Cô Mya Thwet Thwet Khine đi biểu tình ngày 9 tháng Hai ở
Naypyitaw, thủ đô nước Myanmar. Cô bị bắn trúng đầu. Ngày 18 tháng Giêng, cô
qua đời trong bệnh viện.
Thường cảnh sát Myanmar không bắn vào dân biểu tình. Có lẽ
vì họ không muốn bắn vào đám đông với những vị sư mặc áo màu đỏ. Cô Mya Thwet
Thwet Khine sẽ trở thành một biểu tượng cho phong trào đòi tái lập chế độ tự do
dân chủ.
Dân Myanmar vẫn tiếp tục xuống đường ở khắp nước chống cuộc đảo chính ở Myanmar hôm đầu tháng. Không thể đoán được Tướng Min Aung Hlaing, tổng tư lệnh quân đội sẽ đàn áp những người dân phản đối bất bạo động hay không! Năm 2012, các ông tướng đã rút lui, trả lại quyền tự do bầu cử cho dân.
Dân Myanmar vốn rất hiền lành, không ham bạo động. Có thể vì
hiền lành quá cho nên họ đã nhẫn nhục chịu đựng chế độ quân phiệt gần nửa thế kỷ.
Nhưng cái chết của một thiếu nữ sẽ thay đổi. Khi tức nước vỡ bờ, người ta có thể
phản ứng quyết liệt hơn.
Những người biểu tình đòi dân chủ hầu hết là thanh niên. Các
vị sư đi biểu tình cũng thuộc giới trẻ. Họ không khác gì những chàng trai mang
biểu ngữ đi bên cạnh, vì các ở xứ này các thanh niên đến tuổi đều vào tu trong
chùa, một năm sau lại trở về đời thế tục.
Khác với giới trẻ thời trước 2011, khi chế độ quân phiệt còn
vững vàng, các thanh niên bây giờ có mạng truyền thông mới để liên lạc và cổ động
nhau. Đời sống kinh tế cũng thay đổi từ khi được mở cửa giao thương với thế giới
và đầu tư từ bên ngoài đổ vào. Trước đây mười năm, chỉ có một hệ thống email;
mua những cái SIM cards để gắn vào điện thoại phải tốn $1,000 đô la. Bây giờ rẻ
như ở bất cứ nơi nào, và các sinh viên đều dùng Facebook. Một tầng lớp trung
lưu đã xuất hiện. Sau năm, bảy năm được tự do đi bỏ phiếu chọn người cai trị
mình, chắc dân Miến Điện không còn nhẫn nhục cúi đầu trước bạo lực nữa.
Phải thú nhận rằng, lòng tôi rất mềm yếu khi nói đến dân Miến
Điện. Hồi trẻ, tôi đọc cuốn Đường Thành Công của Baden Powell, người sáng lập
phong trào Hướng Đạo từ thời 1930. Trong lời mở đầu cuốn sách, Powell viết về
dân Miến Điện, thời đó gọi là xứ Burma. Ông nói chưa thấy dân tộc nào sống hạnh
phúc như dân Miến Điện. Họ sống nghèo, rất nghèo, nhưng hạnh phúc.
Tôi mới thăm xứ Myanmar ba lần. Lần thứ nhất, chuyến đi đã bỏ
không thăm Golden Rock, ngôi tháp trên tảng đá dát vàng ở núi Kyaiktiyo. Lần thứ
nhì, đi một mình, tôi quyết định phải tới địa điểm nổi danh này.
Tôi nhờ một anh lái taxi đưa ra bến xe đò, nói tên Kyaiktiyo
Zedi dân Miến Điện đều biết. Từ Yangon phải đi qua đêm, lái xe phải mất khoảng
5 giờ. Anh taxi bảo đi tới bến xe thì xa quá, anh sẽ đưa tôi tới một ngã tư gần
hơn; các xe đò đều dừng lại đón khách ở đó. Một lát, tới một ngã tư rất tấp nập,
anh taxi cho tôi xuống. Tôi không hiểu tại sao anh không chở tôi đi xa hơn, được
nhiều tiền hơn!
Nhưng làm sao tôi biết chiếc xe đò nào sẽ đi Kyaiktiyo? Trên
xe họ chỉ viết tên bằng chữ Miến Điện, mà tôi thì mù chữ! Anh taxi cũng biết,
nên anh nói chuyện với một người đàn ông bán hàng ở bên đường. Người này sẽ chỉ
cho tôi biết khi nào có chuyến xe đi Kyaiktiyo qua chỗ này. Anh đưa đồng hồ
lên, ra hiệu cho tôi biết khoảng 10 giờ sẽ có xe đi qua. Ông bán hàng cười cười,
nói mấy câu gì đó với tôi, rồi vẫy tay bảo anh taxi cứ đi, số phận tôi đã có
ông lo.
Tôi đứng đợi từ khoảng 9 giờ tối. Mỗi lần thấy chiếc xe đò
đi qua lại nhìn ông chủ quán, ra hiệu hỏi xe này đi Kyaiktiyo không. Không phải,
lại đợi. Sau chừng 15 phút, ông bán hàng chỉ cái ghế bảo tôi ngồi cho đỡ mỏi
chân. Cái ghế rất thấp, ngồi xuống phải co hai đầu gối lại, coi bộ mỏi chân
hơn.
Cái “quán” chỉ có ba bốn cái ghế thấp, một cái bàn bằng
plastic cao tới đầu gối, một bếp lò, và cái tủ kiếng bày thức ăn. Chỉ thấy một
khách hàng đang ngồi ăn cơm đĩa, trả tiền, chưa đến một đô la Mỹ. Ông chủ quán
bưng cho tôi ly nước trà loãng. Tới 10 giờ vẫn không thấy chiếc xe đi Kyaiktiyo
nào. Ông chủ quán nhớn nhác nhìn từng chiếc xe đò chạy qua. Coi bộ ông có vẻ sốt
ruột chờ chiếc xe đò còn hơn tôi. Tôi đứng lên ngóng với ông.
Một cậu bé, chắc là con trai, lôi tay bố, chỉ xuống mặt bàn.
Nhìn thấy đồng tiền kẹp dưới cái ly tôi mới uống nước, ông rút ra trả lại. Tôi
từ chối. Hai người giằng co một hồi, sau cùng tôi chịu thua. Tới 10 giờ 30, ông
nói mấy câu bằng tiếng Miến Điện, tôi không hiểu, rồi chạy ra đầu ngã tư. Trong
khoảng mười lăm phút ông chạy đi rồi chạy về, mấy lần. Lần chót quay lại, ông
cười hớn hở, dắt tay lôi tôi đi. Băng qua ngã tư, ông dẫn tới một chiếc xe đò,
chỉ tay, cười, nói, tôi hiểu là “Xe này! Nó đấy” rồi đẩy tôi lên xe. Ông nói mấy
câu với người tài xế trước khi cười chào tôi và bỏ đi. Chiếc xe đò tới
Kyaiktiyo lúc 5 giờ sáng.
Tôi không bao giờ quên tấm lòng tốt của người “chủ quán”
này. Không quen biết gì nhau cả. Gặp một lần và biết rằng suốt đời sẽ không gặp
lại. Nhưng ông ta vẫn săn sóc, giúp đỡ một người lạ. Như lo cho một người thân.
Người Miến Điện nghèo, có lẽ nghèo nhất vùng Đông Nam Á. Người
chủ quán này chắc mỗi buổi tối bán được chừng 5 đô la! Không biết lời lãi bao
nhiêu. Ông ta nghèo, quá nghèo. Lợi tức mấy đô la một ngày. Nhưng mấy ngàn đồng
kyat trả cho ly nước trà ông cũng không nhận. Nếu một đứa trẻ ở Mỹ có ba chục
cái áo thì đứa con ông chắc chỉ có vài ba cái. Một thanh niên lớn lên ở Mỹ tính
toán để làm chủ một chiếc xe hơi. Ở Myanmar ước mong có một cái xe đạp. Nhưng một
người làm chủ 30 cái áo và đi xe hơi có chắc hạnh phúc hơn một người đi xe đạp
và chỉ có ba cái áo thay đổi hay không?
Người Miến Điện nghèo thật, nhưng tôi không thấy ai có vẻ khổ.
Chắc vì họ không tham, nghĩa là không lo tiền bạc nhiều quá. Anh Chương, một
người bạn của tôi ở Mỹ, kể có bữa anh vào khu mua sắm ở Myanmar, đi một hồi thấy
mình đã mất chiếc iPhone, không biết bỏ đâu. Khi Chương đang ngồi ăn trưa thì một
cô bé gái chừng 15 tuổi chạy đến, reo lên vui mừng khi nhìn thấy anh. Cô đưa
cho anh cái iPhone. Chương bỏ quên cái điện thoại ở cửa tiệm quần áo, cô bán
hàng phải đi tìm anh để trả lại.
Một dân tộc với những con người như thế rất xứng đáng sống hạnh
phúc.
Sau khi đã nếm mùi dân chủ trong bảy, tám năm, người dân Miến
Điện sẽ thấy rất khó sống hạnh phúc nếu mất tự do. Nhất là những thanh niên được
lớn lên trong một xã hội cởi mở, rồi bắt đầu được dùng quyền tự do bỏ phiếu. Cô
Mya Thwet Thwet Khine đã biểu tình chống độc tài quân phiệt chính vì cô muốn được
sống hạnh phúc. Tội nghiệp quá! Cô bị bắn hai ngày trước sinh nhật 20 tuổi!
Ngô Nhân Dụng