18 June 2020

THÂN CƯ NỮ - Ngọc Cân

Chợ thuốc tây lúc nào cũng tấp nập. Đường Nguyễn Hữu Cầu bên hông chợ Tân Định đầy người mua kẻ bán, sỉ lẻ. Một số là đầu nậu thâu hàng. Một số dưới tỉnh lên gom hoặc khách tứ phương mua theo toa ai đó bày. Một số chạy thuốc đặc hiệu cho các bác sĩ. Có người lảng vảng kiếm người quen về nhà bán số thuốc trong thùng quà mới nhận. Đa số chạy mối trung gian kiếm tiền cò. Ai cũng áo quần lịch sự, nhất là các bà các cô.

Niên đạp xe lên xuống hai vòng rồi ghé quán cà phê cuối chợ, gần Mã Lộ. Với áo sơ mi bỏ trong quần tây trông Niên cũng giống một người chạy cò. Cò đi xe đạp cũ và đi dép nhựa. Anh kêu ly đen, châm thuốc ngồi chờ vợ.

Chưa ăn trưa, đường trong cà phê làm Niên thấy khoan khoái. Mấy hơi thuốc lá rít liền nhau làm Niên phê phê. Nếu hết ly mà vợ không ra gặp thì lại đạp lên xuống hai vòng nữa, rồi dừng bên lề, ngồi trên xe chờ tiếp, cò ế. Vợ lui tới ngóng khách, ngó trước ngó sau đâu đó, sẽ thấy và biết chỗ tới gặp. Có mấy lần chờ không được phải bỏ đi. Lần kế gặp thì vợ nói con đau, không ra chạy hàng được.

Niên nhìn thấy vợ mình từ xa. Dáng cô tách ra khỏi đám đông lố nhố, băng xéo qua đường. Vừa ngồi cô vừa kêu ly đá. Niên dặm tắt điếu thuốc bằng cạnh bàn. Cô nhìn, mi mắt như chực cụp xuống.

Niên hỏi:

– Coi mệt quá vậy!

Cô nuốt xong ngụm cà phê lạnh, nói:

– Cũng bình thường. Ông sao rồi, có gì không?

– Cũng ổn. Mấy bữa nay ngủ nhà anh Bốn.

– Tân Bình? rồi có việc gì làm không?

– Ừ trên Tân Bình. Cũng có bữa phụ bữa không. Ăn gì chưa?

Cô cầm ly lên tu một hơi. Những viên nước đá trôi lên rồi tuột xuống, kêu lạo xạo, chen nhau chỏng gọng hơn nửa ly không.

Niên nhìn hai cái xương quai xanh nhô cao trong khoảng cổ áo rộng của vợ. Anh muốn hỏi vợ đã xoay đủ 5 chỉ chưa. 5 chỉ là con số vợ anh kỳ kèo được với trung úy công an phường để anh ta sẽ nhắm mắt làm ngơ cho Niên về sống với vợ con. Cả vợ cả chồng làm thì may ra mới khá, mới khỏi tá túc với gia đình như mấy mẹ con hiện giờ. Cô ấy lập lại:

– Có gì không?

Thì Niên bật miệng:

– Có tiền đưa anh vài trăm, được nghìn thì tốt.

– Nghìn! hết sạch rồi sao? bộ ông phải chi tiền chợ cho cả nhà ông Bốn?

Mặt cô tái, đuôi chân mày run theo nhịp đập của màng tang:

– Hai đứa mới viêm họng cấp tính, ho sốt cao. Thằng bác sĩ Nhân bắt lấy thuốc năm trăm mỗi đứa. Tui nổi điên “Bác sĩ muốn không, tôi giao cả hai xuất trụ sinh ấy chỉ lấy bốn trăm”, đưa tiền khám thôi thì giận, làm mặt lạnh. Vô hậu!… giờ thì ông hỏi nghìn, bán máu xoay cũng không kịp!

Niên nhấc cà phê rồi đặt ngay xuống, ly hết; đốt lại điếu thuốc; nói với vợ như nói với khách bạn muốn vượt biên:

– Anh đi Nha trang vài ngày sắp xếp công việc.

Rồi nghiêng người:

– Có ghe có bãi.

Cô im lặng. Niên không nhìn nhưng biết vợ đang nhìn mình. Cô ấy quá ngao ngán để nói hay sợ phải gào như có lần đã gào “không bằng lấy thằng xích lô!”.

– Hừ, hết Cần thơ đến Bến tre, hết Bến tre tới Bà Rịa, hết Bà Rịa bây giờ tới Nha trang… coi như quê của ông mà, cáo chết ba năm quay đầu về núi… hết anh em giang hồ bây giờ tới bạn cùng quê cùng học… tỉnh mộng đi ông ơi!

– Mà bây giờ sống chui nhủi không về nhà được!

– Cứ tiền ra, tiền ra.. cứ gần ba chỉ thì có chuyện phải tiêu. Ông nín thở thời gian đi…thế nào tui cũng lo được.

– Còn nước còn tát…

– Còn gì mà còn… bề ngoài không có, uy tín cũng chẵng còn để người ta tin mà đưa trước…họ tổ chức thì chưa đánh vàng gom xài không hết!

– Ở đây bế tắc … ăn nhờ ở lậu … phải tìm con đường sống cho em với tụi nó…

Cô im lặng. Niên nhìn bóng mình mờ ảo, thu nhỏ, chao chao trong mắt cô. Không biết vì mình đàn ông bất lực, thành người xa lạ hay mắt vợ quá mỗi để nhìn ra chồng. Anh hạ tay cầm ly cà phê thì nghe cô ấy kêu vọng:

– Cho thêm cái đen!

Quay qua con nhỏ tủ thuốc lá, kêu tiếp:

– Lấy chị gói Hoa mai em!

Niên ngao ngán nhìn cà phê thuốc lá lịch sự nằm trên bàn trong lúc cô trả tiền; không biết nói gì để chia tay mà khỏi ê chề.

Trước khi đứng dậy, cô moi trong lưng quần ra xấp bạc, cúi người qua nhét vô túi Niên. Chắc toàn 50.

– Đi đi. Đi luôn đi. Cầu không bị nhốt!

Cô không nhìn hai phía, từng bước băng ngang đường, rồi ngược về chợ, lẩn vào đám đông. Niên ngồi nhìn. Một người to béo dựng chiếc mô-tô bự như xe cảnh sát công lộ, nhìn Niên giơ tay chào. Niên ngồi yên. Người đó bước xéo qua một bàn khác kêu ly cà phê sữa đá. Niên cầm ly mình uống hai hơi, bỏ túi gói thuốc, lấy xe đạp ra Điện biên phủ để đi ga Bình Triệu.

***

Sân ga vắng, bốn phía luông tuồng. Một đám người sắp hàng ở mặt trước văn phòng chờ mua vé. Niên dắt xe tới nối theo. Chưa tới giờ bán vé tất cả cán bộ, bộ đội, dân có giấy đi đường và dân không giấy đi đường mà có chứng minh nhân dân, nói chung là có giấy tờ đàng hoàng, đều tay xách nách mang giữ chỗ để chờ. Càng sau chót càng ít hy vọng vì hết vé thì cắt khúc đuôi, chờ lượt tới. Càng lúc người tới sau lưng Niên càng đông. Ước lượng là Niên đang ở cuối của nửa trước.

Nghe chuyện chung quanh một hồi, Niên biết mình không thuộc thành phần xếp hàng ở đây. Biết sớm thì hồi nãy đã tách ra đi theo thằng cò để mua vé chợ đen. Phân vân một lúc Niên dắt xe ra khỏi hàng, đi lòng vòng kiếm thằng cò vé. Bên hông xa của nhà ga, chỗ có viết chữ cấm đái, Niên đứng xả gió rồi dựng xe, lấy cái áo sơ mi màu xanh xám và cái quần bảo hộ lao động trong giỏ lác ra thay, xếp áo quần đang mặc cất lại, lấy cái nón lác nhăn nhúm đội lên đầu. Áo may từ thời Nylfrance thịnh hành. Cổ áo, nách váng mồ hôi nhiều lần bận không giặt. Bỏ ngoài quần nó dài, nhất là thân sau, và rộng thùng thình.

Niên dắt xe đi vòng ra phía bên kia của nhà ga. trên đá lót và đường rầy, Mấy đoàn tàu nằm trên những đường rầy bung rộng trong sân, có đoàn không đầu máy. Thấy một chiếc tàu có người xôn xao, Niên lên đại. Toa này là toa hai băng dọc; thưa thớt hơn chục người ngồi, nằm. Niên hỏi người đàn bà ngồi đầu toa:

– Tàu này đi Nha trang phải không chị?

Chị ta “Ờ”. Nhìn bộ dạng Niên, tính nói gì đó lại thôi. Vẻ mặt chị biến dạng, nhăn nhở rồi cười thành tiếng. Chị quay vào trong la lớn “Thu tiền thằng công an chìm này, mấy bay! Chụp nó lại mấy bay!”.

Chị cười xong lại la, la xong lại cười. Có ai đó phía trong la to “Được rồi chị Tư! được rồi chị Tư! chị khỏi lo, tàu này đi Nha trang, đi Nha trang”.

Chị Tư chuồi người, quay lưng nằm dài. Niên bần thần dắt xe tới một chỗ trống, vừa đi vừa gục gặc chào cầu thân. Niên ngồi xuống băng, khoác tay qua giàn ngang xe dựng trước mặt, quay đầu nhìn phía người đàn bà. Lâu lâu chị thở rống hồng hộc, như đang chạy; rồi cười ré “Lấy hết đi… lột hết đi…đồ ăn cướp!”. Xem ra không ai khác để ý, tiếng rú ré của chị cũng thường như tiếng đầu máy lâu lâu xịt xịt hơi nước trắng. Mấy người đàn bà nói chuyện buôn chuyến, về những người không có mặt vì bị hốt, hết vốn. Về vụ hốt chị Tư bị khùng. Đàn ông ngoài chuyện buôn bán còn thả dê cầu âu, hay nói chuyện người khác vượt biên. Niên nhìn thẳng trước mặt, không muốn ai gợi chuyện. Họ giống nhau. Họ biết nhau. Mình không giống ai, ngậm miệng.

Chị Tư bổng ngồi dậy la “Nó mà công an gì… em tao đó…nó mà công an gì…em tao đó… để nó tao lo nhe mấy bay… để tao lo cho nó…”. Chị lại cười, rú, ré. Mấy người phát cười theo “Ờ chị lo chớ có ai dành đâu”. Niên nghe, mơ hồ hiểu nhưng không chắc, giữ im.

Giữa chiều, tàu nhúc nhích. Thụt lui thụt tới, đậu lại ngay ngắn trên đường rầy gần nhà ga nhất. Người từ cửa soát vé trong nhà ga tuôn ra, lấn nhau lên tàu. Vài người tìm chỗ tới gần Niên. Có người đi thẳng ngay khi nhìn áo quần Niên. Có người dừng lại, nhìn chiếc xe đạp, rồi đi. Niên nghĩ mình nên gác trán lên giàn ngang làm như ngủ. Chỉ cần người soát vé không lấy tiền mình quá đáng là được. Nghe đâu đi không vé phải trả tiền gấp 3 lần. Không êm thì xuống, đạp xe về tính sau, chứ biết cất xe chỗ nào. Tàu chạy…

– Ông nội!

Niên ngẩng lên. Người đàn bà bất thường đứng trước mặt. Chị vừa cười vừa la “Bộ khùng hả!”. Tay chị cầm một túm dây nylon. Chị ngước mắt về phía cửa đằng kia. Người soát vé đang kiểm tra ở đó. Chị vừa xách yên xe sau lên vừa lôi vừa la “Bộ khùng hả! ha ha bộ khùng hả!”. Niên nâng đầu xe đi theo chị.

Chị không đưa dây mà cùng Niên dẫn xe ra đầu toa, đi ngang người soát vé, hai bên chào hỏi vui vẻ, chị còn la to “Muốn bắt chị hông, muốn kêu chúng bắt chị hông em”. Tay soát vé giỡn “Còn gì nữa mà bắt, ráng làm ăn khá hẵng tính”. Chị giúp cột xe đạp mấy vòng vào lan can rồi trở lại chỗ của mình. Niên giữ im lặng cột theo chị, rồi cầm giỏ lác quay về chỗ ngồi; tự nhiên chỗ Niên thành rộng nhất. Người soát vé đi ngang không nói gì. Anh ta không hỏi vé nhiều người, những người Niên thấy lúc đầu, mỗi nhóm có người dúi cho anh ta một xấp. Chị ‘bạn’ hướng nhìn Niên, vừa cười vừa nói vừa dúi gì đó cho anh soát vé. Anh ta khoát tay, khoát tay trước khi bước qua toa khác.

Niên để một hồi rồi mới tới gặp chị:

– Cám ơn chị giúp. Cho tôi gởi lại phần vé.

– Gì! gì nữa! ha ha ha bộ mát dây hả! trả gì!

– Chị không trả mà anh ta để tôi êm?

– Thì tui có nói “Thằng em tui dô thành phố kiếm ăn, mát dây nên dề, linh động được không?” ha ha ha “Nghe được hông em!”

Niên cười. Chị cũng cười. Niên cầm tờ bạc:

– Ít ra chị cũng nhận cho chút cà phê, lòng thành, chị.

Chị nhìn Niên đằm, cái nhìn như lúc Niên mới lên tàu, Niên cúi đầu, chị thì thầm:

– Cậu đừng suy nghĩ. Bộ dạng cậu y thằng em tui. Cải tạo về, nó nhảy tàu chưa quen, lọi giò tháng trước. Tui không biết cậu ‘đi’ hay ‘dề’ Nha Trang. Tui không biết cậu làm gì, áo quần thấy mà chua léc, còn bày đặt mang kiếng, thấy là muốn hỏi giấy liền hà. Về chỗ nằm mà ngủ. Trên này có công an đường sắt đó. Cất cái mặt ó đâm cho vợ con nó nhờ!

Chị lại cười rống lên, xô Niên ra như Niên vừa làm ẩu gì chị ta, la “Bộ khùng hả! bộ khùng hả!” rồi xoay trở để nằm. Niên đi lui, ngồi, không thể không cười. A cái chị này! Khùng mà biết giảng mo-ran mình. Cái mặt cũng như bộ áo quần đã giúp mình lọt biết bao nhiêu cửa. Trong người không có giấy tờ lận lưng mà đi đâu cũng tới, có lần còn cự nự công an trong đồn bến bắc Mỹ thuận. Miễn là đừng gặp người quen, người thân. ‘Cố tri’ nhận diện chỉ tổ ái ngại. Thương hại cũng đau như bắt nhốt. Đằng kia chị Tư ngáy như bò rống.

Ngọc Cân