Tôi không thể hiểu ông Billy Woods, cảnh sát trưởng
(Sheriff) Quận Marion ở Florida. Nhưng không sao! Vì chắc chắn ông Billy Woods
cũng không thể hiểu tôi!
Hồi này tôi luôn luôn đeo mạng che miệng mỗi khi đến gần người
lạ, kể cả con, cháu đến thăm nhà. Tôi không muốn truyền virus corona cho mọi
người, dù không biết mình có virus hay không. Ông Sê Ríp Woods nghĩ ngược lại.
Ông không đeo mạng, ông còn cấm các cảnh sát viên dưới quyền không được đeo mạng
khi đi làm. Ông cấm cả những người có việc phải đến sởông, cũng không được đeo
mạng. Ông cho phép một số người che miệng, các người đang mắc bệnh Covid 19 hoặc
nhân viên nhà thương suốt ngày vẫn đeo mạng.
Tại sao ông Woods không thấy rằng thà rằng có đeo mạng vẫn hơn là không đeo!
Tại sao ông Billy Woods không tính toán theo lối kinh tế học?
Hầu hết các quyết định kinh tếđều nằm trong tình trạng “bất định,” người ta
không biết chắc chắn tương lai như thế nào. Nhưng trong hoàn cảnh bất định
chúng ta vẫn có thể tính toán để lựa chọn một cách “thuần lý,” hoàn toàn dựa
trên lý trí.
Thứ nhất, chúng ta phải xác định chuyện gì có thể xẩy ra; và
thứ hai, chúng ta phải biết mình cần chọn lựa những gì.
Khi một nhóm bạn gặp nhau, để mừng sinh nhật chẳng hạn, thì
họ có thể chọn một trong hai quyết định: Hoặc họ đồng ý tất cả phải đeo mạng
che miệng; hoặc họ để tự do ai muốn đeo thì đeo.
Sẽ có một trong hai trường hợp có thể xẩy ra, và chỉ một
trong hai trường hợp thôi: Hoặc có ít nhất một người trong đám bạn này chứa
virus corona trong phổi, dù không thấy triệu chứng bệnh. Hoặc không ai trong
đám đó mang virus corona hết.
Nếu trường hợp thứ hai xẩy ra, may mắn, tất cả đám bạn đó đã
phải hi sinh đeo mạng, nghĩa là chấp nhận một thiệt hại nho nhỏ, có thể tính
tương đương như “tốn $10 đô la cho tới $100 đô la.”
Nếu ngược lại, có người trong đám bạn này đang bị vi khuẩn tấn
công mà không biết, thì trong đám này thế nào cũng có người bị lây, xác suất
cao tới 80 phần trăm. Không biết những ai bịlây nhiễm, nhưng ai cũng có thể bị!
Thiệt hại như thế nào? Một người bị Covid 19 coi như thiệt hại từ mấy trăm ngàn
đến một triệu đô la!
Cuối cùng, lựa chọn của chúng ta là: Chịu tốn $100 đô la đeo
mạng để khỏi phải lo, hay không tốn đồng nào nhưng có thể thiệt hại mấy trăm
ngàn đồng, có khi mất mạng nữa!
Nếu tính toán như vậy thì những người thích dùng trí khôn sẽ
đề nghị ai cũng đeo mạng hết! Thà tốn $100 đồng còn hơn ôm mối lo trong lòng!
Nhưng ông Sheriff Billy Woods không nghĩ như vậy. Ông cũng
biết tính toán. Ông ngầm hiểu rằng xác suất là 50/50! Ông viết trên email: Một
số các nhà chuyên môn khuyên tôi nên đeo mạng. Tôi cũng thấy một số nhà chuyên
môn đông không kém khuyên tôi đừng đeo! Chúng ta có thể tranh luận và cãi cọ suốt
ngày nên hay không nên!” Ông Woods cũng viết trong email, yêu cầu không đeo mặt
nạ che miệng cũng là để phục vụ “mục đích nhận diện bất cứ cá nhân nào bước
chân vào hành lang” sở cảnh sát.
Tại sao phải nghe các nhà chuyên môn làm gì? Mỗi người đều
có thể quyết định cho chính mình. Mà theo cách tính toán “thuần lý”của tôi thì
thà rằng chấp nhận chút khó chịu vì đeo mạng còn hơn mang mối lo trong mình!
Cuối cùng, tôi không hiểu ông Billy Woods mà ổng cũng không
hiểu tôi, chính vì hai chữ “thuần lý!”
Con người ta không phải lúc nào cũng sống thuần lý! Phần lớn
chúng ta sống bằng tình tự, vui, buồn, yêu, ghét, giận, thương, giận thì giận
nhưng thương thì thương, vân vân!
Cho nên, quyết định nên đeo mạng che miệng che mũi hay không
trong mùa Covid, chúng ta phải biết rằng nó rất quan trọng, vì nó nằm chình ình
ngay giữa cái mặt mình! Mà cái gì liên can đến “cái mặt” của mình, thì không thể
là một vấn đề “thuần lý” được!
Cho nên khi thúc dục mọi người đeo mạng chúng ta không nên
lý luận, như khi giải một bài toán kinh tế học! Ngay trong những quyết định
kinh tế “sinh tử”nhất là mua hay bán các cổphiếu trên thị trường chứng khoán,
không phải lúc nào người ta cũng suy tính thuần lý! Có người đã phân tích những
quyết định phi lý đó rồi được trao giải Nobel kinh tế học!
Nếu không dùng phương pháp “thuần lý” thì làm cách nào để
khuyên bảo, dụ dỗ người ta đeo mạng?
Một cuộc nghiên cứu về “cách ly,” giữ khoảng cách xa mọi người
ít nhất 2 mét để đề phòng truyền nhiễm bệnh Covid 19, có thể giúp chúng ta một
bài học về phương pháp khuyên bảo nào có hiệu quả nhất khi muốn thúc đẩy người
ta đeo mạng.
Hai giáo sư, Andrew Luttrell, Đại học Ball State University
và Richard E. Petty, Ohio State University đã làm “thí nghiệm” với ba nhóm người,
nêu ra các lý do vì sao nên “cách ly” trong mùa bệnh dịch.
Những lý do đưa ra được đặt theo hai cách nhìn, hoặc nhắm
vào ích lợi cho bản thân, hoặc giúp ích cho người chung quanh. Thí dụ, trong
thí nghiệm thứ nhất, đối với một số người câu hỏi viết “Xin các bạn nghĩ đến sức
khỏe của mình – giữ khoảng cách ly sẽ bảo vệ sức khỏe của bạn, giúp bạn đỡ bị
dính thứ virus này.” Đối với một số người khác, câu hỏi đặt ra theo lối này:
“Xin các bạn nghĩ đến sức khỏe của người chung quanh – giữ khoảng cách ly sẽ
khiến virus bớt khả năng truyền sang cho những người dễ bị nguy hiểm vì bịnh
(thí dụ, những người già hay người hệ thống miễn nhiễm suy yếu.)
Câu hỏi loại thứ nhất chỉ nhấn mạnh đến ích lợi cho bản
thân, nhưng loại thứ nhì nhắm vào người khác. Lối này khiến cho người ta thấy
đây là một vấn đề đạo đức! Hai tác giả các cuộc nghiên cứu báo cáo rằng khi người
ta nghĩ đến ích lợi cho người khác thì họ dễ chấp nhận giữquy tắc “cách ly 6
feet” hơn! Luttrell và Petty kết luận, “Các nhà chính trị và các chuyên gia y tế
công cộng nên nhấn mạnh đến ích lợi cho người khác hơn là ích lợi cho bản
thân,” khi khuyến khích mọi người nên cách ly.
Sở dĩ hiện nay vẫn còn nhiều người Mỹ, từ 20% đến 30%, vẫn
không muốn đeo mặt nạ che miệng, có lẽ vì các nhà chính trị và bác sĩ khi yêu cầu
mình đeo mạng thì không ai nhấn mạnh đến khía cạnh đạo lý: Hãy giúp người khác
khỏi chết vì bị nhiễm virus corona!
Có lẽ nên có người nói chuyện này với ông Billy Woods. Thử
tưởng tượng ông bắt mọi người đến sở cảnh sát không được đeo mạng, rồi trong số
khách một ngày nào đó có một người đầy coronavirus trong phổi mà không ai biết.
Người đó gặp một cô cảnh sát, vô tình truyền vi khuẩn sang cô ta. Cô này về
nhà, lại vô tình truyền vi khuẩn qua bà nội của mình. Bà cụ có thểbệnh, có thể
chết! Trong ngày mà ông Sheriff cấm nhân viên đeo mạng, ở Tiểu bang Florida có
thêm 276 người chết vì Covid 19, nâng tổng số lên 8,553 mạng người. Xin ông hãy
nghĩ đến các ông nội, bà nội của nhân viên mình! Hãy giúp họ tránh cái chết oan
uổng!
Nói đến ích lợi cho người khác, nhất là những người già, yếu,
có bệnh sẵn, sẽ đánh thức trách nhiệm đạo lý của con người, mà chúng ta ai cũng
có từ lúc ra đời. Nhân chi sơ tính bản thiện!
Ngô
Nhân Dụng