Thật khó mà có thể diễn tả được cái mùi nồng nồng đặc biệt
tiết ra từ những khu văn phòng trong sở Mỹ.
Chỉ biết rằng khi ông Thái mở cửa chính của tòa building ba
tầng lầu để bước vô thì cái mùi đó sộc lên, tràn ngập khứu giác của ông, tràn
ngập tâm hồn của ông, báo hiệu rằng ông đã khởi sự làm việc ở đây, trong
cái xã hội đầy phức tạp có muôn ngàn điều xa lạ và khó làm quen này.
Nó tạo cho ông cái cảm giác lo sợ rằng chỉ một chút sơ sẩy là ông sẽ bị hất văng ra như một cái đinh ốc bám không chặt, buông ra khỏi guồng máy khổng lồ và bị nó nghiền nát. Ông Thái biết rõ điều đó. Ông cố thận trọng tối đa để có thể bám chặt vị trí của mình, mặc dầu trong vùng sâu thẳm ý nghĩ của ông, ông vẫn có cảm giác bấp bênh như thể bao giờ và mãi mãi ông cũng vẫn chỉ là kẻ yếu đuối, rụt rè, sợ hãi đang đi trên một sợi dây mỏng manh căng ngang một cái hố thẳm.
Ông cố không suy nghĩ vẩn vơ gì khi khởi sự bước qua cánh cửa
chính của tòa building ba tầng lầu. Ông tạm quên đi những dĩ vãng, tạm quên những
u sầu dằn vặt, tạm quên những người thân yêu đang ở quê nhà nhưng vẫn ngự trị
trọn vẹn trong lòng ông. Ông bắt đầu phải làm việc.
Công việc khởi đầu là ông phải đánh vật với cái ổ máy báo động
tự động gắn ở mé góc tường, gần sát với cánh cửa chính ra vô. Ôi sao mà nó lôi
thôi quá ! Mặc dầu trước đó ông đã có tới hai tuần lễ để làm quen kể từ hôm
hãng này gắn cái hệ thống báo động. Nhưng mỗi lần ông đối diện với nó là một lần
ông cảm thấy hồi hộp, bất an. Nó có một tấm bảng trên mang nhiều hàng nút và những
cái bóng đèn nhỏ xíu. Bên cạnh đó là một cái khung mang đầy đủ những lời chỉ dẫn
thiết yếu kèm theo những mũi tên sơn trắng ngang dọc chẳng biết để làm gì.
Nhưng ông đâu có cần hiểu biết tất cả khả năng của cái máy
phức tạp đó. Ông chỉ cần nhớ những lời họ căn dặn cho riêng mình. Trước hết, muốn
vô toà nhà ông phải có chìa khoá riêng để mở cái cửa chính. Lọt vô rồi, ông sẽ
có ba mươi giây đồng hồ để "bịt mồm" cái máy lại bằng cách nhấn ba
con mã số, một chữ STATUS và một chữ OFF. Không làm đủ ngần ấy động tác, toàn bộ
các chuông gắn đầy dẫy trong tòa building đồ sộ này sẽ réo ầm lên.
Nhưng chưa hết! Đó mới chỉ là xong thủ tục hợp cách để thể lọt
vô tòa building. Ông lại còn phải vào cái "code" của nó nữa để đưa
cái máy trở về tình trạng sẵn sàng hoạt động thường trực như trước. Lần này ông
lại phải chờ thêm ba mươi giây đồng hồ nữa mới thi hành được động tác thứ
hai (ông chưa bao giờ dám thử xem rằng nếu làm sớm hơn hoặc trễ hơn thì điều gì
sẽ xảy ra?). Ông giơ tay lên để coi chiếc đồng hồ nhẩy từng con số, tính từng
giây như những thể thao gia bấm giờ cho cuộc đua. Rồi tới đúng lúc qui định,
ông phải nhấn trở lại cái nút STATUS một lần nữa, kèm thêm bấm một hơi năm con
mã số khác mà ông phải thuộc nằm lòng, rồi cuối cùng, nhấn thêm cái nút ON nữa mới
thật sự là hoàn tất. Một cái bóng đèn xanh biếc như bích ngọc sẽ bật sáng lên
báo cho ông biết là mọi thủ tục đã xong và ông có quyền thong thả leo thang máy
lên tận lầu ba là nơi của ông sẽ làm việc.
Mà nào có phải đây là chốn "thâm cung bí sử" gì
cho cam. Nó chỉ là những dẫy hành lang hun hút bất tận, hai bên là những căn
phòng nhỏ, có chỗ thì im ỉm cửa đóng, then cài, có chỗ thì mở toang ra, ngó vào
bên trong chỉ thấy những tủ sách, những kệ hồ sơ, những xấp giấy đục lỗ, những
cái giá để chồng chất những cuốn băng từ và những dàn máy computer nhấp nháy những
ánh đèn có cái xanh, có cái đỏ, có cái vàng vàng da cam.
Nhiệm vụ của ông Thái cũng chẳng có gì ghê gớm. Ông làm công
cho một hãng thầu chuyên lo việc quét dọn bên trong các hãng xưởng, các xí nghiệp,
có một cái tên tắt là KBMC mà chả bao giờ ông nhớ nổi hay chẳng cần cố gắng để
nhớ nó là Kramer Building Maintenance Company. Hãng thầu quét dọn của ông có cả
trăm nhân viên. Đông nhất là Mễ. Rồi Đại Hàn, Phi Luật Tân, El Salvador, Cuba
và dĩ nhiên có cả Việt Nam nữa.
Ông gặp những người đồng nghiệp Việt Nam đâu chỉ một hai lần
khi lui tới văn phòng chính của hãng tọa lạc ở đường số 7. Bây giờ họ còn làm
hay đã đổi qua nghề khác, ông không hay biết. Bởi vì ông được phân phối tới một
toán gồm năm người thì bốn kẻ kia đã là dân Mễ rồi. Họ gửi ông tới đây, cái
hãng có toà building ba tầng lầu và một cái cửa chính ra vô có gắn hệ thống báo
động tự động. Bọn Mễ dành cho ông quản trị nguyên khu lầu ba, phần còn lại gồm
hai lầu dưới và một dãy nhà ngang thì họ chia với nhau. Thế là giang sơn có một
mình ông một cõi. Ông tới bằng chìa khoá riêng, leo lên lầu ba bằng cái thang
máy và lầm lì dọn dẹp ở đó vào quãng nửa khuya, cái giờ mà chẳng còn nhân viên
nào lưu lại làm việc cả.
Hồi trước thì sở này còn có một anh gác dan, bận đồng phục của
security guard vẫn hay ngồi ngủ gật ở sau chiếc bàn giấy nhỏ trên có đặt một
máy thu thanh hãy còn đang được vặn nhạc um sùm. Nhưng từ khi hãng đặt hệ thống
báo động thì anh guard được cho về vườn. Sự vắng mặt của anh ta gieo vào tâm hồn
ông Thái một khoảng trống lớn. Ông không còn được nghe tiếng nhạc, tuy không phải
để thưởng thức mà là để tạo cái cảm giác quanh ông còn có sinh hoạt của
con người. Những hôm ông tới làm việc trước bọn Mễ ở lầu dưới thì toàn bộ khu vực
quanh đó chỉ có mỗi một mình ông.
Đi trong những dẫy hành lang tối hun hút, ông có cái cảm
giác như mình đang là con dế lầm lũi mầy mò trong những cái hang hốc của đáy
sâu trong lòng một hầm mộ tối. Có lúc ông thấy người mình chợt rợn lên. Cả một
tầng lầu bừng sáng trưng như ban ngày, mặc dầu chỉ là thứ ánh sáng mang lại một
sự im lặng mênh mông. Ông chỉ nghe thấy tiếng động do chính cử chỉ của mình
phát ra. Một tiếng kẹt cửa. Một tiếng gót giầy khua trên nền đá nhẵn bóng. Tiếng
của cái thùng nhựa tròn đựng rác đặt trên bốn cái xe lăn lọc cọc. Và cả tiếng
những cái hộp xà bông nước, những cuộn giấy vệ sinh, những cái cán chổi, những
cái xô nhựa móc tòn ten chung quanh vành đai thùng va vào nhau thành những tiếng
lạch cạch theo nhịp bước của ông. Rõ ràng là những âm thanh không mang tính chất
của tiếng người.
Tinh thần của ông Thái nhiều lúc yếu ớt đến độ sợ sệt ngay đến
cả những thứ tiếng động đó do chính mình gây ra. Ông hay dáo dác nhìn trước
nhìn sau. Tim ông trở lên hồi hộp vì lâu lâu ông thấy nó thắt lại. Ông sợ sự
mênh mông. Ông sợ những hành lang hun hút dẫn vào những căn phòng im vắng,
không người. Ông chợt muốn thét to lên, gọi tên thằng Quý, con Thư và cả tên bà
Thái, vợ ông nữa. Nhưng đó chỉ là những cơn xúc động đầy tính chất ảo giác.
Thằng Quý giờ này đã nằm yên dưới đáy biển sâu. Con Thư, bà
Thái thì vẫn còn ở xa lắc bên kia bờ đại dương, nơi quê nhà. Kỷ niệm như những
nhát dao băm vằm lên tâm hồn cứ ngày một yếu ớt của ông. Nó làm cho ông nhiều
lúc trở thành lẩn thẩn, miệng lầu bầu những gì mà chính ông cũng không nhận ra.
Rất may là quanh ông không có ai dòm ngó ông cả. Như vua một cõi, ông lê cái chổi
đi như một cái bóng vất vưởng qua hết dãy hành lang này tới hành lang khác. Ông
có cả một đêm dài để hoàn tất một nhiệm vụ chỉ cần ba, bốn tiếng đồng hồ của
mình. Ông cũng không cần trở về sớm làm chi. Có ai chờ đợi ông lúc trở về từ
hơn hai năm nay đâu? Cho nên ông tự cho phép mình la cà ở phòng này, phòng kia,
tự do nhìn ngắm những đồ vật xung quanh như thể một lão canh nghĩa địa đi lang
thang nhìn ngắm những mộ chí thuộc phần vụ cai quản của mình.
Trong phạm vi sinh hoạt hàng ngày, xã hội Mỹ đối với ông
hoàn toàn xa lạ và cách biệt. Ông chẳng quen ai, chẳng trò chuyện được với ai,
thậm chí đi mua hàng ở các chợ Mỹ ông cũng chỉ lẳng lăng đặt đồ lên quầy, lẳng
lặng trả tiền theo con số hiện trên máy tính và âm thầm đi ra. So với nhiều đồng
bào khác cũng đi định cư ở đây, ông chỉ như con kiến bò trên vành đĩa ở vòng
ngoài. Tuy nhiên, ở đây, trong cái tầng lầu ba mênh mông im vắng này, ông lại
có cơ hội thọc sâu được vào đời tư của nhiều người Mỹ.
Mỗi bàn giấy của họ là một thế giới riêng của từng người, bởi
vì ngoài những đống giấy tờ ngổn ngang, họ còn bầy đủ thứ riêng tư theo sở
thích. Nhìn cái giỏ rác của bà Suzanne, cái tên mà ông đọc đuợc trên tấm bảng đặt
ở trước bàn giấy, ông biết được rằng bà này quá mập vì bên trong toàn vỏ đồ uống
có chữ diet. Trong giỏ giấy của cô Julie thì đầy vỏ giấy kẹo và những mảnh giấy
chắc là thư tình viết nửa đoạn thì xé bỏ. Có lá thư chỉ ghi được đúng một chữ
My Darling thì đã bị ném sọt rác. Hẳn vào lúc này cô ta bối rối lắm. Trên vách
đằng sau lưng cô Carolyn Johnson thì đầy hình tài tử. Ít lắm thì cô này cũng mê
một lúc cả đến bốn năm người. Có chàng là ca sĩ, có chàng là tài tử, có cả mấy
chàng cầu thủ môn football nữa. Những bà già hơn thì trưng hình của mình chụp
chung với con gái, con trai bầy bên cạnh hình chó, hình mèo. Nhiều ông thích du
lịch, phiêu lưu thì căng trên vách đủ loại tranh của Nhật, của Hồng Kông, những
tấm thảm Ả Rập hay những bộ sưu tập con ốc, con sò. Thật là cả một xã hội tâm
tình kiểu Mỹ được bầy biện ra ở đây mà đêm nào ông Thái cũng đuợc trực diện với
nó, ngắm nghía nó và nếu muốn ông cũng có thể sờ mó được nó nữa.
Thường thường thì ông chấm dứt công việc dọn dẹp vào lúc ba
giờ sáng. Bọn Mễ ở từng dưới tuy đến sau ông nhưng cũng đã dời đi từ lúc nào. Bốn
bề quanh ông vẫn chỉ là một khoảng trống mênh mông, im vắng.
Bấy giờ là lúc ông có thể rút từ trong bọc riêng của mình ra
một cái bi-đông nhựa nhỏ bên trong chứa lưng lưng loại rượu giống như rượu đế
mà ông vẫn mua ở chợ Tầu. Ông không phải là dân nghiền nặng đến độ quá chén. Mỗi
lần xong việc, ông chỉ ngửa cổ tu năm ba ngụm để thấy mình ngà ngà, để thấy cơn
sầu tủi nguôi ngoai đi và ông có thể nổi hứng ư ử cất giọng hát những bài lộn xộn
chẳng đầu, chẳng đuôi. Chán rồi ông nói chuyện một mình. Ông nói với con Thư.
Ông nói với thằng Quý. Ông làm như ông đang ở căn nhà nhỏ trên đường Bà Quẹo,
phía trước có cây trứng cá xoè cái tán sum suê ra tận con đường nhỏ có tráng xi
măng. Bên kia chòm xóm là khu nhà thờ vào buổi chiều có tiếng chuông ngân nga
trong gió mát. Thằng Quý hồi đó còn mải chơi, chạy đầu làng cuối xóm, mỗi lần
thò mặt về, ông bắt gặp là ông mắng phủ đầu:
- Tổ cha mầy, mầy đi đâu mà tao không thấy mặt, Quý!
Lối mắng đó quen thuộc đến nỗi thằng Quý không buồn trả lời.
Nó chỉ nhìn ông len lén rồi lách qua chỗ ông đứng, chạy tọt vô nhà trong. Ông
cũng quen thuộc với câu mắng đó nữa. Bây giờ trong men ngà ngà có lúc ông cũng
lèm bèm một mình:
- Tổ cha mày, mày đi đâu mà tao không thấy mặt, Quý!
Chỉ có khác một điều là bây giờ lèm bèm xong ông bưng mặt
khóc. Ông còn đủ sáng suốt để biết rõ Quý hiện đang nằm dưới lòng biển sâu.
Có hôm nhớ nhà quá, ông nổi hứng ra ngồi dựa lưng ở vách tường
cạnh cửa thang máy, kê cuốn tập lên đùi để viết thư về thăm con Thư và bà Thái.
Đầu óc ông đầy ắp những xúc động. Ông muốn kể cho bà Thái, con Thư về đời sống ở
bên này, đời sống của ông, công việc hàng ngày với cái building ba tầng lầu có
những dãy hành lang tối hun hút.
Nhưng chẳng bao giờ ông kể được trọn vẹn những chi tiết như
thế trong thư. Trang giấy trước mặt ông, dù ông có loay hoay thì cũng chỉ nguệch
ngoạc được vài ba dòng chữ. Bởi vì viết được vài câu ông lại nghĩ miên man, ông
hình dung ra căn nhà cũ ở trong xóm nhỏ, bóng dáng bà Thái ra vào và cử chỉ nhí
nhảnh, hồn nhiên của con Thư. Những điều đó nói ra thì vô nghĩa nhưng nó đã làm
ông thừ người ra. Ông quên mất mình hiện đang ở đâu, làm gì. Trí nhớ bồng bềnh
của ông có khi tạo cho ông cái cảm giác mình đang nằm trên chiếc chõng tre kê ở
dưới tàng cây trứng cá, bên kia là nhà thờ. Vào buổi chiều có những hồi chuông
rung trong gió mát. Thế là ông thiu thiu ngủ. Giấc ngủ của ông đầy mộng mị, thảng
thốt và nhờ thế không bao giờ ông kéo được một giấc dài. Vậy cũng là may cho
ông, bởi vì khi mở mắt ra, ông nhận ngay ra rằng mình vẫn đang còn ở trên lầu
ba của toà building nơi ông làm việc đêm qua.
Trời mới hưng hửng sáng, thứ ánh sáng nhờ nhờ xuyên qua những
tấm kính cửa không đủ soi sáng những dãy hành lang khúc khuỷu và chỉ phơi bày
ra ở bên ngoài những chòm cây mờ mờ ẩn mình sau những làn sương in những bóng
đèn đường mang màu vàng đục, úa.
Ông hốt hoảng đứng dậy và vội vã như một kẻ chạy trốn. Ông rất
sợ bình minh: ánh sáng của bình minh sẽ chói loà và phô bầy ra trước mắt ông tất
cả những điều xa lạ, khó quen thuộc của cái xã hội đầy xa lạ này.
Phạm vi sinh hoạt của ông đến buổi bình minh là chấm dứt giới
hạn của nó. Trả lại tầng lầu này, những tủ hồ sơ này, những bàn giấy, giỏ rác
này và những hình ảnh con trai, con gái, con chó, con mèo, những tấm thảm thêu,
những con ốc, con sò và cả những bức thư tình bị xé nửa chừng cho những nguời
xa lạ như Julie, Suzanne, Johnson hay Cathy nào đó.
Ông sẽ chỉ quay lại chốn này vào ban đêm. Bóng tối che đi tất
cả mọi thực tại và đấy mới đích thực là giang sơn của ông. Giống như những con
dế chỉ quen lầm lũi bò sâu dưới lòng mộ tối.
Nhật Tiến
(Trích trong Tập Một Thời Đang Qua)