Biên cương nẻo cũ thôi đành...
Có nghe tê tái khúc hành quân xa
Đi tới đoạn đường này, tôi bắt đầu thấy gió mát, một mùi nồng thoảng rất lạ của
thiên nhiên bốc lên từ một giòng nước, tai lại nghe thấy những âm thanh nhỏ
rung lên từ những lay động của biết bao nhiêu cành lá xanh tươi. Đương bắt đầu
đổ dốc và chẳng bao lâu tôi đã trông thấy mặt nước ở cuối con đường. Chúng tôi
đi mau gần như chạy trên đường đá rộng này mà hai bên mọc những cây bã đậu cao
lớn mình đầy gai nhọn. Có đứa bạn bảo tôi: cây bã đậu là cây ngô đồng vì “cây
ngô đồng không trồng mà mọc” - ai mà trồng cây bã đậu trong vườn đâu! Có đứa bạn
lại bảo cây ngô đồng bên Tầu mới có, chứ nước mình chỉ có cây vông để làm guốc
hoặc là cây hoa gạo thôi. Tháng ba hoa gạo nở ra đỏ như máu dính trên cây, cũng
là lúc khí trời oi bức làm cho những con chó phát điên. Còn cái thằng bạn tên
là Điểm đang đi bên cạnh tôi thì cho rằng cây ngô đồng chỉ là cây ngô đồng,
không phải cây gì khác. Tốt hơn hết là dẹp cái cây ngô đồng của tôi sang một
bên và nó chỉ cho tôi thấy dưới dốc có ba đứa con gái đang ngược chiều đi lên,
nói cười ríu rít.
Đó là Túy, Hà và Kim Lan; ba đứa học cùng lớp tôi hôm nay mặc
đồ bà ba, tay cầm nón, xách guốc, xách giỏ. Ba đứa con gái thấy chỉ có hai đứa
con trai thôi đâu có sợ gì. Hà nhăn răng cười dọa, giơ cao tay cầm guốc như muốn
bổ xuống đầu tôi:
- Có biết lội không mà đòi đi tắm sông, ông nội! ma da bẻ
giò bi giờ.
Hà ngồi cuối lớp bên con gái nhỏ tuổi hơn tôi nhiều mà lúc
nào nó cũng làm như nó là má tôi vậy; nếu nó là con trai tôi đã vật cổ nó xuống
đất rồi. Hai đứa kia không nói gì, lung liếc mắt cười.
Độ này tôi bắt đầu để ý đến mấy đứa con gái học cùng lớp. Ba
đứa này luôn luôn đi cặp mà luôn đi trể giờ thầy Bùi Luận. Lớp học thường đã học
mười lăm phút mới thấy chúng nó lấp ló ngoài cửa lớp. Thầy Bùi Luận dễ tính lắm,
a hèm một tiếng lớn, thế là chúng nó cười rúc rích như chuột rồi từng đứa hiên
ngang đi vào. Rõ ràng là con gái đẹp thì nó không ngán ai hết, kể cả ông thầy.
Tuy thế chúng đi thật sát vào bàn đầu chỗ tôi ngồi vì còn ngại cây thước khá
dài của thầy có thể gõ trúng. Hà đi vào trước rồi tới Kim Lan và sau cùng là
Túy. Cả ba đứa con gái mới lớn, năm trước ngực bắt đầu phồng lên, đen đen như
là tụi nó có lận hai trái mầng quân bên trong, thế mà năm nay đã thành ba kiều
nữ. Túy đi sau cùng, người mảnh mai, da trắng hồng, tóc nâu đen sợi nhỏ tha thướt,
có khi quệt cả vào tay tôi, biết có cố ý không?
Bỗng thằng Điểm quay lại nói lớn làm tôi hết hồn:
- Túy ơi, Túy đẹp quá trời, Hào thương Túy rồi đó.
Cả ba đứa con gái đứng phắt lại. Túy không nhìn thằng Điểm
mà nhìn tôi, môi cong lên:
- Trò Hào, trò ăn nói gì bậy bạ quá vậy, tui méc ông thanh
tra cho trò biết thân.
- Tôi đâu có nói gì đâu, thằng Điểm mà!
- Trò mới nói đó, ai cũng nghe hết, có chứng Hà với Kim Lan
nè.
Hà với Kim lan mỗi đứa một câu, giọng khoan khoái:
- Ừa ừa đúng đó!
- Hết đường chối cãi rồi!
Chết mẹ chưa! tôi bước đi mà lòng buồn muốn chết. Lỡ ba đứa nó kéo tới văn
phòng mà nói với cha tôi thì rồi đời! Bao nhiêu niềm háo hức khi cái thằng Điểm
du côn mắc dịch này rủ tôi đi tắm sông lần đầu với nó tan theo mây khói. Ra tới
bờ sông tôi vẫn còn thắc mắc không hiểu sao Túy lại lộn tiếng tôi với giọng thằng
Điểm, mà không lẽ hai đứa kia cũng lộn nữa sao! Nhưng tôi cứ giận thằng Điểm, tại
sao lại đi kiếm chuyện với mấy đứa con gái để bây giờ thêm rắc rối. Tôi nhất định
ngồi bên bờ sông coi một nguời câu cá bằng hột bắp luộc, mặc cho thằng Điểm
nhào lộn dưới sông, không thèm nhờ nó tập bơi.
Liên tiếp mấy ngày hôm sau, tôi hồi hộp chờ đợi cha tôi gọi lên trị tội, nhưng
chuyện đó mãi không xảy ra. Buổi chiều tôi thường đi học rất sớm, hay thơ thẩn ở
khu rừng cây trước sân trường. Đó chẳng phải là khu rừng hoang vì có những lối
mòn quanh co xuống dốc mà chỗ thấp nhất là một giòng suối. Gần đó có cái nhà chỉ
có mái với cột, ở giữa là một hồ nước lớn; người ta gọi là Giọt và đến đó tắm
giặt. Phía ngoài bìa rừng có rất nhiều me dại và cây phượng, hè đến thì nở hoa
đỏ rực và lũ ve kêu ran. Cái lũ ve này hình như được chỉ huy bởi một ve nhạc
trưởng: thỉnh thoảng chúng đồng loạt im bặt, khiến không gian trống vắng làm
tôi nghe được tiếng suối chảy róc rách và tiếng những đứa trẻ nô đùa dưới hồ nước;
rồi một cô ve giọng tốt độc xướng khá lâu, sau đó tất cả lại đồng loạt hòa tấu
khúc ca mùa hè rền rĩ nỉ non. Nhưng bây giờ còn lâu mới đến hè.
Hai năm trước theo cha đến đây, ông chỉ cho tôi miếng đất hình tam giác vuông,
hai cạnh vuông là đường Ngô Quyền và một cạnh dài của sân vận động thành phố; cạnh
kia là một đường nhỏ tôi không nhớ tên. Cha tôi bảo sẽ xây trong hè này năm lớp
học của trường trung học ở đây, con không phải học nhờ trường tiểu học nữa.
Theo ngón tay ông chỉ thì năm lớp học sẽ song song, và cửa quay mặt ra đường
Ngô Quyền, dĩ nhiên sẽ xây lùi vào trong một chút để có chỗ chào cờ. Tôi năm đó
mới học lớp sáu nhưng đã ti toe chút phong thủy nên bàn với cha rằng: xây như vậy
trên miếng đất không nở hậu sợ không tốt. Nếu xây dựa lưng vào sân vận động sẽ
khá hơn. Ông bảo ông cũng biết thế, trường học hay thư viện được xếp vào hành mộc,
một hành yếu nhất trong ngũ hành, và không nên quay mặt về hướng Nam là hành hỏa,
sẽ tự cháy rồi biến thành tro bụi; Mộc là một hành nghiêng về văn học nhệ thuật
thích hợp với văn nghệ sĩ, nên họ thường mệnh yểu; nhưng bản vẽ đã được chấp
thuận trước rồi. Sau này ông sẽ đóng cột ở hai đầu thuộc đường Ngô Quyền để
không cho xe hơi đi qua, như ông đã làm ở trường tiểu học Lý Thường Kiệt Hà Nội.
Khu rừng trước mặt sẽ bị ông hoặc các hiệu trưởng sau lấn chiếm từ từ, lúc đó
miếng đất hình tam giác sẽ biến dạng. Ông nghĩ chính quyền tỉnh chắc sẽ lờ đi.
Tôi vốn mê khu rừng đó, thích lắm và không bàn nữa.
Lúc trở lại lớp học, cửa hé mở, tôi thấy Túy ở trên bảng đen đang viết vẽ cái
gì đó. Cũng lạ thật, vì Túy không bao giờ đi học một mình sớm như vậy. Trông thấy
tôi, Túy tươi tỉnh hẳn, không cong cớn như bữa hôm nọ trên dốc bờ sông:
- Túy bỏ quên bài tập lý hóa ở nhà rồi, làm ơn cho Túy mượn
cái xe đạp chạy về nhà chút xíu đi.
Lớp học vắng lặng, bàn ghế nghiêm trang quá, ánh nắng buổi
chiều bắt đầu chiếu nghiêng qua hai cửa sổ lớn làm cái áo dài trắng của Túy bừng
sáng trước bảng đen, làm cho câu nói đó một âm vang đặc biệt-vì đó cũng là lần
đầu mà Túy xưng tên với tôi với một cái giọng hết sức ngọt ngào.
Đã nhiều năm chúng tôi cùng học một lớp. Chúng tôi biết rõ từng căn nhà của nhau,
cha mẹ và cả anh em những đứa bạn cùng lớp: nhà thằng Hồ Thân có cây me cao lớn
lắm, anh em nó không đứa nào dám leo, chỉ đứng dưới mà thọc. Hồ Thân rất nghiêm
trang và học giỏi, Hồ Túc thì rất vui vẻ, sẵn sàng thọc một trái đu đủ cho tôi
mang về. Nhà thằng Quáng có một vườn nhãn, tới mùa nhãn chín phải lấy rọ tre bọc
các chùm nhãn lại không thì lũ dơi phá hết. Đến nhà nó vào lúc nhãn chin, nó
cho ăn không biết đường về. Nhà thằng Quý không có gì hết, ở ngay bên cánh đồng;
muốn cầy ruộng thì đến đó mà cầy với cha nó. Cầy đã rồi thì cha nó bắt nhậu đế,
hút thuốc lào, say gần chết. Nhà thằng Nương bao nhiêu là cây trái lá hoa, lại
có cả hoa biết nói.
Tôi đến chơi rút khẩu cầm ra thổi, nàng ca theo giọng Huế mơ hồ, cũng thấy long
hơi bâng khuâng. Còn nhà Túy ư? Ngày nào tôi chẳng đạp xe qua: một căn nhà kiểu
Tây lại lợp ngói âm dương, toàn những cột kèo đen thui. Nhà có vưởn sau rộng lắm,
không biết bao nhiêu là loại cây mọc lỉnh kỉnh trong vườn: nhãn, ổi, thị, khế,
thanh long, thanh trà, vú sữa, bình bát, mầng quân, dừa lửa và bao nhiêu cây sứ
cây lựu nở hoa tưng bừng. Nhưng không có đứa con trai nào dám đến: ở căn giữa
lúc nào cũng có cha Túy ngồi viết chữ Tàu trên cái bàn đen trước bàn thờ, tường
cũng treo toàn chữ với tranh. Cha Túy là ông nho nói chữ thánh hiền. Chúng tôi
không đứa nào có được ba chữ lận lưng, sao mà dám đến.
- Vậy chứ Hào có cho Túy mượn xe không? Túy lập lại.
- Ừ được mà, nhưng xe của tôi có cây đồng dông, làm sao Túy
đi được?
- Vậy chứ Hào không biết chở Túy à?
Túy trả lời rất nhanh rất gọn, mắt nhìn đăm đăm khiến tôi choáng váng, ngần ngừ
ấp úng. Nàng bồi thêm:
-Chỉ đi qua có một cái sân đá banh, vài ba con đường nữa là
đến nhà rồi, Hào chở không nổi sao?
Lúc ấy tôi nhớ chuyện cũ trên dóc bờ sông, rất là ngại ngùng
nhưng đôi mắt long lanh ấy còn hơn là một mệnh lệnh. Tôi líu ríu đi tìm cái xe
đạp...
Trời ơi! lỡ có ai quen mà trông thấy thì chắc chết, nên tôi đạp rất mau, có một
Túy ngồi sau, chứ có hai cô Túy thì tôi vẫn chạy như bay.
-Chậm chậm lại đi, bộ sợ người ta thấy chở Túy sao?
Túy ngồi sau cằn nhằn khiến tôi phải bấm bụng mà đạp chậm lại.
Đoạn đường này trồng toàn cây muồng hoa vàng chen lẫn ít cây keo. Nếu đi bộ tôi
hay gỡ những cục keo dính dưới gốc cây, chính là những cục keo mà khi học tiểu
học, mấy đứa học trò thường hay liếm rồi chà lên giấy màu để dán khi làm thủ
công. Những trái keo thì lòng khòng như trái me, xanh xanh hồng hồng mà nhẹ hửng;
nếu thấp một chút là bị tôi tóm liền, ngon ơi là ngon. Hôm nay tôi cũng đi trên
đường này, nhưng không được thong thả: một cô bạn nhiều uy quyền ngồi sau lưng
mà trong tôi chen lấn một cảm giác lạ lùng khó tả. Đi ngang qua trường tiểu học
tôi nghe tiếng Túy nói nho nhỏ:
- Hảo còn nhớ thầy Trần Xuân Hà không?
- Nhớ lắm chứ! Cha tôi bảo bây giờ thầy cô ở trong Sàigòn,
nhà gần trường Đại học Sư phạm thầy vẫn dạy học.
- Hào có nhớ cô Bạch Liên không?
- Nhớ chứ sao không! cô Bạch Liên hát hay, có bàn tay để múa
đẹp như tay Phật.
Thế rồi Túy không nói gì nữa, có lẽ Túy để yên cho tôi thả hồn về dĩ vãng của
những ngày nhỏ chúng tôi đi học bên nhau: cả tỉnh chỉ có một trường tiểu học
công lập. Khi chúng tôi học hết lớp nhất thì mới mở trường trung học. Năm nào
cũng từng ấy khuôn mặt, đứa nào cũng được lên lớp. Bẹt hạng là thằng Quý heo, vừa
học vừa cầy phụ cho cha nó mà vẫn cứ lên lớp như thường. Đứa nào ngồi yên chỗ ấy.
Mấy năm liền Túy ngồi bên trái tôi, ngay bàn đầu con gái, chỉ cách có một lối
đi.
Thầy Xuân Hà thường cho làm toán chạy: mười đứa đầu tiên làm xong, chạy lẹ lên
nạp bài thì có đìểm tốt. Cũng có khi thầy kêu một đứa lên đứng sau cái bảng
quay, rồi cho cả lớp cùng làm một bài toán với đứa đứng sau bảng. Khi thầy hỏi
“xong chưa”, nếu tất cả đã làm xong thì đứa sau bảng sẽ quay bài viết bằng phấn
của nó cho tất cả mọi người cùng xem.
Tới phiên tôi lên bảng, khi tôi quay cái bảng ra cho mọi
người cùng xem, không biết tôi tính toán ra làm sao mà cả lớp cười lên dữ dội -
cười lâu và dữ dội đến nỗi tôi về chỗ ngồi, gục đầu xuống bàn bật khóc. Chỉ có
mình Túy là không cười. Tuý quay lưng đứng phắt dậy, giận dữ cau có:
- Cười gì mà cười người ta dữ vậy?!
Lớp tôi vốn thương nhau, mọi người chợt hiểu đã làm tổn thương người bạn nhỏ
nên im bặt, im luôn. Cũng từ hôm đó thầy không cho làm toán trên bảng quay nữa.
Thầy Xuân Hà còn có cây đàn guitar và là người đầu tiên dạy
chúng tôi học hát đàng hoàng sau cái bài không cần phải dạy mà đứa nào cũng hát
được là bài quốc ca.
Cuối năm lớp nhất, sắp tới phát thưởng. Túy và mấy đứa con gái được cô Bạch
Liên kéo qua lớp khác tập múa, lập tức mấy đứa con trai chúng tôi rủ nhau đi
coi cọp. Trong tiếng hát ngọt ngào của cô Bạch Liên, tiếng đàn guitar êm êm giữ
nhịp của thầy Xuân Hà, Túy đứng giữa đám, nổi bật trong bộ đồ Lèo với váy đen
bó chặt, áo chàm, khăn hồng, uyển chuyển trong điệu múa dùng rất nhiều cử động
của hai bàn tay.. Tôi năm đó còn bé lắm, ngơ ngẩn lờ khờ đến bên Túy hỏi:
- Bộ con gái Lèo đẹp dữ vậy sao?
Trong bộ đồ Lèo chưa kịp thay, Túy không trả lời, hai hàm răng nghiến lại, vai
co lên, cổ rụt vào, nó quay đi nửa vòng cười mãi - vui lắm vì có một chú bé thật
thà khen đẹp.
Bây giờ chúng tôi đang ngồi chung trên một cái xe đạp đi qua
chốn cũ; ngoại trừ hàng cây có cao lớn hơn, mọi thứ khác vẫn y nguyên như xưa:
cái hành lang thật dài, cái trống bịt da hai đầu treo ở ngay chỗ lớp tôi học vẫn
còn đó. Mỗi ngày ông cai trường cao lều khều đánh cái trống này mấy lần. Trước
khi đánh trống, sơ chúng bị giật mình, bao giờ ông cũng gõ nhẹ vài tiếng vào
tang trống. Những đứa bé ham chơi như tôi rất mê nghe hồi trống tan trường ấy.
Tiếng đầu thật là mạnh, sau đó nhỏ dần và nhanh hơn, cứ thế ông lập lại hai đợt
nữa. Chắc ông cai trường cũng thích đánh cái hồi trống cuối cùng đó nhất, nên
ông đập mạnh lắm, mạnh đến nỗi bây giờ nó vẫn còn âm vang rung động trái tim
tôi. Đứng dưới cái trống đó, tôi đã hỏi người đẹp đang ngồi sau lưng câu hỏi
khù khờ ngớ ngẩn.
Giờ thì tôi hát nho nhỏ cho Túy nghe bài hát năm xưa tôi đã
thuộc lòng trong lúc hai tay đeo vào khung cửa sổ ngóc đầu lên nhìn bọn con gái
tập múa:
Nhớ nước non xưa Lào
cùng tiếng ca bên rừng,
nàng khoe xiêm áo,
múa hát ca vang lừng.
Nhớ suối reo bên rừng,
cất tiếng ca đồi thông,
nhớ những cô đợi chồng ,
ngồi dệt xà rông...
Chắc là Túy cảm động lắm, nên một cái gì nằng nặng ấm áp đè
lên sau vai tôi …Vừa mắc cở lại vừa sung sướng, tôi mong cho đường dài hơn lại
vừa sợ người quen trông thấy. May làm sao, vì tôi đi học quá sớm nên đoạn đường
đi về nhà Túy không gặp một đứa bạn nào.
Qua hàng bông sứ, là vào tới sân. Một con chó màu trắng ra vẫy
đuôi không sủa tiếng nào. Không thấy cha Túy ngồi trên cái bàn đen viết chữ, có
lẽ ông đã đi nghỉ trưa, thiệt là đỡ khổ cho tôi. Năm trước có lần đến nhà Túy
cùng với một lũ bạn, trai có, gái có, mà tôi không nhớ là dịp nào, có thể là
ngày giỗ mẹ, Túy đi nấu chè đậu xanh đãi các bạn. Lúc ngồi chơi ở hiên nhà sau,
cha Túy đi qua đi lại ngắm nghía rồi hỏi tôi chuyện học hành.
- Dạ thưa bác con đứng hạng cũng gần chót lớp.
- Vậy là thua con Túy sao?
- Dạ thua.
- Mày là con phượng chứ đâu phải con gà, sao không ráng học
hành chăm chỉ hả con?
Con Hà lẻo mép liền đỡ lời cho tôi:
- Bác nói trò Hào là con phượng thì trỏ sẽ là con phượng;
con phượng đâu cần ráng học gi-ỏí đâu!
Ông Tư không nói năng gì, đi lại gần con Hà, cú đầu nó một
cái.
Mùa hè năm rồi, chị Ngọc Châu của tôi về nhà kèm toán cho
tôi, tôi có khá hơn chút đỉnh, nhưng cũng còn xa Túy lắm, nên tôi không muốn gặp
ổng, sợ ổng lại hỏi chuyện học với hành! Bỗng tôi buột miệng nói:
- Sao không hỏi tôi cái chuyện chơi?
- Hả? cái gì? Hào nói gì?
Túy mang ra cho tôi một ly nước trà vừa hỏi lại cái câu không nghe rõ.
-Ồ không! Túy kiếm bài tập lẹ lên rồi tôi chở về trường đi học..
Chủ nhật trời trong và đẹp làm sao khi gió thổi xào xạc mấy
ngọn trúc bên nhà Lê thị Hoà, không thấy Hoà với Lài ngồi ở hàng ba như mọi khi
ca hát líu lo. Tôi đi tìm mấy đứa bạn ở gần nhà. Thằng Điểm mắc phụ cha nó cưa
gỗ đóng đinh, thấy tôi nó nhăn nhó chỉ cái lưng cha nó - cái lưng to như bộ ván
gõ mà lấm chấm mồ hôi - rồi khoát tay lắc đầu. Tôi lẩm bẩm rủa:“đồ Điểm lùn, cứ
đóng đinh mãi làm sao cao lên được!”Tới nhà thằng Hải, chị Đạm nó bảo: “Em Hải
đi Phật tử rồi, em lên chùa Bác Ái tìm Hải đi”Chị nó là cô giáo ăn nói ngọt như
mía lùi nhưng tôi vẫn còn bực mình:“ra chùa thì chỉ hít khói nhang chứ mày được
cái giống gì! lỡ có nghịch phá ông thầy chùa bắt quỳ cho cháy hết cây nhang là
thấy mẹ luôn.”Chỉ còn một thằng nữa là thằng Lang; người nhà nó nói vọng ra một
câu cụt lủn: “biếc nó mô đâu! ”Có tiếng “Ôông” nó léo nhéo:
-Chàu rày á, đứa nào tới kiếm thằng Lang, trên tay không có
cuốn sách cuốn vở, tau đập một cái chết bà tổ.
Ông nó không đi lại được nữa, chỉ ngồi trên giường. Ổng quên rằng cục cưng của ổng
còn làm biếng học hơn tôi một bậc. Trong lớp đứa nào cũng gọi nó là Lang sùng.
Tôi cũng đâm sùng máu, bứt một lá quỳnh của ổng- chỉ dám bứt một lá- đạp nghiến
dưới chân. Tôi vừa buồn, vừa giận tôi, ngủ gì mà ngủ quá trời quá đất để tụi nó
vuột mất tiêu.
Lang thang một hồi, tôi cũng lại thấy tôi ra phía bờ sông, ngay chỗ bến phà.
Tôi đành ngồi đó chờ bạn tôi ra, mãi cũng chẳng thấy một đứa nào. Thằng Cho chắc
là đá banh với trường Lasan. Thằng này chạy góc trái đá được hai chân rất mạnh,
là gà nòi của trường, cực kỳ nguy hiểm. Nguyễn Thiên đầu chải tém như anh chị bến
xe đò, là thủ quân đội banh. Khi nào thắng nó sẽ ca ít câu vọng cổ. Trường La
San Kim Phước có ông frère trẻ đeo kính trắng làm dìu dắt, thường thấy ổng dẫn
lính về mặt buồn xo.Thằng Phú với thằng Nương chắc đang đạp xe đạp ở đâu đây,
Thằng Nương có cái xe đua bánh mỏng nó chỉ lo đạp là đúng rồi. Còn ba cô nàng
đó hay đi phà qua bên kia sông lắm, mà sao hôm nay cũng biệt tăm. Con
sông này lòng nhỏ, bờ rất cao phía thành phố, bờ bên kia thấp là cánh đồng mênh
mông, nước sông chảy mạnh. Có người kỹ sư giỏi mới căng một sợi dây cáp lớn
ngang giòng sông, một cái ròng rọc có thể chạy qua lại trên sợi dây cáp đó. Người
ta dùng dây nối chiếc phà với cái ròng rọc đó.
Tùy theo góc độ hứng nước, cái phà hình chữ nhật dài với bao nhiêu là người và
xe cộ cứ tà tà nghiêng nghiêng mà qua lại, chẳng cần máy móc chi hết. Có người
bảo có ngày sợi dây cáp đứt thì phà sẽ trôi băng băng về phía mặt trời Tây.
Nhưng chuyện đó chưa xảy ra, mà nếu có thì cũng còn có hai cây cầu gỗ thấp nối
một cái đảo cát với hai bờ chận lại.
Lúc ấy tôi đã chán coi phà, nên bỏ đi xuống phía đảo cát. Mấy đứa con trai mà
tôi nhớ mặt hình như học lớp dưới đang ở trên một cái thuyền lớn. Không biết tụi
nó đã chôm từ một buôn làng nào bên bờ sông. Chúng nó vừa hò la vừa chèo chống
bằng tay không! Tôi thích quá nhảy đại xuống chơi. Được một lát thì thuyền ra
xa bờ, tôi mới nhớ là tôi chẳng hề biết bơi lội gì hết; hai ba đứa cứ đứng xông
xổng, nều bây giờ thuyền lật thì chắc chết.
Thuyền ra giữa giòng, nước trôi băng băng mà trong vắt, tôi thấy rõ cát đá rong
rêu và bắt đầu sợ. Tôi hỏi tụi nó là bơi đi đâu vậy, nhưng thằng nào cũng nhe
răng cười, hổng biết đi mô! Rồi cái đìều tôi lo sợ đã đến: một thằng rắn mắt đã
rút cục điển nút lỗ lù ném đi từ lúc nào! nước phun lên trong thuyền và cứ thế
thuyền từ từ chìm xuống. Bấy giờ từng đứa một phóng xuống sông bơi vào bờ nhanh
như con rái. Cuối cùng lại, chỉ còn có mình tôi với cái thuyền lập lờ sắp chìm.
Thế là tôi cùng đường, cũng phóng ào vào giòng nước chảy xiết ấy.
Tôi là đứa trẻ tỉnh thành, chưa hề biết bơi lội bao giờ nhưng tôi lanh và rất
khỏe. Hình như đó là những động tác thiên nhiên ẩn giấu trong tiềm thức: tôi đã
chiến đấu kịch liệt với giòng nước cuốn, bơi một hơi dài gần nửa con sông với sức
mạnh của một thiếu niên cường tráng. Vì không đúng cách, nên tôi đã phung phí sức
lực rất nhiều; cho đến khi bàn tay tôi đụng vào cát, tôi mới biết đã thoát chết
và đứng thẳng lên, lết chân vào đảo cát. Áo quần tôi đang mặc là áo quần đi học
hàng ngày đã ướt sũng và đôi dép đã tuột khỏi chân. Tôi nhìn ra sông,
không thấy con thuyền đâu nữa và những thằng nhóc kia đã tụ họp chỗ cũ, bờ bên
kia. Hôm nay chúng nó đã chơi một trò chơi kinh khủng.
Tôi bước chân trần trên đảo cát trắng ấy. Gần bờ nước có những bụi cây, nhưng
lên tới giữa đảo thì toàn là cát trắng tinh - cát ở đâu mà nhiều và đẹp đến thế
kia? Tôi bắt đầu cởi hết quần áo ra phơi trên cát, sợ gì chớ? có ai ở đây đâu.
Lại một cảm giác lạ nữa khi tôi vốc cát lên người, khi tôi lắc mình chôn tôi
trong cát trắng tinh này. Tôi nằm ngửa nhìn trời, chung quanh tôi sóng vỗ quay
cuồng, tôi nghe được cả tiếng bọt nước vỡ khi đập vào bờ cát. Ánh chiều nghiêng
nghiêng, hất lên cây cầu gỗ cong cong một màu kỳ ảo. Lúc này thật mệt mỏi nhưng
dễ chịu quá, tôi chìm dần vào không gian êm ả.
Khi tôi tỉnh dậy, hoàng hôn đã bảng lảng bên sông. Phía Tây nơi con sông chảy về
đó đỏ rực như một giòng lửa lay động; cây cầu trông càng đẹp lạ lùng hơn trong
màu lửa đỏ trên một nền xanh đậm, thấp thoáng bên sông đã có ánh đèn. Một người
đàn ông Thượng mình mẩy trần trụi với độc cái khố đi lảo đảo lắc lư trên cầu,
khi nghiêng bên này khi ngả bên kia, có lúc tưởng anh ta rớt xuống sông rồi,
nhưng anh ta vẫn không sao cả.
Tôi mặc quần áo vào rồi leo lên cây cầu gỗ đi về nhà. Không còn đôi dép, nên
cây cầu gỗ lâu năm thật là nguy hiểm với nhiều dằm gỗ và đinh cũ. Khi đi tới
tôi, anh Thượng đứng lại chìa tay ra, đôi mắt đỏ ngầu vô hồn. Tôi không bắt tay
anh ta mà bắt được cái mùi rượu cần nồng nặc thả ra từ cái miệng đã cà hết răng
cửa. Đi hết cây cầu đã khó khăn, bây giờ lại tới con đường đá dốc. Ngay chỗ này
đây, tuần trước con Hà đã dọa tôi : ma da bẻ giò. Đỡ quá hôm nay không có con
ma nào hết.
Trời đã tối nhá nhem, chỉ riêng con đường buôn bán mới có đèn sáng, tôi lò mò
khập khễnh đi trong bóng đêm. Những cây phuợng êm đềm lả lướt lúc ban ngày vuơn
những tay ra như dọa nạt tôi, nhưng tôi có sợ gì tụi nó đâu. Những cây bã đậu
như những người khổng lồ cúi xuống hỏi: lại mày nữa! sao chân què rồi? Mãi rồi
tôi cũng lết được tới nhà Túy rồi ngồi bệt trên cỏ bên lề đường mà xoa bóp bàn
chân đau đớn.
Túy đang làm bài, học bài gì đó bên ánh sáng của một cây đèn dầu lớn. Da mặt trắng
hồng lại càng rực rỡ hơn. Tôi nhìn thấy cuốn bài tập luận văn màu xanh của tôi
để trên bàn, tôi không hiểu sao hôm qua Túy cứ đòi mượn cho được. Bỗng có tiếng
chó sủa, chắc là tìếng con chó trắng nhỏ; tôi thấy Túy bước ra cửa ngó quanh, gọi
con chó vào và tiếp tục làm bài, rồi có lúc cầm cái gương lên soi, tôi thấy hai
cô Túy nhìn nhau. Lại có khi Túy lúc lắc cái gương, quay gương ra cửa nơi phiá
tôi đang ngồi, hai con mắt mở lớn nhìn thẳng vào tôi. Bờ cỏ chỗ tôi đang ngồi
khá cao nhưng tối lắm, Túy chẳng nhìn thấy gì đâu, nên tôi cứ đăm đăm nhìn lại.
Đó là lần đầu tiên tôi dám nhìn kỹ đôi mắt nàng như thế. Nhưng tôi bỗng giật
mình vì thấy Túy cười với tôi - một nụ cười rạng rỡ như muốn nói:“Túy biết Hảo
đang ngồi ngoài đường đó mà!”, nhưng nụ cười chợt tắt, Túy đặt gương xuống viết
bài tiếp. Tôi bối rối nửa muốn lên tiếng nửa lại ngồi yên. Rồi tôi nấn ná ngồi
thêm để nghe tiếng côn trùng rên rỉ, lâu lâu có tiếng trẻ khóc và nghe tiếng
tim mình đập thịch thịch.
Hôm nay giờ thầy Bùi Luận mà không thấy ba cô Kiều đi học trễ. Thầy Bùi dạy Việt
văn, nói giọng Quảng, tóc muối tiêu, hớt kiểu bàn chải, trong khi những đứa con
trai chúng tôi đều để tóc dài. Thầy nói nhà thầy ở đường Hoàng tử Cảnh, Nha
Trang, phải lưu lạc đến chỗ khỉ ho cò gáy này gõ đầu trẻ. Tôi biết thầy là anh
của một ông thi sĩ khùng khùng mà làm thơ hay lắm. Thầy có khuôn mặt với hai
con mắt giống y nhà thi sĩ đó – hai con mắt sâu, tròn to hó. Vậy mà tiểu sử của
ông thi sĩ mát dây không có nhắc tới thầy?! Thầy cũng dễ tính lắm, nhưng khi trả
bài luận văn là lúc thầy bươi móc những lỗi lầm ác ôn của lũ chúng tôi ra. Nhiều
đứa con trai không biết cất mặt vô cái hộc bàn nào cho đỡ mắc cở; nhiều đứa con
gái tốc vạt áo dài lên che đầu kín mít.
Bây giờ thầy trả bài luận: tả ngày Tết ở trong nhà . Thầy nói đứa nào cũng đã
ăn tết hơn một chục lần rồi, không có lý do gì mà không biết làm. Thầy có vẻ
khoái đề tài này lắm, nên đứa nào làm không đủ bốn trang giấy vở thì tự động đi
cấm túc ngày chủ nhật làm tiếp, khỏi khiếu nại lôi thôi gì hết.
Chúng tôi thường làm luận đề luân lý hay văn chương. Luận đề văn chương nhàm
chán lắm: quanh đi quẩn lại mấy đứa con nít chúng tôi phải bình thơ của mấy ông
già khú đế, có ông đã mất từ thế kỷ trước mà từ tư tưởng đến đời sống khác xa
chúng tôi, thế mà cứ phải khen lấy khen để. Luận đề luân lý lại càng tai hại
hơn cho tôi. Có khi là câu nói của một ông ba Tầu tên Vương Dương Minh: “người
không có chí như thuyền không lái, như ngựa không cương, trôi giạt lông bông
không ra thế nào cả.”Ngẫm đi ngẫm lại, tôi đúng là cái loại người bị các ông ấy
nói móc họng, hỏi làm sao tôi nuốt cho trôi bài luận. Giống như người làm quốc
sự, bị phe bên kia tóm được, nhốt trong tù bắt làm kiểm điểm những lỗi lầm, có
khác gì chửi cha mình. Thế cho nên những bài luận luân lý của tôi đã không được
điểm cao, còn bị thầy phê là gàn bướng.
Nay năm sắp hết, Tết đã gần kề, thầy Bùi nổi hứng cho làm bài luận tả ngày Tết ở
trong nhà nên tôi cũng thấy dễ thở, tôi viết ào ào. Trong hai giờ trả bài tập,
không có đứa nào được thầy khen, chỉ toàn lãnh búa. Tôi đợi mãi không thấy quyển
vở màu xanh của tôi, hay là thầy đánh mất rồi. Cuối cùng thầy nói:
- Chỉ có hai bài đường được là bài của cô nàng say với bài của
thằng Bắc kỳ di cư. Nhưng hai bài lại giống y nhau. Sao lạ vậy hè...Rồi thầy la
lớn:
-Đứa nào cọp dê đứa nào, khai ra cho mau.
-Con không có (Túy trả lời rất nhanh)
- Con cũng không có (tôi sượng sùng lập lại)
Thầy tròn mắt dòm qua dòm lại:
- Hai đứa bây không có thì bộ thầy đui sao hả? Để thầy đọc từng
bài cho cả lớp nghe nè!
Thế rồi thầy a hèm lên một tiếng thật to rồi bắt đầu đọc bản án kinh khủng của
hai đứa tôi:
Tôi là thằng Bắc kỳ di cư nhưng tôi yêu quê hương miền Nam,
nghĩa là từ Quảng Trị trở xuống, nên tôi thích dùng tiếng miền Nam. Đề tài thầy
cho là tả cảnh sum họp gia đình trong ngày Tết, nhưng ngày Tết phải về
quê về nhà thì mới có ý nghĩa, làm sao tôi tả được Tết trong Nam, trong khi nhà
ở thường là nhà thuê chật hẹp hay ở ké các cơ quan chính phủ. Thế nên tôi đã tả
ngày Tết ở căn nhà Hà Nội, nơi tôi sống tuổi ấu thơ, nơi có đủ anh chị em, chú
bác cô dì cậu mợ.
Bài luận của tôi bắt đầu với những tràng pháo nổ. Cửa mở ra, khói pháo xông vào
cùng một lúc với mấy người bạn của cha tôi. Trên tay các bác ấy đều có phong
bao đỏ thắm, tiếng cười nói xôn xao cùng những lời chúc Tết đậm đà tình nghĩa.
Tôi bé mà khôn vặt, cứ luẩn quẩn ở phòng khách, nấp dưới một cành đào lớn, bên
mấy giò thuỷ tiên thơm ngát mà từ từ thu những tình nghĩa đậm đà ấy đầy một
túi. Trên bàn thờ tổ tiên khói hương nghi ngút với bộ đèn nến sáng choang, bao
nhiêu là bưởi, cam, quít,với quả na quả hồng. Con gà vàng óng mỏ ngậm bông hồng
đặt bên cạnh những khoanh giò lụa trắng tinh, một đôi bánh chưng xanh vuông vức
nằm kề lọ hoa huệ bằng sứ men lam, cùng với bánh mứt tưng bừng. Nhà trong chí
chóe với bài bạc: nào xóc đĩa cho lũ nhóc tì, tam cúc cho mấy choai choai, còn
già lão hơn thì sà vào mạt chược, tổ tôm.
Cha tôi người tộc trưởng trịnh trọng trong cái áo the – mà mỗi năm ông chỉ mặc
một lần – đang khấn vái trước bàn thờ. Mẹ tôi , chắc cũng giống bà mẹ ông Lưu
Trọng Lư “nét cười đen nhánh sau tay áo”tuy bà không nhuộm răng đen, nhưng đôi
mắt tinh anh môi trầu cắn chỉ đang tất tả thu dọn chào mời; khi xếp mâm ngũ quả,
khi châm nén hương vòng. Hôm ấy bà thật vui, thật đẹp trong áo dài vàng mỡ gà,
và cái khăn nhung đen tóc vấn.
Thỉnh thoảng có người đến gõ cửa xin đọc lời chúc Tết. Họ là
những người nghèo trong y phục, nhưng tươi cười lanh lợi và vô cùng giàu có
trong lời nói:
Các cô các cậu như tiên
Cậu cậu mợ mợ bình yên một nhà
Mẹ tôi cũng ân cần chúc Tết họ và vui vẻ trao một cái phong bao.
Tả ngày Tết đang đầm ấm vui tươi như thế, tôi lại phang vào
đó cái kết luận thật là buồn; có lẽ vì thế mà bài luận mới chỉ được thầy coi là
đường được: Cậu tôi làm quận trưởng Võ Giàng, cậu còn trẻ măng, làm việc cho
dân quên ăn quên ngủ, không biết ăn hối lộ nên được nhiều người quý mến. Gần Tết
năm ngoái cậu đạp xe lên tỉnh, không cần hộ tống. Nửa đường cậu bị hai thằng
gánh cỏ chận lại, chúng rút súng dấu trong gánh bắn chết cậu, lại còn chặt đứt
đầu, trên ngực cắm một lưỡi dao với bản án trừng trị Việt gian phản động.
Tôi đứng trong góc khuất nhớ thương người cậu ruột đẹp trai và lương thiện,
nhìn mẹ tôi vui tươi trong gia đình đầm ấm mà không dám nhắc: mẹ ơi, Tết này,
em trai của mẹ vẫn không về...
Giờ thì cả lớp lắng nghe bài của Túy. Ngoại trừ nhập đề với kết luận là có khác,
thầy đọc tới đâu là tụi bạn cũng la làng. Bao nhiêu là cái miệng ngoác ra cười
cười nói nói khiến thầy phải đập bàn mới tạm yên. Túy úp mặt xuống cạnh bàn,
hai tay vòng lên che đầu, đôi vai rung rung. Tôi nghĩ là Túy lại khóc như tôi bốn
năm trước. Nổi điên lên tôi định quay lại sừng sộ bằng cái câu của Túy “cười gì
mà cười người ta dữ vậy?”Nhưng tôi chợt nhận ra: môi Túy hé mở, cái răng nanh
trăng trắng rung lên, đúng là Túy đang cười. Thế là tôi vỡ lẽ ra ngay. Túy ơi,
sao ác quá vậy; bài luận đó là bài của thằng Bắc kỳ, đọc lên ai mà chẳng biết.
Hai cô bạn thân là Kim Lan với Hà còn lăn đùng ra mà cười, sao Túy cứ chép y
chang?
Thầy Bùi hết ngó tôi lại ngó Túy, hai con mắt tròn láu lỉnh, miệng cười cười
phán một câu xanh rờn:
-Bây giờ thì mượn đỡ bài vở, mai mốt mượn tới tiền bạc rồi
nhà cửa xài chung cũng không biết chừng!
Có nhiều đứa cười ré lên, hai vai Túy càng rung động mạnh,
riêng tôi ngu quá là ngu, mãi mới hiểu thầy nói cái gì!
Những ngày sau đó bọn con trai vẫn êm, vẫn bình thường đối xử với tôi, nhưng bọn
con gái thì không; tất cả lũ chúng nó gọi ngay tôi là ông Túy. Đứa xấc xược gọi
giật giọng:
- Ê, ông Túy..
Đứa làm bộ lễ phép:
-Thưa ông Túy đi học..
Đứa láu cá nhất hạng là con Hà, chắp hai tay, cúi đầu nhái
tiếng Bắc kỳ của tôi, giọng quê đặc:
-Con nạy ông Túy ạ!
Đáng lẽ phải gọi Túy là bà Hào mới đúng, sao chúng nó lại cứ nhè tôi mà chọc ghẹo?
tụi con gái chơi phe đảng quá! ngày nào tôi cũng phải đi học, biết trốn chỗ
nào!. Trong khi đó cô nàng say cứ tỉnh bơ; một bàn tay che nửa mặt để thầy
không thấy, lâu lâu đưa sang một con mắt lén cười trên cái đau khổ này!
Qua Tết chị Ngọc Châu gửi thư về cho tôi: em phải cố học lên nhé. Cậu là ông đứng
đầu tỉnh về việc học đấy. Nếu em thi trượt lần này thì cậu còn mặt mũi nào mà
khiển trách mấy ông giáo lười. Chị nói tôi đâm lo, thấy đã trễ quá rồi, thế là
tôi càng rét run lên.
Cái chơi thì tôi thật là tài, chẳng cần bái sư, mà không phải
là có nhiều người đánh đàn ca hát vẽ vời hơn tôi đâu. Đụng tới học thì tôi thấy
đầu nó đặc như cục chì. Ngày Tết, lửa trại không có tôi đứng ra tổ chức thì hỏng
bét, nhưng ngày thường phải kiên nhẫn lắm tôi mới tàm tạm quơ quào được ít bài
toán hình học đại số.
Hết kỳ đệ nhị lục cá nguyệt là chúng tôi sửa soạn đi thi. Trường thi ở tận một
tỉnh khác cách xa tới hai trăm cây số. Đứa nào con nhà khá giả thì đi máy bay
hàng không VN. Đứa nào nghèo thì đi xe đò. dù sao chúng tôi cũng rủ nhau đi từng
nhóm. Chúng tôi đến trước vài ngày, gặp nhau trên đường phố tỉnh ấy thì vui vẻ
lắm, gọi nhau ơi ới cười nói vang trời..
Năm đó lớp tôi có tám đứa thi đậu, không có tôi, mặc dù rất sợ cha tôi buồn,
tôi đã hết sức cố gắng để được trung bình mọi môn. Bảy đứa con trai và một đứa
con gái thi đậu, Túy đậu bình thứ. Có nhà thi sĩ họ Trần thi trượt nhiều lần đã
thở ra một câu ai oán: Đệ nhất buồn là cái hỏng thi. Nỗi buồn của tôi lại còn
cao hơn nỗi buồn của nhà thi sĩ ấy tới mấy lần : tôi làm chị Ngọc Châu tôi buồn,
cha tôi mất mặt và tôi biết còn có một người con gái buồn thê thảm hơn nữa! Thế
là tôi đóng cửa ở lì trong nhà với nỗi buồn đến xanh xao mặt mày.
Một hôm tôi có việc bắt buộc phải đạp xe trên một con đường, tôi thấy nhiều Kiều
nữ lớp tôi đang đi ở một con đường cắt góc vuông với con đường tôi đang chạy. Họ
gọi tôi ơi ới, tiếng gọi của Túy lớn hơn, tôi nghe rõ giọng thiết tha, nhưng
tôi tủi nhục quá cứ cắm đầu chạy miết. Tôi biết chắc lúc đó Hà sẽ không chọc ghẹo
tôi nữa; nó sẽ giữ xe đạp của tôi lại hỏi chuyện tương lai: “bây giờ trường
đã hết lớp học rồi, Hào sẽ đi đâu học, sẽ làm gì?” không chừng nó sẽ mời tất cả
ra quán ăn nhà nó để đền cái tội bao nhiêu năm nay nó chọc ghẹo tôi. Còn Ngọc
Bích với Hồ Sang nữa chứ, lúc nào cũng xinh đẹp, chững chạc đàng hoàng, không
chừng sẽ khuyên tôi phải để ý đến bạn thân của chúng một chút: có đi đâu cũng
phải viết thư về cho Túy, không thì Túy sẽ héo khô như cành hoa dưới nắng. Thế
mà tôi cứ cắm đầu chạy, thế mà tôi cứ lầm lũi đi, thế mà tôi cứ khăng khăng giã
từ! Thấy vậy , buồn rầu cha tôi cũng xin đổi đi tỉnh khác.
Tôi đi như gã mộng du với hình ảnh ngôi trường chập chờn mờ ảo, hình bóng cô
Túy yêu kiều ẩn hiện trên giòng sông thơ mộng chảy ngược về hướng mặt trời chiều.
o-O-o
Anh tỉnh dậy, tỉnh dậy sau khi bất tỉnh khá lâu từ chiều hôm
qua. Nắng đã lên cao soi rõ chiến hào toàn những xác lính, đúng hơn là toàn những
bạn anh; có kẻ mới chết có kẻ bọc trong poncho từ nhiều ngày trước mà trực
thăng không tản thương được, tuyệt nhiên không có một xác địch. Như vậy là
chúng đã thắng trận này nên kéo xác đi hết. Rõ ràng là anh đã hạ gục một đứa bằng
khẩu Colt-45 khi nó đụng mặt anh trong giao thông hào này; một giây ngỡ ngàng
nó nhìn anh bối rối, và anh đã nhanh tay bóp cò. Lúc đó anh thoáng thấy cái sẹo
ở thái dương bên phải của nó mà bây giờ anh muốn nhìn lại: có phải là thằng
Huân bạn cùng lớp hồi nhỏ không? Sau đó thì anh không biết gì nữa vì một cú đập
như trời giáng xuống đầu, may mà anh có nón sắt hai lớp bảo vệ không thì …
Thật giống như thiếu uý Thọ đã kể là ba anh ấy bị Pháp xử bắn cùng mười hai đồng
chí lúc sáng sớm, họ bỏ xuống hố chôn chung rồi lấp đất sơ sài, nửa đêm ổng lết
được về nhà và sống mãi tới bây giờ! Anh rút chân ra khỏi xác đẫm máu của Lê
hoàng Tùng, cậu lính mới đẹp trai mê mầu áo hoa dù, rồi ngồi thẳng lưng dựa vào
tường đất của một căn cứ phòng thủ lính Mỹ bỏ lại, mà bọn anh đã khổ công đào xới
tu bổ thật đẹp khi nghe lệnh tử thủ.
Anh sờ nắn thân thể để tìm những vết thương, tuy có nhiều mà không nặng lắm. Một
tuần lễ trong hỏa ngục với đạn bom và đói khát sao anh đứng dậy được , khó khăn
lê đi trong chiến hào nồng nặc tử khí và mùi thuốc đạn kể cũng lạ… Phải ra khỏi
đây ngay - anh tự nhủ, nhưng trước khi đi anh phải nhìn mặt từng chiến hữu và cố
nhớ tên từng người. Hạ sĩ Beo người Bana tay cận vệ dũng mãnh của anh nằm xấp,
tay vươn ra chới với như đang bơi, tay kia còn nắm cán xẻng. Anh từng thấy Beo
đánh cận chiến bằng xẻng, một dụng cụ nhẹ nhưng vào tay Beo thì nhanh như chớp,
mạnh như bão uy lực khôn lường. Anh đâu có chọn nó làm cận vê đâu, chính nó gạ
gẫm anh để được đào hố lót ổ cho anh, lưng tải trăm thứ đồ nấu ăn, mùng ngủ,
võng, đèn pin, bật lửa zippo, bao thuốc quân tiếp vụ và đồ cá nhân. Beo còn
tuyên bố: muốn chơi ông thầy nó thì hãy bước qua xác nó.
Anh đứng chết lặng một lúc mắt khô nứt mà vẫn nhòa lệ:”Beo ơi anh chẳng còn được
về làng với em tìm đứa em gái ngây thơ.” Binh nhất Lê Nuôi xạ thủ đại liên chết
đứng thế nghiêng nghiêng tay vẫn còn bấu chặt khẩu M-60, một kiểu chết rất đẹp
của người lính. Trong một góc khuất là cái poncho bó thân chuẩn uý San đề lô
pháo binh Dù chết từ mấy ngày đầu; đôi giầy saut khá mới nằm ngoài và đầu kia
thò ra một ít tóc. Tiểu đội trưởng Trần Hen lại có lối chết thoải mái như hồi
còn sống, nghĩa là lúc sống cười đùa tiếu lâm, bây giờ chết ngồi dựa lưng vào
tường cũng thoải mái như lúc anh ta cười hềnh hệch kể chuyện chỉ huy trưởng đi
tắm suối:
- Hồi sang tao thấy ổng đầu đội nón sắt, mình áo giáp, chân
đi đất, mặc quần xà lỏn tay cầm ca
lom khom xuống dưới suối coi hổng có oai phong gì nữa. Xưa
thấy ổng cưỡi xe thiết giáp đuổi tụi nó chạy te như đuổi đàn vịt cỏ, đẹp như
Quan Công đánh giặc! Còn bây giờ sao …
Thằng Bình cướp lời:
- Mày đừng có trù ẻo đi, ổng chết thì tao với mày cũng
lên bàn thờ. Mấy thằng đệ tử thằng nào cũng lo đào thấy mẹ, đâu thằng nào được
hưởn mà xách cho ổng can nước.
- Ý, tao mà chết, thả hòm tao xuống huyệt là con vợ
tao nó nhào xuống theo liền à.
- Xí! Tao thấy con nào nhào xuống đòi chết theo thì chừng
tháng sau nó theo thằng khác rồi, Con nào chỉ khóc dữ mà không nhào xuống thì
được sáu tháng … con nào không khóc gì hết thì còn được lâu lâu….một thằng khác
có ý kiến.
- Chuẩn úy Biên, cựu binh rau muống đi kiểm tra thấy
khói xanh bốc lên mù mịt. ghé mắt xuống quát:
- Đéo mẹ, chúng mày không lo đào chỉ túm lại hút thuốc rồi
tán nhảm, sáng mai chúng nó pháo là ăn đất hết.
- Nghỉ có chút xíu thôi mà chuẩn úy ơi, đất đồi cứng lắm,
lâu lâu cuốc trúng cái đầu ông sư, nhá lửa muốn gẫy cuốc luôn. Chuẩn úy dịu giọng:
- Một ba tối nay đi cài lựu đạn với tao rồi về đào nữa, hai
bốn đi tiền đồn với trung sĩ Ngang. Thằng Lung đẹt, chuẩn bị một thùng lựu đạn,
dây cước với kim băng.
- Kim băng là kim gì chuẩn úy?
- Mẹ mày còn vờ nữa, là kim Tây đó, rõ chưa?
- Dạ, rõ năm trên năm chuẩn úy.
Nhẩm đếm những xác đồng đội anh phỏng đoán có năm đứa chưa sao còn lạc lõng nơi
đâu đó. Nẫy giờ tìm không thấy chuẩn úy Biên. Lão già hay thật, mà lão rất
thương mấy thằng nhỏ; chỗ nào khó khăn nguy hiểm thì lão nhẩy vào, không nhiệm
vụ nào được giao mà lão không hoàn thành, chuẩn úy già gân! đúng là đạn tránh
lão từ đã lâu. Còn thằng Phan Xiếu đeo máy truyền tin cũng không thấy,
anh chắc là nó đã nằm ngoài danh sách ngưòi đi không về, thôi cũng mừng cho má
nó, một bà chưa tới tuổi năm mươi mà trong hình nhăn rúm như trái táo khô. Đứng
thẳng người giơ tay chào các chiến hữu lần chót rồi anh tìm chỗ leo lên mặt đất.
Trên vai anh đã có cái ba lô của Beo còn tí cơm xấy, một hộp ba lát và mấy bi
đông đã khô nước. Anh biết trong ba lô này còn nhiều thứ vặt vãnh mà Beo đã bỏ
vào. Anh quay trở lại lật nó nằm ngửa nhìn trời xanh, lấy tay vuốt cái mặt dính
đầy đất nhưng rất đẹp của nó. Một khuôn mặt lai nửa Tây nửa Thượng. Anh tháo sợi
dây bạc ở cổ nó.
Sợi dây bạc nối với cái hộp nhỏ trái tim mà có lần nó đã khoe với anh
hình đứa em gái rất xinh ở trong đó. Nó bảo em Dung biết nói tiếng Việt và tiếng
Pháp, khi nào mình tới làng Kroong nó sẽ nói chủ làng làm đám cưới cho ông thầy
với em Dung. Anh tròng lại sợi dây vào cổ mình, mơ màng nhìn về phiá Nam.
Tiếng Beo tuần trước còn văng vẳng bên tai: Đó ông thầy thấy không? cứ xuôi Nam
con sông Poko ở dưới chân đồi này chừng vài chục cây số, khi nào thấy nước nhiều
và thấy một con sông khác đâm thẳng vô bên hông nó, đó là sông Dakbla, làng
Kroong ở chỗ đó. Anh hỏi:
- Như vậy cứ đi ngược sông Dakbla, khi nào thấy cây cầu gỗ
cong cong là đến Kontum? Chắc Beo hơi phật lòng nó không vui trả lời:
- Ông thầy phải ghé làng Kroong tìm em Dung trước chứ! … Anh
nói lảng:
- Sẽ tới mà. Thế Poko chảy tiếp tới đâu?
- Tới thác Yaly.
- Không hiểu sao cái thằng Beo này hôm nọ lại nói chuyện gở đó
với anh…Sao lại muốn gả em gái nó cho anh! Hay nó sợ em nó sẽ bơ vơ?... Đi qua
hố nước tiểu, cạnh đó để thùng lựu đạn, thấy còn bốn quả anh lượm hết bỏ ba lô,
là phòng xa thôi, chưa biết dùng làm gì, hay là nếu cùng đường thì cho vài thằng
nữa chết chung! Đêm tối nếu ai mắc tiểu thì lại hố này, khi về nhớ tháo chốt
môt quả lựu đạn ném xuống, may nhờ rủi chịu ngăn ngừa mấy đứa bò lên kiếm chác
hay là kéo xác đồng đội. Kéo về chôn thôi chứ chữa chạy gì, anh biết nhiều đứa
còn nằm đó rên la. Quân đội các nước trên thế giới số thương binh nhiều gấp bốn
năm lần tử sĩ, bọn họ không biết có được một không! Ai đã từng chỉ huy trung đội
hay đại đội mới thấy khó khăn cực nhọc của việc tản thương, nếu không có
trực thăng. Một chú bị thương mất bốn người lo, tiếp tục hành quân thật khó
khăn. Cho nên Bắc quân thường xử gọn nếu bị truy đuổi để giữ bí mật.
- Đúng là chúng đã tràn ngập phòng tuyến tối qua, rất
sợ B-52, thêm phần tối quá nên đã vội vã rút đi không mang theo chiến lợi phẩm,
chỉ kéo sạch những xác chết đồng bọn.
- Một lần nửa giơ tay chào người anh cả tiểu đoàn mà anh biết
đã tử trận tử mấy ngày rồi. Chào vĩnh biệt các chiến hữu nằm lại ở phòng tuyến
giữa và phòng tuyến phía Bắc. Đêm nay các anh hùng ngủ yên , mãi mãi không có cả
da ngựa bọc thây. Nhiều người, trong đó có Beo ngửa mặt nghe gió u u heo hút thổi
trong chiến hào, có trăng rõi soi vằng vặc thiên thu. Anh khập khễnh hai
chân, lầm lũi xuống suối lấy nước, không quên mang theo khẩu M16.
Nắng đã lên cao, trời trong xanh, mây bay từng cụm tròn trịa nhưng gió ở đâu lại
thổi thốc vào mũi anh một mùi ghê rợn làm anh muốn ói, mà ói không ra vì
trong người anh lúc này chẳng có gì ngoài máu đang sắp đông khô. Đó là mùi thịt
của vài trăm con người bị nướng cháy bằng lửa của bom xăng, hoà lẫn với mùi thuốc
đạn.
Ngồi bên suối dưới bóng mát cây rừng, uống từng ngụm nước nhỏ đúng theo cách cứu
người khát nước khi đi qua sa mạc, anh bắt đầu khỏe lại dù nước rất tanh.
Chung quanh đây, chỗ nào chẳng là chiến địa khi ngày đầu tiểu đoàn tung quân lục
soát.
Để đánh bại một đơn vị phòng thủ bao giờ Bắc quân cũng pháo cho tan nát trước rồi
tấn công biển người sau, đúng bài bản tiền pháo hậu xung mà Tầu cộng đã dậy. Thế
nên ngay ngày thứ hai của trận chiến đỉch đã bắn cả ngàn quả đạn vào cứ điểm.
Tiếng hoả tiễn bay, đạn réo xé màng tai nghe rất lạ và kinh hoàng. Kể từ buổi
sáng đó anh và các bạn sống trong địa ngục trần gian và hầu như không lúc nào
được ngơi nghỉ, hết pháo là tới xung phong biển người. Quân Dù chuyên tấn công
mà lại bị trói chân trong lênh tử thủ khắc nghiệt nhưng các anh đã chiến đấu
kiên cường. Rồi khu trục lên vùng, trực thăng vào trận. Nhiều căn cứ hỏa lực yểm
trợ pháo tối đa, nên các đợt biển người tạm bị đẩy lui. Xác chiến binh địch và
cả rừng vũ khí trải kín sướn đồi.
Nhưng ngày sau ba ngọn đồi quyết chiến ấy đã bị vây chặt. Pháo tầm xa 130 ly,
hoả tiễn và đại bác 122ly vẫn nổ đều đặn trên chiến hào để chuẩn bị cho một lần
tấn công biển người nữa. Nửa số quân Dù đã bị loại ra khỏi vòng chiến, thương
binh tử sĩ nằm la liệt trong chiến hào khiến đi lại khó khăn, tiếng rên xiết của
thương binh làm anh tê dại. Các hàm ếch được binh sĩ móc thêm thật sâu để tránh
đạn pháo 130, thường chui xuống đất một thước mới nổ. Ngay từ ngày đầu Beo với
Xiếu tử trong một hàm ếch họ đã đào xuống thật sâu thành một hầm đủ cho ba người
và anh có thể liên lạc máy thoải mái. Nhưng anh thường chiến đấu như một khinh
binh với khẩu M79 mà tầm đạn bay xa hơn 400m vì được bắn xuống từ trên cao. Rồi
đạn cũng cạn dần, bông băng thuốc men đã hết. Quân y đại đội lăn trong vũng
máu, bác sĩ tiểu đoàn không cầm ống chích, ống nghe mà ôm M16 hò hét, thúc đẩy
anh em đánh trả kịch liệt… Năm anh thi tú tài thằng bạn là Tô Đồng bảo: anh Liệu
tao học bác sĩ, thế ra là ông này, uống rượu như hũ chìm, trông cũng bậm trợn
như thằng Tô Đồng- thằng này đánh lộn thường xuyên.
Ngày qua ngày, đạn pháo vẫn mờ mịt giáng xuống ba ngọn đồi. Các chiến binh vẫn
can trường chiến đấu dù đói khát từ hai hôm rồi. Xế chiều pháo chợt ngưng và địch
quân từ những hố cá nhân vùng dậy. Những giải vàng vàng xanh xanh vắt ngang dưới
ba ngọn đồi là những bộ kaki vàng giắt lá ngụy trang hàng hàng lớp lớp xông lên
miệng hô giết giết.
Chiến hào nhiều chỗ đã bị cầy nát tung toé, nhưng các binh sĩ Dù như những con
dế đất chui ra, họ thẳng người lên và bắn trả rất đẹp mắt. Hôm nay anh em bạn
bè cha con kẻ Bắc người Nam lại được quay cuồng vùi quyện trong một cuộc thư
hùng tử sinh… Phòng không địch rất lợi hại, núp trong núi đá mà pháo binh không
thể móc ra được. Hai khu trục trúng đạn, một cái bốc cháy như ngọn đuốc bay, một
cái kéo theo đuôi khói. Trực thăng cũng chung số phận và không thể nào hạ xuống
tiếp tế hay tản thương, nên Bắc quân không ngờ nhiều con chim sắt đang lao tới.
Bom lửa napalm ào ạt trút xuống lưng đồi. Lửa đen cuồn cuộn từ trên trào
xuống dưới, lửa đỏ từ dưới liếm lên trên, lửa đâu mà nhiều kinh khiếp mà
nóng rát mặt các chiến binh Dù, lúc này không bắn nữa mà đứng yên nhìn Bắc quân
chìm trong biển lửa, một thứ lửa xăng pha với cao su, đã dính vào thì khó lòng
dập tắt. Họ la hét lăn lộn trong ngọn lửa bạo cuồng, nhiều người tháo chạy xuống
đồi như những ngọn đưốc di động. Chiều xanh mây trắng lửa đỏ máu hồng và
những tiếng la tuyệt vọng như xoáy vào tim anh - người chiến binh đa tình đa cảm
- anh đứng bật dậy bước nhanh xuống dòng Poko xinh đẹp đang lấp lánh dưới kia
trong nắng mùa xuân…
Đúng là anh không lạ gì với địa thế nơi đây. Cái giải lụa trăng trắng ở phía
đông mà đứng trên cao anh nhìn thấy đang uốn lượn qua núi đồi chính là quốc lộ
14 chạy từ Pleiku lên Kontum qua Tân Cảnh, Dakto, Daksut tới Tumeron. Địa bàn
đeo ở cổ anh và bản đồ hành quân trong áo đã mất. Chắc thằng Xiếu và những người
còn sống đang dùng để tìm về đơn vị. Anh mừng cho họ có được hai thứ ấy, phần
anh không lo lắng lắm vì anh yêu thích núi rừng và có khả năng mưu sinh thoát
hiểm. Ngày nhỏ những buổi trưa êm ả khi mọi người trong ty học chánh đã về nghỉ
ngơi, anh hay ra ngồi vào cái ghế bự của cha bắt đầu đọc những tạp chí văn nghệ
mà bộ Giáo Dục gửi tới.
Khoảng thời gian này tạp chí Văn Nghệ Học Sinh, Sáng tạo được anh chiếu cố nhiều
nhất, các tác giả Duyên Anh, Thanh Tâm Tuyền, Vũ khắc Khoan , Võ Phiến làm anh
mê mẩn, thay thế hẳn cái thời phải trẻo lên cây khế, kiếm chỗ chạc ba vững chắc
đọc lén các truyện kiếm hiệp của Hàn Giang Nhạn, Từ Khánh Phụng. Một cái khác
cũng làm anh mê, đó là tấm bản đồ Kontum chiếm gần hết một bức tường. Núi đồi
sông ngòi làng mạc anh đã đi qua đều nằm trên bản đồ đó. Các địa danh như: Dak
Ruông, Chu H’ Reng, Ngok Lĩnh, ngay cả làng Kroong có em Dung xinh đẹp của thằng
Beo vẫn hiện ra rõ ràng trong trí nhớ anh. Sông Dakbla khởi đi từ nhiều nhánh
nhỏ, lượn lờ quanh thị xã, uốn mình như con long về hướng Tây, rồi đâm thẳng
vuông góc vào sông Poko.
Hai con sông hợp lại xuôi Nam chảy tới thác Ya Ly; nước nhiều đổ từ trên cao xuống
một quần thể toàn những đá, như cái miêng loa, vang âm đi rất xa. Anh đã đến đấy,
còn giữ mãi ấn tượng một ngày lồng lộng âm thanh của nước rơi trên đá, của
thiên nhiên hùng vĩ thoang thoảng mùi lan rừng. Sông ngòi miền Trung thường chảy
từ Trường Sơn ra biển, riêng sông Dakbla ngắn mà quằn quại này lại hướng về
phía mặt trời chiều. Cho nên tên Dòng Sông Chảy Ngược kỳ lạ đôi khi được lập lờ
nhắc đến như một huyền thoại cho miền cát trắng thơ mộng hiền hoà này.
Ty học chánh có một xe jeep quân đội đã sơn lại dùng để cha anh đi thăm trường
hay chuyên chở những học cụ như bút mực, sách vở, phấn viết, thực phẩm khô cho
các trường học sinh Thượng ở xa. Người tài xế tên là Lê có cái mũi cao mỏng, cặp
mắt linh hoạt như mắt chim và cái miệng rất tươi; hôm nào phải đi xa một mình,
chắc là buồn nên thường nháy nhó anh đi theo. Có khi đi rất xa như tới Dak Sut
hay Tumơron., mẹ anh sợ nhưng cha lại bảo: để nó tiếp xúc với thiên nhiên và tập
can đảm, vả lại tài xế Lê rất tháo vát còn biết cả sửa xe. Được thể anh xách
theo cây kiếm Thượng mà ông Paul Nưa đã cho cha từ lâu; ông này sau làm tới Tổng
Trưởng Sắc Tộc. Từ đó những chiều nghiêng nắng, đồi cao vực sâu, nhà sàn mơ
màng trong sương non cao, núi rừng thầm kín biết bao nhiêu tình; anh mến cảnh,
yêu cả người… Quốc lộ 14 như cái xương sống dẫn anh đến bao trường học làng mạc
của những con người thật thà chất phác ấy.
Có hôm anh được đến làng Kroong. Vì ban ngày lũ nhỏ phải phụ cha mẹ chúng làm
việc nên lớp học bắt đầu từ sáu giờ chiều tại nhà Rông, là nhà làng, lớn hơn những
nhà khác với mái dựng đứng cao ngất. Học trò đến trường trên những cây sào.
Chúng đi nhanh gần như tốc độ xe đạp trên hai cây sào từ các nhà sàn cao trong
làng đến nhà Rông mà chân không hề chạm đất. Một đèn Manchon được thắp soi rõ bảng
đen, Học trò ngồi trên sàn nhà. Cha anh, tài xế Lê và anh ở phía sau. Giáo viên
là một thanh niên người Kinh giảng bài bằng tiếng Thượng. Lúc cuối giờ gọi một
cô bé chừng mười tuổi rất xinh lên bảng kiểm bài để cho ông thanh tra thấy
trình độ học sinh; tất nhiên ai cũng biết giáo viên đã gọi lên bảng đứa giỏi nhất.
Anh nhớ mặt nhưng không nhớ tên, không biết có phải là Dung em gái Beo không.
Tám năm qua rồi, chắc em bây giờ đã thành bông hoa rừng hương sắc.
Chiều đang xuống nhanh, giờ không phải lúc ngồi trên bờ sông mơ màng. Tối nay
anh không được ở bên cạnh bao nhiêu đồng đội thân yêu nữa, anh sẽ nằm co trên đồi
vắng hay một xó rừng quạnh hiu nào đó không có thằng Beo lo cà phê thuốc lá,
không có thằng Xiếu kể chuyện tiếu lâm quên đi tiếng u u buồn tẻ của máy PRC-25
bên mình nó. Anh đã quyết định đi xuôi theo sông Pôkô thay vì quốc lộ 14, con
đường đó xuôi Nam đến Kontum là gần nhất, nhưng anh biết nhiều sư đoàn Cộng
quân đang dùng đường đó để tiến về vây hãm Kontum. Anh mong gặp quân bạn đang lạc
lõng, nhưng anh cũng sợ những toán địch để lại còn đang truy kích. Sông Poko chạy
song song quốc lộ 14, xuôi về Nam thì sông ở bên phải, quốc lộ 14 ở bên trái;
anh tìm một khúc sông rộng nước cạn để lội qua, đi theo sông bên hữu ngạn sẽ an
toàn hơn. Cũng may mùa hè sông ít nước nên chỗ sâu nhất chỉ ngang ngực.
Đêm nay không trăng, nhưng có nhiều sao, trời tối mơ mơ; nhật ký hành quân của
anh ghi ngày 15 tháng 4 năm 1972. Đã mười hôm, kể từ ngày trực thăng đổ quân xuống
ba ngọn đồi, anh mới được tháo giầy ra xoa nắn bàn chân đau đớn móp méo. Nước
con sông êm đềm trôi đi những thương tích nhục hình của đia ngục trần gian. Anh
chưa đi được xa, nhìn xéo qua bên kia sông đồi cao chất ngất, lửa vẫn cháy bập
bùng từng đám; lửa của mười ngàn quả đại pháo tầm xa, lửa của bao nhiêu hỏa tập
cận phòng cùng với bom xăng tàn phá núi rừng âm u, lửa hung tàn đốt cháy quê
hương hiền hoà còn lâu mới tắt. Thỉnh thoảng lại có ánh sáng loé ra bay lên cao
và tiếng nổ nhỏ lụp bụp theo sau, chắc là linh hồn các bạn anh từng đứa một bay
đi về trời, nơi an lành, chỉ có yêu thương không thù oán. Riêng có một đứa làm
anh ray rứt mãi không thôi.
Tháng 8 năm 1954… Hà Nội xám ngắt u buồn, phố phường vắng hoe và nhà nhà đóng cửa
im lìm vì phần đông đang chuẩn bị vào Nam. Trường cũng đã đóng cửa, anh thường
đứng chơi trước nhà,căn nhà dành cho gia đình hiệu trưởng ở sân chơi trong khu
trường nhỏ. Nhà bé có ba gian nhưng nền lại rất cao, gần đó là giếng nước và
nhà bếp; một cây xung mọc nghiêng, nghiêng đến mức có thể leo lên cưỡi ngựa được.
Sân chơi này rất lớn, có bóng mát của những cây lim, cây sấu, cây bàng. Ngày
nghỉ, các bạn anh cũng hay đến chơi; nếu phải giã từ mảnh sân này chắc là buồn
lắm. Một hôm ông Sính, người gác trường chạy vội tìm cha anh:”thưa ông con bắt
được một thằng ăn trộm”. Cha tôi rất ngạc nhiên vì trường học thì có cái gì để
trộm, nhưng ông cũng theo qua bên trường lớn. Tên trộm là một thằng bé xanh xao
cỡ tám, chin tuổi, nó đứng run rẩy, hai tay bị trói dính vào cái xe bán quà rong
mà giờ chơi ông Sính thường đẩy ra bán cho học trò. Ông Sính kể lể: “con nghe
tiếng nhai rau ráu, chạy vào mới tóm được nó, nó đang ăn khoai rán tẩm đường
trong bọc giấy này đây thưa ông”.
Ngã ngũ ra thì nó khai là học trò trong trường , nó đói đã ba hôm, bố thì chết
trận, mẹ thì đau ốm. Mặt nó cứ cúi gầm xuống. Cha anh cởi trói cho nó, rồi cho
nó tất cả tiền ông mang theo. Chưa bao giờ anh thấy cha khóc, nhưng lần này nước
mắt chạy quanh. Còn anh vội vã bỏ về; tuy nó cứ cúi gầm mặt xuống đất vì xấu hổ
nhưng anh chợt nhận ra cái sẹo lớn bên thái dương nó. Nó là thằng Huân học cùng
lớp, đứa bạn hay đến cái sân trường này chơi với anh; có khi hái táo gai, một
cây táo gai nhỏ nhưng già cóc, khuất lấp chỉ có nó với anh biết. Có khi đổ nước
bắt dế trong những cái lỗ dế ở, hay bắt ve sầu bằng cây sào dài đầu có dính nhựa.
Anh cầu cho đứa bị anh bắn gục bằng khẩu colt không phải Huân, nhưng càng lúc
hình ảnh, dáng điệu, cái nhìn của nó anh càng nhận rõ đó là chính nó. Bây giờ
sinh Bắc tử Nam,không biết tối nay hồn thằng Huân có linh thiêng bay về báo cho
bà mẹ đau yếu của nó biết chưa? Có nói rằng con bị chính đứa bạn thân bắn chết
không?!... Phải chi quân ta thắng: những người lập công bẩn như những con chuột
cống sẽ đứng ưỡn ngực nhận huy chương từ tay tướng vùng hay sư đoàn trưởng. Những
ông này áo quần thẳng nếp hồ, mắt đeo kính mát tay cần can chỉ trỏ. Một núi vũ
khí sẽ được lính gom về cho phóng viên chiến trường chụp ảnh đăng báo. Những thằng
lính khác sẽ đi lục túi áo túi quần những đứa bên kia tử trận để biết tên tuôi
ngày sinh, quê quán mà mấy em gái hậu phương sẽ thông báo trên đài Mẹ Việt Nam.
Còn gì nữa nhỉ, ồ còn mấy cái xác.
Lính miền Nam thì quấn poncho từng hàng dài chờ trực thăng tới rước về nghĩa
trang quân đội, cái nào mới thì xẹp lép vì mất máu mất nước, cái nào cũ thì phồng
lên xanh xanh như đòn bánh tét. Trực thăng lớn sẽ thả một hoặc hai máy ủi xuống
chiến trường. Sau khi đào một cái hố vừa sâu vừa dài, máy sẽ đi gom các tử thi
đẩy xuống hố, rắc vôi bột và lấp đất lại phẳng phiu. Chừng ít tháng cỏ sẽ mọc đầy;
gió lại thổi vi vu trên những mồ hoang cỏ dại ấy. Nhưng hôm nay thằng Huân ở
bên thắng trận. xác của nó sẽ được đồng đội chôn ở đâu đó và mẹ nó còn lâu mới
biết tin. Khổ cho anh, bạn cũ nhìn nhau chỉ có một giây, nhưng hình ảnh nó gục
ngã in vào võng mô cho đến hết đời!
Đã mấy hôm rồi anh theo sông Poko xuôi Nam, ngày đi đêm nghỉ, nhưng anh chẳng
đi được bao nhiêu. Những vết thương ở bàn chân và ở vai, thay vì được tĩnh dưỡng
nay phải hoạt động, nên có dịp bùng phát đau đớn. Anh cũng không thể lợi dụng
bài học vượt sông để đi xuôi dòng; nghĩa là dùng poncho gói ba lô và vật dụng
khác thành một cái phao nổi mà bơi theo; trời nắng sáng rõ, anh có thể trở
thành điểm nhắm cho địch ở bên kia sông. Vượt sông luôn luôn nguy hiểm, ngay cả
lúc được quân bạn yểm trợ. Núi rừng cao nguyên mùa xuân vẫn xanh mướt lá hoa.
Anh khập khiễng hết lên đồi lại xuống lũng, lòng khá hoang mang tìm về đơn vị
khi đất trời mùa xuân đang chuyển mình rực rỡ. Những con két nhỏ nhiều mầu kêu
la inh ỏi, những con chàng bè bay từng đàn trắng xoá, nhiều cụm lan rừng
trên cao tỏa hương như muốn níu anh vào một nơi hư không lặng lẽ an bình.
Những con thú lớn như hươu nai , heo rừng không thấy nhưng thú nhỏ như chim, gà
rừng, cheo, chồn hương anh vẫn săn được; thành ra cuộc trở về lại giống đi
chơi, dưỡng bệnh.
Anh đi đã được hơn một tuần. Tối nay dừng chân trên một đồi cát, nhật ký hành
quân anh ghi ngà 24 tháng 4 năm 1972. Mấy hôm liền rồi, nhìn về phía Đông không
xa, lửa khói ngập trời. Hỏa châu thắp sáng bập bùng, chợt loé sáng chợt tối
trong đêm như những linh hồn đang hấp hối. Những đạn đạo sáng ngời của đại pháo
và hỏa tiễn như những bước chân dài của thần chết đang muốn lấy đi những đời
trai can trường, những Dũng những Hải những Quang, những bạn bè dũng cảm hiên
ngang của anh, của sư đoàn 22 đang trấn thủ Dakto, Tân Cảnh. Anh biết sư đoàn
22 là sư đoàn duy nhất có tới bốn trung đoàn nhưng cũng không thể cản nổi nhiều
sư đoàn Cộng quân; cho dù họ đã bị thiệt hại nặng trước khi tới đó. Biết làm sao
bây giờ, những người trai phong sương như anh như bạn bè anh và lời nguyện trở
về quê Bắc lầm than: “Mẹ ơi thôi đừng khóc nữa, cho lòng va nặng sầu đau, con
đi say tình chiến đấu, đâu có quên tình cố hương”.
Bấy giờ đã vào tháng năm. Anh vẫn còn lê đôi chân thương tích, nhọc nhằn; nhưng
hôm nay anh đã thấy dòng nước dâng tràn, con sông nở rộng, tai nghe tiếng sóng
vỗ rì rầm. Chắc là đúng như Beo đã nói. Sắp tới chỗ sông Dakbla đâm thẳng vào
dòng Poko. Chung quanh đây hình như có nương rẫy, nhưng cây cỏ đã khô quắt héo
tàn, anh tìm mãi mới bẻ được vài trái bắp nhỏ khô cứng như đá; định bụng sẽ nướng
lên làm bữa ăn đặc biệt. Giờ cũng đã chiều, mai sẽ vượt sông qua làng Kroong rồi
ngược dòng Dakbla đi bên phía bờ cao tìm về chốn cũ thân yêu, nơi anh đã bỏ đi
từ nhiều năm trước. Tối nay anh nằm trên võng buộc vào hai cây ven rừng, nhâm
nhi tí bắp nướng. Trăng lên soi sáng vằng vặc dòng hợp lưu, chưa thấy làng mạc
nào đâu, chỉ thấy bên ấy núi đồi trùng điệp cao ngất. Gần sáng anh nghe thấy những
tiếng động mơ hồ vang lên ở trong rừng hay bên kia sông. Đó là tiếng đông rất
thân quen của mõ tre buộc ở cổ những con bò, mà anh nghe thấy hồi nhỏ khi đi
qua các làng Thượng; tiếng khoan tiếng nhặt ríu rít kết nối với nhau nghe
như suối chảy gió reo êm đềm.
Beo kể: làng em người ta không nuôi bò gần nhà vì sợ chúng phá nương rẫy, mà
nuôi cả đàn lớn vài trăm con. Trai làng muốn vợ thì tình nguyện đi chăn bò. Cả
năm họ dẫn bò đi ăn cỏ trong rừng sâu núi thẳm, có một ngày nhất định vào mùa
xuân chúng sẽ trở về như một tập tục thiêng liêng. Cả làng nín thở chờ đợi cái
ngày trọng đại ấy. Người lớn thì thầm nho nhỏ và trẻ con không dám khóc! Dân
làng chuẩn bị đồ ăn và những ghè rượu cần từ nhiều ngày trước, Những đồ quý hay
dễ vỡ được cất kỹ trên nhà. Rồi người ta nghe văng vẳng tiếng mõ tre, sau đó lớn
dần và trở thành âm thanh cuồng nộ khi những vó của tất cả đàn bò hung hãn chạy
qua làng. Tiếng la hét, tiếng bò rống, tiếng nạt nộ, tiếng roi quất vun vút tiếng
đụng chạm của bò khi húc đổ các đồ vật, làm thành một thanh âm quái gở và hỗn
loạn. Đã thế dân làng còn rú lên cười man dại.
Bao nhiêu chiêng trống cồng lôi ra đập loạn xạ hòa với tiếng động của đàn bò trở
về… Anh chen vô: tao nghe nói con gái người Thương khi “bắt cái nước” với đàn
ông cũng dữ dội lắm hả?” Beo cười: “ rồi ông thầy cũng biết thôi mà”. Beo kể tiếp
là sau đó dân làng đốt một đống lửa thật to, một con bò đực bự nhất được giết tế
thần. Dân làng say sưa nhẩy múa ăn uống tới mấy ngày. Cái đầu con bò được cắm
trên cọc hàng rào, lâu ngày chim kên tới rỉa thành xương sọ trắng hếu.
Sau này chiến tranh tràn lan, bọn thanh niên nhiều đứa đi lính Cộng Hòa, vì họ
có niềm tin Thiên Chúa từ lâu nên đàn bò thưa dần vì thiếu người chăn nuôi.
Càng về sau càng ít, nhưng như một thói quen tới ngày chúng vẫn âm thầm về
làng, ở lại vài hôm và ra đi trong lặng lẽ. Beo lại nói: tục lệ mỗi làng mỗi
khác, muốn lấy được em Dung ông thầy phải nạp cho làng một con bò đực và bốn
ghè rượu. Nhưng chuyện đó để em lo. Anh nói với Beo: tao với mày đi đánh hết trận
này tới trân khác, bao giờ mới hết giặc. Cưới nó lỡ tao chết có phải tội cho em
mày không! Nó nói: em biết mà, ông thầy có lỗ tai bự như lỗ tai con voi, ông thầy
hên lắm, sao chết được. Xong trận này ông thầy có bông mai nữa mà… Bây giờ thua
trận te tua, nửa nhành dương liễu cũng chưa có, dễ gì có bông mai! Còn thằng
Beo bây giờ nằm lại trên đồi máu. Ngày mai anh sẽ thực hành một mình bài học vượt
sông lần đầu. Mai sẽ gặp em nó, mà biết nói gì với em đây khi trao kỷ vật thê
thảm này. Ừ thôi để mai tính.
Anh dừng lại bên một cội mai già, thân to bằng cột nhà quằn quại uốn lượn lên
cao. Chung quanh đây toàn những mai khổng lồ như vậy. Anh có nghe nói đến một rừng
mai vĩ đại, rằng vào đầu xuân mai trải một thảm hoa vàng vô tận, đẹp và hùng vĩ
đến kính sợ khiến kẻ chiêm ngưỡng vội quỳ mọp xuống bái tạ thiên nhiên, không
biết có phải chỗ này không? Nhưng bây giờ xuân đã tàn, mai đã mọc đầy lá xanh.
Anh tháo ba lô dựa lưng vào thân mai già ngồi nhìn xuống làng Kroong mà sáng
nay anh vửa đi qua. Không giống như buổi chiều hôm ấy khi anh đến làng: những đứa
nhỏ đi học lao nhanh vun vút trên những cây cà kheo; cũng chẳng giống như thằng
Beo tả: dân làng say sưa ăn uống nhẩy múa trong ngày hội bò về, tất cả tiêu điều
xơ xác. Nhiều nhà đổ xập và nhà Rông của làng cháy hết một nửa. Không thấy những
cô gái vui tươi giã gạo bang cái chầy dài, không thấy trai làng ngồi vót ná
tên. Bùi ngùi anh đi đến cuối làng chỉ thấy những đầu bò trơ xương
trắng hếu.
Nghĩa địa có những tượng người khắc bằng cây cà chít, buồn bã ngồi hai tay bưng
mặt, chống cằm, lâu ngày nước mưa soi mòn trên đỉnh đầu tượng thành những mũi
dao nhọn hoắt. Dân làng không biết đã đi đâu, họ chẳng để lại một dấu tích nào.
Trên tường nhà chỉ còn một khẩu hiệu diệt trừ sốt rét và một dòng chữ gọi ruồi
là kẻ thù. Cái buổi tối anh nghe lục lạc của bò kêu, chắc là của những con bò
cuối cùng đàn bò năm xưa trở về , không quên tình xưa lối cũ.
Bỗng có tiếng trực thăng phành phạch bay qua, gần đến nỗi trông rõ cái mũ bay của
người phi công, có thể đang đi tìm những quân bạn còn lạc lõng trong rừng,
nhưng anh không chạy ra ngoắc. Đã qua được bờ cao của Dakbla tức là đã
xâm nhập thành phố rồi, có ngoắc phi công cũng không hiểu anh muốn cái gì. Mấy
hôm nay anh thường nghe tiếng rền rung chuyển đất trời của B-52 thả bom. Tiếng
rền khá xa, chắc là bom nổ ở phía Bắc thành phố. Nếu pháo đài bay B-52 thả bom
mà ở gần chỗ bom rơi từ năm trăm đến một ngàn mét thì kinh khủng lắm. Hai ngón
tay bịt lỗ tai, cong người lại trong chiến hào rồi mà tưởng máu và lục phủ ngũ
tạng bay tung ra ngoài… Có người còn bảo lúc đó chống tay chân như hít đất thì
đỡ hơn... Con sông uốn lượn ở phía Nam, nhìn xuống dòng nước không thấy xác người
xác lính, anh biết mình đã chọn đúng cánh cửa đi vê.
Anh rút điếu thuốc cuối cùng trong bao Quân Tiếp Vụ có hình người lính và tìm
cái bật lửa Zippo của trung sĩ Ngang cho. Đó là chiến lợi phẩm thu được từ xác
một tay sinh Bắc tử Nam. Bật lửa trông cũ vì cháy xém rất đẹp, có khắc ở nắp
trên ba dòng chữ: Live Fast. Love Hard. Die Young. Phần dưới là bản đồ miền Nam
Việt Nam với các địa danh: Dakto, Kontum, An khê, Quảng Trị, Bồng Sơn, Tuy Hòa.
Anh bật lửa lên châm thuốc và giữ ngọn lửa cháy thật lâu; nhìn lửa qua màn khói
thấy hai mái đầu xanh tội nghiệp ngồi bên nhau thân ái lắm. Chúng đang nói chuyện
với nhau: - Sao mày chêt, chết ở đâu vậy hả thằng Mẽo con? - Đang săn đuổi lũ
vi xi chúng mày trong làng Tây Sơn Bình Định thì tao trúng AK-47! -
Làng đó sinh ra người anh hùng nhất nước tao đấy. - Thế quê mày ở đâu? - Mãi tận
ngoài Bắc, tỉnh Nam Định, chả có anh hùng nào sất, nhưng có tay làm thơ cừ lắm.
- Bạn Việt Nam tao nói dân Việt đứa nào cũng biết làm thơ? - Đúng, dân tớ chỉ
làm thơ và đánh nhau, nghèo khổ lắm, mẹ già một đời ăn cơm chan nước mắt. - Thế
quê đằng ấy ở bang nào? - Tiểu bang Washington, giàu có, to lớn lắm. Nói chung
dân lao động cũng có xe hơi chạy tà tà. - Thế tại sao cứ phải qua đây đánh nhau
với chúng tao? Cái đó phải hỏi mấy ông tỷ phú với mấy cha nội tổng thống, tao
làm sao biết được... Bóng chúng mờ dần rồi mất hẳn khi anh đạy nắp bật lửa lại.
Tháng năm trời cao nguyên đã có mưa, những cơn mưa đêm âm thầm rả rích, những
cơn mưa chiều chợt đến chợt đi. Mùi đất mới bốc lên ngai ngái kéo anh về dĩ
vãng của những lớp học ngày mưa, những lúc tan trường chung đường chung bước.
Mưa không cản bước tiến mà còn làm anh háo hức thêm trên đường về kỷ niệm. Hình
như chân cũng bớt đau, hình như anh khoẻ lại, bước những bước dài vững chắc bên
bờ sông ngoằn ngoèo uốn khúc như cánh tay thon mềm. Gần đến nơi rồi, anh biết
đang đi trên địa phận của làng Phương Quý. Quốc lộ 14 xeo xéo với hướng anh đi
càng lúc càng gần và chỉ cách một khoảng rừng rậm, gần đến nỗi về đêm có thể
nghe được tiếng xích xe tăng nghiến trên đường đá, và súng nhỏ nổ râm ran. Anh
đoán chừng phía Nam thành phố hầu như bỏ ngỏ, con sông Dakbla bao bọc phía Nam.
Cửa ngõ duy nhất để thông thương với Pleiku là quốc lộ 14.
Hồi anh đi, cầu sắt đã làm xong là để thay thế cái cầu gỗ thấp mà khi mùa mưa lụt
là không thấy nó đâu nữa. Từ đó để đi Pleiku hầu hết xe cộ chỉ qua cầu sắt. Lâu
lâu xe của sở công chánh mới dùng cầu gỗ để qua lấy cát. Đoạn đường men theo
sông về thành phố không phải lên đồi xuống lũng nhưng qua nhiều địa hình khá trống
trải: rừng thưa, ruộng lúa, bụi rậm, làng Thượng, nghĩa địa và bãi cát: nhưng
đi qua tất cả mà không bị phát hiện vì không có địch mà cũng chẳng có ta.
Chiều hôm sau đến môt cánh rừng bên sông anh đã trông thấy đảo cát, hai cây cầu
gỗ, xa hơn là cầu sắt thật cao. Cầu gỗ trông hoang tàn nhiều nhịp đã xập. Lấp
lánh trong nắng chiều dòng nước vẫn lặng lẽ trôi như chẳng cần biết rằng cậu
thiếu niên ngày xưa đã trở về đây. Cậu sẽ cùng các bạn cũ tiếp tục chiến đấu để
bảo vệ trường xưa, dòng sông, đảo cát, miền thơ ấu cũ.
Lúc nửa đêm anh mới quyết định bước ra khỏi rừng và gặp ngay một con đường đá.
Đường này lượn theo sông rồi chênh chếch đi vào thành phố. Đêm không trăng,
nhưng nhiều sao, đạn pháo vẫn nổ rền từ khu nghĩa địa và nhà thờ chính toà. Hỏa
châu vẫn leo lét soi phía Bắc, anh lờ mờ đọc được tên con đường đang đi là Hai
Bà Trưng ở một ngã tư. Hình như khi anh rời thành phố người ta chưa mở con đường
này. Chung quanh đây không có nhiều nhà cửa bị phá hủy. Anh tiếp tục đi theo cảm
tính và gặp một lúc bốn con đườn khác chụm lại vào đây như một ngã năm. Anh khựng
lại vì thành phố cũ nhỏ bé xưa làm gì có ngã năm! Định thần đọc tên đường thì
đúng nơi tay phải là đường Ngô Quyền, anh đang đứng trước cái góc nhọn hình tam
giác của miếng đất trường cũ. Lúc này anh bàng hoàng đi như mộng du, không để ý
rằng có một xác chết thiếu nữ ngay trong sân trường, trường đã xây cất thêm nhiều,
có cổng và tên mới. Anh cứ đi như mơ, như có ngưòi cõi âm dẫn dắt. Qua những
cây keo cây muồng tan tác vì đạn pháo, xác người hàng hàng lớp lớp nằm trong
sân vận động được bọc trong những bao trắng xoá. Qua tường tiểu học, qua đường
Lê thánh Tôn, quẹo vào Lê Lợi. Anh mỏi mệt lắm rồi nhưng có tiếng ai như thúc
giục:”còn tí thôi mà Hào đi không nổi sao?”.
Anh bỗng dừng lại trước một căn nhà. Mặt tiền bị phá hủy, nhưng vẫn thấy thân
quen, thì ra là mùi bông sứ níu chân anh. Anh bước lên những bậc cấp, gạch gỗ
ngổn ngang dưới chân, đèn pin cầm tay run run soi từng góc nhà từng bức tường.
Lúc này tỉnh hồn, anh biết rõ anh sợ trông thấy cái gì rồi. Nhà trong và nhà bếp
vẫn còn nguyên. Hình Túy treo trên tường do anh vẽ vẫn còn, một cô Tuý sắc sảo
và tinh nghịch đang quay nhìn ngang. Phòng kế bên có một giường sắt rất lớn, kiểu
xưa với rất nhiều hoa văn, mền gối với màn trắng tinh như chờ đợi người nằm.
Khu nhà bếp mới thật sự là nơi sinh hoạt.
Tám năm trước anh đã đến đây, đã ngồi trên một trong hai bộ ván gõ thật lớn
này, có bạn bè thân thương và Tuý hiền hoà nấu chè mời các bạn. Một cái võng
căng giữa hai cột nhà đen bóng. Anh tháo ba lô, súng đạn và ngã mình mệt mỏi
lên võng, nhưng mơ màng như anh vẫn thường mơ: buổi sáng có tiếng nước reo
trong lò bếp, và dáng em hồng lên với nắng mai. Anh với em ngồi bên cái bàn gỗ
mộc này nhìn ra vườn: cây vú sữa già vươn những cánh tay dài trĩu quả, cây thị
khổng lồ và cây hoa gạo có hoa đỏ tươi đứng gần bên giếng nước. Mùi hương
thoang thoảng của trà xanh và hoa sứ bay trong không gian êm đềm. Em bảo: anh
như ngựa non thích rong ruổi, như thuyền biển thích ra khơi! Anh nói: hết chiến
tranh rồi, anh về đây với em chứ đi đâu: sân nắng cũ, vườn niên thiếu, ngày
thanh xuân, sẽ quên đi những mùa chinh chiến ấy, mưa chưa bay trên từng nấc
thang đời… về đền em giấc mơ bao ngày vắng xa.
Năm giờ trời đã sáng và đại pháo của địch bắt đầu rót vào thành phố, nghe như đạn
nổ ở khu hành chánh, là chỗ tòa hành chánh và các ty sở đều tập trung ở đấy. Ty
tiểu học nơi anh đã ở nằm giữa Ty Bưu Điện và Ty Thông Tin. Mỗi khi gửi thư chỉ
cần đi lên vài chục bước, nhưng đi xuống vài chục bước là dẫy nhà sau của Ty
Thông Tin. Buổi chiều khi Ty Sở đã nghỉ có thể tìm anh Quốc Thậm, nhạc sĩ của
Ty Thông Tin. Anh ốm nhom, tóc uốn dợn sóng, chơi được nhiều nhạc khí như phong
cầm, guitar, vĩ cầm và mandolin. Nhiều đêm anh Thậm mang đàn ra sân và đàn cả
đêm với người thiếu niên tri kỷ. Không biết giờ anh chạy đâu, lũ nhạc khí còn
nguyên hay tan tác hết rồi!
Giờ thì anh thấy nơi góc nhà là một đống bao cát, chất cong lên như một
công sự phòng thủ. Thì ra những bao cát này bọc chung quanh và ở trên một bộ
ván gõ rất dầy, chỉ chừa một cửa để chui vào. Nằm thẳng chân dưới bộ ngựa đó
anh nghĩ đến Túy và an tâm chờ đợi.
Lại lơ mơ ngủ nữa nhưng anh chợt nghe loáng thoáng tiếng người và cả tiếng nhạc!
Chui ra khỏi hầm thì tiếng động nhỏ đi. Anh biết ngay tiếng động phát ra từ
trong hầm bao cát; chẳng khó khăn anh đã tìm ra cửa hầm thứ hai, có bậc thang
xây đi sâu xuống. Đúng là một kiểu hầm chữ A mà bọn anh thường phát hiện của địch
trong hành quân, nhưng được xây cất chắc chắn và sạnh hơn nhiều. Đây là một kiểu
hầm trong chiến tranh Việt Pháp, hầm có sức chịu đưng bom đạn lớn lắm. Đỉnh chữ
A với tay cũng tới, không gian ở đây giống như một cái lều to hình khối tam
giác, phần đáy hầm dài rộng bằng hai cái giường, có trải nệm, có mền gối, cả
khăn áo, mà sao có luôn cây đàn của anh ở đây nữa! Một bàn gỗ thấp ở cuối hầm
trên có cây đèn dầu, một quyển vở và một radio nhỏ, đang phát thanh cũng rất nhỏ
chương trình của đài Sài Gòn.
Thì ra nàng vừa rời khỏi đây thôi, một căn phòng nhỏ riêng tư và ấm cúng. gấp
gì mà quên cả tắt máy! Anh mừng quá, châm đèn lên và bắt đầu đọc những trang vở:
……………………………………………………………
Anh thân yêu,
Khi anh đi rồi, nơi em đã buồn lại càng buồn hiu hắt.
Đám bạn đứa đi học xa đứa đi lấy chồng, chẳng còn được bao nhiêu! Những ngày
vui qua nhanh như gió thoảng. Tưởng tượng ra em đi, ở trong một căn nhà cổ xưa
rộng lớn với cha già. Tuy cha con rất thương yêu nhau nhưng vẫn là hai thế hệ
xa vời cách biệt. Em ở lại nhà tự học và cũng đi thi để được gần gũi chăm chút
cho cha. Nhà có mấy môn thuốc gia truyền, chỉ cần ra tiệm thuốc Bắc ngoài chợ
mua về chia thành gói nhỏ, có nhiều người đến mua thành ra cũng có việc làm, có
điều em cứ mãi thắc mắc trong lòng: sao anh đi chẳng trở về, mà cũng không có
cánh thư nào? Anh hiền hoà, đa tình đa cảm của em đâu có tệ bạc thế! Về sau em
biết thêm rằng một chấn động tâm lý ở giữa lúc tuổi trẻ và dậy thì đôi khi mang
đến thương tích tâm lý, chỉ có thời gian mới hàn gắn được, nên em cứ đợi cứ chờ.
Em đã xin dậy học ở trường cũ, là chỉ muốn tìm lại chút hương xưa.
Các thầy cũ không còn một ai. Thầy Phạm Hữu Lộc chơi vĩ cầm thật hay, còn chia
bè để cả lớp hát được những hòa ca lớn. Thầy Nguyễn văn Chút dậy nhạc thật giỏi,
nhờ thầy em hiểu nhạc lý; tới giờ thầy say sưa hát Hò Kéo Thuyền trên song
Volga và dân ca thế giới…Nhưng em biết là anh thích thầy Bùi Luận nhất phải
không? Thầy gọi anh là thằng Bắc Kỳ Di Cư nhưng thường cho anh điểm luận văn rất
cao! Ừ anh của em học dở thiệt nhưng cũng có môn hạng nhất chứ! và anh ơi, nơi
chỗ chúng mình ngồi ngày xưa cũng có hai đứa bé xinh đẹp như em như anh ngồi
vào. Cũng có khi em nói xa nói gần với chúng rằng: ngày xanh ngắn ngủi lắm, hãy
yêu nhau đi! … Biết làm sao bây giờ. Em gọi anh ngày xanh nhưng sân trường
không có anh! Bước đời rộn rã lòng hoang loạn, anh có về thương yêu Dakbla
không?
……………………………………………………
Anh,
Đừng tưởng rằng em không biết anh cũng yêu em! Không yêu,
không có hình bóng em trong đầu thì làm sao vẽ giống được! Đừng tưởng lâu lâu tối
trời tới ngồi trước bụi cây nhìn ngắm người ta mà em không biết đâu! Chỗ đó
cao, bóng in rõ trên nền trời ai mà không thấy. Em còn khêu đèn cho anh nhìn rõ
luôn đấy. Còn cái đàn banjo sao không giao cho em mà cho anh Quốc Thậm, ảnh thiếu
gì đàn. Em đến chỗ anh ấy ở xin lại, nhưng không được, năn nỉ mãi cũng không được.
Em nói anh là Huynh Trưởng Phật Tử anh phải có lòng nhân từ với đàn em chứ! Con
mắt ảnh ranh ma lắm, cái đầu lúc lắc, cái miệng rộng quạch cười cười: Nó giao
anh giữ dùm chứ có cho đâu mà anh cho lại. Em nói: thì em giữ cũng như anh giữ
thôi. Em lại có đàn để tập chơi, trong khi anh đã đàn giỏi đủ thứ rồi. Nhưng ảnh
vẫn cười, đầu vẫn lắc. Tới nước ấy em khóc nức lên, anh Thậm sợ quá lật đật
mang đàn ra trao. Em mang đàn về còn nghe ảnh móc được một câu: Cái thằng lù
khù mà có ông cù độ… Anh của em mà lù khù sao!?
……………………………………………………
Anh yêu quý,
Từ ngày đi dạy học ở trường cũ em cũng bớt buồn. Anh thử
nghĩ xem có công việc nào thích hợp với em hơn? Bây giờ có nhiều bạn mới, là thầy
cô trong trường. Có thầy Trọng Nguyễn đẹp trai rất năng nổ công việc Văn Nghệ,
Hiệu Đoàn. Có cô Yến Hoa xinh đẹp. Học trò nam nữ đến nhà thăm thường xuyên,
không biết chúng mê em hay mê cái vườn nhiều cây trái! Có đứa học trò trai tên
Hùng đề nghị mỗi ngày chở em đến trường dạy học. Em gạn hỏi Trần Hùng đáp: Trước
hết là để cô đỡ mỏi chân, sau là vì buổi sáng có nhiều đứa trai đứng ở đầu hồi
trường nhìn qua con đường bên kia sân vân động kiên nhẫn đợi. Em hỏi đợi gì? Nó
trả lời: đợi cô chứ đợi ai! Cô đi tới, thấy dáng cô mặc áo dài trắng hay
đen là chúng nó trầm trồ xuýt xoa. Em xin chở cô để mấy thằng này hết dòm, tức
ói máu! Không biết nó nói thật hay nói chơi, chứ hồi còn đi học em nhớ anh cũng
hay đứng chỗ đầu hồi trường lắm mà, đúng không?
Chẳng bằng một góc của Trần Hùng, nhờ chở được có một lần mà chạy lẹ như ma đuổi!
Trường đã xây thêm nhiều phòng để tạo với dãy nhà cũ thành một hình chữ U, có cột
cờ, cổng trường đẹp đẽ. Em thích nhất khi mà ban giảng huấn đồng ý tên trường
là Hoàng Đạo, nhà văn nhà cách mạng thích hợp với tên trường hơn là các
ông vua chỉ giỏi chinh chiến anh hả? Còn con đường Ngô Quyền cũng được chận hai
đầu không cho xe lớn đi qua, nên cánh rừng khu giọt nước là sân chơi tuyệt vời
không riêng gì của học trò mà chẳng trường nào có được. Phải kể đó là công lao
của ông hiệu trưởng mới. Thầy hiệu trưởng mới kiên nhiệm dạy Anh văn, lo cho
trường ốc, học trò không biết mệt mỏi; sao em thấy giống cha anh quá, tất nhiên
trẻ tuổi hơn nhiều…Em nhớ cuối năm đệ ngũ, bây giờ gọi là lớp tám; em mắc
cười quá vì anh chàng ham chơi biếng học của em được lãnh thưởng, trời ạ! Em
đoán là để khuyến khích anh nên cha anh, ông hiệu trưởng tiền phong của Hoàng Đạo
đã đặt ra thêm ba phần thưởng bộ môn: sinh ngữ, toán và Viêt văn, cho nên anh
dính được một cái. Phần thưởng hạng nhất của em cao ngập mặt, của anh tội nghiệp
quá chỉ có mỗi một quyển tự điển Việt Nam!
Chắc anh cũng thấy khó chịu nên bước lên lãnh thưởng mà rụt rè ngượng ngập! Sau
đó anh nói với em: đó là lần đầu tiên duy nhất trong đời anh biết cha ăn hối lộ!
Là thế này, ông bà có bảy người con, sáu đi học xa phải trợ cấp, duy nhất có
anh là ở với cha mẹ. Lương thanh tra kiêm hiệu trưởng chắc là khá nhưng
làm sao cho đủ. Ổng lại mê tự điển nên nghĩ ra kế này, một công đôi việc, vừa
khuyến khích anh, vừa được tra cứu để viết sách; người ta còn gọi cha anh là cụ
Huyền, viết các bộ sách Địa Lý, Quốc Văn , Việt Sử và cả sách Tử Vi , Phong Thủy
nữa, chứ anh có mấy khi lật Tự Điển ra đâu!... Em nghe xong vừa thương vừa kính
ông hơn. Có một hiệu trưởng như thế, các hiệu trưởng sau cũng vậy, các giáo sư
cũng hết lòng và thế hệ học sinh Hoàng Đạo sau này cũng nở mày nở mặt với đời
anh nhỉ…
………………………………………………………
Anh ơi,
Vẫn là buồn thôi, những năm sau này cha không còn ở với em
mà bỏ đi tìm mẹ. Mẹ đã mất từ hồi còn rất trẻ, em không được ở với mẹ nhiều còn
bây giờ hoàn toàn là đứa bé mồ côi. Căn bệnh phổi quái ác đã cướp mất người cha
nhân hậu: ngày tết ai còn đến nhờ vẽ tranh viết câu đối, còn ai nhờ hốt thuốc
chữa bệnh, hay thảo dùm những lá đơn. Nhà đã vắng, vườn thì rộng, buổi trưa
nghe gió nghiến bụi tre Mạnh Tông sau nhà, xé rách những tàu lá chuối hoang mang
buồn bã… anh ở đâu, sao anh không về?
Buổi chiều em hay ra sông, cũng có nhiều người ở đây, họ với em đứng trên cây cầu
sắt thật cao ngắm nhìn đất trời trong hoàng hôn rực rỡ, nơi phiá Tây dòng nước
quanh co chuyển về như chuyên chở cả một dòng chảy bạc vàng lấp lánh; niềm vui
tỉnh nhỏ của em đó! Niềm vui này không biết còn kéo dài được bao lâu? Anh biết
đấy, một cầu sắt kiên cố để xe tank đi qua được đâu phải chỉ cho em với dăm ba
người dân ra hóng mát. Liên đoàn 61 công binh kiến tạo dựng cây cầu này, sau đó
quốc lộ 14 từ cây cầu này được tiểu đoàn công binh chiến đấu của đại uý Kha nối
tiếp qua Tân Cảnh, Đakto, lên đến tận vùng ba biên giới. Cao nguyên chắc sẽ
không còn hiền hoà như hồi chúng mình đi học. Khi cha Hoàng Ngọc Minh bị những
lực lượng tiền sát của Cộng Sản giết chết ở Dakto vào năm 59 thì những giới chức
quân sự ở miền Nam vội vã thành lập quân đoàn 2. Sau này em không thấy những
anh lính lè phè của sư đoàn 12 khinh chiến đâu nữa, một sư đoàn mạnh mẽ và đông
đảo là sư đoà 22 bộ binh đã lên thay chỗ.
Một hôm trời mưa nhỏ, có người đàn ông mặc đồ đen chân mang dép lốp đến
nhà, em nhìn mãi mới nhận ra Lê Châu, ừ mà cũng năm sáu năm qua rồi. Anh nhớ Lê
Châu không? ngồi ngay sau lưng anh đó, nhưng chỉ học hết năm đệ ngũ rồi đi đâu
mất biệt. Châu nói đến thăm xã giao thôi nhưng ngồi thật lâu giảng cho em về một
đời sống tốt đẹp hơn, không có giàu ăn hiếp nghèo, về một địa cầu không biên gới,
nơi đâu cũng cũng là người cùng quê hương với nhau và yêu thương nhau. Châu còn
thường nhắc đến một người mà hắn gọi là Bác, như một vị anh hùng, một cha già
dân tộc, sẽ đưa toàn dân qua đói khổ lầm than.
Châu hỏi thăm anh, em nói anh đã ra nhập quân đội. Châu nói nếu có gặp anh thì
khuyên anh mau về với nhân dân, chính quyền Cách Mạng sẽ khoan hồng với những kẻ
biết ăn năn hối cải… Buồn cười không? Châu tưởng em là đứa con nít quê mùa nào
chứ. Mới ngày nào bạn ấy diện sang nhất lớp: giầy da, kính mát, quần jean ống
túm nhưng phá làng phá xóm cũng nhất, nay đã giác ngộ cách mạng. Một
tháng sau ty thông tin có loan báo hai đặc công bị bắn hạ khi gài mìn định phá
cầu sắt. Có người đi xem nhận ra một trong hai người chết nằm co quắp trên đường
nhựa là thằng Châu con bà năm Hài. Đó là người bạn đầu tiên trong lớp chúng ta
phải ra đi vì những nhân danh chủ nghĩa hòa bình, độc lập, tự do hạnh phúc. Thật
đau lòng tội nghiệp quá anh!
……………………………………………………..
Anh,
Chiến tranh đã tới thật rồi, lần này khác hồi Tết Mậu Thân.
Hồi Mậu Thân thành phố tan hoang bằng chính bom đạn của mình nhiều hơn, vì chúng
ẩn nấp trong nhà dân, cơ sở thương mại, trường học giáo đường, muốn đẩy chúng
ra thường phải đánh bom những chỗ ấy. Họ thua nhanh chóng và không mấy ngưới trở
về vì họ không quen lối đánh rải người khắp các tỉnh thành miền Nam, nhất là
không được hậu thuẫn tiếp tay của đồng bào như họ vẫn lầm tưởng! Lần này chúng
tập trung nhiều sư đoàn để uy hiếp thành phố bé nhỏ của ta. Đầu tiên quốc lộ 14
Kontum-Pleiku bị cắt đứt bằng cách bắn những xe đò chạy đường này. Vài người
dân và một cậu lơ xe chết thế là không ai dám đi nữa, ngay cả những tay liều
lĩnh đi buôn hàng bằng xe gắn máy cũng chùn bước.
Thế là Kontum mất đường tiếp tế, tiếp viện và mất cả đường rút lui. Bây giờ em
quen biết nhiều, lại thường theo dõi tình hình chiến sự qua các đài phát thanh,
để em kể tiếp: Sư đoàn 22 bộ binh trấn giữ vùng Dakto-Tân Cảnh không phải
là địch thủ của nhiều sư đoàn Bắc quân, đã vỡ trận chừng hai tuần trước sau gần
một tuần lễ giao tranh lửa đạn ngập trời. Đại tá sư đoàn trưởng và nhiều sĩ
quan tử trận. Hàng ngày những cánh quân từ Võ Định tung ra mở đường để tìm kiếm
quân nhân thất lạc, rồi lại lui quân vì sức tiến vũ bão của Bắc quân. Các trực
thăng cũng suốt ngày đảo tìm quân bạn. Chắc anh đã xem phim Gone With The Wind?
Một phim hoàn hảo tuyệt vời! Chỉ có một đoạn em thấy không hay, đó là cảnh Nam
quân của tướng Lee rút về sau khi thua trận, họ đi về khá bình thản, không có vẻ
của một đạo quân tan hàng. Có lẽ đạo diễn chưa được xem cảnh đau thương tan tác
của những chiến sĩ sư đoàn 22 trở về…
Và còn biết bao người đi không về, trong đó có Nguyễn Thiên và Huỳnh Phú hai
người bạn nữa của mình giã từ thanh xuân. … Sau đó là năm gọng kìm từ các hướng
Bắc, Tây và Đông đè nặng lên thành phố. Phiá Nam địch cũng không cho mở một lối
thoát. Ngon Chu Pao sừng sững hiểm trở nằm ngay bên quốc lộ huyết mạch 14 bị một
tiểu đoàn Bắc quân trang bị hùng hậu cắt đứt. Tình thế thật tuyệt vọng nhưng em
lại được nghe một sĩ quan bảo rằng: Bắc quân dàn trận như thế không đúng binh
pháp. Hết đường rút thì quân dân Kontum sẽ liều chết đánh trả, chắc gì họ đã thắng
nổi. Đúng vậy anh ơi, dân chúng ai hoảng loạn thì cứ bồng bế dắt nhau ra phi
trường được máy bay C-130 chở đi di tản, ai khoẻ mạnh thì tình nguyện phục vụ
không tác chiến cho quân đội.
Mới đầu em cũng ra phi trường. Cảnh tượng ở đây thật hỗn loạn, đồng bào lê thê
lếch thếch nằm ngồi chờ máy bay. Khi một chiếc xuống thì họ chạy ùa ra tranh
nhau leo lên bất kể sống chết; ngay lúc ấy đạn pháo kích rơi tới tấp, máy bay
không thể chờ lâu, vội vã bay đi và cảnh người đu theo treo tòn ten rớt xuống đất,
cành đạn pháo hất người ta bay tung lên trời. Lần đầu em nghe tiếng đạn nổ gần
xé màng tai ghê rợn lắm. Trong cái hoảng loạn của tiếng chân chạy, tiếng
người kêu khóc gọi nhau, em bình tĩnh bỏ về, tai còn nghe đạn nổ, biết là mình
còn sống. Sân vận đông ở cạnh trường bây giờ là nơi trực thăng khổng lồ Chinook
lên xuống, nhưng về sau cũng bị pháo kích không dám xuống nữa. Thành phố bây giờ
chỉ còn đường tiếp tế bằng dù, nhưng không phải cánh dù nào cũng rơi đúng chỗ.
Nằm nghe tiếng máy bay vận tải vần vũ trên bầu trời thành phố buồn bã hoang
mang lắm, Kontum đang trong tình trạng hấp hối. Bóng dáng tử thần theo từng quả
pháo rơi khắp nơi, trên phố, trên nhà, trên những con đường hoa muồng, hoa phượng
thân yêu. Xác chết đầy đường không đủ người đi nhặt, heo đói xổng chuồng ra gậm
tay chân, tha đi khắp chỗ.
……………………………………………………….
Anh thân yêu,
Nhưng Kontum vẫn vững, vẫn hiên ngang đánh trả dù thiệt hại nhân mạng rất nhiều
và xác địch cũng rơi nghiêng ngả. Em trở thành một nữ cứu thương làm việc ở nhà
thương thành phố và ở bất cứ nơi nào cần phụ chữa. Mãi rồi cũng bớt sợ những tử
thi, những vết thương có dòi bò ra, là nhờ trông thấy lòng tận tụy của các bác
sĩ, y tá, và các nữ tu. Làm việc hối hả trong băng thuốc máu me nhưng em cũng
có được niềm vui từ các thương binh mà em chăm sóc, đó là tin tức từ những trận
đánh họ tham dự. Chính ra là em đang dò hỏi xem giờ này anh đang ở đâu, có dự
trận cao nguyên máu lửa kiêu hùng này không? Một lần băng bó ở vai cho một chiến
sĩ thiết giáp em mới biết tại sao Kontum còn chống trả kiên cường.
Anh ấy kể: là một xạ thủ đại liên của chiến xa M-41 một đơn vị thiết giáp cơ hữu
của sư đoàn 23 đang lên giải cứu Kontum, tới đèo Chu Pao trên quốc lộ 14 thì bị
khựng lại vì một lưc lượn rất mạnh của Bắc quân từ trên núi đá Chu Pao dùng
súng 57 ly không giật bắn xuống, làm cháy mất hai xe. Máy bay gửi tới đánh bom
cũng không giải quyết được, phải nằm bẹp đó chịu trận trong khi mặt trận phiá Bắc
quân ta trông ngóng ngày đêm. Sau có người nhớ lại là có một đường xe be
dẫn tới đỉnh núi mà lâu ngày không ai dùng tới, nên cây nhỏ đã phủ đầy. Một kế
hoạch bộ binh tùng thiết được âm thầm khai triển. Nhiều chiến xa M-41 với bộ
binh bám theo đã bất ngờ leo tới đỉnh núi và đánh tan tiểu đoàn Bắc quân này.
Hình ảnh xe tank leo lên núi đẹp quá anh nhỉ, không biết anh xạ thủ này có thêm
bớt không, chứ em nghĩ trên thế giới đâu đã có một trận đánh bằng chiến xa kỳ lạ
vậy! phải ghi vào thiết giáp chiến sử chứ! Dù sao thì ba trung đoàn của sư đoàn
23 với thiết giáp đã chận đứng được mũi tiến của đông đảo Bắc quân, lần này được
Liên Xô, Trung Cộng viện trợ súng ống tối tân và rất nhiều chiến xa T-54 nữa.
Các thương binh khác thì kể lại trận đánh trong thành Dak Pha tức là biệt khu
chiến thuật 24 có bệnh viện 2 dã chiến, trận đánh đẫm máu trong nghĩa địa dành
từng tấc đất từng ngôi mộ. Có anh kể trận chiếm lại nhà thờ Chính Toà rất khó
khăn gian khổ, vì nhà thờ xây rất cố này bỗng thành một công sự phòng thủ bền vững
nhất của Cộng quân. Nói chung là quân đội đang từng bước phản công. Trên trời
máy bay chiến đấu vẫn ào ạt ném bom, đôi khi mặt đất nhà cửa rung lên như động
đất. Thật sự em chưa được biết động đất như thế nào nhưng các anh ấy bảo là do
các máy bay B-52 trải thảm bom đấy, và họ đang thua… thiệt hại nặng về nhân mạng,
đói khát, mất tinh thần đến nỗi có đơn vị thiện chiến bị các lực lượng bán quân
sư Phương Nghĩa bắt sống.
Buổi chiều em thường về nhà để nghỉ ngơi tắm rửa nấu ăn. Đàn bồ câu ngày trước
tung tăng qua lại trong sân, gù nhau âu yếm nay sợ tiếng bom đạn bay hết chẳng
còn đứa nào, mấy con gà em nuôi mọi khi thập thò bước cà vào nhà nghiêng đầu
nghe ngóng cũng chẳng còn một con, chó Jale cũng trốn đâu mất. Buồn quá chỉ biết
đốt lửa nấu cơm. Nhà còn nhiều gạo muối, củi thì quơ cành khô ngoài vườn, măng
tre nhiều lắm, có cả cây khế với dàn xu, lâu lâu dừa khô rơi xuống lịch bịch
vài trái, là đủ ăn rồi… chỉ thiếu mỗi một thứ… là tình anh đó thôi!
……………………………………………………..
Tuý còn viết nhiều lắm nhưng anh đã gục xuống bàn, chẳng biết
vì mệt mỏi hay vì sung sướng. Về từ một dòng sông quanh co uốn lượn, anh cứ tưởng
chỉ mình anh đi tìm lại mối tình đã thất lạc bao năm qua: cứ tưởng anh sẽ gặp
người xa lạ, ngờ đâu tình em vẫn âm thầm mà bao la mặn nồng như sông như biển.
Em vẫn gọi anh ngày xanh nhưng sân trường thiếu vắng anh. Tiếng đời man rợ,
lòng người hoang dại cản bước sông về. Nhưng hôm nay hình như trái đất vừa
ngưng thở, em thổi cho hồi sinh anh một giấc mơ. Đừng đợi chờ nữa, chiều đang
tan trong mắt nâu, hãy lắng nghe anh hát lời tận cùng. Sông lạc, sông lại về
đem theo bao tình nhớ, và tiếng đàn run hạnh phúc sâu…
o-O-o
Lâu lắm thầy mới truy bài một lần, vì thầy tin rằng
không có nhiều đứa học trò trong lớp dám không thuộc bài. Thầy mở sổ ra,
lăm lăm cây bút chì, chuẩn bị đánh dấu những tên thầy sẽ gọi.
Theo kinh nghiệm của anh, thầy gọi bỏ cách năm đứa một.
Nếu hôm nay đứa số một bị gọi đầu tiên, thì đứa mang số năm sẽ bị gọi kế tiếp,
rồi đến đứa số mười, cho tới hết sổ. Nếu hôm khác, đứa mang số hai
bị gọi trước thì đứa số sáu, số mười một bị gọi sau, không bao giờ sai.
Tên anh nằm giữa danh sách, anh biết tên anh mang số mấy,
nên lúc ở nhà chỉ học sơ sơ, khi nào thấy nguy cơ đã gần kề mới lật vở ra học kỹ.
Bí mật này anh chẳng dại gì mà tiết lộ, lỡ có đứa lên méc thầy thì đúng là “làm
ơn mắc nạn”.
Thường thì cả lớp đứa nào cũng lật vở ra đọc rào rào
như tằm ăn lên, nhưng đứa nào cũng còn tin rằng thầy chừa mình ra, nên học kiểu
thụt thò đó không có kết quả. Thầy cũng biết như vây nên không thèm cấm.
Lâm Ngọc Thủy, tức thằng Thủy lộ, đứng sẵn nơi cửa lớp.
Nó luôn luôn mặc một cái áo blouson xanh khá bẩn, tay cầm cây roi mây dài có
hơn một thước. Đứa nào không thuộc bài thì tự giác ra cửa nằm dài và Thủy
lộ thẳng tay vụt những roi quắn đít. Thủy lộ chỉ có một con mắt lành, con
mắt bên kia đục lờ như cùi nhãn càng làm khuôn mặt có nước da xam xám trở nên dữ
tợn - thầy thật là người biết chọn mặt gởi “roi”. Những đứa nào ngày thường
gọi nó là Thủy lộ, khi “lâm sàng”, nó sẽ nghiến răng gia tăng công lực gấp
hai. Thầy chỉ cho nó đánh có một roi thôi, nhưng một roi của nó tuần sau
vẫn chưa mất dấu. Anh không những thường gọi nó là Thủy lộ mà còn gọi nó
là thằng “un oeil”. Nhân bài học Pháp văn thầy giảng deux yeux là hai con
mắt, một con mắt là un oeil. Anh nghe khoái quá, liền quay xuống nó làm
lé mắt chọc cười. Nó giận run lên mà chưa có dịp.
Nếu hôm nào anh không thuộc bài thì chắc lết về bàn không nổi đâu!
Để cho công bình, bao giờ cuối cùng thầy cũng gọi
Thủy lộ lên trả bài. Nó biết thân nên lúc nào cũng thuộc. Có một lần
nó tắc tị không trôi, nó tự động ra cửa lớp nằm dài. Thầy gọi con Sum lên
đánh nó ba roi. Con Sum là chị con Vầy, nhỏ nhất lớp, vừa đánh vừa nhe
răng ra cười; roi đòn nhẹ hìu như phủi bụi, làm trong lớp đứa con trai nào cũng
bất bình. Nhưng được cái là bị con gái đánh đòn thì có cái đau khác, mà
không chừng còn đau hơn thường. Lần này thầy cũng lại biết chọn mặt gửi
“roi”.
Phải chi thầy để cho Ngân Hạnh, Thu Hà, Mỹ Lan hay Túy làm công
việc đao phủ đó thay Thủy lộ, thì anh sẽ tình nguyện không thuộc bài dài dài.
Anh chưa thấy đứa con gái nào bị đòn. Tụi con gái nhát
đòn lắm nên chăm chỉ học, không thuộc làu thì cũng không đến nỗi bí xị.
Ngồi bên cạnh anh là thằng Đỗ Thuận. Có hôm nó bảo, nó
biết coi bói. Anh nói: “Vậy coi cho tao đi.”
Nó bảo: “Chỉ biết coi có một thứ là tình duyên thôi. Nếu
ở trong lớp mình mày thương con nào thì tao coi liền,” nó lại nói: “Coi dễ
ợt à. Chỉ cần viết tên mình ở trên, tên con nhỏ đó ở dưới. Những chữ
nào giống nhau thì gạch bỏ, còn lại mấy chữ thì đếm số. Có bốn quẻ:
số một là Lỡ, số hai là Bạn, số ba là Tình, số bốn là Thù.”
Như một viên chức xã ấp, Đỗ Thuận giải thích: “Lỡ là lỡ làng
đó. Thương người ta mà không chịu nói, nẩu mang trầu cau tới hốt mất
tiêu, quẻ đó xấu hung lắm. Bạn thì chỉ là bạn như tao với mày, có ăn
chung gì đâu. Quẻ tốt nhất là Tình, nên vợ nên chồng, suốt đời ăn ở với nhau tới
đầu bạc răng long. Còn Thù thì dễ hiểu quá, thế nào cũng đánh lộn, đổ máu
lỗ đầu. Vậy thì chỉ có quẻ số ba là tốt nhất.”
Anh xé ngay một tờ giấy vở, viết ba chữ in tên anh ở trên, rồi
viết ba chữ TUY ở dưới. Ngắm nghiá một hồi, anh bảo nó: Có chữ nào
giống nhau đâu mà đòi gạch bỏ. Nó ghé mắt vô xem: “Như vậy là có tới sáu
chữ, thì cứ đếm tới bốn rồi trở lại từ đầu. Có sáu chữ là quẻ số
hai. Mày với nó chỉ là bạn thôi, kiếm con khác bỏ tên vô đi . Anh
không chịu, chê nó bói dở ẹc.
Bỗng có một bàn tay lẹ như chớp, lòn qua vai dựt mất tờ giấy.
Tiếp theo là tiếng hô rất lớn: “Thưa thầy trò Thuận với trò
Hào chơi bói tình duyên.”
Thầy ngưng chấm bài, trễ kiếng ngó xuống làm hai đứa xanh mặt.
- Hả ? Cái gì bói tình duyên?
- Thưa thầy, trò Thuận bói tình duyên cho trò Hào với trò
Túy.
Rồi Thủy lộ te te mang tờ giấy có hai cái tên lên bàn thầy làm tang vật.
Nó ưỡn ngực giải thích tường tận hết mọi điều nó đã nghe từ thằng thầy tướng Đỗ
Thuận nói hồi nãy. Cả lớp bụm miệng cười. Thằng đao phủ chắc mẩm kỳ
này nó đập anh nát đít. Nhưng may mắn quá, thầy cũng cười cười chỉ
tay ra cửa:
- Hai đứa, mỗi đứa một bên, quỳ cho tới giờ về.
Cha mẹ ơi! Còn mấy bài nữa mới tới giờ về. Chưa
bao giờ anh lại mong ông cai trường đập ba hồi trống đến thế!
Quỳ như vậy quê một cục mà đau đầu gối lắm. Nếu thằng Thủy lộ dòm chỗ
khác, thì anh ngồi lên hai gót chân; rồi anh lại quỳ thẳng lên khi con mắt duy
nhất của nó đáo về. Anh sợ nó thưa với thầy là anh quỳ ngồi. Cái tội
không thi hành lệnh phạt nghiêm chỉnh có thể đưa tới một hình phạt khác thê thảm
hơn.
Chỉ tội nghiệp cho thầy tướng Đỗ Thuận. Nó vốn già từ bé và loắt choắt
như khỉ con. Mặt nó rầu rầu, quỳ xuống coi lại càng thảm! Nó từng
nói với anh, nó thương con Kim Ly học lớp dưới. Chết mẹ chưa, lát nữa giờ
ra chơi người đẹp của nó tay cầm gói đậu phọng hay là chùm mía ghim sẽ ưỡn ẹo
đi qua đi lại trên hành lang này. Phải chi anh đừng chọc ghẹo thằng Thủy
lộ thì đâu có hại bạn như thế!
…Lâu lâu anh liếc nhìn em. Tóc em hồi đó dài lắm, hung hung đỏ, chảy xuống
vai che cả má. Bên trong mái tóc ấy hai mắt em long lanh nhìn anh, môi cười
chúm chím …
- Bây giờ tóc còn dài, mắt môi còn đẹp thế không?
Bên kia Thái Bình Dương có tiếng Túy thở dài:
- Không anh à. Dáng em tuy vẫn còn thanh nhưng tóc vừa
bạc vừa thưa, môi em nhăn nhúm, còn trong túi lúc nào cũng có hai cái kiếng mắt.
Anh Đỗ Thuận làm xây dựng cũng đã nghỉ hưu. Anh ấy bói vậy mà đúng chứ
không dở đâu. Họ nên vợ nên chồng, còn hai đứa mình suốt đời chỉ là bạn
thôi.
Cao Hoàng
(Seattle, WA, USA)
(Seattle, WA, USA)