Cứ theo như lời của giáo sư Nguyễn Văn Lục thì thượng tọa
Thích Trí Quang là tác giả của câu nói vừa ghi. Tôi nghe mà bán tin bán nghi vì
nếu sự thực đúng y như vậy thì hoa hòe ở Việt Nam phải trồng bao nhiêu mới đủ,
hả Trời?
“Trong khu nhà B6 đằng kia cũng có một ông tên Thảo, nhưng
lôi thôi nhếch nhác quá mấy anh công nhân móc cống. Mùa rét thì áo bông sù sụ,
mùa nực thì bà ba nâu bạc phếch, quần ống cao ống thấp, chân dép cao su đứt
quai, đầu mũ lá sùm sụp, cưỡi cái xe đạp ‘Pơ-giô con vịt’ mà mấy bà đồng nát
cũng chê. Thật đúng như anh hề làm xiếc! Mặt cứ vác lên trời, đạp xe thỉnh thoảng
lại tủm tỉm cười một mình, một anh dở người…
“Một buổi trưa nắng chang chang, ông ghé vào quán uống cốc
nước chè xanh, tôi hỏi: “Ông đi đâu về mà nom vất vả thế..ế.. ế. Ông nói: Lên
chợ Hàng Bè mua củi đun. Tôi hỏi: Thế củi ông để đâu cả rồi? Ông quay lại nhìn
cái ‘pooc ba ga’, mặt cứ ngẩn tò te. Chỉ còn có sợi dây buộc! Củi nả rơi đâu hết
dọc đường, chẳng còn lấy một que… Nghĩ cũng tội, già ngần ấy tuổi đầu mà phải nấu
lấy ăn, không vợ, không con…” (Phùng Quán. “Chuyện Vui Về Triết Gia Trần Đức Thảo.” Ba
Phút Sự Thực, 2nd ed. Văn Nghệ: 2007).
Nếu qúi vị nghe những lời lẽ (thượng dẫn) của một bà cụ
bán nước trà vô danh chưa đủ trọng lượng thì xin nghe thêm đọc thêm đôi ba câu
nữa, từ cuốn Mémoire d’un Vietcong (Hồi ký của một Việt Cộng)
của một chứng nhân thế giá hơn – luật sư Trương Như Tảng:
“Ông không bị tù hay hành hạ thân xác, nhưng công an bao
vây, cô lập ông không cho ai tiếp xúc… Nếu ông Thảo tiếp xúc với ai, chẳng hạn
một người bạn trên đường phố, thì người đó sẽ bị bắt giữ để điều tra. Bề ngoài
xem ra triết gia sống cuộc đời bình thường. Nhưng thực tế ông sống như Robinson
Crusoe, hoàn toàn cô độc, mặc dầu có nhiều người ở xung quanh. Ngay họ hàng
thân thích cũng không được phép nói chuyện với ông. Đối với một trí thức như vậy
là một sự tra tấn dã man.” Trương Như Tảng.
Ngó bộ ông Trương Như Tảng có vẻ hơi quá lời chút xíu, chứ nếu
Trần Đức Thảo bị “tra tấn dã man” thì làm sao triết gia của chúng ta sống sót
cho mãi đến năm 1991 – năm mà ông được nhà nước tha (tào) và cho trở lại Paris,
theo như tường thuật của tác giả Minh Diện:
“Bảy mươi tuổi Trần Đức Thảo mới quay về chốn xưa. Tiếc thay
thời huy hoàng của ông đã qua lâu rồi. Rất ít người còn nhớ tới ông. Suốt 40
năm ông cô đơn bên trời Nam,giờ lại cô đơn bên trời Tây. Khi người ta đã bỏ lỡ
cơ hội thì khó mà tìm lại được. Quay lại Pari, Trần Đức Thảo sống tạm bợ trong
căn phòng xép trên tầng 5, nhà khách của Đại sứ quán Việt Nam. Nhà báo Nguyễn Đức
Hiền tả lại cảnh sống của ông như sau: “Một ông già ở độ tuổi cổ lai hy, khoác
chiếc áo cũ màu tím dài chấm gót, bưng bê lỉnh kỉnh mọi thứ xoong chảo, chai lọ
leo lên, leo xuống hàng trăm bậc thang tự lo lấy bữa ăn cho mình. Ông già ấy cứ
hành trình chừng mười bậc thì dừng lại, tựa người vào hành lang đứng nhắm mắt,
há miệng thở như thổi bễ.’ Một chiều mùa Hè năm 1993, ông già ấy gục xuống tại
bậc cầu thang, không bao giờ gượng đứng dậy được nữa…. Năm 2000, ông được nhà
nước Việt Nam truy tặng Giải Thưởng HCM về Khoa Học Xã Hội.”
Thiệt là … có hậu hết biết luôn!
Ít nhất thì những ngày tháng cuối đời “của ông già ấy” cũng (có vẻ) đỡ đoản hậu hơn cuộc sống lê lết của … một bà già khác, cùng thời, danh ca Hà Thị Cầu. Nhân vật này tuy có kém danh giá hơn ông Thảo (chút đỉnh) nhưng cũng nổi tiếng như cồn, và được rất nhiều người ưu ái:
– Nhạc Sỹ Quan Long: “Nghệ nhân Hà Thị Cầu là một pho sử sống
về nghệ thuật hát xẩm. Cuộc đời bà như một con tằm đã xong kiếp nhả tơ. Không
ruộng vườn, không lương hưu, vẫn nghèo khổ như thuở ôm con đi hát rong khắp mọi
miền, bà sống dựa vào tình thương yêu, sự giúp đỡ của những người yêu mến
giọng hát của bà.”
– Nhà báo Ngọc Minh: “Trong nghệ thuật hát xẩm, bà Hà Thị
Cầu được đánh giá là nghệ nhân duy nhất còn lưu giữ được nhiều làn điệu cổ của
nghề. Bà cũng là người có thể tự đặt lời mới mang hơi thở của thời đại cho các
làn điệu xẩm truyền thống.”
– Nghệ Sỹ Mai Tuyết Hoa: “Cách hát và chơi đàn của nghệ
nhân Hà Thị Cầu vô cùng độc đáo và ở Việt Nam gần như không có người thứ hai.”
BBC, nghe được vào hôm 3 tháng 3 năm 2013, lặng lẽ và buồn
bã đi tin: “Nghệ nhân được coi là linh hồn của hát xẩm Việt Nam với gần 80 năm
tuổi nghề, bà Hà Thị Cầu, đã qua đời tại Yên Mô, Ninh Bình…” Hung tin này đã
khiến cho Nguyễn Quang Vinh đùng đùng nổi giận:
“Một nghệ nhân tài hoa như thế, cống hiến cho đất nước như
thế, được coi là ‘báu vật nhân văn’ của quốc gia như thế, đã từng đào tạo, truyền
nghề cho biết bao nghệ sĩ, đã nổi tiếng không chỉ trong nước mà còn với nước
ngoài… Nhưng suốt đời nghèo đói, suốt đời khổ sở, túng thiếu như kẻ ăn mày. Báo
chí lên tiếng, dư luận lên tiếng, những nghệ sĩ tâm huyết thay bà gõ cửa khắp
nơi nhưng mặc nhiên không ai đoái hoài, và bà- nghệ nhân Hà Thị Cầu, cho tới
lúc nhắm mắt, vẫn trong nghèo đói…”
Tôi e rằng nhà văn của chúng ta không hiểu biết về đường lối,
cũng như chính sách, của Đảng và Nhà Nước (rõ ràng và rành mạch) như nhà nghiên
cứu âm nhạc Trần Quang Hải. Trong bản tin của BBC (thượng dẫn) ông Hải khẳng định:
“Cũng giống như ca trù, hát xẩm đã bị ‘mất đi’ trong 50 năm
vì chính quyền không coi trọng những tài tử dân gian … hát xẩm bị coi là ‘hạ cấp’
và chính quyền không muốn thấy những người hát xẩm lang thang ngoài đường.”
Nói cách khác là bà Hà Thị Cầu đã bị “chính quyền” chôn sống
từ lâu nhưng mãi đến tháng ba năm 2013 mới (chịu) trút hơi thở cuối cùng. Ngay
sau đó, báo Thể Thao Văn Hoá (số ra ngày 06 tháng 3 năm 2013)
liền hớn hở loan tin:
“Tới dự đám tang nghệ nhân Hà Thị Cầu, ông Vương Duy Biên –
Thứ trưởng Bộ VH,TT&DL – chia sẻ tâm nguyện cần đề nghị truy tặng cho bà
danh hiệu NSND… Thời gian tới, Bộ VH, TT&DL sẽ xúc tiến thực hiện việc
này.”
Thiệt là tử tế!
Theo Wikipedia: “Năm 1977, sau ngày Việt Nam thống nhất, bà viết bài Theo Đảng Trọn Đời. Tôi sợ rằng vì mù chữ, không đọc được Đề Cương Văn Hoá Việt Nam, nên (có lẽ) mãi cho đến khi nhắm mắt người được coi là “báu vật nhân văn sống của Việt Nam” vẫn không biết rằng toàn Đảng không ai thiết tha hay mặn mà gì lắm với tình cảm (thắm thiết) mà bà đã dành cho chúng nó.
Danh ca bị coi là “hạ cấp” đã đành, thế còn triết gia thì
sao?
Xin thưa: giới người này ở bên nước bạn, cũng như ở nước ta,
cả hai Đảng đều coi họ không bằng … cục cứt!
Và nói nào ngay, đối với Đảng thì giới người nào cũng vậy –
bất kể là nông dân, công nhân, thương nhân, hay trí thức. Tất cả đều chỉ là
phương tiện, được sử dụng tùy theo lúc mà thôi. Sau đó đều bị mang chôn sống
ráo. Nhà nước đợi cho đến khi họ tắt thở sẽ mang bằng khen hay giải thưởng đến
làm lễ truy tặng. Những cái lễ này, cũng tựa như những tấm giẻ lau, dùng để lau
sạch máu hay nước mắt (hoặc cả hai) cho nạn nhân của chế độ hiện hành.
Tưởng Năng Tiến