Thời gian gần đây, những biến động kinh hoàng ngay tại Hoa Kỳ chi phối tinh thần của tôi rất nhiều. Tôi buồn, uất, thương và tiếc cho một đất nước bình an, người dân lịch sự, lễ độ, cao thượng và bao dung – vào thời điểm người Việt Nam tỵ nạn cộng sản đến Hoa Kỳ, năm 1975 – nay không còn nữa!
Không phải đợi cho đến năm 1975 tôi mới biết đa số người Mỹ
rất lịch sự, rất bao dung vì họ có trái tim vĩ đại; mà từ khi còn là đứa bé
gái, xem xi-nê phim Cowboys, thấy Mỹ và người da đỏ đánh nhau, tôi để ý, dường
như không bao giờ đoàn Cowboys cởi ngựa rược đuổi người da đỏ đến cuối đường rồi
tận diệt người da đỏ – như người cộng sản Việt Nam (csVN) đã hành xử đối với
quân cán chính và người miền Nam Việt Nam, sau tháng Tư 1975.
Đành rằng xi-nê là sản phẩm của nghệ thuật, đạo diễn có toàn
quyền phân cảnh, dàng dựng; nhưng, nếu đạo diễn xuất phát từ những “lò đào tạo
văn hóa” của csVN – như Tố Hữu – thì các “nhà văn hóa và nghệ thuật” này chỉ biết
“sản xuất” câu thơ như: “Giết, giết nữa, bàn tay không phút nghỉ…” chứ làm thế
nào các “nhà văn hóa và nghệ thuật” csVN có được những tác phẩm với đoạn kết thấm
đượm tình người như các đạo diễn miền Nam Việt Nam và đạo diễn Âu Mỹ.
Cho đến tuổi này, tôi cũng vẫn không hiểu tại sao lũ trẻ con
chúng tôi thời ấy lại rất vui thích, “hả hê” và vỗ tay liên hồi mỗi khi thấy
người da đỏ bị đoàn Cowboys đánh đuổi, phải “cong đuôi” – hai tiếng này do nhóm
trẻ con chúng tôi thời đó thường dùng – chạy vào rừng? Khi nào cũng vậy, đoàn
quân da đỏ chạy đến bìa rừng thì đoàn Cowboys quay ngựa trở về. Nếu đêm đến mà
chưa về đến xóm làng, đoàn Cowboys dừng lại, nhóm lửa nấu ăn rồi ca hát bên
nhau trong khung cảnh hết sức lãng mạn và trữ tình…
Tôi không thể nhớ được chi tiết những phim Cowboys chinh phục
miền Tây hay người Mỹ mở rộng biên giới hoặc những bài học về Thế Giới Sử, v.v…
có được bao nhiêu người da đen tham gia để mở rộng bờ cõi quốc gia Hoa Kỳ.
Nhưng, những biến chuyển phức tạp gần đây khiến tôi liên tưởng đến tình trạng
chính trị bất an thời Việt Nam Cộng Hòa (VNCH) trong hai thập niên 60 và 70.
Thập niên 60, trong khi tôi đau buồn và lo sợ mỗi khi nam
sinh cùng lớp hoặc cùng trường với tôi “Xếp bút nghiên lên đường tranh đấu”(1)
thì những nam sinh ấy lại “nghênh ngang” vừa cười vừa hát “lái” hai tiếng sau
cùng: “Xếp bút nghiên lên đường ‘trâu đánh’”. Đám nữ sinh chúng tôi cười rộ
lên:
-Tại sao mấy “ông” hát kỳ vậy?
-Mấy “bà” không thấy sao? Việt cộng xuất thân là mấy em chăn
trâu, chăn bò. Tụi tui đi lính có huấn luyện quân sự, có kỹ thuật tác chiến;
còn Việt cộng “có khỉ” gì? Việt cộng chỉ chuyên môn đánh lén, “húc càng”, lấy
“thịt đè người” – chiến thuật biển người do csVN học từ Trung cộng – vậy thì tụi
tui “hỏng” đánh với trâu thì đánh với ai?
Chúng tôi cùng cười vang.
Sau đó, qua khung cửa sổ trên lầu của lớp B4 trường trung học
Võ Tánh, mỗi khi thấy trực thăng bay vòng vòng gần trường, tôi nhìn theo, tự hỏi
không hiểu chiếc trực thăng đó sẽ đáp xuống bệnh viện Nguyễn Huệ hay đáp ở đâu?
Nếu trực thăng đáp xuống quân y viện Nguyễn Huệ, tôi thầm cầu nguyện thương
binh hoặc Tử Sĩ được đưa đến không phải là bạn của chúng tôi.
Khi vào Saigon – vì cư ngụ xa quân y viện Cộng Hòa – tôi
không thể thấy những chuyến trực thăng tản thương; nhưng tôi lại thấy tên bạn hữu
của tôi thường xuất hiện trên báo, nơi mục Cáo Phó hoặc Chia Buồn!
Trong khi tôi buồn, thương và tiếc cho sự “ra đi” quá sớm của
Bạn tôi thì những cuộc biểu tình rầm rộ và liên tục bùng vỡ ngay tại Thủ Đô
Saigon và nhiều thành phố lớn của miền Nam Việt Nam. Tôi rất bất nhẫn khi thấy
nhiều GMC – bên trong chở quan tài phủ Quốc Kỳ VNCH – chạy trên những con đường
nhỏ; còn trên đại lộ và ngay trước Tòa Thị Chính thì các đoàn biểu tình do Huỳnh
Tấn Mẫm, Ngô Bá Thành, Huỳnh Liên, v.v… xách động, hô vang khẩu hiệu đả đảo
chính phủ và “yankee-go-home”; trong phòng trà, ca sĩ “rên rỉ” những lời ca phản
chiến của nhạc sĩ tài danh Trịnh Công Sơn!
Là một người từng đàn và hát trong ban ca nhạc Bình Minh Đài
phát Thanh Nha Trang, có thể nói, tôi thuộc gần như tất cả tình khúc của Trịnh
Công Sơn. Nhưng, những lần tháp tùng đơn vị tác chiến của Hải Quân trong các cuộc
hành quân hỗn hợp tại U Minh Thượng, U Minh Hạ – để viết tường thuật – thấy
quân nhân VNCH chết hoặc bị thương được khiêng ra chiến đỉnh hoặc mỗi khi thấy
đoàn chiến đỉnh chuyển quân bị Việt cộng phục kích hay là sau khi đoàn chiến đỉnh
tiếp cứu một đồn Nghĩa Quân bị Việt cộng tấn công, v.v… rồi đêm về, đoàn chiến
đỉnh ra sông lớn, neo giữa sông để bảo toàn an ninh cho đoàn chiến đỉnh, mà
nghe những bài hát phản chiến từ radio của anh lính gác trên chiến đỉnh, tôi lại
cảm thấy lòng dâng lên niềm bi phẫn tột cùng! Không biết bao nhiêu lần tôi đã
khóc và tự hỏi: Ai đổ máu trên chiến trường để quý vị được an toàn ngồi
“xa-lông” phản đối cuộc chiến này? Tại sao quý vị không phản đối kẻ từ miền Bắc
vượt Trường Sơn vào bắn giết người miền Nam? Tại sao trong đoàn biều tình không
có biểu ngữ nào lên án sự xâm lăng có chủ mưu của csVN và sự yểm trợ quân sự rất
tích cực của Nga và Trung cộng – mà chỉ có những biểu ngữ lên án chính phủ VNCH
và yêu cầu Hoa Kỳ rút quân? Thế thì quý vị “phản chiến một chiều” à? Thế thì có
công bằng cho người Lính VNCH đang trực diện giữa hai bờ sinh tử nơi tiền tuyến
hay không?
Giữa khi bạn tôi và hầu hết thanh niên cùng thời với tôi “ngụp
lặn trong máu” trên các chiến trường miền Nam thì csVN dốc toàn lực lượng, vượt
Trường Sơn, vượt sông Bến Hải vào Nam. Các cuộc biểu tình quy mô, rầm rộ được tổ
chức tại Hoa Kỳ, buộc Mỹ rút quân khỏi miền Nam Việt Nam và ngưng hẳn viện trợ
vũ khí cho quân lực VNCH, trong khi Trung cộng và Nga vẫn viện trợ vũ khí cho
csVN; Trung cộng đánh chiếm Hoàng Sa thì Hậu phương miền Nam bất ổn, sôi sục vì
các cuộc biểu tình “phản chiến một chiều” được Huỳnh Tấn Mẫm, Hoàng Phủ Ngọc Tường,
Hoàng Phủ Ngọc Phan, Huỳnh Liên, v.v… xách động!
Hậu quả của những sự việc kể trên đưa đến thảm họa ngày
30-04-1975! Rồi biết bao nhiêu ngàn người đã chết trên đường vượt biển, vượt
biên – chỉ vì họ không thể sống được với csVN!
Suốt thời gian dài lưu vong để khỏi phải sống với csVN, tôi
cứ tưởng rằng tôi đã quên được những bất công mà xã hội, con người và hoàn cảnh
đã dành cho bạn tôi và thanh niên cùng thời với tôi. Nhưng, những biến động bất
ngờ và dữ dội xảy ra liên tiếp trong thời gian gần đây, trên nhiều tiểu bang của
Hoa Kỳ, khiến tôi lo sợ và phẫn uất.
Không phẫn uất sao được khi mà, ngày 19 tháng 01 năm 1974,
Trung cộng ngang nhiên đánh chiếm Hoàng Sa của VNCH và hiện nay Trung cộng vẫn
còn đang tranh chấp với csVN về chủ quyền Trường Sa thì bộ trưởng quốc phòng
Trung cộng Ngụy Phượng Hòa trong bài phát biểu tại Shangri-La, Singapore, ngày
02-06-2019 đã nói – mà không biết ngượng: “Trong suốt 70 năm qua kể từ ngày
thành lập nước, Trung quốc chưa bao giờ phát động một cuộc chiến hay xung đột,
hay xâm lược quốc gia khác hay lấy dù chỉ một tấc đất của nước khác”. Link:
Không phẫn uất sao được khi mà Trung cộng chiếm gần hết biển
Đông và có ý đồ thành lập vùng nhận dạng phòng không tại biển Đông; giấu nhẹm rồi
phát tán bệnh dịch Covid-19 ra khắp thế giới; tổ chức đưa phụ nữ Trung Hoa mang
thai cận ngày sinh sang Mỹ du lịch để sinh con, được quốc tịch Mỹ; sinh viên từ
Trung cộng sang Hoa Kỳ đi học thì, sau khi tốt nghiệp đại học, xin ở lại Mỹ tìm
việc làm rồi ăn cắp tài liệu mật của Mỹ, gửi về Tàu, v.v… Nhờ những sự “ăn cắp
trí tuệ” của Mỹ mà – từ một nước Trung Hoa lạc hậu, chỉ biết sống nhờ vào bán hủ tiếu, hoành thánh mì, tàu hủ, v.v… – bây giờ
Trung Hoa có Hàng Không Mẫu Hạm, máy bay phản lực, phi thuyền, nguyên tử, v.v…
Trong khi những hiễm họa do Trung cộng tổ chức một cách quy
mô – với mục đích phá nát Hoa Kỳ để dành quyền lãnh đạo thế giới – đã và đang
hiển hiện ra đó thì phi cơ chiến lược của Nga thường cố tình xâm nhập không phận
Hoa Kỳ, vùng Alaska. Phi cơ Hoa Kỳ phải bay lên nghênh chiến. Theo bảng tin của
Ryan Pickrell ngày 17-06-2020 lúc 11:37AM trên Business Insider thì: US
fighters have rushed to intercept 8 Russian bombers approaching Alaska in the
past week. Link: https://www.yahoo.com/news/us-fighters-rushed-intercept-8-163722980.html
Nước Mỹ đang bị ngoại quân xâm lăng một cách tiệm tiến!
Người Việt chúng tôi đã mất miền Nam Việt Nam vì những âm
mưu, những lũng đoạn chính trị đã tới tấp “giáng” xuống thân phận người Lính
VNCH. Sự trường tồn của một quốc gia sẽ không còn nếu quốc gia đó không có quân
đội; xã hội sẽ nhiễu loạn nếu không có Cảnh Sát.
Hiện nay, người lính Mỹ – cả Mỹ trắng, Mỹ đen, Mỹ “vàng” và
Mỹ lai – hiện diện trên nhiều lãnh thổ xa xôi để sẵn sàng ngăn chận bước tiến của
Trung cộng. Thế thì, tại sao ngay trong lòng nước Mỹ, người dân Hoa Kỳ không một
lòng cùng với người Lính Mỹ tìm mọi phương pháp ngăn chận sự bành trướng của
Trung cộng mà loạn lạc lại nổi lên và có tiểu bang còn tạo khu “tự trị”, chỉ vì
cái chết của George Floyd?
Cái chết của George Floyd, cũng như cái chết của Rayshard
Brooks, do cảnh sát người da trắng gây ra là điều đáng tiếc. Riêng về cái chết
của Rayshard Brooks, theo bảng tin của Stephen Proctor, ngày 18 tháng 06/2020 lúc 2:03 AM/CDT, chính Tổng Thống Trump đã nói: “I
thought it was a terrible situation,” Trump said, “but you can’t resist a
police officer, and, you know, if you have a disagreement, you have to take it
up after the fact. It was a very sad – very, very sad – thing. You take a look,
it was out of control. The whole situation was out of control.” Link:
Trong bảng tin của Associated
Press Reporters, ngày 18/06/2020 lúc 1:26 AM/CDT thì: During an
interview on Fox News, Mr Trump said: “I don’t know that I would have
necessarily believed that, but I will tell you, that’s a very interesting thing
and maybe that’s so. They are going to have to find out. It’s up to justice
right now. It’s going to be up to justice. I hope he gets a fair shake because
police have not been treated fairly in our country. They have not been treated
fairly.” Link:
https://www.yahoo.com/entertainment/us-police-not-treated-fairly-062601367.html
Tiếp theo là Simpson County sheriff’s deputy James Blair,
người da trắng, bị một người da đen giết; Oluwatoyin Salau – người da đen,
thành viên của Black lives matter” – bị một người da đen hãm hiếp rồi giết; bà
Victoria Sims cũng do một thanh niên da đen giết, v.v… Tất cả đều đáng tiếc!
Links:
https://www.yahoo.com/lifestyle/tributes-pouring-activist-oluwatoyin-salau-162151318.html
Tôi tự hỏi, Hoa Kỳ
là một quốc gia thượng tôn pháp luật, tại sao không để pháp luật trừng phạt kẻ
phạm tội mà quý vị phải khổ sở, nhịn ăn, nhịn uống, giải nắng dầm mưa đi biểu
tình trong khi dịch Covid-19 do Tàu cộng phát tán đã giết hơn 100 ngàn người Mỹ?
Tôi cũng tự hỏi, có phải vì người da trắng, da vàng và da đỏ đã hấp thụ được
thái độ sống cao đẹp trong câu nói “Darkness cannot drive out darkness; only
light can do that. Hate cannot drive out hate; only love can do that” – của mục
sư người da đen, Martin Luther King Jr. – hay không mà tôi chưa hề thấy các sắc dân da trắng, da vàng hoặc da đỏ biểu
tình đòi “lives” của các nhóm người đó “matter”!
Người biểu tình tuyên bố “No Justice no peace”. Vâng! Đúng!
Nhưng muốn có Justive thì phải có thời gian để điều tra, tìm bằng chứng thì mới
có thể đưa phạm nhân ra Tòa. Hoa Kỳ chứ không phải nước cộng sản như Trung cộng,
Việt Nam, Iran hoặc Bắc Hàn mà nhà cầm quyền muốn bắt ai thì bắt; giết ai thì
giết.
Là một phụ nữ phải tỵ nạn cộng sản, vì chồng, anh em, bà
con, bạn hữu của tôi bị Hoa Kỳ cắt đứt viện trợ từ năm 1973, không còn vũ khí để
chống trả những cuộc cường tập quy mô và tàn bạo của csVN, tôi gậm nhấm nỗi đau
của người đã mất Quê Hương. Nhưng tôi không oán hận chính phủ Hoa Kỳ đã bỏ rơi
người Lính VNCH, mà – nhờ những phim Cowboys ngày xưa – tôi lại rất thương nước
Mỹ.
Tình thương của tôi dành cho nước Mỹ được thể hiện rõ nét nhất
trong bài Tạ Ơn Mảnh Đất Này khi quân khủng bố Hồi Giáo tấn công The Twin
Towers of the World Trade Center và the Pentagon, ngày 11 tháng 09 năm 2001. Thời
điểm đó tôi đang du lịch nước Nga. Tôi vừa quẹt nước mắt vừa viết – bằng bút –
bài này tại phi trường Frankfurt, Đức, trong khi chờ chuyến bay chuyển tiếp để
về Hoa Kỳ. Mời độc giả đọc link này: https://www.diepmylinh.com/ta-on-manh-dat-nay
Nỗi niềm của tôi được bộc lộ trong câu kết luận của bài Tạ
Ơn Mảnh Đất Này: “Tôi cúi xuống xách hành lý, lòng âm thầm tạ ơn nước Mỹ; nơi
đã cho tôi hiểu thế nào là giá trị thực tiễn của tự do, dân chủ và công bằng.
Và trên tất cả mọi điều, nước Mỹ đã cho tôi cơ hội thể hiện tinh thần tự lập của
một phụ nữ.”
Vâng! Tôi thương và biết ơn nước Mỹ không phải vì nước Mỹ
trù phú, đời sống cao sang, người dân nặng tinh thần tự lập, khoa học tối tân,
y tế tuyệt vời và quân đội tinh nhuệ nhất hành tinh – mà tôi thương và biết ơn
nước Mỹ chỉ vì những giá trị tinh thần như: Tự Do, Dân Chủ và Công Bằng.
Nếu Mỹ đã có tự do, dân chủ và công bằng thì sự kỳ thị trên
đất nước Hoa Kỳ không thể tồn tại.
Nếu sự kỳ thị trên nước Mỹ còn tồn tại thì làm thế nào Hoa Kỳ
có được những nhân vật người da đen như: Mục sư Martin Luther King Jr., Condolezza Rice, Oprah Winfrey, Louis
Amstrong, Hiram Rhodes Revels, Carol
Moseley Braun, Micheal Jackson, Aliko Dangote, Mike Adenuga, v.v…và hai
nhân vật vượt đến tột đỉnh danh vọng: Đại tướng Colin Powell và Tổng Thống Hoa
Kỳ Barack Obama?
Nếu Mỹ kỳ thị thì làm thế nào người Mỹ gốc Á Châu có được những đóng góp đáng kể vào quân đội, chính trường, khoa học, khoa học không gian, giáo dục và y khoa như hiện nay? Nếu vị nào hoài nghi, kính mời vị đó vào Google tìm thì sẽ rõ. Điễn hình gần đây nhất, bảy tân sĩ quan gốc Việt hoặc Việt lai và nữ tân sĩ quan đầu tiên người Sikh – Second Lieutenant Anmol Narang – vừa tốt nghiệp từ the US Military Academy at West Point. Không những thiếu úy Anmol Narang “làm nên lịch sử” mà quân đội Hoa Kỳ còn cho phép thiếu úy Anmol Narang để tóc dài vì vấn đề tôn giáo.
(Hình: United States Military Academy West Point)
Trong khi không biết bao nhiêu người trẻ thuộc nhiều chủng tộc
khác nhau đều dấn thân để bảo vệ Hoa Kỳ thì tại sao “nội loan” lại nổi lên? Bằng
vào những ngày khói lửa trên Quê Hương tôi, tôi hiểu rằng: Hâu phương có vững mạnh
thì người Lính nơi tiền tuyến mới an tâm chống lại kẻ thù.
Tôi cảm thông nỗi uất ức của người da đen. Nhưng nỗi uất ức
đó do những người thuộc các thế hệ xa xưa, cách nay gần 200 năm – cùng thời với
Tiền Nhân của người da đen đến Mỹ – gây nên. Người cùng thời với quý vị da đen
hiện nay đang lo hàn gắn những “vết thương” đó chứ người cùng thế hệ với quý vị
không gây nên những uất ức đó. Người cùng thế hệ với quý vị da đen ngày nay vô
tội.
Theo lẽ công bằng: Ai vay, người đó trả.
Tôi nghĩ “Black lives matter” là một tổ chức có hệ thống, có
sức lôi cuốn mãnh liệt đối với quần chúng. Vậy thì, xin quý vị da đen hãnh dùng
“sức mạnh của quần chúng” – mà quý vị có thể thu hút – để thỉnh cầu chính phủ
Hoa Kỳ không cho người Trung Hoa sang Mỹ du học hoặc làm việc; vì tài liệu trên
Internet đã chứng minh: Một số người Trung Hoa, hễ họ làm việc ở cơ quan nào hoặc
theo học trường đại học nào thì họ cũng ăn cắp tài liệu mật của cơ quan đó, của
ngôi trường đó rồi lén chuyển về Tàu. Quý vị cũng nên thỉnh cầu chính phủ Hoa Kỳ
không cho các doanh nghiệp của Mỹ đặt trụ sở tại Trung cộng để tạo thêm công ăn
việc làm cho công dân Mỹ; không phổ biến bất cứ biểu tượng nào của Trung cộng
trên đất nước Hoa Kỳ; không cho phép người Trung Hoa mua nông trại và bất động
sản trên đất Mỹ; giới hạn tối đa về giao thương với Trung cộng; vì cả thế giới
đều tin dùng sản phẩm của Hoa Kỳ. Hoa Kỳ không cần thị trường của Trung cộng.
Xin quý vị da màu – trong đó có người Á Đông chúng tôi – hãy
thương và nghĩ đến Mảnh Đất Này; hãy thương và nghĩ đến chồng, Cha, anh em, con
cháu của chúng ta đang đóng quân nơi xa xăm để theo dõi, ngăn chận sự xâm lượt
có chủ mưu của Trung cộng.
Tôi thật sự lo sợ rằng Trung cộng đã, đang và sẽ trà trộn
vào các cuộc biểu tình dai dẳng của quý vị để tạo thêm những tác hại khôn lường
cho tình đoàn kết của người dân Mỹ và tinh thần chiến đấu của quân đội Hoa Kỳ.
Xin đừng vì bất cứ động lực nào để tạo biến động cho người
Lính Hoa Kỳ phải trực diện với tình cảnh bi thảm như người Lính VNCH phải gánh
chịu năm 1975!
Viết đến đây, thấy một email vừa vào Inbox của tôi, tôi chuyển
sang và mở email. Đọc bảng tin tiếng Việt do anh Tiêu Nhơn Lạc chuyển, tôi lặng
người, như không tin vào mắt tôi!
Để kiểm chứng, tôi vào Googlo tìm và thấy dòng chữ này:
George Washington statue in Portland toppled, protests continue. Bài và hình của
Katu Staff, ngày 19 tháng 06-2020. Link: https://katu.com/news/local/george-washington-statue-in-portland-torn-down-protests-continue
Nhìn pho tượng của Tổng Thống George Washington bị giật sập,
úp mặt xuống vệ đường, tôi lặng người, muốn khóc mà khóc không được!
Hành động và tâm trạng của tôi lúc này cũng không khác chi
năm nào tôi thấy bức ảnh Tượng Thương Thiếc trước cổng Nghĩa Trang Quân Đội
Biên Hòa bị csVN giật sập!
Niềm bi phẫn từ đâu kéo đến, dâng ngập cả hồn tôi!
1.- Xếp Bút Nghiên của Lưu Hữu Phước.