Tiếng nói là sinh mệnh của dân tộc. Không phải phở, nước mắm
không còn hay truyện Kiều không còn thì dân tộc mất. Tiếng nói không còn, dân tộc
diệt. Phở, nước mắm không còn thì ăn món khác, dù có tiếc nuối nhưng dân tộc vẫn
còn. Truyện Kiều không còn thì viết truyện khác, dù tiếc nuối nhưng dân tộc vẫn
còn. Mất tiếng nói là dân tộc biến dạng và biến thành một dân tộc khác. Chẳng hạn
mai đây toàn dân Việt Nam đều nói tiếng Tàu thì Việt Nam biến thành một tỉnh của
Trung Hoa. Nếu 90 triệu dân đều nói tiếng Pháp thì Việt Nam biến thành một
“Pháp Quốc Hải Ngoại.” Còn nếu 90 triệu dân đều nói tiếng Anh thì Việt Nam biến
thành tiểu bang thứ 51 của Hoa Kỳ hay giống như Phi Luật Tân, Puerto Rico.
Như vậy tiếng nói phải tồn tại cùng với dân tộc. Khi nào dân
tộc diệt thì tiếng nói mới bị diệt. Thế nhưng dù tồn tại miên viễn, nó phải tồn
tại trong sáng đẹp, có tính văn chương cao và phát âm thanh thoát, rõ ràng. Mỗi
một dân tộc có một vùng miền nào đó mà “giọng nói” trở thành tiêu biểu cho cả
quốc gia.. Chẳng hạn giọng nói của Paris là tiêu biểu cho tiếng Pháp. Giọng Bắc
Kinh là tiêu biểu cho tiếng Trung Hoa. Giọng nói của Nữu Ước và California là
tiêu biểu cho tiếng Anh ở Hoa Kỳ. Và hiển nhiên giọng Hà Nội trước năm 1954 và
giọng Sài Gòn trước 1975 là tiêu biểu cho giọng nói của người Việt Nam.
Thế nhưng không hiểu sao gái Hà Nội bây giờ giọng nói rất nhà quê, lơ lớ, ngai
ngái, phát âm không rõ chữ, liến thoắng, cộc lốc, không dịu dàng, không có tiếng
“vâng ạ, dạ, thưa” như ngày xưa. Nghe nói trong lúc nói chuyện với nhau, các cô
Hà Nội bây giờ, mặt mũi xinh đẹp nhưng ăn nói thô tục kinh hồn. Tôi có ông bạn
dược sĩ về thăm Hà Nội cách đây vài năm nói rằng, “Nó nói chuyện với mình thì
chú chú, cháu cháu ngọt sớt. Quay qua nói chuyện với bạn nó thì thô tục kinh hồn!
Không hiểu gia đình, trường học giáo dục nó như thế nào?” Nổi tiếng nhất có bà
“Bún mắng cháo chửi” ở Đường Ngô Sĩ Liên, đã được đưa lên chương trình truyền
hình của đài CNN. Rồi mới đây nhất một bà đại úy công an thuộc Quận Đống Đa, Hà
Nội chửi bới thô tục một nhân viên của hãng hàng không tại Phi Cảng Tân Sơn Nhất
đã được đưa lên trang tin Sputnik News.
Cả giọng Bắc của các nam/nữ xướng ngôn viên đài VOA, BBC tiếng Việt cũng thế.
Cũng liến thoắng, ngai ngái, lơ lớ, phát âm không rõ chữ và thường lên giọng ở
chữ cuối cùng, nghe khó chịu vô cùng. Khi đọc diễn văn, đọc một bản tin, nói
chuyện mà lên giọng ở chữ cuối cùng thì giống như người Thượng nói tiếng Việt.
Những cô gái Thái, Mường, Mèo, Dao nói còn dễ nghe và dễ thương hơn những cô
gái này.. Sự đổi đời lan rộng ra hải ngoại, tới tận Thủ Đô Hoa Thịnh Đốn,
California và Texas!
Ở đây tôi không viết vì thù ghét. Nếu viết vì thù ghét sẽ không còn trung thực.
Một nhà nghiên cứu văn hóa ở trong nước nói rằng tiếng Bắc thì còn nhưng giọng
Hà Nội bây giờ không còn nữa. Có rất nhiều nguyên do. Năm 1954, dân Hà Nội di
cư vào Nam gần một nửa. Chiếm lĩnh thành phố là dân “bần cố” có công với “cách
mạng” cho nên ngôn ngữ ‘bần cố” trở thành ngôn ngữ của giai cấp thống trị và giết
chết ngôn ngữ thanh lịch, dịu dàng, văn vẻ của đất “Ngàn Năm Văn Vật.” Lý do thứ
hai, có lẽ là để biện minh, rằng thế hệ sau lớn lên nói giọng quê mùa, liến thoắng,
lơ lớ như vậy là vì các chị vú em, người giữ trẻ cho con nhà “cán bộ” từ vùng
quê nghèo khổ kéo về, không được học hành cho nên tiếng nói nó mới “đổi đời”
như thế.
Một giọng nói muốn trở thành mẫu mực cho đất nước, bất kể Nam-Trung-Bắc phải hội
đủ những điều kiện như sau:
1) Phát âm đúng, không ngọng nghịu, ngai ngái, lơ lớ như lai Tây, lai Tàu, lai
Mỹ.
Tôi đã có dịp hỏi nhạc sĩ Phạm Duy điều kiện để trở thành danh ca. Phạm Duy nói
rằng điều quan trọng nhất là phát âm phải đúng.
Thí dụ, “buồn” không thể phát âm thành “buồng,” “tuổi” không thể phát âm thành
“tủi,” “hoàng hôn” không thể phát âm thành “hoàn hôn,” “mỏi mòn” không thể phát
âm thành “mõi mòn,” “nỗi lòng” không thể phát âm thành “nổi lòng,” “hỏi han”
không thể phát âm thành “hõi hang,” “lãng đãng” không thể phát âm thành “lảng đảng,”
“điện thoại” không thể phát âm thành “điện thọi,” “lan” không thể phát âm thành
“lang.” Tiếng Việt không có âm “shờ,” “chờ” uốn cong lưỡi như tiếng Anh. Cô/cậu/ông/bà/cụ…
ca sĩ nào hát những chữ như “anh mong chờ,” “chiều về,” “đêm nay thu sang”… mà
uốn cong lưỡi, đều không phải là danh ca, dù hát hay thế nào đi nữa.
Theo nhạc sĩ Phạm Duy thì Thái Thanh và Lệ Thu là hai người phát âm giọng Bắc
đúng nhất.
2) Nói với tốc độ (speed) vừa phải, không liến thoắng, để người nghe kịp hiểu
mình nói gì. Vào xem các chương trình phóng sự ở Việt Nam và VOA, BBC nhiều khi
các cô/cậu phóng viên nói một thôi một hồi mà tôi không hiểu các cô/cậu nói gì
vì giọng liến thoắng, chữ líu vào nhau và nhanh quá! Xin nhớ cho, nước Mỹ này
hơn 300 triệu dân, ai cũng học hành giỏi giang cả, nhưng để tuyển xướng ngôn
viên đài truyền hình có giọng nói hay thì chỉ có vài trăm cô. Đất nước Việt Nam
90 triệu dân, nhưng để tuyển xướng ngôn viên đài truyền hình, đài phát thanh có
giọng nói như Miền Nam thuở xưa, chưa chắc đã tìm ra một người. Cứ thử mở các
băng ghi âm cũ của các chương trình phát thanh hay truyền hình của Miền Nam
xưa, xem có đúng như vậy không?
3) Âm lượng vừa đủ, không lớn quá, không lí nhí, không the thé.
4) Phải có chút trầm bổng, không đều đều, buồn tẻ để hấp dẫn người nghe và dĩ
nhiên không nhà quê. Phải biết ngắt câu đúng nơi, đúng chỗ, vừa để mình thở để
lấy hơi, vừa để người ta hiểu mình nói gì.
5) Không được cộc lốc, gằn, chấm dứt câu đột ngột làm như muốn mắng chửi người
ta. Thật lạ lùng! Miền Bắc bây giờ khi nói chuyện, đọc bản tin hoặc đọc diễn
văn, trả lời phỏng vấn… mọi người đều “lên giọng” ở chữ cuối cùng, nghe khó chịu
vô cùng, giống như đồng bào Thượng ở Kontum, Pleiku nói tiếng Việt. Trong ngôn
ngữ, chỉ ở thể “mệnh lệnh cách” hoặc “câu hỏi” người ta mới “lên giọng” ở chữ
cuối cùng. Có lẽ do lối đọc diễn văn nhát gừng, kích động của Ô. Phạm Văn Đồng
mấy chục năm về trước hoặc lối đọc diễn văn, tuyên truyền dưới thời Mao Trạch
Đông cho nên cả nước “học tập” và bắt chước theo khiến di họa cho tới ngày nay.
6) Phải có những tiếng như “dạ,” “thưa,” “vâng” trong câu nói để chứng tỏ sự lịch
sự của mình. Trong một chương trình truyền hình của VTV3, phỏng vấn một bà
nguyên là đại sứ tại Liên Hiệp Quốc của đất nước mình mà gọi bằng “chị” thì thật
vô lễ, bất lịch sự quá đỗi. Bắt buộc phải nói, “Thưa bà đại sứ” hoặc “Thưa bà
giáo sư.” Không có chuyện “chị em” ở đây. Đó là phép lịch sự tối thiểu.
7) Dĩ nhiên là phải có học để lựa chọn những từ ngữ thanh tao, tránh những từ
ngữ thô lỗ, đường phố. Điều này phải nhờ giáo dục học đường mà còn cả giáo dục
gia đình nữa. Thí dụ; Một con nhà có giáo dục sẽ không nói, “Mày câm cái mồm
mày lại!” mà có thể nói, “Ông/bà/anh chị, em …mà cứ nói như vậy thì câu chuyện
sẽ trở nên khó khăn hơn.” Hoặc “Ông/bà/anh chị/em không nên nói như vậy.” Ngoài
ra phải có những câu như “xin lỗi.” Chẳng hạn, “Xin lỗi, chúng tôi phải chấm dứt
chương trình vì đã hết giờ.” hoặc “Xin lỗi, tôi ra ngoài một chút.” “Xin lỗi” ở
đây không có nghĩa là mình có lỗi, mà là lối nói lịch sự. Các câu “I am sorry”,
“Excuse me, “Thank you” luôn luôn được thốt ra từ cửa miệng người Mỹ.
Thú thực, xem các đoạn phim phóng sự sinh hoạt của các cô gái Thái, Mèo, Mường ở
Lai Châu, Lào Cai tôi lại thích giọng nói của các cô này hơn là giọng nói của
các cô gái Hà Nội chỉ vì họ nói dịu dàng, nhỏ nhẹ, không liến thoắng và giọng
thì không nhão, ngai ngái. Hầu hết các cô/cậu làm phóng sự đều ở tuổi đôi mươi,
nhưng không bao giờ nói được câu “quý vị” trong khi những người xem có thể đáng
tuổi ông nội, chú bác, cô dì…của họ …mà chỉ dùng các chữ như “các bạn,” “các bạn
nhé!” khiến gây khó chịu cho người nghe. Đây không phải lỗi của các phóng viên
mà lỗi ở chủ nhiệm, chủ biên, giám đốc các đài truyền hình, trình độ giáo dục
quá kém, không biết thế nào là lịch sự, lễ phép đối với khán-thính giả.
Ngay cả giọng nữ của những phát ngôn viên đài truyền hình lớn nhất của Sài Gòn,
mặt mũi tuyển chọn rất xinh đẹp nhưng giọng Miền Nam lại vô cùng quê mùa. Nó
không phải là giọng nói thanh lịch của những nữ sinh Gia Long, Trưng Vương,
Marie Curie của Sài Gòn năm xưa, mà nó là giọng quê mùa của các cô gái từ Củ
Chi, Cà Mau, Châu Đốc, Đồng Tháp Mười mới lên Sài Gòn. Thật đau buồn! Trong khi
giọng nói của các cô gái Nam của các chương trình phát thanh thương mại ở Nam,
Bắc Cali, Hoa Thịnh Đốn thì lại sang và trí thức biết là bao nhiêu. Cứ thử thu
băng rồi đem về cho cả nước nghe rồi so sánh xem có đúng như vậy không.
Tôi không bao giờ có ý nghĩ khinh thị các cô gái nói giọng quê mùa. Tại Mỹ này
cũng có những giọng nói quê mùa của những vùng như Texas, Alabama và North
Carolina… Họ là những con người dễ thương, không có gì chê trách. Nhưng khi tuyển
một xướng ngôn viên tiểu biểu thì phải tuyển các cô/cậu có giọng nói trí thức,
có học, sống ở nơi đô hội. Ở Mỹ này họ thường tuyển chọn xướng ngôn viên theo
giọng nói của Nữu Ước, California. Cũng giống như thi hoa hậu thì phải tuyển cô
đẹp. Tuyển cô xấu mà nói là “hoa hậu” thì người ta “mắng” cho. Xin nhớ, tuyển cả
ngàn cô gái đẹp rất dễ. Nhưng tuyển một cô có giọng nói đúng giọng, sang, trí
thức, mẫu mực, dễ nghe, …thì cả ngàn cô, chưa chắc đã tuyển được một cô. Có cả
trăm loài chim, nhưng chim hót hay chỉ có vài con.
Tôi còn nhớ, có lẽ khoảng 1964-1965, khi Miền Nam bắt đầu có chương trình truyền
hình. Đài Sài Gòn tuyển và thí nghiệm ba giọng đọc Nam, Bắc và Huế cùng lúc.
Nhưng chỉ sau vài lần, phải bỏ giọng Huế. Dĩ nhiên là giọng Huế rất dễ thương.
Nghe các cô ở Sông Hương, Núi Ngự nói chuyện thì “mê” lắm. Nhưng nghe các cô đọc
một bản tin trên đài phát thanh hay đài truyền hình thì nó “nặng” quá. Cho nên
giọng Huế không thích hợp cho các xướng ngôn viên, hướng dẫn chương trình, quảng
cáo, văn nghệ v.v…
Hiện nay tình trạng ngôn ngữ đổi đời lan ra hải ngoại nguyên do chỉ vì các báo ở
hải ngoại, các đài phát thanh, truyền hình, cá nhân tuy chửi rủa trong nước đủ
điều nhưng lại đua nhau chuyến tiếp/forward và đăng “nguyên con” trên “báo chợ”
trên các Diễn Đàn Yahoo Groups các bản tin, bài viết trong nước, nhất là hai
trang tin VOA và BBC Việt Ngữ. Chính vì thế ngôn ngữ đổi đời, ngôn ngữ bát
nháo, giọng nói ngọng, ngai ngái, lơ lớ đang trở thành ngôn ngữ chính thống ở hải
ngoại. “Buồn ơi chào mi”!
Sống không phải chỉ là miếng ăn ngon, quần áo đẹp, xe đắt tiền, iPhone, iPad,
tháng nào, chỗ nào, hang cùng ngõ hẻm nào cũng thi hoa hậu, tuyển lựa ca sĩ… (tất
cả những thứ này chỉ là văn nghệ, không phải là văn hóa và có khi phản văn hóa)
mà cần có nghệ thuật, văn chương và văn hóa.
Tiếng nói là bộ phận sống còn của một dân tộc. Tiếng nói thanh tao, lịch sự, lễ
độ, mẫu mực, dễ nghe biểu tỏ một trình độ văn hóa, giáo dục cao và một cuộc sống
đẹp. Mất nó, hay tiếng nói còn đó mà thô tục, bát nháo, thiếu lễ độ là biểu tỏ
một xã hội suy đồi, hư đốn.
Không thể phủ nhận, tiếng Bắc giọng Hà Nội trước 1954 và tiếng Nam giọng Sài
Gòn 1954-1975 là tiêu biểu cho giọng nói của hai miền Nam-Bắc. Giọng Bắc Hà Nội
thanh lịch, dịu dàng, văn vẻ. Giọng Nam Sài Gòn, tình cảm, mặn mà, chân thật, dễ
thương, chậm rãi, dễ hiểu.
Ôi, thèm làm sao tiếng nói dịu dàng, thanh thoát, lịch sự, văn vẻ của Hà Nội và
cả giọng nói rất trí thức của Sài Gòn năm xưa, mà nay:
Tạo hóa gây chi cuộc hý trường.
Đến nay thấm thoát mấy tinh sương.
Dấu xưa xe ngựa hồn thu thảo.
Nền cũ lâu đài bóng tịch dương.
Đá vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt.
Nước còn cau mặt với tang thương.
Ngàn năm gương cũ soi kim cổ.
Cảnh đấy, người đây luống đoạn trường.
(“Thăng Long Hoài Cổ” của Bà Huyện Thanh Quan)
Không biết tới bao giờ giọng nói thanh lịch của đất “Ngàn Năm Văn Vật” sống lại
ở Việt Nam đây? Có lẽ nó đã bị hủy diệt mất rồi!./-
Đào Văn Bình