13 June 2020

NHÂN | TÀI | CHÀO - Chu Vương Miện


NHÂN

người miền này
người miền kia
xứ giầu
xứ nghèo
xã hội trình độ khác nhau
mức thu nhập không đồng đều
ý thức hệ khác nhau
thế là phải đánh nhau

người có vui có buồn
chuồn chuồn
khi bay khi đậu
sáo sậu
có khi hát có khi không
làm thuyền
khi neo bờ
khi xuống sông?

say đôi lúc muốn tỉnh
tỉnh xong lại muốn say
điên hoàn toàn hạnh phúc
tỉnh ra thấy đắng cay?


TÀI

có tài thì cứ cậy tài
cái tài liền với vành tai một vần
có tài thiếu nợ thiếu nần
thiếu nhai thiếu nuốt cái chân không giầy
không tài đi đó đi đây
có tài chúng ghét có ngày tù oan
có tài gáy mãi cũng nhàm
một mai nằm xuống không hòm để chôn?

hữu hạn
một thời gian rồi qua
huy hoàng hay không
tùy duyên
nhưng
chết là hết
là giải thoát
vô biên là
còn mãi mãi

CHÀO

Khi mà luỹ tre xanh dầy đặc bao quanh
Che kín mít xóm làng
Khi những cánh đồng lúa mùa lúa chiêm trĩu hạt
Thì nghe văng vẳng đâu đây nhạc của Nhạc sĩ Văn Cao
“Về đây khi gió mùa thơm ngát, ôi lũ chim giang hồ”
Và trong đêm thanh gió mát trăng mọc trên lùm tre
trong làng ta vang lên những điệu hò câu hát
dân dã “Hỡi cô tát nước bên đường”
và ban ngày đàn trâu bò ve vẩy hai tai trên đường về nhà
còn chú mục tử ngồi vắt vẻo trên lưng thổi sáo
thả diều còn bà con khom lưng gặt lúa, giã gạo

nhưng sau đó máy cày thay thế trâu bò,
đã có kinh mương dẫn nước “dẫn thuỷ nhập điền”
không còn tát đầu đình, gầu đôi gầu sòng
và đã có làm vần công Hợp tác Xã Nông Nghiệp
luỹ tre đã bị chặt hết, làng xã đã có giây đèn cột điện
không còn đèn dầu, đèn sáp, đèn cầy
tất cả điệu hò câu hát bỗng dưng biến mất?
thơ vè đồng dao đàn bầu đàn gáo đàn cò
theo bầy cò bay la bay la đi hết?

khi cô gái nhà quê từ bỏ nón thúng quai thao
áo thâm quần lĩnh đi chân đất
mặc quần đen áo trắng nón lá đi guốc
đi xe máy đạp
thì khi đó thơ mới tám chữ thay thế thơ cũ
Đường luật và cổ phong

bây giờ thế kỷ 21
có ci-nê cải lương nhà hát
có sòng bạc có khiêu vũ
có thể thao có du lịch có trượt nước
có máy bay có tàu thuỷ có cao ốc
bấy nhiêu thứ đó đẩy văn minh nông nghiệp
vào chân tường
và thơ tự do phát triển
được hơn hai chục năm
chấm dứt

bây giờ thời mới “thơ văn nhạc nhẽo cũng mới luôn”
người văn nghệ cũ không thoát xác
và thơ văn nhạc cùng ngừơi sáng tác ra nó
không còn lối thoát dở chết
trước khi bẻ bút ngừng viết
và người đọc bây giờ cũng đã đổi thay
tư duy cũng khác?
hàng mã còn tồn tại
văn chương lạc hậu biến thành cơm rang
cơm nguội
nhai không nổi?

Chu Vương Miện