03 October 2020

LẤP LÓ SAU MÀNH - Đỗ Quý Toàn

Văn xuôi và thơ đều diễn đạt ý tưởng và biểu lộ cảm xúc, để truyền cho người khác các “thông báo” (information), các “tin tức.” Nhìn như các diễn trình truyền đạt thì văn và thơ khác nhau ở số lượng “tin tức” được truyền đi. Văn xuôi có thể nói rất nhiều nhưng số lượng thông báo trong nội dung vẫn ít, còn thơ thì ngược lại.

Dùng lý thuyết tin học, Umberto Eco giải thích rằng khi ý nghĩa (meaning) của một thông điệp càng rõ rệt bao nhiêu thì số lượng thông báo, information, càng ít đi bấy nhiêu.

Nếu nói một điều ra mà ý nghĩa rõ ràng sáng sủa nhất, người nghe hiểu trăm phần trăm,  thì thường thường lời nói trở nên nghèo nàn, không còn gì để truyền đạt nữa. Có khi nói ra là thừa, vì câu nói chỉ xác nhận một điều ai cũng biết rồi. Câu nói không tạo thêm “tin tức” mới nào cả. Không làm tăng thêm “gia tài tin tức” của người nghe, và giữa hai người cùng chia sẻ. Không làm giàu hệ thống ngôn ngữ mà hai người dùng chung với cộng đồng.

Ngược lại bài thơ với những vẻ đẹp lấp ló sau mành lại có khả năng kích thích nhiều tình ý phong phú hơn, ở ngoài những lời lẽ thốt lên.

 

Kín và Mở

Thí dụ có người nói: “Buổi sáng trời quang tôi thấy mặt trời mọc, ánh sáng mặt trời chiếu lên mây thành màu đỏ.” Tôi chắc rằng chúng ta đều hiểu của câu đó khá rõ ràng. Người nói định truyền tin tức nào, chúng ta nhận được khá đầy đủ. Vì cả người nói lẫn người nghe đều chia sẻ các hiểu biết về hiện tượng tự nhiên trên. Bây giờ tôi lại nói: “Quả trứng bể con gà chui ra, một con gà con mới ra đời.” Thông điệp này cũng rõ nghĩa. Nhưng số lượng thông tin của hai câu trên là số không. Vì cả hai câu không làm cho người nghe, và cộng đồng những người nói tiếng Việt, được giàu thêm một tin tức mới nào. Bây giờ chúng ta thử nghe một thi sĩ nói:

Rồi trời đất hừng đông như trứng vỡ

Tôi đã đầu thai thức dậy sơ sinh

(Tô Thùy Yên)

Hai câu thơ này khiến tôi thấy bừng bừng những ý tứ mới mẻ. Chỉ riêng một câu đầu thôi đã có thể làm tôi choáng váng. Tôi thấy có hình ảnh màu đỏ giữa trời và đất, và màu hồng của trái trứng gà. Tôi nhớ tới vỏ trứng tròn và liên tưởng đến bầu trời khum khum úp trên mặt đất. Tôi cũng thấy mặt trời làm sáng bật lên đường chân trời cắt đôi đêm tối, tách bầu trời ra khỏi mặt đất; cùng với hình ảnh vỏ trứng vỡ tách đôi. Trứng vỡ gợi một cảm giác đớn đau, nhưng không thể cưỡng lại; nếu trứng không vỡ ra thì không có hiện tượng khai sinh. Có thể được dẫn tới cả những tư tưởng siêu hình, thần bí: vũ trụ đã được tạo dựng,

kinh Cựu Ước nói đến việc tạo ra bầu trời và mặt đất; huyền thoại Á đông nói đến thuở “hỗn mang chi sơ, tiên thiên địa sinh, Bàn Cổ thủy xuất.” Nếu trứng bể ra mà không thấy gà con, chỉ thấy lòng đỏ với lòng trắng như mặt mặt trời mọc lúc hừng đông, thì hình ảnh đó cũng tương đồng với cảm tưởng “hỗn mang chi sơ.” Rồi từ những ý tứ trên, tôi lại thấy có con người thi sĩ thức dậy buổi sáng mà tưởng như mình vừa mới đầu thai, thi sĩ là một con người (giống như con gà) lúc sơ sinh. Không phải chỉ một thi sĩ mới sinh ra, mà còn thấy như cả trái đất, cả vũ trụ vừa mới sinh ra cùng với hừng đông. Vũ trụ sinh ra, vì con người vừa thức dậy, vừa sinh ra, vừa nói. Rồi ở cõi nào đó, có lệnh truyền xuống: “Hãy có ánh sáng” và từ đó phân biệt ánh sáng và bóng tối… Nhưng chủ thể nhìn thấy sự phân cách giữa ánh sáng và bóng tối, giữa lúc chưa tạo thành với lúc đã tạo thành, là con người. Không có người nhìn thấy thì vũ trụ chẳng có. Tôi đã đầu thai, mỗi ngày trái đất lại đầu thai lần nữa.

Xin đừng hiểu lầm là tôi đang giải nghĩa hai câu thơ của Tô Thùy Yên.

Tôi chỉ “thông báo” với quý độc giả về những tình ý có thể hiện ra trong đầu khi mình đọc hai câu thơ. Các ý tứ không theo thứ tự như các câu viết trên đây. Chúng đồng thời xuất hiện, chập chùng, lãng đãng, bàng hoàng, cùng một lúc, vì tác dụng của các từ ngữ “hừng đông, sơ sinh, đầu thai, trứng vỡ, thức dậy, rồi, đã, trời đất.” Mọi thứ hiện ra, không lần lượt, trộn lẫn vào nhau, sau khi tôi đã đọc xong cả hai câu thơ. Hai câu thơ không còn là một chuỗi nối các từ ngữ mà trở thành một tổng thể, một “hỗn mang chi sơ.”

Rồi trời đất hừng đông như trứng vỡ

Tôi đã đầu thai thức dậy sơ sinh.

Nếu bây giờ đọc lại hai câu thơ này mà quý vị vẫn không thấy các tình ý xuất hiện như tôi mô tả ở trên, thì phải kết luận rằng chúng ta không có sẵn cùng một kho kinh nghiệm về tiếng nói, về đời sống tự nhiên cũng như đời sống tâm linh. Hoặc cả hai, ba thứ kinh nghiệm đó chúng ta đều không có gì để chia sẻ cả.

Nếu độc giả đọc lại hai câu thơ đó, và đã thấy xuất hiện nhiều tình ý mới, mới nhưng khác hẳn những tình ý mà tôi mô tả bên trên, thì điều đó lại càng chứng tỏ hai câu thơ nghe rất lửng lơ, mù mờ về ý nghĩa, nhưng chuyên chở rất nhiều ý tứ. Nghĩa là số lượng thông báo giàu gấp bội.

Nêu thí dụ về hai câu thơ này khiến độc giả có thể nghĩ rằng tôi cố ép nài quý vị chia sẻ ý kiến của tôi về thơ. Bây giờ tôi xin lấy một thí dụ về một câu nói hàng ngày. Một thiếu nữ nói với người bạn trai, chẳng hạn, nàng bảo: “Ngày mai em không đến anh.” Ý nghĩa của câu này có xác suất trăm phần trăm, ai cũng có thể hiểu, hiểu giống nhau, và hiểu nghĩa rồi là xong.

Nhưng nếu cô nàng nói: “Ngày mai em có thể đến thăm anh” thì vừa nghe xong, trong đầu chàng trai sẽ bừng lên bao nhiêu là tình ý mới: “ngày mai? sáng mai? chiều mai? thăm là thế nào? liệu em có thể ngồi chơi bao lâu, mấy giờ hay mấy phút? Mình sẽ nói gì? Sẽ làm gì nhỉ?...” Cái thông điệp với tính cách không xác định (có thể) còn gợi ý: “có chắc chắn không em?”

Giữa hai người, cái thông điệp với xác suất nhỏ hơn một, và lớn hơn số không, là một thông điệp chứa nhiều số lượng thông báo, nhiều hơn hẳn cái thông điệp có xác suất bằng một hay số không. Nếu thiếu nữ nói: “Ngày mai em sẽ tới thăm anh lúc 10g 30, em mang kim chỉ đến để vá cái quần rách của anh xong rồi em về, vì lúc 11 giờ em phải đi đón má ở chợ.” Thông điệp này cũng rõ nghĩa gần một trăm phần trăm, và ý tứ rõ thế thì chàng trai không còn chuyện gì để nghĩ ngợi thêm.

 

Hai lá thư tình

Tôi chắc quý vị đều có dịp viết thư tình và đọc thư tình. Môn thể thao này thời tôi còn trẻ rất thịnh hành ở Việt Nam. Thời nay các bạn trẻ có nhiều cách khác; thật đáng tiếc! Bây giờ chúng ta thử đọc hai lá thư tình, để có dịp tập luyện một chút. Đây là thư tình của một cô gái gởi bạn trai, do tôi bịa đặt hoàn toàn, nếu có trùng hợp với chuyện thật của ai tôi xin được miễn chấp.

Một lá thư có đoạn như vầy: “Em nói trong lá thư trước hẹn anh ra đón em ở ga xe lửa khi em tới Nha Trang ngày 13 tháng 11, là vì trong một phút trào lòng, em nghĩ nếu được gặp anh, đi bộ ngoài đường, nói chuyện với anh cả một buổi tối thì thật là hạnh phúc vô cùng. Em phải giải thích để anh hiểu rõ hơn tại sao em lại có ý nghĩ ấy. Lúc đầu em tính đi chuyến xe trễ, tới Nha Trang lúc 11 giờ đêm, thì ông anh họ của em sẽ ra đón ở nhà ga, ông ấy làm việc ở gần đó, lúc 10 giờ thì hết ca. Nhưng sau em lại thấy có chuyến tàu đi sớm, tới Nha Trang lúc 6 giờ chiều, máu lãng mạn làm em thèm có được một buổi tối đi bộ chuyện trò, đọc thơ cho anh nghe, cho nên em mới định đến sớm, đi bộ trên các con đường ở Nha Trang, nói chuyện với anh, rồi 10 giờ rưỡi quay về nhà ga đợi anh Sơn tới đón. Em tuy có trái tim thiếu nữ thật đấy, bồng bột thật đấy, nhưng em cũng có cái lý trí của một cô gái có giáo dục. Anh em mình có gặp nhau, chuyện trò với nhau suốt đêm thì cũng chẳng có chuyện gì để nói là ngoài vòng lễ giáo. Em kính trọng anh và em nghĩ rằng anh cũng quý trọng em, và chắc rằng cả anh và em đều tương kính lẫn nhau. Em chắc là anh đã hiểu được lòng em rồi, em sẽ chờ anh ở chỗ cái cửa sắt sơn đỏ phía bên trái nhà ga, rồi mình sẽ đi ăn phở với nhau, như lần đầu chúng mình gặp nhau ở trong tiệm phở, anh còn nhớ không?...”

Bây giờ xin coi thử một đoạn thư tình khác: “Một buổi tối hôm trước em ở hồ bơi nước nóng đi ra, thành phố vắng vẻ. Đà Lạt mùa này đã lạnh, tóc em còn ướt, em đứng nhìn sang bên kia đồi thấy có mấy căn nhà đèn còn thắp sáng. Đường phố lúc bấy giờ chẳng có ai qua lại, em thấy chỉ có một mình ở giữa thế giới này. Dãy núi trước mặt, mặt trăng trên cao, em tự hỏi phương nào là quê hương em, phía nào là nơi người tri kỷ ở. Anh có nhớ câu thơ của Trần Tế Xương: Ta nhớ người xa cách núi sông, người xa xăm quá nhớ ta không?”

Sau khi đọc hai đoạn “thư tình” trên đây thì quý vị thấy đoạn nào chứa đựng nhiều tình tứ hơn? Đoạn nào có thể làm cậu trai đọc xong tâm hồn rộn rã, nôn nao hơn?

Tôi đã cố ý chọn lá thư thứ nhất với những hứa hẹn cụ thể: sẽ đi bộ với nhau ở một thành phố thơ mộng, sẽ đi ăn để nhắc lại chuyện gặp gỡ lần đầu, sẽ đọc thơ cho chàng nghe (biết đâu còn nắm tay chàng?) và nếu chàng liều mạng một chút, xem trong âu yếm có chiều lả lơi, thì biết đâu đấy!

Còn lá thư thứ hai thì rất mơ hồ. Cô gái có nói là có yêu anh chàng hay không? Cô có hẹn gặp, hẹn viết thư, hay hẹn hò gì khác không? Dãy núi xa, ngọn đèn sáng bên kia đồi, mặt trăng trên cao có chứa đựng lời tỏ tình nào không? Câu thơ của Trần Tế Xương cô cũng chép sai (người xa xa có nhớ ta không), và câu đó cụ Tú Xương tả nỗi nhớ một đồng chí chứ không phải nhớ người tình khác phái. Cô gái nhớ cả quê hương cô lẫn người tri kỷ, mà người tri kỷ có phải là cậu trai này không? Cậu trai tha hồ đoán!

Sau khi phân tích hai đoạn thư rồi, tôi hy vọng người đọc sẽ thấy cảm tưởng mà tôi chủ ý gợi ra, khi mời quý vị đọc hai đoạn thư đó lần đầu – hay bây giờ quý vị đọc lại. Chủ ý của tôi là: Đoạn thư thứ hai chứa chất tình tứ nhiều hơn đoạn thư đầu.

Đoạn thư đầu nói rõ ràng, rành mạch quá, cô gái còn dùng lý trí để biện luận, giải thích. Vừa nghĩ đến chàng vừa lẩm nhẩm tính giờ, xác định ngày, vừa lo chuyện lễ giáo, vừa sợ hiểu lầm nên nói rõ lòng tương kính, nhắc lại mình là cô gái có giáo dục. Ngay cách dùng chữ: em kính trọng anh, anh quý trọng em, cũng hàm chứa sự tính toán ý nghĩa của hai chữ kính và quý. Không khí của lá thư đầu là không khí của óc khôn ngoan, bình tĩnh, của lý trí. Ngược lại, lá thư sau là một tình trạng buông thả, tự do, mơ hồ và bồng bột. Chúng ta không rõ thời gian là ngày nào, lâu rồi hay mới đây. Cô gái nhớ đến quê hương ở đâu, người tri kỷ nào? Nhưng tôi nghĩ chàng trai sẽ thấy đoạn thư sau dạt dào tình tứ, đọc xong có thể lơ mơ ngơ ngẩn cả ngày. Đọc xong lá thư thứ hai chàng trai có thể muốn làm thơ, bắt đầu với hình ảnh các căn nhà sáng bên kia đồi, sương mù Đà Lạt, v.v….

 

Tiếng ngựa buồn teo

Thơ nói ít đi để nói nhiều hơn. Để độc giả nhận được nhiều hơn. Muốn vậy, thi sĩ cắt bớt các tiếng, các chữ nào không thật sự thiết yếu. Để cho độc giả tự thêm vào, có khi độc giả thêm vào các tiếng, các chữ mà tác giả không ngờ. Mà chính điều đó làm bài thơ giàu có, phong phú hơn. Thử đọc một bài thơ ngắn của Lý Bạch. 

Âm chữ Hán: 

Tống Hữu Nhân *

Thanh sơn hoành bắc quách

Bạch thủy nhiễu đông thành

Thử địa nhất vi biệt

Cô bồng vạn lý chinh

Phù vân du tử ý

Lạc nhật cố nhân tình

Huy thủ tự tư khứ

Tiêu tiêu ban mã minh

Nghĩa

Núi xanh chạy ngang quách phía Bắc

Nước trắng lượn quanh thành phía Đông

Đất này một lần chia biệt

Ngọn cỏ bồng lẻ loi đi xa vạn dậm

Mây nổi, ý du tử

Mặt trời lặn, tình cố nhân

Vẫy tay từ nay đi xa

Leng keng tiếng ngựa đi trận về

Từ hơn ngàn năm rồi, người đọc thơ đã quen với lối nói chấm phá của thơ. Câu thứ tư (Cô bồng vạn lý chinh) nối với các câu khác ở trong ý tứ, chứ không ở trong cách nói. Lời nói đã được cắt bớt. Tiếng nhạc ngựa về chiều, và thành, quách (quách là bức tường rộng bao chung quanh tường thành chính). Phù vân, lạc nhật, du tử, cố nhân đều có liên hệ với nhau, mà người viết không cần viết rõ, người đọc tự tìm lấy. Câu thứ tư có chữ chinh (lên đường ra trận), câu thứ tám có chữ ban (thường có nghĩa là từ mặt trận trở về), hai chữ cũng liên hệ. Bốn chục chữ trong bài thơ, nếu muốn diễn tả ra văn xuôi chắc phải dùng hàng trăm chữ. Mà nói rõ ràng bằng vài trăm chữ thì lại làm cho độc giả bớt hứng thú, vì trí tưởng tượng của độc giả bị giới hạn, mất tự do. Đám mây nổi sẽ bớt trôi nổi, ánh nắng tà sẽ bớt quạnh hiu, khi được diễn tả rõ ràng quá.

Chúng ta có thể so sánh bài thơ Lý Bạch với bài dịch của Tản Đà:

Chạy dài cõi Bắc non xanh

Thành Đông nước chảy quanh thành trắng phau

Nước non này chỗ đưa nhau

Một xa muôn dậm biết đâu cánh bồng

Chia phôi khác cả mối lòng

Người đi mây nổi, kẻ trông bóng tà

Vẫy tay, thôi đã rời xa

Nhớ nhau tiếng ngựa nghe mà buồn teo.

Bản dịch này cũng là một tuyệt tác. Thiên tài của Tản Đà, chúng ta không cần bàn. Nhưng vì Tản Đà phải cố gắng theo sát ý của Lý Bạch, nên các câu thơ của ông nói nhiều hơn, rõ rệt hơn, hơi nhiều quá so với thơ Lý Bạch. Thí dụ câu thứ tư (cô bồng vạn lý chinh), Tản Đà đã thêm ý “một xa” lấy ở câu 3, và “biết đâu.” Hai chữ “biết đâu” nghe như là chú thích cho câu thơ, cốt làm cho ý thơ mang mang. Phải thêm hai chữ đó để tạo ra tình ý mang mang, thì sao bằng chỉ nghe năm tiếng trong nguyên văn mà cũng vẫn mang mang.

Câu 5 và 6 lại thêm các chú thích khác. Lý Bạch chỉ nói đến “ý du tử mây nổi, tình cố nhân bóng tà,” Tản Đà nói cho rõ hơn rằng họ chia tay mà tình ý cũng khác nhau. Nói thế hơi nhiều quá. Rồi đến câu thứ tám, Lý bạch chỉ nói đến tiếng nhạc ngựa, Tản Đà nói rõ hơn: vì nhớ nhau nên nghe tiếng nhạc ngựa buồn. Cũng hơi thừa.

Các nhận xét trên không phải để chê Tản Đà. Thiên tài của Tản Đà, nhất là tài dịch thơ Đường, phải bái phục. Tôi đã đọc mấy bản dịch bài thơ trên mà thấy tất cả chưa ai chạm được tới mắt cá chân của Tản Đà.

Những phân tích trên đây chỉ cốt để so sánh hai lối diễn tả: một lối nói rất gọn, rất ít, mà gợi ra rất nhiều (nguyên tác), và lối viết dài hơn, nói rõ ràng hơn, cho nên khép ý tứ của bài thơ vào khuôn khổ bình thường.

Khi dịch thơ chúng ta thế nào cũng vô tình giải thích thêm cho câu thơ. Những chữ “biết đâu,” “khác cả mối lòng,” “thôi đã,” “nhớ nhau” đều dùng để giải thích các hình ảnh trong thơ Lý Bạch. Mà giải thích có nghĩa là muốn “giúp” người đọc hiểu theo một chiều hướng như người dịch đã hiểu. 

Chạy vào mộng mị 

Thử nghe một bài thơ của Trần Đức Uyển, ngắn hơn và có vẻ “mơ hồ” hơn bài của Lý Bạch:

Có một bông hoa

Trượt chân xuống suối

Dòng nước xoáy sâu

Ôi nàng chết đuối!

Bài thơ không nói rõ: có một cô gái trượt chân xuống suối, hay chỉ có một bông hoa rụng, từ cành rớt xuống, rồi lăn theo bờ rơi xuống suối? Chúng ta thấy một bông hoa rụng, rồi nhân đó nghĩ đến một cô gái đã chết đuối? Hay thực ra không có cô gái nào cả, thấy bông hoa rụng và thương tiếc bông hoa, gọi hoa là nàng? Hay là ngay từ đầu đã có một cô gái đẹp mà tác giả gọi là bông hoa, vì chữ trượt chân là chữ dùng cho người, chứ bông hoa không có chân. Tất cả những câu hỏi đó cho thấy bài thơ không mang một ý nghĩa chính xác. Tác giả có ý định viết không chính xác chăng? Hay là cảm xúc của ông tự nhiên như thế? Mà tại sao phải có một ý nghĩa chính xác? Cứ để các câu hỏi hoang mang đó quay đảo trên không. Cứ để cho bài thơ mơ hồ hốt hoảng, nó làm cho tứ thơ càng bất định càng giàu có hơn lên.

Chúng ta sửa bài thơ theo hai cách khác, bài đầu nói về một cô gái và bài kia nói về bông hoa, rồi thử đọc coi:

1.     Gái đẹp như hoa

Trượt chân xuống suối

Dòng nước xoáy sâu

Ôi nàng chết đuối

2.     Có một bông hoa

Trượt chân xuống suối

Dòng nước xoáy sâu

Hoa chìm đắm đuối


Viết theo hai cách đó làm cho bốn câu có ý nghĩa chính xác rõ ràng hơn. Nhưng nghèo hơn nhiều, hết còn là thơ luôn.

Tất nhiên thi sĩ không cố ý chỉ dùng các xảo thuật như trên để đẩy độc giả vào cõi hoang mang. Thi sĩ có thể nói những điều giản dị, thẳng băng mà vẫn dẫn dụ chúng ta đến những tình tứ mang mang, ở đằng sau ngôn ngữ, hình ảnh.

Xuân Diệu viết về tình yêu như vầy:

Đôi ta dừng. Em đi vào lối cỏ

Anh nhìn theo dáng nhỏ bước xa dần

Anh thuộc tay em, anh thuộc bàn chân

Em như từ trong anh bước ra đường cái

Anh thuộc mắt em, anh thuộc tóc em

Anh như vỏ mà em là ruột quả

Ôi một trái luôn chia làm hai nửa

Mỗi lúc em về rồi lại ra đi

(Hai đoạn đầu trong bài “Biết Tạc Đâu ra Em của Anh,” Thanh Ca, 1980).

Những câu thơ đơn giản, ý tứ đơn giản, như lối làm thơ trước thời thơ tượng trưng, trước cả “thơ tiền chiến.” Tác giả muốn diễn tả một ý quen thuộc: em là anh, em từ anh mà ra, vì yêu nên có người yêu, có chủ thể nên mới có đối tượng. Các hình ảnh và cảm tưởng: anh thuộc (thuộc lòng) các nét của em: tay, chân, mắt, tóc, v.v… Anh là vỏ trái cây, em là ruột trái cây v.v… là các ý kiến rất đặc biệt. Ở đây ta thấy thiện chí của một thi sĩ cố ý làm thơ lạ, gắng sức làm vui lòng độc giả đang yêu đương. Đoạn thứ năm, sáu, Xuân Diệu làm cho lạ thêm:

Anh lấy thịt xương đâu chứa đầy mộng ước

Anh lấy gì biến hóa để thành em?

Anh bóp vụn ngày, anh xé nát đêm

Anh vá víu những người trên trái đất

Người ta có thể vô cùng xinh đẹp

Có thể thông minh, có thể rạng ngời

Có thể yêu anh đi nữa – em ơi!

Anh không thể kiếm tìm em đâu cả

Viết thơ về tình yêu như vậy phải nói là rất có thiện chí muốn làm mới tình yêu, tình yêu duy nhất, không ai yêu đến thế! Bóp vụn ngày, xé nát đêm, thịt xương nào để chứa mộng ước, vá víu các người xinh đẹp, thông minh, rạng ngời lại, mà vẫn không thể tìm ra ai thay thế được em.

Xuân Diệu từng nói về thơ của mình rằng: “Đặc sản của tôi là thơ tình. Đã làm thơ tình là làm thơ tình nguyên chất.” Trong bài này ông muốn diễn tả một thứ “tình yêu nguyên chất,” nghĩa là không bị lập trường chính trị và xã hội can thiệp vào.

Nhưng bài thơ 7 đoạn của Xuân Diệu không làm cho tôi hứng thú bằng bài thơ về tình yêu của Tô Thùy Yên chỉ có bốn câu:

Hai đứa kéo nhau chạy vào mộng mị

Giờ tắt thở nằm trên bãi hư vô

Bầy ngựa chứng hàng thùy dương vó bão

Biển đưa trăng lăn vào đá tiếng ru

Bài thơ bốn câu rất ít lời nhưng đưa ta tới những tình tứ phong phú hơn. Xuân Diệu viết theo lối phân trần, rõ rệt từng ý, ý nọ liên hệ với ý kia. Khi Xuân Diệu dùng hình ảnh lạ, ông tỏ ra có cố gắng làm cho nó lạ. Còn thơ Tô Thùy Yên nổi lên như cơn gió đang chuyển thành bão động. Bài thơ Xuân Diệu có thể “dịch ra văn xuôi” cũng không mất mát bao nhiêu, vì câu cú, ý tưởng rất phân minh, có ý kiến nào để lồ lộ cả ra. Còn bốn câu của Tô Thùy Yên thì không thể “dịch ra văn xuôi” được. Dịch ra là hỏng hết. Theo lối thử thách, “thơ không thể ‘dịch’ ra cùng một ngôn ngữ được,” thì bài thơ Tô Thùy Yên có chất thơ hơn nhiều.

Bài thơ nhan đề là Tình Yêu nhưng mở đầu bằng mộng mị và cái chết. Cái chết và Tình yêu liên hệ thế nào? Yêu và mộng mị có là một không? Cái chết được diễn tả bằng văn ảnh “tắt thở nằm trên bãi hư vô” có còn là cái chết chăng, hay chỉ là một giấc mộng? Hình ảnh “chạy vào mộng mị” dẫn tới “trên bãi hư vô.” Yêu là một hành động đưa ta đến cõi chết, hay dẫn ta vào sự hóa sinh để nối dài sự sống sau cái chết?

Hình ảnh ngựa chạy hiện lên, vì ngựa chứng, và cẳng chân người chạy vào mộng mị, hai hình ảnh  nối với nhau. Ngựa chứng là ngựa chưa thuần hóa, ở trạng thái hoang dã. Tình yêu là hoang dã như vậy chăng? Ngựa chạy làm nổi hình ảnh bờm ngựa tung lên, và lại chợt thấy hàng thùy dương gió bão. Ngựa trên mặt đất (bãi) và gió bão ở không gian (hư vô), rồi mặt trăng, sóng biển, tất cả đều mộng mị, hư vô. Hai đứa kéo nhau, và bầy ngựa chứng, và gió bão, tình yêu mang hình ảnh một chuyển động đam mê mãnh liệt. Vào mộng mị, và biển đưa trăng, và trăng lăn vào đá, tình yêu cũng là một cảm xúc miên viễn êm dịu. Tiếng ru làm dịu gió bão ở hàng thùy dương. Trăng lăn vào đá vỡ tan, hay trăng đã bay lên thinh không, tiếng ru vọng lại, hình ảnh bãi hư vô lại hiện lên.

Bài thơ gợi lên rất nhiều câu hỏi. Câu hỏi nào cũng gợi lên các hình ảnh, liên tưởng, phong phú hơn là các câu trả lời. Ba mươi hai chữ, bao nhiêu ý tứ dạt dào. Vì thi sĩ đã đẩy chúng ta vào một thế giới ngôn ngữ mới. Tiếng nói khích động chúng ta vì đã cởi bỏ các luật tắc chật hẹp của cách nhìn và lối nói năng máy móc.

Đỗ Quý Toàn

*Nguyên văn bài Tống Hữu Nhân của Lý Bạch

青山橫北郭,

白水遶東城。

此地一為別,

孤蓬萬里征。

浮雲遊子意,

落日故人情。

揮手自茲去,

蕭蕭班馬鳴