07 March 2020

CHUYẾN TÀU CUỐI NĂM - Lê Sông Văn


Tôi sống trong căn nhà bọc bằng một loại tôn, mang màu xám nhạt của sắt thép. Căn nhà dài và ốm như một toa tàu lửa, lại gần trạm xe điện, lúc nào cũng có tiếng còi vọng lại từ xa, sáng trưa chiều tối, khiến tôi luôn có cảm giác như đang ở trên một chuyến tàu.
 Nhà sát vách với một  dãy hàng xóm. Tôi may mắn ở căn cuối có được mảnh vườn nhỏ. Mảnh vườn có cây chanh, cây quất, cây chuối, cây vải, và một mớ cây lỉnh kỉnh khác. Nhà ba tầng. Tầng dưới để trống. Tầng hai phòng khách, phòng ăn, một căn bếp nhỏ, một ban công nhìn xuống mảnh vườn, nhìn ra đường. Tầng ba là phòng riêng của tôi. Bung cửa sổ ra, chỉ thấy những cái chóp cao ốc thành phố, lúc nào cũng cứ như đang đua nhau vượt lên vượt lên, chẳng biết để làm gì.

Đó là chỗ tôi đang ngồi gõ những dòng này. Tôi ngồi đây mỗi ngày, ít khi ra khỏi nhà.
Có thể gọi đây chính là thế giới riêng của tôi, là chuyến tàu đưa tôi đi từ ngày sang đêm, rồi từ đêm sang ngày. Thành phố dưới kia, đường xá, hàng quán, đèn màu, tất cả quí vị cứ ở đó mà nhấp nháy. Còn tôi, trong con tàu bằng sắt này, tôi tiếp tục đi, đi qua, chưa biết đi tới đâu.
Vì sao tôi ở đây?
Cho đến giờ này, tôi vẫn không tài nào nghĩ ra. Thôi thì mặc kệ. Có nghĩ ra cũng chẳng thay đổi gì.  Tôi đã chọn một nơi không người thân thích, một toa tàu đi liên tục ngày đêm, đóng kín mình trong đó. Toa tàu mang tôi đi khắp nơi, đi thật nhanh. Có vẻ nó đúng là chuyến tàu tốc hành, không hề bận tâm việc dừng lại ở một ga nào đó. Lỡ lên tàu rồi, như một kẻ lữ hành, cảnh vật bên đường có đẹp mấy cũng chỉ để trầm trồ giây lát.
Thoạt đầu, khi mới dọn vào căn nhà này, tôi luôn có cảm giác bất an. Tiếng xe làm tôi bất an. Tiếng mưa làm tôi bất an. Tiếng hàng xóm vọng sang làm tôi bất an. Tiếng chân tôi đi lại trên sàn gỗ làm tôi bất an. Mỗi tiếng động do chính tôi gây nên cũng khiến tôi dừng lại, lắng nghe âm vang của nó. Dần dần, tôi bắt đầu quen với từng tiếng động, và nhận ra mỗi tiếng động đều có một tiếng vang riêng.
Khi anh ở đây, mỗi tiếng động anh gây nên tôi đều phân biệt được. Anh cầm ly cà phê lên khác tôi, gây một tiếng động khác. Tiếng chân anh cũng khác. Anh mở cửa, tiếng động rộn ràng hơn. Anh ho, anh cởi áo, anh tháo giầy, rồi tiếng cười, tiếng nói, tiếng thở, tiếng thì thầm… Anh mang một thứ âm thanh khác hẳn những âm thanh thường nhật vào đây. Khi anh rời khỏi chỗ này thì những tiếng động ấy cũng im theo, mọi thứ gần như ngừng lại. Mãi cho đến lúc tôi cố tình gây nên một tiếng động lớn, mở cửa ban công chẳng hạn, và để tất cả những tiếng động từ đường phố lọt vào.
Tôi ngủ rất ít. Một mình trên giường, lúc nào tôi cũng mở mắt nhìn mãi vào bóng đêm. Khi bắt đầu nhắm mắt thì tôi lại trở mình. Tóc làm vướng víu khó ngủ. Tiếng giãn nở của sàn gỗ làm tôi giật mình. Tiếng gió làm tôi bồn chồn. Tóm lại, bất cứ tiếng động nhỏ nào của đêm cũng khiến tôi ý thức được sự đơn độc của mình. Và rồi cứ nằm dỏng tai lắng nghe từng tiếng động một như thế, tôi càng ngày càng nhận thấy đêm thật tĩnh lặng.
Dần dà, tôi cảm thấy nó cũng đúng là sự tĩnh lặng của chính tôi. Đã quá lâu rồi tôi sống tách biệt với cuộc đời ngoài kia, hoàn toàn chìm vào bóng đêm. Chỉ có khi đêm xuống là tôi trở mình, thao thức, còn ban ngày thì đầu óc tôi lù mù, dù đang thức nhưng tôi cho rằng còn tệ hơn cả ngủ.
– Em này, hay là em dọn đến ở với anh nhé!
Một lần, khi đang ở trên giường, sau khi đã tận hưởng nhau, anh bỗng hỏi tôi như thế. Đó cũng chính là lần đầu tiên tôi ý thức được một điều gì như là sự tận cùng của một mối tình. Thế là hết. Tôi hoảng sợ khi nhận ra tình yêu của tôi đang được nuôi dưỡng bởi chính sự đơn độc của mình. Có cái gì đó không ổn trong chuyện này, nhưng tôi chịu, không phân tích nổi.
Tôi không nghi ngờ gì về tình yêu tôi dành cho anh, thậm chí tôi còn hiểu rõ nếu mất anh thì tôi chẳng thiết sống nữa. Ngày nào chúng tôi cũng ráng tìm thời giờ để gặp nhau, dù chỉ kịp để uống với nhau một tách cà phê. Gần như niềm vui trong ngày của tôi duy nhất là nghĩ đến gương mặt anh, đến giây phút ở bên anh. Nhưng  ở bên nhau được một lúc rồi thì tôi lại cảm thấy thèm cái giây phút còn lại một mình.
Thậm chí đôi lúc tôi lại nôn nóng chia tay anh để rồi lại ngồi một mình trong căn nhà rộng thênh thang chẳng làm gì ngoài cảm giác đơn độc cố hữu.
Chẳng lẽ chúng tôi đã hết chuyện làm với nhau rồi sao?
Chẳng lẽ hai con người yêu nhau say đắm đến thế, quyến luyến nhau đến thế, mà cũng không thể ở bên cạnh nhau quá nửa ngày hay sao?
Hay là chúng tôi đã đến thời kỳ chán nhau?
Tôi cũng cảm giác được sau khi xả hết nỗi nhớ nhung vào nhau thì anh bắt đầu thấy đã đến giờ phải về. Có lẽ cả hai chúng tôi đều đọc được điều ấy nơi nhau nên những lúc như thế mọi thứ đều có vẻ thừa thãi.
Tôi đã im lặng không trả lời câu hỏi của anh, và vờ ngủ say.
Trước kia, tôi chưa từng nghĩ đến ngày hôm nay, cái ngày mà tôi phải lưỡng lự giữa tình yêu và tự do. Bây giờ, mỗi đêm, khi bóng tối lặng lẽ tràn vào tất cả cửa sổ, và thành phố như  trôi tuột đi ngoài kia, tôi hay thừ người ra nghĩ ngợi.
Đêm sẽ dài đấy, nhưng cũng sẽ qua rất nhanh. Tôi đã quá quen thuộc với nó. Sự cô độc một mình vừa buồn, mà cũng vừa khiến tôi thích thú. Nơi đây, trong căn phòng rất thứ tự theo kiểu riêng của mình, tôi không phải do dự vì bất cứ hành động nào. Nửa đêm tôi bật dậy, mở cửa sổ nhìn ra thành phố đang lấp lánh xa kia, trên tay là một ly cognac. Đôi lúc tôi còn pha cả một bình cà phê, hít thở mùi cà phê tỏa đầy căn bếp, rồi tôi thư thả đọc sách báo.
Gần đây vào tối cuối tuần tôi còn đến bể bơi gần nhà nữa. Sau đó thì tôi đứng ngắm nghía mình trước gương, ghi nhớ những vùng da thịt mà tôi quyết tâm hạ bớt mỡ. Đêm hôm đó tôi mất ngủ trầm trọng. Ngồi thừ trên giường, tôi chăm chăm nhìn qua cửa sổ, dõi theo ánh trăng như một nét phấn mờ trên bầu trời đen ngoài kia. Tôi nghĩ đến lũ thư tình trong chiếc rương được cất kỹ dưới gầm giường mà chỉ những khi hút bụi hoặc những đêm mất ngủ tôi mới đụng đến.
Lần nào cũng thế, tôi không thôi kinh ngạc khi đọc lại những lời nồng nàn ấy. Gần như tôi thấy cả người viết lẫn người nhận thư, đều hoàn toàn xa lạ. Xem ra, tất cả đều là sự nông nổi, non nớt của tuổi trẻ, và bất chợt tôi nhận ra tên anh đang dần dần, bằng trí tưởng tượng của tôi, được đưa vào chiếc rương cũ ấy, chen chân với lũ thư tình cũ, giống như người ta đang hạ huyệt một ngôi mộ tập thể. Phải chăng vẻ quyến rũ của đêm chính là sự cô độc, và bóng tối của nó đã truyền cho tôi sức mạnh trong chính sự cô độc của mình?
Trong căn phòng này, mỗi đêm, tôi trăn trở với tiếng còi tàu. Tiếng còi tàu mang tôi trở về những trạm xa xôi tựa hồ như giấc mơ thời thơ ấu. Anh cũng là một giấc mơ kỳ diệu mà tôi đã cất công tìm kiếm. Giấc mơ âm ỉ thành cơn đau, ngày một lớn dần, phình to như sắp nổ, sắp sửa xé xác tôi thành nhiều mảnh, rơi tung toé như xác pháo ngày đầu năm.
Khi không sao bỗng thấy xác pháo đầu năm?  Có lẽ vì lúc này đây, chuyến tàu của tôi đang đi qua một ngày cuối năm.
Hồi còn bé, cuối năm là những ngày rộn rịp nhất vì cả người và đất trời đang cùng nhau chuẩn bị đón giờ phút thiêng liêng. Bà ngoại tôi bận rộn với một nghìn chuyện không tên, tay dính liền với cái chổi, quét liên tục những điều xui xẻo ra khỏi nhà. Xui xẻo được hốt thành bụi, mang vứt ở gốc cây me trước cổng.
Khi giao thừa điểm, ngoại tôi đã khăn áo chỉnh tề. Một cái bàn con đặt ngay ngắn trước nhà, trên bàn là thức ăn, bình trà, hương quả. Ngoại  nghiêm trang, thành kính lạy trời đất, miệng lâm râm khấn nguyện. Gió thổi vạt áo dài của bà lay động, thổi đám lá me bay cả vào bát chè trên bàn.
Tôi nín thở quan sát. Bà cúng cô hồn các đảng. Tiếng cười của ma quỷ theo gió tràn về, quẹt ngang gáy tôi. Nói gì đấy? Tôi thì thầm, hẹn hò. Tôi còn rất nhỏ, chưa hiểu được mất mát, chưa hiểu được chết chóc, nhưng tôi hiểu rằng, có những âm hồn xung quanh đây, chỉ những giờ thiêng như thế này mới lên tiếng, và không phải ai cũng nghe được. Lúc này đây, khi khói nhang vừa bay lên, thì chính là tiếng gió.
Gió. Tôi cũng rất quen thuộc với âm thanh của gió. Mỗi ngọn gió mang theo một tiếng động riêng, đi với một vận tốc riêng, có cả mùi vị riêng. Gió Nam, gió Bắc, gió biển, gió núi. Gió mùa Thu rồi gió mùa Hạ. Gió từ cửa sổ từ trường học từ hàng cây từ trời từ đất… Tôi đã quan sát từng ngọn gió và luôn cố gắng phân biệt chúng.
Năm 16 tuổi, có một ngọn gió thổi tôi khôn lớn. Đó là khi tôi lần đầu tiên ngồi trên chiếc xe đạp sườn ngang của chàng trai hơn tôi hai tuổi, tình yêu đầu đời của tôi. Chúng tôi không nhiều lời với nhau. Tôi ngồi phía trước, anh ngồi phía sau, gắng sức đạp chiếc xe cũ kỹ và gầy gò như chính anh hồi ấy. Mười lăm năm sau gặp lại, anh to lớn vạm vỡ, râu tóc dài và chạy một chiếc xe máy. Anh đặt tôi phía sau lưng, chạy rất oai vệ giữa đường phố Sài Gòn. Tôi loay hoay ngỡ ngàng vì vị trí mới. Tôi miên man nhớ ngọn gió ngày xưa thổi tóc tôi xòa vào mặt anh, và hơi  thở anh sau ót.
Hơi thở anh, hồi ấy tôi cũng gọi là một ngọn gió. Gió từ lồng ngực anh. Ngọn gió ấy theo ngày tháng dồn thành một cơn bão cuốn tôi về với anh, gây biết bao sóng gió cho  đời tôi, góp một phần đưa tôi vào chuyến tàu hôm nay.
Hôm nay là một ngày cuối năm. Tôi vẫn muốn nghĩ đến hôm nay hơn là ngày hôm qua. Khốn nỗi, hôm nay luôn được sinh ra từ hôm qua. Hôm nay, nhìn từ toa tàu này, cảnh vật kia vẫn vùn vụt chạy lui. Tôi đã đi qua bao nhiêu ga khác, ngày hôm khác… mới có mặt ở đây.
Một buổi trưa nắng gắt, nhìn nắng từ bầu trời, chớp lóa qua mấy chóp cao ốc chụp xuống cửa sổ này,  tôi tưởng như đang thấy một khối lửa ào tới. Con tàu sắt của tôi vẫn cố lao nhanh qua ngày và đêm, nhưng khối lửa khổng lồ kia sắp đuổi kịp nó. Đúng lúc đó anh nhảy lên toa tàu, kéo tôi cùng ngã xuống. Lửa ào qua phía trên. Không hiểu cái lưỡi lửa ấy đã bôi xóa chỗ nào trên thân thể tôi.
Rồi chuyến tàu này sẽ đưa tôi đến đâu?
Trạm cuối năm tôi đã quyết định đưa tiễn anh. Còn bao nhiêu trạm nữa? Năm nay tôi đã 37. Tôi vẫn cô độc trên toa tàu của mình, nhìn ra ngoài, mơ ước một thứ gì bất biến. Mỗi đêm, tôi nằm lặng lẽ, đếm từ một đến một trăm, ôn lại những ngày tháng đã qua, đôi khi hồi hộp, đôi khi dửng dưng trước ngày mai sẽ đến. Tôi vẫn nghĩ đến một viên thuốc ngủ, nhưng rồi lại để dành.
Năm nay, đêm giao thừa, tôi sẽ ngồi trong toa tàu này, đi suốt những giờ còn lại để gặp buổi sáng mai, một buổi sáng đầu năm. Tôi biết, bất cứ chuyến tàu nào dù muốn chạy đến đâu đi nữa, đều có một ga cuối.
Một ngày nào đó, tôi sẽ nhẹ nhàng rời chuyến tàu của mình. Nơi sân ga, bà ngoại tôi mặc áo gấm, tóc búi gọn, tay xách giỏ cau trầu chờ tôi. Tôi sẽ góp vào tiếng gió lao xao của các âm hồn những giờ linh hiển. Tôi sẽ quẹt ngang gáy anh, thổi vào tai anh hơi thở của một thời nồng ấm.
Nếu như anh, hay ai đó còn nhớ, có thể thấy hơi thở ấy phảng phất mùi nhang thơm.
Khói  nhang từ lồng ngực người yêu đầu đời sẽ theo gió bay lên.

Lê Sông Văn