30 May 2020

HOÀNG LAN CHIỀU HOANG - Nguyễn Văn Thà


De la ira a la ternura: ”Từ sự giận dữ tới sự dịu dàng.”, Oswaldo Guayasamín, nước Ecuador
Tháng tư đi vào trong núi
Tìm con ngựa trận năm nào
Yên cương bây giờ mục nát
Hỏi chàng, chàng bặt âm hao

(TRẦN MỘNG TÚ, 
Ngày tháng ngậm ngùi, 1994)

Trong thành phố Sài Gòn, sau mấy năm bị đổi tên thành thành phố của người đã giết mình, nay đã bắt đầu thoang thoảng những câu hát như “Ngày rời Paris, anh đã để quên con tim.” từ hải ngoại bay về. Đương khi trong những xứ sở mà người Việt đã lại bắt đầu để quên con tim lại cho người mình thương một cách ỡm ờ dễ thương đến như vậy như những ngày Sài Gòn chưa bị bọn CS bóp họng, thì ở trong các trại tù dưới cái mỹ từ đểu cáng “trại cải tạo” có nhiều sĩ quan, viên chức của VNCH vẫn bị cộng đồng quốc tế hờ hững bỏ mặc, nhưng những bà mẹ, những bà vợ không quên con, chồng họ. Họ là lực lượng đáng kính nể nhất, đáng ghi vào sử sách nhất của xã hội miền Nam. Họ bương chải, họ ngược xuôi, họ nuôi con và chăm sóc bố mẹ già, và họ thăm nuôi. Cơ cực không thể tả xiết. Lan là một người vợ cũng như họ, nhưng nàng chỉ thăm nuôi chồng mình được mấy lần rồi đành dứt; nàng ray rứt khôn nguôi vì nàng không còn tiền để thăm chứ đừng nói chuyện nuôi.

Cũng vào những tháng ngày này tôi từ Hàm Tân chạy vào Sài Gòn trốn vượt biên và ở trọ trong nhà của đứa em gái họ của tôi, mà chồng là một tay anh chị lại quen biết nhiều với công an khu phố ở Khánh Hội, quận Tư, nơi mà các công an khu phố người địa phương lẫn gốc Bắc Kỳ biết ngậm miệng ăn tiền hoặc an phận thủ thường, không dại gì mà sinh sự một cách không cần thiết trong một khu chuyện đâm chém xảy ra hằng ngày.

Tôi được ở trọ trong một nơi có thể nói là hang ổ tương đối an toàn, tôi lại có đủ tiền, tiền của cha mẹ gởi cho tôi, để trả tiền trọ, tiền ăn. Tôi ăn kham khổ để còn dư chút đỉnh mua ít cuốn sách mình thích. Ngoài ra, tôi còn dành ra chút ít để học cho mình một nghề: nghề may trong một trường dạy may của một ông người Bắc luống tuổi, đeo kiếng gọng vàng, mặt thớt nhưng ăn nói văn vẻ, tự xưng và cả viết trên biển treo trước “trường”: tốt nghiệp trường cắt may Paris, với chữ Pháp kèm theo: L’École de la Chambre Syndicale de la Couture Parisienne, trên bảng đỏ chữ vàng như bao nhiêu tấm bảng hừng hực khí thế cách mạng CS lúc ấy mà tôi quá chán, quá ghét, nhưng hàng chữ Pháp ấy vẫn đủ mê hoặc để cho tôi ghi danh (hay còn gọi là đăng ký, một chữ mới xâm lăng miền Nam) học vì hàng chữ với màu vàng loe loét một cách đáng ghét ấy dẫu sao vẫn gợi lại cho tôi tất cả những ấn tượng tốt đẹp về văn hoá Pháp mà tôi biết qua sách giáo khoa, báo chí, điện ảnh: tháp Eiffel, sông Seine, Montmartre, những nàng Helène, những chàng Pierre, những nam thanh nữ tú trong trang phục đặc thù, sang trọng, thanh nhã Paris… Nhưng qua một tuần học trong một căn phòng chật hẹp, nhốn nháo, tôi mới thấy đây là một lớp hỗn hợp, chỉ chú tâm lấy tiền, và dạy cho có cho những người đã có biết may căn bản rồi, còn những người mới bắt đầu như tôi, ông thầy bỏ mặc. Tôi không phải là người đủ bản lãnh để chửi, để làm dữ với ông thầy Bắc kỳ ló mòi đểu thấy rõ. Ông thầy đeo kiếng vàng, mặt to bè, lẻo mép bất cần, những người phụ ông hướng dẫn học viên cũng bất cần. Lan là một trong những người phụ đạo đó, nhưng không bất cần. Khi thấy tôi lớ ngớ, chép miệng chán ngán, mồ hôi nhễ nhãi trong căn phòng nóng bức, bèn lợi dụng lúc tôi ra ngoài mua nước mía uống giải khát ở chợ chồm hổm trên hè đường, ngay trước lớp học may, nàng lén đi theo và kéo nhẹ ống tay áo tôi vào một góc rồi thì thào với tôi:

“Anh ơi, lớp này dạy không ra chi đâu và cái lão thầy chẳng có tốt nghiệp trường Paris gì ráo trọi. Ông ta không biết một chữ tiếng Pháp nào mà tốt nghiệp trường dạy may Paris sao được!” 

Tôi ngạc nhiên một cách thích thú:

”Vậy là chị biết tiếng Pháp?”

Nàng mỉm cười:

”Thì ít nhất cũng biết hơn ông ta, kẻ không biết lấy một chữ. Thôi, tôi phải vào ngay, kẻo lão ta lại nghi tôi trốn đi đâu.” Nàng nói nhanh và đi như chạy trở lại lớp may.

”Chán quá,” tôi than. Cái niềm vui được nói chuyện với một người nữ có học và phải nói là đẹp và chân thật biến mất, nhường chỗ cho một sự tức tối vì bị lừa một số tiền khá bộn mà chẳng thể đòi lại được. Tôi sinh ra và lớn lên trong một gia đình nghèo khổ, cha mẹ phải chắt chiu từng đồng để khi xưa nuôi tôi ăn học cũng như bây giờ khi tôi gặp hoạn nạn, nên khi bị lừa mất số tiền ấy, tôi rất xót ruột. Rồi tôi bỏ đi, không vào lớp may nữa.

Ban ngày chẳng có gì làm và chẳng thể đọc sách trong phòng trọ mái tôn, chật chội, nóng mướt mồ hôi, tôi lại đạp xe lòng dòng đến những khu còn có cây cỏ xanh còn sót lại, ít những tấm bảng, những biểu ngữ hừng hực lửa thù, lửa ngạo mạn đã ứ đầy trong thành phố. Khu phố gần lớp dạy may là một khu như thế. Có bữa tôi đạp xe qua thì thấy xa xa bóng một người đàn bà mặc áo bà ba lụa vàng đứng dưới bóng cây xanh, cỏ dưới chân nàng cũng xanh, hàng dậu sau lưng nàng cũng xanh. Đạp sát lại hơn nữa, thì thấy có một cuốn sách dựng cạnh chân nàng, dưới gốc cây. Tôi nhận ra đấy là Lan, người đàn bà phụ đạo tiệm may. Có lẽ nàng nhận ra tôi trước vì đằng xa đã thấy nàng cười. Tôi thắng xe lại:

”Chào chị.”

”A, lại là anh. Anh đang thất nghiệp lang thang?”

”Còn chị? Sao không phụ dạy may nữa?”

Nàng trả lời:

”Không phụ được nữa.” Rồi nửa nhẫn nhục, nửa cương quyết: ”Không cách chi phụ được nữa.”

Tôi chỉ xuống cuốn sách và hỏi, hỏi cho có hỏi: 

”Chị bán sách à?”

”Vâng.”

Cuốn sách có cái tựa đề Thép đã tôi thế đấy với cái tên tác giả tiếng Nga dài ngoằng tôi không thể nhớ nỗi, mãi mãi không thể nhớ, hay nói đúng hơn, không muốn nhớ những cái tên đã gián tiếp giết dân Việt, giết hơn ba triệu người, Trời ạ! 

”Chị chỉ bán cuốn này?”

”Không đâu anh, tôi còn cả xắc sách trong bụi đằng kia.” Và nàng đưa tay chỉ về một hàng dậu đan bằng cây bụi, khá xa nơi nàng đứng, nhưng vẫn nằm trong tầm theo dõi của nàng. Cườm tay trắng muốt liền với bàn tay ngà hiển linh dưới nắng trong trong trời trong làm tôi choáng, ngộp.

”Anh sao vậy?” Nàng hỏi.

Tôi lấy lại cái vẻ trượng phu, hỏi về cuốn sách mà bấy nay tôi rất thích, gần như bị nó ám ảnh, và tới nay vẫn chưa được đọc:

”Chị có cuốn Đường vào hiện sinh của Krishnamurti, Trúc Thiên dịch?”

”Thưa tôi có, nói đúng ra chồng tôi có, có cả bản tiếng Anh.”

Commentaries on living?

”Vâng.”

Tôi chợt cảm thấy mình giàu hẳn lên, túi bỗng đầy tiền.

”Thế thì ngày mai chị đưa sách đến đây nhé.”

Nàng nói có vẻ gấp gáp:

”Anh có thể có cuốn sách ngày hôm nay. Ai biết chuyện gì sẽ xảy ra cho ngày mai.”

”Là sao…?”

”Anh có thể chở tôi đến đó lấy ngay.”

”Ở nhà chị?”

”Vâng. Được không anh?”

”Được gì?”

”Chở tôi.”

Rồi nàng ngồi xốc lên sau yên xe cho tôi chở. 

Đạp một quãng, nàng hỏi:

”Anh đạp có thấy nặng không? Cũng gần đây thôi.”

Tôi nói ẩu, lời vọt ra từ cửa miệng trơn tru, tự nhiên như bất cứ người nam nào được sa vào cảnh tiên này:

”Nặng cũng hoá nhẹ. Xa cũng hoá gần.”

Tôi không nghe nàng nói gì trong một giây, rồi: ”Chồng tôi tuy là dân nhà binh, nhưng rất yêu sách.” và như có tiếng thở dài rất nhẹ mà rất nghẹn. 

Quãng đường xa hay gần trong thực tế, lúc này tôi không còn biết nữa, chỉ biết là một thoáng đã có tiếng nàng thốt sau lưng:

”Anh ngừng ngay cái nhà có cội hoàng lan lá xanh non đó.”

Những cuốn sách được nhét trong bao phân u rê bỏ nằm ngổn ngang bơ vơ trong một căn phòng nhàn nhạt ánh buồn bã và thoang thoảng mùi mốc; cái cửa sổ nhỏ để lọt những làn sáng nhỏ chẻ song song qua song cửa mà trong đó những con muỗi, những con mằn hăn bay bay trong vương quốc thầm lặng của chúng, và rọi lên tượng thánh giá treo rầu rĩ đầu chõng. Nàng nói nàng mới thồ sách từ nhà mẹ nàng về, khi tình hình đã có vẻ bớt căng thẳng về chuyện ”sách vở văn hoá đồi truỵ.””Cuốn ấy nằm trong bao cái bao đặc biệt này, bao tôi cột hai vòng bằng sợi dây xanh.” Nói rồi, nàng mở dây bao rồi đổ lên chiếc chõng kê sát. Trên chõng nằm lăn lóc những cuốn sách đã có màu nhọc nhằn. Toàn là những sách tôi thích. Tôi xem qua cuốn Commentaries on living trước, rồi tò mò giở vài trang đầu mấy cuốn khác. Trên trang đầu mỗi sách đều có viết tên Lê Chính Danh và in dấu son khắc bằng triện thư chữ : tâm hư. Còn có mấy cuốn thơ Đường Trần Trọng San soạn, có lời đề tặng sách kèm với chữ ký của Tâm Hư cho người yêu rồi vợ là Hoàng Lan, và nhất là cuốn Toàn Đường Thi mà theo lời đề tặng thì chồng Lan mua ở Đài Bắc, nhân chuyến du lịch của ông Danh được TT Nguyễn Văn Thiệu thưởng cho các quân nhân chiến đấu xuất sắc trong Mùa Hè Đỏ Lửa 1972, tặng cho ”cô đồ non” họ Hoàng. Một lúc sau thấy cứ tò mò mãi như thế là bất nhã, tôi quay lại để xin lỗi thì thấy Lan đã lẻn đi từ lúc nào không hay. Tôi cầm cuốn sách cuốn Commentaries on living ra phòng trước, thấy Lan đang ngồi một mình trên ghế. Lan đang cúi đầu, có vẻ nghĩ ngợi, nghe tiếng chân tôi bước ra, nàng ngẩng đầu lên mỉm cười tươi sáng như thể đã tìm ra câu giải đáp cho vấn đề nan giải, và tôi chưa kịp nói gì thì nàng đã lên tiếng:

”Thôi, anh cứ cầm về mà đọc. Không phải tiền nong gì cả.”

”Tôi không dám nhận. Xem ra chị đang cần tiền trong hoàn cảnh khó khăn hiện nay.”

”Khó thì khó đấy. Nhưng khi thấy anh cầm sách mà xem, tôi như thấy lại anh Danh đang nâng niu chúng trên tay. Tôi coi anh như anh Danh. Thôi, anh cứ lấy những cuốn sách mà đọc dần, cứ như tôi thay mặt anh Danh cho anh mượn.” 

Rồi nàng cười: ”Xin phép cho Lan hỏi: ’Anh không phải người ở đây?’”

”Thưa không. Tôi vào đây học cái nghề gì đó kiếm ăn, chứ làm nông mà lại làm nông hợp tác xã thì cực quá.”

”Bữa thấy anh học may, tay chân luýnh quýnh như thế thì học được cái gì! Mà anh ở ngoài Trung? Nghe tiếng của anh tôi đoán vậy.”

”Vâng, không hẳn ở Miền Trung, chính ra tôi gốc người Quảng Bình, nhưng ở Hàm Tân, Bình Tuy.”

”A, anh Danh có đóng ngoài đó một năm. Tôi có ra thăm và có tắm biển ở đó. Biển thật đẹp, bãi cát trắng tinh khôi hàng mấy chục cây số, lại còn phi lao xanh dài ngút mắt. Chúng tôi còn thuê người chèo thuyền thúng ra Hòn Bà. Người chèo thuyền thúng chèo dễ như chơi. Anh Danh tưởng bở, thử chèo, thuyền thúng cứ xoay lòng mòng, không nhích được một gang.” Nàng cười vui và nói giọng trong trẻo, đầy màu vui, như những ngày nắng ấm ấy, hạnh phúc ấy vẫn còn chờ nàng ngoài song cửa. Rồi như chợt nhớ ra điều gì, nàng nhíu mày, buông xuống giọng thầm: ”Mà anh này, ngoài ấy chắc dễ vượt biên lắm…”

Tôi giật mình, cái giật mình không xứng đáng với người nữ đang gặp khốn khó nhưng vẫn tin tưởng và muốn cho không tôi những cuốn sách quý giá; nghĩa cử ấy trôi vào lòng tôi như giòng nước ngọt từ một con suối hiền mới đây thôi mà giờ đã cạn vào cõi hoang sơ, huyền thoại. 

”Hồi trước thì dễ thật. Giờ thì không còn dễ nữa. Tôi đi mấy lần, không lọt, giờ tạm lánh vào đây.”

Tôi thấy ngồi lâu không tiện, tính ra về dù rất muốn rốn lại. Cuối cùng, tôi moi trong túi áo ra một số tiền kha khá, đưa cho Lan và nói:

”Xin cho tôi nói thật lòng: Đây không phải là tiền mua sách, mà là tiền tôi muốn muốn góp một phần để chị mua đồ mà thăm nuôi anh ấy. Nhờ những người như anh ấy mà tôi được yên tâm học hành trong những năm chiến tranh khốc liệt, và bây giờ các anh ấy phải sa vào vòng tù tội. Còn chuyện sách, thì thỉnh thoảng tôi đến mượn vài cuốn để đọc tạm, rồi trả lại cho anh ấy, chứ tôi đang ở trọ chui, nay đây mai đó, mất đi thì uổng.”

Lan ứa nước mắt, những giọt nước mắt đẹp lăn trên mặt đẹp.

Những tuần sau đó, tôi gặp Lan nhiều lần nữa, gặp để đổi sách và biếu thêm ít tiền. Càng ngày nàng càng thuận lòng đưa tay ra nhận tiền hơn. Chuôi tay ngọc, bàn tay ngà đã có màu xanh xao và gầy guộc dần. 

Bẵng đi một thời gian không còn thấy Lan đứng bán sách chỗ cũ và khi gặp lại, nàng cho biết với số tiền của tôi biếu góp nhặt lại, nàng đã đi thăm được chồng nàng đang ”cải tạo” ngoài Yên Bái. Nàng kể anh ấy bảo Lan không cần phải thăm anh ấy nữa, mà hãy dành chăm lo cho các con. Lúc đó tôi mới hỏi:

”Vậy anh chị có mấy đứa con.” 

”Hai anh ạ. Cháu gái lớn năm nay mười bảy tuổi, ở với tôi, đang học lớp mười một. Thằng em kém hai tuổi, đang ở với bà ngoại. Chúng nó đều học giỏi cả, nhất là cháu gái, mà chắc là chẳng đi tới đâu với cái ’chế độ tuyển sinh’ ’hồng hơn chuyên’ của họ.”

”Vâng, tôi hiểu.”

Rồi có một ngày, trước Tết, mẹ tôi vào thăm và tiếp tế gạo, tiền cho tôi ăn Tết và cho biết mấy đứa em tôi có rẫy dưa ven biển đang tổ chức chôn dầu vượt biên, móc được ghe giả cào ba lốc đầu xanh; khoảng ”Tháng Ba bà già đi biển” sẽ đi; mấy đứa em cần tôi đi vì thương tôi đã đành mà còn vì để thông dịch cho chúng khi tàu ngoại quốc họ vớt. Có lẽ nhờ cái đầu óc đã đọc vô số tiểu thuyết lồng đủ loại bẫy đời mà những nhân vật trong truyện đã tìm đủ cách, đủ kiểu thoát ra được, tôi bỗng nói trơn tru như đã sắp sẵn từ lâu:

”Mẹ à, mấy tháng trốn trong này con có quen một đứa con gái mười bảy tuổi. Con nhỏ xinh đẹp, hiền lành. Con muốn đưa cô ta đi luôn, rồi qua bên đó cưới.”

Nói xong tôi mới thấy mình nói ẩu, nói liều, và đang hơi hoảng thì bà mẹ của tôi đã cười tươi, đôi mắt nheo, đỏ, kèm nhèm vì lông quặm cũng cười theo:

”Trời đất. Mẹ mong con lập gia đình đã lâu, vậy thì tốt quá. Còn mấy tháng nữa mới đi, không việc gì phải qua bên đó mới cưới, cứ cưới ở đây rồi đưa đi vừa chắc ăn, vừa ba mẹ có dịp ăn cưới con trai trưởng, và con nhỏ đó phải chính thức là vợ con, thì mẹ nghĩ đứa em mới chịu cho nó đi… Mà không phải là nghĩ, mà là phải như vậy.”

Tôi chưng hững, vì chuyện tôi tự nhiên dựng lên lại dẫn tới những nẻo mới có khuôn có phép như vậy, nhưng cái miệng của tôi vẫn cứ phải phóng theo lao vì cái động lực cứu nhân độ thế trong tôi lúc này đang lấn át tất cả:

”Vâng, mẹ nói phải, mẹ cứ về ngoài đó đi, nói lại với các em dành thêm một chỗ cho vợ tương lai của con. Con sẽ hỏi lại chuyện cưới hỏi với người yêu của con và mẹ của nó…”

Khi không người con gái tôi chưa từng gặp một lần và chỉ được mẹ cô nàng nhắc qua như một danh mục, trở thành người yêu và sẽ là vợ tôi. Ôi, cái động lực thúc đẩy con người cứu nhân độ thế mạnh mẽ biết bao như Somerset Maugham từng nói: Cái đam mê lớn nhất của con người ấy là ham mê cứu nhân độ thế, có thế mới có những người một đời xả thân vì nước, phụng sự xã hội, khoa học, những chiến sĩ liều chết vì nước.

Mẹ tôi hỏi vặn:

”Ủa, con nói là con hỏi lại mẹ nó, vậy nó không có cha hả?”

”Dạ có, nhưng cha bị đi ’cải tạo’ rồi mẹ à.”

”Ừ, mẹ hiểu. Tội nghiệp. Mà con của mấy ông sĩ quan chắc biết lễ nghĩa, cương thường. Được đó con. Không gì bằng cương thường lễ nghĩa con à!”

”Dạ, con cũng nghĩ vậy,” tôi trả lời, và dung nhan Lan hiện ra trong đầu tôi, tôi bồi thêm: 

”Mà con nhỏ đẹp gái lắm mẹ à. Da trắng như bông bưởi, tóc đen như mun, môi hường…”, toàn những khái niệm về vẻ đẹp con gái mà những người dân quê như mẹ tôi hay dùng.

Mẹ tôi cười, vẫn nụ cười tươi từ cái miệng móm mém:

”Ừ, mấy ông lớn lấy vợ đẹp, thời con phải đẹp thôi, nhất là con gái. Vậy thì được lắm. Con vậy là tốt số. May mà con không lấy con Trang mà mẹ cứ nằng nặng đòi con lấy. Giờ nó bỏ ông chồng thầy giáo, cặp thằng dân ba đờ ghe ở dưới xóm cửa, vượt biên với nó mất tiêu rồi.”

Tôi lại giở cái giọng bà già trầu để mẹ tôi khỏi nói thêm chi cái chuyện nghĩ mà bắt mệt đó:

”Dạ, con người có cái số, mẹ à.”

”Con nói phải đó: Con người có số.”

Tôi lại gặp Lan nơi cội cây, chỗ ấy. Lan lúc này không còn bán sách mà bán thuốc tây nhập mà dạo đó Vietnam Diffusion, nhóm trí thức ở Pháp thân CS Hà Nội, nhận tiền thân nhân của ”bọn đĩ điếm chạy theo đế quốc ăn bơ thừa, sữa cặn” mua thuốc tây bên Pháp, gởi từng thùng nhỏ về cho thân nhân của họ trong nước, vì lúc ấy trong nước dân cũng như cán bộ CS cần sống chết thuốc tây thiệt, thay vì cho phép Việt kiều gởi ngoại tệ về vì một chính phủ CS thủa ấy còn chưa sạch sình lầy, tăm tối và dã man đã ghen tức, không muốn thân nhân với những tệ tính kể trên mà họ gán gởi ngoại tệ về cho bọn thân nhân trong nước ngồi mát mà ăn bát vàng, tuy rằng bát vàng ấy là của thân nhân ở nước ngoài đổ mồ hôi sôi nước mắt mới có được chứ không phải của CS. 

Tôi nói với Lan cái ý tôi muốn đưa con gái của Lan đi vượt biên với tôi. Nàng vui hẳn lên, nhưng không hân hoan quá mức như những người khác khi được nghe về cơ hội may mắn cỡ này trong một Đất Nước mà cột đèn nó cũng muốn đi (vượt biên), nàng nói:

”Khi biết anh người ở ngoài ấy, tôi cũng nãy ra cái ý là xin anh: nếu có cơ hội đi được, thì anh cứu con bé, thì tôi rất đội ơn anh. Nhưng anh biết đấy, gia đình tôi chỉ có sách, chứ không có tiền có vàng, mà tôi lại nói cái ý ấy ra với anh thì tôi sợ anh khinh.”

Rồi khi tôi nói cái ý của mẹ tôi muốn tôi cưới hỏi con bé đàng hoàng trước khi đi vượt biên, Lan tái mặt, ấp úng gần như cà lăm:

”Chuyện mẹ anh buộc anh muốn cưới con gái tôi, thì mới cho nó đi, nó nhỏ tuổi, tôi không biết nó có chịu không. Tôi phải hỏi ý nó.” 

Tôi nhìn chăm vào Lan và nói:

”Dĩ nhiên rồi, nhưng trước khi chị nói với con chị, chị để cho nó gặp tôi cái đã.”

Lan cúi đầu ra chiều cam phận:

”Vâng, anh nghĩ thế cũng phải.”

Tôi gặp Huệ, con gái của Lan, hôm sau, trong khu vườn có cây hoàng lan vừa có những nụ hoa vừa hé mở, và hương toả ra còn rất thoảng. Huệ có cái nhan sắc, vóc dáng của Lan. Có thể nói là cả hai đều từ một khuôn đúc mỹ lệ của Tạo Hoá, nhưng trên nhan sắc không có cái tươi vui, phơi phới đáng có vì những phẩm tính này đã bị cuộc đời quá tàn nhẫn cướp mất đi, nhưng, như một nụ hoa đang ngã màu ủ ê vì gió độc nắng gắt, nụ hoa ấy xem ra chỉ cần một làn mưa nhẹ cũng đủ làm cho tươi tắn lại. Tôi nhìn Huệ rồi nhìn mẹ của Huệ, nhìn qua nhìn lại, nhìn lại nhìn qua. Tôi, trong một thoáng, nhớ tới bức tranh chợ bán những nữ nô lệ xinh đẹp Ả rập da trắng ở Ba Tư mà tôi có lần ngắm trong cuốn đại từ điển La Rousse. Những người đàn bà đẹp đẽ nhan sắc, rắn lượn thân hình. Tôi xua ngay cái hình ảnh man rợ mà gây nuốt nước bọt đó. Tôi quay qua Lan nói: 

”Hay là chị cho phép tôi đưa em Huệ đi ra ngoài quán cà phê vườn gần đây nói chuyện chúng ta bàn lúc nãy trước khi chị nói với Huệ. Như thế thì tiện hơn.”

Lan lại có vẻ cam chịu như vẻ mặt của một ả nô lệ nhỉnh tuổi hơn các ả khác trong bức tranh kể trên khi đứng trước sự đổi ý của tôi:

”Vâng, như thế cũng được.”

Huệ mím môi hỏi mẹ:

”Chuyện gì vậy mẹ?”

”Chú là người quen của ba. Chú ấy muốn giúp con. Chú muốn nói chuyện riêng với con trước khi quyết định giúp.”

”Vâng.”

Huệ xin phép đi vào nhà sửa soạn một chút. Khi trở ra, thấy Huệ bận quần áo tươm tất: áo sơ mi trắng, quần jeans xanh bạc, tóc mây buông lơi và môi có một chút son, son thiệt vì cái màu son bóng lưỡng và trải mượt trên môi, những thứ còn sót lại từ một thời hoa lệ thành đô, đủ để cho ”Ngày rời Paris, anh đã để quên con tim.”, nếu Huệ đang ở Paris chứ không phải ở trong thành phố khốn khó này. 

Tôi đi trước, Huệ đi sau, chúng tôi im lặng không nói gì.

Khi đã ngồi vào bàn, tôi mới bắt đầu nói với Huệ, nói lại nội dung của cuộc nói chuyện lẫn bàn bạc giữa mẹ tôi với tôi và giữa mẹ của Huệ với tôi. Và cuối cùng tôi nói và hỏi một câu gút từ miệng đấng cứu nhân độ thế lẫn mồm con dê xồm trong tôi:

”Kết hôn giả để qua mặt mấy đứa em để chúng nó cho Huệ đi cũng được mà kết hôn thiệt thì anh càng mừng. Ý Huệ thế nào? Mà Huệ cũng chẳng cần phải trả lời ngay. Tuần sau cũng được.”

Mặt Huệ như bừng sáng lên, tuy có một chút bẽn lẽn, nói liền một hơi:

”Dạ, cưới thiệt và cưới ngay cũng được. Huệ được mẹ cho biết là anh đã mượn mà như mua tủ sách của ba mẹ em. Toàn sách tốt, sách hay. Bạn hãy nói cho tôi bạn đọc sách gì, tôi sẽ nói bạn là loại người nào, em có đọc đâu đó trong một tạp chí. Và anh cũng cao ráo, đẹp trai, mới nhìn, em nói thật: em đã có cảm tình rồi, thì có gì đâu mà phải ngần ngại; và chúng mình cũng đâu có nhiều thời giờ nữa đâu.”

Cái thằng tôi mừng quá sức vì quyết định của nàng Huệ làm thoả mãn cả đấng cứu chuộc lẫn cái gã dê húc trong tôi một cách không ngờ đến như vậy. 

Chúng tôi rời quán. Chúng tôi đi bên nhau, đi nhanh, đi sung sướng đi về nhà. Khi chúng tôi về đến nhà thì thấy Lan đang còn đứng chờ dưới bóng cây hoàng lan. Nàng Huệ đi ngay vào nhà trong không nói năng chi. Tôi đến bên Lan và nói ngay về quyết định của Huệ và kể lại nội dung cuộc nói chuyện với Huệ, Lan cười cười và lại nói lại câu nói cũ:

”Vâng, như thế cũng được.”

Có một lễ cưới như dự tính, trang trọng trong nhà thờ, trang trọng một tiệc cưới. Trang trọng chứ không sang trọng. Mọi người khen chúng tôi xứng đôi vừa lứa vì thực ra tôi chỉ hơn cô dâu tròm trèm 10 tuổi, mà theo tiêu chuẩn Việt Nam, như thế thì đâu đến nỗi nào, và tôi, thật tình mà nói, có vóc dáng cao ráo, đô con, cái mặt, nhìn vào gương, không bảnh cho lắm nhưng cũng coi được, lại có cái vẻ hiền dịu của một kẻ đọc sách nhiều, (một hiền nhân Tàu đã nói thế hẳn hoi), xin cho phép tôi nói như vậy.

Sau khi tan tiệc cưới, ba mẹ và anh em tôi về quê ngay vì không muốn bọn công an ở quê chúng nó nghi nhất là khi ngày vượt biên đã gần kề. Bên đằng gái đa số ở thành phố ”Bác” cũng đã ra về. Thằng em trai của Huệ, muốn ở lại, nhưng không được, phải về với bà ngoại.

Bấy giờ trong nhà chỉ có hai chúng tôi và mẹ Lan. 

Phòng động phòng với chiếc giường, chiếc chiếu, tấm chăn, đôi gối sạch sẽ, tươm tất trong một thời bát nháo, phủ đầy bụi đời đỏ, chờ đợi cô dâu chú rễ. Huệ đã nằm sẵn trong đó. Tôi bước vào phòng và thoáng thấy có ánh mắt Lan trông theo, và đôi môi mỉm cười như một lời cầu chúc hạnh phúc – tôi nghĩ vậy. Khi bước tới giường, tôi vén mùng thì thấy Huệ đang nằm quay mặt vào trong tường. Chàng hiệp sĩ cứu khốn phò nguy trong tôi bị dê sừng húc văng không còn manh giáp, tôi sà vào ôm nàng, nàng quay ngoắt mặt ra nói:

”Em xin lỗi anh. Em xin lỗi anh rất nhiều. Hôm nay, xui xẻo, em có kinh anh à. Chúng ta không yêu nhau được đâu. Anh thông cảm cho em.” Rồi nàng ngồi lên ôm tôi và hôn thật lâu. Tôi lịm người trong cái hôn tha thiết, ép sát vào thân thể mềm mà căng mà tròn lẳn như thân thể bức tượng cẩm thạch nữ thần Diane, phiên bản phương Nam, nhan sắc gái trinh tân hôn, hương thầm lan toả, tôi ngây ngất, tôi muốn điên, tôi nói cuồng, tôi van xin: ”Kệ mẹ kinh với kệ. Chơi có máu thì càng hấp dẫn. Em cho anh đi! Em cho anh đi! ” Nàng lắc đầu, đẩy tôi ra, đẩy một lúc không được thì ôm mặt khóc. Máu kinh nguyệt tôi không thua, nhưng nước mắt đàn bà, nhất là nước mắt đẹp của nàng Huệ đẹp thì tôi thua ngay. Tôi đi ra phòng ngoài thì thấy mẹ vợ tôi còn ngồi viết viết gì đó trên cuốn vở, viết mà ngọn bút cứ dí lên dí xuống, vạch ngang vạch dọc tờ giấy vốn đã nhàu nát. 

”Mẹ chưa ngủ hả mẹ?”

Lan nói nhỏ như tiếng thầm:

”Còn sớm mà, và Lan rất ít ngủ.”

”Huệ mệt, khó ở, nó muốn ngủ một mình.”

Lan ngước đầu lên ngay và nói:

”Cũng thường tình thôi. Hồi Lan với anh Danh, phải cả tuần sau mới ổn.”

”Vậy hả mẹ? Chắc con phải kiếm cái chiếu trải dưới hiên mà ngủ. Trời nóng như thế này!”

Lan cười nhẹ:

”Ừ, thôi để Lan lấy cái ghế bố nhà binh, căng mùng cho Nam ngủ ngoài hiên cho mát.”

Tôi không nói gì. Lan vào phòng trong bưng ra chiếc giường bố nhà binh, tôi đứng dậy giúp, Lan gạt ra. Lan trải giường, phủ lên giường một lớp ra trắng và căng chiếc mùng còn khá mới mà dày sợi cũng màu trắng. Dọn xong, Lan gọi vói vào, giọng diễu cợt thấy rõ:

”Mời chú rễ bất phùng thời ra nằm. Thôi chúc ngủ ngon. Biết đâu cô dâu đổi ý, ra với chàng. Huệ nó rất thích hương hoàng lan về đêm.”

Tôi cảm thấy được an ủi và chui vào mùng, nhưng lòng vẫn cứ ấm ức từng chặp. Nửa đêm, ngọn đèn đường yếu ớt nãy giờ như con mắt bệnh đổ ghèn, giờ tắt hẳn. Bóng tối, tối như mực và yên ắng, chỉ có tiếng muỗi bay thiệt hăng hái và mùi hoàng lan toả đầy mái hiên và chui luôn vào mùng vờn quanh thân thể tôi. Lại ấm ức, ấm ức tùm lum, nhưng rồi tôi cũng thấm mệt, và trời mát dần xoa dịu cơn nóng trời đất và xoa luôn cơn nóng trong lòng tôi, tôi nằm thiu thiu. 

Khoảng hai giờ sáng, có tiếng gà gáy đầu canh (chắc là gà nuôi ’cải thiện’ của ai đó). Tôi nghe có tiếng mở cửa rất khẽ và tiếng chân cũng bước rất khẽ bước về phía giường tôi và rồi có bóng người nữ vén mùng, chui nhanh vào chiếc giường bố nhà binh nhỏ bé, và nằm vồ ngay trên người tôi, tôi đang ú ớ, thì đôi bàn tay người nữ đã bịt miệng tôi và ”suỵt, suỵt”, và hôn tới tấp lên môi tôi, bịt chặt miệng tôi. Mùi son, mùi nước hoa này tôi vừa ngửi từ Huệ trước khi bị đày ra đây. Tôi không nhìn được mặt, được hình, nhưng có hề gì, cô vợ nhỏ bé bày đặt làm cao làm điệu đây mà! – Tôi reo trong lòng. Tôi sướng quá thể. Tôi vật Huệ nằm dưới, tôi cố trườn lên thân nàng trên chiếc giường hẹp. Tôi sướng quá chừng chừng mà nàng cũng vậy. Sung sướng bên nàng, sung sướng bên tôi xướng hoạ ăn khớp, nhịp nhàng, dù rất dữ dội. Chiếc giường nhà binh chân giường bằng nhôm chắc chắn, bằng vải bố nhà binh được thiết kế cho lính Mỹ, có sức chịu đựng trên hai trăm ký, dư sức chịu được mọi chấn động từ hai thân thể chúng tôi. Máu vọt và dầm dề trong âm hộ nàng. Máu ấm và tanh tanh mùi thú hoang. Tôi đã hết sức, đã một cách dã man. Uống khi biết đang có sẵn trong bình đông thì không thể sướng bằng giòng nước uống được sau khi tuyệt vọng vì khát trong sa mạc. ”Em chơi ác quá.” ”Suỵt, suỵt.” Ngọn triều sướng lên tuyệt đỉnh rồi cũng chuồi xuống. Người vợ thanh xuân của tôi cũng chuồi ra khỏi giường. ”Em nán lại với em chút nữa đi.” ”Suỵt! Suỵt!” Rồi nàng biến mất sau cánh cửa. Tôi còn thèm thuồng nhưng cũng có đủ sung sướng để chìm vào giấc ngủ sung sướng. 

Sáng thức dậy, tôi vào ngay phòng với Huệ. Nàng đang còn ngồi sơn móng tay trên giường. Tôi tính ghẹo nàng một câu chuyện đêm qua, nhưng tôi sững người, sởn da gà khi thấy những móng tay nàng cắt ngắn, ngắn sát da đầu ngón tay, trong khi bàn tay cấu vào vai tôi đêm qua có móng tay dài, cấu đau buốt lưng tôi. Móng tay của Lan, chứ không thể của ai khác, lúc này tôi mới nhớ ra. Tôi vốn đãng trí, lúc đó sướng quá lại càng không nhớ được. Người thường cũng vậy, huống gì tôi. Nhưng tôi vẫn hỏi Huệ cho chắc ăn:

”Em mới cắt móng tay rồi mới tô?”

Huệ vẫn không nhìn tôi:

”Lâu nay em vẫn thích để móng tay ngắn cho sạch sẽ và trẻ trung.”

Rồi tôi kiếm cớ đi ra khỏi phòng, tìm chỗ kín vặt bộ phận tôi ra xem, và không thấy một vệt máu lem nào.

Khi tôi trở lại phòng, thấy Huệ cúi đầu và vẫn không nhìn tôi, Huệ nói:

”Mẹ đi mua thuốc tây ở trạm phát của Vietnam Diffusion rồi. Mẹ bảo là anh với em ăn cơm tiệm hôm nay một bữa cho sang. Mẹ nay có nhiều mối bán, lẫn mối mua, nên rất bận.”

Khi Huệ ngước lên, thấy mặt Huệ có vẻ tái và môi cứ mím. Tôi hơi lo, hỏi cho có hỏi:

”Em còn mệt không?”

”Còn, vụ này cả tuần mới hết, có khi lâu hơn.”

Tới tối mới thấy Lan về. Tôi lựa lúc Huệ đi đâu đó, kéo Lan vào một góc khuất trong nhà nói: 

”Tối qua Lan ra với anh! Liều vậy!”

Lan ngượng chín người, đứng im cúi đầu, cười mím.

Tôi thì thào sát tai mẹ vợ:

”Trời đất, hai mẹ con giống nhau như đúc. Tắt đèn nhà ngói cũng như nhà tranh, huống chi cả hai đều là nhà ngói!” Rồi chỉ vào tay nàng: ”Những móng tay dài này bấu vào lưng anh đau muốn chết.”

Nàng tát yêu vào má tôi, rồi ôm choàng lấy tôi, gục vào ngực tôi, cười khúc khích: 

”Giống như đúc rồi còn trời tối đen, son, nước hoa dùng chung, cùng thả tóc thề thì có thánh mới biết được, ai ngờ mấy cái móng tay làm lộ tẩy hết.”

”Thì sáng tỉnh dậy, anh mới nhớ ra mấy cái móng tay của em, chớ lúc ấy, thánh thần gì cũng mụ mị hết.”

Nàng ép sát vào tôi, hôn tôi, cấu cấu thật sâu vào lưng tôi.

Rồi nàng chững lại:

”Mà giờ anh tính sao đây?”

Tôi chẳng biết tính sao, tôi yên lặng, rồi tôi nghe nàng nói trong nước mắt:

”Cuộc đời em bây giờ chỉ toàn những chuỗi buồn phiền, mệt mỏi.”

Tôi vẫn im lặng. Nàng nói tiếp, giọng van vĩ:

”Nhưng, gì thì gì anh vẫn hãy cứu con em. Tình mẹ, duyên con. Dù sao đi nữa, em vẫn yêu anh. Xin cứu con em. Cứu con em thì cũng như cứu em, dù em...” 

Guru đẹp trai Kristnamurti hiện lên trong đầu tôi, giải tội cho nàng qua cái miệng chữa cháy của tôi, dập lửa ân hận và đồng thời khơi rộng thêm vết thương của thú đau thương vừa mở nơi nàng:

”Chắc em cũng biết là Kristnamurti nói nhiều, giảng dạy rất nhiều, nhưng chủ đề xuyên suốt những tác phẩm của ông đó là sự kêu gọi con người hãy giải trừ kiến thức. Và mọi con đẻ của kiến thức như phong tục, lễ giáo, tôn giáo, luật lệ trong xã hội…, chúng ta phải dẹp bỏ hết để phục sinh lại cái hiện sinh của chính mình. Vì tất cả những thứ đó là sản phẩm của quá khứ. Quá khứ đồng nghĩa với sự chết. Không ai muốn chết cả, chỉ trừ những người điên.”

Xem ra cái kiến thức ba rọi của tôi về Krishnamurti đã trở thành cái phao trôi giữa biển bão tố lòng nàng, nàng chụp ngay và nàng hổn hển:

”Cảm ơn anh. Cảm ơn anh đã hiểu em. Em yêu anh. Người như thế này mà sao không yêu cho được!”

Chỉ mấy ngày sau, khi Huệ vẫn chưa hết kinh, thì có người nhà của em trai tôi vào đưa tôi và vợ mới cưới của tôi đi vượt biên, đi sớm hơn dự định vì nơi chôn dầu bị động ổ. Lan tiễn biệt chúng tôi đi. Nàng dúi vào tay tôi một lá thư và dặn qua được bên đó hẵng đọc. Chắc lại dặn dò gì đây – tôi nghĩ. 

Ghe chúng tôi, vì có người hoa tiêu là một sĩ quan hải quân và có máy tốt nên chạy năm ngày đêm đến thẳng tới cảng Terengganu, Malaysia mà không bị trở ngại gì. Khi được đưa lên bờ tạm trú trong một trại tạm trú mấy ngày trước khi đưa ra đảo Bidong, Huệ kéo tôi ra sau một lùm cây rậm, tôi cứ tưởng bở đưa tay bóp vú nàng. Nàng hất mạnh tay tôi ra, hằn học khá lớn tiếng:

”Ông không được phép khai tôi là vợ ông. Tôi biết là ông đã ngủ với mẹ tôi ngay trong đêm động phòng. Tôi bất cần đếm xỉa chuyện đó, miễn sao tôi đi được là được… Và khi ông ngỏ lời cưới tôi, tôi quyết định cho ông cưới tôi ngay là vì tôi muốn lợi dụng ông, và tôi không muốn vì sĩ diện hảo mà giả vờ bắt ông chờ vì tôi không muốn có trục trặc nào, dù nhỏ, xảy ra trong thời gian anh chờ câu trả lời của tôi, và sẽ đánh mất đi cơ hội thoát khỏi địa ngục. Ông thì già khú đế, lại quê mùa, bộ ỷ đồng tiền là mua gì cũng được à! Chuyện kinh nguyệt chỉ là cái cớ trì hoãn. Kinh nguyệt xong lại có cái cớ sa tử cung… Đàn ông khôn ngoan mấy cũng bị bị lừa, huống gì con người khờ khạo như ông.”

Tôi bị chấn động vì chuyện Huệ đã biết chuyện đêm động phòng bên cội hoàng lan giữa tôi với Hoàng Lan, mà vẫn tỉnh bơ, nhưng tôi bị chấn động hơn nhiều, rất nhiều, chuyện Huệ sổ toẹt một cách trắng trợn vào mặt tôi cái cơ mưu lợi dụng tôi, nhưng nói thật, tôi phải phục mưu trí và ý chí của Huệ, một cô gái mới lớn.

Huệ được một anh bác sĩ trẻ ở Mỹ bảo lãnh qua Mỹ theo diện hôn thê; anh này có người chị đi cùng thuyền với tôi giới thiệu. Huệ đẹp quá mà. Hoa khôi của đảo Bidong chớ đâu có ít.

Mấy đứa em tôi nói: ”Cái con nớ cao cơ hè! Còn anh thì khờ bỏ mẹ.” 

Đúng quá, chơ còn gì nữa.

Phần tôi, tôi qua Na Uy, lo làm ăn và yên phận mình. 

Rồi có một ngày đầu Tháng Tư có người đàn ông từ bên Mỹ gọi sang cho tôi. (Kiếm số điện thoại của người ở khác nước bằng internet cũng dễ thôi.) Ông xưng tên là Lê Chính Danh, và cho biết ông mới qua Mỹ theo diện HO được mấy năm. Ông nói là vợ ông, bà Lan, cũng ngồi cạnh đây và xin phép tôi cho ông được bấm nút khuyếch đại cho bà cùng nghe có được không. Tôi trả lời:

”Dĩ nhiên là được, thưa ông. Tôi nay tâm hư rồi.”

Ông cười khoái trá, tưởng như sẽ cười bất tận, nhưng tiếng cười bỗng đứt, và ông thả giọng xuống thật nhẹ, buồn buồn, mà lại giọng Huế thì càng buồn hơn:

”Trước hết, tôi và nhà tôi xin lỗi anh ngàn lần về chuyện con Huệ nó đã phụ rẫy anh. Anh yêu thương nó, lại đưa nó qua được bến bờ tự do mà nó lại tệ như rứa tê!”

Trái tim tôi mềm nhũn ra như múi mít ướt khi nghe cái từ ’rứa tê’ kéo dài thê thiết từ một sĩ quan đã từng chỉ huy hàng mấy trăm quân xông pha những mặt trận ác liệt nhất. Tôi nói, nói thật lòng:

”Dạ, Huệ được hạnh phúc thì tôi cũng mừng.”

”Cảm ơn anh mà tôi cũng cảm ơn sự giúp đỡ đúng lúc của anh cho chính tôi. Nếu không có sự giúp đỡ đó có lẽ tôi đã chết ở trong trại giam vì thiếu ăn, thiếu thuốc chữa bệnh, vào lúc tôi được thăm nuôi, tôi bị kiết lị gần chết. Mà anh lúc đó đâu có giàu có gì! Tôi xin được gọi anh là ân nhân và xin được kết bạn với anh.”

”Dạ thưa anh Tâm Hư em không dám. Cứ coi em như đàn em của anh là em mừng rồi.”

”Thôi gì thì gì, chúng ta cứ coi nhau như người nhà.”

Có tiếng Lan:

”Thì chú ấy là con rể mà không là người nhà thì là người gì?”

Ông Danh cười:

”Biết rồi... Nhưng tui cứ sợ anh Nam còn giận, tui không dám.”

”Sao cũng được, thưa anh chị.”

Im lặng một lúc, rồi lại nghe tiếng của ông Danh, nghe khào khào, nghẹt nghẹt:

”Thôi, tôi để anh nói chuyện với nhà tôi. Tôi mỗi năm cứ vào cái Tháng Ba – Tháng Tư lại lên cơn đau đầu, đau tim, khó thở. Tôi xin phép anh cho tôi kiếu, tôi phải ra ngoài vườn đi dạo một chút cho đỡ mệt.”

Một lúc sau có tiếng Lan, nhỏ và nhẹ như ngày nào:

”Nam đã đọc thư Lan của chưa?”

Tôi nói dối với nàng là chưa và hỏi trớ:

”Thư có chứa gì trong đó?”

”Mở ra thì biết. Mà sao anh lại không đọc?”

Tôi lại nói dối:

”Tôi không dám mở vì tôi muốn sống an phận.”

Nàng lại năn nỉ. Tôi chiều nàng. Tôi lấy lá thư tôi lồng trong khung kiếng đặt trước bàn viết, mở ra, và đọc cho nàng nghe, và cho cả tôi nữa. 

Đấy là một bài thơ Đường sai luật, sai vần và có thể là của một người làm thơ Đường luật chưa rành, nhưng cũng có thể là của một người làm thơ giỏi nhưng cố ý phá luật để làm nhẹ đi cái kỹ xảo và làm cho bài thơ chân thật với ý thơ hơn. Bài thơ không có tựa đề, không có tên tác giả, như sau:


Tự quân chi xuất hỹ,
Tu chiết hoàng hoàng lan.
Nguyệt tác lạc hoa phi
Tuỳ phong nhập lang thủ.

Tôi xin dịch nghĩa: 

Từ lúc anh ra đi,
Em ngắt nụ hoàng lan.
Nguyện làm cánh hoa rụng bay đi,
Theo gió đậu vào tay anh.

Chúng tôi lặng đi một lúc lâu. Nàng không nói gì, còn tôi, tâm hồn lâu nay đang yên tĩnh, bỗng bấn loạn lên, bấn loạn còn hơn khi đọc lần đầu bài thơ nầy khi tới được Malaysia, cuối cùng tôi nói:

“Thôi, bữa khác chúng ta nói chuyện tiếp, được không?”

“Dạ được.” Lan nói, hình như nói trong nước mắt.

Mấy tháng sau nữa nàng cho biết là ông Danh, thiếu tá Danh, đã mất, sau những vật vã trong điên loạn vì hội chứng Tháng Tư Đen kéo dài cả sau Tháng Tư, rồi qua đời. 

“Vật vã ra làm sao?”

“Anh Danh cứ nguyền rủa mãi đủ thứ chuyện về sự VNCH thua CS Bắc Việt: từ chuyện tại sao một Trịnh Công Sơn có thể viết được những tình khúc ngọt ngào, thơ mộng và có thể nói là siêu việt đến thế mà lại có thể thô bỉ, trắng trợn, đểu giả lên đài kêu gọi quân cán chính của VNCH buông súng đầu hàng CS; họ là những con người của một chính thể đã bao dung, đã biết kính trọng tài năng của anh ta, tới cuộc triệt thoái bi thảm mà nhục nhã của một đoàn quân kiêu hùng, mà anh Danh là tiểu đoàn trưởng, từ tiền tuyến sông Mỹ Chánh vào Đà Nẵng…”

“Và từ đó tan nát bao nhiêu ước mơ…”

“Vâng, còn phần anh Nam, bây giờ anh ước mơ gì?”

“Ước mơ cây hoàng lan giả anh mua chưng cả chục năm nay nở bông…”

“Chao ui, anh nói chi mà ác độc rứa tê!”

Tôi bỗng nghe tiếng của một thằng nhóc:

“Mẹ ơi, bà ngoại khóc đó!”

Có tiếng một đàn bà khác vẳng lại từ một nơi nào đó trong nhà:

“Cu Tý hỗn nghe! Để cho bà ngoại khóc; khóc đâu có sao!”

“Vậy sao con khóc, mẹ lại bắt nín?”

Trời đất, tiếng của Huệ, tiếng nói ấy tôi làm sao mà quên được.

Tiếng của Lan vẫn còn sụt sịt mà có vẻ vui:

“Thằng con trai của Huệ, đó Nam. Nó giống Nam y như đúc.”

”Ầy, nói bậy!”

“Thiệt mà. Lan có đọc: Nếu khi có thai mà người mẹ ghét cay ghét đắng ai, hoặc yêu say yêu đắm ai, thì đứa con sẽ giống người mà người mẹ ghét hoặc yêu đó.”

“Vậy thì Nam rơi vào trường hợp thứ nhất rồi.”

“Cứ chờ một thời gian rồi biết.”

Và thời gian “rồi biết” ấy không lâu. Tuần sau tôi nhận một gói hàng rất lớn, được đóng thùng rất cẩn thận. Mở ra thì thấy một bức tranh lớn của Oswaldo Guayasamín, một hoạ sĩ nổi tiếng, người Ecuador, mà, thưa quý độc giả, tôi có chụp lại và đưa lên phía trên đầu bài này, và cái tựa đề của bức tranh bằng tiếng Tây Ban Nha là De la ira a la ternura: Từ sự giận dữ tới sự dịu dàng. 

Và kèm theo tranh là một tấm thiệp ghi gọn lỏn ”Từ Huệ”, và lá thư của Lan:

”Huệ nó mua bức tranh này đã lâu để gởi tặng anh mà nó chưa dám, mãi tới nay mới dám. Không nói ra anh cũng biết: quan trọng là không phải ở chỗ số tiền, theo em biết, rất lớn, mà Huệ chi cho bức tranh có tầm cỡ này, mà ở ý Huệ muốn gởi gắm cho anh. Hôm mua bức tranh nó xin ông hoạ sĩ tác giả ghi thêm dấu hỏi vào tựa đề của tranh thành De la ira a la ternura? Câu này em hiểu nghĩa từng chữ rồi, nhưng dịch cho trơn tru ra tiếng Việt thì ra làm sao, anh?”

Đọc tới đây tôi lầm bầm trả lời thầm cho Lan:

”Thì nhất định phải dịch là ’Anh còn giận em nữa không anh ơi?’, chứ dịch sao nữa? ’Anh anh em em’ rồi còn thòng thêm chữ ’ơi’ ngọt lịm thì chữ ternura: sự dịu dàng e còn thua xa.”

Chết chưa, bây giờ tôi còn ”ngộ” ra là câu hỏi mà đầy van xin này còn dành cho Lan và tôi nữa, chỉ cần đổi đại danh từ nhân xưng cho thích hợp cho mỗi trường hợp!

Như tôi đã kể trên: Tôi khâm phục mưu trí của Huệ, nhưng mũi tên lần này của Huệ bắn một phát mà trúng ba chim. 

Oslo, cuối Tháng Tư, 2020
Nguyễn Văn Thà