Tôi gặp lão lần đầu trong quán thịt chó của bà Tư béo, nơi
tôi đến bỏ rượu gạo hàng chiều sau giờ đi làm. Lão xuất hiện với bộ dạng một
người lỡ đường, tay bị, tay mũ cối, gương mặt rỗ hoa lấm tấm bụi đường và mồ
hôi. Tưởng lão là người ăn xin, bà Tư đuổi như đuổi tà:
– Đi ra! Để người ta bán, đừng có hãm tài.
– Thưa bà, tôi không xin. Tôi tận Hà Bắc vào đây tìm người
quen. Bà cho tôi hỏi… bà có biết người này.
Bà chủ quay ngoắt, dềnh ngang bộ mông núng nính đi vào bếp.
Lão lẩm bẩm:
– Cả tuần nay… hỏi ai cũng trả lời chừng đó!
Thương hại lão, tôi gợi chuyện:
– Thế bà Xuân người như thế nào?
– Cô ấy người dong dỏng. Trắng tươi. Hát hay. Xinh đẹp.
Bàn thịt chó bên cạnh lập tức nhao lên:
– Ồ! Cháu lão hả? Bao nhiêu tuổi? Để tụi này tìm giúp coi có
“xơ múi” chi không?
– Cô ấy thua tui một tuổi?
Cái quán ven đường bỗng òa vỡ tiếng cười. Tiếng đập bàn, la
ó, huýt gió, hô hố… náo loạn.
– Thế thì “cố” chứ “cô” gì! Làm tụi này tưởng bở bố ạ! Cỡ ấy
ra nghĩa địa tìm dễ hơn.
– Mà cố Xuân là gì của lão? – Gã để râu xồm xoàm vừa nhai vừa
hỏi.
– Xưa cô ấy là bạn hát quan họ của tôi.
– Lão vượt đường dài ở tuổi này để tìm một bạn hát xưa già
khú đế à?
– Vâng.
– Trời ơi… là trời… ở mô rớt xuống ông ngố đa tình như ri hở
trời! – Gã giọng Huế cùng bàn cúi gập người rên giữa một tràng cười. Còn lão điềm
tĩnh, kiên định hỏi tiếp:
– Mua bản đồ thành phố ở đâu mấy chú?
– Thôi lão ơi, có khát tợp ít ngụm rồi mua vé về nhà nằm nghỉ.
Kiếp sau yêu cho dài ngày rộng tháng.
Rồi để thưởng câu nói mà gã tự cho là ý vị ấy, gã để râu ngửa
mặt lên trời, ném điệu nghệ một miếng dồi chó vào miệng, nhai nghiến ngấu, tợp
một ngụm rượu, khà một tiếng khoái trá.
– Ngoài tôi, chỉ có món xào và rựa mận là để bát đĩa. Còn
các món khác đựng trong lá tất… Ăn bốc mới đúng điệu. – Đột ngột lão góp ý.
– Coi bộ cũng là dân nghiện mộc tồn.
– Phải thật thoải mái, không cần giữ ý tứ. Bữa ăn phải đượm
mùi hoang sơ của những người lục lâm tứ chiếng.
– Mở đầu được đấy! Mần ly rượu nói tiếp đi!
Câu chuyện xoay quanh chó: cách chọn chó, nấu chó, ăn chó…
Lão sành đến nỗi những cái mặt đỏ gay, những cái miệng bóng nhẫy đều quay về
phía lão hóng chuyện. Cái mông núng nính của bà Tư cũng yên vị trên chiếc ghế dựa
hồi nào. Bà chủ đang há hốc miệng nghe lão bày cách chế biến từ bảy món cầy cơ
bản thành mười món hoặc hơn nữa. Lạ là lão sành món “hương nhục” đến thế lại từ
chối động đũa vào đĩa chó. Bà Tư đích thân bưng đến đặt trước mặt lão để mong
thụ giáo. Lão giải thích hễ lão cầm đũa là phải ăn no mới thôi. Cái thứ này hễ
ăn là say, ăn mãi… ăn thì phải đúng điệu với bạn tri ân để say còn khóc cười
cho hả…
– Khách của tui đủ giới, ở khắp thành phố này – bà chủ lên
tiếng – Dò tìm một cố Xuân nói giọng Bắc, vấn khăn, cao dong dỏng, biết hát
quan họ không phải là khó. Tui sẽ nhờ anh em… sẽ để lão ăn thịt chó thỏa thuê
không lấy tiền… với điều kiện lão giúp tôi tiếp khí sắc cho quán. Dãy này bốn
quán… phải có ngón nghề đặc biệt mới kéo khách về mình…
Quán thịt cầy của bà Tư béo từ độ có lão bỗng đông khách hẳn.
Thịt bao giờ cũng lớn bùi, bé mềm, cả tơ cả cứng cho đủ vị cuộc đời. Lá sen, lá
dong riềng, lá chuối được thay đĩa men. Quán có đến mười hai món “hương nhục”,
thơm điếc mũi. Buổi tối quán tắt đèn điện thắp đèn cầy ăn thịt cầy… âm âm u u
thế mà gọi mời đáo để. Những câu chuyện về đời, về chó của lão dưới ánh nến bao
giờ cũng khiến khách ăn cảm thấy bữa rượu thịt đậm đà. Bữa nào lão không tới, họ
lại ăn uể oải đòi lão có mặt. Bọn họ gọi lão là “lão Tầm Xuân”. Cái quán ven đường
rôm rả hẳn lên khi ông lão mặt rỗ hoa, ăn mặc nhếch nhác bước vào. Họ hát ong ỏng
đón lão:
“Nụ tầm xuân nở ra xanh biếc. Em đi lấy chồng anh tiếc lắm
thaỵ Già rồi tiếc vẫn chưa nguôi. Xắn quần anh lội suối, khòm lưng anh vượt
đèo…”
Có hôm, men rượu không giải được nỗi sầu vô vị, họ lại đem
lão ra giải buồn. Họ đổi những tin “dỏm” về cố Xuân bằng những câu chuyện của
lão hoặc một cú tẩm quất sướng ê người. Nếu quán vắng khách, họ nằm ườn ngay
trên nền quán, ưỡn tấm thân trẻ trung rã rời cho lão tẩm. Xương bật giòn tan,
còn bọn họ lè lưỡi: “Hồi trẻ, lão phải vật trâu!”
– Hồi trẻ, tôi giật đến hai giải thi vật – Hứng chí lão
khoe.
– Thế mà không vật nổi cô Xuân dong dỏng, trắng tươi, hát
hay xinh đẹp.
Cả bọn cười ồ còn lão bỗng tiu nghỉu. Lão ngừng đấm hỏi:
– Lần này “dỏm” không đó?
– Dỏm 50%. 50% có thể thật. Đứa nào nói dối 100% hộc bia ra
ngay.
Chân dung cố Xuân thay đổ xoành xoạch. Khi thì cố Xuân ở tận
bên làng biển An Hải, mù vì khóc lão. Khi thì ở trên Hòa Khánh, điếc đặc. Khi
thì ở tận Hòa Cường, suốt ngày ho sù sụ…
Có lúc bọn trẻ kéo vào quán một bà già nghễnh ngãng, ré lên:
“Lão Tầm Xuân ơi, cố Xuân đây nè!”. Bà già chửi te tua còn bọn chúng cười hô hố.
Chỉ có lão không nói một lời. Tôi có cảm tưởng có cái gì nặng hơn chiếc lá khô
vỡ tan tành trong lòng lão. ôi lão Tầm Xuân! Lão tìm trong cuộc đời nước chảy
mây trôi như một hình bóng của ký ức thì tìm sao đặng? Những cuộc “gặp” ấy để lại
trong lòng lão dư vị cay đắng. Lão ngồi uống rượu suông, mắt mờ đục như có khói
và lão hát. Dĩ nhiên không phải để cho chúng tôi nghe! Lão hát hay lắm. Hay đến
nỗi có lần tôi phải chở vợ đến nghẹ Nàng đứng ở ngưỡng cửa nghe lão hát bài ruột:
“Khi tương phùng, khi tương ngộ. Xuôi lên bộ, văng vẳng tơ tình. Chiêm bao lần
chẵn năm canh. Bao lần anh ngồi tựa trăng thanh. Thương nhớ sâu oanh. Lẻ loi
chim nhạn. Bạn tình ơi! Em biết đến bao giờ gặp mặt sánh đôi. Suốt năm họa là.
Duyên bén ngãn, văng vẳng tơ tình. Trước không phải, sau đền duyên ba sinh”.
Khó tưởng tượng một giọng hát say đắm ngọt ngào dường kia lại
thoát ra từ một lồng ngực hom hem phô những giẻ sườn. Vợ tôi bảo không phải lão
hát mà tình yêu lão hát. Nàng có đôi chút học vấn để nhận xét: đằng sau vẻ ngù
ngờ, xấu xí, già nua kia là một trái tim thực có một cô Xuân dong dỏng, trắng
tươi, hát hay, xinh đẹp trên đời. Cô Xuân ấy không bao giờ già, không bao giờ xấu,
không bao giờ chết trong lão!
Sau lần nghe lão hát và những câu chuyện tôi kể về lão, vợ
tôi bỗng trở nên “ái mộ” lão. Nàng bảo tôi chở lão đến nhà chơi rồi lão trở
thành khách quen thuộc của cả nhà. Họ cũng bị lão “mê hoặc” như cả quán cầy tơ
của bà béo. Lũ con tôi quý lão vô cùng. Lão bày chúng hát nghêu ngao những bài
quan họ. “Sớm đi chơi hội, tối về quay tợ Dải yếm phất phợ Miếng trầu, mồi mốc.
Miếng ăn, miếng buộc. Miếng gối đầu giường. Muốn tìm người thương. Tìm đâu cho
thấy?”… Lão cho chúng những đồ chơi thật ngộ – những con vật bằng lá dừa biết
ngúc ngắc, con gà trống bằng đất sét lòe loe.t xanh đỏ tím vàng kẹp chiếc kèn
lá có thể cất tiếng gáy… Bếp nhà ấm áp khi có lão. Lão nếm rượu chính xác như
đo, hàn giúp cái xoong, cái nồi rất khéo. Lão mơ màng kể cho chúng tôi nghe những
ngày hội Lim, những liền anh áo the khăn xếp, liền chị thắt lưng hoa lý, yếm
đào con nhạn, mắt lá răm lúng liến hát thâu đêm. Tôi ngồi nghe lão tả những làn
điệu quan họ đắm say miên man dìu dặt và yêu cầu lão hát nhưng thường lão lắc đầu.
Lão bảo hát quan họ phải có đôi, có bạn, có chỗ. Ký ức lão còn giữ nguyên vẹn
những ngày hội quê lão: Hội làng, Hội Xuân, Hội mùa… Trai thi mạnh, gái thi mềm.
Thi hoa, thi vật, kéo co, hát chèo, nấu cơm, đánh đu, cờ người…
– Lão gặp cố Xuân ở những ngày hội đó à?
– Vâng. Đó cũng là ngày hội quan họ, cả vùng như ngấm men
say, phát cuồng vì hội lễ. Năm ấy anh cu Rỗ là tôi tròn 18 tuổi, được cử vào bọn
quan họ làng để luyện giọng thi hát với bọn quan họ làng bên kia sông. Nhà tôi
ba đời hát quan họ. Tôi luyện trên dưới 200 giọng, thế mà khi hát đôi với cô ấy
tôi run. Tâm hồn tôi lơ lửng không đặt hết vào lời. Cô ấy là tiên quan họ. Ngày
xưa cô Tấm cũng đẹp thế là cùng! Giọng hát sóng sánh. Mắt đen lóng lánh. Môi cắn
chỉ đỏ thắm. Cần cổ như cuống hoa huệ… Tôi say, say lời hát, say cô ấy, quên cả
ngón ruột phải tung ra vào phút chót để thắng dứt điểm. Cuộc thi kéo dài đến ba
ngày. Tiếng trống dứt mới giật mình ngơ ngẩn. Dĩ nhiên tôi thua…
– Đa tình thế sao không lấy?
– Lệ quan họ những đôi trai gái đã kết bạn quan họ không lấy
nhau. Tình yêu có nảy sinh thì cũng gửi thương gửi nhớ qua lời hát. Kết nghĩa
quan họ như kết nghĩa anh em, được cha mẹ hai bên, dân hai làng chấp nhận. Tình
bạn ấy chân thành, thủy chung, thắm thiết không chỉ đời mình mà có khi còn đến
đời sau. Làng tôi có nhiều cặp quan họ khi đầu bạc răng long, tình yêu trong
câu hát xưa vẫn không tàn. Có dịp gặp nhau trên chiếu quan họ, họ lại sống lại
thời xuân sắc. Anh em kết nghĩa quan họ gặp nhau “xuân thu nhị kỳ”, đến thăm
nhau, ăn uống, vui chơi, ca hát với nhau. Mỗi bên có chuyện vui buồn đều tổ chức
đi lại thăm viếng. Tôi nhận ra một điều: người ta có thể cho nhau niềm hạnh
phúc to lớn biết dường nào và chẳng lần nào giống lần nào… Rồi cô ấy cũng phải
đi lấy chồng. Bọn quan họ chúng tôi đến chia vui. Tôi đau lòng hát miên man…
Mắt lão bỗng mơ màng xa vắng. Rồi một giọng hát trẻ trung đằm
thắm da diết cất lên: “Ăn quả nhãn lồng. Ước sao người ấy tôi bồng trên taỵ..”.
Không phải lão Tầm Xuân tóc bạc da mồi hát mà anh cu Rỗ tóc đen như mun, da mầu
đồng, có giọng hát Trương Chi hát! Cô ấy hiểu lòng tôi, chú ạ!
Lão lại ngưng hát, kể: Tôi hát bài “Khi tương phùng, khi
tương ngộ” ngang nửa bài thì cô ấy xen ngang, hát tiếp: “Bạn tình ơi! Em biết đến
bao giờ họp mặt sánh đôi… Trước không phải, sau đền duyên ba sinh”. Chúng tôi cắt
câu quan họ làm đôi, mỗi đứa giữ một nửa. Hẹn kiếp sau chắp lại.
Sau đó là chiến tranh… nạn đói… Câu quan họ tan tác trăm
phương. Tôi vào Vệ quốc quân, tham gia kháng chiến chống thực dân Pháp, khi hòa
bình lập lại, tôi về làng thì nghe cô ấy đã theo chồng… nghe nói vào Nam.
Rồi tuổi già đến. Già buồn lắm chú ạ! Cô đơn và bất lực. Chết
không đáng sợ bằng tuổi già. Sống đến đó, người ta mới nếm tận cùng chén đắng
cay của đời. Tôi sợ hình ảnh ông hàng xóm ngày nắng được bế cả người lẫn chăn
ra hong nắng. Nắng rực rỡ đọng thành từng vũng quanh ông ấy, còn ông ấy nhăn
nhúm trong cái chăn rách… Tôi có cảm tưởng ông được đem phơi cho chết vi trùng.
Có bà, được mua cho một cỗ hậu sự thật tốt. Lâu không chết, áo quan bị mọt đục.
Ngày nắng con cháu đem ra phơi, trở qua lật lại rửa ráy càu nhàu… Luật đời chú ạ!
Già thì lụi tàn, phải chết. Sống lâu thành nợ của mọi người ngay con cái cũng
chán… Một lần tôi ốm, trận ấy ốm thương hàn, thập tử nhất sinh. Trong những cơn
mê, tôi cứ nghe một giọng hát lảnh lót níu tôi lại trần thế: “Người về bỏ bạn
sao đành. Người về em vẫn đinh ninh tấm lòng…”. Giọng cô ấy! Chỉ có cô ấy mới
có cái giọng la đà sát ngọn cỏ, cao vút chạm mây xanh, thầm thì luồn lách trong
da trong thịt. Tôi tỉnh lại đang mơ màng thì nghe giọng dâu con thở than gần hết
ngày tốt mà cha chưa chịu đị Tôi mở mắt, chúng nó lại ríu rít hỏi han, làm ra vẻ
vui mừng… Sau lần ốm ấy, tôi nghĩ đến chuyện đi tìm cô ấy. Chính cô ấy níu tôi
lại cuộc đời này. Tôi phải đi tìm nửa câu quan họ cắt đôi. Trẻ không lấy nhau
được, già ở bên nhau, hát với nhau cho đỡ côi cút. Trước sau vẫn là bạn có gì
sai trái đâu?
Lão im bặt. Đôi mắt già nua chìm trong cõi vắng. Thời gian với
lão chỉ là lớp bụi mờ. Gió thổi, bụi bay, dĩ vãng lại hiện ra nguyên vẹn trước
mắt lão. Đêm ấy, lão hát miên man bên bếp lửa tàn. Một mình hát, một mình nghe,
một mình mở hội đồi Lim, lúng liến, đắm say, chân tình lai láng.
Thế mà sau một tuần đi công tác xa về, con tôi đã mếu máo
níu áo ngoài cửa đòi tôi đi tìm lão Tầm Xuân. Thì ra lão đã bỏ đi… Tự nguyện
theo lão là con chó mập ú của bà Tư cầy. Dường như chán gặm xương đồng loại, nó
bỏ theo lão Tầm Xuân.
Tôi cũng vô tình quên lão nếu không có lần gặp lại ở Hàng
Xanh, Sài Gòn cách đó hai năm.
Đó là một buổi trưa nắng chang chang. Con hẻm em gái tôi ở
vang lên tiếng rao lạc lõng: “Ai hàn xoong hàn nồi, mài dao mài kéo không…? –
Tiếp liền sau một giọng hát cất lên :”Khi tương phùng khi tương ngộ, xuôi lên bộ
văng vẳng tơ tình… thương nhớ sầu oanh, lẻ loi chim nhạn. Bạn tình ơi…”. “ôi!”.
Lão. Lão chứ còn ai nữa. Không kịp xỏ dép, tôi chạy nhào ra hẻm gọi ơi ới: “Lão
mài dao… lão Tầm Xuân”. Lão quay phắt lại rồi ôm chầm lấy tôi mừng rỡ. Mới hai
năm mà lão già thêm nhiều. Lão đã thực sự già thêm nhiều. Lão đã thực sự già!
Gương mặt chằng chịt nếp nhăn lỗ chỗ nốt rỗ như tấm gỗ mọt. Đôi mắt mờ đục, giọng
hát khào khào. Lão mang lỉnh kỉnh dụng cụ hàm mài. Câu quan họ lầm lũi lạc
theo, lạc lõng trong thành phố hoa lệ. Con chó vàng của bà Tư cầy lẽo đẽo theo
bên. Chỉ khác là nó không còn mập ú nữa, nó xơ xác gầy nhom như chủ.
Chúng tôi tấp vào quán nước bên đường. ở đó tôi được biết vì
sao lão bỏ đi đột ngột. Bà chủ quán thịt cầy cùng dãy với bà Tư béo bảo có gặp
một bà người Bắc đi xin ở Gia Định biết hát quan họ và y hệt cô Xuân của lão.
Thế là họ đi!… Quán bà Tư mất hấp lực, đâu lại vào đấy. Tôi nghĩ thế nhưng
không nói ra, sợ lão buồn. Tôi định bụng khuyên lão trở về quệ Không ngờ lão
cũng nói:
– May gặp nhau lần cuối… Tuần sau tôi về chú ạ. Tiền tàu xe
đủ rồi… Tôi về để mười ba tháng Giêng tới dự hội Lim lần cuối. Hội Lim giờ đâu
như xưa nữa… Nhưng tôi vẫn nghe tiếng trống vào hội giu.c giã lòng tôi. Tôi yếu
rồi! Tôi đã nghe đất gọi Quê gọi Đành hẹn kiếp sau vậy…
Tôi nhìn lão, còn lão nhìn dòng xe cộ nườm nượp đến chóng mặt.
Chiều tà dần trong đôi mắt mầu hoàng hôn.
– Lâu ngày gặp lại, tui với lão mần đích đáng một bữa thịt
chó đi! ở đây có Bồng Lai quán nghe nói khá lắm, ăn hoài không đã miệng. Tui mời
lão.
– Cảm ơn chú! Nhưng năm rồi tôi không đụng thứ đó. Tôi sẽ
không đụng cho đến ngày cuối đời…
Lão cúi xuống vỗ về vào lưng con vàng. Con chó ngước đôi mắt
nặng trĩu yêu thương nhìn lão rồi không dằn lòng nổi, nó đứng trên hai chân
sau, vừa kêu ư ử hài lòng vừa liếm khắp người lão.
– Chú thấy đấy! Cứ tưởng tượng nó thành những đĩa dồi, đĩa
luộc, đĩa xào, xáo… là tôi lợm giọng rồi… Không có nó tôi không sống nổi ở đây
đến hai năm… Nó sưởi ấm tôi, kéo tôi đứng dậy, nó bị đánh què cẳng vì ăn cắp của
người ta để cho tôi ăn những ngày tôi ốm… Nó từng sung sướng… theo tôi nó mới cực
thế này… Nó…
Lão nghẹn ngào, mắt hấp háy. Giọt lệ tuổi già chắt mãi mới
thành dành cho kẻ đồng hành bốn chân!
Khoảng mươi hôm sau, con dao chặt thịt bị mẻ, em tôi nhắc:
– Không thấy lão mài dao kéo vào xóm… cái lão thật lạ, không
lo kiếm khách chỉ lo hát… Có đồng nào mua đồ ăn lại chia đôi cho chó một nửa.
Con chó cũng đáo để, không bao giờ ăn trước chủ dù có đặt trước miệng… Người
già cũng lạ! Trại dưỡng lão em làm có một bà già… nhập trại ba năm không nói một
lời, tưởng câm, khi gần chết hóa ra biết hát. Cái giọng cái điệu, cái lời na ná
như lão mài dao.
– Đâu? Bà ấy ở đâu? – Tôi chụp tay nó.
– Ở trong, sắp chết rồi. Mà anh hỏi làm gì?
Tôi kéo áo nó, bắt nó chở đi rồi tôi sẽ giải thích. Dọc đường
tôi kể vắn tắt chuyện lão Tầm Xuân đi tìm nửa câu quan họ. Tôi linh cảm đó là cố
Xuân.
– Ba năm trước, một người đàn ông sang trọng, gương mặt tràn
trề nhân ái dẫn bà ấy vào trại. ông ta bảo với Ban quản đốc ông ta thấy bà già
cơ nhỡ, ngủ trước hiên nhà nên thương xót dẫn giúp vào đây. Ba năm ở đây, bà ấy
sống lặng lẽ như bóng không hề nói, nằm quay mặt vào vách. Nhưng cách đây một
tháng, dường như không nén được nỗi đau đớn, bà ta khóc rống lên: “Hắn là con
tôi, cái thằng dẫn tôi vào đây chính là con tôi”. Mấy hôm nay bà ta hát… không
ăn, không uống… chỉ phều phào hát… Em tôi kể.
Bây giờ nằm trước mặt tôi, trên chiếc chiếu tỏa mùi khai thối
trải trên nền gạch loang lổ là bà cụ tóc trắng như bông vấn vành khăn nhung đã
sờn, mỏng như giấy, mặt vàng, hơi thở dốc…
“Dong dỏng, trắng tươi, hát hay, xinh đẹp…”
Hình hài ấy không còn nét nào giống lão Tầm Xuân tả. Thời
gian cho, thời gian lấy hay tôi đã lầm? Tôi định lui ra nhưng chiếc lá khô ấy bỗng
khẽ khàng động đậy. Rồi từ lồng ngực thoi thóp hơi tàn, phều phào những tiếng,
lời rời rạc. “Bạn tình ơi! Duyên bén ngãi, trước không phải… sau đền… duyên… ba
sinh”.
Đúng rồi! Cố Xuân đây rồi! Tôi reo to giữa những gương mặt
già nua ngơ ngác – Lão Tầm Xuân ơi! Nửa câu quan họ đây rồi.
Lão tìm ba năm, nay biết tìm lão ở đâu.
Bà cụ mấp máy môi hát, âm sắc yếu dần… yếu dần… Nhanh trí,
tôi nắm lấy bàn tay còn xương với da ấy và tôi lập lại lời hát của lão Tầm
Xuân: “Khi tương phùng, khi tương ngộ, xuôi lên bộ văng vẳng tơ tình…” Giọng
hát vụng về thô ráp như đọc của tôi cất lên, và lạ lùng thay, nó tựa những giọt
nước cành dương diệu kỳ… Mí mắt bà lão động đậy, ngực phập phồng rồi giọng hát
yếu ớt cứ rõ dần hòa với cái giọng vịt đực ồ ồ của tôi. Những bà già trên nền
nhà lập tức ngồi dậy. Họ không hiểu nhưng họ vỗ tay như những đứa trẻ. Họ reo,
họ hò, họ hát ru… Những đôi mắt mờ mờ đục chất ngất nỗi buồn và bất hạnh bỗng
háo hức như mắt trẻ con. Một bà lão lục đục trong hai ba lần áo một cái gói nhỏ
mở hai ba lớp nylon bày một nhúm thịt chà bông, chần chừ ngắm rồi nhón tay bốc
hai sợi thịt đem tới đút vào miệng tôi một sợi, miệng cố Xuân, bị lời hát đẩy
ra, còn trong miệng tôi, trào thành nước mắt!
Tôi lập tức đạp xe đi quanh vùng Gia Định tìm lão Tầm Xuân
nhưng bóng lão bặt tăm… Hình như lão đã về quê rồi. Em gái tôi góp ý nhắn lão
trên tivị Mẩu tin kỳ quái được nhắc lại hai hôm: “Lão Tầm Xuân! Đã tìm ra nửa
câu quan họ. Đến gấp trại dưỡng lão số 3, đường… Mau lên kẻo không kịp”.
Không kịp thật. Cố Xuân hắt ra hơi thở cuối cùng, lão vẫn bặt
tăm. Chiếc xe tang của trại đưa cố đến lò thiêu. Không một vành khăn, không
dòng nước mắt.
Có lẽ giờ này lão Tầm Xuân đang lê bước trở về. Nửa câu quan
họ lầm lũi theo lão… Chơi vơi… Chơi vơi.
Quế Hương