Trong chế độ toàn trị, một tổng biên tập chỉ cần không chống chế độ, không nói ngược với đường lối của Đảng cầm quyền, biết luồn lách, biết dùng tờ báo của mình để nịnh bợ, dọa nạt và khống chế, biết té nước theo mưa, biết gió chiều nào che chiều ấy, giả vờ chống tham nhũng thì anh ta kiếm bẫm hơn bất cứ nhà buôn nào, có thế lực như một “ông vua không ngai.” (Lê Phú Khải)
Bữa rồi, nhà thơ Inra Sara tâm sự: “Non 30 năm sống đất Sài Gòn, tôi gặp
vô số người được cho là thành công, thuộc nhiều ngành nghề, đủ lứa tuổi, thành
phần. Lạ, nhìn sâu vào mắt họ, cứ ẩn hiện sự bất an, lo âu.”
Tôi vốn không “sính” chuyện thơ văn, cũng không sinh
cùng thời (và sống cùng nơi) với hai vị nghệ sỹ nói trên nên chả
dám vội vã đồng tình với cái nhìn hơi khắt khe thượng dẫn. Là một
thường dân, tôi chỉ nghĩ giản dị rằng việc “xếp hàng cả hai cửa” là
một cách ứng xử bình thường – nếu chưa muốn nói là khôn ngoan – của
bất cứ ai.
Gặp thời thế, thế thời phải thế!
Mà cái thế nước hiện nay, theo như nguyên văn cách
nói của G.S Tương
Lai, lại “chông chênh” lắm! Cỡ Tổng Bí Thư trong một xứ sở đảng
trị mà vẫn phải bám liền cái hai ghế (cho nó chắc ăn) thì nói chi
tới nhà văn với nhà thơ, đám “người ăn kẻ ở trong nhà” của Đảng.
Ngay đến qúi vị đại biểu quốc hội cũng thế, cũng
vẫn phải chạy cái quốc tịch thứ hai mà! Nghĩ cho cùng thì chả có
ai đáng trách. Sống trong hoàn cảnh xã hội bấp bênh thì trừ đám dân
đen (không tóc) mới đành chịu trận, chứ giới quan chức có quyền hành
và tiền bạc thì ai cũng phải lo sao cho bản thân và gia đình được an
ổn mới thôi. Thảng hoặc, mới có trường hợp quá lố – đáng bị phàn
nàn – theo như ghi nhận của hoạ sỹ Đỗ Duy Ngọc:
“Một anh từng là tổng biên tập tờ báo lớn, sau khi thu vén
được hàng triệu đô la bèn đưa hết vợ con qua Mỹ, sắm nhà to, xe đẹp còn anh thì
qua lại hai nước, lâu lâu viết bài biểu diễn lòng yêu nước thương dân, trăn trở
với tiền đồ tổ quốc, khóc than cho dân nghèo, kinh tế chậm lớn, đảng lao đao…”
Thế Nguyễn Công Khế đã “biểu diễn lòng yêu nước” ra
sao mà bị than phiền như vậy?
Ngày 19 tháng 11 năm 2014, trong một cuộc phỏng vấn do
Mặc Lâm (RFA) thực hiện, nhân vật này chê trách lãnh đạo
những tờ báo hiện nay “sợ bị ‘mất ghế’ cho nên không dám dũng cảm để nói
lên sự thật” mà “chỉ sa đà vào những chuyện vặt vãnh.”
Trong suốt hai mươi năm làm Tổng Biên Tập báo Thanh
Niên chả hiểu có bao giờ ông Khế đủ “dũng cảm” để nói lên cái sự
thật trần trụi (hèn với giặc, ác với dân) của chế độ đảng trị (và
toàn trị) hiện hành không? Có bao giờ ông “dám” nêu lên vấn đề đa
nguyên, và phân quyền như là những phương thức khả thi để đưa đất nước
ra khỏi cái vũng bùn nhầy nhụa hiện tại chưa? An toàn hơn là những
vấn đề liên quan đến thảm họa môi sinh, bất công xã hội, và nạn cướp
đất vẫn diễn ra hằng ngày (ở khắp mọi nơi) ông cũng lặng thinh thôi.
Ông chỉ sôi nổi trong những cuộc thi hoa hậu, hay
những trận túc cầu giữa lúc cả nạn ngoại xâm lẫn nội xâm đang đe
dọa sự tồn vong của đất nước thì trách chi thiên hạ “sa đà vào
những chuyện vặt vãnh” ?
Ngày 27 tháng 10 năm 2019, sau thông tin 39 người Việt
bị chết ngạt trong một chiếc xe vận tải ở anh, ông Nguyễn Công Khế liền bàn về “con đường thoát
nghèo” và đòi hỏi “mọi thứ phải là trên cơ sở của Nhà nước pháp
quyền”!
Ông cũng đặt vấn đề: “Một xã hội mà cán bộ không sống bằng
đồng lương, thì phải sống bằng đồng ‘lậu’ thôi. Rất nhiều cán bộ hiện nay rất sợ
câu hỏi này: Sao đồng lương anh như thế, mà anh có nhà như thế này, xe như thế
kia, con anh đi du học.”
Có lẽ đó là những câu hỏi mà Nguyễn Công Khế nên
đặt ra cho chính mình, về khối tài sản của ông ở trong cũng như
ngoài nước, về chuyến xuất ngoại êm ru của cả gia đình mình trong khi
thiên hạ thì phải đi chui mà tiền mất mạng vong.
Trong trường hợp ông Nguyễn Công Khế không cảm thấy
thoải mái lắm trong việc tự vấn thì cũng chả sao, nỏ phải lăn tăn
chi cả. Cái thời bao cấp đã qua. Đảng và Nhà Nước “đã dũng cảm và
quyết tâm” đổi mới. Xứ sở đã thoát cảnh xếp hàng, đặt hai cục
ghạch, để mua nhu mua yếu phẩm từ lâu rồi.
Bây giờ thì có thể mua nhà ở tận nước ngoài luôn:
“Trên con đường dài dẫn ra biển Huntington Beach, Quận
Cam, có những khu nhà rất đẹp mà chủ hầu hết là người Việt. Họ là những người rất
trẻ, hoặc đó là những gia đình bình thường nhưng sống khép kín. Bạn tôi, một
người đã sống ở nơi này, gần bằng thời gian của thế hệ người Việt đầu tiên đặt
chân đến Mỹ sau tháng 4/1975, nói rằng đó là những khu định cư mới của ‘Việt cộng’.
Những ngôi nhà đó được mua rất nhanh trong khoảng vài năm gần đây – mỗi căn từ
450.000 cho đến hơn 1 triệu USD, cho thấy có một nguồn ngoại tệ khổng lồ được
chuyển ra khỏi nước Việt Nam, để xây dựng một ước mơ thầm kín và khác biệt bên
ngoài tổ quốc của mình.” (Tuấn Khanh. “Người Việt cố Giàu Lên Để Làm Gì?” RFA 2015 -10 – 02).
Tôi không biết “ước mơ thầm kín” của Nguyễn Công Khế
ra sao (nếu có) chỉ cầu mong ông nên sống “khép kín” như bao người
khác thôi, đừng láu táu hay bao biện quá. Loại người đứng chàng hãng
– chân trong, chân ngoài – trên hai cục gạch như ông mà thỉnh thoảng vẫn
học đòi (“phù thế giáo một vài câu thanh nghị”) để tỏ lòng “yêu
nước thương dân” thì e có hơi lố bịch, nếu chưa muốn nói là trơ tráo!
Tưởng Năng Tiến