Gã thường phóng xe thật nhanh vào lúc tờ mờ sáng, có khi gã
chạy thật chậm. Tất nhiên, khi chạy nhanh hay chậm, gã cảm nhận sự khác nhau của
không gian tĩnh lặng buổi sớm mai chưa vấy bẩn bụi bặm
Con đường quen thuộc đến nỗi gã biết được đám cỏ nào vừa mới
mọc hay bị nhổ đi ở một đoạn nào đó
Trong thành phố ồn ào này, chỉ có buổi sớm mai mới là người
bạn đồng hành cùng gã. Khi đêm chuyển dần qua ngày, tĩnh chuyển qua động, đó là
lúc gã thấy bình an nhất trong ngày, thời khắc tuyệt vời làm sao
Nhiều chục năm rồi, từ khi có một gia đình riêng, hằng ngày
gã lại về với mẹ vào lúc năm giờ sáng. Đến lúc đôi mắt của mẹ mờ đi, rồi mù hẳn,
gã lại sáng trưa chiều tối về thủ thỉ bên mẹ, gần gũi, an ủi bà
Đoạn đường hai cây số quen thuộc đó như người bạn đồng hành
thân thiết của gã
Rồi một ngày cơ hội đi lại trên con đường đó mỗi sớm mai
thưa dần
“Con phải làm sao cho mẹ hết đau"
Lời cuối cùng gã nói với mẹ trước khi bà ra đi. Câu nói ám ảnh gã miết, đến cuối
đời gã
Đêm qua, dỗ được giấc ngủ chập chờn, gã nằm mơ thấy mẹ, bà rất
đau đớn, đau nơi bụng của mình. Gã vụng về, lóng ngóng đi tìm bàn ủi cắm điện
cho ấm để đặt trên bụng mẹ, nhưng tìm chưa có thì tỉnh giấc. Chẳng là ba, bốn
mươi năm trước bị đau dạ dày, khốn khó lắm, gã không nhiều tiền để mua thuốc uống
nên thường dùng bàn ủi ấm đặt lên bụng khi đau, cái bàn ủi ám ảnh cả trong giấc
mơ gã
Gã nói rằng rất nhớ mẹ, các anh chị đừng cười. Rất khó để giấu
cảm xúc của mình, tính gã vốn vậy nên nhiều người không thích. Gã cũng không ngần
ngại biểu lộ cảm xúc qua những bài viết ngắn trên F với những người mình thương
yêu
Tiếng kinh cầu nho nhỏ vang ra từ chiếc máy đặt trên bàn thờ.
Đều đều, ấm, giúp gã cảm thấy mình nhẹ lòng hơn mặc dù gã không tin lắm câu
kinh sẽ giúp linh hồn con người siêu thoát ở thế giới bên kia
Có ai đã nhìn thấy, đâ nghe ở thế giới bên kia, trở về, giúp gã hiểu thiên đường
là như thế nào. Người ta mất lòng tin ở cỏi ta bà này, hoài nghi về cuộc sống
mai sau khi rời thế gian, người ta dựa vào một niềm tin nào đó để sửa sai lầm của
mình
Gã thì không,
Suy nghĩ của gã thực tế hơn, biết là sống được trên đời này,
làm con người đã là một ân phúc của tạo hóa, cố gắng ít phạm phải sai lầm, sống
thêm chút tử tế là được. Còn mai sau thì sao cũng được. Liệu có mai sau không để
phải bận rộn, tiêu tốn khá nhiều thời gian vào cái hoài nghi
Mà cũng tại cái hoài nghi nên ngày nào gã cũng buồn thiệt,
gã thèm câu la rầy, mắng mỏ của người nào đó mà gã cứ lầm bầm cầu nguyện cho
người ta được siêu thoát đến chốn mà gã hoài nghi
Mà gã cũng chẳng cần cái mai sau để làm gì, niết bàn, thiên
đường hay địa ngục gã không thấy, không biết, chỉ có nghe điều người ta nghe được
rồi nói với gã. Sáu mấy năm gã hưởng được quá nhiều rồi
Sáng nay gã mệt không lên Hòa Sơn để ngồi xuống bên thềm đá
hoa cương, thắp nén nhang, thủ thỉ với ai đó rằng gã nhớ người đó thiệt là nhiều
Chừ thì gã ngồi đây, bên cạnh nguời đó, nghe tiếng kinh hai
tiếng rồi, cái mông cũng đau lắm rồi, gã muốn nằm xuống nghỉ ngơi một chút
Nằm bên cạnh người đó, thủ thỉ chi đó, chọc vài câu ngớ ngẫn,
phá tan cái tịch mịch khói hương, nghe một câu mắng cũng ngớ ngẫn như câu hỏi của
gã
Nhớ những năm tháng khốn khổ, gã hay làm cái nọ giúp mẹ, gã
nhớ khu vườn cây trái, vườn rau cải
Khu vườn trồng hai mươi cây ổi, mười lăm cây mãng cầu. Năm
đó tốt tươi, ra nhiều hoa rồi thành trái, vui vì hy vọng sẽ được thu hoạch và
có được một số tiền trong khốn khó
Không có cơ hội cho cậu con trai hái chùm trái còn nhánh lá,
xếp gọn vào những chiếc rổ. Người mẹ sẽ mang ra chợ bán cho người bán lẻ
Sâu, thứ sâu gì quái quỷ chui vào những quả mãng cầu và ổi,
không chừa quả nào
Người mẹ không lộ nổi buồn nhưng cậu con trai thẫn thờ ngồi
bệt xuống gốc cây, nhìn lên khu vườn đầy trái, thở dài
Buổi chiều, dọn cơm ăn, cậu cẩn thận gạt những hạt cơm dính
vào những lát khoai khô độn. Những hạt cơm trắng ít ỏi dành cho hai đứa cháu
Mùa sâu đó qua lâu rồi, bốn mươi năm rồi, khi người mẹ còn
trẻ, còn cậu con trai thì quá trẻ, vừa đi qua mùa đạn bom, vẫn còn nhớ mùi thuốc
súng
Có khi gã tệ hơn đứa con nít ba tuổi
Mệt cho gã con nít đầu bạc thiệt, rồi gã vượt hai mươi cây số lên nghiã trang,
ngồi bên mộ mẹ
Những mảng đá hoa cương hay gạch men màu xám trang trí, bảo
vệ những ngôi mộ khá giống nhau. Hàng ngàn ngôi mộ sắp hàng thứ tự trước sau
như những chiến xa trong đội hình duyệt binh, chẳng có cái nào nổi trội, bề thế
hơn
Không bớt đi, mỗi ngày thêm vài cái mới, cái trước lùi dần về
phía sau, không ưu tiên cho người giàu hay ép người nghèo, chẳng ai chèn ép ai
Nghĩa trang Hòa Sơn, nơi con người bên dưới mặt đất đều bình
đẳng như nhau
Một, hai ngày, gã lại đứng giữa những hàng mộ, suy tư chút
ít, ngộ thêm chút ít nữa, lưa thưa đôi người giữa hoang vắng, nhìn những thân
nhân của người quá cố vừa phủ lớp đất, chẳng thấy ai vui. Những người lớn tuổi
viếng mộ có lẽ họ cũng như gã, nhận biết thêm một vài điều gì đó, ăn năn vài điều
gì đó, họ trầm tư nhiều hơn
"Nhiều khi thấy trăm nghìn nấm mộ"
"Tôi nghĩ quanh đây hồ như"
"Đời ta hết mang điều mới lạ"
"Tôi đã sống rất ơ hờ"
(Đêm thấy ta là thác đổ, TCS)
Tĩnh lặng và đẹp, nghĩa trang cũng có sự quyến rũ riêng, như
sông biển núi non, tùy cảm nhận mỗi người
Đến để đi, và hết, ngày ngắn lắm, phù du thôi, gã nghĩ vậy
Bùi Thanh Xuân