12 September 2020

SÁU MƯƠI - Phạm Thị Hoài

Tết Vũ Hán, tôi kịp tròn sáu mươi để gia nhập nhóm tương đối dễ chết, tiếng Việt hội nhập gọi là nhóm rủi ro tương đối cao, bởi một con virus lạ lùng.

Thường tôi chỉ sực nhớ tuổi khi lại có ai đó hỏi sao tóc bà vẫn đen thế. Tóc là chứng chỉ khó giả mạo về tuổi tác. Bao nhiêu hóa chất tưới lên đầu, làm màu cho một sinh lực quan lộ tràn trề hay để tự vỗ về trấn an, mua chuộc bản thân và gợi ý với thiên hạ, đều vô ích. Đều bất lực trước những mảng da trắng bệch như hề hoặc trắng bợt như xác chết dưới những chân tóc phản chủ. Song những mái đầu bạc rạng rỡ đã lỗi thời, nhân loại chưa bao giờ già hơn và sùng bái tuổi trẻ hơn, vậy người Việt hiện đại đầu tư vào thuốc nhuộm. Tôi không nhuộm tóc. Khối bê tông đen nhức và trời ơi còn uốn lượn trên nóc những cơ thể cao niên tuyên ngôn một nỗi sợ, một sự hoảng loạn ăn mòn tư cách. Nếu không sống được hơn tuổi thật, ít nhất tôi muốn bình đẳng chứ không chịu kém nó. Không đắp điếm dấu vết của thời gian. Không tẩy nhăn. Không giấu cổ. Không làm khổ vùng bụng: sau bao nhiêu năm hành động cho một trật tự khe khắt như Khổng tử yêu cầu, nay vành đai phẩm giá đó ngả theo Lão tử, mỗi centimet một vô vi hơn. Thường xuyên chiêm ngưỡng tôi chỉ là người trong gia đình. Con trai tôi tuyên bố là hằng số tuổi giữa chàng và mẹ cũng đẹp như các hằng số toán học, không nếp nhăn nào có thể làm chàng thay lòng. Chồng tôi không làm nghề bảo tàng để trân quý cổ vật, song không sao cả, tôi chỉ là một hiện vật đương đại với lớp men thời gian hoàn toàn tự nhiên. Lúc tứ tuần, tôi thấy bốn mươi là tuổi đẹp nhất. Ngũ tuần, cuộc đời bất ngờ đẹp hơn. Bây giờ tôi khẳng định lục tuần mới thật hoàn hảo.

Nếu con virus vô tâm, vô tính, vô tình, vô hình này, kẻ đi gieo mầm chết bất luận lý tưởng và lý lịch, khí hậu và biên cương, giai tầng và chủng tộc, tín ngưỡng và thể chế, lội được qua bãi nhầy đầy hắc ín trong hai buồng phổi của 40 năm tôi hút thuốc để lần lượt đánh chiếm các phần còn lại, từ não đến ngón chân, tôi sẽ thừa nhận chiến thắng của nó. Không có gì hậm hực. Cũng không có gì cam chịu nhẫn nhục. Chẳng có một triết luận, một thông điệp, một mệnh lệnh siêu hình nào khi từng tế bào kiêu hãnh của tôi, con thú alpha, thủ lĩnh loài linh trưởng, lần lượt thành vật chủ cho những phân tử hạ cấp ký sinh. Chẳng qua là một động thái của tự nhiên. Nhìn từ một kích thước khổng lồ, con người cũng không khác một loài virus, sau trái đất nó sẽ xâm nhập và tàn phá các bộ phận khác của cơ thể vũ trụ, thuần túy theo bản năng sinh tồn.

Tức là tôi sẽ thọ hơn James Joyce 1 năm – loét tá tràng, hơn Gustave Flaubert cũng 1 năm – xuất huyết não, hơn Charles Dickens 2 năm – đột quỵ, hơn Đỗ Phủ cũng 2 năm – hen suyễn, hơn Dante 4 năm – sốt rét, hơn Emily Dickinson 6 năm – viêm cầu thận, hơn Nguyễn Du cũng 6 năm – dịch tả Canh Thìn, hơn Shakespeare 8 năm – thương hàn, hơn Marcel Proust 9 năm – viêm phổi, hơn Rilke cũng 9 năm – ung thư máu, hơn Balzac cũng 9 năm – viêm phúc mạc, hơn Tản Đà 10 năm – viêm gan, hơn Raymond Carver cũng 10 năm – ung thư phổi, hơn Roberto Bolaño cũng 10 năm – xơ gan, hơn Mikhail Bulgakov 11 năm – hoang tưởng và cao huyết áp, hơn Nguyễn Bính 12 năm – thổ huyết, hơn George Orwell 13 năm – lao, hơn Baudelaire 14 năm – giang mai, hơn Oscar Wilde cũng 14 năm – viêm màng não, hơn Schiller 15 năm – lao, hơn D. H. Lawrence 16 năm – lao, hơn Chekhov cũng 16 năm – lao, hơn Đoàn Thị Điểm 17 năm – cảm cúm, hơn Gogol cũng 17 năm – điên loạn, hơn Jane Austen 18 năm – suy tuyến thượng thận, hơn Maupassant cũng 18 năm – giang mai, hơn Kafka 19 năm – lao phổi, hơn Edgar Alan Poe 20 năm – rất nhiều bệnh, hơn Charlotte Brontë 21 năm – yếm thực, hơn Hàn Mặc Tử 22 năm – cùi, hơn Apollinaire cũng 22 năm – cúm Tây Ban Nha, hơn Rimbaud 23 năm – ung thư, hơn Tú Xương cũng 23 năm – cảm lạnh, hơn Lord Byron 24 năm – hạ thân nhiệt, hơn Alfred Jarry 26 năm – viêm màng não mủ, hơn Emily Brontë 30 năm – viêm phổi, hơn Thạch Lam 32 năm – lao, hơn Vũ Trọng Phụng 33 năm – lao, hơn George Büchner 36 năm – thương hàn, và bằng đúng tuổi đời của người mà tôi vốn đinh ninh từ khi sinh ra đã là một bậc cao niên đáng kính: cụ Ngô Tất Tố. Cụ Dostoevsky cũng qua đời lúc tròn sáu mươi – ung thư phổi.

Tức là trong vòng sinh lão bệnh tử muôn thuở, với tôi số phận đã nói lời hào phóng, song nó cũng nhắn rằng đời viết không tính bằng chiều dài. Thiên tài có hạn sử dụng khắc nghiệt. Kiệt tác hiếm khi tuôn ra từ một ngòi bút quá lục tuần. Tay nghề có thể điêu luyện hơn, tư duy già dặn hơn, cảm xúc chín chắn hơn và tầm nhìn rộng hơn, nhưng không còn nữa sức bật bất ngờ, bất chấp, bất tuân, không còn nữa tốc độ và cường độ sáng tạo cũng như sự nhẹ dạ của riêng tuổi trẻ. Mỗi kinh nghiệm tích tụ là một tảng đá hãm phanh những khát khao bột phát. Năm tháng chồng lên, những vách đá dựng nên. Quá sáu mươi, người ta cầm tù bản thân trong nhà đá bình yên của kinh nghiệm. May lắm thì thành một củ gừng già. Cay hơn, và hết nhựa. 

Dĩ nhiên có ngoại lệ. Borges là một ngoại lệ lớn. Và tất nhiên không thể tránh Goethe. Như thể hàng loạt chuyên khảo về màu sắc, cây cỏ, sỏi đá, những công trình dịch thuật và nghiên cứu ngôn ngữ, những nhật ký và tự truyện, những chuyến du hành và sách du ký, những vụ phải lòng và cầu hôn các thiếu nữ đôi mươi chưa đủ choán hết hai mươi năm cuối cuộc đời rất dài và viên mãn của mình, Goethe còn dư vốn cho những áng thơ xuất sắc và nhân tiện thêm Faust II cho trọn vẹn. Miguel de Cervantes hoàn thành Don Quijote II trước khi nhắm mắt ở tuổi 69. Đường cong tuổi tác được làm phẳng từ rất sớm ở Thomas Mann, Ivan Bunin, Philip Roth hay cả Haruki Murakami, những tác giả của vài thập niên mà sự nghiệp từ đầu đến cuối hầu như không thăng trầm. Song những tác giả của vài thế kỷ như Lev Tolstoi, như Louis-Ferdinand Céline, ai còn nhớ trước tác cuối đời họ? Chiếc lò rực lửa của Gabriel García Márquez lúc xế chiều chỉ còn vài thanh lẻ tẻ, nổ lách tách vui vẻ, rồi cũng tàn. Ngay cả cuộc chơi văn phi thường của Nabokov, mười lăm năm chót vẫn nguyên vẹn cực đoan, song đã bớt hẳn ngoạn mục. 

Tức là từ nay tôi thoát khỏi áp lực khủng khiếp nhất ở nghề viết: áp lực của đỉnh cao. Nguy cơ ỷ lão mãi lão thì rất nhỏ, tôi thậm chí chẳng có một chương cuối phản tỉnh để bán, như nhà văn ở những thời toàn trị độc đoán thường dày công xếp đặt, lời cuối đắng chát hơn mức cần thiết cho những cuộc tình đã rất ngọt ngào. Ngưỡng tiếp thế nào, tôi không vội biết, nhưng quyết không theo cái gì mà tòng tâm sở dục nhi bất du củ. Đó là chữ nghĩa ru ngủ. Phần thưởng ảo tưởng sau một đời gò vào khuôn phép và ham muốn theo ý thiên hạ. Với người viết, đó là ý độc giả, giới phê bình, Ủy ban Nobel, những đồng tiền nhuận bút.

Trong những ngày này, khi chiếc đồng hồ đếm xác có Covid tháp tùng mỗi phút lạnh lùng cộng thêm dăm ba mạng, khi toàn nhân loại vừa chết vừa học cách sống với con virus lạ lùng – learning by dying, khi trí tưởng tượng của tròn một hoa giáp tuy thôi bay bổng nhưng cựa quậy trên mặt đất dữ dội hơn, tôi nhớ lời Lỗ Tấn trước lúc ra đi ở tuổi 55 bởi bệnh lao và hen phế quản: “Hạ huyệt, chôn nhanh, không điếu văn tưởng niệm gì hết. Ai quan tâm tới tôi thì tự chịu trách nhiệm, nhưng quay về mà lo cho đời mình thì tốt hơn.” Ý nguyện cuối cùng của ông là con cái sau này nếu bất tài thì tìm việc vừa tầm mà sống, chớ trở thành nhà văn hay nghệ sĩ xoàng.

Lục tuần, cả nỗi lo là một nhà văn xoàng cũng vơi mà cuộc chơi vẫn đầy. Sáu mươi quả thật hoàn hảo.

Phạm Thị Hoài

2020