Thừa Thiên-Huế là quê của Mạ tôi. Tính tới ni đã quá nửa đời
người Mạ tôi xa Huế. Ngày Mạ theo chồng xuống bến đò Thừa Phủ, bỏ lại sau lưng
tiếng thở dài của Huế, riêng làng Sịa, bầu trời có mưa rơi.
Cũng như Mạ, thuở nhỏ tôi đã sớm rời xa quê núi của tôi. Mạ
xa quê còn có ngày trở về thăm Huế; còn tôi xa quê tới nửa vòng trái đất, so với
người khác, tôi không biết làm sao trở về thăm lại miếng rừng, miếng núi quê
xưa. Nhìn lại mới thấy mình giựt mình. Ai dè tôi xa quê đã quá nửa đời người rồi
thê.
* * *
Bây chừ là trung tuần tháng Năm. Hằng năm vào ngày tháng ni thiên hạ lục đục
khiêng cây cảnh trong nhà ra sau vườn đón nắng xuân. Riêng năm ni ông trời có
hơi… khó ở nên thời tiết đâm ra thất thường. Hôm qua thành phố Montreal, thuộc
tỉnh bang Quebec cách thủ phủ Toronto hơn 5 giờ đường xe, có tuyết rơi. Báo hại
hai ông bạn già của tôi vừa run vừa… càm ràm trời đất. Ông thơ Luân
Hoán:
tháng năm trời bỗng tuyết
bồi thêm giai đoạn buồn
từng phút đời lụn bại
vết thương chồng vết thương
mấy ngày không khóc được
trời khóc giúp cho rồi
sao càng buồn hơn nữa
tôi đang là tuyết rơi
Còn ông thơ Hoàng Xuân Sơn than: Gần giữa tháng 5 còn rơi
tuyết ở phố Mộng bà con cô bác ơi. Hôm qua viết mấy câu chào xuân muộn. Trớt quớt
rồi:
Bộ lệ buổi sáng
Căng hai đầu tiếng chim
Lâu rồi loài trùn đất
Thức giấc dưới tàn lá mục
Lâu rồi
Chồi non làm lễ mở cửa mả
Mồ tuyết di dân
Ta đều biết kích thước của tinh thể tuyết là 0.1mm. Nhỏ xí rứa
nhưng tuyết Canada có tai mắt, nhất là… có lòng vị tha. Nghe hai ông già miền
Trung than thở rùm trời, nghĩ răng tuyết bèn âm thầm rủ nhau bay về Toronto thả
tuyết rơi chơi. Đã rứa sáng ni ông trời còn làm gió cho tuyết rơi nghiêng
nghiêng coi cho đẹp mắt.
Có điều ông trời ni quên một điều hệ trọng. Càng lạnh lũ
siêu vi khuẩn Vũ Hán càng sống dai, hắn càng hí hửng bay đi giết con dân vô tội.
Biết rứa nên từ tháng Giêng tới chừ vợ chồng già tôi trốn miết trong già trong
cửa (trong nhà trong cửa), có dám vác mặt ra đường chi mô. Cần việc chi thì bắt
phone lên hỏi thăm sức khỏe của nhau, nhất là vấn an các bậc sinh thành.
Nói tới bọ mạ tôi (cha mẹ), râu tóc tôi đã bạc, da dẻ tôi đã
nhăn, đi đứng lụm cụm, già chát ri mà vẫn hạnh phúc còn có Mẹ già. Mụ o của tôi
cũng đà 70 cái xuân, vẫn còn Cha già 99 tuổi đời chớ ít răng nờ. Hồi thế giới
chưa bị đại dịch Vũ Hán hoành hành, hầu như tuần nào vợ chồng tôi cũng chạy đi
thăm hai người già. Người ở đàng Đông là nhạc phụ tôi; người ở đàng Tây là Mạ
ruột tôi. Chừ ai ở nhà nấy, hằng ngày hỏi thăm nhau qua phone cho yên dạ. Biết
răng chừ.
Mạ tôi năm ni 94 tuổi đời, bà vẫn minh mẫn và khỏe mạnh. Thấy
tôi có lúc lọm khọm, Mạ dạy: "Thằng ni cử động chưn tay như ri nì." Vừa
nói Mạ vừa vung tay vung chân rất bài bản, tôi cười cười tập theo, chộ (thấy)
không ưng ý, Mạ bực: "Khun phải rứa. Tra trắn rứa mà ốt dột, cái thằng
ni." (Không phải vậy. Thằng này già cái đầu không biết thẹn." Chừ già
đầu tay chân tôi vẫn vụng về, thua xa thời lính tráng chỉ giỏi né hòn tên mũi đạn.
Tôi còn nhớ hoài ngày ra phi trường đón Mạ và hai đứa em tôi
qua Canada định cư mà ôi chao vui! Thấy Mạ lững thững từ trong đi ra tay xách
túi xách nhẹ hều, tay cầm cây đàn violon của Bọ (Cha) tôi, một cảm giác như thể
nằm mơ làm tôi mờ mắt. Phi trường là nơi ồn ào, náo nhiệt người ra kẻ vào, rứa
mà lúc nớ tôi cảm thấy bốn bề tĩnh mịch như tờ, tịnh không một bóng người,
ngoài Mạ và hai đứa em. Cảm giác ngộ hỉ.
Hơn hai mươi năm mới hội ngộ người thân khiến tôi có cảm tưởng
mọi thứ trở nên khác lạ, mơ hồ như tranh trừu tượng ngoằn ngoèo màu sắc, đường
nét hoa văn gợi lên thú vui thị giác. Cái cảm giác kỳ lạ nớ, cho tới chừ cũng rứa.
Mỗi lần hai Mạ con nói chuyện với nhau tôi lại nhìn thấy quê nhà trong mắt Mạ
tôi, ánh mắt đã trầm đục vẫn chứa đựng cây rừng, bóng núi, nơi tôi sinh ra, lớn
lên, rồi đi biệt cho tới tận bây chừ. Nhất là giọng Huế của Mạ gợi tôi nhớ tới
quê ngoại tôi đã xa trên 70 năm trời. Hò Huế, ca Huế, ngâm thơ Huế từ giọng Huế
của Mạ tôi lại trở về mơ hồ vọng âm trong tâm thức tôi.
* * *
Qua Canada định cư mươi mười năm sau Mạ tôi mới trở về thăm nhà đôi lần. Lần mô
cũng cùng con cháu ra Huế, thăm mồ mả cha ông ngoài nớ. Khi trở qua lại Canada,
Mạ lại mang theo cả một khung trời trầm mặc, cổ kính Huế xưa. Cái giỏ Mạ khiêng
bổ nghiêng bổ ngửa trên vai, lúc tôi phụ Mạ bỏ xuống thì ôi chao ơi, Huế ơi là
Huế: trà cung đình Huế nì, quýt giấy Hương Cần nì, bưởi Thanh Trà nì, chùm dâu
Truồi dài thòn lòn nì…
Huế ngày xưa của Mạ tôi cũng như núi rừng quê tôi xưa, chừ
đã xa xăm mờ mịt, rứa mà một bổn hai quê vẫn lấn cấn trong cuộc đời làm người của
tôi. Với núi rừng quê tôi:
Trèo lên đỉnh dốc, đời sẽ thấy
Một rừng. một núi. một quê hương
Thảng thốt kêu bầy, chim ông lão
Than già như cây cội tà dương
Quê ngồi dưới gốc buồn thiu thít
Cây tre còn trẻ đã phong trần
Lá bay theo gió mười phương thổi
Tản mạn như người buổi chiến tranh
Với Huế của tôi:
Tôi xa Huế lâu rồi
Nhưng khó quên người ơi
Những lúc ngó mây trời
Huế mọc trên lưng tôi
Những lúc dưới trăng ngồi
Huế tựa bờ vai tôi
Nhớ thuở ai đi mô
Cũng hoài mong về nớ
Những lúc nắng trên đồng
Huế duỗi ra mênh mông
Những lúc thấm mưa dầm
Huế lụt ở trong tôi.
Có lúc nằm mơ tôi thấy tôi bưng trầu cau… đi cưới Huế, nghe
mình nói giọng Huế, ư hử một điệu chầu văn:
Sông Hương núi Ngự là khuôn mặt ngó nghiêng của Huế
Cửa Thượng Tứ là ngỏ hẹp chở tình tôi qua cầu
Một đời tôi chắc chẳng bao giờ tìm ra nỗi tím
Áo tím than bay trong gió phất phơ buồn
Em bình minh hay chừ em lom khom
Mà Đồng Khánh cũng già theo tiếng thở dài Quốc Học
Nước sông Hương chia đời nhau hai nhánh tóc
Hút tiếng đò đưa chim lẻ bạn kêu sầu
Chợ Đông Ba ai dời ra bãi dại
Để Huế buồn biền biệt tím mãi đâu.
Xin chào Huế của Mạ. Chào Huế của tôi.
Phan Ni Tấn