Những ngày tháng cách ly
Nhưng trong cơn “bĩ cực” ấy, cũng có cái “hồi thái lai” [1], nếu nhìn sâu
nhìn kỹ thì cách ly cũng có phần tích cực của nó chứ không chỉ toàn là tiêu
cực. Chưa bao giờ, vợ chồng con cái dưới một mái nhà lại được sống gần gũi gắn
bó với nhau lâu dài như thế. Cha mẹ có nhiều thì giờ hơn cho con cái và đó là
những kỷ niệm êm đềm, đẹp đẽ cho đứa trẻ, khác hẳn với những ngày tháng phải
dậy sớm để được đưa đến trường đi học, tối mịt mới được đón về nhà. Với trẻ con
thì như vậy, còn đối với người lớn thì thời gian này cũng là thời gian tuyệt
vời để tâm mình lắng đọng xuống, trở về với chính mình, gột rửa bùn nhơ của
cuộc đời đâu đó còn đang đọng lại, để làm lại một con người mới sau cơn đại
dịch đi qua.
Về mặt xã hội, theo thống kê của chính phủ Đức, nạn trộm cắp giảm đi thấy
rõ. Ăn trộm cũng sợ trèo lầm vào nhà đang là ổ dịch Covid-19, không biết có lấy
được gì không nhưng vơ vài con virus mang về khổ vào thân. Còn dân móc túi, thì
càng thê thảm hơn, luật cách xa đến 2 m, đâm ra khó sáp lại gần, mà không lại
gần thì làm sao móc túi. Thành ra xã hội hôm nay như thời Nghiêu Thuấn mà người
Trung Hoa thường ca tụng, nhà không cần đóng cửa và đồ đạc để ở ngoài đường
không ai dám lượm vì sợ dính virus. Cũng vì sợ lây nhiễm, con người để ý đến
sức khỏe nhiều hơn, ra đường về nhà rửa tay kỹ hơn. Vì cách ly, nhà hàng đóng
cửa, nên muốn ăn phải lăn vô bếp, đâm ra ăn uống cũng cẩn thận hơn, nhiều rau
bớt thịt nhất là thịt từ các động vật hoang dã. Qua rồi thời kỳ ăn ở các nhà
hàng ăn bao bụng (All you can eat), ăn đến căng da bụng, chùng da mắt mà vẫn
còn ăn. Về giao thông, tai nạn cũng giảm hẳn, không đi đâu thì làm gì có đụng
xe, không ra đường làm sao bị xe cán. Tôi chưa bao giờ được tận hưởng cái trống
vắng trên đường phố, một mình một cõi thênh thang trên một đoạn đường dài.
Điều đáng mừng nhất trong thời gian cách ly, mọi việc như dừng lại, con
người bớt di chuyển, xe bớt chạy, hãng xưởng bớt phun khói, máy bay nằm ụ ở phi
đạo, tàu bè nằm neo ở bến cảng và thiên nhiên được yên nghỉ, phục hồi trở lại
trong một thời gian dài. Ở Vũ Hán quê hương của con virus Corona, bầu trời trở
lên trong xanh ngắt không đục ngầu vì do bụi xe hơi thải ra. Ngọn núi Himalaya
ở Ấn Độ lần đầu tiên sau 30 năm được nhìn thấy từ 200 km mà không bị mấy đám
sương mù do ô nhiễm che khuất. Cá delphin xuất hiện trở lại ở eo biển Bosporus,
Istanbul bên Thổ Nhĩ Kỳ, nơi chia cắt Âu Á, bình thường nơi đây thuyền bè qua
lại tấp nập, đông đúc, không còn đất sống cho sinh vật dưới nước. Ở Venice, Ý,
những đàn cá trở về lại những con kinh rạch trong thành phố, bơi tung tăng dưới
nước, nơi đây mỗi năm cả chục triệu du khách ghé qua, không lúc nào yên nghỉ. Ở
Ấn Độ, dân chúng lần đầu tiên thấy hơn 150.000 con chim hồng hạc bay về nhuộm
hồng những nhánh sông thành phố Mumbai. Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA)
cho biết là lượng khí thải CO2 trên toàn thế giới giảm 8% trong năm 2020, đây
là độ giảm lớn nhất sau đệ nhị thế chiến. Lệnh cách ly, đã giúp nước và
không khí trở lên trong sạch hơn và thiên nhiên đã được trả lại cho động vật
hoang dã.
Dịch Covid từ đâu tới?
Cho đến ngày 25.5.2020, trên toàn thế giới có hơn 5,3 triệu người bị nhiễm,
khoảng 343.000 người bị tử vong, riêng ở Đức có 178.568 người bị nhiễm, 8.280
người bị tử vong vì dịch Covid-19. Nạn thất nghiệp tăng trầm trọng, hàng triệu
công nhân bị mất việc, kinh tế lao xuống dốc. Riêng ở Mỹ vào tháng 4 năm 2020
có hơn 30 triệu người thất nghiệp và chưa bao giờ nhiều như thế. Ở các quốc gia
có nền kinh tế vững mạnh, công nhân được tiền thất nghiệp tuy chật vật nhưng đủ
sống qua ngày. Ở các quốc gia kém phát triển, người dân sợ chết đói hơn là sợ
dịch Covid-19, bởi vì nếu bị cách ly ở nhà, không được đi làm thì lấy tiền đâu
để mua thức ăn, họ thấy cái chết đói trước khi thấy mấy con virus. Ở Ấn Độ vào
tháng 4, cả triệu người đã phải bỏ thành phố trở về lại quê quán của mình vì
không có việc làm. Có người vì không có tiền, phải đi bộ cả trăm cây số về nhà
và một số đã ngục ngã giữa đường vì kiệt sức. Thấy thật thương tâm, lòng tự hỏi
ai là người đã mang tang tóc, đau thương cho đến nỗi này?
Có phải vì con vi khuẩn được Tổ Chức Y Tế Thế Giới (WHO) đặt tên là
SARS-CoV-2 không? Đúng, nhưng đó chỉ là cái “quả”, không phải là cái “nhân”.
Nhà nghiên cứu về động vật nổi tiếng Jane Goodall [3] khẳng định con người là
thủ phạm chính của đại dịch. Bà nói “Sự coi thường đối với thiên nhiên, sự
thiếu tôn trọng đối với động vật là nguyên nhân gây ra đại dịch”. Bà Goodall,
người được tờ Time bầu là 1 trong 100 nhân vật có ảnh hưởng nhất thế giới năm
2019, tiếp “Một thí dụ, nếu chúng ta phá rừng, các loài động vật khác nhau sẽ
phải dồn lại sinh sống chung trong một môi trường chật hẹp. Bệnh dịch sẽ dễ
truyền từ động vật này sang động vật khác. Một trong những động vật đó nếu tới
gần con người, sẽ có khả năng lây nhiễm con người”. Càng ngày, loài người càng
xâm lấn thiên nhiên, lấy mất đi môi trường sống của động vật, làm mất đi sự
quân bình sinh thái, dẫn đến sự xuất hiện của các bệnh dịch được truyền nhiễm
từ thú qua người, như đã từng xẩy ra với bệnh dịch hạch (thế kỷ XIV) từ chuột,
SARS (2002) từ cầy hương, Ebola (2014-2015) từ khỉ,…. Gần đây là virus Corona,
lây nhiễm do con người gần gũi với động vật hoang dã được bầy bán ở chợ thú
rừng ở Vũ Hán thuộc tỉnh Hồ Bắc, miền
trung Trung Quốc. Đại dịch đã bùng phát ra vào khoảng tháng 12 năm 2019, từ
những con dơi được bán ở chợ Vũ Hán. Người Trung Hoa ăn uống theo quan niệm “dĩ
hình bổ hình”, dịch nôm na là ăn hình nào bổ hình đó, như ăn óc heo (trư não)
bổ não, ăn dương vật của bò (ngẩu pín) cường dương cho đàn ông, ăn dơi để sáng
mắt vì dơi bay được trong đêm tối, ăn cầy hương có lợi cho sức khỏe, vi cá mập
được xem là món ăn đắt tiền và bổ dưỡng. Vừa rồi Hồng Kông mới tịch thu được 26
tấn vi cá lấy từ 38.500 con cá mập [4], chỉ vì loài người muốn ăn mấy vi cá cho
ngon, cho bổ mà mấy chục ngàn con cá mập phải chết oan uổng. Ăn không chừa một
sinh vật nào, càng hoang dã, càng tươi càng bổ. Để cho tươi, họ mua thú vật còn
sống về nhà rồi mới làm thịt. Đây là mầm mống tạo nên đại dịch. Theo nghiên cứu
của các nhà khoa học, có khoảng 1,6 triệu loại virus chưa biết đến và trong đó
có khoảng 600.000 đến 800.000 loại virus có thể truyền nhiễm qua con người, mà
phần đông có ở loài động vật hoang dã.
Ở Đức, các khoa học gia cũng cố gắng đi tìm nguyên nhân từ đâu dịch Covid-19
đã xâm nhập vào đất nước của họ. Theo bản nghiên cứu của Christian Drosten,
giáo sư chuyên viên về vi trùng học ở đại học y khoa Berlin Charité, và Andreas
Zapf thuộc đại học Magdeburg [6] thì đại dịch bắt đầu đi từ một người phụ nữ
Trung Quốc, đã bay tới miền nam nước Đức vào ngày 19.1.2020 để làm việc với
hãng chế tạo phụ tùng xe hơi Webasto trong 3 ngày. Người phụ nữ Trung Quốc này,
bệnh nhân số 0, sống ở Thượng Hải nhưng bị lây từ cha mẹ tới từ Vũ Hán. Bệnh
nhân số 0 đã lây 4 bạn đồng nghiệp Đức trong lúc làm việc chung. Bệnh nhân số
4, người Đức, ngay sau đó đã lây cho 1 đồng nhiệp khi ngồi ăn chung ở căn tin
(canteen). Bệnh nhân số 5 là nhân vật chính trong chuỗi lây bệnh dịch. Sự toàn
cầu hóa đã đưa con virus Corona theo bước chân con người từ vùng đất xa xôi Vũ
Hán đến nước Đức và cả thế giới.
Cuối cùng:
Amazon ở Brazil là rừng nhiệt đới lớn nhất thế giới. Rừng đã bị phá hủy
15-17% diện tích với một tốc độ đáng báo động. Riêng năm 2019, rừng bị chặt phá
tăng 85%, khoảng 10.000 km² tức là ¼ diện tích của nước Thụy Sĩ (41.285 km²).
Theo tiến sĩ David Lapola, người Brazil, chuyên viên nghiên cứu về sinh thái
học, cảnh báo đại dịch như ở Vũ Hán có thể trở lại bất cứ lúc nào nếu chúng ta
tiếp tục hủy diệt thiên nhiên và làm mất sự cân bằng sinh thái. Ông cho biết
rừng Amazon là nguồn dự trữ virus khổng lồ [5]. Nạn chặt phá, đốt rừng và chính
sách đô thị hóa ở Amazon là cơ hội thuận tiện để virus từ động vật hoang dã lây
qua người và là đòn bẩy đẩy đại địch sớm bùng nổ. Ngoài ra, Amazon còn được
mệnh danh là lá phổi xanh của trái đất vì hấp thụ một lượng lớn khí carbon
dioxide ra khỏi khí quyển, có một vai trò làm giảm thiểu sự biến đổi khí hậu.
Một khi rừng nhiệt đới Amazon biến mất vì bị chặt phá, sẽ có hai chuyện xẩy ra,
một là đại dịch có dịp bùng phát và hai là khí carbon dioxide sẽ bị thải vào
không khí, sẽ gây ra tình trạng biến đổi khí hậu và khó giữ được trái đất ở
nhiệt độ ngày hôm nay.
Cũng vì ích kỷ muốn ăn ngon, muốn ăn bổ, nên con người đã tạo cho con virus Corona có cơ hội lây từ thú sang người ở Vũ Hán và chỉ với một thời gian ngắn đại dịch đã bùng phát gần như ở tất cả các quốc gia trên thế giới, hiện nay vẫn còn tiếp diễn chưa chịu dừng lại. Đại dịch Vũ Hán đã đưa đến thảm họa trên 5,3 triệu người bị lây bệnh và khoảng 343.000 người bị tử vong trên thế giới (tháng 5 năm 2020). Nếu con người không thay đổi tư duy của mình, không bớt tàn phá thiên nhiên và không giữ được sự cân bằng sinh thái thì chắc chắn một điều đại dịch này chưa đi qua sẽ có đại dịch khác tới và thảm họa vì sự thay đổi của khí hậu sẽ tới với chúng ta một ngày không xa. Sự tồn vong của nhân loại là tùy ở chúng ta rất nhiều, bởi con người mới là nguyên nhân chính của bệnh dịch, của những thảm họa do thiên tai mang tới.
Tài liệu:
[1] Qua cơn bĩ cực đến hồi thái lai
[2] Chinh Phụ Ngâm, Tác giả: Đặng Trần Côn, Dịch ra chữ nôm: Đoàn Thị Điểm
[3] n-tv.de 11.4.2020: Forscherin gibt Menschen Schuld an Pandemie
[4] Báo online Người Việt 7.5.2020: Hồng Kông tịch thu 26 tấn vi cá, lấy từ
khoảng 38,500 cá mập
[5] Báo online futurezone.at 15.5.2020: Das nächste tödliche Virus könnte
aus dem Regenwald kommen
[6] Focus online 16.5.2020: Sie reiste für drei Tage aus China ein
Schleichend breitete sich Corona aus: Studie enthüllt Infektions-Kette bei
Webasto