01 February 2020

MÙNG HAI TẾT - Phạm Hảo


Hôm 23 tháng Chạp, ngày cúng đưa ông Táo về Trời, trong bữa cơm chiều hôm ấy, U tôi đã bắt đầu giao việc cho bốn chị em tôi để làm trong những ngày đầu năm mới, đặc biệt là ngày Mùng Hai Tết, vì hôm đó U tôi đi đến nhà Bác Nên ở mãi trên Thành ăn Tết, không có nhà. U tôi bảo quen biết Bác Nên hơn 10 năm rồi, từ khi di cư ngoài Bắc vào, năm nào Tết đến là Bác cũng ân cần mời Ba U tôi đến nhà Bác ăn Tết với đại gia đình của Bác. Ba tôi thì không thể nào đi đâu được trong mấy ngày Tết vì cụ rất bận rộn hội họp với những người bạn có cùng thú chơi chim gáy với cụ. Năm nay U tôi quyết định phải lên Thành ăn Tết một lần với Bác Nên cho khỏi phụ lòng tốt của người bạn thân.

Chị Vân lớn nhất trong bốn chị em thì được giao cho ngày Mùng Hai Tết ở nhà lo tiếp bạn bè, hàng xóm và họ hàng ghé qua chúc Tết. Chị Vân vâng lời ở nhà ngay, chúng tôi biết tại sao, lý do vì tuần trước anh Hà là bạn của anh Thành, anh thứ hai của tôi, đã hẹn Mùng Hai Tết ghé qua chúc Tết Ba U tôi và lì xì cho mấy đứa chúng tôi. Chị Vân và anh Hà chưa đi đến tình trạng Tay Trong Tay đâu, nhưng tình trạng Mắt Trong Mắt thì chị Thảo và tôi rình rập, đã bắt gặp vài lần.

Chị Thảo thì khi mới ra đời đã yếu ớt, thiếu sức khỏe, mình hạc xương mai, Ba U tôi không cho động đến một tí việc gì trong nhà, đi học hàng ngày còn phải có xích lô tháng đưa đón, ăn uống ngày hai bữa cũng hơi khác với những đứa mạnh khỏe trong nhà chúng tôi, bữa cơm của chị lúc nào cũng có thịt hay khoai tây, cà rốt là những món có nhiều chất bổ. Trong khi chúng tôi thường chỉ có cá kho, cá rán, rau luộc, đậu rán, canh rau… Thế nên hôm ấy U tôi giao cho chị ở nhà giúp chị Vân những việc nhẹ nhàng không phải dùng sức nhiều như pha trà, dọn bánh mứt ra tiếp khách.

Dung là út, nhưng ai cũng bảo là khôn nhất trong bốn chị em. U chưa giao việc là Dung đã xin hôm Mùng Hai ở nhà để phụ chị Vân. Không nói ra thì U tôi và chúng tôi cũng biết là Dung muốn ở nhà hôm ấy để tha hồ ăn mứt, cắn hạt dưa và đếm tiền lì xì. Dung còn đoán được là người nào sẽ lì xì bao nhiêu tiền, thường thì là út ít, nên tiền lì xì của Dung khi nào cũng nhiều hơn chúng tôi, Dung còn biết cách giữ tiền như các bà già xưa nữa. Gần đến Tết là Dung đã chuẩn bị một cái hộp bánh bích quy cũ, để đựng tiền lì xì, ba ngày Tết là lúc nào Dung cũng ôm kè kè cái cái hộp bích quy này, thỉnh thoảng mở nắp hộp, lôi hết những bao lì xì ra đếm tiền, tối mệt quá đi ngủ thì còn cẩn thận lót cái hộp quý giá đó dưới gối để ai có đụng đến nó thì biết ngay.

Phần tôi, con gái nhưng vai u thịt bắp, công việc nhà thường thì được U giao cho làm từ buổi sáng trước khi đi học, đi học về lại tiếp tục làm quần quật không biết mệt nên chuyến này U tôi cho tôi đi theo để xách phụ U mấy cái giỏ nặng vì U không thể nào xách hết những món quà Tết U mang đi biếu Ông Bà Hai là thân sinh của Bác Nên gái. Ông Bà Hai cưng bốn chị em chúng tôi lắm, khi nào Bác Nên ở trên Thành xuống Nha Trang thăm Ba U tôi thì Ông Bà đều gửi những món quà nhà quê cây nhà lá vườn cho chúng tôi như cam, quýt, bưởi, thanh long, bồ quân, mít và nhất là món bánh tráng mít bà Hai làm từ mít chín cây có sẵn trong vườn. Bà Hai biết chúng tôi mê món này nên khi nào Bác Nên có việc xuống Nha Trang Bà cũng bắt Bác Nên mang cho chúng tôi bốn, năm xấp, tính ra cả mấy trăm cái, chúng tôi rỉ rả ăn cả hơn một tháng mới hết, khi có bánh tráng mít này của Bà Hai, không biết chị Vân, chị Thảo và Dung thế nào, chứ tôi thì đi học phải gói một cái mang theo bỏ trong cặp, đi học về việc đầu tiên là vào bếp xé một miếng bánh tráng mít ra nhai trước khi làm công việc gì khác. Bà Hai gửi cho chúng tôi nhiều bánh tráng mít như vậy vì Bà nói nhà đông con gái và Bà biết món này là món đặc biệt của Bà, chúng tôi nếu có tiền và muốn mua cũng không tìm thấy bánh tráng này bán ở chợ.

Bây giờ mỗi khi nhớ đến, tôi vẫn còn tha thiết thèm những cái bánh tráng mít thơm ngọt, dẻo dai, màu nâu nhạt óng ánh như màu mật mà U tôi gọi là màu mã não. Những cái bánh tráng dẻo thơm này được bọc trong lá chuối khô. Lật miếng lá chuối lên là mùi mít trộn với mùi đường, mùi nước dừa và mùi nếp thơm nhẹ nhàng thanh khiết thoảng vào mũi, và cứ thế mà xé từng miếng bánh tráng mít ngọt và dẻo nhai từ từ, phải nhai từ từ mới thưởng thức được hết cái hòa hợp khéo léo đậm đà của món ăn hiếm hoi này. Và lớn lên tôi không còn được thưởng thức món quà ngon này nữa, hoặc nghe một người nào nhắc nhở đến nó, kể cả những người đã từng sinh sống hay chôn nhau cắt rốn ở Nha Trang.

Sáng sớm Mùng Hai Tết, U gọi tôi dậy sớm để đi với U. Tối hôm trước tôi xin U cho tôi mặc cái áo đầm xoè U may cho tôi mặc Tết kiểu giống như cô Sandra Dee mặc trong phim Gidget nhưng U bảo đi về nhà quê ăn Tết, lại phải đi xe ngựa, đi qua đò thì không mặc áo đầm được. U bảo tôi mặc cái áo dài màu xanh nước biển đậm có chấm trắng, áo cũ của chị Vân mặc từ Tết năm ngoái với cái quần trắng là đẹp rồi, áo dài trông không cũ mấy vì chị Vân ít mặc, chị không thích nó lắm, chị nói bà thợ may áo dài may cái áo đó cho chị cái eo không được sát, chị mặc trông thấy giống như mấy cụ già đi chùa. Tôi mặc vào, đứng soi gương thì cũng cảm thấy thích thích vì trông khác đi và như lớn hơn được một tí. Diện quần áo vào đâu đó, chải tóc xong xuôi là bác xích lô U tôi dặn trước Tết vừa tới, mẹ con tôi ra xe, U tôi giao cho tôi xách hai giỏ đầy, nặng trĩu, trong giỏ có bốn cặp bánh chưng, bốn cây giò lụa mỗi cây hai kí lô U tôi đặt làm, phần U tôi thì cũng xách hai giỏ đầy, một giỏ trong đó có bốn chai rượu nếp than hạ thổ một trăm ngày U tôi năm nào cũng làm để ăn Tết. Giỏ kia thì có cam tây, táo và nho. Những thứ này đắt tiền, U tôi không dám cho tôi, sợ tôi vụng về lơ đãng vấp ngã thì hỏng cả. 

Hai Bác Nên ở chung một nhà với ông Bà Hai. Nhà nằm trong Cổ Thành Nha Trang, ở đây mọi người cứ gọi vắn tắt là Thành. Từ thành phố Nha Trang đi lên Thành có thể dùng xe đò, xe lam hoặc xe ngựa. Bác Nên dặn là mẹ con tôi nên đi xe ngựa, tuy chậm nhưng xe ngựa sẽ đưa chúng tôi vào tận cổng Thành, chỗ đó gần nhà nhất, không phải đi bộ xa như đi xe lam và xe đò.

Gần đến cổng Thành, xe ngựa chạy từ từ thì tôi đã thấy Bác Nên và Dì Sáu em ruột của bác Nên chờ sẵn ở đó. Hai người thấy mẹ con tôi trên xe ngựa là chạy theo xe đến khi xe ngừng hẳn. Bác Nên và U tôi gặp nhau mừng rỡ nói chuyện, ai không biết thì tưởng hai người đã xa cách nhau đã lâu lắm rồi, chứ đâu biết là tuần trước đó đi Nha Trang sắm Tết bác đã ghé nhà tôi thăm và biếu quà. Có Bác Nên và Dì Sáu giúp xách giỏ nên tôi không thấy mệt, qua cổng thành, hai bên đường đi là những cánh đồng lấp lánh nước, những hàng cau đứng thẳng và những hàng dừa ngả nghiêng đầy trái, có cây gần như ngã rạp xuống mặt ruộng, cảnh quê đẹp và thanh bình quá, lâu lâu mới nghe vài tiếng tiếng gà gáy rời rạc bâng quơ trong xóm. Mê mải ngắm cảnh hai bên đường, chẳng mấy chốc đã đến bờ sông, bề ngang sông nhỏ lắm, hôm nào trời trong thì có lẽ người từ bờ bên này có thể nhìn rõ mặt và nói chuyện với người từ bờ bên kia, Dì Sáu nói là đây là một nhánh sông nhỏ của con sông Cái chảy ra biển.

Cạnh bờ có chiếc xuồng nhỏ, Dì Sáu giữ xuồng cho Bác Nên bỏ hết mấy cái giỏ vào xuồng, rồi cẩn thận chờ Bác Nên và mẹ con tôi xuống, ngồi đâu đó vững chãi rồi mới nhẹ nhàng từ từ chèo qua bờ bên kia, chưa đến 5 phút là qua đến bờ . Tôi hỏi Dì Sáu sao không bắc cầu, Dì Sáu nói khúc trên và khúc dưới đều có cầu bắc ngang sông, nhưng đi về nhà xa lắm, gia đình Ông Bà Hai thích dùng xuồng này cho mau, nhất là mùa này nước bắt đầu hiền lại rồi nên dễ chèo chứ không vất vả gì.

Lên bờ, chỉ đi qua một vuông ruộng ngắn là đã đến nhà Ông Bà Hai, căn nhà có mái ngói màu nâu đầy rêu phong nằm trong một khu vườn rộng, rợp bóng râm của những cây ăn trái xanh tươi. Kiểu nhà cũ chắc phải cả hơn trăm năm rồi, nhà thấp có một hàng hiên rộng bao bọc phía trước và hai bên hông nhà, mấy cây cột tròn của hàng hiên này được đánh bóng bằng bồ hóng đen nhánh. Trước khi vào cửa nhà phải bước qua một cái sân gạch rộng bày đầy những chậu kiểng lớn và vững chắc. Tôi thấy có bốn chậu mai vàng đứng sừng sững trên sân gạch, cây nào cây nấy chi chít nụ xanh và loáng thoáng những cánh hoa vàng hàm tiếu, chẳng có thấy một cái lá nào. Ngoài bốn gốc mai, tôi còn thấy những chậu vạn thọ vàng rực và những chậu hoa giấy màu hồng, màu đỏ khoe sắc lộng lẫy đón Xuân.

Bác Nên dắt U tôi và tôi vào chào Ông Bà Hai và Bác Nên Trai cùng các cậu các dì con của Ông Bà Hai xong rồi là tôi lần lượt nhận được mười mấy cái phong bao đỏ lì xì. Lúc cầm mớ bao lì xì dày cộm trong tay, tôi sung sướng nghĩ đến chị Thảo và Dung ở nhà bây giờ chắc không thể nào kiếm được nhiều bao lì xì như tôi đang có bây giờ.

Chị Nghĩa con gái lớn của Bác Nên chắc sợ tôi đói, đưa cho tôi cái bánh ú nhỏ bằng quả chanh ăn cầm hơi. Bà Hai liếc thấy nói ăn xong cái bánh đó rồi là đừng nên ăn gì thêm, chờ ăn cơm trưa Dì Sáu đang dọn . Bác Nên và chị Nghĩa rủ U tôi và tôi xuống bếp. Dì Sáu đã ở đó từ lúc nào, vì tôi thấy Dì đã dọn được một mâm lớn, trên đó ê hề thức ăn đủ màu sắc, toàn là những món ngon, nhìn là tôi muốn ngồi xuống ngay. Có món măng khô hầm giò heo, món tai heo ngâm dấm được cắt thật khéo, thật đều tay bày trên đĩa với củ kiệu và đồ chua, món cá thu nướng vàng kho thịt ba chỉ và gừng, món thịt heo khìa vàng óng ả, một đĩa gà luộc xếp thật gọn gàng khít kha, được rắc lá chanh thái chỉ nổi bật trên màu da vàng lườm , một đòn bánh tét nếp ánh lên màu mỡ nằm trên cái đĩa dài, đã được cắt từng khúc để thấy lớp đậu gần tràn ra bìa bánh, và những thỏi thịt mỡ đã nhừ ra, mềm như miếng bơ, mà vẫn giữ nguyên hình dạng, cạnh đó là đĩa dưa món nhỏ với những miếng cà rốt, đu đủ , củ cải được tiả cắt khéo ơi là khéo.

Nhìn mâm cơm Tết ngon lành và tinh khiết tôi chỉ mong người lớn ngừng nói chuyện để ngồi xuống bàn ăn, nên khi Bác Nên nói mọi người nên vào bàn kẻo không thức ăn sẽ nguội hết là tôi vâng lời ngay không chần chờ đến một giây. Bác Nên, Dì Sáu và chị Nghĩa cùng ngồi ăn cơm với chúng tôi. Còn Bà Hai thì nói đã ăn trước rồi nên chỉ ngồi chơi nói chuyện nhìn mọi người ăn cho vui, thỉnh thoảng Bà đứng dậy, múc thêm canh hay lấy thêm miếng ớt cho chúng tôi, và luôn miệng nhắc U tôi và tôi gắp thêm thức ăn. U tôi vừa ăn vừa khen là món nào trong mâm cũng ngon quá, rồi lại bảo là trên bếp thấy nấu nhiều thức ăn như vậy thì ăn đến hết tháng Giêng chắc vẫn còn. Bác Nên nói đừng có lo, quá trưa Bác Nên Trai và Cậu Út đi đá gà về xong , thì sẽ mang về nhà khoảng mười người trong hội đá gà theo thì món nào trong bếp này cũng sẽ vơi đi một nửa ngay.

Trong lúc ăn cơm, tôi nhìn quanh cái bếp rộng, chắc là phải rộng gấp năm lần cái bếp của U tôi ở nhà. Bếp hình chữ nhật, chỗ chúng tôi ngồi ăn là một cái bàn dài, lớn quá khổ, lớn hơn những cái bàn thường rất nhiều, hai bên là hai cái ghế ngựa, gỗ của bàn ghế đã lên nước bóng loáng. Cái bàn và bộ ghế ngựa được kê ngay cửa ra vườn sau và cửa bước lên nhà ngang. Bàn lớn thế này, chắc là rất đa dụng, vừa làm chỗ ăn cơm, làm bánh, xắt rau, thái thịt. Tường của căn bếp lớn này làm bằng phên tre, gọi là phên tre nhưng trông vững chãi còn hơn cả tường xi măng ở trên tỉnh. Nền của căn bếp này là đất nện, sạch như lau như ly.

Phiá trong cùng là nơi để những cái vại cái chum, xếp thứ tự từ lớn đến nhỏ, tính ra phải hơn hai chục cái. Tôi đoán đó là kho chứa lương thực của nhà Bà Hai, chứa những thứ như gạo nếp, gạo tẻ, măng, miến, đậu, bột, đường … Cái vại cái chum nào cũng có những cái nắp đậy bằng gỗ, dày và chắc chắn. Trên nắp những chum vại này để không biết bao nhiêu đòn bánh tét, thúng bánh ít, rổ bánh ú.

Bên cạnh dẫy chum vại này là một cái kệ dài khoảng bốn mét, chiều cao gần chạm đến mái nhà, kệ đóng bằng những thân tre to bằng ống chân người lớn, có ba tầng. Cạnh cái kệ này có dựng một cái thang tre. Tầng dưới cùng tôi thấy có những lọ dưa món, hũ tai heo ngâm dấm, những hũ mứt dẻo, hũ me lột vỏ ngâm nước cam thảo. Tầng thứ nhì thì bao nhiêu màu sắc của những hũ mứt: mứt gừng, mứt dưà, mứt bí, mứt mứt sen, mứt khoai, mứt quất..Tầng trên cùng thì bày những hũ bánh thuẩn, mứt mãng cầu, mứt me, mứt chùm ruột. Cạnh cái tủ là cái chạn có cánh cửa, ở nhà tôi cũng có một cái, U tôi gọi là cái “ garde manger”, dưới bốn cái chân của cái tủ này có bốn cái tô lớn chứa đầy nước, ngừa kiến không bò lên thức ăn chứa trong tủ được. Tủ này dùng để chứa những thức ăn nấu sẵn, hay những món ăn còn dư lại, cùng xì dầu, nước mắm….

Tôi thích cái bếp, bếp này xây cao để đứng mà nấu chứ không phải ngồi chồm hổm như những cái bếp ở nhà quê khác. Bếp được đắp bằng đất sét, có một cái lò thật lớn, hai cái lò trung bình và hai cái lò nhỏ, tất cả đều làm bằng đất sét nung. Dưới gầm cái bếp được xếp đầy củi chẻ, xếp rất đều, mặt trước bằng phẳng nhìn như một tấm ván chứ không phải là đầu của những khúc củi. Lúc đó tôi còn nhỏ mà đã nhận xét được là những người đàn bà trong nhà này quá khéo léo và ngăn nắp, chỉ nhìn kiểu xếp củi là đủ biết, thanh củi nào ăn khớp với thanh củi nấy, không một khe hở, rắn và chuột có loạng quạng lọt vào đây thì cũng không dễ gì tìm ra chỗ trú ẩn.

Trên cái lò nhỡ tôi thấy một nồi cá kho, lò bên cạnh là nồi thịt kho, trên cái lò lớn là nồi măng khô hầm. Ba cái nồi trên bếp đầu sáng bóng, nấu củi mà không thấy khói bám vào, hoá ra trên mỗi cái lò có đặt một cái chảo có khoét lỗ, chảo này hứng hết khói từ dưới đi lên, chặn cho khói không bám vào thành nồi được.

Vưà ăn cơm xong là Bà Hai bưng ra hai cái khay, trên cái khay nhỏ đó khoảng mười chén chè đậu xanh đánh thật mịn thơm lừng, còn trên khay lớn thì bày đủ thứ mứt nhà làm lấy. Nhưng tôi chỉ chú ý vào những trái mứt me ươm đường óng ả, vừa ngọt vừa chua chứ không ngọt lịm như các thứ mứt khác, tôi đã ăn hết hai trái rồi, định dơ tay lấy thêm một trái nữa thì thấy U tôi đưa mắt nhìn, tôi vội rụt tay lại. Ăn xong chị Nghĩa và tôi phụ Dì Sáu dọn bàn, rửa chén, lau chén bát, xong xuôi rồi Bác Nên bảo chị Nghĩa dắt tôi đi ra vườn chơi cho biết những cây ăn trái và để cho tiêu cơm.

Hai đứa chạy ra vườn, đến dưới gốc cây cam sành chĩu chịt trái, chị Nghĩa kéo tôi đứng laị, chi ̣mở gói lá chuối khô tôi thấy chị cầm trong tay tự nãy giờ, trong đó có bốn trái mứt me, chị nói:

“Ngoại đưa đó, kêu mình mang ra ngoài này cho bồ ăn cho đã, chiều về thế nào Ngoại cũng gói cho bồ mang về nữa đó, Ngoại nói coi bộ con Hảo thích mứt này.”

Chị Nghĩa dắt tôi đi chơi trong vườn, chỉ vẽ rành rọt từng cây một, giàn thanh long, bụi chuối xanh tươi trồng ngay sau hè cạnh chỗ rửa chén, có vài buồng chuối chĩu chịt xuống gần sát mặt đất, cây cam nào là cây cam ngọt nhất, cây bưởi hồng, cây bưởi trắng, cây mít dai, cây mít ướt, cây mít mật này Ngoại để dành trái làm bánh tráng mít, cây chùm ruột, cây khế, cây bồ quân. Tôi thích đứng nhìn cây bồ quân nhất vì lần đầy tiên tôi mới thấy nó, cành của nó đầy gai , và trên cành vẫn còn đầy những quả là quả bám vào thân cây.

Hai đứa chạy nhẩy trong vườn một lúc, chị Nghĩa hỏi tôi:

“Hảo muốn tới U Lan Cốc của ông Ngoại chơi không?”

Năm đó tôi đã học lớp đệ tam rồi nên cũng hiểu lõm bõm được mấy chữ Hán, nghe chị Nghĩa nói U Lan Cốc thì đoán sơ sơ là chắc chỗ này phải tịch mịch lắm, và chắc chắn là phải có hoa lan. Chúng tôi đi theo con đường mòn dẫn đến cái ao ở cuối vườn, nằm dưới bóng mát của hai cây chùm kết là một cái nhà nhỏ, vách bằng phên tre, mái tranh dày thật là dày, viền mái được cắt ngay, thẳng và gọn gàng. Cái nhà nhỏ này được cất trên một cái nền làm bằng đất nện , cao hơn mặt đất đến hai mét, chúng tôi phải bước lên mấy bậc tam cấp mới lên đến nhà.

Mở cửa ra thì thấy có một cái chõng tre lớn kê ở góc nhà, ở đầu chõng có cái gối gỗ hình chữ nhật, chỗ gối đầu đã lõm xuống một khoảng như nửa vầng trăng ,phía vách tường bên kia đối diện với cái chõng là bộ bàn mây có hai cái ghế, trên bàn có vài quyển sách, và một cái bình trà nằm trong cái giỏ giữ nóng làm bằng vỏ dừa, cùng mấy cái tách uống nước. Tôi nói với chị Nghĩa:

“Chỗ này im lặng quá vậy chị.”

Chị nói:

“U Lan Cốc mà Hảo, không im sao được, Ông Ngoại đặt tên đó, ngày nào Ông Ngoại cũng ra đây nghỉ trưa cho êm.”

Rồi chị đi tới cửa sổ, cạnh đó có một cái tờ liễn dài có bốn hàng chữ, viết bằng mực Tàu, chữ Việt nhưng viết kiểu dài từ trên xuống dưới, chị nói:

“Tờ này chắc Ông Ngoại mới treo lên, bữa trước Tết Nghĩa ra đây quét dọn chưa thấy.”

Hai đứa xúm vào đọc:

“Xuân tâm mạc cộng hoa tranh phát
Nhất thốn tương tư nhất thốn hôi

Dịch là:

“Hoa nở, lòng Xuân đâu dám nở,
Tấc lòng nhung nhớ tấc buồn thương.”

Tác giả Lý Thương Ẩn

Chị Nghĩa nói, trong hai câu thơ này có Xuân, có hoa mà sao đọc lên thấy hơi buồn. Tôi nói lòng dạ người lớn chắc khác đám trẻ con mình chị ơi.

Chị cười, đi đến cửa sau, dang tay mở rộng hai cánh cửa bằng tre, kéo tay tôi đi ra ngoài. Lúc đó tôi mới thấy là cửa sau của cái nhà này nhìn ra cái ao. Từ cửa sau kéo dài đến giữa cái ao là một cái cầu tre chiều ngang khoảng bốn mét. Trên cầu có mái bằng tre lưa thưa nhưng trông chắc chắn.Tôi sững sờ nhìn hai hàng giỏ bằng đất sét treo dài theo thành cầu tre, giống như những cái niêu nhỏ kho cá có đục lỗ, trong chậu chứa những cây lan có hoa màu tím hồng.

Chúng tôi bước lên cầu, đi ra giữa ao, trên cầu đó, một bên treo một loại hoa lan có lá dày lớn, hoa từng chùm đầy những cánh hoa màu tím lạt. Từ dưới cuống lá là những cái rễ khỏe mạnh to bằng ngón tay út, có những cái rễ chui từ trong chậu ra từ những cái lỗ của chậu. Những cái rễ phải dài cả ba mét, lơ lửng trong không gian, rồi la đà như muốn bò xuống mặt nước, chị Nghĩa nói những cây lan này là lan Ngọc Điểm.

Chị chỉ những cây lan treo phía bên trái là lan Giả Hạc. Đám Giả Hạc này thì vẻ đẹp lại mềm mại khác với đám Ngọc ĐIểm ở bên kia. Thân của những cây lan này trông giống giống như những sợi bánh canh dài, hoa phơn phớt hồng và có một lớp lông mịn, những cánh hoa bám đầy những “ sợi bánh canh” từ gốc đến ngọn. Gió từ ao nhè nhẹ thổi lên, làm đong đưa những dây hoa này, cảnh tượng thơ mộng lạ thường, tôi nghĩ cảnh tiên cũng chỉ đẹp đến thế này mà thôi, hương lan toả ra, nắng và làn gió nhẹ làm cho càng nồng nàn thêm.

Tôi hỏi chị Nghĩa hai thứ lan này, lan nào có mùi thơm vậy, chị nói hai thứ lan cùng thơm ngát. Chị nói Bà Ngoại không chịu được mùi thơm này, Bà Ngoại có ra đây vào mùa hoa nở thì chỉ đứng trên thềm nhà ngắm thôi. Rồi chị nói là ngày mai Ông Ngoại có mời nhiều khách đến ngắm lan nở, khoảng ba chục người, cả nhà sẽ bận từ sáng sớm đến tối mịt. Mỗi năm Ông có khoảng mấy cái tiệc ngắm hoa lan nở như vậy, tuỳ theo mùa nở hoa của những loại lan khác nhau.

Tôi hỏi chị vậy là còn lan trồng ở đâu nữa? Chị nói mình đi ngược lại U Lan Cốc rồi đi vòng xuống bờ ao, chỗ gốc cây sung lớn, trên cành sung Ông Ngoại treo rất nhiều cây lan không nở hoa ở đó. Tôi đang lúp xúp theo chân chị Nghĩa đi lên nhà thì nghe tiếng Bác Nên và U tôi gọi về đi chùa cho kịp.

Ở chùa về thì đã gần chiều, tôi muốn rủ chị Nghĩa ra bờ ao xem lan của Ông Hai ở gốc cây sung cho thoả chí tò mò nhưng cả nhà bận rộn dọn ăn cho các bạn của Cậu Út, và phải sắp xếp bánh mứt cho mẹ con tôi ra về nưã nên tôi đành chịu, không dám hỏi. Trên đường về tôi nói cho U tôi nghe về U Lan Cốc, U tôi bảo Ông Hai trồng lan nổi tiếng ở Thành và Nha Trang vì hồi trẻ ông đi theo làm việc với ông đốc tờ Yersin mấy chục năm trường, lặn lội ở những chỗ rừng rú như Suối Dầu nên ông tìm được nhiều thứ lan lạ, và ông đốc tờ còn gửi mua sách trồng hoa lan bằng tiếng Tây cho Ông nên Ông Hai trồng lan có khoa học, lan của ông đẹp và tốt hơn lan của nhiều người khác.

Tôi nghe U nói mà lòng nể phục Ông Hai. Ngồi trên xe tôi chỉ mong về đến nhà để trước hết là khoe với chị Vân, chị Thảo và Dung tiền lì xì của tôi được từ nhà Ông Bà Hai, rồi kể cặn kẽ những món Tết ngon lạ tôi được ăn từ sáng đến chiều, và nhất là U Lan Cốc, chắc mới đầu tôi kể ra thế nào các chị cũng không tin. Tôi xin U tôi là khi nào U đi lên nhà Bác Nên nữa thì nhớ cho tôi đi theo, nhất là nếu Tết sang năm U đi nữa thì tôi xin đi ngay, xách bao nhiêu cái giỏ tôi cũng xách được.

Năm sau tôi vào Sài Gòn học, chẳng khi nào có dịp theo U tôi lên Thành để được ăn tết ở nhà Bác Nên và thăm U Lan Cốc thêm một lần nữa. Bao năm qua, vào dịp Tết, một đôi lần khi sửa soạn những món ăn cho gia đình, nhất là khi ra vườn chăm chút giò Ngọc Điểm và giò Giả Hạc để đón Tết, tôi lại nhớ đến hai câu thơ của Lý Thương Ẩn đã được đọc trên vách tre của U Lan Cốc ngày Mùng Hai Tết với chị Nghĩa năm nào:

Hoa nở, lòng Xuân đâu dám nở. 
Tấc lòng nhung nhớ tấc buồn thương.

Và nhớ cả nguyên văn chứ Hán:

Xuân tâm mạc vận hoa tranh phát
Nhất thốn tương tư nhất thốn hôi

Phạm Hảo
Tháng Một, năm 2020.