Hình minh hoạ, Andrew Redington/Getty Images
|
Tặng
Suối Ngọc
Bergen là thành phố của hoa đỗ quyên và của mưa, mưa chiếm bốn
phần ba ngày của năm. Mưa giam chân người trong nhà, nên người ta sinh con nhiều
hơn và cũng làm ra nhiều mê say, nhiều nghệ sĩ, và nơi đây cũng nổi tiếng có
nhiều đàn bà đẹp vì trời mưa vuốt má các nường nhiều hơn những nơi khác. Đấy là
lời bàn vô của bạn Nam khi Nam nói là Nam sẽ từ Oslo dời lên đó. Không lên
không được, không còn có sự chọn lựa nào khác, bây giờ nhìn lại thì buồn cười,
nhưng vào cái tuổi bốn mươi nhựa sống vừa căng vừa chạy loạn xạ, phi như ngựa
chứng, húc như dê càn – trong đầu, thì đấy là một chân lý. Giòng nhựa sống ấy
trôi âm thầm trong cuộc sống êm ả có căn nhà ấm, có một bà vợ đẹp không đủ để
Nam làm thơ say mê dữ dội như thơ Đinh Hùng, nhưng đủ để cảm những bài thơ hiền
lành của Nguyễn Bính, có đủ cái ăn, thậm chí ăn ngon, và vô số sách hay để đọc,
có một công việc để làm, có nhà thờ để ở đó được nghe những lời răn dạy.
Mùa xuân là mùa cưới. Cái phong tục hay hay này ông Đạo, cậu
của Nam, đã nghĩ tới khi cậu ấy tổ chức đám cưới cho con trai út vừa đẹp trai lại
vừa tốt nghiệp kỹ sư điện toán vào cái thời đầu của kỷ nguyên điện toán; con
trai của cậu Nam lại lấy một cô gái người Bắc ăn nói có phép có tắc. Ông cậu của
Nam chuộng người Bắc là chuộng chỗ đó. Ông là chủ tịch hội đồng giáo xứ Sankt
Paul nên cái lối ăn nói kiểu cách, dè dặt ấy rất thích hợp khi họp một năm đôi
lần ông phát biểu trước cộng đoàn giáo xứ.
Khi ở trong một Đất Nước mà mỗi người, nói chung, đều có thể
có một cái vi la hay một căn hộ đàng hoàng và một cỗ xe hơi khá tốt, thì chuyện
môn đăng hộ đối về của cải không còn là chuyện quan trọng, nhưng chuyện môn
đăng hộ đối về cái danh vẫn còn đó đối với kẻ có cái chức chủ chủ tịch hội đồng
giáo xứ như cậu của Nam, và với những ông bà có danh giá, chức tước mang từ Việt
Nam qua, trong đó có ông Bằng là cựu quận phó hành chánh, tốt nghiệm ưu hạng
trường Quốc gia Hành chánh, người sẽ thay mặt cho bên nhà gái nói vài lời trong
đám cưới.
Nam được ông cậu mời dự đám cưới và đồng thời được yêu cầu
thay mặt nhà trai làm cái việc tương tự của ông cựu quận phó kia. “Cháu có chữ
có nghĩa mới đương đầu với người ta được. Người ta là dân Quốc gia Hành chánh.
Qua đây lại được nhận vào làm ngân hàng ngay.” Cậu Nam nói qua điện thoại.
“Nhưng cậu ơi, cháu mà chữ nghĩa cái gì, chỉ biết lỏm bỏm đôi chữ thôi mà cậu.”
Nam trả lời cậu như thế và đó là sự thật. Nam có đậu tú tài toàn phần thật,
nhưng tú tài ban C, ban văn chương sinh ngữ, học một năm ở Văn Khoa thì kiến thức
của anh chỉ xoay quanh văn chương của mấy cụ đồ xưa lẫn cụ đồ mới, một mớ triết
lý hỗn độn từ mấy cuốn sách giáo khoa triết học dịch một cách luộm thuộm từ
sách giáo khoa của Pháp, một mớ kiến thức linh tinh trong các tuần san, nguyệt
san Thời Nay, Phổ Thông, Văn... thời đó và mấy bài tiếng Pháp i tờ thì Nam làm
sao mà đương đầu với ông cựu quận phó cho được. Nhưng Nam không thể từ chối cậu
Nam, vì cậu Nam tuy ít học, đi lính chỉ lên tới thượng sĩ huấn luyện trong trường
thiết giáp Thủ Đức, nhưng vì đi lính từ thời ông Diệm, thời mà lương nhà binh
khá cao và có người vợ biết chắt chiu, thậm chí keo kiết, nên gia đình cậu Nam
có khá nhiều tiền, ít nhất là giàu gấp bội gia đình Nam làm ruộng và đánh cá,
nên cả cậu cả mợ, ắt là phải trọng chuyện chữ nghĩa lắm dù keo kiết, cho nên hồi
Nam đi học trung học và đại học, thường hay cho Nam tiền, điều này đỡ gánh nặng
cho cha mẹ Nam rất nhiều. “Mợ cháu chỉ muốn cháu đại diện.” Cậu nói tiếp. Câu
nói này đánh gục ngay cái ngần ngại, tính cù nhưa cố hữu của Nam.
Đúng như Nam dự đoán, ông cựu quận phó ấy có tác phong, ăn
nói của một người có học và một thời đã có chức vị cao trọng trong một xã hội
xưa và xa. Bài diễn từ của ông gồm những lời cầu chúc mang tính điển lệ cho một
tiệc cưới và những lời khuyên. Ông còn khuyên là hai vợ chồng sau này nếu có
cãi nhau thì một người nên đi ra ngoài ngắm cảnh hay đi siêu thị một vài tiếng
cho hai bên nguôi ngoai rồi trở về, và mỗi người nên cố gắng có công ăn việc
làm chớ đừng có ăn bám vào xã hội, như chính ông đây vừa tới Na Uy được một
tháng là làm việc trong ngân hàng ngay, làm cả hai mươi năm nay, tuy rằng khách
dự đám cưới đang nghe ông có ít nhất chín phần mười ăn tiền xã hội. Có người có
vẻ phục ghê lắm, có kẻ, như đa số dân Việt, vẫn lễ độ thậm chí nhẫn nhục ngồi
nghe, nhưng cũng có kẻ bực bội ra mặt, đặc biệt mấy anh tre trẻ dân nhà binh
ngày xưa. Có anh nói: “Làm nhà băng cũng năm bảy nghề, biết đâu thằng chả làm
loong toong. Mới qua một tháng thì làm sao có đủ tiếng Na Uy mà làm việc nhà
băng. Dân Na Uy coi vậy họ kỵ nói tiếng Anh, tiếng Pháp, dù ông ấy nói được hai
thứ tiếng đó với họ.”
Thế rồi ăn uống vui vẻ. Thế là hát hò, lại càng vui hơn. Thường
là mấy bài theo nhịp bolero về tình yêu, về ngày cưới. Ai hát thì hát, ai nói
thì cứ nói, thậm chí nói to tiếng, thậm chí dzô dzô dzô. Mấy anh nhậu say cùng
bàn thúc dục Nam dzô dzô, rồi có anh thúc dục Nam phải hát một bài: “Đẹp bô
giai như ông anh, chắc phải hát hay. Làm một bài đi anh.” Chỉ dân có hơi men mới
ngộ ra được cái chân lý kỳ cục này. Tới lúc này không còn ai lên hát nữa, bầu
không khí văn nghệ bắt đầu loãng. Anh điều khiển chương trình hình như nghe lọt
được nhận xét của anh xỉn, bèn đi xuống chỗ Nam ngồi, ghé tai Nam nói: “Anh Nam
lúc nãy đã cho chúng tôi nghe một bài diễn từ rất hay, với chất giọng thật trầm
ấm. Anh mà hát, chắc giọng anh chắc chẳng thua gì giọng ca sĩ Duy Trác đâu. Xin
anh giúp vui cho một bài.” Nam không đành lòng từ chối và sẵn mấy ngụm bia vừa
ngấm vào máu, Nam đồng ý và bước lên bục gỗ. Nam biết mình hát không hay, vả lại
nãy giờ người ta hát đã nhiều, anh bèn đọc bài thơ có chút dính dáng tới chuyện
cưới, một chút quê hương có nhiều ánh sáng, nhiều sắc màu trong nắng, khác hẳn
bầu trời nửa mưa, nửa tuyết nhão ngoài kia, bài Mùa Xuân Chín của Hàn Mặc Tử:
Trong làn nắng ửng khói mơ tan
Đôi mái nhà tranh lấm tấm vàng
Sột soạt gió trêu tà áo biếc
Trên giàn thiên lý bóng xuân sang
Sóng cỏ xanh tươi gợn tới trời
Bao cô thôn nữ hát trên đồi
Ngày mai trong đám xuân xanh ấy
Có kẻ theo chồng bỏ cuộc chơi
Đọc tới đây bỗng Nam thấy có ánh mắt long lanh, màu long
lanh kim cương từ một góc tôi tối của phòng tiệc bay lên, quyện lấy lời thơ.
Nam sững người, nhưng vẫn cố nuốt nước bọt, đọc tiếp:
Tiếng ca vắt vẻo lưng chừng núi
Hổn hển như lời của nước mây
Thầm thĩ với ai ngồi dưới trúc
Nghe ra ý vị và thơ ngây
Khách xa gặp lúc mùa xuân chín,
Lòng trí bâng khuâng sực nhớ làng
Chị ấy, năm nay còn gánh thóc
Dọc bờ sông trắng nắng chang chang?
Mọi người lắng tai nghe, khác với dự đoán của của Nam. Đọc
xong bài thơ, Nam cảm thấy mệt lã người, tưởng chừng như sụm xuống được như con
ngựa chiến sau cuộc chiến dài gục bên suối. Nam cũng không biết tại sao mình bỗng
lên cơn mệt như thế. Chỉ biết là ngay khi ánh mắt sầu vạn nẻo từ góc kia vừa
loé lên, cơn mệt như thác đổ chụp xuống, nhưng Nam vẫn cố đọc cho xong bài thơ,
rồi ngồi thừ xuống chiếc ghế gần bục gỗ nhất. Tiếng vỗ tay rần rần. Tràng vỗ
tay mà Nam không thể ngờ. Anh điều khiển chương trình lại giới thiệu một người
lên ngâm thơ, một người nữ có tên là Ngọc Nhan. Chính là cô gái ngồi trong góc
tối đằng kia, chứ không ai khác. Đấy là một người nữ còn rất trẻ, tường chừng
chỉ mười tám đôi mươi. Khuôn mặt như cái tên của nàng: mặt ngọc. Cô nàng mặc
chiếc áo lụa vàng ánh hoàng kim trên thân hình mềm sóng liễu, hay nói cách khác
đấy là thân hình của mộtcây liễu vừa mới lớn, đủ cao, đủ dung tích lá, đủ vẻ dịu
dàng cho muôn muôn tia nắng vàng tham lam tranh nhau dệt kín đồi vực thân thể
nàng không chừa một chỗ trống. Nàng nói nàng sẽ ngâm bài Tháng chạp quê nhà
(1)
ước chi em được làm chim nhỏ
bay về đậu dưới mái hiên xưa
gọi anh, buổi sáng trời xanh lắm
nắng trải lụa vàng, anh thức chưa?
thức dậy cùng em, thuở ấu thơ
tiếng con tu hú gọi vang bờ
dòng sông tuổi nhỏ trôi đi mất
còn bãi sông buồn đứng ngẩn ngơ
tháng chạp về đây, mùa gió bấc
so đũa trong vườn trổ trắng bông
hoa xoài, hoa bưởi thơm ngan ngát
trời đất se mình dưới gió đông
ta ra thăm lại bụi tre già,
tiếng cu gù đầm ấm, thiết tha
vẫn đôi chim của ngày xưa đó
hay là tiếng vọng tự thời xa?
ta đi tìm lại một thời vui
cỏ với cây cùng đứng ngậm ngùi
vườn mai năm cũ ai lảy lá
đợi xuân về mở cánh vàng tươi
quê nhà tháng chạp xa lăng lắc
mai mốt đây xuân có về không?
bởi em chẳng được làm chim nhỏ
ở đây dài lắm những mùa đông ...
Bài này Nam đã nghe rồi, trong một cuộc họp mặt tất niên bỏ
túi của Ban Việt-Hán, niên khoá 1967 – 1968. Nghe lại, anh nhớ ngay người ngâm,
một nữ sinh viên, quý danh Ngọc Dung và ở đâu ngoài Trung, và sau này biết rõ
hơn: ở Tam Quan, Bình Định.
Sau Tết Mậu Thân, nàng không còn trở lại trường nữa. Còn
Nam, vì sắc lệnh đôn quân của Tổng Thống Thiệu, Nam không còn được hoãn dịch vì
lý do học vấn nữa, phải đi lính.
Có những lần hành quân qua Tam Quan, Nam cố dò hỏi về cô con
gái có cái tên Ngọc Dung, nhưng chẳng ai biết, có lẽ như lời một ông lão ở đó
úp úp mở mở nói: ”Ở đây dừa che hết, không ai biếc ai mô! Hoạ mai có mấy ông
trong rừng.”
Nam biết Ngọc Dung ở Bình Định là vì: Dung học môn nhiệm ý
Hán Văn với Nam. Thầy Nguyễn Trung Lương, thầy dùng cuốn Hán Văn của giáo sư Huỳnh
Minh Đức để dạy. Giáo sư Đức chủ trương dùng ngay các bài thơ, bài văn hay mà học
chữ Hán, vì chúng sẽ gây thích thú cho sinh viên trong việc học và do đó sinh
viên sẽ học mau. Vừa dạy cách viết vừa học từng chữ, phân tích các bộ thủ, các
nét của chữ nằm ngay trong những áng văn thơ trác tuyệt của văn chương Trung
Hoa Xưa chứ không học từ kiểu i tờ như các sách giáo khoa cũ với nhưng bài gồm
các câu văn con nít tiểu học khô khan, gây chán. Những bài văn như Nhạc Dương
Lâu ký, Đào Hoa Nguyên ký; những bài thơ ngắn như Lương Châu từ, Tĩnh Dạ Tứ,
Thái Liên, Đề Tích Sở Kiến Xứ. Bài cuối này thầy Lương dạy một tuần trước khi
nghỉ tết như một món quà xuân, thầy nói vậy, và món quà này sẽ theo đuổi Nam suốt
cuộc đời kể là khá dài và khá gian nan của Nam.
Nam thích Ngọc Dung và kiếm cách ngồi gần, do đó biết được
tên. Nàng có cái nhan sắc của một khu vườn lá hoa sắc màu vừa phải, có cốt cách
của một bóng mát dịu dàng. Bóng mát ấy, khu vườn ấy lại ướp vào mình hương hoa
của văn chương chữ Hán. Ngô Chi Lan, Đoàn Thị Điểm, Hồ Xuân Hương, Bà Huyện
Thanh Quan đang cùng ngồi với nàng trong giảng đường và trong khu vườn riêng
tây của nàng. Có phải vậy chăng? Nam tự hỏi. Nhưng có một điều chắc chắn là Nam
thấy nàng rất có khiếu về chữ Hán. Nàng viết chữ Hán, những chữ Hán khải tự cân
đối, tỉ mỉ, đẹp còn hơn chữ của thầy Lương viết trên bảng cho sinh viên tập viết
theo. Nam thì trái lại.
Sau một giờ học cuối năm, sau ngày họp mặt vừa kể trên, gió
bấc đã thổi về, những cọng rác, nhánh cỏ, lá bàng, những mảnh giấy bay bơ vơ,
bò loay xoay tuỳ gió trong sân trường đại học,Nam nói nhỏ với Ngọc Dung:
”Cô có thể viết cho tôi bài Đề Tích Sở Kiến Xứ được không?
Chữ cô viết đẹp quá mà… bài thơ cũng hay quá…” - Nam chỉ đủ can đảm để nói tới
đó. Anh chỉ sợ mình nói thêm, thì chiếc bình ngọc quý sẽ vỡ mất dù chỉ cắm thêm
vào đấy thêm một nhánh hoa nhỏ.
Ngọc Dung quay nghiêng nhìn Nam có vẻ ngạc nhiên, rồi mỉm cười
chấp thuận:
”Dạ được.”
Các sinh viên đã bắt đầu ra khỏi lớp. Nàng xé từ từ một tờ
giấy vở và viết ngay cho Nam bài thơ, viết với một niềm đam mê chữ nghĩa thấy
rõ, và viết nhanh, viết đẹp, rồi còn đề thêm lạc khoản ngày tháng năm, và mấy
chữ gì đó, mà khi về nhà tra tự điển mới biết đấy là địa chỉ nhà nàng, một nơi ở
Tam Quan, Bình Định. Bài thơ như sau:
(Đề tích sở kiến xứ
Khứ niên kim nhật thử môn trung
Nhân diện đào hoa tương ánh hồng
Nhân diện bất tri hà xứ khứ
Đào hoa y cựu tiếu xuân phong
Ghi lại những điều đã thấy năm xưa
Năm ngoái, ngày này, nơi cửa ấy
Hoa đào soi mặt ánh tươi hồng
Mặt người không biết giờ đâu vắng?
Chỉ thấy hoa cười đón gió đông. (2)
Nàng viết xong, đứng lên đưa bài thơ cho Nam và vừa mỉm cười
vừa nói:
”Như thầy Lương nói. Anh cứ coi đây là quà tết gởi bạn đồng
môn.”
Rồi nàng nhìn Nam mắt sầu một thoáng mà khôn nguôi, ít ra là
trong trí hoang tưởng của Nam lúc ấy, một chàng Nam đã yêu, yêu đầu đời khu vườn
thanh xuân hé nụ cho cuộc đời chàng đã khổ và biết sẽ còn khổ nữa. Mắt sầu nàng
cùng nỗi khổ của Nam cuối cùng cũng mở được cánh cửa của thành trì kiên cố xây
bằng nhát đảm lẫn khù khờ của Nam:
”Ngọc Dung, Nam yêu Ngọc Dung.”
Mắt sầu khôn nguôi chuyển qua lém lỉnh: ”Em biết, biết từ
lâu rồi.” Rồi tha thiết:”Thế nào chúng mình cũng sẽ gặp nhau lại.”
”Sau kỳ nghỉ tết Ngọc Dung sẽ trở lại trường chứ?”
”Dung cũng không biết nữa.”
Phía ngoài có tiếng người đàn ông kêu, giọng hơi xẵng:
”Tư, đi ra mau đi, kẻo trễ.”
Nam nhìn ra ngoài thấy một ông đàn ông có vẻ gấp đôi tuổi
nàng, có cái bản mặt cương nghị pha lẫn hung hãn, đeo kiếng đen, đang ngồi trên
chiếc Honda đàn ông màu đen chờ nàng. Ông ta cằn nhằn gì đó. Rồi xe Honda rú
lên và xả khói cay xè. Nàng cúi đầu nhìn xuống yên xe. Không nhìn lại
Nam.
Bài thơ Đường một thửa sân trường đi theo Nam qua những mùa
chinh chiến khốc liệt, nhưng tờ thơ ấy lúc nào cũng nằm trong túi áo trên ngực
Nam, nó đã ướt mưa rừng, đẫm mồ hôi, và đã cháy sém, đã hoen máu khi chiếc thiết
vận xa của Nam bị bắn cháy và anh bị phỏng, và cách đây mười năm nó đã ướt nước
mặn trên chuyến ra đi biển lớn và cuối cùng đã tuột mất khỏi túi áo và rơi đâu
đó trong bão tố đại dương lúc nào không hay.
Anh điều khiển chương trình giờ cũng đã thấm mệt. Anh tiến lại
phía Nam và mời Nam qua bàn đằng góc nói chuyện chơi. Anh khen lối đọc thơ của
Nam và rằng Nam khéo chọn bài thơ. ”Nghe anh đọc thơ mà lòng ấm lại.” Anh ta
nói. ”Ở đây xuân xung gì mà lạnh thấy mẹ!” và hoá ra người ngâm bài thơ Tháng
chạp quê nhà là vợ mới cưới cách đây một năm của anh, dịp anh về Việt Nam, ra
Quảng Nam thăm lại chiến trường xưa.
Đó cũng là nơi, sau ngày cởi áo lính bộ binh VNCH, mặc áo
rách thường dân, rồi chẳng bao lâu sau đó, theo lời dụ ngọt của mấy lão áo ngoài
quần, bụng phệ, cỡi Volga, anh mặc áo xanh thanh niên xung phong và tham gia
phá rừng, đào kênh lập một nông trường ở đó, với chiếc ghi ta trên ba lô. Xứ trầm
hương xưa ấy có nhiều gái đẹp. Với dáng phong trần, với giọng hát trầm ấm, với
chiếc đàn ghi ta mà anh chỉ bấm tới lui mấy hợp âm đơn giản đủ để hát những bài
hát thô sơ thậm chí thô thiển thời đó, anh ẵm được một cô vợ xinh xinh, con nhà
có chữ có nghĩa, cái chữ nghĩa đã trở thành vô ích, thậm chí tai hại vào thời
chó ngồi chồm hổm dạy hiền nhân, nhưng cái chữ nghĩa của thời trước ấy của gia
đình nàng đã làm nên những người giỏi giang tới mức độ được đi du học ở Pháp và
đã thành đạt. Nàng và gia đình được mấy ông anh giàu có, có địa vị ở Pháp bảo
lãnh đi Tây, nhưng nàng vẫn cương quyết ở lại với chàng thanh niên xung phong
nghệ sĩ.
Họ lấy nhau và sinh con. Có con rồi lãng mạn tình yêu bắt đầu
xuống dốc thê thảm, huống gì lãng mạn cách mạng. Cuối cùng hai người phải vượt
biên và qua được Na Uy.
Đối với nhiều người đàn ông, có được một cô vợ như thế thì
cũng đủ vui rồi, nhưng cái tự sướng nghệ sĩ nơi anh ta bốc lên tận trời sau mấy
buổi văn nghệ cộng đồng anh đàn và hát những ca khúc do anh sáng tác và được
nhiều em gái ca tụng. Rồi Paltalk, rồi Facebook làm cho những lời ca tụng này
hiện diện thường xuyên hơn, rôm rả hơn, màu mè hơn trong cuộc đời anh. Rồi mấy
bà sồn sồn cũng nhập cuộc. Tiếng chat, tiếng điện thoại xôn xao, ồn ào ngay cả
trong nhà, trước mặt mấy đứa con, trước mặt vợ anh trong khi chị đang nấu những
món ngon cho anh, thậm chí cả khi đang làm món nhậu chiều anh. Những em gái mơn
mởn mà anh muốn, chẳng ai thèm lấy một người gần gấp đôi tuổi mình, lại còn thất
nghiệp kinh niên, còn mấy mụ sồn sồn thì anh chỉ giao thiệp cho tăng thêm danh
giá nam nhi của anh mà thôi, chứ anh không thèm rờ tới vì trong đầu anh đang
còn đầy ắp hình ảnh những nường vừa trẻ vừa xinh. Lia chia chat, inh oang điện
thoại ngày nối ngày, đêm nối đêm.
Chuyện kể thì còn dài, nhưng chuyện gì phải đến, tất đến: vợ
anh ly dị anh.
Sau những ngày không được làm tình miễn phí, không được ăn
cơm ngon mà lại cơm chùa của vợ, anh phải kiếm một lối thoát: Phải về Việt Nam
cưới vợ nơi mà anh rành địa hình nhất, đó là nơi anh đã đi thanh niên xung
phong năm xưa.
Người vợ thứ hai này, anh hoàn toàn đắc ý vì nhan sắc, về
tính tình, và đồng thời đắc ý trả thù được bà vợ trước lâu nay nhu mì bây giờ
giở chúng ngạo mạn từ chối tiếp tục sống với anh. ”Xưa thì coi còn được, giờ
thì già mẹ nó rồi, mà còn bày đặt cao giá!” - Anh hậm nực.
Cô vợ mới của anh điều khiển chương trình có cái tên đẹp và
khuôn mặt khả ái như tên của mình: Ngọc Nhan. Tuy nhiên nàng có cái lý lịch Nam
không ưa chút nào: Ngọc Nhan có cha mẹ là dân cách mạng. Họ lấy nhau sau năm
1975, nhưng trước đó cha cô là cán bộ thuộc ban dân vận nội thành, và mẹ cô từng
là thành viên của Hội Liên hiệp Thanh niên Giải phóng Sài Gòn-Gia định, đã cùng
với ban chấp hành lãnh đạo sinh viên chống quân sự hóa học đường, chống bắt đi
lính. Không chỉ vậy, bà còn nằm trong ban lãnh đạo những đêm nhạc ”Hát cho đồng
bào tôi nghe” đã khơi dậy lòng ”yêu nước” khắp đường phố Sài Gòn. Sau khi CS
chiếm được Miền Nam như hai người mong ước, họ chỉ giữ những chức vụ tép riu,
hoặc chức vụ có tiếng mà không có miếng như bao người Miền Nam theo MTGPMN. Hay
nói cách khác họ, bằng khen đầy bồ, mà chum gạo thì trống trơn.
Giao thừa năm nay, như những giao thừa trước, Nam thức uống
trà, ăn mứt đọc sách, đọc online cuốn Câu Chuyện Giòng Sông của Hermann Hess
trùng điệp những kiếp người giữa giòng hư vô thì có tiếng chuông từ ipad báo có
e-mail tới, e-mail của người gởi có tên Hứa Ngọc Dung. Nam toát mồ hôi lạnh. Mở
ra thì thấy một hồ sơ đính kèm, mở hồ sơ đính kèm, hình một miếng giấy cũ hiện
ra, phóng đại lên thì Nam thấy trên tờ giấy nhàu cũ năm xưa có bài thơ Đường chữ
Hán, bài Đề Tích Sở Kiến Xứ với nét mực xanh bút nguyên tử còn tươi xanh màu
lá, tuy tờ giấy có vết máu khô, có vệt cháy và cả những vành trăng trắng hình
như của muối đọng khô lại mà cũng có thể của nước mắt. Dù biết là khuya, sẽ rất
sỗ sàng nếu gọi điện thoại cho Ngọc Nhan vào giờ này, nhưng khi Nam vừa gọi thì
được bắt ngay như đang được đợi sẵn. Nam thì thầm:
”Ngọc Nhan đó hả? Tôi vừa nhận được e-mail có hình mảnh giấy
trên đó ghi bài thơ chữ Hán giống y như tờ thơ mà mẹ Ngọc Nhan viết cho tôi năm
xưa.”
Và đằng đầu dây có chiều âu yếm, có chiều lên khơi:
”Anh ơi, hoa đào năm trước còn cười gió đông (3). Em
sẽ về với anh.’Thế nào chúng mình cũng sẽ gặp nhau lại’ anh có còn nhớ?”
Nam đạp tung cánh cửa,
Mây vàng âu yếm giăng ngang.
Nguyễn Văn Thà
Oslo, Tết Canh Tý, 2020
1. Thơ của Khánh Hà.
2. Bản dịch của Hoàng Nguyên Chương
3. Nguyễn Du dịch câu Đào hoa y cựu tiếu đông phong, trong
bài thơ ĐTSKX trên.