22 September 2020

THẸN - Ngọc Cân


Tan việc Niên đi rửa tay rửa mặt, tay ướt vuốt lại tóc tai, thắt cà-vạt, khoác áo vét, ra lấy xe chạy thẳng tới dạ tiệc Hiệp hội Truyền thông Sắc tộc. Người của 7, 8 chục tờ báo, đài phát thanh, truyền hình các cộng đồng sắc tộc hàng năm gặp nhau. Gây quỹ – vé ngồi bàn ăn, bán đấu giá các thứ; phô trương thanh thế – mời quan khách chính quyền chính trường; chủ yếu là bắt tay trò chuyện làm quen, trao giải thưởng, giới thiệu ban chấp hành nếu mới bầu bán. Với Niên: bia, đấu láo với mấy nhà báo Việt, ăn chơi dằn bụng, vổ tay.

Niên làm một vòng chậm, chào chào gật gật, qua lại vài ba câu; ghé lấy bia, trở ngược ra cửa làm một khói; vô lại chào chào gật gật; tìm đúng bàn để tọa, bắt chuyện với mấy người tới trước. Các vị chủ báo, chủ nhiệm, chủ bút còn đang loanh quanh xã giao, họ sẽ tới “ổn định vị trí” khi có lời mời trên loa. Xoẹt, xoẹt “làm miếng giải khát đi”, “tới lâu chưa”, “coi bộ đông à…”, “coi cái đầu đánh mấy trăm con rít dài tới hông, đều rỉ, đẹp chưa kìa”, “chủ báo Jamaican đó…công phu thật.”…

Không tính người lòng vòng chào chào hỏi hỏi, ban tổ chức và chức sắc Hội tiếp chuyện quan khách một tụ, giới thiệu ông ông bà bà; giới truyền thông quy lại theo màu da, gốc địa lý. Ồn ào náo nhiệt vui nhộn qua qua lại lại là mấy tay Carribean, Đông Âu, Nga. Hình như bia rượu của tiệc không thấm gì với họ. Họ được phụ họa bởi những nữ đồng nghiệp nhiều màu da, nhiều kiểu tóc đặc thù, nhiều bộ váy gần với cổ truyền sắc tộc, ít đem ra mặc ngày thường. Đám Á đông giống nhau ở chỗ bàn nào ngồi bàn đó, hưởng ứng là chính, là đủ.

Trong nhóm đứng trò chuyện phía trước, một tay da vàng thỉnh thoảng phóng mắt hướng về bàn Niên. Niên để ý cái nhìn cắt nhanh, gọn; như có đối tượng cụ thể mà lịch sự không muốn người đó biết. Niên đổi qua cánh bên kia mấy người bạn. Liền đó cái góc nhìn nhích theo vài độ, “À ra hắn nhìn mình!”.

Niên đã nhớ… Niên nhận ra thanh niên người Nhật đến thăm Bidong năm nào, Niên thông dịch cho anh ta nói chuyện với mấy người bị cướp biển nặng. Mấy chục năm trông anh không thay đổi gì mấy. Trang phục lịch sự, kiếng trắng, tóc bồng, mặt babylac.

Ghe bị cướp đó không vô tới đảo, mười mấy người sống sót được tàu đánh cá Mã Lai cứu đem tới đảo. Nghe nói toàn đàn bà con gái. Nghe nói bị hải tặc nặng, phải đưa tất cả thẳng vô Sick Bay. Thế thôi. Có thê thảm nhưng cũng là một trong những chuyện thường ở đảo.

Tuần sau đó, đang nghỉ trưa có người trên Văn phòng Trại tới kêu đi thông dịch, có báo chí Nhật thăm đảo, họ đang tới gặp người của chiếc ghe xấu số tuần trước. Hai người Nhật tuổi trên dưới hai mươi, sạch sẽ sáng láng, sổ tay viết chì, đối diện với mấy người từ trong căn nhà ra đứng trước cửa; bao quanh mấy vòng bên ngoài là đồng bào hiếu kỳ. Được đùn ra giữa, Niên tự giới thiệu, nói sẽ giúp thông dịch cho hai bên.

Họ cho biết là người Nhật, tên a-ri-gà-tồ, chia-rô, ka-nà-ta gì đó, sắp tốt nghiệp báo chí trường đại học gì đó, đang du lịch Singapore, Mã Lai; được Bộ chỉ huy Lực lượng Cảnh sát Đặc nhiệm Mã lai trong đất liền cho phép ra thăm đảo mấy tiếng trong ngày; được Cao ủy ở Bidong giới thiệu xuống thăm thuyền nhân nhà này. Họ thay phiên nhau, người này hỏi thì người kia ghi sổ tay. Phía thuyền nhân đứng trước chỉ có hai phụ nữ.

Anh ta tên gì? Tên anh ta là gì….Kanata? Không phải! Đằng kia anh ta gập lưng chào những người đứng chung, rảo bước tới bàn Niên, phía Niên.

– Hi! Quý ông có vẻ đang vui, mời nâng ly.

Mấy người ngồi đưa cao bia, vui:

– Chào ông chào ông! Happy hour!

– Oh yes, it’s happy hour! Quý ông truyền thông Việt Nam nếu tôi không lầm.

– Đúng, ông nhìn đúng rồi. Báo, truyền thanh, truyền hình. Còn ông?

– Tôi người Nhật.

Anh ta đứng mé Niên, Niên đứng dậy tay phải đưa ra, tay trái cụng chai bia nhẹ vô ly vang của khách, nói:

– Hân hạnh biết ông…

Đặt ly vang xuống bàn, anh đưa danh thiếp “Kentaro Kanata…”

– Ông Kentaro! Ồ, ông là Thông tín viên Truyền hình Nhật.

– Vâng, đài truyền hình bên Nhật. Xin kêu tôi Ken. Còn ông?

Niên móc bóp lấy danh thiếp.

– Oh, ông Nien, ông bán quảng cáo. Thế thì hai chúng ta coi như người ngoại vi trong đám truyền thông địa phương đêm nay rồi.

– Ông nói như thế cũng không sai lắm.

Cùng với câu nói xác lập “ngoại vi”, Ken “lăng ba vi bộ” thế nào đó mà anh ta, ly vang trên bàn, đã cuốn Niên theo, thành hai người đứng đối diện, riêng, cách bàn một khoảnh. Diệu thủ!

– Nâng ly nào, ông Nien.

Với động tác xé lẻ đó, có thể Ken cũng đã nhận ra Niên. “Không. Anh ta làm sao nhận ra được khi hồi đó mình 45 ký, bây giờ 60; đói ăn thành bơ sữa”.

– Ông Nien,

– Kêu tôi Niên, nghe trẻ hơn.

– Nien, ông đâu đã già, kính ông mang trông nho nhã. Nhìn, tôi tưởng ông là dân bài vở biên tập, chủ bút chẳng hạn. Tôi muốn chia sẻ với ông tin “vượt biển” của người Rohingya mà có thể mấy ông missed, ông có thể chuyển tới ai đó muốn đăng cho người Việt ở đây.

Vậy là không những không nhận ra mà còn nhận lầm.

– Nien, ipad đây, ông lướt qua đi.

June 24, 2019. Ghe nghi là của người tỵ nạn Rohingya trôi gần Indonesia. Jakarta (Reuters) – Chiếc ghe chở gần 100 người, có thể là người Rohingya đi tỵ nạn, đang trôi nổi ngoài khơi tỉnh Aceh, Indonesia, được tàu đánh cá địa phương thấy và báo nhà chức trách….

July 22, 2019. Mã Lai tha người Rohingya tỵ nạn hình phạt đánh đòn. Kuala Lumpur (Reuters) – Toà thượng thẩm Mã Lai tha tội đánh đòn cho 27 người Rohingya vượt biển tới đã bị toà sơ thẩm kết án nhập cảnh phi pháp trước đó, sau sự kêu cứu của các tổ chức nhân quyền. Mã Lai, dân chúng đa số theo đạo Hồi, là điểm đến ưa chuộng của người Rohingya từng bị ngược đãi, đàn áp dưới tay quân phiệt Miến Điện, cũng như cuộc sống cơ cực trong trại tỵ nạn ở Bangladesh sau khi họ bị kỳ thị, săn đuổi từ Miến.

Julie 27, 2019. Những người tỵ nạn Rohingya mất tích đã được tìm thấy trên một cù lao Mã Lai. Kuala Lumpur (Reuters) – 26 người Rohingya được cho là đã chết chìm khi cố bơi vào bờ đảo nghỉ mát Langkawi của Mã Lai, nay được tìm thấy còn sống, trốn trong rừng một cù lao nhỏ gần đó. Họ đã bị nhà chức trách bắt giữ…

Niên nói:

– Ken, ông mail links cho tôi. Tôi sẽ kiếm ông chủ bút để chuyển.

– Nien, riêng ông thì thấy thế nào?

– Thật đáng thương. Họ thật đáng thương. Thế nào rồi cũng có một giải pháp nhân đạo cứu vớt họ.

Mắt Ken cụp xuống.

– Ồ, Nien, ông có phải là boat people không?

– Vâng, Ken; tôi là một boat people. Đa số chúng tôi ở đây là boat people.

Ken nhấp vang, tần ngần nhìn tận đáy ly. Không nghe Niên nói gì thêm, anh nói:

– Từ đợt boat people lớn lao, kinh khủng của người Vietnam đó đã có mấy đợt boat people khác trên thế giới Syrians…Bắc Phi… bây giờ Rohingya, sao khổ quá! Hàng triệu hàng triệu!. Chính trị, tôn giáo, kỳ thị, diệt chủng!

– Ác mộng! Ác mộng!

Ken ngừng một lúc, nhấp, tiếp:

– Vậy mà mỗi lần tôi vẫn nhớ tới người Vietnam trong trại tị nạn. Chắc vì là đầu tiên, chúng tôi lúc ấy trẻ, lạc quan nên hoàn cảnh của Vietnam boat people làm chúng tôi chấn động, ám ảnh. Tôi và người bạn thân, Jiro Ito, đã tới thăm Bidong hè trước năm cuối đại học. Nien, ông có qua Bidong không?

– Có, tôi ở Bidong một năm. Ở đây mới khánh thành Tượng đài Thuyền nhân, công sức lớn của cộng đồng. Tôi chưa có dịp đến chiêm ngưỡng.

– Sao chưa?!

– Không biết sao cứ lần lữa. Ken, ông có hút thuốc không?

– Không, nhưng tôi ra theo ông cho vui.

Ken có vẻ thoải mái với khói thuốc. Sực nhớ, Niên nói:

– Ken, chưa nói với ông là tôi có học Nihonjin đâu 3, 4 tháng.

– Oh! Vậy sao! ở đây? để chuẩn bị du lịch?

– Ồ không. Ở Saigon. Họ mở lớp free, tôi đi làm ngày rảnh buổi tối nên điền đơn thi trắc nghiệm, học được 4 tháng lại bận tối, bỏ. Uổng, nếu tiếp tục bây giờ tôi có thể bập bẹ với ông bằng tiếng Nhật.

– Thú vị nhỉ.

– Ông thầy bên toà đại sứ cử qua. Hôm dạy tới bài có con mèo kêu, cả lớp tức cười vì nó không tượng thanh tiếng mèo kêu tí nào. Cái gì mà “Nysa nyaa” “Nysa nyaa”. Một học viên nói tiếng mèo kêu là “meo meo” “meo meo” chứ.

– Chắc ông thầy bí.

– Không. Ông ấy giải thích “mèo Nhật kêu tiếng Nhật “Nysa nyaa” “Nysa nyaa” mèo Việt Nam kêu tiếng Việt “meo meo”. Ông ta nói tỉnh bơ như một thực tế khoa học, làm cả lớp cười rất vui, ông ta cũng cười góp.

– Thú vị thật. Đúng là dân ngoại giao!

Ngưng một lúc, Ken nói:

– Năm đó từ Bidong về tới khách sạn ở Kuala Terengganu qua đêm, chúng tôi cứ thế mà uống, say tới ói.

– Bidong làm các ông sốc dữ!

– Chưa đâu… về Nhật tôi may mắn lắm năm đó mới qua được kỳ thi tốt nghiệp. Điểm thấp nên xin việc khá lâu. Jiro bỏ học, về quê lang thang; sau trở lại qua học computer. Mỗi người một phản ứng, có khi giống có khi khác nhau. Mừng là chúng ta rồi cũng vượt qua.

Đã mấy lần Niên muốn nhận mình là người đã thông dịch cho họ, câu chuyện sẽ vui biết mấy, giữa chốn thập phương mà có người từng gặp, kỷ niệm khó quên. Phân vân…

Trên loa có tiếng “testing” “testing”, “Sorry phải gián đoạn câu chuyện của quý vị, mời quý vị về bàn an vị để chúng ta chính thức khai mạc Dạ tiệc Hiệp hội Truyền thông Sắc tộc năm nay”

Niên và Ken đi vô, bắt tay từ giã.

– Nien, trông ông khỏe. Take care of yourself!

Niên chỉ nói:

– You too!

Trước khi tiệc tàn email Ken đã tới. Về nhà đọc.

Hi Nien,

Cám ơn ông, Nien

Hy vọng ông chia sẻ cảm nghĩ của tôi là chúng ta đã có một cuộc chuyện trò thú vị. Sẽ có dịp gặp lại?

Odaijini!

Kentaro Kanata

P.S. ngoài mấy cái links tôi tìm được soft copy của ghi chép Bidong năm xưa, có thể ông sẽ lướt qua.

Notes of visit to Bidong

Viên chức bộ tư lệnh tiếng Anh rất hay. Cho giấy phép. sẽ điện đại tá Bidong. Nói nên đi xe bus đêm, nhanh rẻ. ngày sợ tới Tetrenganu trễ chuyến Blue Dart.

Bidong không đại tá, trung tá gốc Hoa, dặn “không chụp hình”. Nice!. Giờ quay lại. Chỉ chỗ UNHCR. Có vẻ ngạc nhiên. Gợi ý Camp Office boat people, để biết tổng quát, hỏi nhà mấy người mới bị cướp biển. Ai cũng tiếng Anh..

Nhìn bẩn. Không vách nhà nào nguyên vẹn, vá víu bằng ván thùng, tấm nhựa, giấy báo. Đi dép giống nhau. Áo quần sơ sài đủ kiểu đủ thời. Thật hẹp hoặc thật rộng. Họ rám nắng. Cười nói rân vang.

Vài kệ bàn tạp hoá Mã. Quán cà phê. Hớt tóc. Tiệm may. Một chen chúc vô trật tự đầy sức sống.

Nhà mấy boat people. Hai phụ nữ ra tiếp. Trong nhà một bé gái, một cô gái đẹp và vài phụ nữ. Không ai hiểu tiếng Anh. Có người kêu “wait, wait!”.

Người thông dịch tới. Trung niên ốm, đen. Có vẻ không hiểu lời K giới thiệu, không nói tên mình, bắt tay.

– Hồi nãy chúng tôi hỏi là quý vị có khỏe không

Dịch.

– 6 người chúng tôi khỏe nên cho về ở đây mấy người kia còn ở bệnh viện

Dịch.

– đến đảo ngày nào

– Tuần trước

– Ghe số mấy

– MCXXX

– Số ở Việt Nam là gì

– Tôi không biết

– Ghe xuất phát từ đâu

– Ngọc hà

– Là ở đâu

– Tỉnh Đồng Nai

– Ghe ra đi ngày nào

– Ngày 30 tháng Tư

– Bà tên gì

– Nguyễn thị Tu…T Ư

– Bà ở đâu

– Thành phố. À…là Sài Gòn

– Bà đã nhắn tin về gia đình chưa

– Hội Lưởi liềm đỏ đã cho gởi thơ… à Hội Hồng Nguyệt

– Ghe bị cướp biển Bà có nhớ ngày nào không

– Dạ bị cướp một ngày một đêm trước khi được tàu Mã cứu

– Ghe quý vị bao nhiêu người

– Đâu ba chục

– Bà có nhớ bị cướp biển như thế nào không

– Ghe tụi tui chết máy Họ tấp tới chúng tôi tưởng họ cứu… đám người to lớn qua ghe từ mũi tới lái bất thình lình đánh đập đàn ông thảy hết xuống biển bất kể còn sống hay chết…. Túm tụi tui, lột quần áo làm bậy….Hết đám này tới đám khác bên đó qua thay Ai vùng nó bóp chết

– Có ai không bị.

– Có Con bé Ngoc N G O. C Nó đây.

Ngọc được đẩy ra tóc búp bê mắt sáng không nhìn ai. Cô gái muốn bước theo mấy người trong đó giữ cô lại. Cô ta cực đẹp. Cặp mắt. Xuất thần.

– Em tên gì

– Dạ Bich Ngọc.

– Em mấy tuổi

– Dạ tám tuổi

– Em học lớp mấy

– Dạ lớp ba

– Ba mẹ em còn sống không

– Dạ còn sống ở nhà

– Ở nhà? Vietnam?

– Dạ

– Em có biết nhà em ở đâu không

– Dạ biết đường Nguyễn văn Troi quận Ba thành phố HoChiMinh

– Sao em đi ghe vượt biển một mình

– Dạ mẹ em kêu cậu em dắt em đi

– Cậu em đâu

– Dạ cậu em chết rồi

“Oh My God!”. J ngưng hỏi. J tiếp

– Cậu em bao nhiêu tuổi

– Dạ mười tám

J ngưng

– Sao cậu em chết

– Dạ họ đập đầu cậu… quăng cậu xuống biển …

Ghi sau:

K khóc. Tôi khóc. ….chân xụm xuống.

Ghi sau

Tay tôi muốn nhào tới ôm em bé. Mặt em cứng lại. Bé lùi một bước, oà khóc. Bên trong cô gái tràn người ra, ôm con bé. Có người vòng ngoài cười. Người thông dịch thản nhiên đốt thuốc phà khói. Cô gái nhìn K đăm đăm.

“Sao họ có thể vô tình đến thế!”

Bà Tư nói với thông dịch

– Thầy nói với họ khi cậu bé Ngọc bị quăng xác xuống biển Nó gào thét nhảy theo

Dịch

– What! Sao em nhảy xuống biển

– Dạ em không biết.

Cô gái vẫn nhìn K

– Em không sợ chết sao

– Dạ em biết bơi

– Em biết cậu em chết em nhảy theo làm gì

– Dạ em thấy họ đánh bể đầu cậu em máu mủ tràn ra nhưng cậu em còn nổi là phải còn sống em muốn bơi tới với cậu

– Trời Phật ơi trời phật! Trời Phật ơi trời phật!

Ghi sau

K quỳ xuống, tôi quỳ, K cúi đầu, bưng mặt. Chị Tư và mấy người phụ nữ trong nhà kéo cô gái, bé Ngọc vô nhà, ôm nhau. Mắt cô gái ngoái nhìn K.

Cám ơn nhờ ông ta đưa ra cầu tàu. Muốn giúp K bình tỉnh:

– K cô gái ấy cứ ngắm mãi tóc bồng của cậu

– Tóc tai gì lúc này

– Cô ấy rất đẹp

– Chẳng còn mắt đâu mà thấy J cậu tỉnh táo đấy

Đang hút thuốc người thông dịch nói – nghe nói từ ngày lên đảo cô ta nhìn đàn ông bằng kiểu nhìn ấy. Người thì nói ‘đắm đuối’ người thì nói ‘thất thần’ – Sao ông ta có thể nói hai chữ ấy vô cảm như chúng vô nghĩa

“Chia tay, khi quay lại một mình Niên chợt nhớ tới con gái thứ ba mà vợ chồng Niên gọi là “vịt cổ lùn”. Bé Ngọc nhỏ thua nó 1 tuổi. Niên ngồi bệt xuống gốc dừa, tay bưng đầu, sọ này không khác sọ cậu của bé Ngọc trên biển. Tại sao hai thanh niên Nhật người dưng nước lã nghe chuyện không cầm được nước mắt, thậm chí quỳ xuống kêu trời oán đất? Tại sao người cùng hoàn cảnh, cùng tiếng nói, tiếng cười tiếng khóc mà Niên đứng đó hút thuốc được! Nhờ nhớ tới con mình nó mới trồi lên được! Mà cũng lơ mơ. Chết! Sao mình đến nông nỗi này!”

Đọc hết xong Niên thừ người:

Nước mắt nhoà trên mặt trắng mát của họ, tiếng cười ai đó vì thấy hai thanh niên đẹp trai khóc ngộ, đầu điếu thuốc rực đỏ Niên rít ngon lúc đó. Chị Tư nói như kể chuyện người khác buôn chuyến bị bắt. Đôi mắt cố định của cô gái. Con bé “vịt cổ lùn” của một người mẹ nào đó ở Trương Minh Giảng. Tưởng không thể nhớ. Bây giờ nhớ, Kentaro vô tình hay hữu ý ‘lăng ba vi bộ’ để cuốn Niên cùng đối diện với quá khứ. Niên thẹn. Kentaro tế nhị buông lỏng. Niên chỉ muốn ngủ một giấc. Xuống bếp pha ly cà phê.

Ngọc Cân – trấy Tiểu Đợi