón chân cái đang ngoi lên
trong chậu sành hẹp, ông già tự hào khoe:
“ Giống Tịnh Đế đó nghe. Loài sen thanh tao, thuần khiết, cực
quí hiếm. Không biết thì gọi là sen dị biến vì hai đóa nở trên một cuống. Người
biết thì gọi đó là sen Tịnh Đế biểu thị điềm lành. Lần về nước vừa rồi, tui gặp
may phát hiện trong bó hoa mua dọc đường có đóa sen Tịnh Đế mới lấy hạt giấu
trong ví. Nhưng rồi chỉ nở một đóa như cháu thấy đó. Hy vọng sẽ có ngày thấy
hai hoa trên một cuống. Sen Tịnh Đế còn gọi là sen phu thê, hiện thân cho tình
yêu chung thủy, tựa vào nhau, cùng nở, cùng tàn.“Bao giờ cho được thành đôi.
Như sen Tịnh Đế một chồi hai bông.”- ông ngâm nga.
“ Mạ cháu gọi hoa sinh đôi. Khi nào về bên nớ, gặp hoa sinh
đôi cháu gửi hạt giống qua đường bưu điện cho bác.”
“ Ai cho mà gửi. Đem giống cây Việt qua Úc cũng như cây vượt
biên, bị phát hiện là mệt. Tui đem chui. Nhưng dù không phải sen đôi, tui vẫn
quí lắm. Từ khi đem hạt qua gieo, hai năm sau mới nở hoa. Đó là đóa sen Huế đầu
tiên ở Sydney.”- ông già nâng niu bằng mắt.
“ Khó rứa mà sao bác tha đủ loại cây Việt qua đây được?”
“ Thì tha dần mỗi lần về. Mỗi giống hai, ba hạt như cam
sành, ổi, thanh trà, khế...Có giống đem một hạt như bàng, phượng đỏ...Có lần ngồi
uống cà phê trước nhà người bạn thấy cây mưng buông từng chuỗi hoa đỏ đẹp quá,
nảy ý đem qua Úc bèn cắt một khúc bằng chiếc đủa, cắt ra nhiều đoạn ngâm trong
ly nước, một tuần sau thấy nó có triệu chứng ra rễ. Tui lấy một khúc dưới cùng
bọc trong khăn ẩm bỏ trong ví. Tiếc là không sống... Vườn Huế là mảnh đất bao
dung cứ chen nhau mà sống nên tui trồng linh tinh lang tang. Hương chanh, hương
bưởi, hương nhu cho bà nhà gội đầu. Gừng, sả, ớt trong góc. Mồng tơi, rau ngót ở
hàng rào. Rau thơm, lá lốt, rau dền, rau muống... giành nhau từng tấc đất rồi
“hợp tấu” trong bát canh rau tập tàng. Cách đây mười mấy năm vườn tui được làm
nền để đài truyền hình quốc gia Nhật quay một cảnh cộng đồng Việt sinh hoạt. Họ
muốn tìm hiểu sinh hoạt các sắc tộc ngoại quốc ở Úc. Sydney có nhiều sắc tộc
sinh sống.”
“ Mạ cháu nghe kể có vườn Huế ở Sydney ngạc nhiên lắm đây! Lần
sau bác về, mời bác ghé nhà cháu. Mạ cháu sẽ cho bác thêm giống.”
“ Ừ.“Cố hương là nơi ngươi không thể rời xa. Cố hương là
nơi ngươi không thể không trở về”. (*) Bên cây cỏ thân thuộc, tui thấy gần
nhà...”
“ Mình vô bếp đi bác. Cháu nghe mùi mứt gừng thoang thoảng rồi.”
Mùi Tết tỏa ra từ căn bếp sạch đẹp của bà. Trên kệ thẩu nối
thẩu- dưa món, dưa kiệu, vả dầm, thịt dầm. Quật vàng óng gối đầu lên nhau. Mứt
dừa khoe vẻ đẹp nõn nường trong hình hài cúc trắng...
“ Bà ấy lụi cụi từ hai mươi tết đến chừ. Tui chỉ phụ. Bà ấy
bảo không làm không có mùi Tết từ bếp.” – ông tự hào khoe.
“ Bác khiến cháu nhớ mạ cháu quá. Bên nhà mốt mứt đã tàn lụi,
món nhắm lên ngôi mà mà mạ cháu vẫn làm mứt. Nhờ đó cháu cũng học được đôi
chút. Bác để cháu đảo gừng cho.” - tôi sà xuống bên chảo mứt gần khô.
“ Tết không thể thiếu mứt gừng. Uống chén trà ăn lát mứt gừng
trong tiết trời se lạnh thật tuyệt. Dù bên này Tết Việt nóng chảy mỡ, bác vẫn
làm để ra vườn nhâm nhi.”.
“ Mạ cháu còn tìm mua cho được gừng Tuần trồng ở thượng nguồn
sông Hương nữa kìa. Gừng Tuần củ nhỏ, lép, khó xắt nhưng mùi thơm, vị cay rất
tuyệt.. Cháu thích nhất là ăn mứt vét. Tinh túy đọng đáy thau.”
Tôi giúp bà đảo gừng, trải gừng ra nia rồi cạo mứt vét.
Chúng tôi, hai già, một trẻ uống trà nóng, nhấm nháp vụn gừng trong vườn. Ngồi
trong nắng, dưới bóng cây nhãn mà thấy trong tâm thức mình mưa bụi giăng giăng,
lòng se se lạnh. Bên nhà hôm nay 29 Tết.
Ông phá im lặng:
“ Mai cháu có muốn đến đón giao thừa với bác không?”
“ Để hai bác sum họp cùng con cháu. Khoảnh khắc thiêng liêng
ấy là của gia đình. Mai sinh viên tụi cháu tham gia Tết cộng đồng do đại sứ
quán Việt tổ chức. Cháu vẫn còn ham chơi lắm. Sau đó về... chợ hoa tàn.”- tôi hạ
giọng.
“ Chợ hoa tàn ở mô?”- ông ngạc nhiên.
“ Dạ bên mình. Đó là lúc cận giao thừa, người nghèo đi mua
hoa vét. Hoa loại ba loại bốn. Người loại năm, loại sáu. Giá nào cũng bán. Bán
đổ bán tháo để về nhà kịp đón năm mới. Người mua hể hả vì chỉ cần mấy chục bạc
là rước xuân về trước ngõ. Người bán nhẹ lòng vì không mang tội quẳng hoa đem
chậu về. Ngắm cảnh ấy thấy bùi ngùi lắm.”
Tôi từ biệt họ với quà Tết trong tay – gói mứt, thẩu vả dầm,
chậu Thạch Xương Bồ. Xa nguồn, hương cỏ đã phai. Tết, mỗi thời mỗi khác nhưng hề
chi, có mùi hương, giá trị vẫn còn trong tâm tưởng.
Xuống tàu, tôi thả nỗi buồn đã cũ xuống sân ga. Về khoe với
mạ một ngày ấm áp hơi nhà.
Quế Hương
Chú thích:
Những tiếng Huế sau đây có nghĩa là
(1) ăn không ngạ : ăn không hết được
(2) bưa : ngán
(3) trốt: đầu
(4) tra: già
(5) mu khóc: mau khóc
(6) ngứt : ngắt
(1) ăn không ngạ : ăn không hết được
(2) bưa : ngán
(3) trốt: đầu
(4) tra: già
(5) mu khóc: mau khóc
(6) ngứt : ngắt
(*) Thơ Hàn quốc - Nguyễn Quang Thiều dịch.