22 September 2020

BUM - Song Thao


Vui hỉ?

Trên báo Montreal Gazette ngày 8/8/2020 có bài viết của nữ ký giả Emma Jones: “What the Smell of Your Farts Say About You” làm tôi chúi mắt vào ngay. Chẳng là anh bạn thân với tôi từ thời Chu văn An bỗng bị đau thắt bụng, không đại tiện được qua tới ngày thứ hai. Tưởng là tuổi già, cơ thể lúc thế này lúc thế kia là chuyện thường tình, anh không quan tâm lắm. Bạn bè tứ phương áp lực anh phải đi khám coi nó là cái gì. Anh đành phải chiều ý các bạn. Kết quả anh bị xoắn ruột non. Bệnh viện mổ gấp, mang nguyên bộ đồ lòng ra, xếp lại ngay ngắn rồi thuồn vô lại. Cả bệnh nhân lẫn các bác sĩ giải phẫu sau đó chăm chăm chờ đợi. Nếu anh bum được là tai qua nạn khỏi. Nếu không thì rắc rối tiếp. Cuối cùng anh cũng nổ được khiến mọi người ngây ngất.Bài báo của bà ký giả Emma Jones cũng nói tới sự quan trọng của tiếng bum. Theo bà, chuyện tự làm phát ra tiếng nổ hay ngay cả khi không có tiếng nổ nhưng gió vi vu kín kẽ là cần thiết cho sức khỏe con người. Trung bình mỗi người cho thoát hơi 8 lần mỗi ngày, mỗi lần thải ra từ 33 tới 125 mililitre khí thải. Con số trung bình này, tôi nghĩ là quá khiêm nhường. Nhiều người rất dễ dàng vượt chỉ tiêu này gấp nhiều lần. Vẫn theo bà ký giả, nhiều người vì mắc cở nên cố nén tiếng…lòng khiến có hại cho sức khỏe. Phái nữ vốn hay giữ ý nên cố nén hơn phái nam nhưng cả hai phái đều sản xuất số lượng khí bằng nhau, không có chi khác biệt. Bà viết: “Một số nhà nghiên cứu tin rằng việc nín bày tỏ nỗi lòng gây ra một căn bệnh gọi là bệnh túi thừa (diverticular disease), một bệnh tạo ra những cái túi nhỏ bám vào thành ruột già. Trầm trọng hơn, bệnh có thể gây ra viêm ruột già, chảy máu hậu môn. Cứ tự nhiên sản xuất tiếng lòng không những chỉ làm cho chúng ta dễ chịu ngay lúc này mà còn bảo vệ chúng ta trong mai sau. Vậy cứ dõng dạc, không cần đổ thừa cho con chó đứng ngơ ngẩn bên cạnh. Sức khỏe của bạn tùy thuộc vào đó!”.

Bà ký giả Emma Jones đứng trên bình diện khoa học và sức khỏe mà nói nhưng con người chúng ta lại lệ thuộc vào chuẩn mực xã hội. Nếu chúng ta lỡ…phát biểu rộn ràng một chút thì đánh chết cũng đỏ mặt. Nam cũng như nữ. Nhưng nữ thường chịu hậu quả tai hại hơn. Một tiếng nổ của các bà các cô giữa mọi người có thể sẽ đeo đuổi họ tới suốt đời. Có người bị tình phụ chỉ vì một âm thanh nhỏ nhoi. Các nam nhân được châm chước hơn khi xả ga. Nhiều chàng trai trẻ coi việc tạo ra âm thanh như một trò chơi, không một chút ngại ngùng. Tôi có một anh bạn thời trung học không bao giờ ngại ngùng trong việc sản xuất bom hơi ngạt. Anh hầu như liên tục nhấc một bên người tạo ra âm thanh. Chúng tôi đặt cho anh biệt danh trumpetTrumpet là loại kèn lớn họng nhất trong dàn nhạc, nhất là trong một ban nhạc jazz. Sau trung học, anh gia nhập hải quân, theo học khóa sĩ quan tại Nha Trang. Ra trường, anh về gặp lũ bạn chúng tôi trước khi nhận nhiệm sở. Dĩ nhiên cuộc họp bạn bè cũ rất rộn ràng với những cú nhấc mông có phần liên tục hơn. Quả là quân trường đào tạo anh mạnh bạo hơn thời thư sinh. Nhiều người còn nửa đùa nửa thật bảo những ngày anh ở Nha Trang, Sài Gòn yên tĩnh đến phát chán. Vừa tới nhiệm sở, anh không may hy sinh ngay trận chiến đầu đời. Đám tang anh, lũ chúng tôi theo sau, buồn thì quá buồn, nhưng vẫn còn dặn nhau đừng đi gần quan tài.


Chuyện tiếng nổ phát ra hình như là một chuyện cười cợt thú vị nhất. Già trẻ lớn bé chi cũng vậy. Cứ tai nghe là miệng ngoác ra. Khoảng hai chục năm trước, tôi vô một siêu thị tại Montreal, thấy có bán một cái gọi là whoopee cushion được để trong một bao nhựa có in chữ chỉ dẫn. Tò mò đọc, tôi mới biết đây là trò chơi…bum. Đó là một miếng cao su hình tròn và dẹp. Để dưới ghế, nếu có người vô ý ngồi lên sẽ phát ra tiếng giống hệt như tiếng trung tiện, cung bực trầm bổng thay đổi tùy sức đè. Tôi vốn có tính ngủng ngẳng nên mua về cho mỗi đứa con một cái. Chúng tụ nhau lại, ngồi lên trên, tiếng phát ra khi thì nỉ non, khi thì dũng mãnh tạo nên những trận cười lăn lộn. Đứa lớn nhất bỗng có sáng kiến đặt trên ghế, che một tấm vải lên trên, chờ tới khi có một người lớn vô tình ngồi lên trên. Tiếng động phát ra làm nạn nhân ngơ ngác và đỏ mặt. Sao mình lại có thể là tác giả của một âm thanh khó chịu như vậy trong khi cơ thể không có chuyển động chi. Lũ trẻ núp quanh đó bụm miệng ngăn tiếng cười. Khi sự việc ra ánh sáng, nạn nhân chỉ biết cười trừ!

Miếng whoopee cushion ngày đó nay đã là chuyện dĩ vãng. Thế hệ con tôi giờ đã có chồng có vợ. Tới lượt con của chúng lớn lên. Và vẫn chứng nào tật đó. Nghe thấy tiếng nổ là cười lăn cười lộn. Có thể nói chuyện cười với tiếng xì là chuyện xuyên thời gian và xuyên thế hệ. Thế hệ trước tôi, mẹ tôi cũng đã tủm tỉm cười khi chơi với cháu mà cháu thản nhiên xì xẹt cầm canh. Bà mắng yêu: “Mẹ mày! Bà chịu khó lượm chắc được cả thúng!”. Thời của miếng whoopee cushion giờ đã qua. Chuyện nổ bây giờ tân tiến hơn nhiều. Tôi có mua một cái máy Google Nest Hub để trong nhà. Cái máy này là máy đa năng, chỉ nhỏ cỡ một cuốn sổ tay, nhưng làm được rất nhiều chuyện. Chuyện tôi thích nhất là chưng bày hình ảnh di động. Đi đâu chụp hình, máy tự động lấy về mở…triển lãm. Nhưng đó chỉ là ứng dụng phổ thông nhất. Máy còn làm được rất nhiều việc hữu ích. Cứ lên tiếng “Hi Google” là nó sẵn sàng phục vụ chủ nhân. Hỏi nhiệt độ bên ngoài, tin tức thời sự mới nhất, kết quả các cuộc tranh tài thể thao hay bảo nó cho nghe nhạc, nó vâng lời tức thì. Có lần tôi thử bảo cho nghe nhạc Việt Nam, nó cũng moi ra nhạc Việt liền một khi. Nhưng có một chuyện mà tôi không biết cho tới khi mấy đứa cháu tới thăm ông bà. Thấy cái máy, chúng bảo Google cho nghe tiếng trung tiện. Máy phẹt ra liền. Chúng cười vang, đòi cho nghe một cái thiệt bự. Máy làm một cái long trời lở đất. Ông cháu cười hể hả. Tôi phải thú nhận là thỉnh thoảng nhà vắng người, tôi cũng có bắt chước các cháu, ra lệnh cho máy làm vài cái nghe cho vui tai. Có chết cái mũi nào đâu!


Không phải tôi!

Chuyện máy đã vậy, chuyện người cũng chẳng khác mấy. Âm thanh lớn nhỏ của một cái bum tùy theo lượng khí phát xuất ra. Nếu cứ thả ga thì lớn chuyện, nhưng nếu biết tiết kiệm, từ tốn buông ra thì chỉ nỉ non than vãn. Khí thải trong người nhiều hay ít là do thức ăn chúng ta tiêu thụ. Có bốn nhóm thực phẩm tạo ra nhiều khí. Fructose có trong ngũ cốc như bắp, lúa mì, hành. Lactose có trong sữa, kem ngũ cốc và một số loại bánh mì. Rafinose có trong đậu, cải hoa, cải bắp và một số loại rau củ. Sorbitol có nhiều trong kẹo, kẹo cao su, nước ngọt có ga. Có lẽ cần kể thêm một thứ mà chúng ta biết công hiệu từ xưa: hạt mít!

Các nhà nghiên cứu của bệnh viện Royal Hallamshire ở Sheffield, Anh, đã làm một cuộc thử nghiệm về khí thải trong ruột con người. Họ chọn 10 người tình nguyện, 5 nam 5 nữ. Các tình nguyện viên được chia thành hai nhóm. Nhóm thứ nhất gồm 8 người được cho ăn bình thường gồm có cả đậu. Nhóm thứ hai gồm 2 người được ăn kiêng, không chất xơ. Mỗi người được cắm một đầu ống cao su dài 4 phân vào hậu môn, đầu kia nối vào một túi nhựa. Kết quả, trong 24 tiếng, 8 người trong nhóm thứ nhất thải ra từ 476 tới 1491 mililitre khí. Số khí này lượm được trong khoảng 8 lần xì, mỗi lần từ 33 tới 125 mililitre. Lần bum có trọng lượng nhất là lần xảy ra sau khi ăn khoảng một tiếng. Hai người trong nhóm ăn kiêng chỉ có lượng khí thải trung bình 214 mililitre thôi.

Khí thải trong người ai cũng xêm xêm như nhau nếu thời cùng thứ thực phẩm như nhau. Khác nhau là cách xả ra. Thường thì chúng ta kín đáo trong chuyện tế nhị này. Nhưng nhiều khi mất cảnh giác, bom tuôn ra ngoài vòng kiểm soát dễ gây nên những cảnh cười đau khóc hận. Anh chàng ca sĩ Yatin Sangoi, 48 tuổi, của Ấn Độ là người có lòng. Nhận thấy chuyện bất cẩn xì hơi mang lại những phiền phức cho những kẻ lỡ…miệng dưới, anh muốn mọi người coi chuyện này nhẹ nhàng hơn. Muốn vậy phải cho mọi người quen với những tiếng nổ của con người, coi như chuyện thông thường hàng ngày, tự nhiên như hít thở hay ăn, ngủ. Anh mở một cuộc thi bum cho các thí sinh công khai xả hơi. Cuộc thi có tên là “What The Fart”. Những thí sinh sẽ được chấm điểm trên các tiêu chuẩn: âm lượng, độ dài và âm sắc của mỗi cú xì hơi. Trò chuyện với trang mạng VICE, anh nói: “Đang xem phim cùng gia đình thì tôi đánh ủm một cái rõ to, mọi người cười ồ lên và nói nếu có một cuộc thi xì hơi thì nhất định tôi sẽ là nhà vô địch. Từ khoảnh khắc đó, tôi mới tự hỏi tại sao Trung Quốc, Anh, Mỹ đều đã có thi xì hơi mà Ấn Độ lại không có? Thậm chí còn có cả World Cup xì hơi nữa đấy! Tôi muốn bình thường hóa việc xì hơi. Thời cổ xưa, người ta xì hơi một cách công khai, nhưng giờ đây việc đánh ủm ở nơi công cộng bị coi là chuyện gì đó rất đáng xấu hổ. Các bác sĩ cũng nói rằng xì hơi là dấu hiệu của một cơ thể khỏe mạnh, chẳng có gì xấu xa cả”. Cuộc thi được tổ chức tại thành phố Surat, tiểu bang Gujarat ở Ấn Độ. Trước ngày thi, anh Sangoi đã truyền mánh cho các thí sinh: nên ăn nhiều củ cải, đậu và khoai tây luộc. Anh phát động cuộc thi trên mạng internet và có tất cả 60 người ghi tên tham dự. Tới ngày thi vào tháng 9 năm 2019 chỉ có 20 người xuất hiện tại trường thi. Tới khi lên tranh tài trên sân khấu, trước các máy quay phim, chỉ còn 3 vị có đủ can đảm tham dự. Đó là các ông Sushil Jain đến từ Bardoli, ông Alkesh Pandya đến từ Patan và ông Vishnu Heda đến từ Syrat. Dưới ánh đèn, dàn micro và tua tủa máy thu hình, cả 3 ông đều khớp, không thể sản xuất được tí khí nào, nói chi tới chuyện to và mạnh. Vậy là chẳng ông nào ẵm được cúp. Tuy vậy, ban tổ chức cũng tặng mỗi ông một món quà khuyến khích. Chàng ca sĩ đầu têu chuyện xì hơi công khai này thất vọng não nề. Nhưng anh không nản chí và cho biết sang năm sẽ làm lại. Lần này sẽ tổ chức trong phòng kín, không có khán giả, không báo chí truyền thông chi hết, để các thí sinh được thoải mái gây tiếng nổ!

Cái thứ tiếng ti tỉ, lớn nhất cũng không làm rung rinh nhà cửa được, lại đã gây ra nhiều tình huống dở khóc dở cười. Ông Eric Swalwell là một trong những ứng cử viên tranh chức đại diện đảng Dân Chủ tranh cử chức vụ Tổng thống Hoa Kỳ năm 2020. Trong một cuộc phỏng vấn ông tại đài truyền hình MSNBC vào tháng 11 năm 2019, người ta nghe thấy một tiếng nổ khá lớn. Người tinh mắt sẽ thấy sự ngượng ngùng trên khuôn mặt vị chính khách này. Video của buổi phỏng vấn được người ta vô coi đông đảo. Cũng phải thôi, ít khi trong chính trường có chuyện vui như vậy. Phản ứng lại, ông Eric Swalwell post trên twitter câu thanh minh thanh nga: “Không phải tôi đâu. Thậm chí tôi không nghe thấy tiếng đó trong buổi phỏng vấn!”. Vậy là dân chơi twitter chia thành hai phe. Một phe nhất quyết chính ông Eric là người thả bom. Phe kia cho đó là tiếng chi đó do máy móc của đài truyền hình tạo ra. Các nhà chuyên môn phân tích bằng các định lý âm thanh rất bài bản để kết luận chẳng ai có thể thả một trái bom nặng ký đến vậy trên micro. Đài truyền hình giải thích đó là tiếng động của chiếc ly xê dịnh trên bàn. Nhưng dân ham vui vẫn không đồng ý với lời giải thích này. Ông Eric Swalwell đã rút lui khỏi cuộc tranh cử. Không biết vụ nổ trên chốn công cộng này có vai trò nào trong việc rút lui của ông không.

Vậy là chủ nhân của tiếng nổ lớn trong vụ này vẫn chưa được rõ ràng. Không như vụ xì hơi của anh Stuart Cook xảy ra vào giữa tháng 9/2019 tại Aberdeen, Tô Cách Lan. Phải công nhận anh Stuart này ngon lành. Xe của anh đụng với một xe khác trên xa lộ. Đây chỉ là một vụ tai nạn thường, chuyện xảy ra hàng ngày. Nhưng trong khi cảnh sát đang điều tra, họ ngửi thấy trên người anh có mùi cần sa. Họ khám kỹ xe anh và thấy một lượng nhỏ cần sa. Cảnh sát dẫn anh về bót. Tại bót, cảnh sát bắt anh thoát y để khám coi có giấu cần sa trong người không. Đúng lúc viên cảnh sát đang lom khom dưới chân anh, anh cho nổ ba quả bom thúi vào ngay mặt ông này. Xong anh còn hỏi: “Ông có thích không?”. Anh bị đưa ra tòa. Bà Laura Gracie, luật sư của anh Cook, cho rằng anh hành động như vậy vì “cảnh sát đã phản ứng quá đáng” với anh khi bắt giữ. Tòa đã tuyên án anh về tội “đe dọa và cố ý thả hơi” vào nhân viên cảnh sát. Tuy nhiên tòa cũng nhẹ tay, chỉ phạt anh 75 giờ làm việc cộng đồng.

Tháng 3/2019 tại Úc đã xảy ra một vụ kiện làm ồn ào dư luận. Ông David Hingst, 56 tuổi, nhân viên của hãng Construction Engineering, đã kiện ra tòa Tối Cao Victoria ông chủ cũ Greg Short vì tội đã làm ông tổn thương tinh thần trầm trọng. Ông David nói với hãng tin APP: “Tôi ngồi đối diện với bức tường trong một căn phòng nhỏ không có cửa sổ. Ông ấy tới sau lưng tôi, âm thầm thả bom rồi bỏ đi. Ông liên tục làm như vậy mỗi ngày tới sáu bẩy lần!”. Ông David đã từng thưa kiện chuyện này nhiều lần từ năm 2017 đến 2019 nhưng các tòa đều cho rằng hành vi “thả bom” không phải là tội bắt nạt nơi văn phòng và không có căn cứ để xử. Trong khi đó, ông Greg Short thanh minh: “Tôi không nhớ chính xác mình có “thả bom” vào David hay không nhưng hình như cũng có một hai lần chi đó. Tuy nhiên, tôi không hề có ý định xúc phạm ông ta”. Lần kiện lên tòa tối cao tiểu bang Victoria này, ông đòi bồi thường tới 1 triệu 100 ngàn đô Úc. Nhưng một lần nữa ông David đã lại thất kiện.

Cũng phải thông cảm với các vị cầm cân nảy mực tại pháp đình. Chuyện như đùa mà mang ra chốn tôn nghiêm chắc chắn phải làm luật pháp bối rối. Chuyện tự nhiên của cơ thể con người đã làm các quan tòa mất tự nhiên. Biết xử thế nào cho phân minh trong khi sách vở luật không dự trù tới sự len lỏi của trái bom không gây nguy hiểm cho mạng sống con người vào chốn pháp đình. Nhưng ngoài xã hội thì khác. Các nhân viên công lực tại Tô Cách Lan trong vụ anh Stuart Cook cố tình xì hơi đã lãnh đủ hương vị của anh chàng láo lếu này. Trời chẳng bất công với ai. Đã bắt cảnh sát lãnh đủ thì cũng cho cảnh sát hưởng lợi. Sự may mắn đã tới với các cảnh sát tại hạt Clay, tiểu bang Missouri bên Mỹ.

Sự việc mới xảy ra vào tháng 2/2020. Cảnh sát đang truy nã một nghi phạm có tuyệt chiêu lẩn trốn. Được tin mật báo địa điểm nghi phạm đang ẩn nấp, cảnh sát xiết chặt vòng vây, dẫn chó đánh hơi xục xạo nhưng vẫn không có kết quả. Bất thần họ nghe thấy một tiếng bom tấn vang dội, vội xông vào nơi phát xuất tiếng nổ có trọng lượng và tóm ngay được nghi phạm.

Hay không bằng hên. Hên cho cảnh sát nhưng xui cho nghi phạm. Tại sao đã lẩn trốn mà còn rượu thịt chi cho khổ. Không biết nên trách ruột già hay ruột non. Theo khoa học thì thủ phạm tiếng nổ là anh…già! Các cụ ta thường nói: càng già càng dẻo càng dai. Không biết có phải ám chỉ chuyện nổ này không?

Song Thao
09/2020