Trời đã vào xuân, cỏ cây đang rủ nhau thức dậy sau giấc ngủ
dài mùa đông, bày chim bắt đầu gọi nhau đi tìm mồi và hẹn hò yêu đương. Bụi hoa
xuyên tuyết Anemone trước cửa nhà tôi đã ra hoa từ tuần trước. Vạn vật đang hớn
hở chào đón nàng xuân. Thế nhưng năm nay người Canada không thấy ai hớn hở cả
vì đang bị nàng Cô Vít đe dọa tấn công. Ai cũng phải ẩn trong nhà. Mọi khi lúc
nắng vàng vừa hé dạng ở chân trời, đường phố đã đầy người. Nào giới công tư chức
hồ hởi đi làm, nào giới già cao niên vui vẻ rủ nhau đi bộ, nào giới trẻ tung
tăng tới trường. Nay bầu không khí này không thấy nữa. Mở báo mở đài toàn tin
Cô Vít bành trướng. Từ Vũ Hán cô đã sang Ý, sang Tây Ban Nha, sang Đức. Khi Cô
sang tới Đức chắc Cô hung hăng lắm đã khiến bộ trưởng Tài Chánh Đức là ông T.
Schaefer lo sợ tuyệt vọng nên ông đã tự tử. Rồi Cô sang tới Mỹ châu. Cả nước Mỹ
đang rung động. Cả nước Canada cũng nhốn nháo. Hai thành phố lớn của Canada là
Montreal và Toronto đã phải đóng cửa. Tới Canada một cái là Cô đánh phủ đầu, vợ
ông thủ tướng J.Trudeau lãnh qùa của Cô dầu tiên, quốc hội ngưng hoạt động 5 tuần,
các trường học đóng cửa tới tháng 5, Air Canada cho 16.500 nhân viên nghỉ việc...
Làng An Lạc của tôi phải ngưng các chương trình gặp nhau ăn nhậu và tán láo,
nhưng chỉ ngưng được 1 tháng, rồi vì nhớ nhau quá nên chúng tôi đã bí mật tiếp
tục tuyền thống tốt đẹp là họp làng, đã gặp lại nhau từ tuần qua. Đây là dịp để
mọi người xả hơi xả lòng. Chao ơi vui làm sao. Ông ODP kể ngay chuyện Tàu Cộng
gian dối. Chúng bảo số người dân Tàu chết trước sau chỉ vào khoảng mấy ngàn,
trong khi con số người phải hoả thiêu lên tới mấy chục ngàn. Con số hỏa thiêu
này mới là chính xác. Hiện TC còn đang cho làm thêm nhiều lò mới nữa, không chết
nhiều tại sao phải làm thêm? Ông ODP nói tiếp: Bọn CS cả Tàu cả Việt đều cả vậy,
bản chất của chúng là gian dối, không thể tin những điều chúng nói, trừ tin về
thời tiết. Bạn muốn tìm sự thực ư? Cứ nghĩ trái lại những điều chúng nói là biết
sự thực. Bạn cần chứng minh ư? Kià, TC bảo nạn nhân bệnh dịch hiện nay ở Tàu chỉ
có mấy ngàn, thế nhưng con số hỏa thiêu bệnh nhân tử vong lên tới bao nhiêu
ngàn. Kìa VC bảo không hề có tù nhân luơng tâm mà sao danh sách báo chí quốc tế
đưa ra thì biết bao nhiêu.
Ngoài ra, có điều này lạ là Bắc Kinh thủ đô của Tàu Cộng, có xa Vũ Hán bao
nhiêu mà không hề nghe nói có Cô Vít. Lại cả Nga của Putin, cả Triều Tiên của
Chú Ủn cũng không hề có Cô Vít tới thăm. Lạ qúa hỉ.
Vì dịch Cô Vít gốc bên Tàu nên hiện nay dân da trắng da đen nhìn dân da vàng với
cái nhìn không thiện cảm, anh da vàng nào cũng là dân Tàu khựa mang bệnh dịch hết.
Cụ Chánh tiên chỉ làng luôn luôn nhắc nhở mọi người ngoài việc rửa tay còn phải
lưu ý tới ổ vi trùng nằm ở đồng tiền giấy. Ai cũng đụng tay tới nó mà đâu có mấy
ai nghĩ rằng nó là tổ vi trùng. Rồi cụ kể: Lão vừa được một bạn già gửi cho
thông tin này qua cách cắt nghĩa cái tên COVID-19 rất hay như sau: C = Cắt bớt
chi tiêu, O = Ổn định cuộc sống, V = Vệ sinh sạch sẽ, I = Ít tụ tập ăn chơi, D=
Đầu tư sức khỏe, 19 = 1 điều nhịn 9 điều lành.
Nói đến đây xong, thấy dân làng vẫn căng thẳng về cơn dịch to lớn này, Cụ Chánh
kể thêm một chuyện cười: Bên Ấn Độ, nhuều người tin rằng con bò là một linh vật
nên họ không ăn thịt bò và còn tôn kính nó nữa, nên tháng Ba vừa qua một nhà hoạt
động chính trị thuộc đảng cầm quyền đã khuyến khích dân uống nước đái bò để chữa
bệnh Corona. Trên báo có đăng hình một buổi lễ uống nước đái bò tập thể ở New
Delhi (hình Yawar Nazir ).
Dân gian lại còn kể chuyện tiếu lâm về một anh con trai đang làm việc ở Vũ Hán
muốn về VN thăm gia đình thì bà mẹ can ngay. Rằng con đã ở Vũ Hán là đương
nhiên có hơi của bệnh, nay con mà về thì vợ con sẽ mắc bệnh ngay, rồi anh ruột
con cũng mắc, rồi chị bếp cũng mắc, rồi anh tài xế cũng mắc, và bà hang xóm
cũng mắc, rồi ba con cũng mắc, mà ba con mắc thì mẹ làm sao tránh khỏi, vậy con
đừng về.
Rồi còn đầy hứng, ông nói tiếp: Trên báo mạng kể chuyện, không biết bên Tàu hay
bên ta, rằng có anh con trai kia cãi nhau với vợ, rồi giận quá anh bỏ nhà ra đi
lang thang, được mấy bữa thì anh hết chỗ đi, anh muốn về nhà nhưng lại sợ mất mặt,
anh bèn vào bệnh viện khai rằng anh chẳng may vừa tiếp xúc với người từ Vũ Hán
về bây giờ anh thấy ho khan và đau ngực, thế là anh được đưa ngay vào khu cách
ly và được cung phụng đầy đủ. Trong khi sung sướng làm vậy thì xếp của anh từ sở
gọi đến trách rằng sao không thấy anh báo cáo về công việc được giao phó. Anh
thưa rằng vì đi làm công tác điều tra nên anh đã nhiễm dịch, hiện anh đang bị
cách ly trong bệnh viện. Xếp liền bỏ giọng trách móc mà chuyển sang giọng
thương hại ngay và bảo anh hãy cố sống theo luật phòng ngừa cách ly. Rồi ông xếp
còn mách cho vợ anh ta tin này. Vợ anh vội vã vào thăm và cũng bị cách ly luôn.
Rõ ràng Cô Vít đã cho hai vợ chồng anh những ngày hạnh phúc...
Nghe xong mấy chyện này, làng tôi ai cũng phá ra cười, và Chị
Ba Biên Hoà thích quá nên đã thốt lên một lời đặc sệt chất Nam Kỳ Lục Tỉnh: Ý
trời đất qủy thần thiên địa ơi !
Sau mấy tuần bị giam ở nhà và toàn thông tin cho nhau về sự bành trướng của dịch
Cô Vít qua mạng, nay mọi người đã chán đã ngấy, nên bây giờ dân làng tôi không
nói về Cô Vít nữa, ngán cô lắm rồi. Trước khi có dịch này thì dân làng tôi ưa
bàn chuyện Cụ Trump bên Mỹ, phe các nhà quân tử chúng tôi thì theo Đảng Cộng
Hòa bên Hoa Kỳ, phe các bà thì lửng lơ, vẫn còn chao đảo lập trường vì khối
truyền thông thiên tả bên đó. Bà Cụ B.95 hỏi chuúng tôi ai sẽ thắng cử vào
tháng Mười Một này, ông ODP nóí ngay: Cu Trump chứ còn ai nữa. Cụ hỏi tại sao
thì ông H.O. đã nhanh nhẩu trả lời: Cứ theo dư luận bên Mỹ thì chắc Ông Joe
Biden sẽ được chọn làm ứng viên của Đảng Dân Chủ. Ông H.O. cười hì hì rồi nói:
Nguyên cái tên đọc lên đã thấy ông thua rồi. Người Việt mình đọc tên ông là
‘Giô Bí Đen’, giô cuộc mà đã bí lối và đen tối rồi thì thắng sao nổi !
Cả làng cười xong thì Cụ Chánh tiên chỉ lưu ý mọi người rằng trong thời gian cả
thế giớ lo âu vì bệnh dịch, chúng ta sẽ không nói nhiều về Cô Vít và Ngài Bí
Đen nữa, chúng ta nên nói về những gì vui tươi giúp nhau hạnh phúc lúc này. Anh
John và Chị Ba Biên Hòa đâu, đốt lửa vui lên coi.
Thế là anh John vào cuộc. Anh kể chuyện Ca sĩ Thái Thanh đã nằm xuống và tang lễ
của người ca sĩ được yêu mến này đã diễn ra âm thầm bên Cali cuối tháng 3 vừa
qua. âm thầm chỉ có mấy chục người trong gia đình tham dự vì dịch Cô Vít ngăm cấm.
Đáng lẽ tang lễ này to lắm, sẽ có ít là hàng ngàn người tham dự. Điều đặc biệt
là hai cô con gái của Thái Thanh, thay vì mặc tang lễ màu đen màu trắng thì hai
cô đã vâng lời mẹ dặn là mặc áo màu hồng, cái màu mà mẹ thích. Thay vì khóc lóc
thì đã hát bài mẹ yêu. Suốt tang lễ đều vang vang bài nhạc ‘Tôi yêu tiếng nước
tôi’. Giống y như tang lễ của nhạc sĩ Phạm Duy năm xưa, mọi người đã hát vang
bài ‘Việt Nam Việt Nam’ trong suốt buổi tiễn đưa.
Chị Ba Biên Hòa vừa nhìn chồng vừa nhìn cả làng rồi nói: Ông xã tôi là người mê
Thái Thanh và mê Phạm Duy hết sức. Anh vừa nhắc tới Phạm Duy, xin anh nói về đề
tài Tình Yêu của Phạm Duy cho cả làng nghe coi. Được vợ mở lời, anh John thao
thao ngay: Theo tôi thì con người Phạm Duy là con người rất thật về tình yêu.
Phạm Duy đã so sánh mình với Trịnh Công Sơn: Tình yêu nơi Trịnh Công Sơn chỉ
hương hoa lãng mạn, trên mây trên gió, không thực. Còn tôi í à, yêu là xáp lá
cà tới bến ngay. Những bài ca mang dấu vết tới bến: Chiều tà, Nghìn trùng xa
cách, Yêu em vào cõi chết, Mùa thu chết, Đừng bỏ em một mình...Mối tình mãnh liệt
tới bến nhất là mối tình với Khánh Ngọc vợ của Phạm Đình Chương. Viết về những
mối tình này tôi không thể không nhắc tới con người đáng phục của Thái Hằng vợ
của Phạm Duy. Cả đời của bà là chiều chồng chiều con, cả đời im lặng. Bà là một
phụ nữ gưong mẫu, yêu chồng chịu đựng chồng. Báo chí không hề có bài nào khai
thác về bà. Năm 1949, miền Bắc chia làm nhiều khu. Khu Tư ở miền Trung do tướng
Nguyễn Sơn lãnh đạo. Gia đình bà Thái Hằng từ Hà Nội di cư vào đây, và ban
Thăng Long cũng thành lập ở đây, rồi có thêm Phạm Duy và Khánh Ngọc. Năm 1952
ban Thăng Long dinh tê về thành nhưng không về Hà Nội mà vô Nam. Tại Saigon ban
Thăng Long nổi tiếng ầm ầm. Đầu năm 1954 họ ra Hà Nội trình diễn có Trần Văn Trạch
góp sức. Ban mang tên Gió Nam. Một cơn bão ái mộ nổi lên đùng đùng. Trước đó,
ngoài Bắc chưa hề có đại nhạc hội to lớn và hay như thế bao giờ. Rồi di cư
1954. Tại Miền Nam, thập niên 1950 là thập niên rực rỡ nhất của ban Thăng Long.
Những ca khúc Tiếng Dân Chài, Hội Trùng Dương, Ly Rượu Mừng ra đời trong thời
gian này, và Phạm Duy là ngôi sao lớn.
Cuối đời Phạm Duy từ Hoa Kỳ về sống ở Việt Nam. Nhiều người bảo Phạm Duy theo
CS. Tôi không nghĩ thế. Trong các tác phẩm của Phạm Duy ta không hề thấy Phạm
Duy ca ngợi CS bao giờ. Sở dĩ CSVN cho Phạm Duy về là có ý tuyên truyền rằng VN
có tự do. Riêng Phạm Duy nói rõ lý do ông về là vì ông nhớ quê hương vô cùng. Một
trong những lý do cuối cùng là lời mời rất tha thiết của Lưu Trọng Văn con của
thi sĩ Lưu Trọng Lư bạn thân của Phạm Duy. Ông Văn giục giã Phạm Duy đừng chờ nữa,
hãy về đi, vì làm gì có 100 năm mà đợi, làm gì có kiếp sau mà chờ. Câu nổi tiếng
này có trong một bài nhạc của Phạm Duy.
Nghe John anh rể da trắng mà nói về Phạm Duy hay như vậy, ông ODP cũng xin thêm
ý: Phạm Duy là cây đại thụ trong làng âm nhạc VN với hơn 1 ngàn bài ca. Ông viết
nhạc là vì ‘khóc cười theo mệnh nước nổi trôi’. Lòng yêu quê hương rõ nét nhất
là bài ‘ Việt Nam, Việt Nam’. Hy vọng mai này khi nước ta hết nạn cộng sản thì
sẽ có quốc kỳ mới và quốc ca mới, tôi mong bài này sẽ thành bài quốc ca.
Phạm Duy về nước năm 2005, lá rụng về cội, cá lội về nguồn...Và
Phạm Duy đã về thế giới bên kia năm 2013, đã gặp lại Văn Cao, Trần Văn Khê, Trịnh
Công Sơn. Cầu xin các thiên tài âm nhạc từ Cõi Trên phù hộ cho các lớp đàn em
còn trên cõi dương gian này theo kịp các ngài...
Bà cụ B.95 lên tiếng xin chuyện vui. Cụ nhìn anh John rồi bảo: Anh John đâu,
anh kể chuyện vui đi nhưng đừng kể về Dịch Cô Vít nữa, xin mở cái kho cười về
tiếng Việt của Anh ra.
Anh John kể ngay: Cháu vẫn có cái thắc mắc này trong tiếng Việt là danh từ Mặt
Trăng không biết thuộc giống đực hay giống cái, vì cháu thấy người Việt nói:
ông trăng bà nguyệt, ông giẳng ông giăng ông giằng búi tóc... trong thi văn và
âm nhạc thì mặt trăng luôn là phái đẹp, nàng trăng, tiên nga... Tiếng Pháp xếp
mặt trăng vào giống cái, còn tiếng Đức thì mặt trăng lại là giống đực. Hà hà,
Vui quá.
Ngoài ra, tiếng Việt gọi tên quốc gia rất đặc biệt. Người Việt gọi tên quốc gia
là NƯỚC như Nước Việt Nam, Nước Anh, Nước Phần Lan, Nước Ái Nhĩ Lan, Nước Hoa Kỳ...
Trong tiếng nhà thờ có chữ Nước Chúa, nước Thiên Chúa, Nước Thiên Đàng. Ôi chữ
nước này hay tuyệt vời và ý nghĩa làm sao ! Còn trong các tiếng khác thì họ gọi
quốc gia là ĐẤT, như England, Finland, Ireland, Scotland, Angleterre, Terre
Adélie... một bên thì Nước một bên thì Đất, tại sao vậy?
Ông ODP trả lời ngay: Về ngôn ngữ thì đừng bao giờ hỏi tại sao.
À, mà thôi, tôi không nói chuyện chữ nghĩa nữa, tôi xin trình các cụ về bữa ăn
hỏa tốc ở nhà anh John. Vợ anh là Chị Ba Biên Hòa, gốc miền Nam nên bữa nay Chị
đãi làng món Hủ Tiếu Saigon, ngon quên chết. Chị được phe các bà tới giúp. Cô
Cao Xuân gốc Huế là phụ tá đắc lực nhất của Chị Ba kể cho tôi nghe cách Chị Ba
nấu món hủ tiếu này như sau:: bánh bột lọc làm bằng gạo Nàng Hương, trụng với
nước thật sôi nước lèo nấu bằng xương heo, tôm khô, mực khô, cải bắc thảo, thêm
vào mấy tóp mỡ, thịt heo ba chỉ nấu theo nồi nước lèo, rồi tô bánh thêm vài cọng
lá sà lách xanh non, mấy cọng hành luộc, một nhúm giá, vài lát ớt sừng trâu xắt
mỏng, rồi rắc một chút tiêu, ăn với xì dầu và dấm đỏ.
Món này phải nhậu thật nóng, vừa thổi vừa ăn vừa húp. Cả làng tôi đã nhậu rất
tha thiết và đắm say. Chỉ loáng một cái là bàn ăn đã trống trơn. Thê mới biết
các cụ ta nói đúng: Bữa ăn ngon phải có 3 yếu tố: thức ăn ngon, người ăn ngon,
và chỗ ăn ngon. Tôi còn muốn thêm yếu tố thứ 4 nữa: Câu chuyện kể cũng phải
ngon nữa. Làng tôi có dư những thứ này.
Cụ Chánh tiên chỉ làng được mời đọc kinh cám ơn cuối bữa ăn. Cụ đã làm nhiệm vụ
này hoàn hảo, và cụ còn giảng thêm: Mấy tuần qua trên mạng lão có đọc lời phát
biểu về dịch Corona. Có người bảo đây là lời của Bill Gates, người khác bảo
không, nhưng tác giả không quan trọng bằng những thông điệp chính, như:
Tất cả chúng ta đều bình đẳng bất kể tôn giáo, văn hóa hay nghề nghiệp, và tài
chính của chúng ta ra sao, vì bệnh dịch đến với bất kỳ ai
Sự ngắn ngủi của cuộc sống
Cái gì ảnh hưởng tới 1 người thì cũng ảnh hưởng tới nhiều người
công việc thật sự của chúng ta là chăm sóc lẫn nhau...
Những lời này làm lão nhớ tới lời của vua hài kịch Charlie Chaplin. Về cuối đời,
khi đã 88 tuổi, Vua Chaplin trở thành triết nhân, ông đã nói thế này:
Không có gì vĩnh cửu trong thế gian, kể cả những phiền muộn của chúng ta
Ngày mất mát lớn nhất là ngày chúng ta không cười
Trên thế gian này có 6 bác sĩ giỏi nhất: mặt trời, sự nghỉ ngơi, luyện tập, ăn
kiêng, lòng tự trọng, và bạn bè.
Nếu bạn nhìn thấy mặt trời, bạn nhìn thấy sức mạnh của Thượng Đế
Cuộc đời là một chuyến du hành, vậy hãy sống trọn vẹn ngày hôm nay vì ngày mai
có thể không đến...
Như đã thành thông lệ, lời cuối bữa ăn bao giờ cũng là lời của Cụ Chánh, lời cụ
được coi là lời kinh, nên cả làng nghe xong thì tự động ai cũng đứng lên, chắp
tay và thưa Amen.
Xin Ơn Trên phù hộ tất cả chúng ta qua cơn Dịch nguy hiểm này.
Trà Lũ