30 July 2020

HÒN CÁ MẬP - Ngọc Cân

Từ phỏng vấn ‘Bàn 1’ Niên đi thẳng ra biển, nhìn bâng quơ, cách hơn cây số là cù lao có đầu và lưng cao đuôi thấp nên phe ta kêu hòn Cá mập. Trông hiền hòa nhưng mang huyền thoại dữ, có thể ngắm mà tưởng tượng.

Giá trong túi có vài đồng ringgits thì đã vô quán Happy kêu ly cà phê, ngồi phì phèo. Lên ‘Bàn 1’ chẳng là gì cả nhưng dấu hiệu ai cũng mừng: hồ sơ xin định cư của mình bắt đầu nhúc nhích. Ai tới được đảo rồi cũng phải qua trạm này của Di trú Mỹ, rồi mới biết tới chuyện có điều kiện đi nước nào hoặc không nước nào có nghĩa vụ nhận mình định cư, ‘mậu diện’, ‘long stayers’.

Thông dịch viên “Người này nói được tiếng Anh”. Phái đoàn Mỹ “Oh! Tốt! Cô có thể xả hơi một lúc”. Niên bất ngờ; nhìn cô thông dịch không quen thoáng cúi đầu cười mím.

Người Mỹ “Hồ sơ ông thỏa mãn điều kiện được Di trú Mỹ xét. Trừ phi sau này có gì ngược lại, tôi nghĩ ông sẽ được nhận”. Niên “Xin cám ơn ông. Ông có thể cho tôi trình bày thêm…”. “Sure! Cứ nói“. “Tôi nghe nói hiện nay thời gian bảo lãnh vợ con ở Mỹ phải 6, 7 năm. Nếu được quý ông nhận qua Mỹ rồi xin bảo lãnh vợ con thì khi đoàn tụ, các con tôi đã lớn, thành người xa lạ…”. “So? Go on “. “Tôi biết ơn quý ông xét cho tôi đi Mỹ nhưng tôi xin được đi Canada để sớm gặp lại các con khi chúng còn tuổi thiếu niên”.

Người Mỹ nhìn qua thông dịch viên. Niên nhìn cô. Có thể cô thấy hơi lạ nhưng chắc chắn cô hiểu câu trả lời của Niên. Người Mỹ chắc cũng đã hiểu nhưng sao lại tìm cái gật gù ở cô. “Tôi có thể chia sẻ tình cảm đó. Được rồi! Ông đã nói thế thì tôi ghi để Cao ủy trình phái đoàn Canada”. “Cám ơn ông!”. Người Mỹ lật xấp giấy đọc lại vài chỗ “nếu trở ngại ông có thể xin gặp lại chúng tôi”.

Niên chưa từng gặp cô thông dịch. Nước da ngâm. Môi cong. Ngồi gần ngang tầm người Mỹ tức cao. Cô ta biết mình là sao. Mắt nhìn ra hòn Cá mập, nhớ trong thư bà bác đã từng ở đây “có tắm biển cũng đừng bơi ra xa, nguy hiểm, có cá mập đó! Cháu đi được là tương lai cho vợ con, cẩn thận”. Rít mấy điếu Ngựa trắng càng thèm cà-phê, cố không ngoái cổ nhìn qua quán Happy.

– Sao ngồi thơ thẩn ở đây. Tôi ghé trường tính rủ ông đi cà-phê.

– Trời đất! Anh Bảy. Bộ anh có ngón ‘thần giao cách cảm’ hả.

– Nghe ông lên bàn 1 tôi đồ là ông đắng miệng từ sáng tới giờ. Đi!

Bảy Tạo phong lưu. Cải tạo về có người em bên ngoài gởi quà đều. Lên ghe đi mang theo rượu. Ở đảo cà-phê ngày mấy cử, ăn quán cách bữa. Niên bưng ly nóng nhấp nhấp, miệng hà ra vừa khói thuốc vừa khói cà-phê. Bảy Tạo hỏi:

– Bàn 1 sao?

– OK. Tôi xin đi Canada.

– Trời đất! Thiệt chơi? Ông có diện mà.

– Diện thì diện. Đi Canada thì tụi nhỏ qua sớm, học hành. Mình đi là cho tương lai tụi nó.

– Ông đưa tôi qua biển, sao không cùng đi Mỹ với nhau.

Bảy Tạo rút một điếu trên bàn. Niên che tay mồi lửa. Bảy Tạo rít sâu. Ít khi hút, khói nhiều làm anh sặc, chảy nước mắt. Anh nói:

– Lính tráng gì giờ bết quá. A này ông, quên kể ông nghe thằng Tư Dù nhận ra tôi.

– Ông Bộ binh lấy gì dân nhảy dù nhận diện.

– Không phải vụ đó. Ông nhớ ghe nó không? Chiếc ba lá đuôi tôm tới đảo sau mình hai tuần chớ gì, hàng MC.

– Nhớ. Sáng ngày sau là anh chàng Tư vận nguyên bộ đồ dù, mặt mày ngầu, chống nạng từng bước mà đi nhanh như phi thân.

– Ông có để ý con nhỏ ‘phì nhiêu’ đi với giả không?

– Chết mẹ. Bộ anh Bảy lái lộn xe hả!

– Giỡn! Con nhỏ cặp Tư Dù tôi biết mà.

– Vậy nhận diện là sao?

Bảy Tạo hớp cà-phê:

– Là tái ngộ. Ghe MC Tư Dù là chiếc tam bản mình gặp buổi chiều trước cơn giông đêm đầu đó.

– Thiệt?

– Sao không. Ông kêu thảy can nước nhớ không. Tôi ra mé be cúi người thảy can nước. Tư Dù liếc lên thấy mặt tôi. Chủ ghe dọa cầu cứu là bị tàu Hải quân tó; bắt cúi mặt giả chết, bụng đọc kinh cầu cho tàu Hải quân bỏ đi.

– Khó tin đa.

– Ậy! Nó muốn gặp ông nói chuyện chơi mà mấy bữa nay không thấy đâu. Bị tính để gặp hết một lần mà tôi quên kể ông nghe.

– Bà độ cũng tới heng!

– Mất 2 tuần.

– Mèng ơi, ai mà ngờ!

Chia tay Bảy Tạo, Niên tính về nhà lục cơm nguội rồi đánh một giấc. Đi ngang trường B, Niên lại lên cầu thang vô văn phòng. Quạt trần quay vù vù. Chỉ có một người ngồi ở bàn lớn đọc sách, tóc bay tứ tán. Ngẩng đầu, vuốt tóc, cười, môi mọng: cô thông dịch.

– Ủa! Cô?

– Hello, thầy.

Không có mặt cố vấn Hồng Nguyệt thì giang sơn này là của hiệu trưởng Niên. Niên có quyền hỏi. Khổ là hỏi sao nghe cho được.

– Thầy ngạc nhiên. Ngạc nhiên từ trên bàn 1 phải không?

– Ngạc nhiên chớ! Xin lỗi…tôi không được lịch sự. Cô ở đây có việc gì?

– Phái đoàn theo Blue Dart rời đảo sớm nên tôi được nghỉ, tới đây ngồi chờ…

Niên buột miệng “Chờ?” trước khi bắt được ánh mắt tinh nghịch của cô.

– Chờ lên lớp…

Hiệu trưởng ngậm miệng, ngẩn người. Cô đứng lên bước tới bảng phân lớp giáo viên treo trên tường giữa bàn giấy của Niên và cố vấn Hồng Nguyệt, cầm cây thước bảng chỉ vào một ô có chữ H.Liên.

– It’s me. Thầy hiệu trưởng ạ.

Tuần trước anh hiệu trưởng cũ bán cái cho Niên để rời đảo. Cố vấn interviewed cũng OK. Niên nhận vì chỉ đứng một lớp buổi tối mà có văn phòng quạt máy sách báo để ngồi suốt ngày, các chuyện gì khác tính sau. Giáo viên nào ghé văn phòng thì biết. Cô H.Liên này chưa hề. Sao vậy. Không cần phấn trắng, không cần học cụ! Nhìn cô cầm thước chỉ lên bảng cũng ra dáng lắm. Trên thon, dưới có hậu.

– Tôi thật lơ là! Bị ép nhận việc nên tàn tàn. Xin lỗi đồng nghiệp.

– Một phần vì Liên ít khi lên bậc thang đằng này. Lớp Liên dạy ở cuối dãy đằng kia, sàn ngang mặt dốc nên Liên ra vào thẳng.

– Tôi vô tình quá mức. Đúng ra phải gặp mặt từng người.

– Liên biết có hiệu trưởng mới nhưng nghĩ cũng chẳng cần ghé chào. Sau thấy ban ngày thầy trụ trì ghế đó, ban đêm theo cánh hẩu cà-phê. Biết là biết vậy.

– Vậy sao cô không dịch cho tôi trên bàn 1? Anh văn tôi cở nào cô đâu biết!

– À, nghe cao ủy A. nói thầy giúp ổng trong những phi vụ đặc biệt.

Cao ủy A. này thật! Đã là phi vụ đặc biệt mà còn kể cho người khác? Tính hỏi lại thôi. Tính về ăn cơm lại thôi.

Cô trở lại chỗ cũ, đưa hai tay trần túm gọn tóc thắt lên cao, tưởng như chuẩn bị cái cần cổ để đọc sách tiếp. Chị thư ký ngày bước vô cất tiếng chào. Có cơ hội để “Thôi, tôi về nhà, tối ra. Chào hai cô”.

Nhưng cô thông dịch:

– Thôi, tôi về chiều ra lại. Chào thầy, chào cô.

– Chào cô…tối gặp lại.

Cô Liên bước ra cửa, chiếc váy thoáng ngoe ngoảy. Niên châm thuốc, ngồi yên như đang đọc quyển sách trên bàn.

Cô thư ký thu xếp gì đó xong, “chào thầy, thầy không về nghỉ trưa?”. “Tôi sửa soạn đây”. Tiếng chân cô thư ký xuống hết cầu thang một lúc, có tiếng chân lên. Cô Liên hai tay hai ly nước cam đá lạnh bước vô.

– Thầy hiệu trưởng, Liên ra mắt thầy…

– Ô! Sao cô lại…cô mua giùm là quý rồi, trời đang lúc nóng.

Niên đứng dậy, thọc tay vô túi quần: ”trời đất! mình đâu có tiền…”

– Trời đất! nghiêm trọng chi vậy thầy! Được rồi, coi như nợ đi ha, lần khác thầy trả, OK, thầy?

Cô đặt nhẹ một ly lên bàn. “Chào thầy nhe, thầy Niên”.

– Chào cô Liên. Tối gặp lại.

***

Thầy Thuộc chờ Niên cơm xong:

– Lên bàn 1 xong rồi hả thầy Niên.

– Đói, gấp lục cơm ăn chưa kịp nói với thầy. Phái đoàn nói có diện Mỹ nhưng tôi xin gặp phái đoàn Canada.

– Sao trước giờ không nghe thầy nói vụ này!

– Suốt buổi sáng ngồi chờ, tôi suy nghĩ…thấy vậy đúng hơn, đoàn tụ nhanh hơn. Canada với Mỹ có khác gì, sát nách mà.

Thầy Thuộc lắc đầu nhẹ:

– Phút giây nhớ nhà thầy đi sai nước cờ rồi. Mỹ dễ tiến thân hơn. Trước mắt là thầy chạm tự ái Mỹ. Nó xù mình chớ mình không xù nó.

– Họ lịch sự lắm thầy. Dặn tôi nếu gặp khó khăn thì có thể xin gặp lại.

– Bộ thầy là anh Hai của nó chắc! Nói cho có thôi. Hù thầy nghe chơi: thầy quay lại nó, nó xù cái chơi được không, ai cấm, cả năm sau Cao ủy mới giới thiệu với phái đoàn khác. Đó là nhẹ, nó không xù mà tạm ngưng ‘suspended’ thì hồ sơ thầy nó ngâm cứu, Cao ủy không đụng tới. Tha hồ ở đây lái xe.

– Nghe nản quá thầy!

Ông Tâm nãy giờ nghe:

– Anh Thuộc không sai nhưng anh Niên đang hồi hanh thông, không chừng ảnh rời đảo trước mình.

– Anh Tâm phải. Như tụi tôi khai lung tung, cuối cùng coi như mậu diện, có đi Mỹ chăng là chờ cuối năm ‘hốt rác’, đợt nhân đạo cho hết chỉ tiêu.

– Lỡ rồi biết sao. Tôi lên nằm chút.

Một tiếng cạch, ngưng, một tiếng cạch, ngưng, cạch…tiếng Bảy Tạo:

– Tài công tam bản lên thăm tài công hải quân dỏm đây.

Mũ bê-rê đỏ lú lên lổ cầu thang, trán mặt xạm bét mồ hôi, mắt đổ lửa; miệng, miệng cười hiền. Chưa lên được nửa người, anh chống một tay trên mặt sàn, lấy gân, vừa gồng thẳng cánh tay vừa xoay đít ngồi lên sàn; rút nạng, co một chân nguyên và một chân hụt từ đầu gối, vải ống quần treo ngược lên đùi. Nhấp nháy Tư Dù xếp bằng an tọa như sư Lỗ Trí Thâm vận áo hoa rừng.

Bảy Tạo lên tới, bước xéo qua bên.

– Đó. Tái nạm đi. May gặp giả tung tăng với đào.

Tư Dù:

– Tôi tên Sang, thứ tư. Ông thần này đây hả! Rọm rơ vầy sao? Ông thầy ơi, Tư Sang này tưởng chết chớ đâu ngờ có ngày gặp mặt như vầy. Ghe tam bản ông bao mấy vòng rồi bỏ đi đây.

Niên bước tới vổ vai, ngồi xuống kế bên:

– Anh Tư tới được là coi như tôi nhẹ tội rồi. Lúc đó không biết làm gì cho phải. 78 con người ta trên ghe tôi, trách nhiệm anh à.

– Tại tụi tui cà chớn, rõ ràng là anh muốn giúp. Tụi tui giả chết không lên tiếng thì anh phải quay mũi thôi. Ngu như vậy là con mẹ chủ ghe, tại con mủ hết.

Niên nhìn Bảy Tạo, Tư Sang:

– Giá có dì Mười ở đây nghe anh Tư nói. Khi tôi bỏ mấy anh mà đi, dĩ rủa xả tôi hết biết “Thấy người mình mà không cứu! Trời ơi là Trời!”. Anh Tư biết không, tối đó giông lớn, xóc quá ai cũng mật xanh mật vàng muốn chết mà dĩ còn rủa “Quả báo nhãn tiền đó ông ơi, quả báo nhãn tiền!”.

Bảy Tạo:

– Tư, đầu đuôi là sao. Chuyện này kỳ cục khó tin. Chủ ghe nào mà ác dữ. Bữa trước mới nghe anh Tư nói sơ sơ muốn bữa nay có mặt ông thầy Niên nghe hết đầu đuôi.

– Mấy anh à, chuyện như tiểu thuyết. Nhân vật chính là con mẹ chủ ghe miệng mồm bôi mỡ, thủ đoạn, lừa lọc; mà điếc không sợ súng. Mười mấy người này không được bà độ thì làm mồi cho cá rồi.

Niên nói:

– Tới chiều tôi mới lên trường. Anh Tư cứ kể cho nghe.

– Tôi phải đi từ đầu, năm trước.

Bảy Tạo:

– Vượt biên liều mạng bằng chiếc ba lá Kohler mà mất cả năm? Tưởng cắm sào dưới bến, mỗi người xách một can xăng xuống giật máy là dọt. Trạm nó thấy cũng không thèm kêu.

– Giỡn anh Bảy… tôi giải ngũ 73, về quê thời gian chán vô Sài Gòn ở nhà thằng bạn Trương Minh Giảng, tiền này tiền kia xài láng. Tới hồi ăn phụ cấp phế binh thì đâu có đủ bị xài lớn quen. Đi làm thợ hồ, coi vầy chơ ngon lắm đa, không thua thằng tây nào. Có dư đó nhe. Mướn nhà ở riêng. Đùng cái 75, cứng ngắt hết, đâu ai kêu. Ra chợ trời bữa đực bữa cái, may chủ nhà miễn tiền mướn.

– Ông nhập đề 73 thì biết giờ nào mới tới 88. Ông Niên còn phải ăn rồi đi dạy.

– Trời! Thầy giáo thiệt sao! Tụi tui đang chờ xếp lớp Anh văn đây.

– Tiếp! Tiếp!

– Dài dài sau đó trần ai khoai củ ai cũng biết, cho qua đi. Lính lác thương tật, ăn nhờ ở đậu, tụi nó muốn khó dễ cũng chẳng tới đâu, bắt hồi hương thì đút, thì lì. Mình không trình độ đâu nghĩ tới vượt biên. Ở đâu trên trời rớt xuống, năm ngoái mẹ con người này dọn tới ở ké nhà đầu hẻm. Qua lại thấy người mát da mát thịt, quần lãnh áo hoa, cũng thèm.

Bảy Tạo:

– Ậy, đoạn này chàng còn lo ‘o mèo’!

– Anh Bảy đâu có biết, bị chỉ muốn tán gái mà dính tới vụ vượt biên… Biết người đó ghi đề tôi cũng nhín vài ngàn, có cớ tạt ngang. Gặp ngày hạn hán không tiền ghi, hôm sau người ta mò tới nhà cho ghi thiếu. Vậy coi như có qua có lại. Chờ lúc thuận tiện tỏ tình, thuận lòng thì nâng cấp. Người ta “anh Tư à, sao anh không vượt biên?”.”tui vầy đi đâu”.”em nghe người ta nói ở bển mất sức lao động ở nhà lương tháng xài không hết; huống gì lính dù thương phế binh còn trợ cấp này kia”.

– Em nắm lý lịch chú còn hơn công an khu vực.

– Tôi thì cho là em có để ý mình nên khoái. “Em có ghe một lóc rồi, đang kiếm vài người khách để dằn lại cho bà già sống. Anh muốn đi thì tính 1 cây thôi”. Tiêu tùng ‘thuận tiện’ với ‘thuận lòng’. “Làm gì có! Em thấy tiền ghi đề mà còn thiếu”. “5 khâu có không?”. “Xạo em chi!”. “Em muốn giúp anh hết sức nhưng biết làm sao. Cái vụ này đụng đâu cũng tốn khẳm anh Tư à. Hôm nay ghi con gì?”

– Ai mà đem dâng mặt hoa da phấn cho người trên răng dưới dế.

– Tôi quê độ không ghé mua số cả tuần. “Hay là vầy anh Tư, em cho thiếu, qua bển lãnh được trợ cấp anh trả em 2 cây”. “Tôi thấy không ổn đâu, có gì chắc mà hứa hẹn.”. “Chắc như bắp! Sao nhát dữ!”. “Giỡn mặt! Đụng chuyện coi, đây Dù mà em”. “Hay vầy đi, có qua có lại: em đưa anh đi không, anh giúp em việc này việc kia trong khâu tổ chức”. “Ví dụ?”. “Bây giờ chưa biết. Hể em kêu là anh làm, dứt khoát không ý kiến ý cò”. “…ừ” “thề” “ừ, thề”.

– Thề rồi có bắt tay bắt cẳng gì không.

– Không. Tình ý gì mà vồ vập! Bây giờ là việc lớn, lợi dụng cơ hội thì có lúc thương lúc ghét, hư chuyện. Nhờ mua hải bàn hải đồ thì tìm mua. Nhờ gặp người này người kia thì gặp. Nhờ chạy lên chạy xuống sông ông Đốc thì đi. Mua đồ nghề, mua bu-ri…mua pông-xô…đem về giao bà già. Ở dưới theo mấy nhỏ chạy ghe chỗ này chỗ kia, theo tàu lớn nhảy sóng đuôi. Riết quen đường quen sá như lội đồng quê mình.

***

Tư Sang đưa 12 người nam nữ lần lượt về sông Ông Đốc, ém. 3 giờ sáng chủ ghe dẫn từng người lội bưng xuống ghe. Tờ mờ sáng, Tư Sang giật Kohler hạ càng chạy chậm theo chiếc ghe câu nhỏ, hết lạch này qua lạch khác. Chủ ghe ôm thằng nhỏ trong lòng, ngồi kế bên. Phía trước mái lá phủ be, mười mấy người ngồi cúi đầu trong đó.

Chủ ghe nói vừa đủ nghe:

– Anh Tư lái được quá đi chớ. Giờ chót cánh kia lạnh cẳng, may có anh Tư.

– Nước trong này thì ai lái chẳng được. Tam bản làm sao ra biển?

– Ngoài kia cũng vậy thôi. Gặp sóng thì mình chạy chậm như vầy. Có chục người nhẹ hều. Ghe than ghe muối khẳm tới be mà chạy Rạch giá, Hà tiên đều chi đâu sao.

– Bà thì cái gì cũng hay.

– Em cũng nhìn nhưng anh Tư thấy ghe câu ngừng thì anh stop liền nhe.

Mặt trời chưa lên nhưng trời sau lưng ửng hồng. Bờ xa tít. Trước mặt mênh mông nước trời không thấy được lằn ranh. Mặt nước êm re, gió hiu hiu đủ nhẹ để hắt vô mũi hơi ẩm mằn mặn. Ghe câu ngừng lại. Tư Sang tính tắt máy.

– Anh Tư, nó kêu mình lên đó.

Chủ ghe chuồi người bò ra trước nói gì đó với mấy người.

– Bây giờ mình lên cá lớn hả chị?

– Mình đi bằng ghe này. Cá lớn 1 lóc bị theo dõi, tối qua chưa rời bến đã bị xét bắt rồi.

– Sao mình không rút. Ghe tam bản sao đi!

– Hồi đêm mình không đổ quân thì tụi nó đã vô xóm lùng rồi. Đường ra lộ cái chận làm sao về thành phố. Máy dầu 1 lóc cũng chỉ 10 ngựa mà đặt trong quay chậm, Kohler cũng 10 ngựa mà đuôi tôm ngoài chạy lẹ cấp kỳ. Bảo đảm tới nơi. Giao mật mã cho tôi để còn kịp đưa ghe câu cho nó về. Lình xình nó nghi là bị tó đó.

Người ta còn rì rầm. Nghi ngờ. Bực bội. Chủ ghe không thèm nói gì nữa. Vừa lúc hai ghe xáp lại. Tư Sang giở càng. Người bên kia, mặt mày áo quần giống bộ đội tập kết hết xài, ra hiệu tắt máy. Tất cả bên này nhìn. Ông ta cũng đứng sau lái, ngang Tư Sang, nói nhỏ “nghe này, sáng chú để mặt trời sau lưng, chiều thì trước mặt. Chạy 5, 6 ngày là tới Sông Kla. Gặp giông, ga nhỏ, gối phần ba sóng, giông qua lấy lại mặt trời, không sao hết. Bắt họ tát nước lườn”. Ông đặt một túi vải kaki, nặng nghe cái cộp lên sàn trước mặt Tư Sang, lên giọng:

– Để đảm bảo an toàn, giao chú túi xách đồ chơi, ru-lô lựu đạn. Gặp sự cố thì chia nhau ra mà xử lý. Gặp biên phòng thì chuồi xuống nước.

Ông vổ vai Tư Sang như giao công tác. Trong kia người ta giao mật mã. Chủ ghe bỏ vô bịch plastic giao qua người đàn ông.

– Cám ơn Cậu Hai. Tụi con đi.

Cậu Hai đạp ghe ra. Hai máy giựt nổ, hạ càng. Kohler 4 hướng mặt trời chói lọi. Kohler 10 tăng ga nhắm tây phương cực lạc.

5 tiếng sau Kohler 10 chết máy. Căng thẳng cả tiếng mới nổ lại. Chết máy lần hai khi Tư Sang theo yêu cầu của khách tính đón chiếc ghe lớn có vẻ như đang vượt biên.

***

Niên nói:

– Ngay lúc đó sao? Phải rồi, tôi nhớ ghe có khói; tới gần thì tắt ngóm.

– Con mẹ chủ ghe thấy tàu mấy anh sơn xám, cao nghều nó la “tụi nó đó”. Đến khi anh chạy quanh thì ai cũng thấy số hiệu trắng HQ… “thấy chưa, tụi nó đó” “úp mặt xuống, anh Tư đừng giật máy, dục đồ nghề phi tang đi”. Tư Sang gục mặt lên máy, không lật ván lấy túi đồ chơi.

– Bộ không thấy người tràn trên ghe tụi tôi sao?

– Sao không! Bởi vậy mấy người kia thì chắc chắn ghe vượt biên. Con mẻ hù “nó bắt được một mớ trển rồi kìa”. Mấy người kia không chịu “đi ghe này chỉ có chết”. Mẻ cương quyết “tôi thà chết chớ không chịu bắt. Anh Tư, anh chưa dục, nó xông tới anh chơi xả láng; có chết cũng chết hết”. Khi biết là anh này, Bảy Tạo này, thảy can nước xuống thiệt thì trễ rồi. Ông Niên này đã quay mũi tăng ga. Người ta xỉ vả con mẹ thiếu đường muốn quánh, muốn thảy bả xuống biển “đồ lừa bịp, đồ ác đạn tham lam đưa người ta vô chỗ chết” “Đồ bịp bợm nói ghe biển 1 lóc máy dầu mà thành tam bản Kohler” “Gặp tàu lớn cứu mà không cho kêu, bộ sợ nhà tụi tui không chồng mật mã hả”. Tôi cũng nổi khùng muốn dộng con mẻ mấy bạt tai. Con mẻ dụ khị, lợi dụng tôi rõ ràng, tôi mà tài công!, đem lính dù ra câu khách, đem mặt ngầu tôi ra hù người ta, ai cũng tưởng chồng bả, dám đụng không!. Thằng nhỏ con bả khóc quá trời khóc. Mình lỡ ngu thì phải tính lại thôi. Tôi bèn nói hùa lấy lòng mấy người kia xong thay bu-gi, cố giật máy “sự đã rồi, ra tới đây coi như thoát, không bị bắt là chuyện quan trọng; còn bây giờ thành bại do anh em mình, đoàn kết thì sống chia rẽ là chết mà. Một anh phụ tôi chạy máy. Mấy anh thay nhau múc đổ nước lườn.”

Bảy Tạo:

– Tư Sang vô vai nhuyễn đa. Nể!

– Coi bộ hoà hoãn tôi lên lớp “Phòng khi tôi đuối, mình để mặt trời sau lưng mà chạy, chiều thì trước mặt. Chạy 5, 6 ngày là tới Sông Kla, Thái lan. Gặp giông, ga nhỏ, gối phần ba sóng, giông qua lấy lại mặt trời, không sao hết”. Vậy mà ngon mấy anh, đánh cá Thái gặp nhiều không xiết mà không bị cướp, cái ba lá mạt rệp cũng có lợi là không đứa nào thèm, gần quá thì tôi rút ru-lô trong túi xách ra quơ quơ; mấy ngày sau thấy đất xa xa trước mặt. Chưa kịp mừng thì tàu tuần Thái chặn, kêu cột giây kéo ra. Lại dập dình, khi nổ khi không, khi treo pông-xô lấy gió. May mà có đủ nước uống đồ ăn tương đối. Chạy xeo xéo chút, mấy ngày mới được đánh cá Mã kéo tới gần Bidong, có gì tháo cho tụi nó hết.

Dưới nhà có tiếng thầy Thuộc nói chuyện với một người đàn bà. Tư Sang nghiêng tai:

– Ủa sao bả biết tôi ở đây mà kiếm cà!

Bảy Tạo:

– Thì hồi nãy tôi nói mình tới nhà thầy Niên.

– Mà nó có biết thầy Niên là ai, ở đâu. Nhỏ này quân báo hay sao cà.

Tiếng thầy Thuộc:

– Trển có anh Tư không? Có chị Năm tới kiếm nè.

– Lên đây đi Năm! Mới đi có một hồi mắc gì kiếm giữ vậy. Lên chào mấy đại ca đây.

Nhiều tiếng chân trong cầu thang. Thằng nhỏ lú đầu trước, Tư Sang nhích qua, kéo nó ngồi bên.

– Chào mấy bác đi con.

Thằng nhỏ lí nhí. Chị Năm lên tới, ghé ngồi mé bên kia lổ cầu thang:

– Chào anh, chào thầy. Nghe anh đây kéo anh Tư đi gặp thầy Niên. Hai mẹ con em lòng vòng chơi một hồi lâu nên đi kiếm. Anh Tư, hay anh ở chơi với mấy ảnh, em với con về trước.

Bảy Tạo:

– Té ra vượt biên cả nhà chớ đâu có phải Anh Tư mình ên.

Tư Sang:

– Em Năm với thằng nhỏ đang xin Cao ủy ghép blue card với tôi.

Niên và Bảy Tạo nhìn nhau “cha này đánh nhanh đánh gọn thần kỳ!”. Chị Năm cúi mặt cười ỏn ẻn. Niên phải lên tiếng:

– Mừng anh chị! Mình đâu trẻ mã gì, thương nhau thì lấy rồi còn lo định cư lập nghiệp. Công nhận hai ông bà lẹ thiệt!

Tư Sang:

– Lẹ gì. Coi giò coi cẳng cả năm.

Chị Năm:

– “coi giò coi cẳng”, ổng nói nghe mắc cười không mấy anh!

Bảy Tạo:

– Hượm, hượm cái đã. Xin lỗi tôi tò mò, vậy chớ hai người cùng ghe hay lên đảo mới bị tiếng sét ái tình? cả năm là sao?

Chị Năm:

– Ảnh báo cáo không đầu đuôi…

Tư Sang cắt:

– Tôi tưởng nãy giờ nói chuyện tôi đã giới thiệu. À mà sót thiệt há. Thưa hai anh, thị Năm này là con mẹ chủ ghe ác ôn côn đồ cộng sản của tui đó…

Hai anh hả họng bần thần. Chị Năm cúi đầu cười lỏn lẻn như đang bị tán. Lí nhí dạ dạ…

– Em Năm, hai anh đây là chiếc hải quân lòng vòng muốn cứu mình ngoài Hòn Chuối đó, thầy Niên thư sinh này là tài công, anh Bảy Tạo đây là người thảy can nước.

– Trời đất! Thật vậy sao! Em thiệt tối nước! Mấy anh đi rồi tụi em chết lên chết xuống. Không có anh Tư gan lì thì nuôi cá mập cả đám rồi mấy anh ơi.

Bảy Tạo quay mặt dấu nụ cười. Niên nhìn Tư Sang, nhìn chị Năm, nhớ chữ Tư Sang xài “Mấy anh à, chuyện như tiểu thuyết”. Ai ngờ người phụ nữ coi non như tàu lá mới, mà đóng vai nhân vật chính quyền biến, xuất sắc cở đó.

Chị Năm lôi trong xách ra 2 hộp sữa ‘Nestle Carnation’:

– Đi lòng vòng có mua mấy thứ. Tưởng không bao giờ mà Trời cho thì mình cũng gặp lại, tụi em xin kính hai anh lấy thảo.

Tư Sang:

– Em Năm tui có lòng, hai anh nhận cho tụi này vui. Bữa nào có chè cháo tui hú mấy anh ghé chơi.

– Bày đặt chi. Nhận 1 lon thôi để khỏi phụ lòng chị Năm.

Phái đoàn xuống thang đi rồi. Bảy Tạo phán:

– Đàn bà con gái!!! không chồng thì chủ gia đình, lên thành phố thì chủ đề, vượt biên thì chủ ghe, đi Mỹ định cư thì cũng là chủ blue card.

Niên gật gù:

– Tư Sang, Tư Dù của mình ra biển mới học làm tài công, tới đảo mới lên chủ ghe. Cũng tốt!

Nghĩ sao, Niên nói:

– Ông cho tôi mượn 10 đồng.

Bộ Bảy Tạo tính nói gì, lại thôi.

Niên xong lớp Bridge rảo bước về văn phòng. Mấy người bạn đứng tựa lan can.

– Mấy ông chờ thêm chút…hay xuống đó trước đi…

Bảy Tạo:

– Coi! Bữa nay ông thần này lừng khừng đa. Thôi mình đi!

Niên thu xếp sách báo trên bàn. Mấy thầy cô ra vô rân vang. Thư ký buổi tối gom học cụ cất vô ngăn tủ. Trong vài phút văn phòng yên ắng, vắng. Niên đi xuống biển.

Quán họ sắp ghế tràn lan ra bãi cát, buổi tối khách thích ngồi ngoài, vừa nghe nhạc trong quán vọng ra, vừa nghe được sóng vỗ nhẹ nhàng, trong bóng tối. Niên bước từng bước hướng về nơi nhóm thường ngồi.
Tiếng Bảy Tạo. Niên sà xuống ghế kế bên.

– Tôi kêu sẵn, ông không xuống tôi ‘thọ’ luôn cũng được.

– Sao lại không.

– Mấy ông coi, cha này dám xù Mỹ đó!

– Thiệt giỡn!

Niên tường trình lại suy nghĩ của mình, diễn tiến bàn 1. Mọi góc cạnh được đem ra mổ xẻ, cân nhắc lợi hại. Không có chung kết, chỉ có đồng thuận là Niên nên ‘lái xe’, vì sao? Vì “nhập gia tuỳ tục, nhập sông tuỳ khúc”.

Chung quanh có bàn đông người, có bàn ít. Bàn xéo trước, hướng hòn Cá mập, có một bàn hai đầu người. Một người như vừa vươn cao hai tay lên quấn tóc. Hình như họ nói tiếng Anh, nghe loáng thoáng khi có làn gió. Nghe được giọng nam từ chỗ đó “lít tơn róc, ác cần xò”, Niên biết người đó không phải phe ta. Niên nhớ tới Ron làm chung hãng ở Sài Gòn. Ron mê cô bán bar dưới Tự Do nhưng cô ấy không chịu đi Mỹ. Ron kéo Niên xuống giúp vì cho là trở ngại ngôn ngữ làm ảnh không thuyết phục được cô gái miền tây nước Việt. Ron nói về quê hương mình, nói về sự phong phú vật thực ở đó, về khả năng kiếm tiền của mình, về thành phố thanh bình yên ổn ” pho xơ mít, ác cần xò”. Ngay lúc đó Niên lập lại âm nhưng không biết là gì và không cần dịch danh từ riêng. Hôm sau ở hãng Niên kêu Ron viết nó ra chữ, nhìn đọc, ‘pho xơ mít’ là Fort Smith thì OK rồi còn ‘ác cần xò’ mà Arkansas thì kỳ quá, đọc sao Ron cũng cứ sửa “xò” “xò” như “saw”. Là dân kỹ thuật, Ron giải thích “nó phải vậy, like it or not”. Sau họ lấy nhau, về lập nghiệp giữa đường bay, Hawaii.

Tay Niên đụng 2 tờ 5 ringgit trong túi quần. Nhìn Bảy Tạo. Nhà tài trợ đang ở để tài ‘Ghe tam bản’, thay tên, đặc điểm nhân vật; nhưng giữ nội dung ‘ba đầu sáu tay’ và nạn nhân số 1 kêu con yêu nhện nhện là “ác ôn côn đồ cộng sản của tui đó” khi đầu hàng.

Ngọc Cân – trấy Tiểu Đợi