Vào dịp cuối năm 1984, một buổi họp mặt các cựu tù nhân chính trị được tổ
chức ở San Diego. Xướng ngôn viên của buổi lễ cho biết: “Khi tôi xướng tên trại
nào, nếu quý anh là trại viên của trại đó, xin đứng dậy và tự giới thiệu tên
của mình để các anh em khác được biết”. Nhiều trại cải tạo ở miền Bắc được lần
lượt xướng tên như “Phong Quang”, “Yên Báy”, “Vĩnh Phú”, “Thanh Cẩm”, “Lý Bá
Sơ”, “Nam Hà”, “Phú Sơn” v.v… Trại nào cũng có năm bảy anh đứng dậy và giới
thiệu tên của mình. Khi xướng tên trại Nam Hà, tôi đứng dậy và có thêm bốn anh
nữa, trong đó có một anh, tự giới thiệu tên của mình là Lê Trung Đạo. Tôi lẩm
nhẩm Lê Trung Đạo, Lê Trung Đạo… sao tên nghe quen quá, hình như anh ấy ở chung
đội với tôi thì phải. Khi phần giới thiệu các anh em trại Nam Hà chấm dứt, tôi
đi đến bàn của anh Đạo, đứng đối diện và nhìn kỹ anh ấy. Tôi nhận ra anh Đạo
ngay. Tôi ôm chầm lấy anh, và anh ấy cũng ôm tôi trìu mến. Tôi thì thầm bên tai
Đạo: “Em còn nhớ anh không?” Đạo trả lời ngay: “Anh Uyển, mà sao em có thể quên
được, thật vui mừng được gặp lại anh. Em trông chờ ngày này đã lâu lắm rồi!”
Khi cùng sống trong cảnh đọa đày nơi trại Nam Hà, phân trại C, tôi và Đạo nằm
gần nhau. Ra đồng, bắt được con cua, con cá, tôi và Đạo cùng chia sẻ với nhau. Đạo
là một Thiếu Úy Cảnh Sát Đặc Biệt, mới ra trường, không biết làm Trưởng G hay H
gì đó… mà bị đày ra cải tạo ở miền Bắc. Anh còn quá trẻ, khoảng 24, 25 tuổi.
Tôi xem anh như một người em của tôi và tôi rất quý mến anh. Đạo chưa lập gia
đình. Anh chỉ còn một mẹ già đang sống ở Vĩnh long. Vì vậy, từ ngày bị đưa ra
Bắc, Đạo chưa bao giờ nhận được quà của thân nhân từ trong Nam gởi cho anh. Anh
sống hiền hòa, vui tính, nên anh em trong đội ai cũng mến anh. Đạo xem tôi như
một người anh trong gia đình, anh tâm sự với tôi: “Đời em chẳng còn gì nữa, chỉ
có một người mẹ, mà từ ngày bị đày ra Bắc, đã trên 5 năm rồi em chẳng có tin
tức gì của mẹ em. Không biết bà còn sống hay đã ra người thiên cổ.”
Đạo nắm tay tôi và cảm động nói: “Giờ đây em chỉ có anh là người duy nhất
thương mến em, cho em chút an ủi để sống qua ngày!”
Như có một động lực nào thúc đẩy, Đạo tâm sự với tôi: “Anh ạ, mình phải sống
chứ anh, mà muốn sống, dù là cuộc sống thấp nhất, cũng phải có một ước mơ gì đó
để mà mộng tưởng, để tiếp sức cho mình. Các anh em ở đây, dĩ nhiên ai cũng mơ
ước sớm được trở về với gia đình. Ngoài xã hội thì kẻ này mơ trúng số, kẻ kia
mơ nhà cửa, ruộng vườn v.v… Nhưng sống nơi địa ngục trần gian này, anh em mình
mơ ước điều gì đây? Tất cả đều nằm ngoài tầm tay của mình. Em chợt nhớ lại một
câu chuyện cổ tích của Pháp, tựa đề là “Un Peu de Soleil dans l’Eau Froide” kể
lại câu chuyện một ông lão nghèo khổ, sống cô đơn một mình trong căn lều nhỏ
bé, trống trước, trống sau. Bổng một bà tiên hiện ra và cho ông một điều ước.
Bà tiên cứ nghĩ, thế nào ông lão nghèo nàn này cũng sẽ ao ước có một căn nhà,
hoặc ao ước có nhiều tiền bạc v.v… Nhưng bà tiên vô cùng ngạc nhiên, khi ông
lão nghèo khổ ấy chỉ xin “Một Nụ Cười”
Đạo như chợt tỉnh, ông lão bất hạnh trong câu chuyện cổ tích, đã chỉ cho Đạo
một mơ ước, mà dù trong hoàn cảnh nào cũng có thể đạt được, đó là một nụ cười.
Không cần phải là nụ cười của giai nhân, mà chỉ cần một nụ cười thân ái của ai
đó, chân thành trao cho anh, vì yêu mến anh, có thế thôi.
Cuộc sống tù đày cứ kéo dài triền miên trong đói khổ, vô vọng. Nhưng khi
nghĩ đến một nụ cười, Đạo thấy tâm hồn mình có chút an ủi, nhẹ nhàng. Hằng
ngày, Đạo ước mơ nhận được nụ cười. Đêm đêm Đạo cũng ước mong trong giấc mơ,
anh sẽ gặp được một nụ cười. Nhưng buồn thay, những giấc mơ đến với Đạo chỉ là
những cơn ác mộng mà thôi.
Nhưng thật kỳ diệu, từ ngày Đạo ôm ấp ước mơ có được một nụ cười, anh thấy
cuộc đời của anh có chút ý nghĩa, vì dù sao anh cũng có một ước mơ, để mà
thương, mà nhớ, mà mong chờ.
Một hôm, đội được dẫn đi gặt lúa, khi đi ngang qua cổng cơ quan, Đạo thấy
nhiều chiếc áo vàng đứng ở đó. Nhìn lướt qua, Đạo chợt thấy một nữ cán bộ nhìn
anh mỉm cười. Anh không tin ở mắt mình, anh nghĩ rằng có thể cô ta cười vu vơ
gì đó, chứ đâu phải cười với anh. Anh quay lại nhìn một lần nữa, vẫn thấy cô ta
nhìn anh và mỉm cười.
Từ ngày ấy, mỗi khi đội đi ngang qua cỗng cơ quan, Đạo đều bắt gặp nụ cười
của người nữ cán bộ dành cho anh. Vì vậy khi đi lao động, Đạo luôn luôn đi cuối
hàng để dễ đón nhận nụ cười của cô nữ cán bộ. Đạo cũng cười đáp lễ với cô ta.
Đạo bắt đầu thấy cuộc đời của mình, có một chút gì thi vị, đáng sống. Khi ăn,
khi ngủ, nụ cười đó luôn luôn theo anh, cho anh niềm an ủi, và chút lạc quan để
sống. Anh em trong đội đều biết mối tình mắt nhìn mắt và trao đổi nụ cười của
Đạo và cô nữ cán bộ.
Không những Đạo nhớ đến nụ cười, anh còn nhớ đến đôi mắt như muốn nói với
anh muôn ngàn lời, anh nhớ đến người con gái ấy. Ban đầu anh nghĩ rằng cứ giả
bộ vui vẻ cho qua ngày. Nhưng trong tâm trí anh, luôn luôn nhớ đến cô gái ấy và
anh nhận ra rằng anh đã yêu cô ta. Đạo nhớ lại ngày xưa Elvis Presley đã hát
một bài hát nổi tiếng là bài Don’t Gamble with Love nay thật đúng như trường
hợp của Đạo. Bây giờ Đạo không còn cho rằng lao động là khổ sai nữa, mà anh
trông chờ mỗi buổi sáng được đi ngang qua cổng cơ quan, để đón nhận nụ cười của
người nữ cán bộ.
Một buổi chiều khi đi lao động về, nghe các anh em Công Giáo tập hát bài
“Đêm Đông lạnh lẽo Chúa sinh ra đời”, Đạo mới biết, đêm nay là đêm Noel. Khi
cửa phòng giam đóng lại, anh em Công Giáo vội vã thiết trí một ngôi sao Giáng
Sinh và hàng chữ “Mừng Chúa Giáng Sinh” ở vách tường cuối phòng. Họ nắm tay
nhau ca hát, đọc kinh, cầu nguyện. Đạo nằm mơ màng, lơ đãng nhìn về cuối phòng,
chung quanh hàng chữ “Mừng Chúa Giáng Sinh”, Đạo tưởng tượng như có những bóng
đèn màu chớp sáng. Anh mơ hồ nghe như có tiếng nhạc bài Silent Night dịu dàng
thoảng đi trong gió… Anh thiếp đi trong giấc ngủ yên lành.
Vào một buổi sáng chúa nhật, chúng tôi được gọi ra sân để nhận quà của thân
nhân từ trong Nam gởi ra. Thường thì 80 đến 90 phần trăm anh em đều nhận được
quà. Riêng Đạo thì chưa bao giờ nhận được quà của thân nhân. Nhưng thật bất
ngờ, hôm nay cán bộ lại kêu tên Đạo lên nhận quà, ai cũng ngạc nhiên và mừng
cho Đạo. Anh nhận một gói quà bình thường, nhưng cách gói quà, khác với những
gói quà từ trong Nam gởi ra. Đạo sửng sốt nhận gói quà, đem về phòng, cẩn thận
mở ra. Một mảnh giấy nhỏ nằm trên những gói đồ ăn, anh đọc vội hàng chữ “Trìu
mến gửi anh Đạo – Em: Kim Chi”. Với mấy chữ ngắn gọn đó, Đạo biết ai gởi cho
anh món quà tình nghĩa này. Anh ôm gói quà vào lòng. Anh không ngờ người nữ cán
bộ có nụ cười dễ thương đó, lại dám liều lĩnh gởi quà cho anh. Hai hàng nuớc
mắt chảy dài xuống má, đây là những giọt nước mắt hạnh phúc mà từ lâu anh không
hề có.
Trại Nam Hà, Phân trại C, nơi chúng tôi đang ở, phía sau là con đường làng.
Trại chỉ ngăn cách với bên ngoài bởi những bụi tre thấp và hàng rào kẽm gai.
Dân chúng đi ở ngoài, chúng tôi có thể thấy họ. Thường vào buổi chiều, sau khi
ăn cơm xong, chúng tôi hay ra ngồi chơi ở sân sau đó, nhìn người qua lại. Một
hôm, chúng tôi thấy cô cán bộ Chi đi lui, đi tới ở ngoài hàng rào, rồi thình
lình quăng vào trong một cái gói nhỏ. Chúng tôi biết cô ấy gởi gì đó cho Đạo,
chúng tôi mang vào cho anh. Đạo không biết Chi gởi gì cho anh, nhưng anh cảm
động lắm. Anh em hiếu kỳ đứng quanh giường của của Đạo, để xem cô Chi đã gởi gì
cho anh: đó là một gói xôi và một con gà vàng rộm. Đối với tù nhân, đói triền
miên như chúng tôi, thì gói xôi gà này là cao lương mỹ vị bậc nhất trên thế
gian này. Đạo rất hào phóng, anh chia đều xôi, gà cho tất cả 32 anh em trong
đội, mỗi người được một muỗng xôi và chút ít thịt gà. Có người ăn ngay, nhưng
cũng có vài anh em để đó, hít hít mùi thịt gà cho đỡ thèm.
Đạo thấy thương Chi quá, vì yêu anh, nàng đã gan liều làm những việc như
vậy, vì nếu bị phát giác, nàng ở tù như chơi. Đạo càng thương Chi khi nghĩ đến
tương lai: một cán bộ công an yêu một sĩ quan cảnh sát ngụy… thì đời nào có thể
sum họp được. Anh thở dài!
Vào một sáng chúa nhật, một anh trật tự đến phòng chúng tôi, bảo anh Đạo
chuẩn bị ra có người thăm nuôi. Chúng tôi rất ngạc nhiên, vì từ bao năm nay,
Đạo thuộc diện con mồ côi, chưa hề có ai gởi quà cho Đạo, nói gì đến chuyện
thăm nuôi.Thế mà hôm nay, lại có người thân nào đó đến thăm Đạo. Chúng tôi mừng
cho Đạo. Khoảng 9 giờ sáng, anh được cán bộ dẫn ra nhà thăm nuôi. Chúng tôi hồi
hộp chờ Đạo trở vào để xem anh nhận được những quà gì của thân nhân đem đến.
Nhưng chúng tôi chờ mãi… đã ba, bốn giờ chiều rồi, vẫn chưa thấy Đạo trở vô
trại. Thường một trại viên được gặp mặt thân nhân khoảng 15, 20 phút, tối đa là
nửa giờ. Thế mà, Đạo ra nhà thăm nuôi đã hơn bốn, năm tiếng rồi mà chưa thấy
vô. Chúng tôi bắt đầu lo lắng cho Đạo, không biết chuyện gì đã xảy ra cho anh,
lành hay dữ. Và từ đó, chúng tôi không còn biết tin tức gì về Đạo nữa.
Hôm nay gặp lại Đạo, tôi đem chuyện ấy ra hỏi Đạo, anh đã kể cho tôi nghe
câu chuyện sau đây:
“Anh nhớ không, ngày Chúa Nhật hôm đó, em được dẫn ra nhà thăm nuôi, nói là
có thân nhân đến thăm. Em vô cùng ngạc nhiên vì em đâu có thân nhân nào từ
trong Nam có thể ra thăm em. Bước vào nhà thăm nuôi, em thấy Chi và một ông
Thượng Tá công an ngồi ở đó. Chi vội vã đứng lên giới thiệu: “Đây là cậu Du của
Chi, đang công tác ở tỉnh Thái Bình, em nhờ cậu ấy đến thăm anh.” Đạo bối rối
nhìn Chi, nhìn ánh mắt, nụ cười của Chi. Chi mặc đồ công an, trên cổ áo có đeo
quân hàm Thiếu Úy. Chi biết Đạo ngỡ ngàng, thắc mắc nên cô nói ngay: “Anh đừng
lo, em bảo anh làm gì thì cứ làm theo, chớ có hỏi han gì hết”. Chi dẫn Đạo vào
một căn nhà ở gần nhà thăm nuôi, nhà không có ai cả. Chi bảo em cởi bộ áo quần
tù ra, và mặc ngay bộ đồ công an đã để sẵn ở đó; ngoài áo quần, có cả nón, cặp
da và giấy chứng nhận đi công tác miền Nam. Em như trên trời rớt xuống, nhưng
không có thì giờ để hỏi Chi, việc gì đang xảy đến cho em.
Khi em đã mặc xong bộ đồ công an, Chi nhìn em mỉm cười, rồi kéo em ra ngỏ,
bảo em leo lên một chiếc xe Jeep nhà binh đậu sẵn ở đó, và chạy ra ga xe lửa
Phủ Lý. Chi bảo em cứ ngồi trên xe, Chi vào mua vé xe lửa đi về Sàigòn. Khi đưa
em lên xe lửa, Chi ân cần căn dặn: “Không nên về nhà, cũng đừng liên lạc với
mẹ, mà tìm một người bà con nào đó ở tỉnh khác xin trú ngụ vài ngày, rồi tìm
đường vượt biên. Tốt nhất là đi đường bộ qua ngã Campuchia”. Chi đưa cho em một
gói giấy và nói: “Đây là ít tiền để anh tiêu dùng, nhớ là phải vượt biên ngay
nhé!” Chi cầm tay em và chân thành nói: “Em là vợ của anh, anh đừng quên em!”.
Em ôm Chi vào lòng, nước mắt ràn rụa. Chi cũng khóc trên vai em. Xe lửa từ từ
lăn bánh, hình ảnh Chi cô đơn đứng một mình trên sân ga, nhỏ dần, nhỏ dần… Em
thấy nhiều lần Chi đưa tay lên lau nước mắt. Trong tim em, mối tình mà Chi dành
cho em quá sâu đậm, đã chiếm trọn cuộc đời em. Em vỗ vỗ vào trái tim của mình
“Đạo, Đạo, mày phải sống xứng đáng để đền ơn đáp nghĩa cho Chi nghe chưa!”
Khi xe lửa dừng lại ở ga Bình triệu, Sàigòn, em không về nhà em ở Vĩnh Long,
mà đến nhà dì em ở Cần Thơ xin trú ngụ. Chồng của dì em là một Đại úy Công Binh
Việt nam Cộng Hòa, trước năm 1975, ông phục vụ ở Tiểu Đoàn 24 Công Binh Kiến
tạo, mới được trả tự do. Gia đình dì, dượng em đang âm thầm chuẩn bị vượt biên.
Dì, dượng em vui vẻ chấp thuận cho em cùng đi theo. Em đã đưa gói tiền mà Chi
trao cho em, cho dì em để bà tiêu dùng. Mở gói ra xem, dì bảo em: “Tiền đâu mà
cháu có nhiều vậy?” Em trả lời ngay: “Của vợ con cho đó!”
Vào một đêm tối trời, ghe máy chở cả nhà ra cửa biển Đại Ngãi, vì tàu lớn
đang đậu ở đó. Sau 3 ngày và 4 đêm, tàu của chúng em đã đến hải phận Thái Lan,
được tàu tuần duyên của Thái Lan đưa về trại Sikiew. Trong cuộc phỏng vấn thanh
lọc, nhân viên Cao Ủy Tỵ Nạn Liên Hiệp Quốc hỏi em rất ít. Em nghĩ là họ có đầy
đủ hồ sơ cá nhân của ngành Cảnh Sát Đặc Biệt. Họ chỉ hỏi em là làm Trưởng G hay
Trưởng H, em trả lời. Người nhân viên đó lấy trong tập hồ sơ ra một tấm ảnh,
anh nhìn em rồi gật đầu. Thế là em vượt qua cuộc thanh lọc. Mấy tháng sau, họ
chuyển em qua trại Pulau Bidong ở Mã Lai, để chờ chuyến bay đi định cư ở Mỹ.
Em mau chóng gởi thư cho má em ở Vĩnh Long, báo tin em đã bình yên đến trại
Pulau Bidong ở Mã Lai, đang chờ chuyến bay để đi định cư ở Mỹ. Khoảng 2 tuần
sau, em vui mừng nhận được thư hồi âm của má em, và một bất ngờ thú vị đến với
em là có cả thư của Chi nữa! Má em đã viết cho em: “Đạo con, má rất vui mừng
nhận được tin con đã đến nơi bình yên. Má cho con biết là Chi đang ở đây với
má. Chi đã kể cho má nghe hết mọi chuyện. Má rất hạnh phúc có được một con dâu
hiếu thảo như Chi, má mừng cho con”
Đạo run run mở thư của Chi ra đọc: “ Anh Đạo yêu quí của em, nghe anh đã đến
đảo và đang chờ chuyến bay để đi Mỹ, má và em mừng quá anh ơi. Khi anh đi về
Nam chưa đầy một tháng, họ đuổi em ra khỏi ngành công an. Em đã về Vĩnh Long ở
với má, em thay anh phụng dưỡng, săn sóc má, anh yên tâm!”
Với lời lẽ chân tình, mộc mạc, em uống từng chữ, từng lời trong bức thư ngắn
gọn của Chi, em áp bức thư vào ngực và đi vào giấc ngủ.
Năm 1982, em được đi định cư ở Mỹ. Khi có thẻ xanh, em đã làm hồ sơ bảo lãnh
Chi. Trong thời gian ở với má em ở Vĩnh Long, không biết Chi hỏi thủ tục bảo
lãnh ở đâu mà nàng ra Thái Bình, nhờ người cậu Thượng Tá Công An của nàng, làm
một giấy hôn thú của em và Chi, có đầy đủ chữ ký và khuôn dấu đỏ xác nhận của
chính quyền địa phương.
Năm 1987 khi em được nhập quốc tịch Mỹ, em đã bổ túc hồ sơ bảo lãnh. Chi đã
nhanh chóng được phỏng vấn. Lúc này, những trường hợp gian dối chưa xảy ra
nhiều, nên việc chấp thuận cho chồng bảo lãnh vợ tương đối dễ dàng nếu có đầy
đủ giấy tờ chứng minh.
Vào một ngày se lạnh ở miền Nam Cali, em và vài bạn bè thân quen đến đón Chi
ở phi trường Los Angeles. Em ôm Chi vào lòng, vì quá cảm động, em chỉ thốt lên
được một tiếng “Em!” Chi cũng vậy, nàng thổn thức trên vai em “Anh!” Chỉ 2
tiếng “Anh” “Em”, nhưng đã gói trọn cuộc tình mà chúng em nghĩ là không bao giờ
có thể sum họp được. Tạ ơn Trời Đất!
Đạo xây qua người đàn bà ngồi bên cạnh anh, và giới thiệu với tôi: “Thưa
anh, đây là Chi, vợ em.” Chi bẽn lẽn cúi đầu, che dấu nụ cười đã đem lại sức
sống và hạnh phúc cho Đạo.
Tôi đã được nghe, được biết nhiều mối tình ly kỳ, éo le lắm. Nhưng nếu nói
đến một mối tình thật lãng mạn, mà người con gái đã dám hy sinh sự nghiệp và cả
tính mạng mình cho người yêu, thì không thể không nói đến mối tình của nàng Kim
Chi và chàng Trung Đạo.
Bửu Uyển