Tôi từng đến Đài Loan (ĐL) nhiều lần, nhưng chỉ có chuyến đi
cuối năm 2018 là thuần túy du lịch, giúp tôi xây dựng lại hình ảnh ĐL lâu nay
đã bị méo mó.
Tôi đã xuất phát từ cảng Keelung cực bắc ĐL đi xuyên đảo
theo tuyến tây qua Đài Bắc, Đài Trung, Đài Nam, Cao Hùng, đến điểm cực nam Bình
Đông, rồi về theo tuyến đông qua Đài Đông, Nghi Lan, về Đài Bắc, hành trình lũy
kế cả ngàn km, giúp tôi thâm nhập tìm hiểu kinh tế xã hội của ĐL.
ĐL, từng dẫn đầu “4
con rồng nhỏ châu Á”
Những năm cuối thập niên 80 và đầu thập nên 90 TK trước, ĐL
là 1 trong những nước đầu tiên đầu tư vào VN và dẫn đầu các nước FDI trong nhiều
năm. ĐL lúc đó đứng đầu “4 con rồng nhỏ châu Á”(ĐL, Singapore, Hong Kong, Hàn
Quốc), dự trữ ngoại tệ 100 tỷ USD
Người ĐL đô la xúng
xính đủ để người VN mới tiếp xúc với thế giới bên ngoài lác mắt. Thấy người ĐL
cũng nói tiếng Hoa, có người VN đã hỏi: ”Người ĐL có phải người TQ không”? Thì
nhận được câu trả lời ngạo mạn: ”Người ĐL là người TQ lắm tiền nhiều của!”
Người ĐL có quyền tự hào, vì chỉ với dân số 23 triệu, GDP ĐL
bằng 30% TQ. Đến nay vật đổi sao dời, TQ trỗi dậy, đẩy GDP ĐL xuống chỉ còn bằng
4% TQ, tương đương 1 tỉnh trung bình ở TQ, dự trữ ngoại tệ TQ cũng đã lên tới
3.100 tỷ USD!
Dưới o ép của TQ Đại lục, không gian sinh tồn của ĐL ngày
càng thu hẹp, những nước có quan hệ ngoại giao với ĐL teo tóp chỉ còn vỏn vẹn
18 nước, đa số là những nước quần đảo nhỏ li ti nam Thái Bình Dương, nước lớn
nhất là Paraguay ở Nam Mỹ và nước nhỏ nhất là …Vatican, dẫn đến ĐL bị vô hiệu
hóa về phương diện địa chính trị.
GDP bình quân đầu người của ĐL khoảng 25.380 USD, thuộc nhóm
nước thu nhập cao, xếp thứ 29 thế giới và thứ 10 châu Á. Để so sánh, TQ bình
quân đầu người 9.750 USD, xếp thứ 62, thuộc nhóm nước trung bình khá (theo WB,
năm 2018). Từ năm 1988, ĐL hủy bỏ nền chuyên chế của cố tổng thống Tưởng, thiếp
lập nền dân chủ bầu cử trực tiếp kiểu Mỹ; tuy tăng trưởng kinh tế chậm lại,
nhưng ĐL đã trở thành 1 xã hội phúc lợi phổ cập tới từng người dân, bỏ xa cả Mỹ
chứ đừng nói TQ.
Xã hội phúc lợi toàn dân
Tất cả trường phổ thông ĐL đều không có tường bao, trông chẳng
khác gì một công viên, trong sân trường có xe điện nội bộ miễn phí, tôi vẫy họ
cũng dừng, không cần hỏi tôi là ai (hình dưới).
Điều khiến tôi sửng sốt là ký túc xá sinh viên, hoàn toàn đạt
tiêu chuẩn khách sạn 3 sao bên mình. Trong phòng trải thảm, hành lang là dẫy ghế
sôfa. Phòng ở 2 người, có 2 phòng ngủ, 1 phòng sinh hoạt chung, 1 toilette, diện
tích khoảng 50 mét vuông. Điện nước, tiền phòng hoàn toàn miễn, nước nóng cung ứng
24/24. Trong toilette điện sáng trưng, sinh viên nói đùa đó là ngọn “trường
minh đăng”, vì đã 5 năm không hề tắt—đằng nào cũng là điện chùa!
Không chỉ ở sân trường, phúc lợi xã hội đã lan tỏa khắp ĐL,
khiến vùng lãnh thổ này trở thành “xã hội phúc lợi” bậc nhất thế giới, qua mặt
cả Mỹ; TP Đài Bắc cũng vươn lên TP đáng sống nhất thế giới.
Người ĐL được miễn tiền nước, tiền điện, tiền gas sưởi ấm
trong mùa đông cũng rẻ gần như cho không. Mỗi người ĐL chỉ cần có việc làm ổn định,
sẽ được nhà nước phân phối 1 căn biệt thự, được sử dụng suốt đời, đến khi chết
nhà nước mới thu hồi.
Chế độ bảo hiểm y tế ĐL đã vượt thời đại: chỉ cần có hộ khẩu,
người ĐL được miễn toàn bộ chi phí y tế, bất kể bệnh viện công hay tư, không cần
thủ tục rườm rà. Trừ trường tư, tất cả trường công ĐL, đều không thu học phí.
Tôi từng hỏi một người bạn phụ trách ngành giáo dục ở Đài Trung, nếu nhà trường
bầy ra các khoản như ửng hộ xây dựng nhà trường, tiền phủ đạo ngoài giờ…để lạm
thu, thì giải quyết ra sao? Anh bạn tôi ngớ người không trả lời được, vì chưa gặp
trường hợp đó bao giờ.
Người nông dân ĐL đủ 60 tuổi được hưởng lương hưu như mọi
CBCNV. CBCNV ĐL lại không có chế độ nghỉ hưu, nếu bạn muốn, có thể làm việc suốt
đời, không ai bị ép “về hưu theo chế độ”. Tuy nhiên, nếu bạn làm việc đủ 30
năm, có thể về hưu bất cứ lúc nào, không kể tuổi tác.
Sinh viên ra trường được nhà nước phụ cấp tiền thuê phòng;
khi kết hôn cần mua nhà được nhà nước bảo lãnh trả góp trong 30 năm không tính
lãi; sinh con được phụ cấp lương và tiền sữa; bữa cơm trưa bán trú phải đảm bảo
3 món 1 canh, đều do nhà nước đài thọ.
90% sinh viên ĐL đều có cơ hội du học; tình hình xã hội ổn định,
dễ kiếm việc làm, đãi ngộ cao đã thu hút 85% lưu học sinh quay về, những người ở
lại, sau khi khởi nghiệp thàng công cũng quay về, trong đó có cả chục nhà bác học
đoạt giải Nobel. Người ĐL sinh sống ở hải ngoại rất đông, nhưng họ đều để lại
gia đình ở ĐL—dễ gì từ bỏ nơi đáng sống nhất toàn cầu!
Tố chất người ĐL
Những nơi tôi đặt chân tới, bất kể TP đẳng cấp thế giới như
Đài Bắc, Cao Hùng hay TP nhỏ như Đài Đông, Nghi Lan quy mô chỉ cỡ 100.000 dân, ấn
tượng đầu tiên của tôi là đâu đâu cũng không dính chút bụi. tôi đi cả tuần, giầy
vẫn bóng như lau. Khi tôi đến Công viên địa chất Yeliu, cực bắc ĐL thuộc TP
Keelung (hình dưới), luôn thấy tình nguyên viên đi sau du khách lượm rác. Tôi
đi bộ mỏi chân, ngồi nghỉ một lát, đang nghi ngại hòn đá lởm chởm có thể mài lủng quàn, thì có tình nguyện viên đến nhắc nhở,
ngồi trên đá có thể hủy hại di tích (?). Tôi sửa sai ngay và thầm phục ý thức
công dân của người ĐL.
Quảng trường Tự do ở
ngay trung tâm Đài Bắc, chiếm đất 25ha, cổng chào cao 30m, rộng 80m, là quảng
trường có cổng chào lớn nhất ĐL (hình dưới). Quảng trường Tự do trước đây có
tên Quảng trường Trung Chánh (tên tự cố tổng thống Tưởng Giới Thạch), năm 2007,
khi Đảng Dân tiến (DDP) nắm quyền, đã quyết tâm lọai bỏ mọi ảnh hưởng họ Tưởng,
nên họ đổi Quảng trường Trung Chánh thành Quảng trường Tự do. Năm 2009, Quốc
dân đảng (KMT) trở lại nắm quyền, lại khôi phục Quảng trường Trung Chánh, nhưng
hoành biển Quảng trường Tự do vẫn không thay đổi.
Trước cổng chào là đàn “bồ câu quảng trường” nhởn nhơ, nhìn
qua cổng vòm, sẽ thấy phía trước là Nhà kỷ niệm Trung Chính. Từ cổng chào đến nhà tuởng niệm 470 m, 2 bên là Kịch viên và
Nhạc viện Quốc gia khí thế cực kỳ hùng vĩ (hình dưới). Trong Nhà tưởng niệm có nhiều pho điêu khắc bằng cẩm
thạch hoặc giát vàng ròng, đều được người ĐL tự giác giữ dìn, không hề xẩy ra
chuyện đaọ trích.
.
Chính quyền Quốc Dân Đảng từng nổi tiếng hủ bại, nên đã bị
đuổi khỏi lục địa Trung Hoa. Sau khi thiết lập nền dân chủ trực tiếp năm 1988,
tăng trưởng kinh tế tuy có chậm lại, nhưng ĐL đã xây dựng được bộ máy công quyền
trong sạch và hiệu suất cao. Lý do thật đơn giản: có đảng đối lập và dư luận
giám sát và nền tư pháp độc lập.
Bắt xe taxi ở ĐL thật thuận tiện, chỉ cần đứng lề đường vẫy
tay là có xe dừng lại, cứ việc lên xe và cho biết nơi đến, khỏi cần trả giá.
Nhiều người có xe muốn chở khách để cải thiện, nhà nước không can thiệp. Giá xe
rẻ, nên taxi công nghệ kiểu Grab bên mình không còn đất dụng võ.
Khi đến Đài Bắc, tôi hẹn gặp một nhà văn nữ dưới chân tòa
tháp 101, đến giờ hẹn tôi thấy vợ chồng nhà văn lỏm ngỏm từ lòng đất bước lên
(hình dưới). Tôi hỏi tại sao không lái xe hơi, thì được trả lời đi tàu điện ngầm
tiện hơn.
Tàu điện ngầm Đài Bắc gọi tắt là “tiệp vận”(vận chuyển
nhanh), sâu dưới lòng đất 100m, gồm 4 tầng, đi bằng thang cuốn. Bên trái thang
cuốn dành cho đường thoát hiểm, mặc dù chỉ vẽ biểu tượng, không có ngăn cách,
nhưng hành khách vẫn tự giác nép qua bên phải (hình dưới).
ĐL vỉa hè rộng thóang, không bao giờ bị chiếm dụng như bên
mình. Qua đường theo làn dành cho người đi bộ là tuyệt đối an toàn: mọi phương
tiện giao thông đều phải dừng lại, ưu tiên người đi bộ, hệt như bên Mỹ. Tôi qua
đường hơi do dự một chút, tài xế giơ tay mời một cách lịch sự. Có lần theo đoàn
ra sân bay sợ trễ giờ, tôi định ngang qua đường cho gần, liền bị hướng dẫn viên
người ĐL ngăn lại: thà trễ giờ cũng phải đi đúng làn sơn!
Ở ĐL, phụ nữ được tuyệt đối tôn trọng, khi 1 phụ nữ lên xe
buýt, hành khách nam vội đứng dậy nhường chỗ,từ em bé đến cụ già, như 1 phản xạ
tự nhiên.
Tôi nghe cô HDV kể, ở ĐL Bà bầu là 1 tầng lớp đặc quyền, nơi
nào có bà bầu xuất hiện, mọi người tự động dẹp qua 2 bên như đón VIP, xe cảnh
sát sẵn sàng chở miễn phí khi có yêu cầu.
ĐL có 2 loại kiến trúc tiêu biểu mà tôi đi đâu cũng gặp: Nhà
kỷ niệm Thế chiến II và tượng điêu khắc “Quốc phụ” Tôn Trung Sơn. Trước tượng
Quốc phụ lúc nào cũng có ngọn “trường minh đăng”(hình dưới). Những cặp uyên
ương nhất định phải đến dâng hoa trong Nhà kỷ niệm Thế chiến II và mặc niệm trước
trường minh đăng. Pháp luật ĐL còn quy định chỉ có vợ chồng mới cưới mới được
phép tiếp cận trường minh đăng
.
Bản đồ chính trị đa mầu
sắc
Tháng 11 năm 2018, khi tôi du lịch ĐL đúng vào dịp cao điểm
bầu cử địa phương “cửu hợp nhất”. Các đảng phái cạnh tranh hết sức quyết kiệt,
nhưng diễn ra trong trật tự, những người ủng hộ 2 phe đứng xen kẽ nhau (hình dưới),
những người ra ứng cử phải quét dọn đường
phố, ẵm trẻ nhỏ, tặng quà người già. Sau đó, kẻ thua cuộc chúc mừng kẻ
thắng cuộc, không có khiếu nại, càng không có chuyện từ chối kết quả bầu cử. Kết
quả bầu cử lần này là Quốc Dân Đảng (Kuo Min Tang, KMT) đại thắng, giành được
15/22 ghế huyện, thị trưởng, đảng Dân chủ Tiến bộ (DDP) giành được 6 ghế, còn
ghế thị trưởng Đài Bắc thuộc về B/S Kha Văn Triết, nhà phẫu thuật nổi tiếng vô
đảng phái.
Ngày 11/01/2020 đã diễn ra cuộc bầu cử tổng thống thứ 15 và
Viện lập pháp (quốc hội) ĐL. Lần này thì gió đã xoay chiều, đương kim tổng thống,
bà Thái Anh Văn thuộc DDP tái đắc cử nhiệm kỳ 4 năm với số phiếu áp đảo 57%,
Hàn Quốc Du thuộc KMT đại bại, chỉ giành được 39%,”ngựa ô” Tống Sở Du được 4%;
tại Viện lập pháp, DDP vẫn duy trì được thế quá bán 61/113 ghế, KMT được 48 ghế.
Trong buổi họp báo ăn mừng thắng lợi (hình dưới: bà Thái đứng
bìa phải, đứng cạnh bà là phó tổng thống đắc cử Lại Thanh Đức), bà Thái đã nhấn
mạnh đinh vị của mình là “Trung Hoa Dân quốc ĐL”, đồng thời đề ra phương châm quan hệ với Đại lục bằng 8
chữ “hòa bình, đối đẳng, dân chủ, đối thoại”. Bà Thái đã chìa ra cành ô liu,
nhưng Đai lục phản ứng lạnh nhạt.
Bản đồ đảo ĐL có thể tô một màu xanh, nhưng phải chia
thành xanh lam (phe thống nhất) và xanh lục (phe “Đài độc”, chủ trương ĐL độc lập
khỏi TQ). Cả 2 phe Lam, Lục đều được tô từ màu lạt đến đậm khác nhau.
Phe Lục thể hiện dưới nhiều hình thức, nhưng tư tưởng mấu chốt
của họ là: ĐL không phải là một tỉnh, không phải là đặc khu của TQ như Hong
Kong hay Macau, mà trên thực tế, ĐL đã là quốc gia độc lập, từ chối đường lối
"1 nước 2 chế độ" do TQ đề xướng.
Phe Lam cũng chỉ dừng ở mức độ duy trì hiện trạng, mật thiết
quan hệ giữa 2 bờ eo biển,”nhất Trung các biểu”(1 nước TQ nhưng mỗi bên diễn đạt
khác nhau). Tuy có chia nhỏ thành”Lam kinh tế”,”Lam trí thức” v.v…nhưng chưa thấy
“Lam” nào công khai ủng hộ "1 nước 2 chế độ".
Ngày 13/01, KMT, đảng do “Quốc phụ” Tôn Trung Sơn đích thân
sáng lập đã có bề dầy lịch sử hơn
trăm năm, tại sao tới nông nỗi này?
1.
Đảng Dân Tiến DDP vốn lớn lên từ hẻm nhỏ xóm
nghèo, am tường đấu tranh đường phố, nên trước thềm bầu cử, đã loại bỏ bất đồng,
siết chặt đội ngũ. Ngược lại, KMTchỉ sở trường đấu đá nội bộ, năm bè bảy mối, dẫn
đến tự làm suy yếu.
2.
Từ năm 2.000, trong những năm DDP cầm quyền, nhà
chức trách đã đưa nội dung “thoát Trung” vào sách giáo khoa, tạo nên một tầng lớp
thanh niên “lục đậm”, không nhìn nhận TQ là tổ quốc. Tôi từng gặp những thanh
niên đi biểu tình đeo trên mình khẩu hiệu “Tôi là người ĐL, không phải người
TQ, trong đó 2 chữ TQ viết lộn ngược, tỏ ý khinh miệt(!)(hình dưới). Đương
nhiên, những người dưới 38 tuổi này là “kho phiếu” của phe Lục.
3.
Lợi dụng vị thế đương quyền, bà Thái luôn luôn
thổi phồng nỗi khủng hoảng sợ bị Đại lục nuốt chửng, tuyên truyền KMT cầm quyền
ĐL sẽ “vong quốc”.
4.
Từ tháng 6/2019, xẩy ra biểu tình bạo lực ở Hong
Kong, bà Thái luôn nhắc nhở “H.K. ngày nay sẽ là ĐL ngày mai”, hù dọa cử tri.
5.
Mỹ ủng hộ nền dân chủ ĐL bằng cách bán vũ khí,
cam kết phòng thủ, không tiếc gây áp lực để duy trì không gian ngoại giao cho
ĐL, lập pháp luôn có lợi cho ĐL, các dân biểu, nghị sĩ cả 2 đảng Dân chủ, Cộng hòa
luôn hậu thuẫn cho ĐL.
6.
Ứng cử viên tổng thống KMT Hàn Quốc Du tuy có
tài hùng biện nhưng xuất thân bình dân, không có học vị cao ở các trường danh
tiếng Anh Mỹ; hơn nữa ông mới đắc cử thị trưởng TP Cao Hùng, chưa có nhiều kinh
nghiệm hành chánh, nên không được “Lam trí thức”,”Lam quý tộc” ủng hộ.
KMT trải qua nhiều cuộc chia rẽ,đã trở thành chỗ yếu trí mạng.
Những cuộc ly khai lớn KMT gồm có:
1. Năm
1992, những phần từ “lam đậm” chủ trương thân Đại lục do ông Mộ Uất Minh cầm đầu
tách khỏi KMT, thành lập Tân Đảng, nhưng không gây được tiếng vang qua các lần
bầu cử.
2. Lý
Đăng Huy đã làm 3 nhiệm kỳ tổng thống(1988-2000), ở cuối nhiệm kỳ , ông ngả về
phe Đài độc và trở thành “bố già Đài độc”, bà Thái Anh Văn chính là đệ tử đắc ý
của ông. Năm 2001, ông bị KMT khai trừ, sau đó ông thành lập Liên minh Độc lập
ĐL thuộc "phe Lục".
3. Năm
2010, do dã tâm cá nhân, cựu tỉnh trưởng ĐL Tống Sở Du ra riêng thành lập đảng
Thân Dân, lấy màu cam làm biểu tượng. Tống tuy được 4% phiếu bầu, nhưng đảng
Cam không được ghế nào trong quốc hội, trở thành đảng nhỏ và sẽ tiêu biến trong
vô hình, vì đảng Cam chỉ thành lập bởi 1 cá nhân mà Tống năm nay đã 78 tuổi!
4. Tháng
5/2019, trước thềm tổng tuyển cử, phe Lam bỗng dưng nhẩy ra 1 quái kiệt Quánh
Đài Minh, tỷ phú ngành điện tử. Từ lâu, Quách không sinh hoạt đảng, nhưng một tấc
lên trời, đòi thay mặt KMT ứng cử tổng thống.
Nể tình Quách từng tài trợ khi Ban chấp hành trung ương (BCHTW) KMT lâm vào thế
khốn quẫn về tài chánh, BCHTW KMT đã công nhận Quách là “đảng viên vinh dự”.
Khi tranh cử sơ bộ trước Đại hội BCHTW, Quách thua phiếu Hàn Quốc Du. Giấc mộng
phù dung chưa nở đã tàn, Quách tuyên bố ra khỏi KMT và kéo theo phiếu bầu của
“Lam kinh tế”.
Trước viễn cảnh xẻ
đàn tan nghé, tập thể ban lãnh đạo KMT do chủ tịch Ngô Đôn Nghĩa dẫn đầu đã nộp
đơn “tổng từ chức”, mong sớm hoàn thành chuyển giao thế hệ. BCHTW KMT chưa họp,
nhưng hy vọng gửi gắm vào ông Tạ Long Giới. Tạ, 59 tuổi, tuy chỉ xếp thứ 15
trong BCHTW, nhưng là một mãnh tướng nam chinh bắc chiến, hiện đứng đầu đảng bộ
KMT ở Đài Nam. Liệu ông có vực nổi KMT đã mắc bệnh trầm kha?
Sau khi thất cừ, ông Hàn cò lơ thất thểu trở về nhiệm sở Cao
Hùng. Chắc ông hí hửng vì đi nước cờ cao: không từ chức thị trưởng như thông lệ;
nếu không, sẽ xôi hỏng bỏng không! Đâu có ngờ chờ đón ông không phải là hoa
tươi mà là đối mặt với đề án bãi miễn của Hội đồng địa phương vì bỏ bê công việc
suốt 3 tháng bận tranh cử. Đúng là đã khó lại bị chó cắn!
Cuộc bầu cử lần này còn phải kể đến thị trưởng Đài Bắc, B/S
Kha Văn Triết. Ông tuy được dân chúng ủng hộ, nhưng phút chót đã bỏ cuộc chạy
đua chiếc ghế tổng thống, chỉ thành lập đảng Dân Chúng tranh cử Viện lập pháp
và giành được 5 ghế, chiếm 11,2% số phiếu bầu, trở thành đảng lớn thứ 3 sau DDP
và KMT. Theo quy định của pháp luật ĐL, đảng nào giành được>3%, sẽ được nhà
nước trợ cấp 50NT(khỏang 37.000vnđ)/phiếu bầu, Kha sẽ được khoản kinh phí khá lớn.
Kha giữ đường lối trung dung, “phi lam phi lục”, là một thế lực chính trị “màu
trắng”, có lẽ ông tạo thanh thế nhắm tới nhiệm kỳ sau.
Chính đảng ĐL nhiều mầu sắc như vậy, chẳng lẽ không có “màu
đỏ”? Có đấy, mà có tới 5. ĐL có tới 251 chính đảng, trong đó có 5 đảng “mầu đỏ”,
đứng đầu là ĐCS ĐL, do 1 nông dân ở Đại Nam thành lập, có không tới 100 đảng
viên.
Sau khi mãn nhiệm 2 nhiệm kỳ, cựu tổng thống Mã Anh Cửu thuộc
KMT đã về hưu, nhưng từ chối nhận lương hưu. Ông nguyên là tiến sĩ luật Đại học
Cornell danh tiếng Mỹ, nhưng Hán học uyên thâm. Ông từng ra vế đối thách thức
tao nhân mặc khách như sau:
周亡鼎秦失鹿問鼎逐鹿不謀私利
Phiên âm:
Châu vong đỉnh, Tần thất lộc, vấn đỉnh trục lộc,
bất mưu tư lợi;
Dịch nghĩa: Nhà Châu
mất đỉnh, nhà Tần sổng hươu, hỏi đỉnh bắt hươu, không màng tư lợi;
Vế đối khó ở chỗ
dùng 2 điển tích”Sở vương vấn đỉnh”và”Tần thất kỳ lộc, thiên hạ cùng trục chi”,
“vấn đỉnh trục lộc” là câu thành ngữ chỉ tranh giành non sông,thể hiện hoài bão
cao cả của tác giả.
Tuy tài mọn, tôi đã mạnh dạn đối lại vế dưới
như sau:
子述詩屈賦騷題詩吟騷揚我國魂
Phiên âm:
Tử thuật Thi, Khuất phú Tao, đề thi ngâm tao, dương ngã quốc
hồn.
Dịch nghĩa: Khổng tử ghi lại kinh Thi, Khuất Nguyên làm Ly
Tao, đề thơ ngâm Ly Tao, dương cao hồn nước.
Rất mong có thể lọt vào mắt xanh cựu đại tổng thống, để hè
này tôi có cơ hội nhận phần thưởng do ông ban phát.
Lữ Khách