Ngọn gió lớn đã thổi qua địa cầu người ơi,
đuổi sạch những u ám trên trần gian
Ngọn triều dâng đã tràn qua biển động người ơi,
gội sạch những vết thương và dối gian
(Đòi quyền yêu thương – Phan Văn Hưng và Nam Dao, 1993)
Sáng nay, như mọi ngày, tôi dậy lúc gần 6 giờ sáng để tập thể dục trước khi
đi làm. Trước khi ra khỏi giường, tiếng mưa rơi lách tách làm cho tôi có cảm
tưởng đêm qua đã mưa nguyên đêm nhưng không nặng hạt. Ra trước hiên nhà, nơi
tôi thường tập thể dục, trời vẫn mưa lâm râm. Tôi suy nghĩ không biết có nên
đạp xe đi làm hôm nay không!
Đã mấy tháng qua tôi bắt đầu đạp xe đi làm. Bắt đầu bằng hai ngày, rồi ba
ngày mỗi tuần, rồi bây giờ ngày nào cũng đạp xe. Hai phần ba con đường tôi đi
là dọc theo con lạch (creek), một phần ba còn lại phải đạp trên đường chính. Có
lúc phải đạp giữa các chiếc xe lớn nhỏ khác nhau, nào là xe bus, xe tải và đủ
mọi loại xe khác.
Đạp xe thì vừa an toàn vừa nguy hiểm. Những con đường xây riêng cho xe đạp thì
rất an toàn. Những con đường xe đạp chia sẻ với các loại xe khác thì … tùy vào
người lái xe. Chỉ trong hai tháng qua mà tôi suýt bị tông xe hai lần. Một lần
thì cô lái xe quẹo phải, không nhìn thấy tôi đang đạp xe hoặc không lường được
tốc độ tôi chạy, nên khi cô bắt đầu quẹo vào đường phụ thì chỉ còn cách tôi hai
mét. Cũng may cô đạp thắng kịp. Lần thứ hai thì anh lái xe quẹo từ đường nhỏ ra
đường lớn, chiếm lấy đường dành riêng cho xe đạp, nhưng lúc quẹo lại không để ý
đến chiếc xe đạp tôi đang chạy ở tốc độ ít nhất cũng 30 cây số một giờ. Cũng
may tôi phanh kịp, bánh xe sau trượt trên đường. Đến nơi thì chỉ còn cách anh
ta chừng một mét. Vậy mà anh ấy vẫn tỉnh bơ, và chỉ nhìn phía kia, hay anh ta
cố tình tránh ánh mắt rừng rực của tôi.
Xe đạp mà đụng vào xe hơi thì… không bể đầu cũng sứt trán! Biết nguy hiểm
nhưng vẫn thích đạp, vì ba cái lợi: tốt cho môi trường; cho sức khỏe; cho túi
tiền.
Sáng nay, tôi rời nhà lúc 6 giờ rưỡi. Nhưng trời còn tối om. Gió không mạnh.
Hạt mưa rơi đều đều. Nó thấm vào cả người, và nhất là vào mắt, làm mờ hẳn con
đường trước mặt. Cho nên tôi cẩn thận hơn mọi hôm, tay luôn cầm thắng để phòng
hờ. Con lạch mỗi ngày tôi đi qua có lúc có nước, có lúc khô rang, tùy những hôm
trước có mưa hay không. Nhưng thường rất ít nước. Hôm nay thì khác. Vừa mới đến
con lạch, tôi nghe tiếng nước chảy xiết và mạnh. Cảm thấy lành lạnh người. Nước
đâu mà ra nhiều đến thế chỉ sau một đêm mưa! Có những đoạn nước dâng lên hai
đến ba mét. Chạy khoảng một phần ba đường, tôi gặp phải một đoạn mà nước tràn
lên trên bờ, ướt đẫm cả đôi dầy và văng lên khắp người. Chạy thêm một cây số,
tôi nhìn thấy một phụ nữ dẫn chó đi dạo sáng sớm đang đứng chần chờ không biết
quyết định nên lội nước qua phía bên kia không. Hỏi chuyện thì cô nghĩ tôi có
thể đạp qua được vì mực nước trên đường xe đạp chỉ khoảng nửa mét thôi. Tôi
cũng nhận định như thế, và vì đạp xuôi dòng nước nên chắc không sao. Tôi liều
mạng đạp qua. Sức nước cũng mạnh nhưng xuôi dòng nên rồi tôi cũng qua được.
Sau đoạn đó, tưởng chừng đường còn lại không đến nỗi thấp nữa. Nào ngờ có
một đoạn khác còn thấp hơn, và mực nước và sức nước còn mạnh hơn. Cả gần nửa xe
và chân phải đạp liên tục dưới nước. Tôi phải dùng hộp số gần nhỏ nhất để chống
chọi với nước và đạp cho qua được đoạn đường bị lụt đó. Nhìn nước chảy cuồn
cuộn trên một con lạch nhỏ nhưng dài, tôi không biết lúc đó mình nghĩ gì mà
liều mạng đạp xe trong đêm tối, mà đèn xe lại không đủ mạnh để pha ánh sáng.
Buổi chiều trên đường về tôi cứ nghĩ không biết nên theo đường cũ mọi ngày,
hay đạp trên đường chính để về nhà. Lúc đến đoạn đường dành riêng cho xe đạp
bên cạnh con lạch, tôi thấy mực nước dâng tràn qua hai bờ mà sáng nay ngay chỗ
đó còn cách xa. Cả nguyên ngày hôm nay mưa lâm râm, nhưng cũng đủ để tăng mực
nước. Tôi quyết định đi đường khác vì không thể liều lĩnh một cách vô lý.
Tôi còn nhớ cách đây vài năm, lúc còn làm công việc cũ, mỗi sáng vào họp
chung với nhiều nhân viên và tổ chức khác nhau để bàn về công việc mỗi ngày,
vấn đề an ninh và an toàn là đề tài được nói đầu tiên hết. Người trách nhiệm an
ninh chính là một đàn ông còn trẻ, khoảng chừng 40 tuổi, từng là thủy quân lục
chiến của Úc chiến đấu tại Afghanistan. Mỗi sáng anh ấy chia sẻ một câu chuyện
về an ninh/toàn. Có nhiều chuyện ly kỳ, hấp dẫn. Có những chuyện nhỏ nhoi, ai
cũng coi thường, cho đến khi không ngờ rủi ro và nguy hiểm vẫn luôn tiềm ẩn. Vì
kinh nghiệm với hiểm nguy mọi ngày nên anh ấy đề nghị phải vẽ rõ con đường đi
bộ từ bên này văn phòng sang bên kia bãi đậu xe. Trong khi đó thì nơi làm việc
này cách ly hoàn toàn với bên ngoài, lâu lâu mới có một chiếc xe của nhân viên
vào đậu, và thường chỉ được chạy 20 cây số một giờ trên đoạn đường này. Nhưng
anh ấy bắt mọi người phải tuân theo, nếu không thì sẽ bị theo dõi và báo cáo.
Có những hôm tôi được nghe phàn nàn về nhân viên của mình không tuân theo luật.
Phải thú thật an toàn thân thể, sức khỏe và mạng sống con người luôn được ưu
tiên trong mọi công việc được thiết kế trong xã hội này.
Là người đã từng vượt biên trên chiếc thuyền nhỏ mỏng manh và mạng sống thì
như treo trên sợi chỉ ngàn cân, có khi tôi thấy những sự lo lắng an toàn ở đây
nó thái quá. Nhưng nghĩ kỹ lại thì tôi vẫn nghiệm rằng luật lệ an toàn sức khỏe
tại đây rất chặt chẽ có lý do chính đáng của nó.
Tuy hiểu nhưng tôi vẫn thích mạo hiểm. Khi thấy mình sợ hay ngại điều gì đó
thì tôi tìm cách khắc phục. Đi tới những công viên giải trí (Theme Parks), lúc
đầu thử nghiệm trên các trò chơi ú tim, nhào lên lộn xuống, từ cao xuống thấp
hoặc thấp lên cao với tốc độ cực nhanh, tôi cũng thấy ơn ớn. Nhưng đi được một
hai lần thì thích, và cứ tìm những cái đáng sợ nhất để chơi. Chơi để kiềm chế
cái sợ cái ngại của mình. Ai cũng có nỗi sợ, mà một phần không nhỏ những cái sợ
vô lý là từ những kinh nghiệm lúc còn bé đi vào tiềm thức của mình. Tôi cũng ý
thức từng bước vượt qua vì xem đó là những trãi nghiệm thích thú và cần thiết.
Lần đạp xe sáng nay cũng vậy. Tối, mưa, gió, lạnh và lụt. Cảm thấy được cái
kỳ diệu của thiên nhiên. Nhìn sức nước nghĩ đến sức dân. Có lúc nó cạn kiệt,
hạn hán. Cái sợ có khi trở thành mãn tính, như nhà hoạt động trẻ Minh Tâm có
chia sẻ. Nhưng khi những giọt nước hòa quyện vào nhau, trở thành những ngọn
triều dâng, và chảy xiết, thì có thể cuốn trôi đi vạn vật. “Gội sạch những vết
thương và dối gian”, như nhạc sĩ Phan Văn Hưng và Nam Dao từng viết trong bài
“Đòi quyền yêu thương” năm 1993 sau khi toàn khối Liên bang Sô viết sụp đổ.
Phạm Phú Khải