Kawabata Yasunari (1899-1972)
“Hokuro no Tegami” (Cái Nốt Ruồi) là tác phẩm của
Kawabata Yasunari (1899 – 1972), Nobel Văn Học 1068, ở thời kỳ hoàn toàn
thành tựu và cho thấy ông nắm vững tâm lý phụ nữ, điểm nổi bật trong các tác phẩm
của ông. Phạm Đức Thân dịch từ bản Engish “The Mole” của Edward Seidensticker.
oOo
Đêm qua em nằm mơ thấy cái nốt ruồi.
Em chỉ cần viết cái tên là anh biết em muốn nói gì. Cái nốt
ruồi đó – em đã bao lần bị anh la mắng vì nó.
Nó nằm ở vai phải em, hay có lẽ em nên nói nó nằm cao trên
lưng.
Hồi nhỏ em thường nằm trên giường, nghịch cái nốt ruồi. Em xấu
hổ vô cùng khi lần đầu tiên anh chú ý đến nó.
Em còn khóc nữa và nhớ là anh ngạc nhiên
“Ngưng đi, Sayoko. Con càng sờ, nó càng to ra,”
Mẹ cũng đã la em nữa. Em hãy còn là cô bé, có thể chưa tới
13 tuổi, và sau đó nó thành thói quen, Nó bám riết em sau khi em đã gần như
quên đi.
Khi lần đầu tiên anh chú ý đến nó, em hãy còn là con gái
hơn là vợ, Em tự hỏi đàn ông như anh có thể tưởng tượng em xấu hổ đến chừng
nào. Nhưng còn hơn xấu hổ nữa. Nó đáng sợ, em tự nghĩ. Hôn nhân lúc ấy hình như
là một cái gì thực sự đáng sợ.
Em có cảm giác như thể mọi bí mật của mình đã bị phơi bầy –
như thể anh đã bóc trần bí mật này đến bí mật khác, mà chính em cũng không biết
– như thể em không còn chỗ nào để trốn lánh.
Anh ngủ thiếp đi ngon lành và em đôi khi cảm thấy nhẹ người,
hơi chút cô đơn, đôi khi giật minh kiềm lại cái bàn tay đang lần mò
tới cái nốt ruồi.
“- Ngay sờ nốt ruồi, con cũng không thể làm.” Em nghĩ đến
chuyện viết cho mẹ, nhưng ngay khi nghĩ đến nó em đã cảm thấy mặt đỏ bừng.
“Hơi đâu quan tâm đến cái nốt ruồi,” có lần anh bảo. Em
sung sướng gật đầu, nhưng bây giờ nhìn lại em tự hỏi, phải chăng tốt hơn nếu
anh đã có thể yêu cái thói tật xấu của em hơn một tí nữa.
Em đâu có quan tâm nhiều như thế về cái nốt ruồi. Chắc chắn
thiên hạ không ai đi quanh quẩn nhìn xuống cổ ngưới ta để tìm xem có nốt
ruồi. Đôi khi lối nói “còn nguyên giống như một cái phòng khoá kín” dùng để
chỉ một cô gái dị tật. Nhung một cái nốt ruồi, dù lớn đến mấy, cũng không thể bảo
là dị tật.
Tại sao anh lại cho rằng em rơi vào thói quen nghịch cái nốt
ruồi đó?
Và tại sao thói quen đó đã làm phiền anh như thế?
“Ngưng đi,” anh thường nói. “Ngưng đi”. Em không nhớ bao
nhiêu trăm lần anh đã la em.
“Em cứ phải dùng tay trái?” Có lần anh hỏi em một cách khó
chịu.
“Tay trái?” Em giật mình khi nghe hỏi.
Đúng vậy. Em đã không chú ý trước đây, nhưng em luôn luôn
dùng tay trái.
“Nó ở trên vai phải em. Dùng tay phải tiện hơn”
“Ồ?” Em giơ bàn tay phải. “Nhưng gượng gạo làm sao ấy.”
“Nó không có gượng gạo gì hết.”
“Nhưng tay trái thuận hơn”
“Tay phải gần hơn”
“Tay phải thi phải với về phía sau.”
“Về phía sau?”
“Vâng, phải chọn giữa vung cánh tay trước cổ hay là với về
phía sau lưng như thế này.” Em không còn ngoan ngoãn đống ý với bất cứ điều gì
anh nói. Mặc dù trả lời anh em thấy rằng, khi em vung cánh tay trái trước ngực
có vẻ như thể em đang xua đuổi anh, như thể em đang ôm lấy chinh em. Mình đã
tàn nhẫn với anh ấy, em nghĩ,
Em hỏi khẽ, “Nhưng dùng tay trái thi có gi sai?”
“Tay trái hay phải, đều là thói tật xấu.”
“Em biết”
“Anh chẳng đã nhiều lần bảo em đến bác sĩ để xin
cắt nó di.”
“Nhung em không thể. Em xấu hổ lắm.”
“Sẽ chỉ là một chuyện rất đơn giản”
“Có ai mà lại đi bác sĩ để cắt nốt ruồi?”
“Hinh như có khối người làm vậy.”
“Nốt ruồi ngay giữa mặt thì có thể. Em nghĩ có ai
mà lại di cắt nốt ruồi ở cổ. Bác sĩ cười chết. Ông biết em dến ông
là vì chồng em đã phàn nàn.”
“Em có thể bảo ông là vì em có thói tật sờ mó
nó.”
“Thật sao….Một cái gi vô nghĩa như một cái nốt ruồi,
ở môt chỗ mà ngay anh cũng không thể thấy nó. Em nghĩ là ít ra anh
cũng có thể chịu đựng được tới mức nào đó.”
“Anh không để ý cái nốt ruồi nếu em không nghịch
nó.”
“Em có muốn đâu.”
“Em vẫn bướng. Anh nói gì em cũng không chịu cố gắng
thay đổi con nguời em”
“Em có cố gắng đấy chứ. Em ngay cả còn thử mặc áo
ngủ cao cổ để khỏi sờ nó.”
“Em chỉ thử có một thời gian ngắn.”
“Nhưng bộ em sờ nó là sai trái lắm sao?” Em nghĩ
rằng phải tỏ vẻ như chống lại.
“Thật ra, không có gì sai trái. Anh chỉ yêu cầu em
ngưng vì anh không thích thế.”
“Nhưng tại sao anh lại không thích như vậy?”
“Không cần phải tìm hiểu lý do. Em không cần phải sờ
cái nốt ruồi ấy, đó là một tật xấu và anh muốn em ngưng.”
“Em chưa bao giờ nói em sẽ không ngưng.”
“Khi em sờ nó em luôn luôn có một vẻ mặt kỳ lạ, đầu
óc như ở đâu đâu. Đó là cái anh thật sự ghét.”
Anh có lẽ đúng – có cái gi đó làm cho nhận xét của
anh đi thẳng vào tim em và em muốn gật đầu đồng ý.
“Lần tới, nếu thấy em làm vậy, anh cứ đập tay em.
Cả vả vào mặt em cũng được.”
“Nhưng em không thấy bực sao, mặc dù em đã cố gắng
2,3 năm rồi em vẫn không có thể tự mình chữa được cái tật nhỏ tầm
thường như vậy?”
Em đã không trả lời. Em đang nghĩ đến mấy chữ anh
nói, “Đó là cái anh thật sự ghét.”.
Cái điệu bộ đó, cánh tay trái giơ lên quanh cổ – hẳn
phải trông có vẻ u sầu, bị bỏ mặc. Em do dự không muốn dùng một chữ
kêu hơn như “cô đơn,” Đúng ra là thảm hại, tầm thường, điệu bộ
của một người đàn bà chỉ quan tâm đến chuyện bảo vệ cái tôi nhỏ bé
của mình. Và vẻ mặt em thật đúng như anh mô tả “kỳ lạ, đầu óc như
ở đâu đâu.”
Phải chăng đó hình như là dấu hiệu cho thấy em đã
không thực sự cho anh hoàn toàn, như thể có một khoảng cách giữa chúng
ta? Cảm nghi thực của em đã hiện ra trên mặt khi em sờ cáí nốt ruồi
và lạc trong cơn mê, như em đã làm từ hồi còn là con gái?
Nhưng hẳn phải là vì anh đã không thỏa mãn với em
mà anh đã làm to chuyện cái tật nhỏ của em. Nếu anh đã hài lòng
với em anh sẽ mỉm cười và không để ý đến nó nữa.
Đó là cái ý nghĩ đáng sợ. Em run lên khi đột nhiên
nghĩ có thể có những đàn ông thấy thói tật đó quyến rũ.
Trước hết, chính là tình yêu của anh dành cho em đã
làm anh chú ý đến nó. Em tới bây giờ không chút nghi ngờ điều này.
Nhưng chính cái kiểu phiền hà nhỏ bé này, một khi
nó lớn dần và biến thành dạng khác, nó sẽ đâm rễ vào cuộc hôn nhân
Vợ chồng thực sự thì không quan tâm đến những đặc dị cá nhân của
nhau, nhưng mặt khác, em nghĩ rằng có những cặp vợ chồng bất hòa về
đủ mọi thứ. Em không nói rằng những người thích nghi với nhau tất
yếu là yêu nhau, và những người luôn luôn bất đồng là ghét nhau, mặc
dù em nghĩ, và em không thể từ bỏ ý nghĩ này, rằng sẽ tốt hơn nếu
anh tự mình cố gắng bỏ qua cái thói tật của em cứ sờ cái nốt
ruồi.
Thật ra anh đã đi tới mức đánh em, đá em. Em khóc và
hỏi tại sao anh đã không thể bớt xuống tay, tại sao em phải chịu đựng
khổ sở vì sờ cai nốt ruồi. Đây chỉ là bề mặt. “Làm sao chung ta có
thể chữa nó?” anh nói, giọng run run. Em hiểu rõ anh đang cảm nghĩ gì
và không giận chuyện anh làm. Nếu em bảo ai biết chuyện này, nhất
định họ cho anh là một người chồng vũ phu.
Nhưng vì chúng ta đã đến một mức mà chỉ chuyện nhỏ
nhặt nhất cũng làm gia tăng căng thẳng giữa chúng ta, anh đánh em lại
làm em đột nhiên cảm thấy dễ chịu.
“Em sẽ không bao giờ khắc phục được nó, không bao
giờ, Hãy trói tay em lại.” Em chắp 2 tay, dí vào ngực anh,.như thể
dâng hiến, cho anh tất cả.
Anh trông có vẻ lúng túng, cơn giận hình như đã làm
anh tê liệt, cạn kiệt cảm xúc. Anh lấy giải áo em đang mặc, buôc tay
em lại. Em sung sướng khi nhìn thấy ánh mắt anh quan sát em cố gắng
vuốt tóc bằng tay bị buộc. Lần này có lẽ chữa được cái tật lâu
đời, em nghĩ.
Tuy nhiên ngay lúc đó vẫn còn nguy hiểm cho bất cứ ai
chạm vào cái nốt ruồi.
Sau đó phải chăng vì cái thói tật trở lại mà chút
tình cảm cuối cùng anh dành cho em đã không còn? Có phải anh muốn
nói với em anh bỏ cuộc và em muốn làm gì thì làm? Khi em mân mê cái
nốt ruồi anh giả vờ không thấy, và không nói gi.
Rồi chuyện lạ xẩy ra. Ít lâu sau đó, cái thói tật
mà la mắng, đánh đập cũng không làm sao chữa được – chẳng phải nó
đã hết đấy sao? Không biện pháp triệt để nào hiệu qủa. Tự nó nó
hết.
“Anh biết không – em không còn nghịch cái nốt ruồi
nữa.” Em nói như thể chỉ có lúc đó em mới được anh chú ý. Nhưng anh
chỉ lầu bầu, trông có vẻ như không quan tâm.
Nếu nó là chuyện nhỏ đối với anh tại sao anh lại la
mắng em như vậy, em muốn hỏi. Còn về phần anh em nghĩ anh cũng muốn
hỏi, nếu chữa thói tật dễ dàng như vậy, tại sao em không thể chữa
sớm hơn.
Nhưng ngay nói chuyện với em anh cũng không, nữa là…
Một thói tật chẳng có gì là quan trọng, nó không
phải thuốc men cũng chẳng phải độc dược – em cứ việc tiếp tục mân
mê cả ngày nếu em muốn. Vẻ măt của anh hình như muốn nói vậy.
Em cảm thấy bị bỏ mặc. Chỉ để trêu tức anh, em nghĩ đến chuyện sờ
lại cái nốt ruồi ngay tại đó, trước mặt anh, nhưng lạ thay, bàn tay
em không chịu di chuyển.
Em cảm thấy cô đơn. Và em cảm thấy tức giận.
Em cũng nghĩ đến chuyện sờ cái nốt ruồi khi không
có anh ở gần. Nhưng không hiểu sao chuyện đó hình như xấu hổ, gớm
ghiếc, và bàn tay em cũng lại không chịu xê dịch.
Em nhìn xuống sàn nhà và em cắn môi.
“Chuyên gì đã xẩy đến cái nốt ruồi của em?” Em chờ
đợi anh hỏi, nhưng sau đó thì chữ “nốt ruồi” biến mất khỏi trò
chuyện giữa chúng ta.
Va có lẽ nhiều thứ khác cũng biến mất theo nó.
Tại sao em không thể làm được gì trong những ngày bị
anh la mắng? Em là một phụ nữ vô dụng làm sao.
Trở về thăm nhà, em tắm với mẹ.
“Con trông không đẹp như ngày xưa, Sayoko,” mẹ bảo. “Con
không thể chống lại tuổi tác, mẹ nghĩ.”
Em nhìn bà, giật minh. Bà lúc nào cũng vậy, mập mạp và da thịt
tươi mát.
“Và cái nốt ruồi đó thường khá hấp dẫn.”
Em thực sự đã chịu nhiều khổ sở vì cái nốt ruồi – nhưng em
không thể nói cho mẹ biết. Em chỉ nói: “Người ta bảo bác sĩ dễ dàng cắt bỏ nốt
ruồi.”
“Ô! Với một bác sĩ thì…..nhưng sẽ có sẹo.” Mẹ dễ dãi
và bình thản làm sao! “Chúng tôi thường lôi nó ra đùa giỡn. Chúng tôi bảo có lẽ
bây giờ Kayoko vẫn còn nghịch cái nốt ruồi cho dù đã lập gia đình.
“Con vẫn nghịch nó.”
“Chúng tôi cũng nghĩ vậy”
“Đó là một tật xấu. Con bắt đầu khi nào vậy?”
“Khi trẻ con khởi sự có nốt ruồi, mẹ nghĩ không biết đúng
không. Con không thấy em bé có nốt ruồi.”
“Mấy đứa con của con không đứa nào có.”
“Ô? Nhưng chúng bắt đầu mọc khi con lớn lên và chúng không
bao giờ biến mất. Mặc dù vậy, ít khi con thấy nốt ruồi to cỡ này. Con chắc phải
có nó khi còn rất nhỏ.” Mẹ ngó vai em, cười cười.
Em nhớ khi em còn rất trẻ, mẹ và các chị thỉnh thoảng chọc
chọc cái nốt ruồi, một điểm nhỏ hấp dẫn hồi đó. Và phải chăng vì thế mà em rơi
vào thói tật tự mình nghịch cái nốt ruồi?
Em nằm trong giường, mân mê cái nốt ruồi và cố nhớ lại xem nó
như thế nào hồi em là cô bé rồi thiếu nữ.
Đã lâu lắm rồi từ khi em nghịch nó lần chót. Bao nhiêu năm,
em không nhớ rõ.
Trở về nhà nơi em sinh ra, xa anh, em có thể nghịch nó tùy
thích.
Không ai ngăn cản em.
Nhưng như thế không tốt.
Khi ngón tay em chạm cái nốt ruồi, nước mắt lạnh trào lên mắt.
Em định nghĩ về ngày xưa khi em còn trẻ, nhưng khi sờ cái nốt
ruồi tất cả ý nghĩ của em lại hướng về anh.
Em lật ngược cái gối ướt – và em nằm mơ thấy cái nốt ruồi
Sau khi tỉnh dậy em không thể bảo căn phòng trong mơ là ở
đâu, nhưng anh thì ở ngay đò, và hình như có vài phụ nữ đang ở với chúng ta. Em
đã uống rượu. Em say thực sự. Em đang nài nỉ, van lơn anh điều gi đó.
Cái tật xấu của em lại tái hiện. Em vòng tay trái, cánh tay
ngang trước ngực như mọi khi. Nhưng cái nốt ruồi – nó chẳng phải đã rụng ra giữa
các ngón tay em đấy sao? Nó rụng không đau chút nào, hoàn toàn như thể là một
chuyện tự nhiên trên đời.
Nó cảm nhận giữa các ngón tay giống hệt như vỏ của một hạt đậu
nướng.
Như một đứa trẻ hư vì được nuông chiều, em yêu cầu anh đặt
cái nốt ruồi của em vào cái nốt ruồi của anh. nằm cạnh mũi.
Em chìa cái nốt ruồi của em sang anh. Em khóc và kêu gào, nắm
cánh tay áo anh và đeo cứng ngực anh.
Khi em tỉnh giấc chiếc gối hãy còn ướt. Em hãy còn đang
khóc.
Em mệt lả toàn thân. Và đồng thời em cảm thấy nhẹ nhõm, như
thể vừa trút được một gánh nặng.
Em nằm một lát mỉm cười, tự hỏi không biết cái nốt ruồi có
thực sự biến mất không. Em khó nhọc cố gắng sờ thử.
Đó là tất cả câu chuyện về cái nốt ruồi của em.
Em vẫn có thẻ cảm thấy nó như một hạt đậu đen giữa các ngón
tay.
Em chưa bao giờ nghĩ nhiều về cái nốt ruồi nhỏ cạnh mũi anh,
và em chưa bao giờ nhắc đến nó, tuy nhiên em nghĩ rằng nó luôn luôn nằm trong đầu
em.
Nếu cái nốt ruồi của anh thực sự phồng lên vì anh để nốt ruồi
của em vào đó thì sẽ tạo nên một truyện thần tiên lý thú.
Và em nghĩ em sẽ vô cùng sung sướng nếu, tới phiên anh, anh
nằm mơ về cái nốt ruồi của em.
Em quên một chuyện.
“Đó là cái anh thực sự ghét,” anh đã nói vậy và em hiểu rõ đến
mức em nghĩ rằng lưu ý đó là dấu hiệu của cảm tình anh dành cho em. Em nghĩ rằng
mọi điều xấu xa nhất trong em đã hiện ra khi em mân mê cái nốt ruồi.
Tuy nhiên em tự hỏi, nếu em đã nói lên một sự thật mà vẫn
không bào chữa được cho em, thì có lẽ chính cái cung cách mà mẹ và các chị
nuông chiều em đã trước hết khiến em rơi vào thói tật mân mê cái nốt ruồi.
“Con chắc mẹ thường la con khi con nghịch cái nốt ruồi,” em
nói với mẹ, “từ hồi xưa lâu lắm rồi”.
” Mẹ có – mặc dù cách đây không lâu lắm”
“Tại sao mẹ la con?”
“Tai sao? Đó là thói xấu, chỉ có vậy.”
“Nhưng mẹ cảm nghĩ thế nào khi thấy con nghịch cái nốt ruồi?
“Hừm…” Me nghiêng cái đầu qua một bên “Nó không thích hợp.”
“Đúng vậy. Nhưng nó trông ra sao? Mẹ có lấy làm tiếc cho
con? Hay mẹ nghĩ con xấu xa, đáng ghét?”
“Mẹ thực sự không nghĩ nhiều về chuyện này. Hình như là tốt
hơn con đừng đụng đến nó, với vẻ mặt mơ ngủ của con.”
“Mẹ thấy con làm phiền mẹ?”
“”Nó có làm phiền mẹ một chút”
“Và mẹ cùng mấy người khác thường chọc chọc cái nốt ruồi để
trêu con?”
“Mẹ nghĩ chúng tôi có làm vậy”
Vậy thì có đúng không, phải chăng em mân mê cái nốt ruồi một
cách lơ đãng như vậy là để nhớ lại tình yêu mẹ và các chị dành cho em khi em
còn trẻ?
Phải chăng em làm thế là để nghĩ về những người em yêu?
Đó là điều em phải nói với anh.
Phải chăng anh đã lầm ngay từ đầu về cái nốt ruồi của em?
Em còn có thể nghĩ đến ai khác trong khi sống với anh?
Em tự hỏi đi hỏi lại, cái điệu bộ mà anh ghét như thế phải
chăng là một thú nhận của tình yêu em không thể diễn tả bằng lời.
Thói tật em nghịch cái nốt ruồi chỉ là chuyện nhỏ, và em
không muốn viện cớ để bào chữa; nhưng phải chăng mọi chuyện khác, đã biến em
thành người vợ xấu, cũng có thể là khởi đầu từ cùng một kiểu tương tụ? Phải
chăng ngay từ đầu chúng là biểu thị của tình yêu em dành cho anh, nhưng đã trở
thành cái xấu của người vợ, chỉ vì anh từ chối không chịu nhìn ra thực chất của
chúng?
Ngay khi em viết đây em tự hỏi, phải chăng em có cái giọng
điệu giống như một người vợ xấu cố gắng chứng minh hình như mình bị hiểu lầm
Tuy nhiên đây là những điều em phải nói để anh biết..