27 June 2020

CON CHÓ SÂN SAU - Bùi Ngọc Tấn


Tôi biết tin quyển tiểu thuyết của tôi bị cấm khi vừa chia tay mấy người bạn bên bàn bia cỏ vỉa hè trở về nhà. Vốn không phải dân bia rượu, nhưng chiều hôm đó tôi đã hơi quá chén. Bởi cuộc bia ngẫu hứng này được tổ chức là vì tôi. Những vại bia lạnh thấu cổ, lạnh tới ngực, lạnh xuống tận bụng được mọi người nâng lên đặt xuống là để thêm men, thêm lời chúc mừng tập sách còn đang trong thời gian lưu chiểu nhưng đã ánh lên những tia sáng của một buổi sớm mai và sự cựa mình của gió. Nhiều người đã tìm mua, có người mua đến mấy chục quyển để tặng bạn. Người gọi điện, người viết thư chúc mừng. Cả những bức thư cảm ơn vợ tôi, “nhờ có chị mà những điều vô ngôn đã được nói thành lời”, “cầu cho cuộc đời chính thống biết chấp nhận nó”. Nhiều nhà thơ đã gửi cho tôi những bài thơ đầy cảm xúc viết ngay giữa đêm khuya khi vừa đọc xong tập sách. Rõ ràng nó đã tạo nên dư luận, hứa hẹn một thành công hằng mong ước.

Rời bàn bia, lòng đầy ắp niềm vui, vừa bước vào cửa, đã thấy vợ tôi đi như chạy từ phía trong ra:

- Sách của mình bị cấm rồi!

Tôi tỉnh hẳn men bia dù vẫn chưa hiểu việc gì đã xẩy ra và liền sau đó một câu trách giống như một lời than của vợ:

- Bao giờ xẩy ra chuyện thì ở nhà cũng chỉ mỗi mình em.

Tôi đã hiểu. Giờ thì đã hiểu. Đã có cảm giác. Cảm giác bị giáng một đòn, bị xúc phạm, lăng nhục! Như mấy chục năm trước trong phòng hỏi cung khi nghe những lời mạt sát, vu cáo, phải lấy hết sức bịt miệng một ngọn núi nghẹn ngào. Nhìn dáng người nhỏ bé, nét mặt lo lắng, thất vọng của vợ, thương quá. Họ đã tiêu diệt vợ chồng tôi và bây giờ họ tiêu diệt tập sách của tôi viết về sự tiêu diệt đó.

- Anh Cao Giang trên nhà xuất bản gọi điện về nói: Buổi sáng giám đốc vừa quyết định in thêm 1500 tập nữa thì buổi chiều có lệnh đình chỉ phát hành.

Tôi nghĩ ngay đến các anh chị ở nhà xuất bản đã in sách cho tôi. Tôi là nguyên nhân tai họa của họ, nhất là với giám đốc Bùi Văn Ngợi.

- Chú Hoàng Hưng ở Sài Gòn vừa gọi điện thoại báo tin ngày mai có một phóng viên bay ra phỏng vấn anh về tập sách, một nữ phóng viên, anh chuẩn bị tiếp khách. Em bảo sách bị cấm rồi. Vừa có lệnh xong. Chú ấy cứ “thế à, thế à”, mãi sau mới nói “thôi anh chị cứ yên tâm, bây giờ không như ngày xưa nữa”.


Bây giờ không như ngày xưa nhưng vẫn là cái ngày xưa ấy kéo dài. Có thể tôi sẽ bị bắt trở lại cũng như gặp nhiều hiểm nguy, một tai nạn giao thông chẳng hạn. Còn Ngợi… Điều gì đang đợi chờ anh? Tôi bước tới nơi đặt máy điện thoại, bấm số:

- Tôi rất áy náy vì tôi mà các anh bị lôi thôi.


Tiếng Ngợi vang lên bên tai tôi, bình tĩnh, tự tin khiến tôi bất ngờ:

- Sao anh lại nói như vậy? Chúng ta làm một việc mà chúng ta tin rằng có lợi cho dân cho nước. Tôi chịu trách nhiệm về quyết định của tôi, công việc của tôi. Có nhiều điều không tiện nói qua điện thoại. Anh hiểu ý tôi chứ. Nếu có điều kiện mời anh lên tôi. Chúng ta sẽ gặp nhau ở Hà Nội. Anh nhớ thu hết số sách ở Hải Phòng, tôi sẽ cho xe xuống chở lên.


Giọng nói, cách nói vững vàng tự tin của anh làm tôi yên tâm dù lòng đầy phẫn nộ, không muốn nộp một quyển sách nào. Thu xếp một số công việc dở dang, chuyển số sách gửi những người quen về nhà, mấy hôm sau tôi lên Hà Nội.


Vẫn khuôn mặt xương xương thanh tú, cặp mắt sáng và nụ cười tươi như những lần gặp trước, như chẳng có chuyện gì xẩy ra, Bùi Văn Ngợi bắt tay tôi rất chặt. Rồi mở tủ lấy ra một chai Grant (một loại uytxki) uống dở. Chúng tôi chạm cốc. Tôi nói với anh rằng tập sách của tôi là đứa con chung của tôi và nhà xuất bản. Điều tôi lo là lo cho các anh, nhất là Ngợi chứ tôi có còn gì để mất nữa đâu. Giờ đây tôi với nhà xuất bản là một. Tôi sẽ nộp lại toàn bộ số sách, không để các anh gặp khó khăn. Tập sách tôi viết, nhưng anh là người chịu trách nhiệm xuất bản. Chính vì vậy mà trong lời đề tặng Ngợi, tôi ghi Tặng anh Bùi Văn Ngợi người đã ký quyết định cho tập sách này bước vào đời.


Ngợi sôi nổi:

- Tôi phải nói với anh rằng tập sách rất được hoan nghênh. Nhà xuất bản từ khi tôi về làm giám đốc chưa có tập nào được hoan nghênh như vậy. Nhiều người nói với tôi: Trong đời làm xuất bản ra được một tập sách như thế là hoàn thành nhiệm vụ rồi. Điều đó càng làm chúng ta tin rằng chúng ta làm một việc tốt. Quyển sách của anh, tôi đọc, tôi ký quyết định. Tôi chịu trách nhiệm. Sang năm 2000 rồi, ai mà không nghĩ đến vận mệnh đất nước, ai không nghĩ đến nhân dân. Trước đây một nước 400 đô la một đầu người có thể đánh thắng một nước 40.000 đô la một đầu người, nhưng bây giờ có thể như thế được không? Và nếu cuộc chiến tranh của chúng ta nổ ra trong thời điểm hiện nay thì liệu có hơn Kô-sô-vô không. Phá vỡ bao cấp trong kinh tế là tối cần thiết, nhưng còn phải phá vỡ bao cấp trong cái đầu, trong tư tưỏng nữa.


Anh chỉ lên đầu và khoanh một vòng chung quanh mái tóc thưa của anh.

-Vợ tôi đọc, nói với tôi là anh cứ làm những việc thế này thế nọ. Tôi bảo bà ấy: Thứ nhất là em ngồi đằng sau xe, anh không nhìn được vào mắt em vì anh phải nhìn đường, nếu không, đâm vào xe người ta gây tai nạn. Thứ hai là đến thăm ông ngoại thì cứ đến đi đã. Việc của anh, anh lo. Tôi đưa tập sách cho thằng con tôi đọc. Cháu đang học đại học. Đọc xong nó không nói gì. Cháu chỉ bảo mẹ: Việc của bố để bố giải quyết mẹ ạ. Thấy điện thoại gọi đến nhiều quá bà ấy hoảng. Bà ấy sợ nhiều thứ lắm. Cũng phải thôi. Ai mà không sợ, nhất là sợ vỡ niêu cơm.

Nhưng tôi thì không. Bây giờ có bao cách kiếm sống. Tôi có bằng lái xe. Tôi đã đi thanh niên xung phong. Với cái trí tuệ trung bình như tôi cứ đi họp thôi, mỗi cuộc họp một cái phong bì một trăm nghìn. Quá đơn giản mà chẳng phải động não.

Có người vợ nào không phải gánh nỗi lo của chồng. Gia đình tôi, tôi biết. Không chỉ nỗi lo, cả đau khổ nữa. Đau khổ cả đời. Tôi nghĩ mình thật có lỗi với chị Ngợi.


Ngợi hút thuốc và triết lý:

- Con người ta có nhiều vai diễn lắm. Ở cơ quan là thủ trưởng, về nhà là chồng, là bố. Đi họp là tép. Đừng quên vai diễn. Tôi đi họp, gặp anh Hồ Anh Dũng tổng giám đốc truyền hình. Chả trước tôi là cán bộ của anh Dũng. Sếp Dũng hỏi tôi: “Sao ra tập sách căng thế?”. Tôi chỉ cười: “Cũng phải dùng đến lưỡi dao mổ thôi anh ạ. Bây giờ không thể cứ dùng thuốc giảm đau quá hạn, thuốc bổ B1 mốc được nữa. Ung thư toàn thân rồi. Di căn rồi!”. Bạn bè tôi bây giờ phần lớn là vụ, vị, là tổng biên tập. Sáng nay có hai ông tổng biên tập đến đây hỏi xin sách. Tôi bảo hiện nay đang có chỉ thị ngừng phát hành. Có đấy nhưng không đưa cho các anh được. Tập sách của anh đang là thời thượng mà. Gặp nhau, các vị hỏi nhau: Đã đọc Chuyện kể năm 2000 chưa. Viết ghê lắm. Mình có một bộ.


Ngợi cười sảng khoái. Giữa lúc sinh mạng chính trị của anh đang bị đe doạ, cái ghế của anh lung lay tới tận gốc, chưa một lần tôi thấy anh buồn.

- Cục Xuất bản bảo tôi là lừa cục khi đăng ký đề tài. Tôi bảo chúng tôi không đánh lừa, nội dung tập sách không viết về cái thiện và cái ác là gì? Họ bảo nhưng phải tóm tắt nội dung chứ. Tôi bảo thế các anh quy định lại đi. Tác phẩm nào chúng tôi in được thì cứ in, còn tác phẩm nào loại nào phải gửi cả bản thảo lên cho các anh đọc. Cục Xuất bản còn bảo chúng tôi tổ chức hội thảo. Tôi bảo hội thảo cũng phải có thời gian đọc nữa chứ.


Tôi vội nói:

- Mình đứng ra tổ chức hội thảo, sao anh không tổ chức. Mình được mời đại biểu cơ mà.

Ngợi cười to trước sự ngu ngốc của tôi. Anh nghiêm mặt:

- Mình mời người của mình. Trình danh sách với họ. Họ điền thêm một danh sách khác. Anh mời thêm những người này để rộng đường dư luận. Thêm người là thêm tiền. Chuẩn bị hội thảo phải vài tháng, mất vài trăm triệu là ít. Đấy là chưa kể, hôm sau hội thảo thì tối hôm trước người ta đến tận nhà những người của mình, yêu cầu phải phát biểu thế này thế nọ.


Tôi thành thật:

- Đến chết tôi cũng không chừa được bệnh ngây thơ.

Tôi rất kính trọng anh khi anh nói:

- Anh đừng thương cảm cho tôi. Không in sách của anh, tôi sẽ in sách của người khác, cũng như thế. Tôi làm giám đốc ngày nào biết ngày ấy thôi. Đi khỏi đây cũng được nhưng thương anh em. Anh em lại phải mất sáu tháng dò xét người thủ trưởng của mình. Làm cầm chừng. Nghe ngóng. Dạo tôi mới về làm giám đốc là thế đấy. Anh em dò ý thủ trưởng mất nửa năm. Tôi về đây có người bảo gánh cái gánh ấy nặng đấy. Họ nói thế nghĩa là họ mỉa mình đấy anh ạ. Rồi bây giờ thì bắt tay: Sao? Đang khó khăn phải không? Tức là họ vui: Thằng ấy sắp chết rồi. Như thế đấy.


Anh như đúc kết một chân lý:

- Có những người muốn mình chết. Đến khi mình chết họ lại thương. – Ngợi cười hồn nhiên và cau mặt – Họ thương thật. Nhưng tình thương ấy là tình thương dã man nhất.


Tôi hiểu được cái tình cảm ấy, cái ngôn ngữ ấy. Như thơ Nguyễn Duy hôn má bên này bật máu má bên kia.

Ai cũng biết trước mặt anh là những ngày đen tối. Bởi anh đã phạm vào điều cốt lõi nhất trong kỷ luật của Đảng, một điều tối kỵ: Mất lập trường! Lập trường là thước đo, là điều gốc rễ quyết định tất cả. Là sự trung thành tuyệt đối với chủ nghĩa, với Đảng với chế độ, không dao động ngả nghiêng. Ngợi đã thấy cây mà không thấy rừng. Lẫn lộn hiện tượng với bản chất. Không gì nguy hiểm bằng sự thiếu kiên định của giai cấp tiểu tư sản bấp bênh… Tôi như đã nghe thấy những điều người ta buộc tội anh. Mất chức? Về hưu trước tuổi hay cho thôi việc? Như hiểu được những gì tôi nghĩ, anh chậm rãi kể:

-Tôi cùng học chính trị với một đồng chí thường vụ trung ương Đoàn. Chúng tôi phân công nhau làm bài và mệt quá cùng ra uống nước nghỉ giải lao thì điện thoại di động của anh ta kêu. Tôi nghe rõ tiếng ông trưởng ban tư tưởng văn hóa trung ương Đảng: Sao? Đã viết quyết định ủng hộ thằng Ngợi chưa? Tức là viết quyết định kỷ luật đấy. Anh ta trả lời rất khẽ. Tôi bảo: Ông cứ nói thoải mái. Tôi nghe hết cả rồi. Có gì mà ông phải giấu tôi. Cho nên thực sự tôi thương anh em. Guồng máy đang vận hành tốt. Mình ở lại ngày nào biết ngày ấy. Cũng có thể các ông ấy chưa hất mình đi ngay. Cứ để một thời gian nữa rồi mới hất. Như thế êm hơn. Đỡ dư luận. Trong nước ngoài nước xì xèo không có lợi.


Nhấp một ngụm rượu nhỏ, anh tiếp:              

-Thông thường khi xẩy ra một vụ việc gì đó, đương sự hoặc là đến nơi này nơi khác thanh minh hoặc gõ cửa xin nhờ vả, giúp đỡ. Các sếp cứ chờ một trong hai thái độ quen thuộc ấy, nhưng cả hai đều không xẩy ra. Các ông ấy cũng hơi lạ. Lần đầu tiên các sếp thấy một thái độ như vậy. Cái-thằng-đương-sự không đi đâu cả. Vẫn cứ bình thường.


Anh như đang cố nén một tiếng cười, rõ ràng anh sắp kể một câu chuyện rất thú vị:

 - Nhiều người có quyền sinh quyền sát đối với tôi, có thể ngồi ký lệnh cách chức tôi ngay tại đây, tại cái bàn này, sau khi đọc xong tập tiểu thuyết của anh, nói với tôi: “Hay quá. Chân thực. Cảm động. Lâu lắm mới đọc một quyển sách thích như thế. Bà vợ mình vừa đọc vừa khóc. Tớ đọc cũng chảy nước mắt. (Và Ngợi chuyển giọng) Nhưng đây là tớ nói riêng với cậu thôi. Ra hội nghị tớ nói khác đấy.”


Anh vỗ vai tôi, bắt chước cái động tác cấp trên đã làm với anh cho thêm phần thân mật, thành thật một cách bỗ bã. Và cười phá lên. Tôi cũng cười giòn giã. Thật không ngờ chúng tôi vẫn còn cười sảng khoái được như thế.

Đứng dậy để chia tay, tiễn tôi ra khỏi cửa tới hành lang, anh còn thì thầm:

-Anh thu sách về rồi hả. Tôi sẽ cho xe xuống Hải Phòng xe lên. Lọt được một quyển cũng là thắng lợi rồi.


Tôi ôm lấy Ngợi, cảm thấy như đã quen anh, đã thân thiết với anh từ bao giờ rồi và thả bộ về nhà Lê Bầu khi ấy vẫn còn ở phố Phùng Hưng. Câu chuyện Bùi Văn Ngợi kể về những người cấp trên của anh đọc quyển tiểu thuyết của tôi khen hay nhưng chỉ nói riêng với nhau thôi rồi chính những người ấy khi họp thành một hội nghị lại nói với nhau trái ngược hẳn những gì họ nghĩ, trái ngược hẳn những gì họ đã nói cùng nhau, điều ấy cứ vương vấn tâm trí tôi. Dù sao cũng phải biết ngượng chứ. Ngượng với nhau. Và ngượng với chính mình. Ngượng với chính mình mới là điều quan trọng. Không biết xấu hổ với chính mình, không biết đỏ mặt với chính mình, không còn chút liêm sỉ ấy, con người đi về đâu?


Biết tôi lên gặp Bùi Văn Ngợi, Lê Bầu ngồi ở cửa đợi tôi và sốt ruột muốn biết “tin sốt dẻo”. Nhưng tôi chưa thể nói cùng anh. Tôi phải đi tiểu cái đã. Xin lỗi bạn đọc. Sự thật là như vậy. Suốt cả buổi chỉ uống, bụng tôi căng cứng. Tôi bảo Bầu:

-Ông đi với tôi xuống nhà một tý…


Phải dẫn giải một chút về nhà Bầu. Anh sống độc thân trong một căn buồng tập thể chiều ngang 2 mét, chiều dài 5 mét chất đầy sách báo. Một tấm rèm vải cắt ngang cái ống hẹp là nhà anh thành hai nửa ngắn. Nửa ngoài đặt bàn viết và một manh chiếu rải xuống đất làm “xa lông” tiếp khách. Cái “xa lông” này lúc nào cũng ẩm vì nước sôi vì bã chè, nhiều cát đọng bên dưới và tàn thuốc lá bên trên. Nửa trong, sau rèm là giường ngủ. Vệ sinh, tắm rửa ở phía sau nhà, phải đi qua một mảnh sân nhỏ, có một cái giếng ở giữa sân, kiểu nhà Hà Nội cổ. Mảnh sân ấy gần đây xuất hiện một con béc giê to lớn, dữ tợn. Mỗi khi tôi có việc đi qua sân bao giờ Bầu cũng phải đi kèm. Con béc giê nhìn tôi nhe nanh gừ gừ như hâm nóng lên lòng căm thù rồi lao vụt ra. Đà phóng quá mạnh khiến sợi xích giật nó lại. Không có gì bảo đảm rằng sợi xích không đứt hay cái móc sắt bắt vào tường không bị bung ra. Bầu phải theo tôi, đi về phía con chó, che chắn cho tôi. Anh quát nó. Nó cúp đuôi lùi lùi và nằm vào chỗ cũ. Đi vệ sinh ở nhà anh quả là gian khổ. Tôi cứ phải bảo anh đi cùng tôi về phía sau nhà.


Nhưng lần này tôi chưa nói hết câu, anh đã cười:

- Kéo rèm lại. Chậu ở gầm giường ấy.

Tôi chưa hiểu ra sao, anh đã kéo rèm và lôi từ gầm giường ra một cái chậu men hoa to. Tôi ngơ ngác nhìn cái chậu in hình chim bay bướm lượn, mặt trời lên rất đẹp, như một cái chậu rửa mặt. Bầu giải thích:

- Để đem đổ ở ngoài đường, không ai nghĩ là mình đổ nước giải.


Vậy là không phải xuống nhà, qua mặt con béc giê hung dữ. Thật tuyệt vời cái sáng kiến này. Xong cái việc ấy tôi mới thuật lại chuyện gặp Bùi Văn Ngợi. Câu chuyện của chúng tôi bị ngắt quãng vì người bán bún vỉa hè trước cửa ló đầu vào, đưa cho Bầu một túi ni lông bẩn thỉu, nhỏ nhưng nặng:

- Của ông Bầu đây.


Một món gì đó do anh đặt hàng. Nhưng sao lại đựng trong túi ni lông nhầu nát bẩn thỉu, đất cát thế kia. Lại càng không hiểu khi thấy anh nhanh nhẹn đỡ lấy cái túi, chẳng buồn nhòm ngó, quẳng ngay vào gầm bàn tối, sát cái bếp dầu. Rồi moi ở đấy ra một túi khác, cũng bẩn và buộc kín như vậy nhưng to hơn, nặng hơn:

- Túi hôm qua vẫn còn đây này.


Anh bưng chậu men nước tiểu và xách cái túi hôm qua bước ra vỉa hè, đổ nước tiểu và vất túi xuống rãnh nước sát lòng đường. Không biết là túi gì. Rất bí hiểm.

- Túi xương. Cái con béc giê sân sau ấy, ông biết không. Rất khốn nạn. Mọi khi ông đi vệ sinh, qua sân, nó cắn, tôi mắng là nó im ngay. Nhưng đấy là lúc vắng chủ. Còn khi có mặt chủ, chính tôi nó cũng cắn. Mà dạo này thằng chủ thất nghiệp, nằm nhà mấy tháng rồi. Thế mới gay chứ.

Vẫn phải ra đằng sau tắm táp đi đồng đi áng. Mới tính xin tý xương cho nó gặm để lấy lòng nó. Nhưng chắc không ăn thua. Bao nhiêu xương rồi. Gặm vẫn gặm. Cắn vẫn cắn. Sủa vẫn sủa. Vắng chủ thì im thin thít. Lại còn vẫy đuôi rất biết điều. Nhưng cứ có mặt chủ là sủa. Là lao ra đớp. Là nhe răng trắng nhởn ra. Khốn nạn thế chứ…

Bầu nhăn mặt vẻ ghê tởm. Còn tôi phá lên cười. Cười và thoáng nghĩ không biết đã nghe chuyện này ở đâu rồi.

Bùi Ngọc Tấn