28 July 2020

NHỮNG NGƯỜI ĐÃ CHẾT ĐỀU CÓ THẬT - Ngô Nhân Dụng

Người ngoài phải thán phục tinh thần phản kháng của dân Mỹ. Chính phủ ra lệnh nhưng không đồng ý thì họ cương quyết không theo. Người Việt Nam mình cũng lâu lâu bướng bỉnh như vậy, “Quan có cần những dân không vội – Quan có vội quan lội quan đi!”

Người ngoài lại càng kinh ngạc khi thấy nhiều người Mỹ vẫn phủ nhận cơn bệnh dịch Covid 19 là có thật! Họ không thấy con số người chết là đáng ghê sợ!

Tiểu bang Utah đã yêu cầu khi ra khỏi nhà ai cũng phải đeo mạng che miệng và đứng cách xa nhau, đặc biệt là học sinh khi đi học trở lại. Vậy mà trong một cuộc họp đểtham khảo ý kiến dân chúng về việc mở cửa lại các trường, một trăm người đến dự đại đa số không đeo mạng, cũng không cách ly. Ban tổ chức phải giải tán buổi họp trước khi bắt đầu, và bị la lối ồn ào phản đối.

Báo Salt Lake Tribune thuật lời một người nói với nhà báo, rằng đeo mạng che miệng “sẽ làm bộ não rối loạn,” quả quyết, “Tôi chắc chắn sẽ không cho con tôi đi học để đầu óc nó bị hư!” Một bà, đã có năm đứa cháu nội ngoại, nói: “Toàn là nói dối! Covid là một trò bịa đặt, bịp bợm! Trò chính trị nhơ bẩn!”

Chúng ta có thể chấp nhận việc bất đồng ý kiến. Ai thích đeo khẩu trang, ai phản đối, cứ giữ ý kiến của mình. Nhưng đến lúc này, sau gần nửa năm kể từ khi bệnh xuất phát ở Vũ Hán, tại sao nhiều người còn nghĩ rằng tất cả cơn bệnh dịch Covid là bịa đặt? Tới ngày Thứ Sáu vừa rồi, 138,359 người Mỹ đã chết vì con vi khuẩn Corona. Utah cũng có hơn 230 người chết! Trong một ngày cả thế giới có gần 250 ngàn ca bệnh mới, nước Mỹ hơn 77 ngàn, gần một phần ba.

Ông Chuck Woolery, nhân vật rất nổi tiếng trên ti vi, hôm Chủ Nhật rồi còn “tuýt” rằng “Vụ lừa bịp lớn nhất là Covid 19. Ai cũng nói láo hết! CDC, Truyền thông, Đảng Dân chủ, các Bác sĩ.” Ngày hôm sau, ông báo tin con trai ông đã bị bệnh. Ngày Thứ Tư, chương mục Twitter của ông ngưng hoạt động.

Thật không hiểu nổi! Gần 140 ngàn người chết trong ba bốn tháng qua, những người chết đó là bịa đặt cả sao?

Một nguyên nhân gây ra thái độ nghi ngờ này là chính trị. Đeo mạng hay không đeo mạng là bày tỏ một thái độ chính trị. Tôi đeo mạng tức là tôi chịu thua mấy người ra lệnh tôi đeo mạng! Không đời nào! Nhưng các vị thống đốc tiểu bang đã ra lệnh dân chúng đeo mạng thuộc cả hai đảng Cộng Hòa và Dân chủ! Thống đốc Ytah, ông Gary Richard Herbert thuộc đảng Cộng Hòa.

Cũng có thể người ta phản đối không đeo mạng vì bảo vệ nguyên tắc, quyền tự do cá nhân. Nhiều chục năm trước đây ở Mỹ cũng nổi lên các phong trào chống cài giây lưng an toàn khi đi xe hơi, chống lệnh cấm hút thuốc, lệnh bắt đội nón phủ đầu khi lái xe gắn máy. Các cửa tiệm vẫn treo bảng “không mặc áo, không đi giầy, không được vô – no shirt, no shoes, no service,” sao mọi khách hàng vẫn chấp nhận?

Có lẽ nguyên nhân lớn nhất khiến người Mỹ chống đeo mạng, phủ nhận mối nguy hiểm của bệnh dịch, là do tâm lý.

Con người xưa nay vẫn thế! Chúng ta có khuynh hướng coi thường những mối nguy hiểm đến từ thiên nhiên, nhưng lại phản ứng rất mạnh trước những điều khó chịu, những thiệt hại do người đồng loại gây ra. Các bác sĩ nói rằng các người lớn tuổi hoặc đang bị bệnh tiểu đường, cao áp huyết, mập phì, bị coronavirus tấn công sẽ dễ chết. Khi đó thì ai cũng đồng ý vì thấy mình không thuộc loại người này. Nhưng khi thấy ai không cho mình vào trong tiệm vì không đeo mạng thì ngã mạn nổi lên bừng bừng; có ông giận quá sách súng đến bắn chết người!

Các nhà tâm lý cũng nhận xét rằng chúng ta chỉ muốn nuôi hy vọng và phủ nhận những nguy hiểm, thích nghe những tin tức ngọt ngào hơn là nghe những lời báo động. Trong thị trường chứng khoán, nhiều người không chịu bán cổ phiếu mình đang có dù giá liên tiếp đi xuống.

Người ta đã thí nghiệm, mời mọi người chọn một trong hai giải pháp ngăn chặn bệnh dịch. Giải pháp thứ nhất được trình bầy là sẽ giúp một phần ba dân số sống sót, số còn lại thì không thoát. Theo giải pháp thứ hai thì hai phần ba sẽ chết, nhưng tất cả có thểsống sót với xác suất bằng một phần ba.

Sau khi thí nghiệm nhiều lần, hầu hết mọi người chọn giải pháp thứ nhất.

Nhưng thực ra hai giải pháp nêu trên đưa tới kết quả giống hệt nhau! Chỉ có cách đặt câu hỏi là khác thôi! Câu hỏi trước nêu kết quả có bao nhiêu người sống, còn câu sau nói ngay đến số người sẽ chết!

Có lẽ nhiều người Mỹ ngay từ đầu đã phủ nhận tất cả trận dịch Covid 19 này là chuyện bịa đặt cho nên họ đã từ chối tin có người chết vì bệnh. Vì thế, khi số tử vong tăng lên thì họ cũng không còn xúc động. Khi không có ai chết mà thấy một người chết thì mình thấy là quan trọng. Nhưng người ta nghe tin tức đó mà không tin. Đến khi con số người chết từ 130,000 tăng lên 130,100 người thì mọi người thấy 100 người chết cũng không đáng để ý. Nghe con số chết tăng mãi thấy quen, trong lòng dửng dưng.

Nước Mỹ lo việc mở lại cửa các trường học. Mở cửa trường học chắc chắn cần thiết và ích lợi cho nền kinh tế hơn các quán rượu. Các tiểu bang đã từng cho phép các bar rượu mở – nay nhiều nơi đã đóng lại. Nhưng vấn đề học sinh có phải đeo mạng hay không cũng biến thành một cuộc tranh luận chính trị.

Ở địa phương tôi đang sống, hội đồng giáo dục quận ra chỉ thị mở cửa các trường nhưng không yêu cầu thầy giáo, học trò đeo mạng. Họ còn nói rõ rằng việc đeo mạng không có lý do khoa học, lại còn nguy hiểm nữa!

Đúng là cảnh con đà điểu chui đầu xuống cát! Nếu đeo mạng nguy hiểm thì hàng tỷngười trên thế giới đã và đang đeo mạng họ đã sao chưa?

Đeo mạng ích lợi như thế nào, không cần nhiều công trình nghiên cứu khoa học chứng minh! Chỉ cần quan sát và suy nghĩ một cách giản dị thì ai cũng thấy đeo mạng có ích. Khi tất cả cùng đeo mạng thì cũng giống như cả xã hội đã mua một thứ bảo hiểm y tế!

Thử lựa chọn hai đàng. Nếu ai cũng đeo mạng thì nhiều người sẽ tránh được, không mắc bệnh, không chết. Nếu có một số người không đeo mạng thì trong đó có người chứa sẵn vi khuẩn sẽ truyền đi làm cho người khác có thể chết.

Tại sao chính quyền các tiểu bang ở Mỹ đều bắt buộc dân phải mua bảo hiểm khi lái xe, ai cũng tuân lệnh, mà bây giờ lại từ chối không đóng góp một chút giúp cả nước cùng mua bảo hiểm ngăn chặn bệnh dịch?

Ở Đài Loan, ngay từ đầu năm 2020 khi nghe tin có người chết ở Vũ Hán bà tổng thống Thái Anh Văn xuất hiện, đeo mạng che miệng, điều động guồng máy y tế và quân đội cùng dân chúng chống bệnh dịch.

Cho tới nay Đài Loan chỉ có 7 người chết vì coronavirus. Tại tiểu bang Florida, vớidân số tương đương, đã hơn 4,800 người chết. Ông thống đốc tiểu bang suốt mấy tháng trời nhất định không tin việc đeo mạng có ích lợi gì.

Nước Mỹ may mắn có ông Bác sĩ Anthony Fauci, khuôn mặt nổi bật từ gần nửa năm qua. Ông mới trả lời phỏng vấn trên Facebook, đã khuyến cáo các em học sinh phải đeo mạng. Ông Fauci năn nỉ: “Các cháu làm ơn nghĩ đến trách nhiệm của mình đối với xã hội; các cháu sẽ đóng góp phần cho giải pháp ngăn bệnh dịch chứ không đểmình thành một nguyên nhân gây ra vấn đề khó khăn!”

Việc đeo mạng trước hết là là tránh không truyền con vi khuẩn qua người khác, nếu mình đã mang trong người. Nhưng nó cũng giúp mình tránh, không hít các con vi khuẩn mà người khác tung ra không khí. Không tránh được 100 phần trăm, nhưng dù chỉ tránh được một nửa, hay 30% cũng đáng công bịt cái mũi mình để đề phòng! Không biết ai là người đang chứa vi khuẩn, không biết lúc bào họ sẽ hắt hơi, ho, nói lớn tiếng, hô khẩu hiệu khi tập họp biểu tình, hay trò chuyện trong quán rượu ồn ào.

Ai cũng biết thanh thiếu niên ít bị bệnh Covid 19. Nếu nhiễm vi khuẩn, các em cũng không thấy sốt, không ho. Nhưng các em lúc nào cũng có thể đang chứa các vi khuẩn đó, có thể truyền qua cha mẹ, ông bà, thầy giáo. Và những người này lại có thể truyền sang người khác.

Ai sẽ là những nạn nhân đầu tiên khi các học sinh không đeo mạng?

Các thầy cô giáo sẽ trở thành các “chiến sĩ tiền tuyến” mà không được bảo vệ kỹ nhưcác nhân viên bệnh viện. Gần một nửa những vụ mắc bệnh được truyền từ những người có vi khuẩn nhưng không sốt, không ho. Một phần tư các giáo viên ở Mỹ trên 65 tuổi. Tỷ lệ những người bị tiểu đường, cao áp huyết và mập phì cũng cao bậc nhất thế giới. Nếu một cô giáo bị truyền bệnh thì cô có thể đem vi khuẩn đi sang cho nhiều lớp, nhiều học học sinh khác, và gia đình của họ. Nếu một học sinh bị bệnh thì các bạn học cùng, chơi cùng có thể bị lây nhiễm.

Không thể nào đem tất cả học sinh và thầy cô giáo làm thí nghiệm, thử coi nếu không ai đeo mạng thì hậu quả ra sao! Phải đeo mạng che miệng, vì đó là một thứ bảo hiểm chung!

Có lẽ tất cả chúng ta nên lắng nghe lời khuyên của Bác sĩ Fauci: Hãy nghĩ đến trách nhiệm của mình đối với cả xã hội.

Ngô Nhân Dụng