04 August 2020

CÁI CÒN LẠI - Võ Phiến

Năm đó chàng độ hăm lăm hăm sáu tuổi. Không chừng đến ba mươi cũng nên. Chàng không nhớ rõ: vào khoảng từ hăm sáu tới ba mươi. Một đêm đầu tháng chạp mẹ chàng trở bệnh. Hai giờ sáng, chàng lấy tờ báo chiều hôm trước ra tìm bác sĩ trực.

— Đường Võ Di Nguy, số chừng ấy, khoảng nào nhỉ? Số lẻ, phía bên nào nhỉ?

Cả nhà không ai nghĩ ra. Một danh từ, một con số, không có gì đặc sắc cả, không ai để ý đến, không ai có một ý niệm gì hết.

Khi chiếc tắc-xi ngừng, chàng nhận thấy phòng mạch này cũng có vẻ quen quen, chàng đã đi ngang qua nhiều lần.

Thủy đỡ mẹ xuống xe. Chàng bấm chuông gọi. Đây là lần đầu chàng đến phòng mạch ban đêm. Trước nhà, dưới ô-văng, có một ngọn đèn đặt trong hộp kính mờ, bên ngoài vẽ dấu chữ thập đỏ. Ánh sáng lãnh đạm, buồn hiu. Năm ba con vật li ti có cánh bay lởn vởn. Một con thằn lằn rình trên vách, gần đấy. Làm sao biết có người thức nghe tiếng gọi của chàng vừa rồi?

Chàng ngần ngại, rồi bấm chuông lần nữa. Một ngọn đèn khác, cũng bóng đục, nhỏ bằng quả bóng bàn, bật sáng ngay phía trên cửa sổ. Bên trong đã trả lời.

Lát sau người y tá mở cửa, mời vào. Lại chờ đến năm phút nữa là ít. Phía trong phòng việc của bác sĩ, người y tá đi lại, mở đèn, khua động. Bên ngoài, chàng nhìn vơ vẩn từ tấm lịch đến mấy bức tranh cũ trên vách. Vách bẩn, đã quá lâu không quét vôi lại. Căn phòng có vẻ không được săn sóc.

Viên bác sĩ lặng lẽ làm việc, hỏi rất ít, nói rất ít, dáng điệu mang nặng giấc ngủ. Ông chích cho mẹ chàng một mũi kim, pha trộn bằng hai thứ thuốc. Ông ta nói với cô y tá vắn tắt, thấp giọng một cách biếng nhác, thiếu cố gắng. Nhiều lần ông phác một dấu hiệu nhỏ thay cho lời nói. Họ hiểu với nhau. Không phải viên bác sĩ làm việc không cẩn thận. Lúc ngồi viết toa thuốc cho mẹ chàng, ông ta có lần ngừng lại để nghĩ ngợi, đắn đo. Ngón tay trỏ của bàn tay trái, một ngón tay to lớn đè lên cánh mũi, ấn xuống, buông ra, rồi ấn xuống. Mẹ chàng bận bịu với các khuy áo trong áo ngoài phải cài lại. Thủy và chàng theo dõi ngón tay băn khoăn của bác sĩ trong giây phút trở thành nghiêm trọng. Cô y tá nhìn nét mặt chàng, chia xẻ sự lo lắng.

Có lẽ vì sự lo lắng ấy, vì một ngón tay đã ấn trên một cánh mũi đồ sộ của viên bác sĩ, cũng có lẽ vì là một cuộc khám bệnh hai giờ sáng, vì là một con bệnh hiếm hoi, cho nên mẹ chàng được cô y tá đưa ra tận lề đường. Khi chiếc tắc-xi rồ máy, gài số, sắp chạy, chàng nghe cô ta đập gọi ngoài hông xe. Chàng vội mở cửa ra, để được chỉ cho thấy một chéo áo dài của mẹ chàng bị kẹt vào cửa xe, ló ra bên ngoài. Chàng nói cảm ơn, cô y tá quay vào không kịp nghe.

Sáng hôm sau chàng lại trở lại phòng mạch. Cô y tá ngồi một mình ở phòng khách, lom khom dũa móng tay. Vóc người rắn chắc, tròn trịa, đẹp. Nước da không được sáng, hai cánh tay phơi trần ngoài tay áo blouse có nhiều lông, không phải thứ lông tơ yếu ớt mà là những sợi lông đen khá dài. Nhìn vào mặt, chàng nhận thấy lông mày của người con gái cũng mạnh mẽ, rậm rạp. Hình như trong dòng dõi cô ta có pha một chút máu Ấn-độ? Có lẽ vì vậy nên cô ta có cái mũi tuyệt khéo, sống mũi cao hơn mũi phần nhiều người Việt Nam.

Cô ta vội hỏi: “Cụ không bớt đau sao ông?” — “Bớt. Có khá. Nhưng có một thứ thuốc trong toa tìm mua không được. Tôi tới xin bác sĩ đổi cho thứ khác.” — “Ông chờ tí. Bác sĩ chưa đến.” — “Trực một đêm, mỏi mệt. Cô đến sớm nhỉ.” Người con gái mỉm cười, cúi xuống móng tay. Một bà giúp việc, độ trên bốn mươi, mặc tạp-dề xanh, từ phía sau đi ra trước nhà, băng ngang qua phòng khách. Một lát rồi lại trở vào, băng qua phòng khách, đi luôn vô một phòng nào ở sau.

“Cụ được sáu mươi chưa...?” Chàng đáp: “Có lẽ chưa tới đâu cô, tôi không nhớ rõ.” — “Trông cụ có vẻ yếu đuối... Cô đi theo đỡ cụ đêm hôm đó là...” — “Cô đoán coi là gì với tôi?” Người con gái nhếch cười nhưng không nói gì, vẫn cúi xuống móng tay, chờ đợi. Chàng hỏi: “Cô trông nó giống tôi không?” — “Nếu không giống tôi đã không hỏi.” — “Đàn bà con gái ý tứ thật. Bọn tôi, cứ... thắc mắc là hỏi liền!” Hai người cười với nhau; chàng cười xòa, còn người con gái thì hưởng ứng lặng lẽ.

Cô ta hỏi tiếp: “Em kề?” — “Kể như kề. Nó có con chị, mất từ nhỏ. Chắc nó cũng một tuổi với cô.” — “Cô ấy năm nay bao nhiêu?” — “Mười chín.” Một chiếc xe chở gạch vừa chạy ngang qua trước nhà, cô y tá không nghe được tiếng chàng nói. Cô ta ngẩng đầu, hơi nghiêng mặt về phía chàng, nhướn mắt lên, nhướn riêng con mắt phía chàng, làm cho vòng mi bên ấy vươn cao lên, cong vòng. Cử chỉ thay thế một câu hỏi tỏ ý bảo chàng lặp lại câu nói vừa rồi. Cô ta tự cho phép một sự thân mật bất ngờ. Con gái khi phải đi bước trước, họ cũng đi một cách tài tình, kín đáo.

Một lát sau, khi viên bác sĩ đến, thì chàng đã kể cho cô gái biết chàng đang theo học ở đâu, tuần trước chàng tập nhu đạo bị trẹo xương như thế nào, và cô ta đã kịp nói cho chàng biết cô sắp thôi làm việc ở phòng mạch này, cô không phải là y tá, không biết thuốc men gì cả v.v...

Chàng hỏi bác sĩ xong, trở ra, phòng mạch vẫn chưa có thêm người khách nào. Cô y tá đứng vịn tay lên cửa nhìn theo chàng. Gọi được xe, chàng giơ tay chào, cô ta yên lặng cười, không làm dấu gì để đáp lại, nhưng tiếp tục cái nhìn săn sóc cho đến khi xe chạy.

Về nhà, chàng bắt đầu tẩn mẩn để ý đến vài vấn đề: phòng mạch này không phải là nhà ở, chỉ là một căn phố nhỏ thuê để tiếp khách, viên bác sĩ đến đó để khám bệnh rồi về, vậy những đêm trực chỉ có một ông với một cô y tá, họ ở lại như thế nào? cô ta là gì đối với viên bác sĩ? một cô em họ, một cháu gái? một người giúp việc? điều này có liên quan gì tới quyết định thôi việc của cô ta? Và chàng với cô ta sao gần nhau dễ dàng, giản dị quá, việc hai người sẽ thân nhau không có gì tự nhiên hơn, như không sao tránh được.

Nhưng không phải mỗi lúc người ta mỗi có dịp đi tới phòng mạch bác sĩ.

Một hay hai tháng sau, mua đôi giày ở một tiệm gần đấy, chàng sực nhớ, ghé vào xem thì quả phòng mạch đã có cô y tá khác.

Từ đấy căn phố nhỏ có chữ thập đỏ trên hộp kính mờ ấy trở lại lặn vào đám đông vô danh của nhà cửa đô thị. Chàng đi qua đi lại không chú ý đến nó, không nhớ gì về nó nữa. Nó lại trở về gia nhập vào những cái nhàm chán của cuộc sống thường nhật. Không ai có thể lưu ý đến từng ngôi nhà bên đường đô thành. Đường Võ Di Nguy, số lẻ, phía nào nhỉ? Cả nhà chàng lại không ai nhớ ra.

Có lần, độ chừng một năm sau đó, ở ngã bảy Chợ Lớn, đường bị kẹt vì một đám ma lớn kéo đi chậm chạp, chàng dừng xe ở đường này trông thấy ở đường kia một người con gái mặc chiếc áo vàng, tay xách chiếc giỏ mây, đi bên cạnh một người con gái khác, vừa đi vừa nói cười, cả hai tiến sâu vào một ngõ hẻm. Trông như họ đi chợ vừa về. Chiếc giỏ có vẻ nặng, cô gái hơi nghiêng người nhưng bước đi vẫn nhanh. Chàng nhận ngay ra cô y tá năm trước, và đột nhiên nhận rõ mối cảm tình của mình đối với cô ta. Chàng nghĩ đến một chi tiết chưa bao giờ nhớ tới, từ hồi ấy đến giờ: lúc viên bác sĩ vào phòng mạch, cô ngừng câu chuyện đang nói với chàng, đứng lên, chợt bắt gặp mắt chàng đang nhìn vào cánh tay cô, cô ta nhoẻn cười lấy bàn tay kia xoa mấy vòng lên cánh tay bị nhìn. Nhiều sợi lông rối lại, rồi bung ra. Cô ta ngượng vì những sợi lông ấy, hay hãnh diện vì chúng? Chàng nghĩ: cô không nên ngượng nghịu, hãy cứ để yên thế, chúng nó kích thích.

Những cuộc gặp gỡ như thế không soi sáng, không giải thích gì thêm cho nhau. Chúng chồng xếp lên nhau, không liên hệ.

Bây giờ là ba mươi năm sau. Cuộc sống thường nhật càng đầy dẫy những cái vô danh mù mịt, lu lít, nối nhau kế tiếp lướt qua đời chàng, không một khua động. Một buổi sáng, bỗng nhiên chàng nhớ đến cô y tá đêm nọ ở phòng mạch một bác sĩ trực.

Bây giờ mẹ chàng đã qua đời trên mười lăm năm, tóc trên đầu chàng mười phần bạc đến bảy tám, và rụng mỗi ngày một nhiều, phơi lộ những khoảng da đầu láng bóng; 

Bây giờ, sau khi chàng có một người vợ thứ nhất, người ấy chết vì một mụt độc sau lưng, đứa con lớn đăng lính, lấy vợ, ở lại ngoài Bắc, không tin tức, không buồn liên lạc với chàng, đứa con gái kế lấy chồng làm thợ sửa máy thu thanh, sau khi chàng có người vợ thứ hai, người này gian díu với một thằng bạn khiến chàng nhúng tay vào một vụ sát nhân, sau khi mãn tù về, ngán ngẩm chuyện vợ con, xế chiều chàng tình cờ gặp người đàn bà luống tuổi hiện đang ăn ở với chàng; 

Bây giờ, khi hầu hết những hy vọng, dự định về cuộc đời của chàng đã tan vỡ hết, trong một trăm điều dự tính có chín mươi chín điều sụp đổ, chàng sinh sống bằng nghề chăm nom vườn hồng ba mươi tám giống hoa của một người chủ Huê kiều, thỉnh thoảng có dịp hưởng chút hãnh diện nhỏ nhặt khi được thi thố một vài hiểu biết chuyên môn. Một buổi sáng trời kéo dài một trận mưa lôi thôi sùi sụt, ngồi buồn với tờ nhật trình cũ ngày hôm trước, bỗng nhiên chàng sực nghĩ tới những gì loáng thoáng xảy ra giữa chàng với cô y tá nọ, chàng, ngót sáu mươi tuổi đầu, và cô con gái mười chín.

Giữa khoảng cách từ sự việc loáng thoáng xảy ra đó đến ngày nay chàng đã ba lần vào dưỡng trí viện (lần sau cùng ở mãi hai năm rưỡi, tưởng không khỏi điên), chàng đã đền tội bốn năm ngoài Côn Lôn, sáng sáng cùng đoàn tù nhân khổ sai nối đuôi nhau trên con đường trải nhựa độc nhất trên đảo, lặp lại muôn lần như một cuộc hành trình duy nhất suốt năm này qua năm nọ từ lao xá đến rừng, để chiều đến lại nối đuôi thả bộ mười cây số trở về chỗ nằm của mình, chàng đã tự tử hụt một lần, suýt chết vì bệnh lao phổi một lần v.v..., và ngày nay, một buổi sáng trời mưa, trong không gian kéo dài một điệu hát nhão nhòe nhão nhoẹt từ một máy thu thanh nào phát ra, chàng bỗng nhớ đến sự việc nhỏ nhặt, loáng thoáng ấy.

Ngày nay sáu mươi tuổi già, đầu tóc mười phần bạc đến bảy tám, ngồi một mình với tờ nhật trình cũ và tách cà-phê ba đồng nhấm nghe chua chua, chàng chợt thấy lại sự việc cũ; giống như một hôm, trưa nắng, một người đứng trên miệng giếng cúi nhìn xuống lòng giếng quang tĩnh chợt trông thấy cả đáy cát trắng, thấy một mẩu dây dừa, một chiếc gàu rách đứt dây nằm đó từ năm nào, thấy chiếc gương con bỏ túi của chị Hai bị tuột rơi hồi chị còn giúp việc trong nhà (bây giờ chị đã có chồng có con, đi làm ăn phương xa), và lẫn lộn giữa những thứ ấy là một món đồ chơi bằng nhựa (một chiếc máy bay? một chiếc xe hơi?) chính ta đánh rơi năm xưa. Hóa ra những cái ấy vẫn còn, còn cả, được giữ ở một nơi nào đó, giữ hầu như y nguyên mà vô dụng. Để một buổi trưa quang tĩnh, ta tha hồ nheo mắt nhìn, ngắm nghía.

Chàng ngồi với tách cà-phê chua và nguội; bên kia đường, trong một gian nhà cửa đóng, từ bên trong lọt ra qua các khe lá sách ánh đèn vàng cạch của một bóng điện độ bốn chục nến thắp suốt ngày. Cái ánh đèn bất động và ngoan cố ấy... À, đó cũng là ánh đèn chàng bắt gặp buổi sáng năm xưa, trong lúc ngồi nói chuyện với cô gái (vốn không phải là y tá) ở phòng mạch, mắt thỉnh thoảng nhìn sang căn nhà sát bên cạnh. Có lẽ đó là ngọn đèn chong trong kho chứa hàng của một tiệm Tàu.

Trời, một ngọn đèn vàng cạch tầm thường, khuất lấp trong cái thường nhật vô danh như thế, vẫn sáng đâu đó nơi chàng suốt ba mươi năm.

12 – 1966

Võ Phiến