* thời Cồ Vít, Vít Cồ Cồ *
ĐÍNH CHÍNH
CON nít. CON mắt lớn. LỚN hơn cái bụng. LỚN hơn rất nhiều.
Mỗi lần thấy Con lấy nhiều thức ăn, thì Mẹ hồ hởi, phấn khởi, luôn miệng
khen Con ăn giỏi. Con nở mũi, khoái chí được Mẹ khen và cũng muốn ăn nhiều cho
mau lớn.
Nhưng muốn thì muốn vậy, mà bao tử nó chẳng chìu! Ăn nửa chừng là ứ hò hen.
Phải ngưng. Làm sao giờ? Ăn không xong là… mất mặt, vì mình đã oai phong lẫm
liệt múc nhiều mà! Mẹ không cần ngó cũng biết. Mẹ nguýt một cái ngọt sớt, hỏi:
– No rồi hả? Ăn hông nổi chứ gì!
– Dạ!
– Để đó đi. Mẹ ăn phụ cho. Lần sau lấy vừa đủ. Con ăn xong, rồi muốn ăn nữa
thì lấy thêm nghe.
Con nịnh, chạy qua ôm hun Mẹ cái chét thiệt dài:
– Con cám ơn Mẹ ăn phụ con!
Mẹ giả bộ hất Con ra, lầu bầu:
– Phụ gì! Ăn cặn thì có!
Bữa nào mà Con làm biếng ăn, ham chơi, hoặc bỏ đi đọc sách, Mẹ sẽ dẫn chứng
thống kê. Ngay như ở Tiểu Bang Vàng the Golden State California này, mà trẻ em
vẫn bữa đói bữa no. Cứ tám đứa trẻ thì một đứa không biết khi nào sẽ được ăn
bữa kế (Hunger
Factsheet. California Association of Food Banks). Mà cay đắng ở chỗ,
Califorina lại sản xuất gần nửa số rau quả của Hoa Kỳ, và còn xuất khẩu đi
nhiều nơi khác trên thế giới. Qua tuốt Việt Nam nữa. “Chạy ăn từng bữa toát mồ
hôi.” Đừng tưởng chỉ có ở Việt Nam thời Bà Tú. Cảnh đó vẫn có ở Thiên Đường Mỹ
Quốc. Ở đâu cũng có người khổ. Có khoảng 4.6 triệu người, tức 11.7% dân
California, sống trong tình trạng thiếu ăn (food insecurity). Tại Tiểu Bang
Vàng, có 1.7 triệu trẻ em, tức 19%, hay 1 trong 5 trẻ em, phải ôm bụng đói đi
ngủ. Có 7.9 triệu người dân California sống trong nghèo đói. Theo thống kê của
U.S. Census Bureau’s Supplemental Poverty Measure, California có tỷ lệ nghèo
đói cao nhất nước, ở mức 20.6%. Nạn thất nghiệp ở mức 5.4%. Bây giờ, con Cồ Vít
nó quậy, thì con nhà nghèo càng khổ hơn. Trường học công sở đóng cửa. Con cái
không đến trường. Cha mẹ không có việc làm. Lấy gì nuôi con?
Bởi vậy mà Mẹ hay than vãn khi các Con ham chơi:
– Con người ta không có cơm để ăn. Tụi con được ăn cơm nhà mỗi ngày mà còn
õng ẹo.
Ít bữa sau, Con lại mắt lớn bụng nhỏ. Hay là tại đầu óc đang chập chờn quyển
truyện tranh mới mua nên ăn không xong cũng không chừng. Con lần qua chỗ Mẹ,
làm ngoại giao:
– Mẹ ơi, Mẹ ăn cặn dùm con nghe!
Mẹ nghe Con nói thì giật mình cái phặt, vội vàng đính chính:
– Không phải! Mẹ ăn phụ con. Không phải ăn cặn.
– Sao bữa trước Mẹ nói ăn cặn mà?
– Ờ, Mẹ mắng yêu cho vui thôi! Chứ Con nói Mẹ ăn cặn dùm con là hỗn, con
hiểu hôn? Ăn phụ. Ăn phụ. Ừ, ăn phụ.
Đó! Mắng yêu chi cho khổ! Con mà nói theo là Mẹ sính vính! Mẹ ơi, liệu mà
chừa cái tật nghe Mẹ! Cái này không có chuyển ngữ mà vẫn bị ‘lost in
translation.’ Nhất sao đã thất bổn. Cần gì đến ba lần?
MẮNG MÀ YÊU
Trong thập niên vừa qua, ngày càng có nhiều thầy cô giáo đưa ra đề nghị xin
ủy lạo cho học sinh nghèo liên quan đến nhu yếu phẩm để đáp ứng nhu cầu ăn mặc,
“warmth, care, and hunger” như áo ấm, đồ vệ sinh, và thức ăn trong số 1.8 triệu
yêu cầu trên DonorsChoose (What Do Teachers Need? Nearly 2 Million DonorsChoose Requests
Shed Some Light. Education Week Teacher). Đó là bởi vì thống kê của chính
phủ liên bang cho thấy càng ngày càng có nhiều học sinh vô gia cư tại Hoa Kỳ (Data and Statistics
on Homelessness. National Center for Homeless Education).
Theo Tuần Báo Giáo Dục, thì số học sinh vô gia cư lên cao nhất tại Mỹ từ
trước tới nay, tăng 11%, và có nhiều em không có bất cứ người lớn nào để chăm
lo cho mình, khiến cho các trường học trên toàn quốc phải đối diện nhiều thử thách
(Number of Homeless Students Hits All-Time High. Education
Week, February 11, 2020.)
Mẹ thấy con người ta khổ, Mẹ thương. Mẹ thấy các Con không phải khổ, Mẹ cũng
thương. Mẹ mừng là các Con không phải sống trong cảnh tù đày độc đảng như lúc
Mẹ còn nhỏ. Nhưng thương là vì, Mẹ xót xa khi không được đưa các Con về thăm
quê ở bên kia biển Thái. Biển thì nhiễm độc, rừng thì bị khai thác vô ý thức,
văn hóa thì còi cọt, ngôn ngữ thì đã biến thái. Thăm gì? Bây giờ thì con Cồ Vít
nó lại tung hoành và đã tràn đi từ Châu Á tới Châu Âu, Châu Phi, đi khắp nơi.
Không dám bước.
Nên mỗi lần nhớ nhà nhớ quê, Mẹ lại mủi lòng. Có một buổi trưa, Mẹ chở các
Con đi ngang một con đường vắng ở Quận Cam, chợt nghe tiếng vọng cổ phát ra từ
một căn nhà nào đó. Gió trong, nắng thanh, người vắng. Mẹ tự hỏi, đây có phải
là quê nhà? Không có đồng xa nước lợ như ở miền Tây quê Mẹ, không có nước lớn nước
ròng như con sông Cái sau nhà, không có rừng dừa nước ngày nào làm ‘đám lá tối
trời’ che chở cho đoàn quân kiên trung của anh hùng dân tộc Trương Công Định.
Mà sao chỉ một âm thanh đơn sơ giữa đất khác mà lòng vẫn xuyến xao.
Mẹ tức bụng không có người san sẻ. Mẹ nói một mình:
– Sao giống ở Việt Nam quá! Mà tụi con có hiểu đâu mà nói.
Con Cả nghe lóm được, lập tức phản đối:
– Mẹ nói cho con nghe đi. Con hiểu mà!
Nghe Con nói, Mẹ càng mủi lòng. Nhưng Mẹ vẫn nghĩ bụng: ở đó hai chục năm
mới hiểu. Con chưa về, làm sao mà thấu cho đặng?
MẮNG KHÔNG YÊU
Mỗi lần các Con nghịch ngợm, Mẹ giơ cao đánh khẽ, bảo ban đủ điều. Bữa nào
mệt quá, Mẹ sẽ gọi cho Bà Ngoại để méc:
– Mẹ coi, ba thằng khỉ…
Mẹ chưa kịp nói xong thì ba ‘thằng khỉ’ đồng thanh nhao nhao:
– Ứ! Tụi con không phải là khỉ!
Con Út ngọng nghịu:
– Con không phải là ‘hỉ.’ Con là ‘nhười.’
Chẳng những là ‘khỉ’ mà còn là khỉ ngọng nữa! ‘Nhười’ gì? “Nhười ươi” thì
có! Phá như giặc!
– Ứ! Con hông phải là giặc! Con ‘nhoan’ mà!
Ngoan gì? Từ nhỏ tới lớn, không anh nào thua anh nào. Chưa ba tuổi đã suốt
ngày ‘tiền phá hậu báo:’
– Mẹ, đổ, đổ. Mẹ, phá phá.
Bằng chứng hả? Mở video lên thì biết liền! Mẹ mắng yêu các Con chán, thì
quay sang mắng yêu Bà Ngoại:
– Mẹ coi! Cháu ngoại của Mẹ đó! Chịu nổi hông?
Bà Ngoại cũng mắng lại, mà không biết có yêu không:
– Thì con hư tại Mẹ. Còn nói gì nữa!
Hứ. Mắng yêu thôi mà. Việc gì phải lớn tiếng tự bào chữa vậy!
Bởi vậy, những người được yêu thường thích được mắng. Nhưng những người hay
mắng
chưa chắc đã hay yêu. Có khi thương đứt ruột mà không yêu. Cũng lạ.
Cho nên, phân biệt được mắng có yêu và mắng không yêu là cốt lõi của đời
người vậy.
Trangđài Glassey-Trầnguyễn
Quận Cam, đầu tháng Ba, 2020