23 July 2020

NÓI LÁO, NGHE LÁO - Khuất Đẩu


Nói láo mà chơi nghe láo chơi

Tản Đà (dịch thơ Vương Ngư Dương)

Những người cỡ tuổi tôi không ai là không thích Liêu Trai chí dị của Bồ Tùng Linh. Cách đây gần 500 năm, thư sinh họ Bồ tuy học giỏi nhưng lận đận mãi đến hơn bảy mươi tuổi mới thi đậu. Chưa kịp làm quan thì đã chết. Cuộc đời của ông, tưởng chừng không ai có thể khốn khổ hơn.

Nghèo, tấm thân lưu lạc không nuôi nổi vợ con, phải ăn nhờ ở đậu, đêm thu buồn quá đem bút mực ra ngồi viết chuyện ma quỷ, kể cả những chuyện thật người thật đã từng gặp trong đời. Viết chơi để đấy, mãi đến năm mươi năm sau khi chết mới có người thương mà khắc chữ để in.

Sinh thời, có người bạn làm đến chức thượng thư, chắc là để trả ơn cưu mang, đã đưa bạn đọc chơi. Không ngờ, giống như Bá Nha gặp Chung Tử Kỳ, người bạn họ Vương cảm được nỗi lòng của họ Bồ, bèn cảm tác một bài tứ tuyệt, tuy ăn theo nhưng cũng nổi tiếng không kém.

Bài thơ nguyên tác như sau:

Cô vọng ngôn chi vọng thính chi

Đậu bằng qua giá vũ như ty

Liệu ưng yếm tác nhân gian ngữ

Ái thính thu phần quỷ xướng thi.

Tản Đà, cũng nổi danh học giỏi, nhưng giữa lúc chữ nho suy tàn, chữ quốc ngữ được giá bèn bỏ bút lông thay bút sắt, viết văn làm báo nhưng vẫn nghèo, vì như Nguyễn Vỹ nói, thời nào nhà văn An Nam cũng khổ như chó!

Chẳng những phục tài mà còn đồng cảm với Bồ Tùng Linh, nên thi sĩ họ Nguyễn với tất cả tài hoa và lận đận đã dịch như trút cả tâm sự của mình vào một bản dịch tuyệt hay:

Nói láo mà chơi nghe láo chơi

Giàn dưa lún phún hạt mưa rơi

Chuyện đời đã chán không buồn nhắc

Chỉ thích nghe ma đọc mấy lời.

Thì đúng là chuyện đời, như chuyện một ông quan về hưu họ Nguyễn sàm sỡ cháu nhỏ trong thang máy, chuyện hai ông thứ trưởng bộ trưởng gì đó tham nhũng hơn 3 triệu đô, chuyện củi lửa của ngài tổng chủ, chuyện bãi Tư Chính bị tàu của nước lạ hỗn xược vào thăm dò…, chán quá nhắc làm chi nữa.

Học thói ông Bồ tôi cũng thử nói láo mà chơi như thế này.

MỘNG DỮ

 

Mèo Mao, sau khi được bốn vua của nhà nước chuột tự xưng đón tiếp với tất cả cung kính và sợ hãi, liền vuốt ria bảo với đám cận thần. Rằng, thì là, hảo lớ! hảo lớ!, bọn chuột ở đất phương nam này vẫn là tôi mọi của ta. Mèo Tom đừng hòng đem cái TPP ra mà thu phục được chúng. Rồi đó, Mao đánh một giấc dài, tin rằng sẽ gặp toàn mộng lành.

Nhưng không!

Vừa đặt mình xuống giường nệm lò xo, Mao bỗng thấy một ông lão râu dài, chứ không phải chuột, cầm hèo mây gõ liền lên trán ba cái. Tuy gõ nhẹ nhưng Mao thấy buốt tận óc. Chưa kịp mở miệng miao miao thét gọi vệ sĩ, đã bị ông lão xách tai như xách con thỏ ném ra khỏi phòng. Tại đây, phừng phừng  một đám lực sĩ ngực trần xăm hình thuồng luồng, lôi Mao đi.

Mao bị đưa tới một đống lửa vây quanh cả ngàn người tay cầm chèo vung lên như mã tấu. Mao kinh hãi nghĩ thầm, thôi chết ngộ dồi. Cái lày là chúng muốn lột da nướng muối ớt mình đây. Ối cha mẹ ơi!

Đang lúng túng chưa biết thoát thân bằng cách nào thì có tiếng quát bảo lanh lảnh:

“Thằng giặc Mao kia, mi có biết tội của mi không?”.

“Miao! Miao!”.

“Giả ngộ không biết hả? Đây là đám ngư phủ đã bị tàu hải cảnh của mi xua đuổi. Biển của ta, tôm cá của ta, sao mi dám ngang ngược lấn chiếm, cướp đoạt?”.

“Miao! Miao!”.

“Xé xác nó ra!”.

“Ném nó xuống biển tế thần!”.

Những tiếng thét căm hờn bắn vọt ra như tia lửa. Mao run sợ co rúm, nằm mẹp trên đất.

Lúc này, lại thấy ông lão cầm hèo mây nói với đám người đang giận dữ. Ông bảo, “Tội lấn biển chỉ là tội nhỏ. Cái tội lớn nhất của nó là tưởng cả nước này chỉ toàn lũ chuột, nên vác cái mặt mèo qua đây lúc nào cũng vênh vênh váo váo. Hãy cho nó thấy ông cha của nó đã từng sống trong sợ hãi và ô nhục như thế nào, để mà biết lễ độ”.

Thế là Mao bị nắm đuôi kéo qua một cái gò cao kỳ dị. Tại đây Mao nghe rền rĩ muôn ngàn tiếng khóc than của những con quỷ không đầu. Những con quỷ xin Mao đưa hồn về cố quốc.

Cái gò ấy là gò Đống Đa.

Rồi Mao được đẩy xuống thuyền len lách giữa hàng ngàn cọc nhọn. Tiếng sóng vỗ ì oạp, tiếng binh khí lách cách, tiếng thét tiếng gào cùng với khói lửa ngút trời. Mao cứ tưởng trong trận Xích Bích. Nhưng hỏi ra, đây là sông Bạch Đằng, Mao càng kinh hãi.

Chưa hết, Mao bị nhét vào ống đồng lăn đi trên sỏi đá, nghe loong koong như búa nện vào đầu. Đến một hẻm núi sương mù giăng trắng, mùi tử khí bốc lên ngùn ngụt, lờ mờ hai chữ Chi Lăng, Mao được đặt lên lưng ngựa nhưng chưa kịp thoát chạy đã bị quân sĩ trong hẻm núi đổ ra chém. Khi nhát kiếm chạm vào cổ, Mao sợ hãi kêu thét lên, tỉnh dậy. Mồ hôi túa ra ướt nhẹp cả nệm, Mao cũng ướt như chuột lột.

Sáng hôm sau, đọc diễn văn trước quốc hội nhà nước chuột, Mao không còn cái vẻ khệnh khạng khinh khỉnh nữa. Mà có vẻ cực nhũn vì nỗi hãi hùng của cơn mộng dữ vừa qua.

Khuất Đẩu