Chiếc xe Jeep chồm lên rồi ngừng lại. Ân nhẩy xuống, tay
xách va li của Hạnh:
– Tới rồi chị ạ. Đợi tôi một chút tôi trình giấy nhé.
Nàng đã cầy cục cả ngày hôm qua để mua vé máy bay mà không
được. Chiến tranh làm đường bộ trở nên gần như vô dụng. Sự di chuyển trông cả
vào đường hàng không. Mua vé phải chen chúc như đi lĩnh chẩn. Hạnh đã tìm bao
nhiêu người quen nhờ mua hộ mà đành chịu. Sau cùng may gặp Ân, chồng một người
bạn cũ, làm phi công. Ân sốt sắng đề nghị sẽ xin cho Hạnh đi bằng máy bay quân
sự.
Với Hạnh bây giờ thì tất cả phương tiện nào đưa nàng tới
Huế đều tốt. Nàng thèm được nép vào lòng chị, nàng cần được bàn tay xinh xắn gầy
gò có nốt ruồi nơi ngón cái của chị vuốt vào mái tóc. Nàng nhắm nghiền mắt lại
cho hai hàng nước mắt lăn xuống. Sương lạnh thấm vào người Hạnh. Nàng rùng
mình. Có tiếng Ân bên cạnh làm Hạnh mở choàng mắt. Ân chỉ vào cái máy bay gần
nhất có người lên xuống tấp nập và nói:
– Tôi vừa cố dàn xếp cho chị đi cái này mà không thể được.
Máy bay chở nặng rồi. Thôi chị đành đi chuyến sau vậy.
Hạnh hỏi:
– Chuyến sau thì bao giờ khởi hành hở anh?
Ân chỉ tay qua phía bên kia trả lời ngập ngừng:
– Khởi hành thì cũng ngay bây giờ đây. Nhưng chỉ hiềm vì …
Vừa nói, Ân vừa xách va li lên. Hạnh bỡ ngỡ bước theo. Bỗng
nhiên, nàng đứng sững lại. Trước mặt nàng là ba chiếc quan tài phủ cờ chung
quanh có mấy người lính ôm súng ngồi la liệt. Ân dừng lại nhìn vào mắt nàng:
– Đó, tôi cũng hơi ngại chị sợ. Vậy nếu chị không muốn thì
để tôi xin lại giấy phép cho chị đi ngày mai.
Thoáng nghĩ lại nỗi bực bội âm ỷ từ mấy tháng nay, nhớ lại
nét mặt buồn tẻ của Khánh, Hạnh vội vã:
– Thôi, anh cho tôi đi ngay chuyến này.
Vừa lúc đó, một xe nhà binh chở tới mấy đứa trẻ con và bốn
người đàn bà. Tất cả đều chít khăn tang trắng và có người mặc áo trắng nữa. Xe
vừa ngừng thì một người đàn bà đã lao xuống đâm bổ vào chiếc quan tài nằm giữa
gào lên:
– Anh ơi! Anh nằm đây cả đêm có lạnh không? Nói đi anh, trả
lời em đi. Nói với em một lời đi…
Tiếng khóc khàn khàn như đặc lại ai oán. Hạnh sững sờ cả
người. Mấy đứa trẻ trên xe đã tụt cả xuống đất, đứng sau lưng bà ta. Bây giờ
thì bà ta ôm lấy quan tài mà khóc. Mấy đứa bé cũng bật lên khóc.
Mé bên kia một người đàn bà ngồi ôm mặt bên chiếc quan tài
ngoài cùng. Đầu bà ta gục xuống. Mái tóc loà xòa phủ lên lá cờ ngay cạnh chỗ
tấm ảnh một người đàn ông mặc quân phục. Lẫn trong tiếng khóc, Hạnh nghe có
tiếng “con ơi”. Tiếng khóc nghe não nuột như từ chốn xa xăm nào vọng về. Hạnh
chợt nghĩ đến con mình, bé Nga. Con bé Nga với đôi má xệ, với cái bụng phệ, với
bàn chân thô. Không biết lúc này nó đã dậy chưa. Chị vú có có pha sữa cho nó
không? Nó có đái dầm ra quần không? Hạnh muốn quay về với nó. Nhưng nghĩ đến
chồng, nàng lại bực. Thật ra thì nàng cũng không có cớ gì lớn lao để giận
chồng. Chỉ là sự bực bội chán nản mà thôi. Nàng thèm được thay đổi không khí.
Thèm được thấy lại mình xưa kia. Nàng nôn nóng nhìn về phía chiếc máy bay.
Những anh lính hồi nãy ngồi la liệt dưới đất đã đứng thành
hai hàng dọc nối liền với cửa máy bay. Tất cả đều bồng súng chỉnh tề. Một tiếng
hô vang, Hạnh thấy sáu người lính khác cúi xuống từ từ nâng chiếc áo quan ngoài
cùng lên vai. Bây giờ Hạnh mới trông thấy người ngồi khóc là một bà cụ già, mái
tóc đã bạc. Bà cụ ôm chặt bát hương trong tay, ôm trong đôi cánh tay mà ngày
xưa đã dùng để ôm người con khi còn nhỏ. Hạnh nhắm mắt lại. Hình ảnh con bé Nga
lại chập chờn ẩn hiện. Hạnh như còn thấy nó nhe răng cười, tay nó vẫy vẫy nàng
mỗi khi nàng đi đâu về. Có tiếng người đàn bà thét:
– Ới anh ơi! Nay anh về quê cha đất tổ. Ngày anh đi, anh
hẹn nghỉ phép sẽ về sửa lại cái mái nhà dột, anh nói dối em, anh bỏ em lại, anh
đi một mình…
Chiếc áo quan thứ nhì đang từ từ tiến vào lòng máy bay. Dưới
sân chỉ còn lại một chiếc và người đàn bà gục đầu suốt từ lúc nãy vẫn như ngồi
bất động.
Ánh nắng ban mai chiếu le lói vào thân máy bay. Hạnh nghĩ
đến Khánh lúc này chắc đang sửa soạn đi làm. Hình ảnh Khánh hiện lên với nét
mặt buồn buồn lúc nàng ra xe hẹn một tháng mới trở về. Khánh nghĩ gì? Hạnh
không muốn tưởng tượng lan man thêm nữa.
Trên sân đã vắng. Ân xách chiếc va li dùm Hạnh tiến về phía
máy bay. Rồi chàng đỡ Hạnh bước vào. Nàng đưa mắt nhìn. Ngay dưới về phía đuôi,
mấy người lính ngồi ngổn ngang, súng dựa vào mấy chiếc ba lô. Có người đang
tháo giầy bốt, có người đang moi móc tìm thuốc lá. Trên hai hàng ghế sát thành
máy bay từ mé giữa trở xuống, người ngồi chật ních. Nhưng từ giữa máy bay trở
về phía đầu chỉ có thưa thớt mấy người mặc đồ tang mà thôi. Giữa hai hàng ghế
là ba chiếc quan tài nằm nối đuôi nhau. Rồi tới cái rương bằng thiếc mầu xanh
để sát chiếc áo quan thứ ba, trên mặt cũng cắm mấy nén hương.
Hạnh đứng ngập ngừng. Chợt nàng có cảm tưởng như có người
nhìn mình. Hạnh ngẩng lên vừa gặp ánh mắt người đàn bà xõa tóc hồi nãy. Ánh mắt
thản nhiên lạnh lùng. Bụng bà ta lớn vượt mặt. Nàng cúi xuống xách va-li tiến
lại phía bà ta. Cửa phi cơ đóng lại. Máy nổ ầm ỳ. Người đàn bà có bầu sửa lại
cái bát hương trên mặt áo quan cho ngay ngắn. Đầu kia, sát phòng máy, bà cụ già
giở tràng hạt lẩm bẩm tụng kinh.
Máy bay bò đi từ từ rồi dừng lại, rồi rú lên, phóng nhanh.
Thảm cỏ xanh lao vun vút giật lùi. Ruột gan Hạnh nhẹ bỗng. Trước mặt Hạnh, ba
đứa trẻ ôm chầm lấy mẹ. Đứa giữa là con gái cỡ năm tuổi, tai đeo đôi khuyên
vàng, tóc nó uốn quăn tít giống mẹ. Mẹ nó mặc chiếc áo dài trắng. Tay bà ta
đánh móng đỏ nhưng đã tróc loang lổ verni với những ngón thô kệch nổi gân. Trên
miệng chiếc giỏ bên cạnh bà, Hạnh còn thấy một chiếc guốc cao gót mầu xanh lá
cây.
Phi cơ đang bay lướt trong từng đợt mây. Hơi lạnh tỏa ra
làm Hạnh rùng mình. Nàng mở va-li lấy chiếc khăn quàng. Thoang thoảng đâu đây
có mùi ung ủng. Ngồi cạnh Hạnh về mé ngoài là một bà trạc bốn mươi. Người bà
mập mạp và đẹp. Bà móc túi lấy lọ dầu ra bôi rồi trao cho Hạnh:
– Cô xoa đi. Quái, nghe như có mùi sầu riêng ấy. Cái giống
này cứ lúc nào máy bay lên cao là tỏa mùi ra, úi dà, tệ lắm. Tôi đã bị một lần
rồi. Của cô đấy hả?
Hạnh lắc đầu. Nàng cảm thấy choáng váng. Bà kia vội dí lọ
dầu vào mũi Hạnh. Mắt Hạnh hoa lên. Trước mặt Hạnh, cái áo hoa của bà nhảy múa
nhòe nhoẹt. Đôi môi mọng đỏ của bà như cười. Hơi dầu làm Hạnh tỉnh dần. Nàng
cảm ơn bà bạn tốt bụng. Bà ta chuyển chai dầu cho Hạnh bảo đưa cho bà có bầu.
Chiếc máy bay lắc mạnh. Chiếc bát hương trên quan tài giữa chao đi. Bà có ba
đứa con chụp lấy ôm vào lòng rồi oà lên khóc:
– Ối anh ơi! Anh bảo anh nghỉ phép anh về với em. Anh bảo
chúng mình sẽ về quê ngoại. Anh bảo em uốn tóc. Anh bảo em may áo giống bà
thiếu úy San. Nay anh đi đâu bỏ em bơ vơ thế này.
Mọi người nhìn về phía bà. Tiếng bà gào át cả tiếng máy
bay:
– Anh ơi! Anh mua guốc cho em làm gì. Em có thích uốn tóc
hồi nào đâu. Bây giờ anh ở đâu…
Mấy anh lính choàng dậy càu nhàu vu vơ. Mé đầu máy bay bà
cụ già tụng kinh lớn hơn. Hạnh nghe loáng thoáng… “vạn kiếp nan tao ngộ…”.
Khuôn mặt bà cụ nhăn nheo. Nước mắt bà cụ lăn chậm chạp trên hai gò má đen sạm.
Bà cụ tụng kinh không ngừng. Ba đứa bé thì ngơ ngác nhìn tất cả mọi nơi, từ
trần xuống sàn máy bay. Thỉnh thoảng thằng lớn nhất lại nhìn ra cửa. Hạnh đoán
có lẽ chúng đi máy bay lần đầu. Con bé giữa mặc áo đầm nylon. Bà mẹ cúi xuống
lục ở cái giỏ lấy ra hai quả xoài đặt lên lá cờ phủ áo quan rồi lại kể lể:
– Hôm anh đi em đã bảo anh ăn xoài. Anh kêu đau bụng không
ăn để nhường cho con. Bây giờ anh ăn đi anh ơi! Anh thích ăn xoài mà.
Bỗng nhiên, bà có bầu ngồi canh Hạnh gục xuống. Hạnh vội đỡ
bà ta lên. Mặt bà ta xanh xám. Bà mặc áo hoa ngồi bên trái Hạnh vội dốc lọ dầu
vào đầu bà có bầu rồi phân trần:
– Đấy cái hơi độc thế đấy. Phải đổ dầu vào kẻo nguy.
Lúc này thì hầu như cả mọi người đều biết là không phải hơi
sầu riêng. Nhưng không ai xác nhận rõ là mùi gì cả. Máy bay lượn làm chiếc áo
quan ngoài cùng hơi nghiêng về phía Hạnh. Nàng hoảng hốt rút chân lên, e dè
nhìn vào những vết loang lổ trên lá cờ.
Mé sau, cái rương xanh xô vào phía mấy người lính. Một anh
đẩy cái rương lại chỗ cũ rồi chép miệng:
– Cái ông này thì còn được vài ký thịt, quá lắm là thêm bàn
tay thôi chứ gì mà cũng chạy tới chạy lui.
Người bên cạnh cãi:
– Bậy nào, đâu đến nỗi.
Người thứ nhất trợn mắt:
– Cậu thì biết cái cóc gì. Hồi nãy, chính tớ rinh lên mà.
Nhẹ hểu à.
Hạnh vỗ vỗ lưng bà bụng bầu. Bà ta đã tỉnh tỉnh. Đầu bà ngả
vào vai Hạnh. Hạnh gục đầu vào cửa sổ nhìn xuống. Dưới kia là dòng sông uốn
khúc, nhỏ như trong mô hình triển lãm với những thửa ruộng như ô bàn cờ. Những
mái nhà nhỏ bé làm Hạnh liên tưởng đến những mái nhà, mái chùa mà dạo bé Hạnh
vẫn loay hoay ngắm nghía ở trong bể non bộ của ông ngoại. Tất cả lướt qua phía
dưới, thanh bình và êm đềm quá. Nhưng những mái nhà hiền lành kia liệu có bao
bọc những cuộc đời êm đềm hạnh phúc, hay cũng đầy dẫy những trái tim tan nát
như những gia đình này. Bất giác Hạnh gợn lên niềm nhớ thương chồng con. Nàng
cũng có một mái nhà mà sao nàng lại bỏ đi. Đời sống bình thản và hiền lành. Nó
không có gì ầm ỹ đặc sắc. Nhưng khi sự ầm ỹ đặc sắc xẩy đến, như sự chết, sự
chia ly, thì trái tim đã tan nát rồi.
Máy bay đi trong đám mây. Hạnh nhìn thấy như từng quả núi
nhỏ bằng mây trắng vây phủ quanh nàng. Nàng nhớ lại thuở bé cứ ước ao sau làm
nữ hiệp để đằng vân đi cứu nhân độ thế. Nàng ngậm ngùi nghĩ đến chồng. Nàng lại
tự trách mình sao hay đòi hỏi. Giá nàng biết tự quên mình thì có lẽ Khánh sung
sướng hơn nhiều. Nàng chợt nhớ lại vẻ ngượng nghịu của Khánh lúc nàng bóng gió
so sánh cảnh nghèo nàn của nàng với sự giầu sang của các bạn. Nàng thấy mình
quá tàn nhẫn….
Vai Hạnh nhẹ bỗng hẳn đi. Bà có bầu đã ngồi dậy. Hạnh liếc
bà ta. Mắt bà cứ nhìn đăm đăm về phía đầu quan tài. Có tiếng bà lẩm bẩm rất
bình thản:
– Tôi đi tìm nhà tôi từ ngoài mặt trận. Tôi đi tìm khắp các
nhà thương, nhà xác. Tôi lật từng cái xác để tìm nhà tôi đã mười hai ngày. Lật
từng cái xác…
Mắt bà như bất động. Mặt bà cũng bất động, chỉ có miệng bà
mấp máy:
– Từng cái xác, từng cái xác đã thối, đã xình…
Hạnh bỗng rợn cả người. Nàng kinh hoàng nhìn bà ta. Bà ta
gầy gò xanh xao là thế, bụng chửa vượt mặt, lại yếu đuối như thế, sao bà có thể
làm được công việc cực nhọc nhường ấy. Đôi mắt bà nhìn vào phía quan tài không
chớp, vẻ quê mùa của bà làm cho Hạnh khó tìm thấy cái sức mạnh nào đã đẩy bà đi
mười hai ngày trời để mà lật từng cái xác tìm chồng.
Phi cơ chao đi. Một quả xoài rơi xuống sàn, thằng bé út
chộp lấy. Bên này, bà có bầu vội đỡ lấy bát hương vào lòng thì thầm:
– Anh ơi! Em còn làm gì cho anh, còn làm gì cho anh được
nữa, anh ơi!
Hạnh xiết chặt tay bà. Bà mới đáng thương chứ không phải
người nằm trong kia. Nằm đấy là yên nghỉ rồi. Vậy mà bà không nghĩ tới mình,
chỉ nghĩ tới sự gì còn có thể làm được cho chồng. Chao ôi! Lòng người đàn bà
này sao mà rộng rãi và đầy tình thương yêu đến thế.
Bỗng bà ngồi thẳng dậy đăm đăm nhìn áo quan. Hạnh tưởng như
xuyên qua lớp gỗ, đôi mắt người chồng đang mở ra tha thiết nhìn vợ. Đôi mắt đầy
yêu thương trìu mến. Đôi mắt của Khánh vẫn nhìn nàng. Hạnh phúc ở bên cạnh nàng
như đôi tay đối với người lành mạnh. Đối với người lành mạnh, sự hiện hữu của
đôi tay không có nghĩa gì cả. Nhưng nếu có một tai nạn xẩy đến thì sự mất mát
đôi tay mới thật sự là một tai họa hãi hùng và đã quá trễ rồi.
Hạnh nhìn suốt một lượt từ bà cụ già tới bốn mẹ con, những
người lính, lá cờ, tất cả đều mơ hồ nhòe nhọet một mầu mờ nhạt, hai hàng nườc
mắt lăn dài. Nàng quay về phía cửa sổ máy bay nhìn xuống, dưới kia là Ngũ Hành
Sơn xa lạ. Hạnh muốn chiếc máy bay quay trở lại. Nàng thấy tiếc những thời giờ phí
phạm đang trôi. Nàng muốn chắt chiu níu giữ thời khắc của tình yêu như người
biển lận xót những đồng tiền phung phí.
Nàng thiết tha muốn trở về để được xà ngay vào lòng Khánh.
Và Khánh sẽ hôn lên tóc nàng. Rồi nàng sẽ ôm con đi tắm. Con bé Nga bé bỏng của
nàng, với hai cái má xệ xệ, cái bụng phệ phệ và bàn chân mũm mĩm thô kệch.
Mơ hồ, Hạnh thoáng thấy chị Dung mỉm cười trìu mến.