23 May 2020

VỀ BÀI THƠ THA LA - Nguyễn Văn Sâm


Bài thơ Tha La của Vũ Anh Khanh nổi tiếng hơn bảy mươi năm nay (1949 – 2020), và sẽ còn nổi tiếng lâu dài nữa dầu bối cảnh thời gian nó ra đời khác xa thời nay về nhiều mặt tình đời, hoàn cảnh. Bài thơ được yêu thích còn nhờ ở nhạc điệu tuy buồn buồn nhưng phóng túng như một bài thơ tự do, một bài từ, một điệu hát của nhạc phủ. Hai bài phổ nhạc từ bài thơ được biết bao nhiêu nhạc sĩ tài hoa trước 1975 hát cũng góp phần lan tỏa cho bài thơ.

Gần đây trêm mạng internet có đăng lại toàn bài, điều nầy góp nhiều phần tiện lợi cho người thưởng ngoạn cũng như người nghiên cứu không có cơ duyên để tham khảo được bản in của nguyên bản. Tuy nhiên so với nguyên bản từ quyển Thơ Mùa Giải Phóng, nxb Sống Chung, Sàigòn, 1949, với bài đưa ra từ một trang mạng thì thấy có những chỗ sai biệt đáng chú ý nên xin được điều chỉnh.
  1. Các từ Nam kỳ dùng thời tác phẩm xuất hiện đã bị thay đổi bằng một chữ khác tương đương về âm:
    • Trời xa xanh, mây trắng ngoẹn (s. nghẹn) hàng ngàn,
    • Viễn khách ơi! Hãy ngừng (s. dừng) chân cho hỏi.
  1. Thay đổi chữ làm mất đi chút nào đó ý nghĩa của câu thơ:
    • Không ai chờ đưa (s. ai) đón tôi đâu!
    • Nghìn (s, nhìn) cành hoa bay ngẩn ngơ trong gió.
    • Nhìn (s, nghìn) hoa rơi, lòng khách bỗng bâng khuâng.
    • Khách rùng mình, ngẩn ngơ người (s. lòng ngẩn ngơ) hiu quạnh…
    • Xem đám Chiên hiền (s. lành) thương áo trắng.
    • Nghe trời (s. mùa) đổi gió nhớ quanh quanh.
    • Tìm hoa tụng lạc loài trên (s. bên) vệ cỏ.
    • Buồn làm chi cho (s. mà) bẽ bàng!
    • Xem đám chiên hiền (s. lành) thương áo trắng.
  1. Sai trầm trọng. Hai, ba chỗ sai trầm trọng làm bài thơ có đoạn không diễn được hết ý là (1) sai chánh tả hoặc sai do in ấn làm cho ý nghĩa câu thơ bị méo mó.
    • Trời Tha La vần vũ đám mây tang (s. tan). Mây tang (tóc) diễn tả sự thê lương thì sự vần vũ của nó càng thê lương hơn; mây tan (biến) thì không thể vần vũ được. Khi mây tan vần vũ được thì chắc đầu óc người thi sĩ có vấn đề!
    • Có trái ngọt, cây lành im (s. in) bóng lá. Để làm nổi bật cảnh buồn, thi sĩ nói trái cũng như cây (vườn tược) nằm im nép mình. Chữ in bóng lá không gợi được cảnh hoang vắng thê lương của vùng đất mà phần lớn thanh niên đã ra đi theo tiếng gọi của non sông. Cũng nói thêm cho rõ là những sai nầy im/in, tang/tan… chắc chắn là sai do đánh máy, chúng tôi đưa ra để sửa lại giùm cho thi sĩ Vũ Anh Khanh, không có ý gì khác hơn ngoài mặt văn học. Chúng ta ai nấy đều biết bài nào viết ra phổ biến trên mạng, tác giả mất công, tốn thời giờ mà chẳng lợi lộc gì, mọi sự sai lầm vô tình đều không phải là chuyện gì đáng kể.
Bài thơ nổi tiếng một phần khác nhờ tác giả đã đặc biệt đứng ở vị trí người khách đến Tha La, nói chuyện với Tha La và với cụ già ở đây. Từ đó diễn tả được tình cảm của giáo xứ Tha La cũng như tâm sự của người già ở lại trong khi con cháu trai tráng đã lên đường tranh đấu. Một vài từ khó hiểu với người trẻ hiện thời là gạo (hoa gạo), địch: Tiếng sáo.
Đọc câu Lá rừng cao, vàng rụng lá rừng bay, ta chợt nhớ đến sự đão ngữ tương tợ đã được Nguyễn Du sử dụng tài tình trước đây khi viết: Giếng vàng đã rụng một vài lá ngô.
Chép lại bài thơ Tha La theo Vũ Anh Khanh và bài thơ “Tha La Xóm Đạo” trên trang mạng, câu nào in corps gras là có chữ in sai.
– Đây Tha La xóm đạo

Có trái ngọt cây lành
Tôi về thăm một dạo
Giữa mùa nắng vàng hanh.
Ngậm ngùi Tha La bảo:
– Đây rừng xanh rừng xanh,
Bụi đùn quanh ngõ vắng,
Khói đùn quanh nóc tranh.
Gió đùn quanh mây trắng,
Và lửa loạn xây thành.

Viễn khách ơi!

Hãy dừng chân cho hỏi,
Nắng hạ vàng ngàn hoa gạo rưng rưng,
Đây Tha La một xóm đạo ven rừng,
Có trái ngọt, cây lành in bóng lá.
Con đường đỏ bụi phủ mờ gót lạ.
Ngày êm êm lòng viễn khách bơ vơ!
Về chi đây? Khách hỡi? Có ai chờ?
Ai đưa đón?
– Xin thưa, tôi lạc bước!
Không là duyên, không là bèo kiếp trước,
Không có ai chờ, ai đón tôi đâu!
Rồi quạnh hiu, khách lặng lẽ cúi đầu,
Tìm hoa rụng lạc loài bên vệ cỏ,
Nhìn cánh hoa bay ngẩn ngơ trong gió,
Gạo rưng rưng, nghìn hoa máu rưng rưng.
Nghìn cánh hoa rơi, lòng khách bỗng bâng khuâng.
Tha La hỏi:
Khách buồn nơi đây vắng?
Không, tôi buồn vì mây trời đây trắng!
– Và khách buồn vì tiếng gió đang hờn?
Khách nhẹ cười, nghe gió nổi từng cơn,
Gió vi vút, gió rợn rùng, gió rít.
Bỗng đâu đây vẳng véo von tiếng địch.
Thôi hết rồi còn chi nữa Tha La!
Bao người đi thề chẳng trở lại nhà.
Nay đã chết giữa chiến trường ly loạn!
Tiếng địch càng cao, não nùng ai oán,
Buồn trưa trưa, lây lất buồn trưa trưa,
Buồn xưa xưa, ngây ngất buồn xưa xưa,
Lòng viễn khách bỗng dưng tê tái lạnh.
Khách rùng mình, lòng ngẩn ngơ hiu quạnh.
– Thôi hết rồi! Còn chi nữa Tha La!
Đây mênh mông xóm đạo với rừng già.
Nắng lổ đổ rụng trên đầu viễn khách.
Khách bước nhẹ theo con đường đỏ quạch,
Gặp cụ già đang ngóng gió bâng khuâng.
– Kính thưa cụ vì sao Tha La vắng?
Cụ ngạo nghễ cười rung rung râu trắng,
Nhẹ bảo chàng:
“Em chẳng biết gì ư?
Bao năm qua khói loạn phủ mịt mù!
Người nước Việt ra đi vì nước Việt,
Tha La vắng vì Tha La đã biết,
Thương giống nòi đau đất nước lầm than.”

Trời xa xanh, mây trắng ngoẹn ngàn hàng.

Ngày hiu quạnh. Ờ… ơ… hơ tiếng hát.
Buồn như gió lướt lạnh dài đôi khúc nhạc.
Tiếng hát rằng:
Tha La giận mùa thu,
Tha La hận quốc thù,
Tha La hờn quốc biến,
Tha La buồn tiếng kiếm,
Não nùng chưa!
Tha La nguyện hy sinh.
Ơ… ơ… hờ… có một đám Chiên lành.
Quỳ cạnh Chúa một chiều xưa lửa dậy.
Quỳ cạnh Chúa, đám Chiên lành run rẩy:
Lạy Đức Thánh Cha!
Lạy Đức Thánh Mẹ!
Lạy Đức Thánh Thần!
Chúng con xin về cõi tục để làm dân… 
Rồi… cởi trả áo tu.
Rồi… xếp kinh cầu nguyện.
Rồi… nhẹ bước trở về trần… 
Viễn khách ơi! Viễn khách ơi!
Người hãy dừng chân.
Nghe Tha La kể, nhưng mà thôi khách nhé!
Đất đã chuyển rung lòng bao thế hệ.
Trời Tha La vần vũ đám mây tan.
Vui gì đâu mà tâm sự?
Buồn làm chi mà bẽ bàng?
Ơ… ơ… hơ… ờ… ơ… hơ… tiếng hát.
Rung lành lạnh ngâm trầm đôi khúc nhac.
Buồn tênh tênh, não lòng lắm khách ơi!
Tha La thương người viễn khách đi thôi!

Khách ngoảnh mặt nghẹn ngào trông nắng đổ,

Nghe gió thổi như trùng dương sóng vỗ.
Lá rừng cao, vàng rụng lá rừng bay… 
Giờ khách đi. Tha La nhắn câu này:
– Khi hết giặc, khách hãy về thăm nhé!
Hãy về thăm xóm đạo,
Có trái ngọt cây lành.
Tha La dâng ngàn hoa gạo,
Và suối mát rừng xanh.
Xem đám Chiên lành thương áo trắng.
Nghe mùa đổi gió nhớ quanh quanh…

_________
Tham khảo:
  1. Internet: Trên mạng nhiều chỗ nói là 1950, thiệt ra thi sĩ Sơn Khanh lthực hiện tập thơ của nhiều người nầy năm 1949. Xem: https://dongsongcu.wordpress.com/2016/08/29/vu-anh-khanh-va-tha-la-xom-dao/

  1. Văn chương tranh đấu Miền Nam

  1. Văn Chương Nam Bộ, Nguyễn Văn Sâm, Sàigòn, 1965

  1. Thơ Mùa Giải Phóng, Sàigòn, Sống Chung 1949, có bào thơ Tha La ở trang 65-68






Nguyễn Văn Sâm
Victorville, CA, 9 tháng 2, 2020