06 October 2020

CỨ ĐEO MẠNG CHO AN TOÀN! - Ngô Nhân Dụng

Tôi phải tập sống với Cô Vi. Từ nay cho đến ít nhất mùa Hè sang năm. Chưa biết bao giờ nước Mỹ có thuốc chủng ngừa vi khuẩn SARS-CoV-2. Bác sĩ Robert Redfield, giám đốc CDC, Cơ quan Phòng chống Bệnh Dịch, đã nói với các đại biểu quốc hội Mỹ rằng đến cuối năm nay sẽ có vaccine. Lúc đó thì chắc tôi, vì tuổi già, có thể được ưu tiên chích ngừa. Nhưng tôi sẽ nhường thứ vaccine quý hóa này cho người khác cần hơn mình; vì hiện nay tôi chưa mắc những bệnh như áp huyết hay tiểu đường.

Phải đến mùa Hè sang năm mới hy vọng tất cả mọi người sẽ được chủng ngừa. Trong khi chờ đợi, tôi chấp nhận sẽ sống với Covid-19, gọi tắt là Cô Vi cho dễ nghe.

Vả lại, ông Bác sĩ Robert Redfield cũng nói rằng thực ra nếu mình chịu kiêng cữ, đeo mạng che mũi và không tới chỗ tụ tập đông người trong nhà kín gió thì mình có thể tránh Cô Vi dễ dàng, hiệu nghiệm hơn cả vaccine nữa!

Tôi tin lời khuyên của ông bác sĩ. Trước hết, vì khi đeo mạng thì mình biết nó bịt miệng và mũi lại, cản đường không cho Cô Vi bay sang người khác, hoặc từ người khác chui vào trong phổi mình. Mỗi khi ra đường bôi tí dầu gió vào mũi! Về nhà rửa tay kỹ càng. Trong khi không có gì bảo đảm vaccine sẽ hiệu nghiệm. Cơ quan Kiểm soát Thực phẩm và Dược phẩm (FDA), theo đúng luật, có thể chấp thuận một thứ vaccine dù khi thử nghiệm nó chỉ công hiệu đối với một nửa số người được thử mà thôi. Biết đâu, mình thuộc vào cái nửa không may mắn trong nhân loại!

Thứ hai, có hàng chục vaccine đang được thử, chưa biết thứ nào công hiệu hơn thứ nào, và nhất là không biết chúng công hiệu trong bao lâu. Hồi xưa ở Việt Nam tôi vẫn phải chích ngừa bệnh đậu mùa mỗi năm một lần, vì nó chỉ kích thích sanh ra kháng thể công hiệu một năm thôi. Trên nguyên tắc, một người đã bị Cô Vi tấn công rồi được chữa khỏi thì trong người phải có sẵn kháng thể; vậy mà đã có nhiều người bị mắc bệnh tới hai lần, trong vòng mấy tháng. Chích ngừa có thể công hiệu tới một năm, hay chỉ mấy tháng thôi? Tốt nhất, cứ đeo mạng cho an toàn!

Cũng không thể chờ tới lúc nước Mỹ sẽ đạt tới tình trạng miễn nhiễm tập thể (herd immunity). Khi nào có nhiều người đã được Cô Vi thăm viếng và họ trở thành miễn nhiễm thì cô virus này sẽ không hoành hành được nữa, đó là miễn nhiễm tập thể. Nhưng bao nhiêu người mắc bệnh thì đủ? Thường thì phải 60 phần trăm, tức là 200 triệu người Mỹ mắc bịnh rồi thì cả nước có herd immunity. Hiện nay mới có 6 triệu bị bịnh mà đã 200 ngàn người chết rồi. Chờ tới khi 200 triệu thì lâu quá! Tất cả các nước trên thế giới chưa nơi nào đạt tới tình trạng miễn nhiễm tập thể.

Thụy Điển đã theo chính sách chấp nhận cho bệnh truyền lan cho đến khi có miễn nhiễm tập thể. Hậu quả là số người chết lên quá cao, đáng lẽ không cần phải chết nhiều đến thế nếu áp dụng các biện pháp cách ly và đóng cửa ngay từ đầu. Thôi, cứ đeo mạng cho an toàn!

Tôi sẽ cẩn thận đeo mạng kỹ hơn trong năm, ba tháng tới. Vì khi trời trở lạnh thì người ta sẽ ở trong nhà nhiều hơn, đóng kín cửa hơn, loài virus sẽ tung hoành dễ hơn!

Tháng Mười là một tháng đáng nhớ trong Trận Đại dịch Cúm năm 1918. Mùa Hè năm đó, người ta đã tưởng bịnh dịch ngưng rồi. Nhưng đến Tháng Mười nó trở lại đợt thứ hai, khắp thế giới, 200,000 người Mỹ thiệt mạng trong vòng một tháng.

Ở Âu châu, Covid 19 Đợt Hai có vẻ đã bắt đầu. Trong tuần trước, các nước từ Đan Mạch cho tới Hy Lạp đã bắt dân chúng hạn chế sinh hoạt sau khi Cô Vi bùng phát tại các thành phố. Nước Anh đang có 6,000 ca bệnh thêm mỗi ngày, nước Pháp hơn 10,000 ca, cao hơn cả trong Cô Vi đợt đầu.

Bác sĩ Michael T. Osterholm, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Bệnh Truyền nhiễm (Center for Infectious Disease Research) tại Đại học University of Minnesota, ví bệnh dịch Cô Vi này giống như đám cháy rừng. Mình dập tắt lửa mọi chỗ rồi, nhưng chưa chắc đã dập hết. Khi nào vẫn còn một đám than hồng âm ỉ và còn cây, còn gỗ, thì rừng còn có thể bùng cháy lại. Trong trường hợp bệnh dịch thì con người là cây và gỗ!

Những đốm than hồng là loài virus đang ẩn náu trong nhiều người nhưng không ai biết. Ở những khu bị Cô Vi đánh nặng nhất, như vùng Queens, New York, các cuộc thử nghiệm cho thấy số người bị bệnh thật ra cao hơn con số được ghi nhận rất nhiều. Trong toàn thể nước Mỹ có tới 10 phần trăm hay 12 % đã bị nhiễm SARS-CoV-2, rất nhiều trường hợp không ai biết. Đó là những đốm than nóng bỏng và mọi người chung quanh là đống gỗ có thể bị bén.

Chỉ có thể tìm ra để dập tắt những đốm than lửa đó nếu việc thử nghiệm, testing, được áp dụng rộng rãi. Lúc đó mới biết ai đang mang vi khuẩn trong người mà không có triệu chứng. Và sau đó phải có một chương trình theo dõi để tìm coi những ai đã tiếp xúc với mấy người này (tracing).

Hiện nay ở nước Mỹ cả hai việc testing và tracing còn chưa được phát triển toàn diện, trừ hai tiểu bang New York và Massachusetts. Bản hướng dẫn (guidance) của CDC, được Bộ Y tế (Department of Health and Human Services) sửa đổi, còn nói không cần thử nhiệm những người không có triệu chứng bịnh. Đó là chấp nhận cho các đốm than hồng tiếp tục âm ỷ cháy.

Thôi thì mình chấp nhận, cứ đeo mạng cho an toàn, cho đến khi nào cả nước được chích vaccine đều đều, sáu tháng nếu cần thì chích ngừa lại! Hoặc cho đến khi cả nước được miễn nhiễm tập thể!

Nhưng đang có nhiều tin tức đáng mừng. Thứ nhất, mọi người đã khôn ngoan hơn, những người mới bị bệnh, hoặc sắp bịnh sẽ là những người trẻ tuổi, dễ vượt qua. Hoặc họ cuồng cẳng không thể cấm cung mãi, nên tụ họp nhiều hơn, hoặc đó là những sinh viên trở lại trường. Các đại học đã theo chính sách khôn ngoan, không cho các sinh viên bị bệnh trở về nhà, vì trở về nhà tức là đem vi khuẩn truyền đi xa hơn. Nhiều đại học đã nói sẽ bãi bỏ những ngày nghỉ đầu Xuân (Spring breaks) để sinh viên không về thăm gia đình như mọi năm nữa.

Thứ hai, phong trào chống đeo mạng đang xuống dần, hầu hết mọi người chấp nhận nên đeo mạng. Các trường đại học đều bắt sinh viên phải đeo mạng!

Những tiến bộ trong phương pháp điều trị và việc tìm thuốc trị bệnh là tin đáng mừng nhất. So với Tháng Tư vừa qua thì hiện nay những người bệnh được chữa khỏi đã tăng lên nhiều, cao hơn trước từ 30% đến 50%. Cho nên, tôi hy vọng chỉ lo đeo mạng nghiêm chỉnh từ nay đến mùa Hè năm 2021 nữa thôi!

Trong khi chờ đợi, xin kiếu từ không tham dự các cuộc họp mặt Lễ Tạ Ơn, Lễ Giáng Sinh và Tết! Mong bạn bè và bà con thông cảm!

Ngô Nhân Dụng