Lê Duẩn sinh ngày 7 tháng 4, 1907 tại làng Bích La, xã Triệu
Đông, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị. Học lực tiểu học. Họ Lê tham gia một số
tổ chức chống Thực Dân Pháp trước khi tham gia đảng CS 1930. Chỉ trong một năm
sau, 1931, Lê Duẩn trở thành ủy viên Tuyên Huấn, xứ ủy Bắc Kỳ. Bị bắt đày ra
Côn Đảo. Ra tù, Lê Duẩn làm Bí Thư Xứ Ủy Trung Kỳ. Năm 1940, bị bắt và đày đi
Côn Đảo lần nữa cho đến tháng Tám 1945. Sau thời gian làm việc bên cạnh Hồ Chí
Minh tại Hà Nội, cuối năm 1946 Lê Duẩn vào Nam chỉ đạo bộ phận miền Nam của đảng
CS. Năm 1957, Lê Duẩn được điều ra Bắc và từ đó đóng những vai trò quan trọng
trong guồng máy lãnh đạo đảng CSVN trong chức vụ Bí Thư Thứ Nhất rồi Tổng Bí
Thư cho tới khi chết ngày 10 tháng 7, 1986.
Khác với các lãnh tụ CS như Hồ Chí Minh, Trường Chinh, Phạm
Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp, Hoàng Văn Hoan có quan hệ gần gũi với giới lãnh đạo Cộng
Sản Trung Quốc (CSTQ) và nhiều dịp sang Trung Cộng, địa bàn hoạt động của Lê Duẩn
là ở miền Nam.
Trong thời gian mặt trận Điện Biên Phủ không có Lê Duẩn. Khi
Hiệp Định Geneva ký kết, Lê Duẩn đang ở tại tỉnh Hậu Nghĩa. Đó cũng là lúc y nhận
được lịnh của Hồ Chí Minh vào thẳng miền Nam để tái lập các tổ chức CS và giải
thích với họ về hiệp định Geneva.
LÊ DUẨN “CHỐNG TÀU”?
Lê Duẩn được biết như là lãnh tụ CS có khuynh hướng chống
Tàu. Quan điểm chống Tàu của họ Lê dựa trên chủ nghĩa dân tộc cực đoan quá
khích hơn là học từ kinh nghiệm quốc tế về địa lý chính trị của một “nước trái
độn”.
Trong bang giao quốc tế, ưu tiên tối thượng của một nước nhỏ
nằm bên cạnh một nước lớn là bảo vệ cho được chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, và
tránh chiến tranh khi chưa đủ thế quốc tế và lực quốc nội.
Khi Thổ Nhĩ Kỳ vừa được độc lập năm 1921 và bị các cường quốc
Châu Âu bỏ rơi, nền dân chủ chưa đủ mạnh, Tổng thống Mustafa Kemal phải làm bạn
với Vladimir Lenin để, theo lời ông, “chủ quyền của Thổ không bị thương tổn”
cho đến khi bắt tay được với Mỹ, tháng 3, 1947. Các nước nhỏ tồn tại nhờ dựa
vào các liên minh và các lãnh đạo sáng suốt biết liên minh nào đáng tin cậy và
liên minh nào không đáng tin cậy.
Các lãnh tụ CS từ Lê Duẩn trước đây cho tới Nguyễn Phú Trọng
ngày nay đều không làm được điều đó vì quyền lợi của đảng và quyền lợi của dân
tộc không phải lúc nào cũng đi đôi.
LÊ DUẨN VÀ MAO
Lê Duẩn gặp Mao Trạch Đông ba lần. Lần thứ nhất tại Vũ Hán
năm 1963, lần thứ hai vào tháng tám, 1964 và lần thứ ba vào tháng 5, 1970.
Sau Chiến Tranh Biên Giới 1979, Lê Duẩn, dưới bút danh “Đồng
chí B” kể lại thái độ chống Tàu của ông ta trong một lần đối đáp với Mao:
“Đối với Việt Nam, họ không dám nói thẳng về việc di dân như
vậy. Tuy nhiên, ông ta [Mao] nói với tôi: ‘Các đồng chí, có thật người Việt Nam
đã chiến đấu và đánh bại quân Nguyên không?’ Tôi nói: ‘Đúng.’ ‘Thế có thật là
các anh cũng đánh bại cả quân Thanh nữa phải không?’ Tôi đáp: ‘Đúng.’ Ông ta lại
hỏi: ‘Và cả quân Minh nữa, đúng không?’ Tôi trả lời: ‘Đúng, và cả các ông nữa.
Tôi sẽ đánh bại cả các ông. Ông có biết thế không?’ Tôi đã nói với Mao như vậy
đó. Ông ấy nói: ‘Đúng! Đúng!’ Mao muốn chiếm Lào, cả nước Thái Lan… cũng như muốn
chiếm toàn vùng Đông Nam Á. Mang người đến ở đó. Thật là phức tạp.”
(Christopher E. Goscha, Le Duan and the Break with China, bản dịch của Bùi Xuân
Bách, talawas)
Thái độ kiêu ngạo hay những phát biểu “nước lớn” của Lê Duẩn
dù sao cũng chỉ giới hạn trong lời nói. Thực tế hành động chính trị mới
là tai họa. Những biện pháp cực đoan chưa cần thiết của họ Lê như xua đuổi Hoa
Kiều bên cạnh các lý do khác đã dẫn đến sự căng thẳng trong bang giao giữa CSVN
và CSTQ và hậu quả là Chiến Tranh Biên Giới 1979.
LÊ DUẨN VÀ ĐẶNG TIỂU BÌNH
Lê Duẩn không giấu thái độ chống Tàu nhưng cũng không xem đó
là một ưu tiên. Mục đích chính của Lê Duẩn là vận động phe CS quốc tế để thống
nhất Việt Nam bằng súng đạn và thiết lập chế độ xã hội chủ nghĩa làm tiền đề
cho chủ nghĩa CS trên toàn cõi Việt Nam như đã khẳng định trong đường lối của đảng.
Vì mục đích CS hóa Việt Nam, Lê Duẩn sẵn sàng chấp nhận
không những 100,000 quân mà ngay cả nửa triệu quân Trung Cộng được đưa sang Bắc
Việt cũng không sao.
Lê Duẩn khẳng định điều này trong buổi tiếp xúc với Đặng Tiểu
Bình tại Bắc Kinh, tháng 4, 1966: “Lo ngại về sự giúp đỡ của Trung Quốc đối
với Việt Nam, chúng tôi muốn trình bày thật sáng tỏ và chúng tôi không có lo ngại
gì về vấn đề đó. Hiện nay có hơn 100,000 quân Trung Quốc tại Việt Nam, nhưng
chúng tôi nghĩ bất cứ khi nào có một biến cố trầm trọng xảy ra, có thể cần tới
500,000. Sự giúp đỡ này là từ một nước hữu nghị. Chúng tôi nghĩ rằng với tư
cách một nước xã hội chủ nghĩa anh em, Trung Quốc có thể làm điều đó.”( Digital
History, Document 12. Zhou Enlai, Deng Xiaoping, Kang Sheng, Le Duan, Nguyen
Duy Trinh, Beijing, 13 April 1966).
Phát biểu của Lê Duẩn cho thấy chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh
thổ Việt Nam không quan trọng bằng CS hóa Việt Nam và tổ quốc không cao hơn đảng.
Mặc dù có thái độ chống Tàu và tin hai nước có thể dẫn tới
chiến tranh lớn, Lê Duẩn không nghĩ Đặng Tiểu Bình tấn công Việt Nam vào ngày
17 tháng 2, 1979.
Lê Duẩn và Đặng Tiểu Bình gặp nhau tại Bắc Kinh ngày 29
tháng 9, 1975. Trong dịp này vấn đề mấy trăm ngàn quân Trung Cộng đang
đóng tại hai tỉnh Quảng Đông và Quảng Tây được đặt ra.
Theo Đặng Tiểu Bình, sở dĩ quân Trung Cộng với số lượng đông
như thế đóng sát biên giới Việt Nam chẳng qua vì trước đây Trung Cộng đề phòng
trường hợp Mỹ đổ bộ vào Bắc Việt như đã xảy ra tại Bắc Hàn. Đặng cũng nói nếu
phía Việt Nam cảm thấy đó là một đe dọa, quân đội Trung Cộng sẽ rút đi. Các đơn
vị quân Trung Cộng sau đó đã thật sự rút đi. (Wilson Center, Minutes Of
Conversation Between Deng Xiaoping And Le Duan Beijing, 29 September 1975)
Qua thái độ của Đặng Tiểu Bình và việc rút mấy trăm ngàn
quân Trung Cộng khỏi hai tỉnh Quảng Đông và Quảng Tây làm cho Lê Duẩn yên tâm rằng
tranh chấp giữa hai nước căng thẳng nhưng chưa đạt đến bước chiến tranh với quy
mô lớn.
Lê Duẩn đánh giá từng cá nhân trong giới lãnh đạo Trung Cộng.
Lê Duẩn không thích Mao “một người có trái tim Đại Hán không đáng tin và còn
tính chiếm cả Đông Nam Á”. Họ Lê dành nhiều thiện cảm đối với Chu Ân Lai và Đặng
Tiểu Bình. Chu nhiệt tình với ý kiến đoàn kết phe xã hội chủ nghĩa để ủng hộ
CSVN dù Mao cho đó là việc không thể làm được.
Năm 1977, Lê Duẩn chia sẻ với Đại sứ Liên Sô tại Việt Nam rằng
“Hoa Quốc Phong là người không hiểu chúng tôi” nhưng Đặng “đã đối xử với Việt
Nam bằng sự hiểu biết sâu sắc”. Trong thời gian đó, Lê Duẩn còn hy vọng Đặng Tiểu
Bình sẽ thắng cuộc đấu tranh quyền lực trong nội bộ đảng CSTQ và nếu vậy tình
hình sẽ cải thiện. Ngay cả sau Chiến Tranh Biên Giới 1979, Lê Duẩn vẫn nghĩ Đặng
phát động cuộc xâm lăng chẳng qua là do áp lực của các phe nhóm khác trong nội
bộ lãnh đạo đảng CSTQ và để khỏi bị kết án là xét lại chứ bản thân họ Đặng
không chủ trương vậy. (Stein Tonnesson, introduction Le Duan and the Break with
China, trang 275).
Sự thật như cả thế giới biết ngày nay, chủ trương đánh Việt
Nam là của Đặng Tiểu Bình và chính y đã chuẩn bị một cách chi tiết từng bước, từng
giai đoạn, từng mặt đối nội lẫn quốc tế cho cuộc chiến xâm lăng. Các bản tin
Tân Hoa Xã hằng ngày tố cáo Việt Nam khiêu khích nhiều nơi vùng biên giới, một
chiến thuật tuyên truyền cổ điển trước khi bắt đầu một cuộc xâm lăng.
CSVN BỊ BẤT NGỜ VỀ “THỜI GIAN VÀ QUY MÔ BINH LỰC”
Tài liệu nghiên cứu của trung tâm National Foreign
Assessment Center trực thuộc CIA tổng hợp vào ngày 5 tháng 3, 1979 cho thấy sự
tranh chấp giữa hai nước diễn ra sau 1975 không chỉ vùng biên giới mà cả khu vực
vịnh Bắc Bộ và Hoàng Sa. Phi cơ chiến đấu của Trung Cộng nhiều lần vi phạm
không phận Việt Nam bất chấp sự phản đối của phía CSVN. CSVN sau nhiều lần bị
khiêu khích cũng đã đưa các phi cơ chiến đấu lên để bảo vệ không phận Cao Bằng,
Lạng Sơn. Dù phi công Việt Nam kinh nghiệm và phi cơ cũng hiện đại hơn nhưng
kém Trung Cộng xa về số lượng, CSVN, do đó, cũng tự kiềm chế vì không muốn mở rộng
xung đột sang lãnh vực không quân. (The Sino-Vietnamese Border Conflict,
National Foreign Assessment Center, March, 1979)
Hà Nội tiến hành xây dựng các tuyến phòng thủ dọc biên giới
dài 1,285 km và lớn tiếng công khai thách thức Bắc Kinh. Giọng điệu hiếu chiến
“đánh bại Thực Dân Pháp, đánh bại Đế Quốc Mỹ và sẽ đánh bại Trung Quốc” được lập
đi lập lại trên các hệ thống truyền thông.
Ngược lại với một CSVN kiêu căng, Trung Cộng đóng vai “yêu
chuộng hòa bình” ngay cả khi Đặng Tiểu Bình tính toán từng chi tiết nhỏ trong kế
hoạch chiến tranh lớn sắp diễn ra. Nhờ đóng kịch khéo léo nên dù là kẻ công
khai xâm lược, ngoại trừ Liên Sô và chư hầu CS Đông Âu, không một quốc gia tự
do dân chủ nào kết án Trung Cộng xâm lăng Việt Nam.
Các đụng độ nhỏ dọc biên giới kéo dài cho đến ngày 13 tháng
12, 1978 và đó cũng là ngày lần đầu tiên hai chữ “trừng phạt” xuất hiện trong một
bản tin chính thức của Trung Cộng. Cũng theo tài liệu của CIA, vào ngày 7 tháng
Giêng, 1979, CSVN đã biết Trung Cộng tập trung các đạo quân lớn dọc biên
giới.
CSVN vẫn cho các động tác đó chỉ nhằm hù dọa. Một tuần lễ
trước ngày Trung Cộng tấn công, một viên chức Bộ Ngoại Giao CSVN tại Hà Nội vẫn
cho rằng Đặng Tiểu Bình chỉ “đánh võ mồm”.
Lãnh đạo CSVN, đứng đầu là Tổng Bí Thư Lê Duẩn, nghĩ Đặng Tiểu
Bình không hay ít nhất chưa đánh Việt Nam. Họ tin đến nỗi mang cả một phái đoàn
quân sự hùng hậu sang Cambode trước ngày 17 tháng 2, 1979 để nhấn mạnh yếu tố
quân sự trong bang giao giữa CSVN và CS Cambode. Vào tuần lễ đó, phần lớn các đại
đơn vị thiện chiến của quân đội CSVN vẫn còn phối trí trong mặt trận Tây Nam.
Quân đội CSVN chỉ có khoảng năm sư đoàn trải dài một phòng tuyến trên 1200 km.
Tương quan giữa CSTQ và CSVN là sáu đánh một. Riêng tại mặt trận Lạng Sơn,
Trung Cộng dùng chín sư đoàn để tấn công một sư đoàn chủ lực duy nhất của CSVN
là sư đoàn 3.
Báo New York Times, ngày 21 tháng 2, 1979, viết: “Việc ký hiệp
ước quan trọng đến mức một phái đoàn do Thủ tướng Phạm Văn Đồng dẫn đầu vẫn tiếp
tục ở lại Nam Vang sau khi Trung Cộng xâm lăng Việt Nam. Ý nghĩa quân sự của hiệp
ước còn được nhấn mạnh với sự hiện diện của Tướng Văn Tiến Dũng.” (New York
Times, 21 tháng 2, 1979).
Dương Danh Dy, cựu Tổng lãnh sự Việt Nam tại Quảng
Châu, thừa nhận: “Trong bối cảnh trên, cuộc chiến tranh biên giới đẫm máu
ngày 17/2/1979 do nhà cầm quyền Trung Quốc – mà người chủ xướng là Đặng Tiểu
Bình, phát động, về tổng thể không bất ngờ đối với chúng tôi, nhưng về thời
gian cụ thể và nhất là về qui mô binh lực mà Trung Quốc sử dụng thì quả là
không tính tới.” (Dương Danh Dy, Nhớ lại đêm 17 tháng 2 năm 1979, BBC 18 Tháng
2 2009)
Thái độ bình thường của Lê Duẩn trong buổi tiệc cưới của Lê
Kiên Thành, con trai y, là thái độ của những lãnh tụ CS từng trải, quá quen với
giết chóc. Lê Kiên Thành kể “Đặc biệt, nét mặt cha tôi rất bình thản, không hề
để lộ (hoặc có thể không có) cảm giác âu lo hay căng thẳng gì” dù anh ta cũng
thừa nhận “Tôi thoáng thấy sự căng thẳng trên gương mặt của những lãnh đạo đơn
vị và quân chủng không quân.” (Thanh Niên 17.2.2014, Ký ức đám cưới ngày
17.2.1979 của con trai Tổng bí thư Lê Duẩn)
Lý luận cho rằng Lê Duẩn tin tưởng các lực lương dân quân
thuộc các tỉnh biên giới và vài sư đoàn có khả năng bảo vệ đất nước là ngụy biện.
Họ chiến đấu một cách anh dũng nhưng về nhân lực và vũ khí họ không phải là đối
thủ với gần nửa triệu quân chính quy Trung Cộng.
Nếu Lê Duẩn đánh giá đúng đường đi nước bước của Đặng Tiểu
Bình và tình báo CSVN hoạt động có hiệu quả nhiều ngàn thanh niên Việt Nam đã
không chết, Lạng Sơn đã không bị san bằng, hai tiểu đoàn bảo vệ thị trấn Đồng
Đăng đã không phải hy sinh đến người lính cuối cùng.
ĐÁP ỨNG CỦA LIÊN SÔ
Trong diễn văn chào đón phái đoàn Lê Duẩn tháng 9, 1975, Đặng
gián tiếp kết án “chủ nghĩa bành trướng” Liên Sô, trong khi đó Lê Duẩn tiếp tục
quan điểm cố hữu “xây dựng sự đoàn kết trong phe xã hội chủ nghĩa”.
Lê Duẩn và phái đoàn rời Bắc Kinh hai ngày sớm hơn dự định,
không kèn trống, không có tiệc tiễn đưa, không hứa hẹn trong một thông cáo
chung. Quan điểm giữa hai đảng về Liên Sô vốn khác biệt đã tạm thời gác lại
trong chiến tranh nhưng trở thành sâu sắc sau khi chiến tranh chấm dứt.
Khác với chuyến viếng thăm Bắc Kinh, Lê Duẩn và phái đoàn
thăm viếng Moscow vào tháng 10, 1975 được đón tiếp một cách trang trọng. Một kế
hoạch hợp tác kinh tế giữa CSVN và Liên Sô giai đoạn 1976 đến 1980 được đề ra.
Hợp tác Liên Sô và CSVN mở đường cho việc CSVN trở thành hội viên chính thức của
CMIA (The Council for Mutual Economic Assistance, Hội đồng Tương trợ
kinh tế), một tổ chức hợp tác kinh tế do Liên Sô chế ngự. Tháng 11, CSVN và
Liên Sô ký Hiệp Ước Hữu Nghị Và Hợp Tác. Hiệp ước này dưới mắt Trung Cộng, CSVN
chính thức chấp nhận làm một chư hầu phương đông của Liên Sô và CSVN từ đó được
xem như là kẻ thù của Trung Cộng.
Sau các hiệp ước này, viện trợ kinh tế của Liên Sô dành cho
CSVN gia tăng rõ rệt. Liên Sô tham gia vào 30 đề án, với 30 phần trăm thuộc khu
vực kỹ nghệ. Các công ty với sự tài trợ của Liên Sô đã sản xuất 47 phần trăm điện
lực, 54 phần trăm chì, 85 phần trăm than đá, 30 phần trăm cement, 100 phần trăm
các khoáng chất apatite, superphosphate, sulfuric acid và dụng cụ cơ khí. Liên
Sô cũng cung cấp 2000 km đường dây điện cao thế chiếm 56 phần trăm tổng số hệ
thống mạng điện của cả nước. Ngoài ra rất nhiều khoản viện trợ khác về các lãnh
vực kinh tế. (Buu Hoan, Soviet Economic Aid to Vietnam, Contemporary Southeast
Asia, trang 362).
Nhưng ngoài các hợp tác kinh tế, trong Chiến Tranh Biên Giới
Việt-Trung 1979, Liên Sô không thực thi đúng mức các điều khoản khác về quân sự
và phòng thủ ghi trong Hiệp Ước Hữu Nghị Và Hợp Tác. Quân số Liên Sô đóng tại
biên giới phía Bắc quá ít không đủ tạo nên một mặt trận tương đương với mặt trận
biên giới Việt-Trung. Đặng Tiểu Bình đánh bạc và thắng vì không có những động
binh đáng kể của Liên Sô.
Trong lúc Lê Duẩn hy vọng Hiệp Ước Hữu Nghị Và Hợp Tác sẽ
làm nhụt chí Đặng Tiểu Bình, các phản ứng của Liên Sô rất giới hạn và Đặng Tiểu
Bình không nhụt chí.
Hành động cụ thể nhất của Liên Sô là đưa một lực lượng đặc
nhiệm gồm 15 tàu chiến vào Biển Đông vào ngày 8 tháng 2, 1979. Nhưng phần lớn lực
lượng này chỉ nhằm thu nhặt tin tức tình báo hơn là chiến đấu. Khi chiến sự
bùng nổ, các phi cơ vận tải quân sự của Liên Sô giúp chuyển vận vũ khí, đạn dược
và các máy bay thám thính được gởi tới khu vực để thăm dò tin tức. Ngay ngày
hôm sau, Liên Sô cho biết họ có thể thực thi các cam kết trong Hiệp Ước Hữu Nghị
Và Hợp Tác. Nhưng đó chỉ là tin đe doạ nhằm thăm dò phản ứng của Trung Cộng.
Năm ngày sau, 22 tháng 2, Liên Sô chính thức thông báo sẽ không can thiệp vào
xung đột quân sự. (Sally W. Sstoecker, Clients and Commitments:
SoViet-Vietnamese Relations 1978-1988)
KẾT LUẬN
Liên Sô sụp đổ tháng 12, 1991. Sau hiệp ước bí mật tại Thành
Đô, CSVN quay về với cội nguồn Trung Cộng. Dòng nước đỏ trôi đi rồi lại trôi về.
Tròn một chu kỳ anh em, thù hận và trở lại anh em. Khác chăng, chu kỳ đó được
lót bằng thân xác, máu xương của hàng triệu tuổi trẻ Việt Nam. Thân xác họ gởi
lại ở Lạng Sơn, Cao Bằng, Vị Xuyên như đã gởi lại dọc Trường Sơn trước đó. Họ
chết cho tổ quốc hay không tùy thuộc vào góc nhìn và trình độ nhận thức của mỗi
người. Nhưng có điều chắc chắn, nếu không có ý thức hệ CS họ đã không phải chết.
Thế giới đã đổi thay. Những cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật
và cách mạng xã hội đã nâng cao nếp sống và cách suy nghĩ của con người. Những
quốc gia Phi Châu cách đây không lâu điêu tàn vì nội chiến hay chịu đựng nạn
đói chưa từng có như Botswana, Senegal, Tunisia nay đã trở thành những nước tự
do dân chủ kiểu mẫu. Họ có lẽ vẫn còn nghèo nhưng không ai dám gọi người dân
Botswana, Senegal, Tunisia là lạc hậu. Việt Nam thì khác. Việt Nam lạc hậu. Một
con người không làm chủ được chính mình là lạc hậu, yếu hèn. Việt Nam thay vì
bước tới cùng nhân loại lại trở về thời 1950 lệ thuộc vào Trung Cộng cả kinh tế
lẫn tư tưởng.
Mọi chế độ độc tài, CSVN hay CSTQ với các mâu thuẫn đối
kháng bên trong mầm mống đương nhiên một ngày sẽ sụp đổ. Nhưng không ai có thể
trả lời là thời điểm nào. Chúng có thể tan rã ngày mai và chúng cũng có thể lê
lết suốt trăm năm.
Người viết đã trình bày trong phần kết luận của bài
“Hiểm họa Trung Cộng, bài học Thổ Nhĩ Kỳ”, yếu tố duy nhất và quyết định vẫn là
những người Việt còn quan tâm đến tương lai Việt. Không ai sống thay hay chết
thế cho mình. Chính các thành phần dân tộc Việt Nam trong và ngoài nước là lực
duy nhất nằm ngoài sự kiểm soát của đảng Cộng Sản và cũng là lực duy nhất có khả
năng đưa Việt Nam ra khỏi bờ vực chiến tranh và đưa đất nước tới một tương lai
xán lạn cho con cháu mai sau.
Các thành phần dân tộc không chỉ là những người đang công
khai chống đảng, những người đứng ngoài cơ chế lãnh đạo, những người không Cộng
Sản mà là bất cứ ai nhận thức được manh tâm của chủ nghĩa bành trướng Trung Cộng,
bản chất sai lầm trong cơ chế độc tài đang thống trị Việt Nam và chọn lựa dứt
khoát đứng về phía dân tộc. Thấy được con đường dân tộc phải đi và dâng hiến
tình yêu cho đất nước không bao giờ quá trễ.
Chọn lựa của thời đại ngày nay không chỉ là chọn lựa giữa
dân chủ hay độc tài nhưng quan trọng hơn thế nữa, là mất hay còn, tồn tại hay
diệt vong của một dân tộc. Hãy cùng nhau lên đường cứu nước.
Trần Trung Đạo