Tính số ngày nắng nóng, mùa hè năm nay rực rỡ, huy hoàng.
Lý tưởng cho những chuyến du ngoạn, cắm trại vùng hồ phía bắc; ngồi bàn nước hè
phố, BBQ vườn sau… vậy mà phải co cụm trong nhà nghe tiếng cái máy lạnh cao
niên rền rền vọng vô không biết nghỉ… thiệt thòi đủ thứ…Ậy, thiệt thòi thì
chịu, cũng sợ thiệt mạng chớ; Covid dịch vật nà!
Hình như phụ nữ chuyên trị cà phê đá. Khi đãi khách họ
chuyên quyền kêu “cà phê đá”, không hỏi ý kiến ý cò gì hết. Ấy là trong ngày.
Sáng mờ mờ đàn ông đàn bà Saigon ra đầu hẻm uống cà phê thì đen, sữa; không
nghe tiếng đập đá bao giờ.
Cái đá ở chợ lợt cà phê mà đậm đường (đường vàng chưa sạch
mùi mía), lạnh ướt tay chai; trời nóng, mệt, vừa tu vừa bập bập, thả khói mờ
như sương, rất đã, tỉnh người cấp kỳ. Chuyện trò thì đụng gì nói đó, có cò kè
bớt một thêm hai, có bông lơn vô hại, có cả kinh tế chánh trị (quản lý thị trường).
Một bữa còn thấy anh thanh niên mang nguyên tang phục trắng từ đầu tới chân, đi
từ sạp từ sạp như thầy pháp. Ảnh tới gần nghe anh nói “ông già con chết gấp quá
không kịp trối trăng, dì cho con biết ổng còn thiếu tiền hàng dì bao nhiêu để
con trả”. “ôi, đâu nhiêu, để ổng làm lộ phí”. “dì cứ thiệt tình, con có khả
năng, ông già con mà không sạch nợ, sợ ổng đi không dứt, dì à”. “thôi, tao chỉ
tính vốn”. Đố mấy thằng khỉ đột rình mò loanh quanh nghe lọt lỗ nhĩ được chuyện
này.
Nhớ hồi vợ chồng vốn liếng còn đủ cân mấy ký bột, mấy ký
đường, mấy ký đậu, mấy trái dừa khô; thêm cái bầu. Mụ tui cứ bụng cở ấy mà vần
từ đòn qua bếp, từ bếp qua đòn, xắt dừa dáo bột, trào mồ hôi nước mắt mỗi lần
con đạp; nó đạp hoài, chắc nằm trỏng nghe được mùi dừa mùi đường. Mẻ đầu 42
cái, để lại 2 cái bồi dưỡng bà bầu, chồng đạp đi chào hàng.
Sài Gòn – Chợ Lớn, đạp vô ra theo hai đường khác nhau, ghé
từng xe, tiệm bánh ngọt, tiệm ăn. Lúc đầu bị chê, từ chối; là chào, ôm thùng
tiu nghỉu lê ra. Từ từ tập bài bản: Bánh gì coi kỳ, cái gì mà xu với xê. Ca câu
1 “dạ là phụ thê, là vợ chồng đó chị, ý nghĩa lắm à nhe”. Ăn thử được không. Ca
câu 2 “dạ, mời chị; bảo đảm ngon ngọt thơm, ăn xong chị muốn mua liền hà”. Bánh
hấp mau hư. Ca câu 3 “dạ, mỗi ngày tôi đem bánh mới tới đổi bánh cũ, chị yên
tâm”. Anh giao 4 đồng tôi bán 5, ngày bán mấy cái không đủ cho con tôi ăn kẹo.
Ca câu 4 “dạ biết là nó không nhiều nhưng tiệm chị lớn, mỗi thứ một ít, thêm
mặt hàng thì ai hỏi gì cũng có, phải không chị”. Lấy tiền liền hả. Ca câu 5 “dạ
đâu có, chị nhận bán là quý rồi, giao bánh gối đầu, hôm sau chị cho tiền những
cái đã bán thôi ”. Trời, lắt nhắt quá không đáng. Ca câu 6 “dạ, khi biết tiệm
chị có bánh xu xê, mấy đám cưới đám hỏi họ tới đặt cả trăm, cả mấy trăm đó chị
à”.
Trăm chỗ, 6 câu, ca lui ca tới trăm lần. Không ai chịu đèn.
Mưa lâm râm. Chiều sụp tối. Trời xui đất khiến có thằng Honda nào đó tới số,
tông nhào thùng bánh, giao hết cho nó bắt đền. Cất tiền, nói đã giao hết bánh
thì may ra đêm nay mụ tui mới đủ sức lết qua lết lại. Mai có mẻ bánh mới, biết
đâu hên.
Đạp về ngang nơi tạm trú, mà vẫn không có tai nạn gì đành
ngược Lê Văn Duyệt. Đối diện chợ Đủi có tiệm bánh tây sang trọng, điện sáng
trưng, tủ kiếng lộng lẫy, những chiếc bánh cưới to đẹp sắp hàng như thi hoa
hậu. Hy vọng gì mà vô. Mệt, nhưng quán tính đẩy tới, dựng xe. Chào, ca… chưa
dứt sáu câu …”anh xếp 10 cái, dĩa đây”. “dạ chào cô, mai tôi tới xin tiền bánh
bán, đổi bánh cũ”. “8 chục đây, khỏi gối đầu”. “dạ cám ơn cô”.
Dứt khoát không có ông trời nào xui, bà đất nào khiến; mà
phải một người thân nào đó mới tốt nghiệp cải tạo. Tui có cái may mắn là làm cô
chủ nhớ tới người đó. Tui có cái may mắn gặp cô, để có xăng đạp qua Bà Chiểu,
về Hiền Vương, ngược Hồng Thập Tự, xuôi Lê Văn Duyệt về “nhà”; đem cái thùng
toàn tiền về cho bà bầu. “Lết đi em, lết nữa đi em”, “mụ ơi, muốn hát quá hà”.
Qua “phục hồi nhân phẩm” bên nây lâu, sáng sáng chụp ly
cà phê ra đề xe, nhích ra đường mới nhớ ly cà phê còn nguyên trên nóc từ lúc
gác lên cho rảnh tay mở cửa. May! chớ chạy luôn thì làm trò cười cho xe đồng
hành từng có lần quên như thế. Châm thuốc thì phải biết mình đang ở đâu, đang
trong nhà người khác, trong tiệm thì nhịn, thì ra ngoài; đang ngồi chung bàn
ngoài trời thì bước ra một góc khuất, nếu ngồi lại mà giống khác, tây ta nam
nữ, đang cao hứng không muốn ngưng chuyện thì phải ngôn “May I…” để xin họ nín
thở. Riết đâm văn minh lịch sự, có làm Việt kiều cũng tìm thăm bạn học cũ xem
dung nhan, có tìm ăn cũng không ghé chợ, nói gì tới dì Bảy cô Năm.
Vậy mà tui có cái may mắn gặp lại cô, không phải cô chủ
tiệm bánh kế chợ Đủi đã giúp tui rong ruổi bán bánh được năm sáu năm, mà cũng
là cô ấy, chị ấy, các cô các chị ấy.
Chuyến đó lái xe đi chào hàng vùng Đông Bắc, tới Phila,
điểm đầu tiên, ghé con đường tập trung thương mãi dịch vụ Việt Nam ở ngoài thành
phố. Đẩy cửa vô một tiệm mới thấy không phải chỉ một mà đến mấy tiệm, à ra là
thương xá bỏ túi, vừa tầng trên vừa tầng dưới, cửa ngõ vách ngăn toàn kiếng,
điện sáng trưng, sang trọng. Từ băng nhạc, phim, sách báo đến máy tính, truyền
hình cho tới vàng, ngọc. Wow!
Bà chủ trang sức lộng lẫy, mời ngồi ghế trong phòng kiếng,
vị trí trung ương nhìn khắp chung quanh trên dưới. “Tư, em qua tiệm nước bưng
cà phê đá để cô mời ông đây giải khát”. Khách tuy chào món hàng khiêm nhường
không khác bánh xu xê là mấy, sách báo ấy mà, nhưng sơ mi quần tây còn áo
khoác, chạy xe hơi; ở chốn Bắc Mỹ phồn hoa, thì câu chào, câu khiển đệ tử nhân
viên rất khác, nhưng không khác gì ráo. Ngồi nói chuyện với “bạn hàng” mà tưởng
như đang ở trong lồng chợ Cháy, chợ Cầu Muối, chợ Bình Tây. Cà phê đá ở đây
khác nhiều mà vẫn là cà phê năm cũ. Chuyện trò thăm hỏi chuyện này chuyện kia.
Ông xã tiệm bán sửa TV tầng dưới. Kế ổng là con trai bán sửa computer. Một phần
bên trên là con gái băng đĩa karaoke sách báo.
Xong việc. “Cám ơn chị nhiều lắm. Mới xuất quân mà được chị
khích lệ chắc sẽ thành công”. “Anh đi đường cẩn thận, bằng an. Việc mua bán khi
đặng khi không. Mọi sự sẽ tốt đẹp”. Chữ “đồng hương” nghe thường nhưng những
phút này mới cụ thể. Kiêng, gần như quên đường là gì nhưng đã nhấp cạn ly. Ai
đời đường cát Mỹ tinh ròng mà nghe cái hậu có mùi mía Đồng Tháp. Dóc chi!
Ngọc Cân – trấy Tiểu Đợi