Dằn ly xuống chiếu cái kịch, Morgan khè ra một hơi dài sảng khoái xong ông
nhướng cặp mắt kéo mây nhìn tôi mà như nhìn đâu đâu, miệng lầm bầm:
– Hồi còn trẻ, hắn nổi tiếng ở dơ thầy chạy.
Từ hồi nào tới giờ Tây lai Morgan vẫn vậy. Đang ngon trớn kể chuyện này bất
thần ổng bẻ cái rẹt qua chuyện nọ như chơi, mới đầu tôi còn ú ớ riết rồi quen.
Ông Morgan hơn tôi chẵn chòi hai mươi tuổi đời, ổng coi tôi là bạn vong niên.
Từ ngày Sở Lục-Lộ Sài Gòn bổ sung nhân công về Hòn Đất mở thêm đường xá, cầu
cống tôi mới quen biết ông Morgan.
Quen biết ông cũng là một tình cờ. Số là một hôm ngồi chung mâm đám cưới,
Morgan để ý khoái cái “tư cách” uống rượu của tôi mà sau này ổng nói tôi mới
biết. Không hiểu gia chủ, bạn già của ông Morgan sắp xếp kiểu gì mà để ổng lọt
vào mâm tụi này, toàn đực rựa trẻ trung. Tưởng ông Tây già lẻ loi, ai dè ổng dễ
thương hết biết, “dzô” hết ly này tới ly khác làm mấy cu cậu cùng mâm rụt đầu
rụt cổ, chạy tét. Rốt cuộc còn lại mình ên tôi là còn cầm cự với ông Tây lai
chịu chơi này. Rượu Gò Đen, Long An nức tiếng xưa nay chớ vừa gì. Không biết
gia chủ còm-măng (commande) cách nào mà cả chục hũ rượu bự chảng chánh hiệu Gò
Đen “lăn”về tới Hòn Đất ngon ơ.
Morgan là dân Tây, uống rượu như hũ chìm, nhưng thấy tôi càng uống càng trầm
tĩnh ông kết liền một khi. Xưa giờ xóm Hòn Đất ai cũng nể lượng tửu của ông Tây
già. Bợm nhậu có máu mặt ngoài chợ Rạch Giá cũng chạy mặt. Riết rồi không có
đối thủ ông chê thanh niên đời nay uống rượu dở ẹc. Nghe ông Morgan càm ràm
hoài bà con phì cười mới nói trại ra Morgan là Một Răng, vừa dễ gọi vừa đỡ phải
nói… tiếng Tây.
Morgan là dân Tây lai, cha Tây mẹ Việt. Tuy mắt xanh, mũi lõ, nhưng ông hoàn
toàn mù tịt về gốc tích của mình, nghĩa là ông thuộc dòng con hoang. Ngay từ
lúc sơ sinh, đứa bé bất hạnh đã bị bỏ rơi trước cửa Dòng Đức Bà Đà Lạt, trên
túi ngủ của đứa bé có ghim một mảnh giấy ghi nguệch ngoạc ba chữ “Morgan, Hòn
Đất”. Mẹ Bề Trên thương tình giao Morgan cho Sứ vụ nuôi dưỡng, giáo dục. Khi
Morgan nên người, chuẩn bị bước vào đời, Mẹ Bề Trên căn cứ theo mảnh giấy năm
xưa cho Morgan biết thân thế của ông và cho biết quê mẹ ông ở Hòn Đất thuộc
huyện An Biên, Rạch Giá, còn cha ông là ai thì Dòng Đức Bà không ai biết.
Để giúp Morgan vững bước vào đời, Mẹ Bề Trên xin được cho Morgan một chân
thông ngôn kiêm phụ tá thơ ký cho ông J. Delors, chủ nhà thầu rau cải (legume),
hàng tuần vẫn cung cấp thực phẩm tươi cho Dòng Đức Bà Lâm Viên. Xuất thân từ
trường dòng, tánh tình Morgan thật thà, tháo vác, thích ứng với mọi hoàn cảnh,
nhất là thông thạo cả hai ngôn ngữ Pháp Việt nên rất được việc.
Tuy nhiên, an cư lạc nghiệp chưa được bao lâu, chiến tranh Đông Dương chấm
dứt, hiệp định Genève được ký kết dẫn đến việc Tây rút quân về nước, chấm dứt
chế độ thực dân tại Đông Dương. Thay vì lo lắng trước tương lai mù mịt, Morgan
lại tiếu ngạo nghĩ Việt Nam chia đôi đất nước na ná như hai dòng máu róc rách
chảy ngược xuôi trong người ông. Từ biệt Mẹ Bề Trên, Morgan về Sài Gòn thử thời
vận, nhưng sống chật vật một thời gian, ông quyết định về quê mẹ ở Hòn Đất tìm
kế sinh nhai.
Thập niên 1954, Hòn Đất cách thị xã Rạch Giá chừng 25km, vẫn còn hoang sơ,
dân cư thưa thớt, chỉ có vài ba chục nóc nhà, toàn là nhà tranh vách đất. Người
Hòn Đất vốn hiền lành, quê quít nhưng một hôm tự nhiên thấy một ông Tây khổng
lồ trời ơi đất hỡi ở đâu khơi khơi giạt về hỏi ai mà không dị nghị. Cả xóm lao
xao như hát bội đua nhau… ca-ra-bộ (kiểu nói chuyện bằng điệu bộ) thì ông Tây
bụi đời xổ luôn một tràng tiếng Việt như lặt rau khiến ai nấy đực mặt ra, nín
khe. Lúc Morgan chìa mảnh giấy nhăn quéo, ghi ba chữ đã mờ “Morgan, Hòn Đất”
thì các bô lão mới ngã ngửa. Té ra hơn hai chục năm trước cô Xưa-mồ-côi lấy Tây
bị mang tiếng me Tây nên cô theo chồng bỏ xứ đi biệt dạng. Nay Morgan lộn hồn
trở về mới biết mẹ mình tên Xưa, Nguyễn Thị Xưa. Từ đó làng Hòn có thêm nhân
số, không mang tên Xoài, tên Ổi mà mang tên Morgan. Có điều, nhà quê làm gì
biết tiếng tây tiếng u, gọi tên Morgan thiếu điều muốn trẹo bản họng nên bà con
gọi trại ra là Một Răng cho dễ là vậy.
Người Rạch Giá chúng tôi, ngoài cái giọng hề hà, hệch hạc còn có tật nói
ngọng dễ thương hết biết. Cũng như người Bắc nói Lờ (L) thành Nờ (N) như Lửa
thành Nửa; thì người Hòn Đất nói Rờ (R) thành Gờ (G) như Rạch Giá nói ngọng
thành Gạch Giá. Rột rẹt thành Gột gẹt cho nên chẻ đôi chữ Morgan thành Mor =
Một, Gan = Răng, đâu có gì là khó hiểu. Ngay cả ông Morgan ban đầu còn bỡ ngỡ
với cái tên Một Răng, nhưng ở lâu riết rồi ổng cũng bị đồng hóa thành người Hòn
Đất nói ngọng hồi nào không hay.
oOo
Chờ Một Răng gật gù khè thêm một hơi đã đời nữa tôi mới dợm hỏi thì ổng
nhướng mắt nhìn tôi, ngập ngừng:
– Ơ, tui nói tới đâu rồi, thầy Hai?
– Dạ, tới “hắn… ở dơ”.
– À, phải rồi. Mà cái thằng thiệt tình. Hắn ở dơ có một không hai.
Tôi sốt ruột hòi:
– Ông nói hắn nào ở dơ? Mà hắn là ai vậy ông Một R…, à, ông Morgan?
– Thì thằng Tửng chớ còn ai trồng khoai Hòn Đất này.
– Dạ, hồi đó tui ở trên Sài Gòn…
– Ờ, hồi đó thầy Hai chưa dìa công tác nên hổng biết cớ sự xóm Hòn này là
phải. Hồi tôi dìa đây, xóm mình còn nhỏ xíu như cái lỗ mũi, dân cư thưa thớt,
ai rục rịch gì là biết tỏng. Giờ thì nhóc. Nè, dzô cái nữa đi, thầy Hai.
oOo
Tiếng trầm đục, khề khà của ông già Morgan từ trong quá khứ vọng về trong
tâm trí tôi:
“Nghe đâu ba bốn tháng hắn mới tắm một lần; thậm chí có nửa năm… quên tắm.
Hắn sợ mưa vì sợ tắm. Con gái con lứa trong làng ra đường lỡ đụng mặt hắn là
luýnh qua luýnh quýnh lè lẹ tránh xa, tuy không ai nói ra nhưng có ý chê thằng
chả hôi rình. Mỗi lần bị vậy hắn lại uốn mình, hóp bụng, chổng đít, gập đầu gập
cổ vận dụng tài năng của khứu giác hít hít hà hà cách mấy hắn cũng hổng thấy
mình hôi ở cái chỗ nào…
Ông già thành thật, giọng buồn buồn: Nó và tui rất tâm đầu ý hiệp trong
những trận rượu. Nhưng mà nó chết trận lâu rồi. Trận Bình Giã, ờ, à… cuối năm
1964. Hòn Đất mình nhỏ vậy mà cũng có anh hùng…”
oOo
Bây giờ lưu lạc nơi xứ người ngồi nhớ lại chuyện ông già Một Răng, tức ông
Tây Morgan ở Hòn Đất tôi tự hỏi nếu còn sống ngày nay ổng cũng ngót trăm tuổi
rồi. Nhưng mà dĩ nhiên, dù ổng chết mất đất từ khuya thì nhờ ly rượu chát này
mà tôi có cảm tưởng như ông bạn vong niên của tôi và tôi vẫn còn nhậu với nhau
dù xa cách nhau một trời một vực giữa thiên đàng và mặt đất.
Phan Ni Tấn