15 February 2020

CHÍCH CON BỒNG - Trần Thế Phong


Tôi có ba chị em, đúng ra là có bốn chị em lận. Nhưng chị ba tôi mất khi mới ba tháng tuổi, nên còn ba chị em.
Ba chi em tôi thương nhau lắm, đùm bọc lẫn nhau. Nhớ thời sinh tiền cha mẹ tôi thường nhắc bảo: ba chị em bây như cục máu xén làm ba nên phải thương yêu nhau, đùm bọc lẫn nhau. Và vì thế đến bây giờ ai nấy đều trên dưới bảy mươi lại càng thương nhau hơn.


Chị hai tôi lớn hơn tôi sáu tuổi, em trai tôi thua tôi ba tuổi. Cha mẹ tôi cứ cách ba năm sinh một đứa. Chị hai tôi lớn hơn tôi sáu tuổi nên anh em tôi sợ chị hai lắm. Chị hai tôi là đứa con gái lớn nên cha mẹ tôi cũng cưng chìu chị. Chị học đến lớp bảy trường Phan Chu Trinh của Việt Minh kháng chiến chống Pháp. Khi chia đôi đất nước chị đi học may, học nghề y tá và cuối cùng đi dạy học đến lúc về hưu.
Chị hai là một cô thôn nữ đẹp gái, nước da ngăm ngăm, mái tóc đen dài, hàm răng trắng tinh và thân hình đều đặn. Rất có nhiều anh thanh niên trong làng để ý thương chị và chị có những mối tình rất lãng mạn. Gia đình tôi làm nghề nông nhưng một tay mẹ tôi quán xuyến. Cha tôi là con trai một, ông bà nội rất cưng chìu, cho đi học chũ Hán, chữ quốc ngữ và chữ Pháp. Cha đi dạy học và làm hội đồng xã. Ruộng đất nhà tôi cũng khá nhiều so với những người trong làng, một mình mẹ lo nên rất bận rộn. Vì vậy chị hai tôi phải giúp mẹ tôi nhiều việc.

Hai anh em tôi thì được cha mẹ cưng chìu chỉ lo một việc đi học. Hai anh em tôi đều đậu vào trường công lập Trần cao Vân, Tam Kỳ nên cũng hãnh diện với bà con làng xóm. Mặc dù quê tôi cách thị xã Tam Kỳ khoảng tám cây số nhưng cha mẹ tôi cho ở trọ lại ăn học, chỉ có cuối tuần mới được về nhà. Những ngày cuối tuần hoặc ba tháng nghỉ hè thì về nhà và chiều chiều tụ tập những bạn bè cùng xóm, ra sân ga An Mỹ đá banh và ngắm tàu qua lại. Nhất là ba tháng nghỉ hè thì vui đáo để. Những ngày xa quê hương ngồi nhớ lại tuổi thơ ở quê nhà thấy thơ mộng làm sao. Biết bao nhiêu kỷ niệm của tuổi ấu thơ, nơi chôn nhau cắt rún.
Chi hai tôi là người chị cả thường giúp cha mẹ lo việc gia đình. Chị hai tôi rất thương hai đứa em trai. Nhưng chị cũng rất nghiêm khắc dạy bảo chúng tôi. Chị đi làm có tiền thường hay mua quần áo giày dép hoặc sách vở cho em ăn học. Tôi nhớ khi tôi thi vào đậu đệ thất trường công, chị mua cho tôi một cây đàn mandoline và một đôi giày bata mới kít màu trắng, rất đẹp. Anh em tôi về nhà đi chơi lêu lổng với bạn bè, không chịu ngủ trưa mà đi quanh xóm bắn chim hoặc hái trái cây trộm là chị kêu về nhà bắt nằm trên phản ngựa đánh tét đít phải xin lỗi chị, xin chừa, không dám đi chơi nữa và hứa ở nhà học bài và đọc sách.
Tôi biết mẹ tôi cưng chìu hai đứa con trai nên tôi ít sợ mẹ hơn chị hai. Những ngày cuối tuần rảnh rỗi, chị hai thường hay nấu chè đậu xanh, đậu đen hay luộc khoai lang cho anh em tôi ăn bữa chiều. Mỗi lần đi chợ về mua kẹo ú hay kẹo đậu phụng cho chúng tôi. Ba chị em tôi quấn quít bên nhau chắc cha mẹ tôi cũng vui lắm.
Tôi cách em trai tôi ba tuổi nhưng hay đi chơi chung vơí nhau. Em trai tôi dạn dĩ hơn tôi. Tính tôi nhút nhát và hay mắc cở. Có tính mắc cở nên chị hai tôi thường cắp đôi (1) tôi với những người con gái cùng xóm. Mỗi lần cắp đôi là tôi đỏ lỗ tai và khóc, thường về mách lại với cha tôi. Nhiều lúc cha nói nghe trớt quớt: Con trai lớn rồi phải có vợ chứ. Thật sự ra có lớn chi mô mà lớn, chắc cha nói cho vui vậy mà, vì tôi là con trưởng nam cha cũng muốn tôi có vợ sớm vì ở nhà quê thường có ý nghĩ như vậy.
Ở xóm tôi bạn cùng lớp, cùng trường thì có Trần Ngọc Kỵ, Trịnh Lợi, Lư Nho, Nguyễn Nho San, Trịnh Thị, Trịnh Quang Vinh… Và có nhiều người con gái cùng tuổi với tôi, nhưng không đi học, nào là con Phương, con Tánh, con Bé, nhưng con Bích là ở gần nhà tôi hơn.
Trần thị Bích sinh sau tôi bốn tháng, nghe mẹ tôi nói như vậy. Bích cũng không đi học, ở nhà chiều chiều gánh rau thu hoạch trong vườn ra chợ Quán Rường để bán. Nhà ông Nhẫn cha của Bích ở phía sau nhà tôi cách nhau một con đường. Hai ngõ ngói gần đối diện nhau. Ông Nhẫn có hai bà vợ, bà vợ lớn không có con, và cất một căn nhà nhỏ gần bên trường học Kỳ Mỹ để bán tạp hóa và ở luôn nơi đó. Còn bà vợ hai ở chung với ông Nhẫn và Bích. Bích ốm nhòng nhòng chân đi hơi chữ bát, có đôi mắt và mái tóc trông cũng dễ thương, nhưng có tật nói nhiều.
Ông Nhẫn chuyên nghề trồng rau, nuôi gà nuôi heo. Khu vườn nhà ông Nhẫn rất rộng nên trồng rau quanh năm cũng đủ sống. Ông Nhẫn có tính hay nhăn nhó. Mỗi lần gà hàng xóm vào vườn rau phá phách bươi chải thì ông lia đá đuổỉ gà và nhăn nhó la lớn cả xóm ai cũng nghe rõ:
– Trời ơi là trời! gà của ai thả ra bất nhơn quá phá cả rau cải của tôi hết trơn rôì, khổ quá trời ơi!
Cả xóm tôi ai cũng biết ông Nhân hay nhăn nên đặt cho một tên là Nhẫn nhăn nhó. Tôi cũng có tính hay nhăn và kỷ lưỡng nên chị hai tôi thường ghẹo tôi là rể ông Nhẫn chồng cô Bích. Mỗi lần cha tôi hay mẹ tôi sai đi qua nhà ông Nhẫn mượn cái cuốc, cái cào, mua mớ rau thơm, rau cải hay cho dĩa xôi nếp mới gặt, tôi đều mắc cở không chịu đi mà nhờ em tôi đi thế. Có nhiều lúc em dở chứng không chịu đi tôi phải năn nỉ quá trời và hứa cho đi chơi chung thì em mới chịu. Bích cũng thường qua nhà tôi lúc thi mượn con dao xắt rau, cái búa bửa củi hoặc chơi với chị hai. Những lúc Bích qua nhà tôi thì tôi núp trên nhà trên hoặc ngồi vào bàn học bài nghiêm chỉnh tránh không dám gặp Bích. Có những lần Bích qua thình lình, gặp chạm mặt tôi phải đứng nói năm ba câu. Chị hai tôi thấy tôi nói với Bích thì lấy tay chích chích vào hông của tôi và nháy nháy con mắt. Ý chị hai chích vào hông là chích con bồng nói lái lại là chồng con Bích. Tôi biết được mắc cở đỏ lỗ tai và bỏ chạy lên nhà trên.
Hai thằng bạn tôi là thằng Kỵ và thằng Lơi hay đi chơi chung với tôi và thân tôi nhiều nhất. Thằng Lợi hoang và nghịch hơn hai đứa, thường xúi tôi:
– Tau thấy con Bích thường qua nhà mi chơi, vú nó nhú nhú như nấm cau mi rờ thử cứng hay mềm, hôm qua tau rờ thử con Bé cứng ngắt mi ơi.
Tôi thiệt thà trả lời thằng Lợi:
– Thôi tau sợ lắm, nó nói lại với chị hai tau chỉ đánh chết.
Thằng Kỵ lại xui thêm và khích tướng:
– Hắn mà qua nhà tau là tau rờ thử ngay. Sợ chi.
Lợi nói thêm có vẻ tự tin:
– Tau rờ con Bé hắn không nói gì hết mà còn cười cười và đứng im cho tau rờ.
Hai thằng bạn khích tướng quá và còn chê tôi dở òm, nhát gan. Tôi bèn trả lời cho qua chuyện
– Để tau thử.
Nhưng Bích qua nhà tôi nhiều lần tôi đâu có dám thử, sợ chị hai tôi biết thì nguy to. Đánh chết.
Có một lần tôi ở nhà một mình ngồi đọc sách trước hiên nhà và coi chừng nhà. Bỗng nghe tiếng nói thật lớn từ ngoài cổng vọng vào:
– Chị hai có ở nhà không?
Tôi nhìn ra cổng thì thấy Bích tay ôm một trái bí đỏ đi vào và hỏi tôi:
– Ủa anh Tư không đi chơi sao mà ở nhà một mình? Chị hai chưa về à.
Tôi không trả lời câu hỏi của Bích và hỏi lại:
– Trái bí ở đâu mà Bích ôm nặng vậy?
Bích nói:
– Bí của cha Bích mới hái và bảo Bích đem biếu hai bác.
Tôi đỡ trái bí trên tay Bích và nói lời cảm ơn thì chị hai tôi vừa đạp xe về nhìn thấy la lớn:
– Tau thấy rồi. Hôm nay là chích con bồng không chối cãi nữa nghe.
Tôi mắc cở quá ôm trái bí chạy vào nhà còn Bích cũng chạy một mach về nhà luôn. Và từ đó tôi có cái tên mới chị hai đặt và gọi tôi: Chích Con Bồng.
Hôm sau đi chơi với hai thằng bạn, tôi nói dốc:
– Hôm qua con Bích qua nhà cho bí, tau rờ hai trái cau của nó, cứng ngắt mi ơi!
Thằng Kỵ và thằng Lợi phục tôi lắm, cứ tưởng tôi ngon lành một cây xanh dờn.
Thời gian cứ lặng lờ qua, tôi lớn dần theo năm tháng. Đi học Đà nẵng và Sài Gòn. Động viên vào trường bộ binh Thủ Đức và ra trường phục vụ tận Pleiku cao nguyên đất đỏ nắng bụi mưa bùn. Chiến tranh lại tràn xuống quê tôi, bạn bè xa nhau tứ hướng. Thằng Kỵ vào Đà Lạt khóa hai ba, năm 1972 tử trận ở Quế Sơn. Thằng Nho đi xây dựng nông thôn tử trận ở Kỳ Trung năm 1970. Trịnh Lợi bây giờ lâp nghiệp ở Quy Nhơn, Nguyễn nho San còn ở lại quê nhà bây giờ là một người nông dân chính hiệu. Trịnh Thị, Trịnh Quang Vinh chết mất rôì. Con Bé, con Phương cũng lấy chồng ở quê làm ruộng và nghe nói cũng vừa qua đời. Còn Bích ở laị căn nhà cũ của cha Bích để lại và tiếp tục nghề bán rau nuôi con. Còn tôi và em tôi lại lưu lạc xứ người. Ôi quê hương! tiếng quê hương như nhắc chàng trong những bước sinh ly, những kỷ niệm thiết tha âu yếm chàng làm sao quên được… (2)

Trần Thế Phong
(1) Hai người con trai và con gái cùng lưá tuổi, thấy hợp nhau, gán cho vợ chồng.
(2) J. Leiba